Chương XIII

     ẩy giờ sáng hôm sau, đáng lẽ, đang lao động ngoài hiện trường, chúng tôi vẫn ngồi bất động giữa sân trại. Cái kẻng tù hôm nay quên gầm gừ. Vòng đai công an vũ trang và bộ đội còn nguyên đó. Mặt trời đã chiếu những tia nắng đầu ngày. Ba Tơ đứng ở hành lang văn phòng của y quan sát cùng khắp. Một chiếc xe du lịch chạy vào phía cổng trại, dừng lại, bóp còi. Ba Tơ đích thân chạy ra mở khóa, kéo rộng cửa. Chiếc xe vô sân, lái rẽ bên phải rồi đậu trước văn phòng giám thị. Ba Tơ đuổi theo chiếc xe. Bốn người trên xe bước xuống. Họ leo lên bậc tam cấp, vào văn phòng. Nửa tiếng trao đổi giữa họ và Ba Tơ, bốn người y phục đại cán, nón cối, dép râu và Ba Tơ đến trước mặt chúng tôi. 
Một người hỏi:
- Ai đại diện các chị?
Im lặng. Người này hỏi tiếp:
- Ai đại diện? Giọng ông ta không vướng víu chút giận dữ nào?
- Thưa ông, không có ai đại diện ai cả? Chị Hai Ba Dạng lễ độ trả lời.
- Các chị rất đáng biểu dương. Tôi đã được nghe đồng chí giám thị báo cáo đầy đủ. Khuyết điểm là do đồng chí giám thị trại giải quyết vấn đề chậm trễ. Các chị đã vi phạm Nội quy trại nhưng được khoan hồng vì các chị biết bảo vệ tài sản của nhà Nước, không phá phách. Bây giờ, chúng tôi, đại diện trung ương, đến đây giải quyết khẩn trương mọi yêu cầu của các chị.
Người thứ hai tươi cười:
- Chúng ta làm việc ngay nhé. Nào, các chị muốn gì?
Chị Hai Ba Dạng đáp:
- Nhiều người bị bệnh tê bại, cần ăn cám mà không có. Họ muốn được ăn cám thêm vào khẩu phần hàng ngày. 
- Đâu, những người tê bại đâu?
Chị Hai Ba Dạng đứng im. Tự động những người tê bại đứng lên, tay vẫn chống gậy. Có tới hai trăm tù nữ đói cám!
Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi để sớm có cám. Người thứ hai hỏi tiếp:
- Còn gì nữa?
- Nhiều người bị bệnh huyết trắng vì ăn độn nhiều sắn, củ cải và lao động cực nhọc. 
Gần hết trại đứng dậy, không chờ lệnh.
- Sẽ bổ xung bác sĩ và thuốc men.
Chị Hai Ba Dạng nói:
- Vì thế, một số chị em bị kỷ luật trong cachot. 
- Chúng tôi thả họ ra ngay bây giờ.
Người thứ hai hất đầu. Ba Tơ sai trực trại xách chìa khóa mở cửa các cachot. Chúng tôi ngước mắt về phía đó. Các chị ở đội chăn nuôi và chị Lệ Thủy thất thểu bước theo anh công an trực trại. Họ không đến với chúng tôi mà về thẳng nhà của mình. 
- Chính sách của Đảng và Nhà nước trước sau như một. Đã nói khoan hồng là khoan hồng, chỉ cần các chị tỏ vẻ ăn năn sám hối và tiến bộ thôi. Nhân tiện, ngay đây, tôi báo cho các chị tin mừng: Một số người sẽ được trở về xum họp gia đình hôm nay. 
Khác hẳn những lần đọc quyết định trả lại tự do mà chị em ở Long Thành đã chứng kiến, người thứ ba mở sà cốt, lôi ra mấy tờ giấy đánh máy, đọc lệnh tha tại chỗ, vất bỏ những thủ tục rườm rà. Sau khi chiếu điều này, điều nọ, chúng tôi nghe tên các chị viên chức của chế độ cũ và các chị can tội buôn bán bất hợp pháp. Không khí phấn khởi vụt dậy, ít ra, từ những người nghĩ rằng mình phạm tội vớ vẩn, sẽ được tha. Và người ta vỗ tay hoan hô. Sự vỗ tay đi ra ngoài chương trình hành động và ngoài cả sự toan tính của chúng tôi. 
- Các chị có tên được tha, hãy về nhà chuẩn bị đồ đạc cá nhân rồi lên văn phòng làm thủ tục, lấy giấy ra trại.
Năm mươi người được tha, đứng dậy, bỏ hàng ngũ. Người thứ hai nói:
- Còn tất cả, tất cả cũng sẽ được tha. Tha hết. Ai muốn tốn cơm nuôi các chị. Bây giờ, các chị về nhà nghỉ ngơi, trưa nay ăn uống bình thường, buổi chiều miễn lao động. Còn ai đề nghị gì không?
Không ai trả lời. Cuộc đấu tranh chấm dứt vì mọi yêu cầu đều được thỏa mãn. Tù nhân giải tán tự do. Cộng sản đáng sợ thật. Có nhiều Ba Tơ ngu xuẩn, nhiều vệ binh, quản giáo đần độn nhưng rất nhiều thứ «trung ương» gian ác, thủ đoạn tua tủa. Tôi tự nhận mình chưa phải là đối thủ của cộng sản. Như lời Sử gia của Đảng phán xét, tôi ngoan cường chứ không gian ngoan. Giải quyết êm thấm vụ tuyệt thực tranh đấu, bốn ông «trung ương» rời trại. Ngay buổi chiều, năm mươi chị em được tha cùng rời trại thơi thới, hân hoan. Giám thị Ba Tơ không hề nhắc nhở nửa lời về cái đêm không ngủ của tù nhân. Sinh hoạt trại trở lại bình thường, tẻ nhạt. Tất cả đều dè dặt và nghi kỵ nhau. «Chúng ta sẽ đi vào trong ngõ cụt, buồn nản.» Chị Nga đã nói thế và y như rằng. Tôi có thì giờ cám ơn chị Lệ Thủy đã dành cho tôi nhiều cảm tình quý báu. Chị lắc đầu từ chối. Chị bảo, còn người xứng đáng để chị bênh vực là chị còn ham sống, nói chi ân huệ.
Ba hôm sau, buổi sáng tập họp chờ đi lao động, mười chiếc xe vận tải vào trại. Và hàng chục cán bộ văn phòng trại đến đọc danh sách những người chuyển trại. Danh sách thứ nhất gồm 250 tù nhân gồm các chị viên chức chế độ cũ và các chị bụi đời sững sờ, phản động ngoan cường. Chị Nga, chị Hai Ba Dạng, chị Lệ Thủy nằm trong danh sách này. Họ về nhà chuẩn bị hành trang rồi ra ngay. «Khẩn trương», đó là dấu hiệu quen thuộc đến nhàm chán. Như lần tôi rời đề lao Gia Định tới đây, tù nữ, từng cặp đeo còng leo lên xe. Khác một chút là họ rình rang nồi niêu, xoong chảo và thực phẩm do gia đình tiếp tế. Năm chiếc xe chở 250 tù nhân đến một trại nào đó, tôi không biết. Nhưng tôi biết chắc sự ra đi của họ là hậu quả của đêm không ngủ và cái danh sách thả 50 người về xum hợp với gia đình đã có sẵn, hoặc tha sau hoặc tha đúng lúc. Cộng sản luôn luôn gian ngoan, họ đã lợi dụng đúng thời điểm để làm tan rã mọi âm mưu chống đội họ. Họ vuốt ve êm dịu rồi phóng một trái đấm bất ngờ.
Chưa đầy nửa tiếng, năm chiếc xe đã biến khỏi trại. Chúng tôi thì vẫn ngồi xếp hàng giữa sân. Nhiều con mắt ngơ ngác. Nhiều trái tim đập mạnh. Năm chiếc xe còn lại đã trở đầu ra phía cổng. Một nửa cánh cửa chấn song sắt đã hạ xuống. Tấm vải bố đã kéo lên. Danh sách thứ hai gồm 300 người. Có chị Jacqueline, có bé Hoa và tôi. Cảnh tượng lại diễn ra như vẫn diễn ra. Chúng tôi đeo còng, lên xe rời Long Thành. Lực lượng đấu tranh bị phân tán mỏng. Chuyến đi thiếu chị Nga, tôi cảm thấy lẻ loi. Bao giờ mới gặp lại chị? Trong lao tù, mọi chia ly tưởng chừng mọi vĩnh biệt muôn thuở. Và nếu còn thấy nhau, đó là hạnh ngộ.
Quá trưa, chúng tôi vào đất Xuyên Mộc. Xuyên Mộc, cái địa danh nghe đã não nề. Đi qua gỗ, chúng tôi phải đi qua gỗ, chúng tôi phải xuyên qua gỗ, chúng tôi phải xuyên qua gỗ bằng hình phạt của thù hận. Tôi chợt nhớ một truyện ngắn của nhà văn Marcel Aymé, nhan đề «Le passe-muraille». Người ta chỉ có thể đi qua bức tường gạch bằng mộng du và bằng sự mơ mộng của nhà văn. Chúng tôi đi qua tường, xuyên qua gỗ bằng hiện thực và bằng sự gian ác của cộng sản. Bằng cái mà họ gọi là «cải tạo tư tưởng» một cách kiêu hãnh. Thế giới luôn luôn bị huyễn hoặc, bị lừa gạt bởi danh từ cộng sản. Họ không thể hình dung nổi những trại tập trung cải tạo tư tưởng mọc giữa những đầm lầy, chênh vênh trên sườn núi, hun hút trong rừng già và những việc ghê tởm mà tù nhân bị cưỡng bức lao động và những làn roi giây điện, những cú đấm, cú đá mà tù nhân phải hứng chịu nhục nhã. Và, họ vô tư khiến phẫn nộ, bảo đầm lầy Nam Hà, đề lao Gia Định, khám lớn Chí Hòa, nhà tù Hỏa Lò, trại kỷ luật Phú Khánh là những «re-education camps»! Còn cái lò sát sinh Phú Văn, nơi có ngọn đồi Fanta chôn hàng ngàn trẻ con vô tội thì gọi là «camp» gì nhỉ? Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi mới thấy mình quá dốt địa lý Việt Nam. Tôi vừa biết hàng chục ngàn địa danh mới mẻ, nhờ mỗi địa danh mới mẻ ấy là một nhà tù. Xuyên Mộc, địa danh mới. Nó là hòn đảo chính của quần đảo hãi hùng. Những hòn đảo nhỏ quấn quýt gần nó: Bầu Lâm, Bà Tô, Sa Ác... Tôi rơi vào Sa Ác, vào chỗ chết!
Tổ chức của trại Sa Ác giống hệt tổ chức của trại Long Thành. Nó có vẻ rùng rợn hơn vì nó nằm giữa rừng già. Nhà cửa luộm thuộm những bốn lớp hàng rào kẽm gai. Sổ tù Sa Ác ghi tên tôi đúng ngày tổng thống Reagan nhậm chức. Thế là tôi đã ở tù trải qua ba đời tổng thống Mỹ. Ngày hôm sau, 300 người chúng tôi bị biên chế thành 6 đội, bị lùa vào khu vực riêng, bị cấm đoán không được liên hệ với tù cũ. Chúng tôi thuộc các đội trừng giới và phải làm những công việc của đàn ông lực lưỡng. Cai ngục Sa Ác hành hạ chúng tôi đúng mức. Họ tính từng phút giải lao. Chúng tôi phải hạ những cây khổng lồ bằng dao cùn, cuốc mẻ, phải khiêng cây oằn vai, phải lao vào những bụi mây tua tủa gai nhọn phát hoang. Sa Ác, trước thời chiến tranh, là khu vực oanh kích tự do. Những hố bom lớn, sâu ngổn ngang đây đó. Cai ngục bắt chúng tôi phá gò mối trăm năm, đất rắn như đá, khiêng đất lấp hố bom. Bom Mỹ tạo ra hố, cộng sản sai chúng tôi lấp hố. Tôi nghĩ đã có nhiều hố bom ở Nicaragua và người Nicaragua cũng đang lấp hố bom giữa rừng như chúng tôi lấp hố bom ở Sa Ác. Nhân danh cái gì người ta ném bom? Và nhân danh cái gì người ta bắt chúng tôi lấp hố bom?
Tay tôi đã chai dầy. Có vài người kiệt sức, chết khi vác cây. Cây đè lên cái xác gầy ốm, đè lên thân phận làm người. Hèn hạ hơn cả, nó đè lên phụ nữ. Đàn bà sinh ra để tạo hạnh phúc cho đàn ông hay để chịu cực hình cộng sản? Tôi thèm nghe câu trả lời của một người đàn ông nào đó ở Washington, ở Paris, ở Londres hay ở Tokyo... Hay ở một người nuôi chó cái nổi tiếng trên thế giới cũng được? Hai tháng bị trừng phạt tưởng chừng hai thế kỷ, chúng tôi mòn mỏi, rạc rãi. Bệnh tê bại và huyết trắng tăng trưởng. Dinh dưỡng tồi tệ, thuốc men không có. Chỉ có họng súng dọa nạt, roi vọt quất vút và lao động chết bỏ. Tôi cầm chắc cái chết dù tôi rất thèm sống! Tôi có nhiều việc phải làm, một mai. Phép lạ giúp tôi tồn tại vẫn là ước mơ. Gần kề sự chết, nỗi ước mơ càng đằm thắm. Nhưng, đôi khi, nỗi ước mơ ngơ ngác, vì tôi chẳng còn thì giờ mơ ước. Tám giờ lao động trầy bả vai, nhỏ máu mắt, chúng tôi thèm ngủ hơn thèm ăn. «Ngủ đi em, ngủ mà quên. Cái buồn hoang dại làm điên cuộc đời.» Một giờ ngủ trưa, không đã. Ngủ thêm vài phút lúc ngồi giữa sân nắng chờ đi lao động. Ngủ trên đường ra hiện trường. Ngủ khi cầm dao cùn chặt rễ cây. Ngủ mệt mỏi. Ngủ khổ sở. Hình phạt Sa Ác đến đó tạm đủ. Người ta chuyển chúng tôi ra Bà Tô. Đến Sa Ác 300 tù nhân, qua Bà Tô còn 250. Hai tháng, một lò sát sinh hạ bao nhiêu con bò? Hai tháng, địa ngục Sa Ác chôn vùi 50 tù nữ!
Ở Bà Tô, chúng tôi bị ngược đãi không kém ở Sa Ác! Người ta dùng đòn lao động và roi gạo cải tạo chúng tôi thành những con người hèn hạ, đê tiện. Chẳng còn ai thiết nói chuyện đấu tranh, tâm tình. Người ta đã thù ghét nhau vì bát cơm đầy, bát cơm vơi. Người ta giành giật, đánh lộn, nguyền rủa nhau. Và, người ta xa nhau. Chúng tôi đã đi vào con ngõ cụt. Tôi càng ghê sợ thủ đoạn của cộng sản. Với đàn bà, con gái, họ cũng không khước từ chơi độc. Chúng tôi ở Bà Tô thêm hai tháng. Khi tất cả chúng tôi mắt mờ, chân mỏi, hình hài ma ốm, người ta lại chuyển về Long Thành. Cái danh sách có chị Nga chưa thấy về. Và chị Thanh vẫn nằm trong connex. Hầu hết các chị dân biểu, nghị viên, thẩm phán, viên chức thư lại ở lại Long Thành sau một «biển dâu tan tác» đã được tha về. Không hề có thêm cám cho những người bị tê bại. Cũng chẳng bổ xung bác sĩ, thuốc men. Ba Tơ vẫn lừng lững, vẫn đích thân quất roi da xuống mông tù nhân vi phạm kỷ luật, vẫn chọn đàn bà, con gái kháu khỉnh lên phòng y tế khám nghiệm xem có phải là điếm không!
Trại Long Thành, trại tù đàn bà kiểu mẫu của chế độ, không một chút thay đổi. Hình như nó nham hiểm hơn. Giám thị Ba Tơ là biểu hiện của chế độ. Đôi khi, tôi thấy ông giống hệt ông Hồ Chí Minh. Đôi khi, tôi lại thấy y giống hệt tên đồ tể. Và, thường thường, tôi thấy y như con bọ hung. Tôi, bây giờ, thuộc quân số đội nông nghiệp trồng khoai, trồng ngô. Công việc có nhàn hạ nhưng chán nản vô cùng. Một số người đã phát điên. Phần còn lại thì rã rời, bạc nhược cả thể xác lẫn tâm hồn. Tôi nhớ chị Nga. Không dám nghĩ chị đã chết vùi dập ở xó rừng nào, nhưng nếu chị chết, chị đã để di chúc cho tôi. Tôi sẽ định nghĩa đời sống như thế nào? Trước đây, tôi không tin rằng chết sướng hơn sống và hôm nay tôi cũng không tin rằng chết sướng hơn sống. Tôi sẽ phải định nghĩa thêm về cái chết nữa. Một tháng Long Thành lại sức, người ta gọi những cô gái điếm và tình nghi điếm, tuyển chọn từ các trại tập trung khác nhau về, lên làm việc liên tiếp năm sau ngày.
Cả trại xôn xao, lo lắng. Tất cả đều nghĩ Ba Tơ xét lại «vụ án đêm không ngủ» năm tháng qua và khai thác gái điếm để tìm ra những kẻ chủ mưu. Một căn nhà riêng dành cho các cô ở, sau khi đã làm việc với Ba Tơ. Sự phỏng đoán có phần đúng. Ba Tơ sợ các cô gái điếm bị trả thù ngay tại phòng của mình. Quản giáo đích thân dẫn các cô chuyển phòng. Cô bé Hoa của tôi cũng được gọi lên làm việc vào ngày cuối cùng. Khi trở về, bỏ bữa cơm chiều, cô nằm khóc rưng rức. 
- Chuyện gì đã xảy ra cho em? Tôi hỏi.
- Khủng khiếp lắm chị ạ. Cô tấm tức trả lời. 
- Họ bắt em chỉ điểm những người chủ mưu đêm không ngủ, hả?
- Không. 
- Thế sao?
- Họ dọa em, họ bảo họ sẽ nhốt em suốt đời vì em đã nhận tội phản động. Rồi Ba Tơ đưa em tờ giấy bắt em ký tên. Em đọc, em hoa mắt, không dám ký.
- Giấy nhận tội?
- Không, giấy tình nguyện làm điếm!
- Thật vậy ư?
- Vâng, tình nguyện phục vụ các đồng chí Liên Xô thì sẽ được tha ngay, sẽ được bồi dưỡng no đủ. Ba Tơ kêu gọi lòng yêu nước của em. Nó bảo làm điếm là yêu nước, là đóng góp công sức vào chế độ xã hội chủ nghĩa, vào tình hữu nghị Việt Xô đời đời bền vững. 
- Và em từ chối?
- Dứt khoát em từ chối.
Cô Hoa lại khóc. Tội nghiệp cô bé. Số phận cô như số phận anh nông dân Moritz trong Giờ thứ 25. Một người vì có nhan sắc mặn mà, một người vì nhan sắc của chính mình mà lận đận tù ngục. Anh Moritz thì phải ký giấy xin được chống cộng sản với người Mỹ. Còn cô Hoa thì phải ký giấy tình nguyện làm điếm cho cộng sản. Thân phận con người, trong thời đại của tôi, sao mà hẩm hiu thế. Tôi tự hỏi, trong Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh thiếu gì thanh nữ đẹp đẽ, đẫy đà mà Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng không kêu gọi họ yêu nước tích cực, yêu nước hiện thực xã hội chủ nghĩa, khích lệ họ trở thành những dũng sĩ, anh hùng của chế độ trong nhà điếm quốc doanh. Lại phải tuyển lựa điếm nhà nghề ở cac trại cải tạo phục hồi nhân phẩm! Làm điếm cho Mỹ là mất nhân phẩm làm người. Nhưng làm điếm cho cộng sản là... yêu nước. Tưởng những ai đang yêu nước dưới những cái bảng hiệu «Trí thức yêu nước», «Việt kiều yêu nước» nên có phút giây suy nghĩ. Bởi vì gái điếm đã được đề cao và đánh giá cao hơn mọi thành phần yêu nước. Vết son của chủ nghĩa cộng sản hôm nay, nỗi bùi ngùi của xác chết trong hòm kính! 
- Em phải làm gì, chị Lan? Hoa nghẹn ngào hỏi.
- Làm gì? Chị không biết mình sẽ phải làm gì nếu họ bắt chị tình nguyện… yêu nước. Đừng trách chị nhé, Hoa! Chẳng có lời khuyên nào cho em cả. 
- Cám ơn chị. Em nói với họ để em suy nghĩ hết ngày mai. 
Hoa thôi khóc. Hôm sau, ở hiện trường lao động, vào khoảng 9 giờ, cô xách cuốc lại chỗ vệ binh ngồi gác, báo cáo đi vệ sinh. Bất thình lình, cô phóng tới, dùng cuốc bổ tới tấp. Vệ binh không kịp phản ứng. Y lãnh mấy nhát thù hận, nằm ngay đơ. Hoa vớ khẩu AK, dộng báng súng lên đầu vệ binh. Cô điên rồ. Cơn điên tăng sức mạnh cho cô. Máu tên vệ binh phọt ra làm cô ngây ngất. Hoa cười ha hả. Tôi đứng thẫn thờ nhìn cô, không thể nói được lời nào. Quản giáo sợ xanh mặt. Vệ binh thứ hai lúng túng vài phút rồi lên đạn, chĩa mũi súng nhắm Hoa. Cô thét lớn:
- Tao thà chết, không làm điếm cho cộng sản!
Hoa buông khẩu AK xuống, dang hai tay, ngước nhìn trời. Một băng đạn găm suốt vô ngực Hoa. Cô gục ngã. Máu của Hoa đã đổ trên luống khoai cải tạo. Hoa chọn cái chết êm ái. Trại nổ súng báo động. Các đội thu dụng cụ nghĩ làm. Đội trưởng ở lại. Chúng tôi về. Tôi cố nhìn Hoa lần cuối. Xác cô phơi dưới nắng, máu vẫn ứa ra. Nhân danh ai để tôi vinh tôn một thiếu nữ biết bảo vệ phẩm cách con người? Thôi, nhân danh những giọt nước mắt của tôi vậy. Sẽ có ngày, tôi tìm đến nấm mồ của Hoa, đọc bài điếu văn muộn.
Cái chết của Hoa được coi rất bình thường. Người ta sẽ ghi vào biên bản vỏn vẹn dòng chữ: «Trốn trại, bị bắn chết». Không có ủy ban nào điều tra, mất thì giờ vô ích. Buổi chiều chúng tôi ra hiện trường lao động, xác của Hoa đã đem vùi lấp ở nghĩa địa Long Thành. Chỉ còn những vết máu khô quánh. Vệ binh truyền lệnh mới: Báo cáo cách xa hai mươi thước. Quản giáo không thích gần tù nhân. Vụ khoai sắp tới, tôi muốn được ăn một cũ giữa luống thấm máu Hoa. Để suốt đời tưởng mộ nàng, suốt đời nhớ sự vô liêm sĩ của công sản. Những cô điếm yêu nước bị cách ly với chúng tôi. Thế càng tốt. Họ được ăn cơm trắng ba bữa, ăn thỏa thuê, ăn với thịt bò, thịt heo, tôm, cá, trứng, rau... Họ được nuôi nấng đúng tiêu chuẩn ngang hàng tiêu chuẩn cấp thứ trưởng. Họ được phát quần áo mới, vừa vặn, lộng lẫy. Họ được tặng son phấn, nước hoa, gương lược... Hơn tháng trời chăm sóc, Đảng ta trả tự do cho họ và phát thẻ điếm quốc doanh, sẽ phát thẻ đoàn viên, đảng viên nếu họ móc nhiều đồng «rúp» và hài lòng cố vấn Liên Xô.
Tháng 7 năm 1982, chị Nga trở lại Long Thành cùng một trăm người khác,thân tàn ma dại. Tóc chị bạc quá nửa. Da dẻ chị đen xạm, chân tay khẳng khiu. Chị nói chị đã bị lao. Rời Long Thành, chị đến Hàm Tân, bị đầy đọa ở trại Z30DK1, mấy tháng ròng rã đào gốc cây buông. Ở Hàm Tân, người ta thả hết các viên chức chế độ cũ. Chị Lệ Thủy trốn trại, bị bắt, bị đánh đập thê thảm. Sau đó, chị Nga đi Phú Khánh rồi Pleiku rồi Gia Lai rồi về Long Thành. Mỗi lần đi, mỗi lần để lại vài xác chết. Tính ra, chị Nga đã ở sáu nhà tù. Chị bảo trại tập trung nào cũng thế, nhà tù nào cũng vậy. Ánh sáng hay là bóng tối của chủ nghĩa đều nhầy nhụa, vàng bủng, tanh tưởi, lợm giọng. Tôi kể cho chị Nga nghe chuyện xảy ra ở Sa Ác, ở Bà Tô và cái chết của Hoa.
- Có thay đổi trong tâm hồn chị, Lan ạ! 
- Đổi thay thế nào? 
- Bài diễn văn đọc trước Quốc Hội Mỹ tầm thường quá. Nước Mỹ không phải là trái đất và dân tộc Mỹ không là loài người. Chúng ta sẽ soạn thảo Bài diễn văn đọc trước loài người.
- Còn còng Mỹ?
- Vẫn là còng Mỹ thôi. Chúng ta không muốn còng Mỹ xuất hiện ở khắp nơi trên trái đất, kể luôn nước Mỹ.
- Còn cộng sản?
- Ta vẫn mong muốn họ làm người. Hãy giúp đỡ cộng sản làm người. Làm người, họ sẽ hết là cộng sản. Họ sẽ biết yêu thương và mơ ước. 
- Còn sự phản bội của chính sách Mỹ? 
- Bỏ đi. Nên cảm thông và tha thứ. Chúng ta làm lại quê hương chúng ta, làm lại trái đất bằng những trái tim không vấn vương quá khứ thù hận, không dính líu hiện tại ủ ê. 
- Từ cảm hứng nào chị thay đổi?
- Từ những búng máu trong phổi chị trào ra. Từ còng Mỹ, từ roi vọt cộng sản... Và, có thể, từ cái chết của chúng ta. 
- Chị cứ nói đến cái chết, buồn quá. 
- Phải dọn sẵn cái chết, em ạ! Nếu chị chết trước em…
- Nếu chị chết?
- Nhớ rằng, có một thời để im lặng và một thời để lên tiếng. Thời để lên tiếng chưa tới, em lên tiếng sớm, tiếng nói của em sẽ chìm vào hư vô. 
- Làm sao mình biết đúng thời lên tiếng?
- Sống đi, rồi sẽ biết. Hình như, bên ngoài người ta đang ồn ào lên tiếng. Em biết chứ, đó là tiếng nói chết. 
Chị Nga ôm ngực ho.
- Có lẽ, chị không được tham dự một trò chơi ngoạn mục đâu. 
Tôi thấy nhói tim.
- Thôi, nói chuyện khác, chị nhé!
Tôi hỏi thăm hai chị Lệ Thủy, Hai Ba Dạng, chị Nga nói họ còn ở Phú Khánh, trong xà lim vì dám khạc nhổ vào mặt giám thị. Chúng tôi bận bịu lao động, mệt nhoài khổ sai, ít có thì giờ gặp nhau. Dù vậy, lòng tôi đã được sưởi ấm vì chị Nga còn sống và đang chung trại với tôi. Một lần, trong nhà thương điên, tôi đã muốn trở thành nhà văn. Bây giờ, tôi khao khát trở thành nhà văn. Không cần phải nghi ngờ gì nữa. Chị Nhi chết hay chị Nga chết hay bao nhiêu người Việt Nam đã chết, đang chết và sắp chết đều để tạo thứ ánh sáng cứu rỗi nhân loại. Xưa, Thích Ca đã ngộ trong đau khổ. Và ánh sáng giải thoát đã áng lên trong nỗi mông lung khốn cùng. Ánh sáng ấy vẫn chỉ là thứ ánh sáng mới đến, kêu gọi thức tỉnh. Và sự giải thoát vẫn còn tiêu cực. Và loài người vẫn còn chìm đắm trong bể trầm luân. Nghĩ lại, thời đại của Thích Ca, tham vọng của con người bé nhỏ và nỗi khổ con người phải chịu đựng cũng đơn giản nên sông Hằng đã là to lắm. Nay, sau Ngài 2500 năm, tham vọng của con người vô hạn và nỗi khổ con người phải chịu đựng cũng vô hạn. Nỗi khổ con người phải chịu đựng từ những trò chơi tư tưởng của thế kỷ hai mươi phải tính bằng đại dương. Và nước mắt hòa với máu. Nỗi khổ ray rứt. Nỗi khổ đòi đoạn. Nỗi khổ thấm vào da thịt, vào lóng xương, vào ống máu. Và rụng rời nhất: Nỗi khổ trong ngục tù cộng sản. Chị Nga đã tới bằng nỗi khổ phá kỷ lục các nỗi khổ trên trái đất từ cổ chí kim, từ đông sang tây. Dẫu chị chết, và nói theo chị, nếu có thời để lên tiếng, thời ấy, chắc chắn, sẽ phải có những người Việt Nam cao quý phóng lên bầu trời mù mịt hận thù thứ ánh sáng huyền ảo cứu rỗi nhân loại, mở ra một nền văn minh, toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ. Ánh sáng huyền ảo ấy, bắt buộc, là ánh sáng làm xao xuyến tâm tư, quyến rũ trời đất, thôi thúc lòng người: thứ ánh sáng bắt tìm đến, vụt thức tình nguyện. Và sự giải thoát sẽ tích cực, sẽ tạo dựng sự bình yên cho tâm hồn con người vĩnh cửu.