Chương XI

     ắng trời làm xăn thịt và thay đổi mầu da của những người tù trong bóng tối rất mau. Bốn năm ở cachot, sống như gà công nghiệp thiếu dinh dưỡng, nước da của tôi xanh mướt và thịt muốn nhão, xương muốn mục. Những vết mụn ghẻ đầy khắp cánh tay, chân, đùi tưởng thành sẹo, cũng đã bay đi. Vì phải làm việc vất vả, không còn thì giờ suy nghĩ, tôi ngủ được, ăn được, dẫu chỉ ăn cơm độn khoai, sắn. Các bạn tù có thăm nuôi thường cho tôi đường. Nhờ những tán đường, tôi thấy khỏe khoắn. Cán bộ quản giáo của tôi là một nữ công an. Người này theo rỗi tư tưởng của tôi qua lao động. Tư tưởng thể hiện bằng hành động. Hành động tốt, tư tưởng tốt. Hành động xấu, tư tưởng xấu. Đó là châm ngôn cải tạo và cũng là châm ngôn giữ mình. Quản giáo chỉ định tôi vào tổ gánh nước tưới rau. Thoạt đầu, tôi gánh lưng thùng, xương sống muốn oằn, nghỉ nhiều chặng. Đêm về, vai nhức, bụng mỏi, chân rời rã. Thanh và Hoa phải xoa dầu đấm bóp giúp tôi. Sang ngày thứ hai, đặt đòn gánh lên vai, tôi ngỡ mình sắp xuống địa ngục leo dốc cầu vồng. Dần dần, vai hết nhức, bụng thon lại, chân cứng, tôi gánh một mạch từ chỗ lấy nước về vườn rau. Và rồi, tôi gánh đầy thùng nước, biết cách đổi vai, nhịp nhàng cơ hồ một thôn nữ. Bài học thứ nhất của lao động dạy tôi cảm thông với người lao động, kính trọng họ và hiểu thấu giá trị của lao động. Dĩ nhiên, cộng sản đã không hề dạy tôi bất cứ điều nào trong nhà tù, ngoài trại tập trung. Họ chỉ dọa nạt, trừng phạt, dụ dỗ và bắt làm việc giống hệt bọn chủ nhân nô lệ hành xử quyền uy của mình. Bài học thứ hai của lao động, tôi tự dạy tôi từ những giọt mồ hôi trí thức, còn dạy tôi niềm tự tin tuyệt vời: Tôi có thể làm được những công việc mà trước đây tôi tưởng không bao giờ tôi có thể làm được. Lao động đã thắp sáng kiến thức của tôi. Nó là giòng nước luân lưu đưa đẩy tư tưởng con người xuôi ngược. Nó làm long lanh trí tuệ, làm trong suốt tâm hồn, rạng ngời ý thức. Trí thức của chúng ta cứ nằm trong tháp ngà, cứ trùm mền hưởng thụ, đâm ra lười biếng, sợ khó, sợ khổ. Nên, khi đụng vào nghịch cảnh của đời sống thì không dám đương đầu, thì ngớ ngẩn và hèn mọn. Với cộng sản, lao động là hình phạt trả thù chúng tôi. Nhưng, với tôi, lao động là một chương dài trong văn phạm của đời tôi.
Chị Đặng Vũ thị Thanh Thủy rất thân tôi mà còn chưa hiểu tôi. Chị phàn nàn thấy tôi gánh nước đầy thùng. 
- Tội gì chị phải vất vả khổ thân. Cứ ỳ ra, bảo sức mình nửa thùng thôi. Hai mươi lít nước trên vai chị, đủ khốn nạn rồi. Bốn mươi lít, chị sẽ sớm gục. 
- Tôi muốn thử sức tôi.
- Chúng nó sẽ khai thác tối đa sự thử sức của chị.
- Chị Thanh, không phải sức của tôi, sức của phụ nữ. Hơn tất cả, sức của con người chịu đựng hình phạt nổi.
- Khó hiểu chị quá.
- Dễ hiểu thôi, nếu chị bằng lòng cho tôi chơi phim O’ Cangaceiro bên cạnh chị. Trò chơi này vất vả hơn gánh bốn mươi lít nước ngàn lần.
Chị Thanh không phàn nàn nữa. Ở trại Long Thành, chẳng còn việc gì để làm ngoài trồng rau, trồng ngô, trồng khoai, trồng sắn và nuôi heo. Công việc phát hoang khai thác diện tích canh tác, mấy năm qua, năm ngàn tù nhân nam nữ đã hoàn tất kế hoạch. Bây giờ, ngót hai ngàn tù nữ vừa lao động vừa chơi. Nguyên nhân chính của «vừa lao động vừa chơi» là lao động nhiều quá, lâu quá chán ngán lao động và nhờn với kỷ luật. Thầy Lénine dạy môn đệ rằng: «Không nên kéo dài thời gian lao động cải tạo. Kéo dài quá sẽ biến nỗi sợ hãi của lũ cải tạo thành niềm căm hận». Môn đệ mất dạy, cưỡng lời thầy. Nó cứ kéo dài triền miên thời gian cải tạo. Trại nào cũng giống trại nào, rập theo một khuôn mẫu tổ chức, biên chế tù nhân thành các đội lao động khác nhau. Cô Hoa nói, ở Phước Long, cô đã từng vô rừng sâu chặt lồ ô, chặt nứa, nguy hiểm vô cùng. Nhiều người đã bị thân nứa lao xuống, đâm xuyên ngực cơ hồ trúng một cây thương, nằm dẫy dụa trên vũng máu và vết chém vạt thân nứa còn găm lún đất. Chặt lồ ô thì phải leo trèo như vượn. Trước tiên, phải chặt tay tre đan lấy nhau. Chặt từ ngọn xuống gốc. Không chặt tay tre không thể kéo nổi cây lồ ô ra khỏi bụi. Khối người rơi chết vì tuột chân. Mùa mưa, vắt cơ man, nó bám dính vào da, hút máu, cơm gạo não sinh máu kịp. Sốt rét một cơn, kiết lỵ một trận là tàn đời. Hoa kể hàng trăm nỗi thê thảm ở «quần đảo» Phước Long, nơi cô tưởng đã chết mà vẫn sống. Tôi thèm cái trại đàn bà ấy. Nỗi đau khổ càng lớn thì cuộc sống càng phong phú. Nếu tôi được sống hai trăm tuổi, tôi tình nguyện đi hết các nhà tù của nước tôi. Chị Thanh nói, năm kia, tù đàn bà và con nít ở Bù Gia Mập chở về Long Thành cả ngàn. Bù Gia Mập, hòn đảo trong quần đảo Phước Long. Người từ đó về như người từ âm phủ chui lên. Chỉ còn da bọc xương. Phải lết từ sân vào nhà. Hàng chục con nít chết trên xe do đói khát, vì ngộp thở. Họ mang chấy trên đầu, rận trong áo, ghẻ lở trên thân thể và các thứ bệnh ho lao, kiết lỵ, trĩ... Niềm hân hoan của chế độ xã hội chủ nghĩa đấy! Họ được nuôi như heo và khi khỏe thì lao động như trâu bò. Con nít lại ném lên hòn đảo Phú Văn. Đàn bà, con gái phân phối vào Xuyên Mộc.
Vậy thì trại Long Thành chả thấm tháp gì. Nó chỉ là nơi dưỡng sức của tôi, theo chị Thanh. Hãy tạm nghĩ thế, bởi vì không ai đoán nổi thủ đoạn và trò chơi của cộng sản. Mỗi ngày, chúng tôi rời trại ra bãi lao động đóng góp công sức cho sự phồn vinh của đất nước. Một đội có hai vệ binh đeo súng AK đề phòng tù nhân nổi loạn và trốn trại và một quản giáo. Vệ binh con trai, quản giáo con gái. Đội của tôi chuyên canh... rau cải củ. Công việc đều đặn xới luống, tưới nước, bón phân, làm cỏ, xịt thuốc rầy, thu hoạch và lại xới luống, gieo hạt. Tất cả đều mặc quần xà lỏn, áo thung hoặc áo cánh cắt hết ống tay áo. Những cô gái giang hồ, gái bụi và phản động thuộc thành phần «con bà phước» thì tả tơi hết chỗ diễn tả. Mọi người phải tự chế một kiểu nón chống mưa nắng. Họ chân đất dẫm lên chông gai nghịch cảnh. Họ không cả xì líp, xú chiêng. Cụ thể, ngày hai buổi, sáng 11 giờ, chiều 4 giờ 30, hai ngàn đàn bà trần truồng nhào xuống suối nước cạn mùa hè ngụp lặn, tắm táp, chẳng thèm lưu ý bọn vệ binh nhìn lén. Chúng tôi giống đàn trâu bị lùa xuống vũng nước. Tất cả bình đẳng cỡi truồng và không đòi hỏi nhân quyền. Bởi vì, hình như, người ta đã quên tranh đấu nhân quyền cho những người bị cỡi truồng!
Tôi quen thật nhanh với sinh hoạt trại cải tạo. Người ta chưa bới ra một lầm lỗi nào để mắng chửi tôi hay kỷ luật tôi. Tôi đã nghe Quản giáo mắng nhiều người về tội lười biếng, làm việc cẩu thả. Cái lối «lên lớp» tù của bọn cán bộ ở đâu cũng như ở đâu. Nó xấc xược, hỗn láo, trịch thượng và ra mặt... ông bà chủ. Và ngọng níu lưỡi. Và đơn điệu. Vẹt con được vẹt mẹ dạy sao nói vậy. Để bọn chăn trâu cắt cỏ này nhục mạ mình là điều không thể chấp nhận. Hãy mặc kệ thứ đầy đọa, chẳng cần nó ban phát ân huệ nhưng cũng chẳng để tự mình làm mất phẩm cách của mình. Tôi cứ quần quật lao động đúng giờ, đủ giờ, không than vãn. Quản giáo bắt tôi làm việc gì, tôi làm việc ấy. Hôm qua, đang gánh nước, Quản giáo gọi tôi tới làm việc. Ả ngồi trên ghế, dựa lưng vào thân cây. Tôi đứng nghiêm, cách ả năm thước theo đúng Nội quy.
- Chị có oán hận chúng tôi không?
- Thưa cán bộ, không.
- Tôi theo rỗi chị từ ngày đầu. Chị lao động tích cực nhưng thái độ của chị có vẻ thiếu chân thật với chúng tôi. Chị im lặng khó hiểu.
- Thưa cán bộ, tù không thể thân mật với người coi tù. Nội quy không dạy tôi phải thân mật với cán bộ.
- Tôi sẽ không phát «phiếu thăm gặp» cho chị tháng tới.
- Tùy cán bộ.
- Chị không cần thăm gặp à?
- Bốn năm nay, tôi sống nhờ cơm của Đảng. 
- Chị là trí thức. Trí thức làm được những việc gì?
- Làm được tất cả mọi việc. 
- Tôi sẽ cho chị xuống hầm phân.
Quản giáo gọi đội trưởng Jacqueline tới, ra lệnh điều tôi sang tổ phân bón. Cả đội ngưng lao động nhìn tôi. Đội trưởng Jacqueline cố tình loan báo công tác mới của tôi. Vũ nữ Lệ Thủy phẫn nộ. Nàng hét lớn:
- Đồ... dép râu!
Quản giáo đứng vụt dậy, chạy lại. Chị Jacqueline vỗ vai tôi, mỉm cười:
- Đứng xem con điên Lệ Thủy «đấu tranh» với con nhà quê. 
Chị Thanh đã nói cho tôi nghe về chị Lệ Thủy, kẻ bất cần đời, thích cải nhau tay đôi với cán bộ. Chị Thủy có một dĩ vãng lẫy lừng trong giới ăn chơi của Sài Gòn trước năm 1975. Chị đẹp. Nhưng rồi chị đi tìm cảm giác xì ke. Và chị sa đọa, tàn tạ. Tù nữ Lệ Thủy, bàn tay thon mềm đã chai rắn sau bốn năm cầm thùng nước tưới rau, đã xa lánh mùi nước hoa, son phấn để ngửi mùi nước đái khai nồng và cứt thối om, đã đói khổ triền miên, mắt trợn trừng thách thức. Kẻ đã ban phát hạnh phúc cho bao nhiêu đàn ông tướng, tá, tư sản, công tử..., lúc này, đội cái nón may cắt từ cái bị cói, mặt áo thung rách lỗ chỗ, quần xà lỏn, chờ đợi ăn thua đủ với người đại diện của chủ nghĩa cộng sản. Giữa vườn rau xanh, chị giống hệt hình nộm bù nhìn, hình nộm tuyệt đẹp. 
- Chị Thủy, chị vừa chửi ai đấy? Ả quản giáo hỏi.
- Tôi không chửi ai. Tôi nói bâng quơ «Đồ dép râu!». Đứa nào điếc mới bảo tôi chửi.
- Chị miệt thị tôi điếc à?
- Tôi không bảo cán bộ điếc. Đứa nào điếc mới bảo cán bộ điếc. 
- Chị lưu manh.
- Ai lưu manh thì nó biết nó. Nội quy cấm cán bộ chửi bới tù.
- Ai cho phép chị nói động đến dép râu?
- Tôi. Tôi đi dép râu bị nó làm bẩn chân, tôi chửi nó, được không?
- Dép râu là dép chiến thắng. Dép râu và nón cối là văn minh mới, chị dám bôi bác, hả?
- Kệ mẹ nó, nó làm bẩn mắt tôi, tôi chửi nó.
Ả quản giáo bước tới chỗ chị Lệ Thủy. Ả vung tay tát chị một cái. Lệ Thủy, vũ nữ cao bồi, đầy máu cao bồi, chị phóng tay tát lại ả quản giáo trả miếng. Ả la lối. Hai vệ binh chạy lại. Một đứa lên đạn, chĩa nòng súng thẳng vào chị Lệ Thủy. Chị cười rũ rượi. Rồi chị lột áo thung ra. Cặp vú phì nhiêu, đẫy đà của chị nay đã xẹp lép. Chị nghiến răng:
- Mày có ngon, bắn trúng tim má mày đi. Má mày đang cần chết. Bắn đi cộng sản nhí, bắn đi!
Vệ binh hạ súng xuống, chửi thề lảm nhảm và bỏ đi. Quản giáo cũng bỏ đi luôn. Chị Jacqueline bảo tôi:
- Lâu lâu, con điên Lệ Thủy dở chứng một lần. Hôm nay, nó bênh chị đấy, nó thương chị bị đì xuống hầm phân. 
Sinh hoạt của đội bình thường trở lại. Tôi mở căng mắt nhìn vũ nữ Lệ Thủy, cố thu hình ảnh của chị vào tâm trí tôi. Sóng gió, tôi nghĩ, bắt đầu nổi. Một tháng «trăng mật cải tạo» của tôi đã trôi qua. Bây giờ là lúc người ta hành hạ tôi theo chỉ thị trung ương. Chẳng sao, tôi khơi dậy từ trái tim niềm tin mộc mạc: Trời hại, ta mới chết; người khó hại ta. Tôi mạnh bước tiến về phía hầm phân. Đó là cái hầm hình vuông, mỗi cạnh khoảng ba thước, sâu mười mấy thước. Mỗi đội rau xanh có một hầm chứa phân và một hồ chứa nước tiểu. Sáng sáng, đội vệ sinh khiêng những máng phân ở các phòng tù và cầu tiêu của cai ngục đem ra ngoài trại. Tổ phân bón của trại chờ đợi, chuyển phân đến vườn rau, đổ xuống hầm. Vào thời vụ, các đội rau phải tranh nhau phân, phải «hối lộ» rau cho đội vệ sinh trại mới có phân bón rau. Các phòng tù đều có cầu tiêu riêng. Ban đêm tiêu, tiểu trong đó. Người ta chế các máng nước tiểu cho nó trôi ra cái hồ bên ngoài phòng. Nếu không, nước tiểu sẽ ngập lụt. Phân tươi và nước tiểu «xuất khẩu» ra các đội rau xanh. Các đội rau xanh «nhập kho dự trữ.» Tổ phân bón chia làm ba tốp. Tốp kiểm tra về ủ phân, tốp ngào phân và tốp xuống hầm múc phân. Tôi ở trong tốp xuống hầm phân.
Bây giờ, hầm đã cạn, không thể đứng trên bờ ròng cái xô xuống múc mà kéo lên. Do đó, đội trưởng Jacqueline đã cho làm cái đường thang thoai thoải xuống hầm. Nhưng lom khom trên bực thang đất dễ té nhào nên tù nhân đành phải lội hẳn xuống phân bầy nhầy, hôi thối, hàng tỉ con ròi, vục xô múc đầy để bên trên kéo lên. Tôi đứng sát miệng hầm, nhìn xuống. Sự ưu việt của chủ nghĩa cộng sản ở dưới ấy. Đầy đọa con người tới mức đó là hết. Chị Jacqueline hỏi tôi:
- Liệu chị kham nổi không?
- Tôi cố gắng. Tôi đáp.
- Nếu không kham nổi, cứ ỳ ra. Nó kỷ luật mình, tống vô cachot còn sướng, khỏi lao động.
- Tôi kham nổi.
Chị Thanh cũng chạy lại, khuyên tôi:
- Chị không xuống hầm phân nó cũng không dám giết chị đâu. Chúng tôi đều chê hầm phân. Để bọn ngu sợ hãi. Chúng tưởng lao động tích cực thì sớm được tha. Còn lâu.
Tôi nói:
- Nó hỏi tôi trí thức làm được những việc gì. Tôi trả lời, trí thức làm được tất cả. Tôi cần chứng tỏ với chúng nó rằng, việc của chúng nó, người trí thức làm được còn việc của trí thức, chúng nó không làm được. Tôi còn muốn chứng tỏ với chị và với chính bản thân tôi. 
Chị Thanh lắc đầu:
- Chị khó hiểu nhưng tôi yêu chị.
Tôi cầm tay chị Thanh:
- Đừng ví tôi với bọn ngu chỉ biết sợ hãi và ham được tha, chị nhé! Tôi tích cực làm việc vì đó là công việc. Công việc đó đem lại kết quả gì, không cần đếm xỉa. Tôi tập làm việc nào đến nơi đến chốn việc đó. 
- Tôi bỗng ham sống quá, chị Lan ạ! 
- Nếu gần chị Nga, chị sẽ ham sống hơn. 
Buổi sáng hôm đó, tôi chưa xuống hầm vội vì chị Jacqueline chưa chịu phân phối công tác. Chị bảo tôi ngồi nghỉ. Nhưng buổi trưa về trại, lĩnh com nước xong, chị Lệ Thủy bị gọi lên văn phòng giám thị. Cả nhà xôn xao rồi cả trại xôn xao. Tôi qua nhà của chị Nga kể cho chị nghe mọi diễn biến buổi sáng. Chị bảo tôi chuẩn bị đương đầu với những hình phạt ngoài ánh sáng. Chúng tôi bỏ ngủ trưa đợi chị Lệ Thủy. Chị không về. Phần cơm của chị nguội ngắt, ruồi nhặng bu kín. Một giờ trưa, chúng tôi tập họp ở sân đi lao động. Người ta lôi chị Lệ Thủy, trói chị dưới cột cờ. Giám thị Ba Tơ «lên lớp» toàn trại. Người ta đọc quyết định thi hành kỷ luật chị Thủy. Rồi người ta tụt quần chị, quất những lằn roi phủ phàng xuống mông chị. Chị không hề rên la. Quất no tay, người ta kéo quần chị lên, cởi trói cho chị. Tôi nhìn lá cờ đỏ sao vàng phất phới bay trên ngọn cột cờ. Dưới đó, người tù nữ bị chà đạp nhân phẩm một cách bỉ ổi. Văng vẳng đâu đây, câu thơ của Tố Hữu ca ngợi ông Hồ Chí Minh: «Tự do cho mỗi đời nô lệ» và lời hát: «Bác đã đến từng nhà thăm các cụ già, cầm tay chúng con bác bắt nhịp bài ca kết đoàn...». Chị Thủy đã đứng thẳng. Chị khạc một bãi nước miếng vào mặt kẻ vừa quất chị. Chị nhìn chúng tôi mỉm cười, vẫy tay và ngạo nghễ đi vào cachot. Buổi chiều tôi xuống hầm phân.
Trong bóng tối, tôi chỉ nhìn thấy ta. Ngoài ánh sáng, ta sẽ nhìn thấy mọi người. Chị Nga đã nói thế. Luôn luôn, chị tuyệt diệu. Tôi vừa mở mắt: Không có nỗi khổ nào hạng nhất, nỗi khổ nào hạng bét. Nỗi khổ là nỗi khổ. Nỗi khổ trong bóng tôi và nỗi khổ ngoài ánh sáng. Thế thôi. Tôi đã thấm nỗi khổ trong bóng tối. Tôi sẽ thấm nỗi khổ ngoài ánh sáng. Tôi bước xuống. Rờn rợn. Bốn năm ròng rã, gắn liền đời mình bên xô cứt, tôi đã quen. Nhưng cái hầm phân này thì thật là ghê rợn. Gọi nó là đầm phân mới đúng. Chân tôi chới với, lún sâu dần, sâu dần. Khi bàn chân đụng đáy hầm, phân đã ngập sát háng tôi. Trên miệng hầm, bạn tù ròng cái xô xuống. Tôi vục đầy xô. Bạn tù kéo lên. Nửa thân thể ngập phân, tay dính đầy phân. Tôi đứng trong phân, trong sự ưu việt của chủ nghĩa cộng sản hàng tiếng không thèm đếm xỉa tới hàng tỷ con rồi đang lúc nhúc. Dứt phiên tôi, bạn tù khác xuống hầm. Tôi ngoi lên, ngoi lên... Tù nhân làm công tác phân bón được phép tắm trước. Chị Thanh đã kiếm cho tôi cục xà phòng thơm và túi nhỏ xà phòng bột. Tôi tới con suối gần vườn rau. Cởi áo ra, tôi vuốt hàng trăm con ròi trên mình mẩy. Ròi chui rúc cả vào nách tôi. Tôi nhẩy xuống suối, ngụp lặn. Xà bông bột tắm gọi và giặt quần áo đợt đầu. Tôi phơi quần áo bên bờ suối rồi lại ngâm nước. Sau hết, tôi sát xà phòng thơm, vò tóc và kỳ cọ. Chị Jacqueline đã nhờ người mang quần áo mới cho tôi thay. Một mình giữa dòng suối, tôi tưởng tưởng địa ngục và và đào nguyên, nỗi khổ và hạnh phúc. Thế là xong, hầm phân của cộng sản, cái cầu vồng nào đó của âm phủ, tôi đã leo qua. Còn gì nữa, cộng sản? Chắc chắn, hầm phân cải tạo là bến mơ ước cuối cùng của họ. 
Buổi tối, chị Thanh hỏi tôi:
- Chị cảm thấy đau đớn không?
Tôi hỏi lại:
- Đau đớn nỗi gì?
- Nỗi ngâm mình dưới hầm phân
- Không. Tôi đau đớn thấy họ đánh đập chị Thủy như con chó.
- Như thế đó, từ mấy năm nay. Chúng nó hèn hạ, đê tiện. Đánh đàn bà, con gái mà vẫn sợ, vẫn phải trói. Chờ đợi lâu quá, tôi phải trốn trại. 
- Chỉ định vượt ngục?
- Vâng. Tôi sẽ lập chiến khu đàn bà. Tôi chán làm nữ chúa vỉa hè rồi.
Ô ế Cangaceiro... Tôi khẽ hát. Chị Thủy cười. Đôi mắt chị chan chứa ước mơ. Tôi đã quên hầm phân và loài ròi. Chúng tôi ngồi nói chuyện đến khi kẻng báo ngủ. Chị Thanh nói:
-  Lát nữa, con Thủy điên sẽ gửi thông điệp cho chúng ta. 
- Tôi chưa kịp cám ơn chị ấy.
- Cám ơn gì?
- Chị Jacqueline bảo, vì bênh tôi, chị ấy đã gây sự với quản giáo. 
- Nó gây sự dài dài, toàn chuyện bốc đồng vớ vẩn. Lần này thì nó thật tình phản kháng vì chị. Vài hôm nữa nó ra, chị đừng lo.
Trại im phăng phắc. Từ phía cachot, giọng hát của chị Lệ Thủy, qua ô cửa gió vọng ra. 
- Nó sẽ hát một bài độc địa. Chị Thanh nói. 
Dứt bài tình ca mở đầu, chị Thủy hát tiếp bài «Thành phố mang tên Bác», nhạc cộng sản, lời do chị chế biến. 
Có tiếng chân người chạy rầm rập ngoài sân trại và tiếng chửi thề ỏm tỏi. Chúng tôi nằm im.
- Chúng nó chạy ra đóng cửa gió cachot đấy. Chị Thanh nói. Không bịt nổi họng con Thủy điên đâu. 
Quả nhiên, chị Thủy gào thét, đập cửa sắt thình thình. Cuối cùng, chị Thủy hát nhưng không còn hát những bài «độc địa» nữa. Đó là chuyện hôm qua, chuyện một ngày của nhiều người tù đàn bà. Hôm nay có khác đôi chút, đời tôi thiếu chị Thủy và tôi bước xuống hầm phân thản nhiên như tôi bước xuống suối. Văn phạm của đời sống của tôi thêm những trang hầm phân. Tôi sẽ pha linh hồn vào mỗi con ròi. Với chúng ta, ròi bọ cần có tâm hồn. Để nó hơn cộng sản. Mặc dù, chúng tôi bị các ông chủ cộng sản bóc lột tàn tệ, bị nuôi dưỡng thua cả những con chó của phương Tây. Chúng tôi ăn cơm độn sắn, độn khoai dài dài. Bo bo đã trở thành thực phẩm xa xỉ đối với chúng tôi. Bạn đã từng ăn bo bo chưa? Thứ bo bo chưa chà sát vỏ? Bo bo có mày sắc hơn mày ngô. Nó đâm vào lợi là gặm luôn, phải dùng ngón tay lôi nó ra. Nó đâm vào kẻ chân răng, lôi được nó ra là lợi xưng, răng nhức. Bo bo dễ tiêu hóa. Nó vô dạ dày tiếng đồng hồ trước thì tiếng đồng hồ sau biến thành phân chín mươi phần trăm và bị tống khỏi ruột già. Mày của nó cọ sát ruột của bạn. Bạn hỏng răng, loét bao tử, sước máu ruột già. Chúng tôi có cái cầu tiêu «dã chiến» ở vườn rau. Một hôm đi cầu sớm, tôi thấy bọ hung thưởng thức hết phân, chỉ còn lại đống mày. Mày bo bo, bọ hung không kham nổi. Thế mà chúng tôi phải nuốt ròng rã hai năm. Khi sắn lát và khoai sùng đã ngán, bo bo là thực phẩm giá trị sau cơm gạo mục.
Ăn sắn và củ cải riết, tất cả tù nhân «con bà phước» mắc bệnh huyết trắng và tê bại. Điểm sơn của chế độ xã hội chủ nghĩa là trại tù đàn bà không phát serviettes hygiéniques và những cái mùng bị cụt ngủn. Huyết trắng và tê bại vẫn phải lết đi lao động, vẫn phải oằn vai gánh nước, không được nghĩ ngơi. Dinh dưỡng tồi tệ, thuốc men không có, cái nghĩa địa tù của trại Long Thành đã đầy mồ. Nhiều người đã phải chống gậy. Họ được miễn ra hiện trường nhưng phải quét sân, nhặt cỏ trong trại. Tù con gái chống gậy quét sân. Tù đàn bà chống gậy nhặt cỏ. Và hình phạt không ngừng giáng xuống họ. Một năm, ông chủ cộng sản phát cho nô lệ mỗi người hai bộ quần áo. Nô lệ phá quần dài khâu thành hai quần xà lỏn. Vải nhà nước mau rách vì mô hôi tù đổ ra quá nhiều. Do đó, tù nhân tả tơi, thê thảm. Nhà nước bình quân một tù nhân hưởng 10 đồng 5 cắc một tháng kể cả tiền thuốc men, trong khi, một tô phở đặc biệt giá 15 đồng! Nô lệ thời trung cổ còn sướng hơn nô lệ thời cộng sản. Vì họ chỉ quần quật lao động, phơi xác chịu roi vọt nhưng được ăn no. Họ không bị học tập chính sách của Đảng, đường lối của Nhà nước, họp hành, bình bầu và kiểm điểm, tự khai và bị còng bằng còng Mỹ.
Tôi bắt đầu lo ngại bệnh hoạn. Bốn năm trong các cachots tăm tối, tôi đã chịu đựng quá nhiều. Mắt tôi chưa hết mờ mà răng đã đe dọa. Nhai ngô đã là một cực hình đối với tôi. Tôi nghĩ, chỉ cần một trận tiêu chảy biến sang kiết lỵ là tôi gục. Chị Nga không nghĩ gì cả. Chị khuyên tôi để cho đầu óc nghỉ ngơi, nếu tôi còn ham sống. Nhưng làm sao không suy nghĩ đây? Mỗi ngày, những lằn roi da tới tấp vụt xuống thân hình những người tù đói ăn sinh ra lười biếng, bệnh hoạn, nổi khùng chống đối lung tung. Mỗi đêm tiếng hát của chị Lệ Thủy vang vọng, thôi thúc nỗi niềm gì đó. Và hình những người tù con gái tê bại, chống gậy khập khểnh quét sân trại. Và trò giải trí khám nghiệm tù nữ tình nghi mãi dâm. Và chủ nghĩa cộng sản. Và huyết trắng... Đó là ánh sáng của Nghị quyết, là sáng tạo nhiệm màu của Đảng. Tôi cần suy nghĩ dù sáng mai tôi không còn thức dậy.