Phiên dịch: Lý Quốc Sỉnh
Chương VIII

     hế là mụ Susan đã chứng kiến chiến tranh được ba năm liền.
Thoạt tiên binh lính Đức ồ ạt kéo tới; người ngựa và quân xa, rầm rập; họ qua cầu vào đúng mùa Thu bụi bám, rồi nương theo các đường đèo để tiến vào lãnh thổ Ba Lan. Muốn biết thế nào là chiến tranh chỉ cần nhìn đám binh lính mình mẩy đầy bùn, số sĩ quan dáng điệu mệt mỏi trên lưng ngựa, và đoàn xe mô-tô bận rộn tới tấp. Trọn một buổi chiều hành quân cảnh tượng cũng khá vui nếu không có những lúc ngừng nghỉ; quân xa dẫn đầu đoàn quân, lại thêm đoàn mô-tô hộ tống phía trước và phía sau. Cứ theo thứ tự đó đoàn quân qua cầu. Cũng kể từ ngày ấy, mụ Susan không thấy họ trở lại.
Sự thanh bình trở lại một thời gian; thỉnh thoảng chỉ còn vài chiếc xe cam nhông Đức vượt qua cầu rồi mất dạng trong rừng sâu; nhờ tứ bề im lặng, mụ nghe rõ mồn một tiếng động cơ vang từ xa, khá lâu rồi mới tắt, nhất là lúc xe leo đèo gầm gừ hổn hển, tiếng vọng chỉ tắt khi đoàn xe khuất sau đỉnh đồi. Mụ Susan nghỉ, từ trên cao đoàn xe đã nhìn rõ nơi chôn nhau cắt rún của mụ, mà hồi thơ ấu vào mùa hè, mụ thường rong chơi ngoài cánh đồng, hoặc mùa Đông tới chỉ quanh quẩn bên guồng tơ; đoàn xe đang bò vào những khoảng trống lởm chởm đá, cây cỏ thưa thớt, mà ở đó, trước đây, chính mụ thường thơ thẩn một mình với bao niềm quạnh hiu. Mụ đã từng bỏ ra hàng giờ, dựa vào vách đá để phóng mắt nhìn xem trên triền dốc có vật gì động đậy. Vào thời xa xưa ấy, làm gì có xe hơi; xe bò hoặc xe ngựa cũng còn hiếm nữa; có chăng chỉ toàn dân Thổ hoặc Do Thái, túm ba túm bảy vượt đèo qua Ba Lan. Mãi sau này, khi mụ rời khỏi làng, mới có đường xe lửa chạy qua cầu Szarny, tiến vào thung lũng, vẫn khoảng đất xa xưa mà mụ đứng từ ngọn đồi cỏ nhìn xuống dưới. Kể đã có nhiều năm, mụ xa cách nơi này; mười năm trời chớ ít sao, vậy mà mụ vẫn nghe văng vẳng bên tai tiếng động cơ xe hơi vượt đèo, lâu thiệt lâu, ngay cả khi chúng đã khuất dạng sau mỏm núi bon bon trên đường dốc phía bên kia, có thể, lúc đó đám con cái thằng cháu của mụ, đang đứng trên đường nhìn đoàn quân xa Đức hổn hển; thằng cháu Cụ vẫn sống trong làng. Đoàn xe Đức mỗi ngày mỗi thưa thớt. Cứ cách hai tháng chỉ có một xe cam nhông và vài chiếc xe nhỏ chạy qua vùng đó; thảng hoặc, họ cũng đậu lại; binh lính ùa xuống quán của cụ Bà để vội vã uống ly bia trước khi tiếp tục hành trình. Chiều lại cũng vẫn chiếc xe đó trở về và, tạm ngừng trước quán mụ để cho binh lính vội vã giải khát, rồi vội vã ra đi. Mỗi ngày chiếc cam nhông chỉ qua lại có ba lần. Sáu tháng sau khi chiến tranh bùng nổ phía bên kia núi, chiếc cầu ngay sau lưng nhà mụ đã bị giật sập. Sự việc đó xảy ra vào một đêm: mụ không sao quên được những tiếng ồn ào gây nên bởi tiếng kêu của chính mụ, tiếng gọi của đông lân hàng xóm, tiếng gào thét của Maria con gái mụ, đã hăm tám tuổi đời, mỗi ngày mỗi thêm giao dộng vì những ý nghĩ kỳ quặc. Cửa kính vỡ tan hoang; đàn bò rống lên trong chuồng; chó tru suốt đêm thâu; sáng ngày ra, mọi người mới biết: nguyên cây cầu đã bay gọn. Chỉ còn trơ trụi những cột bê-tông; lề đường, mặt lộ, thành cầu đều bị nứt nẻ và cắt gọn; sắt vụn bay tuốt xuống sông, nhiều nơi còn lú lên những thanh sắt dài. Mới sớm tinh sương, một sĩ quan Đức với năm binh sĩ, tới nơi lục soát cùng khắp trong vùng Berczaba; họ bắt đầu khám xét kỹ lưỡng nhà mụ Susan không bỏ sót nơi nào từ chuồng bò đến phòng căn phòng riêng của Maria; Maria đã trở thành cuồng loạn sau vụ nổ. Sau đó, họ qua nhà Temanns bới tìm từ đống rơm, từ góc phòng; căn nhà của Brachys, bỏ hoang đổ nát từ ba năm nay, cũng được họ chiếu cố. Gia đình Brachys dọn đi Preßburg: kiếm ăn từ lâu; chả ai muốn mua lại căn nhà đó và vườn tược phụ thuộc.
Bọn lính Đức tỏ ra cáu kỉnh khi họ không kiếm tìm ra bọn phá hoại. Họ còn dùng xuồng bơi qua sông để lục soát khu vực Tzenkoschik, một xóm hẻo lánh kế bên sông mà từ bờ bên này đứng trên vựa thóc mụ Susan có thể nhìn rõ tháp chuông nhà thờ lấp ló sau rừng cây. Bọn lính Đức không thấy gì khác lạ ở đó, ngay tại Tesarzy cũng vậy; họ hoàn toàn thất vọng. Có lẽ họ không biết ngay sau vụ nổ sập câu, hai thằng con trai lão Swortschiks đã biến dạng.
Mụ Susan lúc đầu không thể hiểu nổi tại sao họ lại đánh sập cầu: cứ cách hai tháng mới có một chuyến xe cam nhông, binh lính thưa thớt lèo tèo. Việc sử dụng cây cầu hoàn toàn do dân địa phương, ra đồng làm ruộng hoặc vô rừng làm rẫy. Cây cầu có còn hay không, chả gây phiền phức cho quân Đức bao nhiêu; bất quá họ chỉ cần đánh một đường vòng qua Szarny, mất khoảng chừng nửa tiếng dồng hồ cho quãng đường dài năm cây số để tới một cây cầu khác dùng chung với đường xe lửa.
Vài ngày sau mụ Susan mới hiểu dụng ý việc phá hủy cây cầu, nhờ sự ba hoa của mấy tụi tới quán mụ nhậu rượu. Tất cả mọi chi tiết đều được họ kể lại rành rẽ. Sau vụ đó, vùng Berczaba trở lại yên tĩnh, quá yên tĩnh là đằng khác, dân quê và thợ thuyền đi làm bên kia dãy núi không thấy trở lại. Tzenkoschik, trái với thường lệ, vào ngày chủ nhật vẫn đông đảo khách thừa lương hoặc những cặp tình nhân hò hẹn trong rừng, nay trở thành vắng hoe, ngay cả đám binh lính cũng không có nữa. Mới cách đó mười lăm ngày, mụ Susan lại bán được cho Temanns một chai bia, lão già keo kiệt vẫn có thói quen cất lấy rượu bia để uống. Thật là não nề cho mụ Susan phải đợi tới mười lăm ngày mới bán nổi cho lão già coi đồng xu to bằng cái đình và chẳng dám tiêu. Ai cũng đều biết lão già keo kiệt tới mức nào rồi.
Tình trạng yên tĩnh chỉ được ba tuần lễ. Rồi bỗng một hôm một quân xa Đức sơn màu xám, xinh xắn chở ba sĩ quan Đức tới để kiểm kê lại sự hư hại. Họ đi đi lại lại trên bờ sông, bắc ống nhòm quan sát hết bên trái rồi tới bên phải cả nửa tiếng đồng hồ. Họ lại còn trèo lên cả mái nhà tay vẫn cầm ống nhòm để quan sát khắp nơi thật kỹ trong khoảng từ nhà lão Temanns, đến nhà mụ Susan. Sau đó họ ra đi chẳng uống gì hết, rượu mạnh cũng không nốt.
Ngày mốt, mọi người thấy bụi bay mù mịt trên quãng đường từ Tesarzy đến Berczaba tám quân nhân gồm một Thượng sĩ và bảy binh sĩ, dáng điệu mệt mỏi, xuất hiện trước quán mụ Susan. Họ phải khó khăn lắm mới làm cho mụ hiểu họ sẽ ở trong nhà mụ và dùng cơm luôn ở đó. Mụ cảm thấy chới với, và biết ngay thế nào là dịp may của mụ rồi; mụ vội vã chạy lên phòng Maria lúc đó vẫn còn nằm liệt trên giường.
Bọn lính không tỏ vẻ gì vội vã, họ đều lớn tuổi, tối ngày ngậm ống vố và uống bia. Họ gỡ túi đeo lưng xuống để được thoải mái hơn, và chờ mụ chủ quán dọn dẹp xong ba căn phòng trên lầu nhất: một căn phòng dành riêng cho người giúp việc vẫn bỏ trống từ ba năm nay vì mụ Susan không đủ tiền mướn người giúp việc, phòng thứ nhì chồng mụ trước đây căn dặn mụ dành cho bạn bè và khách trọ; từ hồi nào tới giờ bạn bè cũng như khách trọ chả có một ai, và căn phòng thứ ba dành riêng cho vợ chồng mụ. Mụ đang vội vã thu dọn đồ đạc riêng sang phòng con gái.
Khi mụ xuống dưới nhà viên Thượng sĩ lại giảng giải cho mụ biết, Hội đồng xã sẽ thanh toán mọi sở phi cho mụ bằng tiền Đức. Mụ cứ việc thẳng tay tính toán.
Từ trước tới giờ mụ chưa bao giờ được tiếp hạng khách sộp đến thế, mụ tính nhẩm với tám người khách quý này và chỉ trong một tháng, mụ có thể thâu thập gấp bội số khách lẻ tẻ qua cầu ghé quán của mụ. Ngoài ra họ còn đem cho mụ nhiều nguồn lợi khác nữa. Công việc của đám quân nhân này chả có bao nhiêu; chỉ nghĩ tới là ai cũng phải tức cười: hàng ngày họ chia thành toán hai người một, ruổi rong trên bờ bên này sông, có khi dùng thuyền qua bên kia sông và cứ hai tiếng đồng hồ họ lại đổi phiên. Trên mái nhà có một người khác dùng ống nhòm quan sát tứ phía ba tiếng đồng hồ lại đổi người khác. Người gác trên mái nhà không mệt nhọc chút nào, họ ngồi trong ghế bành có nệm bông đặt trên một chiếc bàn; người này chỉ việc thò đầu qua mái nhà, ngói được gỡ để lại một lỗ hổng, đêm tối dùng tấm tôn đậy lại sơ sịa, anh ta chỉ việc hướng ống nhòm về phía rặng núi, khu rừng, bờ sông, thỉnh thoảng hướng về phía sau: khu vực Tesarzy. Những người còn lại, không có phận sự chả biết làm gì cho hết thời giờ nên thả bộ khắp đó đây. Mụ Susan ngạc nhiên vì công việc của họ quá nhẹ nhàng mà vẫn kiếm được khá tiền, cho cả vợ con nữa. Một trong đám người này, nguyên là một giáo viên, đã cho mụ ta biết số tiền vợ anh ta lãnh; số tiền to quá khiến mụ phải nghi ngờ. Quá nhiều tiền để trả cho vợ một giáo viên nhờ ông chồng được thuyên chuyển qua đây để tối ngày lê trôn từ chiếc ghế dựa này qua chiếc ghế dựa khác, tọng đầy họng nào thịt bò gu lát nào rau khoai, nhâm nhi cà phê, lúng búng bánh mứt. Thuốc lá bào họ cũng chẳng mất tiền mua, cứ việc hút thả dàn. Khi ăn đã đời rồi, họ kéo nhau sang phòng khách, vừa uống bia vừa đọc sách, họ đọc lia lịa. Sách đem theo hàng đống. Ăn chán, đọc sách chán, họ lại leo lên mái nhà để chiếu ống nhòm mà nhìn, chẳng ai hiểu để làm gì, nào rừng nào ruộng và cả những bác nông phu đang làm việc. Trong đám quân này có một chú mang tên Becker, khá dễ chịu, nhưng mụ Susan lại không có chút cảm tình nào vì hẳn chỉ đọc sách và uống rượu bia, nhưng lại làm biếng quá cỡ.
Những điều đó, nay đã quá xa. Toán quân nhân đầu tiên không lưu lại quán mụ quá bốn tháng, toán thứ nhì sáu tháng, toán thứ ba một năm. Rồi đều đặn cứ sáu tháng lại đổi toán khác. Có nhiều người đã đi lại trở lại. Chương trình hoạt động của các toán không hề thay đổi suốt ba năm ròng rã: rong chơi, rượu chè, bài bạc ngự trị trong ngai vàng thiết lập trên mái nhà; lúc ra ngoài đồng ruộng không có lý do thì anh nào anh nấy lủng lẳng trên vai cây súng dài thườn thượt. Riêng mụ Susan thì luôn luôn nặng túi, toàn là tiền. Cơm nước? Tiền. Quét dọn trong phòng? Tiền. Mướn phòng? Cố nhiên tiền. Quán của mụ chả còn người khách nào ngoài mấy ông lính đó. Phòng ăn của quán trọ vô hình trung trở thành nơi hội hợp của họ.
Cái ông Thượng sĩ trong toán đầu tiên đến quán mụ mang tên Peter, chả biết họ gì? Ông ta to lớn dáng đi nặng nề như bác nông phu, lại thêm bộ ria mép. Nhìn ông ta, mụ liên tưởng tới chồng mụ: Wenzel, đã ra đi từ hồi chiến tranh trước mà không hề trở về. Hồi đó binh lính vượt sông lên đường ra tuyến, mình mẩy bùn sình, kẻ lội bộ, người trên lưng ngựa, có đi mà chẳng có về. Chắc cũng có người trở lại nhưng phải lâu lắm kìa, họ thay đổi đến đỗi mụ không nhận được ra họ nữa. Hồi đó mụ mới hăm sáu tuổi đầu và còn là cô gái đẹp. Khi Wenzel vào trong dãy núi để hỏi mụ làm vợ, mụ nghĩ sau này mụ sẽ giàu sang sung sướng: Wenzel Susan chả gì cũng là chủ quán, có người giúp việc đồng áng, lại có cả ngựa cưỡi nữa. Mụ thương hắn vì dáng đi cục mịch của bác nông phu, vì hàng râu mép và vì hắn cũng đồng lứa tuổi với mụ. Sau đó chồng mụ thi hành quân dịch tại Preßburg ngành Bộ binh và được mang lon Hạ sĩ. Khi đoàn quân viễn chinh đặt chân lên phần đất này chồng mụ đã qua miền rừng núi Lỗ Ma Ni. Mụ nhận được của chồng gửi làm ba lần ba tấm bưu thiếp, nói vắn tắt anh ta vẫn mạnh khỏe; tấm cuối cùng báo tin anh được vinh thăng Trung sĩ. Bốn tuần sau khi nhận tấm bưu thiếp cuối cùng, mụ nhận được một tư văn từ thành Vienna gửi về báo tin chồng mụ đã anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc.
Ít lâu sau, mụ sinh hạ được một bé gái, con Maria, bấy giờ bụng đã chình ình chỉ vì cái ông Thượng sĩ mang tên Peter và hao hao giống bố nó. Mụ nhớ tới chồng mụ hồi hai mươi sáu tuổi, chứ cái ông Thượng sĩ kia, lúc đó đã bốn mươi lăm, kém mụ những bảy tuổi, nhưng mà già ơi là già!
Nhiều đêm mụ thao thức, nằm chờ con Maria chân không rón rén trở lại phòng ngủ. Đôi lúc mụ chỉ chợp mắt khi gà vừa gáy sáng. Mụ vẫn thường thao thức để chờ đợi con gái, và cầu xin trước ảnh tượng Trinh nữ treo dưới nhà có chưng bông. Thế mà con nhỏ bụng vẫn cứ thè lè ra, còn cái ông Thượng sĩ kia, ngượng ngùng và đuỗn mặt, nói với mụ, ngay sau khi chiến tranh dứt thế nào y cũng cưới Maria.
Mụ chả biết làm gì hơn là đặt thật nhiều bông trước tượng Trinh nữ treo ngay cửa ra vào. EBerczaba đã trở lại thanh bình, có lẽ sự thanh bình chỉ có ý nghĩa với riêng mụ, một ý nghĩa giả tạo, vì ở đó chả có gì thay đổi: binh lính vẫn nhàn cư trong khung cảnh để viết thư, đánh bải, uống rượu mạnh hoặc bia lại còn thêm chứng buôn lậu đồ vật khan hiếm như dao nhíp dao cạo râu, kéo, những chiếc kéo thật đẹp, và vớ. Họ đem chúng đi bán hoặc đổi lấy bơ, lấy trứng vì họ quá dư thời giờ nhưng lại thiếu bạc để tiêu xài. À, có một sự mới lạ! Trong đám quân nhân có một anh chàng tối ngày chỉ đọc sách mà không biết chán. Anh ta đã nhờ gửi tới một thùng đầy ắp sách báo, bằng đường xe lửa tới Tesarzy rồi từ đó tới đây bằng xe hơi. Anh ta tuy xuất thân là một giáo sư, nhưng vẫn phải làm công việc như những người khác: ngồi trên mái nhà bắc ống nhòm quan sát dãy núi, cánh rừng bờ sông; thỉnh thoảng lại chiếu về phía Tesarzy để nhìn đám nông phu đang cặm cụi trong đồng. Hắn cũng kể cho mụ nghe số tiền vợ hẳn đang lãnh, hàng chục ngàn tiền Đức mỗi tháng. Nhiều tiền đến thế thì chẳng ai có thể tin vì nó quá phi lý gần như nói dóc, một khi so sánh với công việc làm của đức phu quân chỉ việc ngồi dãi thể đọc sách bỏ cả nửa ngày hoặc hằng đêm để viết thư và công việc chính lại chỉ thu gọn trong việc giương ống nhòm quay tứ phía. Lại có một anh khác biết vẽ; trời nắng ráo anh ta vác giá ra bên bờ sông để vẽ núi non tuyệt vời, từ bên này sông nhìn qua, hoặc vẽ dòng nước với cây cầu bị phá hủy; anh ta còn cất công vẽ hình cho mụ, kể cũng khá giống; mụ treo tấm hình đó trong phòng khách.
Bọn lính đó, từng tốp tám người thay phiên nhau đã sống trong quán mụ liên tiếp trong ba năm. Họ cứ việc rong chơi, ăn cho mập ú, ngủ li bì rồi lãnh những món tiền kếch sù khiến mụ liên tưởng trước đây Wenzel Susan cũng được cho đi nước ngoài để phè phỡn chẳng kém gì bọn này, riêng mụ, mụ thấy cần anh chồng đó lắm vì hắn biết làm và ham là đáo để. Phải, chắc cũng vì những công việc na ná mà chồng mụ được phái ra nước ngoài để trở thành đại lãn rồi chừ lãnh một viên kẹo đồng. Nhưng đám quân nhân sống trong nhà mụ chưa ai lãnh viên đạn nào vào người; từ ngày họ tới đây thỉnh thoảng dân làng mới nghe vài tiếng súng nổ khiến họ xốn xang, nhưng khi hỏi lại thì mới biết các quan quá buồn xách súng đi săn; chả có qua lấy một con thú nào bị các quan hạ cả. Được cái may sự kiện này xảy ra rất ít trong vòng ba năm. Có một lần một mụ đàn bà hốt hoảng chạy bộ trong rừng từ Tzenkoschik tới kiếm bác sĩ cho con mụ. Mấy quan giương súng bắn mụ, nhưng phúc đức làm sao, mụ vẫn không hề hấn gì. Các quan còn chở giùm mụ qua sông bằng xuồng; còn cái ông giáo sư ham đọc, ham viết lại cất công đưa mụ tới Tesarzy nữa. Suốt ba năm, họ chả bắt gặp qua lấy một nghĩa quân nào cả; họ được một đứa nhỏ cho biết kể từ ngày mấy đứa con trai lão Swortschiks đi rồi thì chả còn ai là nghĩa quân nữa; ngay cả ở Szarny, mặc dầu có cây cầu quan trọng với đường xe lửa ở trên, mà đám nghĩa quân cũng không hề ló dạng...
Chiến tranh đem lại cho mụ Susan quá nhiều tiền! mụ chỉ ân hận, chồng mụ Wenzel Susan trước đây khi ở Lỗ Ma Ni, lại chả có cơ hội để làm việc không theo kiểu mấy ông quân nhân đang ở trong nhà của mụ. Chiến tranh đã bắt con người phải lười biếng và dâng họ cho quỷ dữ mà không ai hay biết. Riêng mụ Susan, mụ thấy nao lòng và lố bịch khi bọn đàn ông đó đã lãng phí thời giờ suốt ba năm trường để lương khoản lương tiền kích dù cho việc bắn bừa bãi vào gia súc và người đàn bà đang lo kiếm thầy chữa bệnh cho con. Quá là não lòng và lố bịch; đám quân nhân cứ việc lười chảy thây còn mụ thì tối tăm mặt mũi nào lo cơm nước cho người, nào chăm sóc đàn bò heo, gà vịt; nhưng đám người ăn hại lại là nguồn lợi cho mà đổi chác bằng công việc đánh giầy, mang vớ, giặt giũ áo quần. Mụ đã mướn được một người đàn ông từ Tesarzy tới phụ giúp kể từ ngày Maria mang bầu. Lão Thượng sĩ và Maria, lúc đó sống ngang nhiên như vợ chồng; họ ở phòng riêng với nhau; sáng sáng Maria lo điểm tâm, chải quần áo cho lão; đôi lúc ả còn phải rình rập lão nữa chứ.
Ngày này qua ngày khác mãi mãi trong suõt ba năm ròng, mới có một sĩ quan cao cấp tới thị sát vùng đó; vị sĩ quan này bận quần có sọc đỏ và cổ áo thêu chỉ vàng chói; mãi sau này người ta mới cho mụ biết ông ta là một vị tướng lãnh. Ông đi chiếc xe hơi chạy thật mau, có nhiều sĩ quan khác tháp tùng. Sắc mặt của ông giận dữ; ông nạo lão Thượng sĩ sát ván vì hắn đám trình diện ông với quân phục bê bối; không mang dây nịt và súng lục. Ông run lên vì giận, mặt mỗi lúc mỗi vàng thêm và co rúm lại vì nhăn nhó; một sĩ quan khác giơ tay chào ông run run làm tăng thêm sự nóng giận của ông. Thật tội nghiệp cho vị sĩ quan già nua này tóc điểm hoa râm, dáng điệu mệt mỏi với lứa tuổi quá lục tuần. Mụ Susan biết nhiều về vị sĩ quan này một người rất tốt và nhân ái. Ông có ghé quán mụ đôi lần bằng xe đạp nói dăm ba câu chuyện vui vẻ với mọi người. Mỗi lần anh lính giáo sư ra tiễn ông, ông đẩy chiếc xe đạp, cùng đi bộ với hắn một quãng dài. Khi Thượng sĩ Peter đã nai nịt gọn ghẽ nào súng sáu, nào dây lưng, đoàn sĩ quan cao cấp được hướng dẫn qua sông, vào rừng trở lại bờ bên này, ngừng lại trước cây cầu sập, leo lên mái nhà. Đoàn sĩ quan sửa soạn lên xe. Hai quân nhân do Thượng sĩ Peter chỉ huy dàn chào, đứng nghiêm cứng nhắc, giơ tay chào. Khi chiếc xe hơi đã vọt đi một quãng xa có thể gần tới Tesarzy, họ mới đám buông tay nghỉ. Thượng sĩ Peter trở vào trong quán, dáng điệu bực tức, liệng chiếc nón kết lên bàn và nói với Maria: “Hình như họ tính chuyện cất lại cây cầu!”
Hai ngày sau, một chiếc xe hơi khác từ Tesarzy lao tới; một sĩ quan và bảy quân nhân nhảy vọt từ xe xuống đất, đám người này đều trẻ và khỏe mạnh. Viên sĩ quan vội vã tới gặp Thượng sĩ Peter và nói chuyện khá lâu trong phòng riêng. Maria kiếm cớ vào trong phòng để nghe lóm nhưng vị sĩ quan thẳng tay đuổi ả ra ngoài. Ả khóc thút thít dưới chân thang khi mọi người sửa soạn hành trang vì họ đã bị con người mới tới thay thế. Ả khóc lớn tiếng hơn và bực mình khi lão giáo sư vỗ nhẹ trên vai ả; còn Thượng sĩ Peter, mặt đỏ như gấc cố gắng vỗ về, thuyết phục ả. Maria đeo cứng theo lão khi mọi người ra tới chiếc xe cam nhông vẫn còn chờ ở đó. Chiếc xe vọt chạy thật mau cũng như đi đến; bọn người cũ trở lại Tesarzy. Maria nghẹn ngào trên bậc thềm; ả biết rõ Thượng sĩ Peter có hứa gì chăng nữa cũng chả bao giờ hắn trở lại...
Feinhals đặt chân xuống Berczaba hai ngày rồi mà chiếc cầu vẫn chưa được sửa. Berczaba quá hẻo lánh, nhà cửa chỉ lèo tèo có một quán rượu và hai căn nhà mà một đã đổ nát. Lúc Feinhals tới xã này, một làn khói dầy đặc bốc lên từ những đống lá khoai khô đang được đốt cháy ngoài đồng. Ở đây hoàn toàn yên tĩnh đến đỗi không ai nghĩ rằng đâu đó đang có chiến tranh.
Khi xe hồng thập tự đưa anh từ tuyến đầu trở về không ai để ý tới vết thương của anh. Lúc anh được đưa lên bàn mổ người ta mới biết vết thương của anh do miểng chai, một miểng chai rượu Tokai thật nhỏ, viên y sĩ trưởng đã phải viện dẫn nhiều lý do để khước từ việc đề nghị chiến thương bội tinh cho anh thiệt là khôi hài nếu anh được chiến thương bội tinh do miểng chai; ngoài ra người ta còn nghi ngờ anh đã tìm cách tự hủy hoại thân thể. Thiếu úy Brecht, một nhân chứng, phải làm tờ tường trình ủy khúc nên việc của anh Feinhals được bỏ qua; vết thương của anh được lành lặn ít lâu sau. Anh cứ tiếp tục uống rượu mạnh đều đều đến đỗi người ta phải di tản anh qua một Trung tâm khác rồi từ đó tới Berczaba.
Anh ngồi trong phòng khách của quán rượu chờ -cho Gress nhận xong phòng trống trên lầu. Anh vừa uống rượu chát vừa hướng tâm tư về Ilona; ngay ca lúc xe lắc lư chuyển động để đưa anh đi, anh cũng nhớ rõ, hình ảnh bọn lính đang lục lọi khắp xó xỉnh sợ còn bỏ sót lại một vài đồ vật vô giá trị, mụ chủ quán, tuy trọng tuổi nhưng vẫn còn đẹp và một người đàn bà khác đang nức nở ngoài cửa; tất cả đang làm anh nghĩ ngợi mông lung.
Tiếng khóc than càng lớn hơn khi chiếc xe cam nhông rồ máy để tiến về khu vực anh và các bạn vừa rời bỏ. Gress xuống kêu anh lên lầu. Căn phòng dành cho anh và Gress tường vôi nứt nẻ từng khoảng rầm mái nhà đen kịt; không khí trong phòng ngột ngạt, mặc dù cánh cửa sổ ngó xuống vườn có cây trái, có cỏ non, có cả hàng rào hoa, có chuồng bò; cuối sân một kho lúa cất gần triền sông; ngoài phía cửa kho một chiếc xuồng sơn đã rộp được cột cẩn thận vào cọc sắt; gió bên ngoài cũng đứng im, thành thử không khí bên trong phòng không thay đổi được cảnh vật bên ngoài thật yên tĩnh. Bên tay trái sau hàng giậu, tàn tích của chiếc cầu, cột bê-tông vẫn còn vươn lên và phủ đầy rêu, những thanh sắt rỉ vẫn nhô lên khỏi mặt nước. Chiều ngang mặt sông, ở quãng đó rộng khoảng chừng năm chục thước, Feinhals ở chung phòng với Gress. Họ chỉ vừa mới quen biết nhau ngày hôm trước ở trạm phân loại. Anh nhất định chỉ nói với hắn những điều cần thiết. Quả vậy, Gress, mang rành rành trên ngực bốn chiếc huy chương, vừa gặp anh là nói chuyện toàn về phụ nữ hết Ba Lan, Lỗ Ma Ni rồi tới Pháp, tới Nga Theo lời hắn nói, cô nào cô nấy mê hẳn như điếu đổ; khi họ nghe tin hắn phải ra đi đều buồn đến héo hon cả ruột gan. Feinhals chả thiết nghe những điều hắn nói vừa chướng vừa buồn làm sao đâu; có thể nói toàn những chuyện buồn tê tái và não nề. Gress thuộc hạng người tự nghĩ rằng hễ họ đã nói thì người khác phải nghe nhờ những tấm huy chương vàng vàng nơi ngực áo, và nhiều hơn cả mức độ thường.
Vả lại Feinhals, anh chỉ vỏn vẹn có mỗi một tấm huy chương, bắt buộc phải giỏng tai nghe mà không được nói cũng như không được hỏi điều gì. Cũng may cho anh được cắt cử phụ trách đài quan sát cùng với Gress; hai người sẽ luân phiên nhau, và như vậy anh lánh mặt hắn ít ra cũng vào ban ngày.
Khi Gress vừa nói ý định hắn muốn chinh phục một nàng con gái Tiệp Khắc, Feinhals vội vã lên giường ngủ. Mặc hắn chứ; quyền của hắn mà; hắn muốn làm gì thì làm!
Tối đến là Feinhals đã mệt nhoài, bất luận anh nằm đâu cũng hy vọng được mơ thấy Ilona nhưng chuyện đó lại chả bao giờ xảy ra. Anh tập trung tư tưởng để nhắc lại những lời Ilona đã nói với anh; đến khi anh ngủ thiếp đi, anh chả còn mơ tưởng gì cả. Lắm lúc anh mường tưởng, chỉ khẽ quay mình lại là nghe rõ hơi thở của nàng; nhưng hỡi ơi, thật sự nàng đâu có nằm bên cạnh anh và thật sự, lúc đó nàng ở xa, thật là xa. Vậy thì anh có mơ ước lắm cũng chả ích gì. Chắc chắn không có Ilona nào ở đó cả!
Buổi tối, ngồi trên giường, trước khi ngủ, anh sốt sắng đọc kinh; anh nhớ lời Ilona dặn dò trước đây khi họ chia tay; Ilona tỏ vẻ thẹn thuồng khi đề cập đến chuyên ấy, trong căn phòng nhỏ bé, ngổn ngang loài thú nhồi bông, các loại khoáng chất, bản đồ và sơ đồ về phương pháp vệ sinh. Mỗi lần nhắc tới vấn đề tôn giáo, Ilona lại thấy khó khăn, mặt nóng bừng bừng; đối với nàng nghề truyền giáo, giảng dạy tình thương và lòng nhân đạo là một điều quá khó; nàng bất mãn khi thấy Feinhals không chịu tới nhà thờ xem lễ, viện dẫn lý do anh không có cảm tình với phần đông linh mục và các bài giảng của các đấng; Ilona bất mãn với Feinhals rất nhiều; nàng đã khẩn khoản khuyến dụ anh nên sớm tối đọc kinh: “Luôn luôn anh phải đọc kinh để khỏi phiền lòng Chúa!”
Anh không thể nào tin nàng chịu để ai hôn vậy mà Feinhals đã hôn nàng; nàng lại còn tự động hôn lại anh ta nữa. Anh mường tượng nàng theo anh vào căn phòng đó: một căn phòng chẳng lấy gì làm sạch sẽ, có chiếc chậu màu xanh còn cấu lại chút nước dưới đáy, có chiếc giường lớn bằng gỗ nâu, có chiếc cửa sổ trông ra mảnh vườn bỏ thí, trái thối rụng đầy chung quanh các gốc cấy. Anh muốn mơ thấy nàng nằm bên anh, để anh thủ thỉ bên tai nàng. Nhưng chuyện ấy, kể cả ngoài thực tế lẫn trong mơ đều chưa hề xảy ra.
Sáng ngày hôm sau Feinhals bắt tay vào công việc. Ngồi trong chiếc ghế bành vắt vẻo trên chiếc bàn khập khiễng, anh thò cổ ra ngoài lỗ mái nhà chiếu ống nhòm quan sát dãy núi từ ngọn xuống tới chân. Khu rừng bờ sông và khu vực bọn anh vừa rời bỏ để tới đây, nhất nhất không bị anh bỏ sót, anh chả thấy bóng dáng một tên nghĩa quân nào ngoại trừ đám nông phu đang cặm cụi trong đồng; biết đâu trong đám người này lại chả có vài tên du kích; khốn nỗi chiếc ống nhòm anh đang cầm trong tay lại không thể phân biệt người ngay kẻ gian. Bầu không khí của căn gác xép thật ngột ngạt. Bốn chung quanh quá yên lặng khiến anh thấy khổ sở tự coi như anh đã làm cái công việc này đằng đẵng mấy năm trời. Tuy vậy anh không quên bổn phận luôn luôn điều chỉnh óng kính để ngắm dãy núi vươn lên sau đám rừng già, và sau nóc nhọn của chiếc gác chuông sơn vàng. Bên ngoài, trời trong vắt khiến anh nhìn rõ, phân biệt được cả đoàn dê đang cựa quậy giữa hai mỏm núi. Qua ống kính những con vật nhỏ bé, trắng lốp giống như những đám mây lất phất trên nền xám hoặc xanh đục của bầu trời. Sự yên tĩnh và cô quạnh xâm nhập cơ thể anh. Anh chỉ nhìn thấy đàn dê còn kẻ mục đồng lẩn quất nơi nào? Anh ngạc nhiên, thấy chúng hoàn toàn biến dạng khi anh vừa hạ ống kính khỏi tầm mắt. Anh hướng mắt nhìn về dãy núi khoảng cách quá xa nên anh không nhận thấy gì khác, đến một chút màu trắng anh cũng không phân biệt nổi. Nóc gác chuông nhà thờ tương đối gần nên anh thấy rõ hơn. Cảnh tượng ban nãy lại hiện ra khi anh đưa ống nhòm lên ngang tầm mắt: đàn dê trắng vẫn còn đó. Tiếng động dưới sân làm anh chú ý, anh thò đầu nhìn xuống anh không dùng ống nhòm lúc đó. Thiếu úy Muck đích thân chỉ huy cuộc tập cơ bản thao diễn. Feinhals mang ống nhòm để nhìn ông cho rõ hơn. Anh chỉ mới biết viên sĩ quan này cách đó hai ngày tuy vậy anh nhận thấy ông ta không muốn bỡn cợt, với khuôn mặt quắt tối tăm, hắc ám ông luôn luôn tỏ vẻ nghiêm nghị, hai tay chắp sau lưng bất động, những đường gân trên chiếc cổ gầy guộc của ông rung lên từng hồi. Muck có nước da xạm màu đất, đôi môi xám xịt, vành môi động đậy mỗi khi ông ta hô: “Bên phải! Bên trái! Đằng sau!... Quay” Feinhals chỉ có thể nhìn nghiêng ông ta ở một phía, với chiếc đầu cứng nhắc và có vẻ nghiêm nghị của người chết, đôi môi gần như không mấp máy, con mắt trái không thèm để ý tới đám binh sĩ và hướng về chốn xa xăm. Anh rời Thiếu úy Muck khỏi tầm ống nhòm để hướng về Gress. Nét mặt phì nộn của gã cũng nghiêm nghị nhưng đượm thêm vẻ mệt mỏi.
Feinhals buông ống nhòm xuống, nhìn đám binh lính đang thao diễn trong mảnh vườn hết quay trái, quay phải rồi lại đổi hướng đằng sau trên tấm thảm cỏ xanh mướt. Gần đó một người đàn bà đang máng đồ lên dây phơi căng giữa hai chuồng bò. Có lẽ chị ta là con gái mụ chủ quán, mới ngày qua còn khóc than rầu rĩ ngoài thềm cửa. Vẻ mặt rầu rầu dữ tợn của chị ả đã không làm chị xấu đi mà còn đẹp gấp bội: một khuôn mặt thanh tú với riềm môi khép chật. Chị ả không buồn ngoảnh lại ngó nhìn viên Thiếu úy và bốn người binh sĩ.
Sáng hôm sau vào hồi tám giờ, Feinhals lại trèo lên mái tiếp tục phận sự. Anh có cảm tưởng đã ngồi ở đó hết năm này tới tháng khác. Đối với anh lúc này, đương nhiên anh phải sống trong bầu không khí yên lặng và cô quạnh để nghe tiếng bò rống lên trong chuồng, ngửi mùi khét lẹt của lá khoai khô đốt cháy, đó đây còn nhiều đám bốc lửa. Anh chỉ việc nhắm ống nhòm vào chốn xa xăm trước mặt, lấy nóc gác chuông làm chuẩn là anh có ngay cảm giác quạnh hiu, hoàn toàn quạnh hiu. Trên trời thật hoang vắng, một vòm rộng pha trộn màu xám và xanh nhạt điểm tuyết thêm mỏm núi lờm chởm... Thiếu úy Muck đưa bốn thuộc viên ra bờ sông để tập ngắm súng, khẩu lệnh của ông luôn luôn ngắn trầm buồn nhưng lại vang xa lọt tới chỗ Feinhals ngồi thật yếu ớt, quá yếu ớt đến đỗi không phá tan nổi bầu tĩnh mịch của khung cảnh từ phía nhà bếp, dưới đất, vang lên giọng hát của con gái mụ chủ quán; bài ca Tiệp Khắc não nuột, buồn lê thê. Mụ chủ quán đã ra đồng với bác tá điền nhặt khoai. Feinhals tiếp tục thám sát rặng núi trước mặt bằng ống nhòm, không có gì khác ngoài những mỏm đá lởm chởm xen kẽ với khoảng trống; bỗng nhiên anh nhận thấy một cột khói trắng bóc lên từ đám rừng già phía tay mặt cái cột khói của đoàn tàu bốc lên mau và tan cũng mau vươn khỏi ngọn cây. Anh chả nghe thấy tiếng động nào khác ngoài những khẩu lệnh của viên Thiếu úy bên bờ sông và giọng hát não nuột của người đàn bà bên dưới.
Đám quân nhân rời thao trường về quán; tiếng đồng ca của họ vang lên tới chỗ Feinhals đang ngồi. Giọng ca của họ thật thảm bại, bốn người bốn giọng chọi nhau, lúng búng trong miệng; họ ca bài “Đoàn xe xám”. Thiếu úy Muck không ngớt đếm nhịp: “Một, hai; một, hai”, dường như muốn phá tan một cách tuyệt vọng bầu không khí quạnh hiu; tiếng hô của Muck, cả giọng ca của bốn quân nhân, không đủ sức trấn áp nổi sự im lặng.
Khi con người ngừng lại trước quán, Feinhals nghe thấy tiếng xe hơi chiếc xe đầu tiên, kể từ lúc họ tới đây vào sáng hôm trước. Anh ngạc nhiên, vội vã đưa ống nhòm lên mắt nhìn về phía đường cái; một đám bụi mù mịt chạy theo sau xe; anh nhìn thấy một vật gì khá to lớn, nặng nề nhô lên sau phòng lái...
Cái gì thế? - Bọn người đứng dưới đường hỏi vọng lên.
- Một chiếc xe cam nhông! - Anh đáp vọng xuống.
Feinhals tiếp tục theo dõi chiếc xe đang mỗi lúc mốt tiến gần; con gái mụ chủ quán lúc đó cũng chạy ra khỏi nhà, nói với bọn lính rồi nói lớn với anh, những gì anh không hiểu, tuy nhiên anh vẫn đáp:
- Tài xế xe không phải là quân nhân bên cạnh hắn có một người bận đồ nâu, chắc là người của Đảng. Trong xe có một máy làm bê-tông.
- Một máy làm bê-tông? - Tiếng nói dưới đất lại vang lên.
- Đúng như vậy!
Mọi người nhận thấy đúng như lời Feinhals vừa báo. Đám bụi mù sau xe đầu tiên nhỏ dần khiến cho mọi người nhận rõ còn ba chiếc khác đang nối đuối. Đoàn xe chàng về phía chiếc cầu hư hại, ngừng trên đầu dốc cầu. Feinhals nhìn rõ đồ đoàn chất trên xe thứ hai, đủ số để cất một căn nhà bằng cây. Mọi người ùa tới chiếc xe cam nhông đầu; trong số đó có cả Maria. Viên Thiếu úy không theo mọi người. Cánh cửa xe bật mở; người đàn ông bận đồ nâu bước xuống. Hắn không đội kết, nét mặt dễ thương với màu da nâu. Hắn có vẻ cởi mở:
- Hoan hô Hitler! Đây có phải Berczaba không mấy người anh em?
- Phải! - Mấy chú lính ngập ngừng đáp, tay vẫn thọc trong túi quần.
Gã đàn ông mang cấp bậc chỉ huy trên cầu vai áo sơ-mi màu nâu. Bọn lính không biết phải xưng hô với hắn ra sao? Gã đàn ông nói lớn về phía phòng lái xe cam nhông:
- Đúng rồi các bạn, tắt máy xe hết đi.
Sau câu nói, hắn rời mắt khỏi đám binh sĩ để hướng về phía viên Thiếu úy, hắn lưỡng lự rồi tiến vài bước. Viên Thiếu úy cũng làm như vậy. Gã đàn ông bận đô nâu đứng lại; lúc đó Muck vừa kịp nhận ra, đó là một nhân vật, nên rảo bước. Muck giơ tay chào trước và tự giới thiệu: “Thiếu úy Muck”. Người đàn ông chào đáp lễ rồi chìa tay cho Muck:
- Deussen! Thầu khoán! Chúng tôi tới đây để sửa lại chiếc cầu.
Thiếu úy, Muck đảo mắt nhìn đám binh sĩ họ đảo mắt nhìn Maria; nàng con gái vội vã chạy về quán. Deussen lanh lẹ chỉ chỗ đậu cho từng chiếc xe.
Deussen ra lệnh đâu vào đó, tuy gãy gọn nhưng không kém phần lịch sự. Ông ta vào thăm nhà bếp của mụ Susan, mỉm cười, mím môi và chẳng nói gì rồi bước qua căn nhà bỏ hoang để xem xét khắp nơi khắp chốn. Khi trở ra, Deussen nở nụ cười. Một chặp sau, hai chiếc cam nhông chở đầy vật liệu cất nhà, rồ máy quay về Tesarzy. Deussen quyết định tạm trú trong nhà lão Temanns; tì tay trên khung cửa sổ, miệng phì phèo điếu thuốc Deussen chứng kiến việc dỡ hàng từ trên xe xuống. Một người đàn ông khác còn trẻ tuổi cũng bận quân phục màu nâu như Deussen, trên cầu vai, hắn mang cấp bậc Thượng sĩ thỉnh thoảng Deussen lại nói lớn với hắn từ khung cửa sổ.
Trong khi đó, đoàn cam nhông cứ tuôn đến thêm nữa cả thảy mười chiếc, xe nào xe nấy đầy nhóc công nhân, cột kèo bằng sắt và xi-măng. Một giờ sau, một chiếc xuồng máy cặp bến từ dưới xuống bước lên một người đàn ông bận quân phục màu nâu vai mang lon Thiếu úy. Sau gã còn có thêm hai cô gái Tiệp Khắc trẻ dẹp. Đám công nhân đón nhận hai người đẹp bằng những tiếng cười.
Feinhals vẫn tiếp tục theo dõi việc bốc dỡ hàng. Trước tiên một bếp lò to lớn được hạ xuống rồi chuyển vào trong căn nhà đổ nát; sau đó tới lượt thành cầu, con tán, bù long, cột sơn hắc ín, dụng cụ đo lường, và đồ dùng làm bếp. Tới mười một giờ hai cô gái Tiệp Khắc bắt đầu gọt vỏ khoai. Đúng mười hai giờ vật liệu được chuyển hết từ trên xe xuống đất; xi-măng được xếp vào một căn lều vừa mới dựng tạm; đá sạn được ba xe cam nhông khác tới sau, cũng từ Tesarzy, trút thành đống ở dốc cầu.
Feinhals bước xuống viễn vọng đài khi Gress lên thế; anh bước vào phòng ăn trong quán và nhìn thấy bên ngoài có treo một tấm bảng nhỏ ghi hàng chữ “Quán ăn”.
Những ngày kế tiếp Feinhals lại được dịp theo dõi tiến triển việc cất cầu; anh ngạc nhiên người ta không quên những chi tiết nhỏ; chẳng có công việc nào thừa; vật liệu xây cất được xếp gần nơi cần thiết. Feinhals đã có địp thăm viếng nhiều công trường và, chính anh, đã đích thân chỉ huy một vai, thế nên anh rất đỗi ngạc nhiên nhận thấy công việc ở đây lại tiến triển rất mau chóng và chính xác.
Mới tới ngày thứ ba các cột cầu đã được đúc bê-tông tươm tất; cây cột chót vừa hoàn tất thì đầu này cầu đã được lát sàn sắt. Tới ngày thứ tư hai đầu cầu đã thông nhau ở đoạn chót bằng những tấm ván nhỏ; cuối tuần xe cam nhông chở tới đầu cầu bên này những phụ tùng rời và bộ phận chót. Khi tấm ván cuối cùng nối liền hai đầu cầu, công tác tiến triển mau lẹ hơn nữa, Feinhals không còn chú trọng vào dãy núi và đám rừng già; mục tiêu của anh lúc đó là công trình xây cất, đáng lý anh phải được tham dự; anh luôn luôn ham thích việc xây cất.
Khi bóng đêm vừa sập xuống, Feinhals hết nhiệm vụ quan sát; anh ngồi ngoài vườn và thưởng thức ngón đàn Balalaika của một chàng thanh niên Nga. Stalin Gadlenko. Trong quán mọi người ca hát, uống rượu và khiêu vũ; tuy khiêu vũ bị cấm đoán nhưng Deussen ngó mắt làm ngơ. Tinh thần của Deussen quá cao; ông ta được lệnh nội trong hai tuần lễ phải hoàn tất việc xây cất lại cây cầu; nhưng theo đà diễn tiến hiện thời Deussen chỉ cần có mười hai ngày là đâu đó xong xuôi. Deussen tiết kiệm xăng nhớt bằng cách dự trữ sẵn trong nhà mụ Susan hoặc lão Temanns, nên khỏi cần phải đi xa hơn để lo việc tiếp tế. Vấn đề vật chất và sức khỏe của mọi người được Deussen lo lắng chu đáo: cơm ngon, thuốc hút đây đủ. Ông ta nghĩ chẳng thiệt thòi gì một khi đem uy tín cá nhân ra áp dụng; dĩ nhiên là đám người thuộc quyền phải sợ hãi và sự kiện đó có thể trở ngại nhiều cho công vụ. Deussen đã xây lại rất nhiều cầu, đa số bị giật mìn nhưng vẫn còn dùng được; chưa lần nào Deussen bị trễ hạn.
Mụ Susan là người mừng nhất: cây cầu được sửa lại, và đứng vững cho tới khi hết chiến tranh, binh lính và dân chúng vùng kế cận sẽ qua lại tấp nập. Đám công nhân cũng tỏ vẻ hân hoan. Cứ cách ba ngày lại thấy xuất hiện một chiếc xe hơi nhỏ, chạy rất nhanh thắng gấp trước quán mụ Susan chiếc xe được sơn màu nâu nhạt nó chạy từ hướng Tesarzy tới, một người đàn ông dáng điệu mệt mỏi già nua, bận quân phục màu nâu mang cấp bậc Đại úy bước xuống xe. Đám công nhân được tập hợp lại để lãnh lương; họ lãnh rất nhiều tiền để có thể mua nào vớ, nào sơ-mi do bọn lính bán lại chiều tối, họ uống rượu rồi khiêu vũ với hai cô gái Tiệp Khắc phụ trách việc bếp nước.
Đến ngày thứ mười, Feinhals nhận thấy cây cầu đã hoàn tất; lan can và ván cầu đã được ráp kỹ càng, cột sắt và xi-măng dư thừa được chất lên xe; căn lễu chứa xi-măng cũng được tháo gỡ và cho lên xe luôn. Nửa số công nhân và một trong hai cô gái Tiệp Khắc rời công trường đi nơi khác. Khu vực Berczaba trở lại yên tĩnh. Mười lăm người thợ, Deussen và chàng thanh niên bận quân phục màu nâu mang lon Thượng sĩ vẫn còn ở lại, dưới bếp chỉ còn một cô gái Tiệp Khắc; Feinhals luôn luôn dòm ngó cô ta vào lúc buổi sáng khi cô ta ngồi bên cửa sổ gọt vỏ khoai, nhặt rau hoặc dùng chầy dần thịt. Trông cô gái thật đẹp, nhất là lúc cười với chiếc miệng thật tươi, hàm răng trắng nuột, đôi chân mày thanh tú, muốn ngắm nhìn cô gái vào giờ khắc đó anh chỉ cần chiếc ống nhòm về phía bên kia đường là thấy ngay cô gái ca hát tối ngày. Tối hôm đó anh xuống quán khiêu vũ với cô gái. Cũng kể từ sau buổi gặp gỡ đó, anh thường khiêu vũ với cô ta để có dịp ngắm nhìn đôi mắt huyền, rung cảm trong vòng tay trắng muốt và chắc nịch của cô gái, mùi hôi khét lẹt từ căn nhà bếp đưa ra làm anh hơi thất vọng. Trong phòng chỉ có mỗi mình cô ta là đàn bà nếu không kể Maria đang ngồi ở quầy hàng và chẳng hề khiêu vũ với người nào. Đêm tối anh mơ tưởng tới cô gái Tiệp mà anh không hề biết tên, anh mơ tới cô ả quá kỹ đến đỗi vừa nằm xuống hình ảnh Ilona lại xuất hiện trong đầu óc anh thật lâu và thật đậm.
Ngày hôm sau anh không chiếu ống nhòm, về phía cô gái nữa mặc dù anh nghe văng vẳng giọng hát êm dịu của cô ta, anh hướng ống kính về dãy núi; anh vui thích khi nhìn thấy đàn dê và chếch về phải tháp chuông nhà thờ, từng đám mây trắng di chuyển, từng đợt trêu nền xám hoặc xanh nhạt.
Feinhals vừa hạ ống nhòm xuống thì kịp nghe một tiếng nổ lớn xa xăm, có lẽ là tiếng súng, vang dội tới chân núi. Đám công nhân đang làm việc trên cầu ngưng tay; cô gái Tiệp Khắc ngưng hát; Thiếu úy Muck vội vã chạy lên gác xép giật chiếc ống nhòm từ tay Feinhals chiếu về dãy núi Muck quan sát thật lâu; không có tiếng nổ nào kế tiếp. Ông ta trao lại ống nhòm cho Feinhals, lặp bặp trong miệng: “Cẩn thận nghe” rồi chạy và xuống sân để kiểm soát việc lau chùi vũ khí.
Chiều hôm ấy có vẻ yên tĩnh hơn bao giờ hết mặc dù vẫn có những tiếng động cố hữu: thợ thuyền của cột sơn hắc ín trước khi ráp và bắt bù long; giọng nói của mụ già giảng luân lý cho con gái, cố gắng thuyết phục nhưng cô con gái vẫn câm như hến, và tiếng hát nho nhỏ của cô gái Tiệp Khắc kế bên cửa sổ mở rộng đang lo cơm nước cho thợ thuyền. Những củ khoai to lớn vàng ngáy sôi lên trong chảo; trong cảnh tranh tối tranh sáng chiếc tô sứ đựng sà lát đầy nhóc cà chua ánh lên. Feinhals quan sát dãy núi, khu rừng già và bên kia bờ sông, tất cả đều yên tĩnh và bất động. Hai người lính gác đã biến dạng trong đám rừng chồi. Feinhals hướng ống kính về đám thợ trên cầu: lối đi lát cột đã xong được nửa, quay về phía đường cái anh nhìn thấy một chiếc xe cam nhông chất đầy vật liệu dư thừa và dụng cụ; có cả giường, cả ghế và nồi niêu soong chảo. Một chập sau, chiếc xe chở thêm tám công nhân rồ máy trực chỉ hướng Tesarzy. Cô gái Tiệp Khắc tì tay trên khung cửa sổ ra dấu từ biệt họ. Sau giây phút đó khung cảnh đã yên tĩnh lại càng yên tĩnh hơn. Sâm sẩm chiều chiếc xuồng máy ngược dòng nước lướt tới. Trên cầu chỉ còn thêm một vài chiếc cột cuối cùng để lấp nốt khoảng trống chừng hai thước chiều dài. Đám công nhân ngưng việc để nguyên đồ dùng tại chỗ; chiếc xe cam nhông ban nãy, đã trở lại đem theo một giỏ trái cây, vài chai rượu. Feinhals đang chờ đợi được thay phiên bỗng vang lên nhiều tiếng nổ tương tự như tiếng sấm sét giả tạo trong rạp hát; mỗi tiếng nổ vang dội thành nhiều tiếng khác lăn từ hốc đá này tới hốc đá khác rồi lần lượt tắt tiếng. Sau chừng ba hoặc bốn tiếng nổ chính, sự im lặng trở lại. Thiếu úy Muck chạy ào lên đài quan sát, đôi mắt căng thẳng, ông ta đưa ống nhòm từ trái qua phải không bỏ sót quãng nào trên đỉnh núi; khi không thấy gì khác lạ, ông lắc đầu hạ ống kính xuống, rồi điền mấy hàng chữ trong mẫu báo cáo. Sau đó Gress được phái về Tesarzy bằng xe máy, chiếc xe dành riêng cho Deussen. Khi Gress đi rồi, Feinhals nghe thấy từng tràng đại liên trao đổi nhau trong dãy núi; tiếng đại liên do Nga chế tạo đùng đục, chắc, nghe như tiếng cưa cây để phân biệt với tiếng loại súng máy do Đức chế tạo vừa sắc vừa rền chả khác gì tiếng thắng xe đã mòn bố; đạn súng bén nhạy đến đỗi anh có cảm tưởng tất cả được để tuột ra khỏi nòng súng. Tiếng súng hai loại đại liên chỉ trao đổi nhau trong khoảnh khắc kế đó có tiếng lựu đạn, chừng ba bốn trái; tiếng lựu đạn cũng vang dội mạnh mẽ, va chạm quanh queo vào sườn núi rồi hướng về phía đồng bằng, mỗi lúc một yếu ớt dần. Feinhals nhận ra khía cạnh khôi hài của sự kiện: chiến tranh mỗi khi xuất hiện, bắt buộc phải tạo nên sự ồn ào vô ích. Thiếu úy Muck chẳng buồn leo lên đài quan sát nữa, ông chạy ra đầu cầu ngó mông vào trong núi; lúc đó người ta chỉ nghe thấy có mỗi một tiếng súng, loại súng tay vì tiếng vang dội chỉ nhỏ bằng tiếng đá lăn trên triền núi. Kể từ lúc đó đến chiều tối không có gì xảy ra; Feinhals kéo tấm tôn che kín lỗ hổng rồi từ từ bước xuống dưới nhà.
Gress chưa trở lại. Thiếu úy Muck tập họp mọi người trong phòng ăn dưới nhà tuyên bố tình trạng khẩn trương kể từ đêm hôm đó; nét mặt ông pha trộn nỗi lo âu, nghiêm nghị; ông đứng mà nói với mọi người, sẵn sàng như lúc ra trận; khẩu tiểu liên đã lên đạn sẵn, treo lủng lẳng trên cổ nón sắt mắc trên dây lưng; ông vừa nói vừa lấy tay vỗ nhẹ lên hàng huy chương đeo trước ngực.
Khi Gress chưa về kịp, một chiếc xe hơi sơn màu xám đã ào tới. Hai vị sĩ quan, một Đại úy mập mạp, mặt đỏ như gấc và một Thiếu úy mảnh khảnh, vẻ mặt quằm quặm bước xuống xe. Thiếu úy Muck ra đón hai người và cả ba cùng lội bộ qua cầu. Feinhals đứng ngoài cửa quán nhìn theo họ. Trông ba bốn người, tưởng chừng họ quả quyết lắm nhưng chỉ được một đỗi, lại thấy họ trở lại. Còn chiếc xe hơi cũng vội vã trở đầu. Phía bên kia đường Deussen đứng trong khung cửa sổ nhìn xuống; đám công nhân ở phòng dưới ngồi bu quanh một chiếc bàn thô kệch còn la liệt những dĩa cà chua và khoai chiên, ánh sáng trong căn phòng rất yếu ớt nên có nhiều khoảng tối. Cô gái Tiệp Khắc đứng trong góc, một tay chống nạnh, tay kia cầm điếu thuốc vắt vẻo khoa lên rất kiểu cách để đặt điếu thuốc vào vành môi. Kiểu cách đó đối với anh hơi lối. Cô ả tiến về phía cửa sổ khi chiếc xe hơi bắt đầu chuyển bánh, ném cho Feinhals một nụ cười Feinhals mê mẩn tâm thần quên cả chào hai vị sĩ quan vừa bước qua mặt anh; chiếc áo lót của cô ả màu đậm, khoảng trống hình quả tim để lồ lộ làn da trắng mịn, tương phản làn da màu nâu trên mặt. Thiếu úy Muck bước vào trong quán và ra lệnh cho Feinhals: “Anh hãy qua bên kia lấy khẩu súng máy”. Lúc đó anh mới nhận thấy trên đường cái, ngay chỗ chiếc xe hơi vừa đậu ban nãy, một khẩu đại liên đen xì, dài thòng và những hộp đạn.
Anh bước sang đường không vội vã, khiêng khẩu đại liên, trở qua lần thứ hai lấy các hộp đạn. Cô gái Tiệp Khắc vẫn còn đứng trong khung cửa, dùng ngón tay búng đầu điếu thuốc đang cháy cho văng ra xa, rồi bỏ mẩu thuốc đã tắt ngấm vào túi của chiếc “tạp dề” cô ả không rời Feinhals khỏi tầm mắt; nàng không cười nữa, mà còn tỏ vẻ buồn, vành môi cô ả tô quá đỏ thật khó coi. Sau đó cô ả dẩu mỏ, quay vào trong để dọn dẹp. Đám thợ thuyền đứng đậy sửa soạn ra công trường.
Bọn công nhân đang làm việc trên cầu và mãi tới nửa tiếng đồng hồ sau Feinhals mới bước qua cầu, khệ nệ trên vai khẩu đại liên. Bọn công nhân rờ rẫm trong cảnh chạng vạng đặt chiếc cột chót vào cầu. Chính Deussen ra công siết cây bù loang cuối cùng. Deussen được soi sáng bằng một cây đèn gió đá; hắn dùng chìa khóa để siết bù loong nhanh nhẹn, chính xác, khiến Feinhals có cảm tưởng hắn đang quay tay quay của chiếc đàn ống Bác Ba Ri. Thoạt nhìn hắn, người ta liên tưởng hẳn đang cố gắng làm phát động những âm thanh từ một chiếc trống đặc to lớn. Feinhals đặt cây đại liên xuõng quay sang nói với Gress.
- Hãy chờ tôi một chút!
Sau câu nói Feinhals trở lui lại phía sau. Anh nghe tiếng động cơ chiếc xe cam nhông đậu trước căn nhà dành riêng cho đám công nhân, anh tiến về phía dốc câu bên này sông: người ta đang chất nốt đồ đoàn còn bỏ lại gồm một chiếc lò đun, vài chiếc ghế, một rổ khoai, chén dĩa và đồ dùng riêng của bọn thợ. Đám thợ đã leo hết lên xe, mở nút chai rượu mạnh và tu từng hơi. Cô gái Tiệp Khắc lên sau chót, đầu quấn chiếc khăn quàng màu đỏ, hành lý của cô ta không có gì kềnh càng vỏn vẹn chỉ có chiếc túi ba lô màu xanh. Feinhals lưỡng lự một chút khi cô gái trèo vào trong xe anh vội vã bước đi thật nhanh. Deussen, người cuối cùng rời khỏi cây cầu, trong tay vẫn còn cầm chiếc khóa siết bù loong, hắn từ từ tiến về phía nhà lão Temanns.
Feinhals và Gress đều thức gần suốt đêm bên khẩu đại liên mới tinh đặt khuất bên bờ tường trên đầu dốc cầu; họ giỏng tai để nghe tiếng động của đêm trường. Chẳng có gì khác thường! Khi toán tuần tiễu từ đám rừng già trở về qua cầu, bọn lính gác và tuần tiễu trao đổi với nhau vài câu. Sau đó mọi người lại lầm lũi, miệng câm như hến, lính gác tiếp tục phận sự, ngó mông trên đường cái chạy tới bìa rừng. Không có gì xảy ra vào lúc đó. Nửa đêm đổi phiên gác, Feinhals và Gress vừa nằm xuống là ngủ như chết.
Sáng ngày ra, thì Feinhals và Gress vừa nghe tiếng động đã tỉnh giấc. Gress lúng túng sỏ chân vào đôi ủng. Feinhals để chân không chạy ra phía cửa sổ nhìn xuống. Một nhóm người đứng bên kia đầu cầu đang giải thích với Thiếu úy Muck lúc đó tỏ ý định không cho họ qua. Có thể họ từ trong núi và trong làng có nóc tháp chuông cao vút sau đám rừng già. Họ nối đuôi nhau thành dọc dài, xe cộ đầy nhóc đồ đạc, giọng nói liếng thoắng the thé của họ, tỏ rõ họ quá sợ sệt. Feinhals trông thấy mụ Susan chân đi giầy vải, chiếc áo choàng khoác vội trên vai đang tiến vào cầu. Mụ ngưng lại gần viên Thiếu úy, nói với dân làng thật lâu; mụ quay sang nói với viên Thiếu úy ý chừng muốn thuyết phục ông ta thay đổi ý định. Deussen cũng đến với mọi người, dáng điệu thật ung dung, miệng vẫn phì phào điếu thuốc. Deussen nói chuyện với Thiếu úy Muck một lát rồi quay sang mụ Susan. Gress nói với Muck giúp bọn người tản cư. Cuối cùng đoàn người cũng vẫn được tự do đi nhưng theo hướng Szarny, bên kia bờ sông. Xe nào xe nấy đầy ấp nào trẻ nít, nào rương, nào bu gà vịt. Đoàn người và xe ì ạch tiếp tục hành trình. Deussen quay về chỗ tạm trú với mụ Susan, vừa đi vừa giải thích cho mụ hiểu rõ tình hình, hắn lắc đầu lia lịa.
Feinhals từ từ mặc quần áo rồi leo lên giường nằm lại. Anh định bụng ngủ thêm một giấc ngắn nhưng Gress bắt đầu cạo râu cứ đi qua đi lại tạo nhiều luồng gió trong phòng, hắn lại còn hút gió nữa. Vài phút sau, hai chiếc xe hơi chạy. Thoạt tiên người ta nghĩ rằng cả hai chiếc xe chạy song song, nhưng có thể gần tới mức đến chiếc xe sau đã vượt chiếc xe trước rồi cả hai cùng ngừng máy một lượt, mọi người không thể phân biệt tiếng của hai xe mà chỉ nghe thấy tiếng động cơ của một chiếc. Feinhals đứng dậy và xuống lầu. Cũng lại chiếc xe sơn màu nâu đã chở viên phát ngân tới đây đã nhiều lần để trả lương thợ. Deussen đã xuống dưới đường và đang đi bên cạnh một người bận quân phục màu nâu, cũng mang lon chỉ huy. Hai người đi bộ tới cây cầu mới cất lại. Chiếc xe thứ hai sơn màu xám, bẩn thỉu, lốm đốm nhiều vết bùn hình sao; chiếc xe hạch đụi đậu trước cửa quán. Một viên Thiếu úy lanh lẹ bước xuống xe; vừa trông thấy Feinhals ông ta liền nói lớn:
- Các anh sửa soạn đi là vừa. Ở đây chẳng yên chút nào! Xếp anh là ai đó?
Feinhals nhìn tấm phù hiệu Công binh trên vai viên Thiếu úy. Chỉ về phía cầu, anh đáp:
- Ông ta đang đứng ở đó?
- Cám ơn! - Viên thiếu úy đáp.
Viên sĩ quan nói vọng với tên lính còn ngồi trong xe: “Mày sửa soạn đi nhé!” Vừa nói ông ta vừa chạy lại phía cầu.
Feinhals theo sau viên Thiếu úy. Người đàn ông bận quân phục màu nâu vừa mới tới, đang bận quan sát cây cầu, ông ta tỏ ý hài lòng, đầu gặt lia lịa; ông ta cùng Deussen từ từ trở lại quán mụ Susan. Deussen vội vã lấy hành lý, chiếc chìa khóa siết bù loong vẫn còn nằm gọn trong tay. Chiếc xe màu nâu vút đi thật mau.
Thiếu úy Muck cũng trở lại kèm theo hai xạ thủ đại liên, Thiếu úy Công binh và một Trung sĩ Pháo binh; người này không mang vũ khí, mình mẩy hắn lấm đầy bùn và chả khác nào con thú bị săn đuổi; hắn không mang đồ hành trang, nón kết không thấy có trên đầu; tay hắn luôn luôn chỉ về phía núi rừng với vẻ đầy sợ sệt. Feinhals vừa được biết, qua câu chuyện họ trao đổi với nhau, một đoàn quân xa đang từ từ tiến trên đường cái. Viên Thiếu úy Công binh vội chạy về phía xe hơi giục dã: “Mau! Mau lên!” Tên lính bước xuống xe tay ôm nhiều hộp bẳng tôn sơn màu xám và những miếng các tông màu nâu lại còn thêm một cuộn dây. Viên Thiếu úy liếc nhìn đồng hồ và nói:
- Bây giờ là bảy giờ, chúng ta chỉ còn mười phút (quay sang Thiếu úy Muck). Đúng mười giờ chiếc cầu này sẽ nổ tung. Mình chả cần phản công.
Feinhals chậm rãi bước lên chân thang, thu dọn đồ riêng, rồi đặt trước cửa ra vào cùng với cây súng cá nhân. Anh trở lại trong phòng lần nữa. Hai người đàn bà chưa kịp mặc quần áo tươm tất họ còn cuống quít chạy từ buồng này sang buồng khác, gặp cái gì quơ cái đó. Cả hai còn gây lộn với nhau, trách chã. Feinhals nhìn bức tượng Đức mẹ hoa đã héo tàn; anh đưa tay nhẹ bứt những cành lá úa, sắp xếp tươm tất những cành còn lại rồi liếc nhìn đồng hồ. Bây giờ tám phút; tiếng xe nổ nghe rõ mồn một, có thể đoàn xe đã vượt qua làng và đang tiến vào trong rừng ở đây mọi người đã sẵn sàng. Thiếu úy Muck cầm cuốn sổ tay để ghi lý lịch của anh Trung sĩ Pháo binh lúc đó đầu tóc bơ phờ và đang ngồi trên chiếc ghế băng với dáng điệu mệt mỏi.
- Schniewind, - Hắn khai - Arthur Schniewind tiểu đoàn 912.
Thiếu úy Muck gật đầu rồi luồn cuốn sổ vào túi xách tay. Đúng vào lúc đó Thiếu úy Công binh và người lính chạy tới. Viên sĩ quan hô lớn: “Mọi người hãy nằm xuống”. Tất cả mọi người vội nằm xuống, thật sát chân tường; chiếc tường xây thành góc độ tiếp giáp dốc cầu. Viên Thiếu úy liếc nhìn đồng hồ: cây cầu sắp nổ tung. Tiếng nổ không lớn lắm, không có miểng văng lên; chỉ nghe thấy tiếng gió rít lên rồi có tiếng lựu đạn nổ tiếp theo, khung cầu rạn nứt và toàn thân chìm xuống dưới nước. Mọi người chờ lệnh của viên Thiếu úy; ông ta nói: “Xong rồi!” Mọi người đứng dậy và nhìn xem sự gì xảy ra: các cột bê-tông vẫn đứng nguyên như trời trồng, phần còn lại lề đường và lối đi được cắt gọn, đầu cầu bên kia còn dính lủng liểng một quãng ngắn.
Tiếng đoàn xe bên kia sông mỗi lúc một rõ hơn. Bỗng nhiên người ta không nghe thấy gì hết; có lẽ đoàn xe ngưng ở bìa rừng.
Viên Thiếu úy Công binh trèo lên xe, cho máy chạy và nói vọng về phía Thiếu úy Muck:
- Kìa, anh còn chờ gì nữa? Anh đâu có được lệnh ở lại đây?
Sau đó, ông ta giơ tay chào mọi người và cho xe vọt.
Muck kêu thật to cho mọi người nghe thấy:
- Tập họp!
Binh sĩ chạy ùa ra xếp hàng ngay trên đường cái. Muck liếc nhìn hai căn nhà đối điện hai bên đường, y chờ đợi sự động tĩnh bên trong, tất cả đều bất động. Người ta nghe tiếng khóc đàn bà: có lẽ là mụ Susan.
- Đằng trước... bước! - Muck ra lệnh - Thường... bước!
Thiếu úy Muck đi đầu, nét mặt nghiêm nghị, và buồn bã. Hướng mắt của ông xa xăm thật xa xăm nếu ông ta không muốn nhìn lại phía sau, hoặc trở về với nội tâm.