Chương IV

     gười ở giữa bị còng cả hai tay lẫn hai chân là tôi. Tay bên phải của tôi và tay bên trái của người đứng bên phải tôi chung một cái còng số 8. Chân cũng vậy. Tay chân bên trái còng với tay chân bên phải của người đứng bên trái. Vì chỉ xử dụng hai cái còng nên tay trái, chân trái, tay phải, chân phải của hai người bên cạnh tôi không bị dính còng. Hai bàn tay «tự do» ấy sẽ vất vả vì tôi.
Chúng tôi thân nhau rất dễ dàng. Người bên phải tôi là Nga, giáo sư văn chương của trường Lê Văn Duyệt. Nga cầm đầu một tổ chức phản động gồm toàn nữ sinh của nàng, tổ chức của những cô gái lãng mạn của thời đại. Thay vì nằm nhà đọc tiểu thuyết ướt át và hẹn hò đôi lứa, họ đã hẹn hò nhau, đem truyền đơn chống cộng sản vào các rạp xi nê, đặt tận tay từng người. Nga viết truyền đơn. Học trò nàng chung tiền để mua giấy, mua stencil và quay ronéo. Rất nhiều tổ chức như tổ chức của Nga. Họ không quen nhau. Họ chống cộng sản như con nít chọc khỉ, chọc cọp đói trong sở thú. Và họ đã bị bắt. Người bên trái tôi là Nhi. Nàng mở quán cà phê trên lề đường Tự Do. Khách của nàng là những thanh niên, thiếu nữ của tổ chức. Họ thường tới uống cà phê để thông tin và nhận công tác mới. Nhi dậy triết ở Trường Sơn. Ông hiệu trưởng bị bắt trước nàng hai tháng. Cả ông giám thị cũng mắc lưới. Nhi cho tôi biết hai ông bị phát hiện vì là do Kẻ tà đạo. Nó đã bán ông bạn già của mình. Nhiều học sinh Trường Sơn theo thầy vào các trại giam. Tôi kể cho Nga và Nhi nghe về hoạt động của nhóm chúng tôi. Và chúng tôi đã cười vang cả cachot. Quả thật, chúng tôi lãng mạn. Cachot nhốt ba chúng tôi rộng bằng phòng tập thể C1. Không có bức xi măng, không có vòi nước, không có cầu tiêu. Cửa gió đóng kín ngày đêm. Chúng tôi nằm trên sàn phòng ẩm ướt, không chăn chiếu. Một cái xô thiếc đặt ở góc phòng, chúng tôi sẽ tiểu tiện, đại tiện vào đó. Luật lệ ở các nhà tù cộng sản cấm tù nhân không được giữ trong mình bất cứ một thứ giấy nào, trừ thư gia đình. Do đó, tù nhân đại tiện xong phải rửa bằng nước. Chúng tôi bị tống vào cachot không hành lý, tay chân còng kỹ, nhìn nhau, chưa hiểu sẽ phải đương đầu với hình phạt này ra sao. Ở cái hành tinh quyến rũ và tự hào văn minh số một của chúng ta, có nơi nào người ta xích đàn bà, con gái thành chùm trong nhà tù không nhỉ? Địa ngục ở đâu? Chắc chắn, địa ngục không bao giờ là địa ngục của thiên chúa giáo hay âm phủ của phật giáo. Nó ở ngay lòng chủ nghĩa mà chủ nghĩa cộng sản là điển hình của một địa ngục ghê tởm. Quỷ sứ là những người cộng sản lớn nhỏ. Trò chơi của họ thì giống hệt trò chơi của quỷ sứ đã được mô tả dưới địa ngục, âm phủ của tôn giáo. Chúng tôi đang leo lên cái cầu vồng chênh vênh. Bầy chó ngao đợi chúng tôi té ngã, trơn ngã, chóng mặt ngã là xé xác chúng tôi. Hãy can đảm leo lên cái cầu vồng thử thách đó. Tôi tự nhủ. Bên kia cầu vồng là gì, có gì? Nếu không phải là mênh mông, mơ ước, không có chứa chan hạnh phúc thì, ít ra, cũng có một cuốn sổ, một cây bút để chúng ta ghi rõ câu định nghĩa làm người. 
Buổi chiều, người ta mở cửa phòng, đem cho chúng tôi ba phần cơm, để ngay sát cửa. Cô giáo Hoàng Thị Nga mỉm cười: 
- Chúng ta sẽ là Án Tử sang nước Sở. 
Nga kể vanh vách cái điển cố này như thể nàng đang đứng trước bảng đen. Rồi Nga kết luận:
- Thế đó. Ở với bọn chó, ta đành sống theo kiểu chó. Nào, ra lấy cơm. Chúng ta cần sống. 
Tôi nói:
- Để đủ sức leo qua cầu vồng.
Cô giáo Trần Thu Nhi tiếp:
- Cầu vồng còn dài lắm.
Cả ba chúng tôi cùng đứng dậy, cùng đi, cùng cúi xuống. Nhưng chỉ có tay trái của Nga và tay phải của Nhi làm việc. Chúng tôi lượm cơm canh hai lần. Tôi có thể bưng cơm canh. Và khi tôi bưng, tay phải của Nga và tay trái của Nhi cũng phải làm những động tác y hệt hai bàn tay tôi. 
- Nếu ngồi ăn, Nga nói, Lan sẽ chờ lâu, chúng tôi ăn xong mới bón cơm cho Lan được. 
- Em thích làm bébé, chị Nga ạ! Tôi nói.
- Mình ăn kiểu nằm đi. Nhi nói.
Chúng tôi nằm sấp. Như thế, muốn ngóc đầu cao, Nga và Nhi cần chống một khuỷu tay. Họ sẽ ăn bằng tay còng với hai tay của tôi. Tôi vẫn đợi thôi. Nếu họ ăn bằng tay không bị còng, họ phải dùng tay bị còng mà chống khuỷu. Người ở giữa thúc thủ. Cuối cùng, chúng tôi ngồi dậy. Nga và Nhi ăn trước. Tôi ăn sau theo kiểu vú già nuôi con nít. 
- Cộng sản kết tội Mỹ đưa dân ta trở về thời kỳ đồ đá. Còn họ, họ đưa chúng ta trở về thời kỳ gì nhỉ? Nga hỏi.
- Thời kỳ heo! Tôi đáp.
- Heo cổ đại, Nhi thêm, heo hiện đại nuôi phuong pháp kỹ nghệ sướng hơn chúng ta. Chúng có vòi nước tắm tự động, có nhạc cổ điển nghe và không bị còng.
Chúng tôi có những bữa ăn uống đau khổ, tủi nhục. Rồi chúng tôi cũng tự giải quyết ổn thỏa. Nhưng vấn đề tiêu, tiểu mới phiền phức. Một người đi tiểu là ba người cùng lết còng đi, không mót đi cũng phải đi. Đang đêm, cả ba lồm cồm ngồi dậy, lê chân dưới ngọn đèn tù cachot vàng khè, mắt nhắm mắt mở đi tiểu hoặc đi tiêu. Nga và Nhi thay phiên nhau chùi đít giùm tôi. Không có nước, không có giấy, chúng tôi đành xé ống quần dài lấy giẻ thế giấy vệ sinh. Cái xô cứt và nước đái thiếu luôn nắp đậy. Người ta hẹp hòi đến thế là cùng. Ban ngày ruồi nhặng ghê tởm. Ban đêm muỗi hãi hùng. Chúng tôi đã sống như vậy. Con người đã bị sống như vậy và sống trong tiếng thét hào hùng của các chiến sĩ đấu tranh nhân quyền làm dáng bên kia đại dương.
- Nếu chúng ta có chính quyền, chúng ta sẽ đối xử với những kẻ đã ngược đãi với chúng ta như sao? Nga mở đầu buổi «còng đàm» trong cachot ẩm mốc, hôi hám của khu A đề lao Gia Định.
- Chúng ta sẽ dậy họ làm người. Nhi nói. Và nàng cao hứng hát lớn. «Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương. Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm. Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương...»*
*Lời một bài hát khá thịnh hành của cộng sản Hà Nội.  (Chú thích của nhà xuất bản.)
Cô giáo triết lý ngừng lại. Rồi góp ý:
- Thấy chưa, người cộng sản mơ ước làm chim, làm hoa, làm mây và cả làm người nữa. Tôi tự hỏi họ đang làm gì mà họ mơ ước làm người. Theo thuyết luân hồi của nhà Phật, kiếp này ta làm người, kiếp sau ta làm chim, làm thỏ, làm gà... Kiếp này ta làm chó, ta mong làm người. Chúng ta sẽ dậy cộng sản làm người, sẽ giúp họ chóng nên người. Họ thèm làm người quá rồi. 
- Ý nghĩ tuyệt diệu. Nga nói. Khi cộng sản hóa kiếp làm người, họ sẽ hết là cộng sản. Giúp họ làm người thật, đó là sứ mạng của những kẻ đang bị họ còng tay còng chân trong cachot. Chúng ta hãnh diện chúng ta là những con người dám đem yêu thương đổi căm thù. 
- Các chị sẽ bị những ông đòi thọc huyết cộng sản, đòi chôn sống hết cộng sản giết lây. Dẫu các chị không chết, các chị cũng bị bôi bẩn, lên án. Tôi nói. Nhưng em thích lãng mạng như các chị.
- Tổ tiên của chúng ta đã lãng mạn và cao thượng. 
- Do đó tổ tiên chúng ta có ca dao bay bổng. 
- Chúng ta có thơ lục bát. 
- Có sao diều lơ lửng. 
- Chúng ta còn có triền miên đau khổ để chúng ta định nghĩa làm người Việt Nam. 
- Tôi sẽ lập thuyết ở cachot tồi tệ này. Ai là tinh hoa của nhân loại? Giai cấp nào? Trả lời ngay: Tiểu tư sản. Tất cả vĩ nhân, tài năng của nhân loại đều xuất thân từ giai cấp tiểu tư sản. Tại sao tiểu tư sản chỉ cam đành làm tôi mọi cho tư bản và vô sản? Và bị cả tư bản lẫn vô sản ghét bỏ, khinh khi? Tiểu tư sản là đầu óc, là tâm hồn của tư bản và vô sản. Tiểu tư sản đông nhất thế giới. Ai còn thích cái xe riêng, căn nhà riêng, mảnh vườn riêng, ao cá riêng... người ấy là tiểu tư sản. Tư bản và vô sản đã bất lực trong sự mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại và đã lộ rõ móng vuốt bất lương, bất nhân của chúng. Vậy thì tiểu tư sản phải giành quyền lãnh đạo loài người. Tiểu tư sản các nước trên trái đất, hãy vùng lên! 
- Lại tân chủ nghĩa, lại chém giết nhau nữa.
Những buổi «còng đàm» giúp chúng tôi qua thời gian mau lẹ. Tôi bỗng thấy một điều mới đã cũ rích. Con người không thể sống thiếu con người. Thế mà có những con người cứ đòi giết hết người khác. Tôi đã ở các cachots ròng rã một năm. Sống một mình đơn độc, buồn nản và sợ hãi vô cùng. Sống với người khác, dù chỉ hai ba thôi, bỗng lòng mình ấm áp, tin tưởng. Ngày thứ bẩy, người ta mang cho chúng tôi mỗi đứa một bộ quần áo và những thứ lặt vặt như khăn, xà phòng, bàn chải đánh răng, khăn, lược... Người ta đã lấy chúng từ những cái bị hành lý tù của chúng tôi. Rồi người ta mở còng, cho phép chúng tôi đi tắm. Nhà lập thuyết tiểu tư sản, cô giáo triết học Trần Thu Nhi, xách cái xô lưng lưng phân tiểu ra khỏi phòng. Chúng tôi ăn ít nên tiêu hóa ít. Và nữa, sợ làm phiền nhau, chúng tôi hạ quyết tâm nín đại tiện, càng lâu càng tốt. Ở tù cộng sản, sự tiểu tiện, cái thú thứ tư của con người, cũng bị giới hạn. Nhi đi đổ phân tiểu, rửa xô. Nga và tôi quét phòng, Sau đó, người ta dẫn chúng tôi tới phòng tắm. Chúng tôi gội đầu, tẩy uế thể xác, đánh răng... Hạnh phúc, tôi đã nhìn rõ một sợi tơ hồng của nó trong cơn tắm say sưa. Bình thường, tắm gội chẳng có ý nghĩa gì ngoài sự vệ sinh hàng ngày. Nhưng một tuần lễ xích tay, còng chân trong cachot hôi hám, mình mẩy nhớp nhúa, được tắm một trận thỏa thuê thì mỗi gáo nước là một ý nghĩa trong vắt, nhiệm mầu. Nước trên suối tiên Đào Nguyên chưa chắc đã tuyệt diệu bằng. 
- Tiên nữ tắm như thế nào, Lan biết không? Nga xối nước ào ào lên đầu tôi. 
- Em thiếu trí tưởng tượng, chị ạ! Tôi vuốt mặt. 
- Thì cũng trần truồng như mình. Khác một điều là họ được tự do phơi sự trần truồng của họ với thiên nhiên. Nhi nói. 
- Có lần Lưu Thần và Nguyễn Triệu tắm chung với họ. Nga cười. 
- Tôi muốn tắm chung với anh tù phản động nào đó. Nhi nói. Rất tiếc, kép của tôi không dám làm phản động. 
- Y làm gì? Nga hỏi. 
- Trí thức yêu nước! Nhi đáp. 
- Ôi, cái bọn yêu nước có bảng hiệu, cái bọn vô liêm sỉ ấy nhan nhản khắp nơi. Trí thức yêu nước, Việt kiều yêu nước. Tu sĩ yêu nước... vịt yêu nước! Chúng nó là cái xô phân trong góc cachot của ta. Nga gay gắt phán xét. 
- Nói tiếp chuyện tiên đi, các chị. Tôi dục.
- Ba chị em mình là ba nàng tiên đẹp nhất trong bầy tiên. Khúc nghê thường của chúng ta là vũ khúc diễn tả sự thống khổ làm lay động cái bóng tối âm u trùm kín mít lương tri của loài người. Chúng ta đang ở trong các cachot tù ngục? Không phải đâu, chúng ta đang múa trên những sân khấu vĩ đại. Chúng ta đang sáng tạo bản trường ca hạnh phúc cho loài người. 
- Bản trường ca có người xách xô cứt. 
- Có ba người con gái tay chân còng chung, đi ỉa xé quần làm giẻ chùi, kinh nguyệt không serviettes hygiéniques, một tuần không đánh răng, rửa mặt. 
- Vẫn can đảm chịu đựng và ngẩng mặt. 
Câu chuyện trong phòng tắm đang hấp dẫn thì cai ngục hối thúc. Chúng tôi lau khô mình mẩy, đầu tóc, mặc quần áo, chải đầu và bước ra. Cai ngục thu lại những món lặt vặt, thu luôn cả quần áo dơ bẩn vừa giặt giũ xong. Chúng tôi về cachot như buổi trưa chúng tôi mới đến. Hôm nay, tới lượt Nga ở giữa trong «tam ca cái còng». Sẽ tới lượt Nhi ở giữa. Chúng tôi tượng trưng ba miền đất nước: Bắc, Trung, Nam. Cả ba miền đất nước đã bị còng chung đằng đẵng năm mươi năm chém giết. 
«Cái còng này còng tay ta
Do Mỹ do Nga tạo ra
Các con ráng còng cho kỹ
Muôn năm với nước non người»
Nga đã chế ra những lời mới cho bài ca Lá Cờ. Người Việt Nam, từ ba chục năm nay, đều chỉ biết còng nhau bằng còng Nga, còng Mỹ. Đất nước chúng ta thiếu nhiều thứ. Có một thứ chúng ta bằng lòng thiếu là kỹ nghệ chế tạo còng. Kỹ nghệ này phát triển mạnh ở Mỹ và Nga, nó là ưu tiên hàng đầu cho mục đích cao cả viện trợ các nước nhỏ. 
- Tôi sẽ viết bài diễn văn trong tù! Nga nói. 
- Đọc ở đâu? Nhi hỏi.
- Quốc hội Mỹ. Tôi đã nghĩ sẽ có ngày tôi vượt ngục, trốn sang Mỹ đọc bài diễn văn trước Quốc hội Mỹ rồi lại về Việt Nam. 
  - Đề tài diễn văn của chị?
- Những cái còng Mỹ. Phải, những cái còng made in USA đang trên tay ta, dưới chân ta, đang có mặt khắp các nhà tù Việt Nam. Một tối nào đó, tôi sẽ đọc cho Nhi và Lan nghe.
Bài diễn văn đọc trước Quốc hội Mỹ soạn trong bóng tối cachot, gần xô cứt và tay chân bị còng bằng còng Mỹ. Tuyệt diệu. Bài diễn văn lạ lùng nhất từ thuở khai thiên lập địa. 
- Em sẽ đeo còng Mỹ vỗ tay. 
Chúng tôi tiếp tục sống dính chùm sang tuần thứ hai. Mọi sinh hoạt không mảy may thay đổi. Qua tuần lễ thứ ba, bệnh tim của Nhi dở chứng. Nhi nói chị mắc bệnh tim từ năm còn ngồi trung học. Thỉnh thoảng, chị như bị nghẹt thở và phải chở đến nhà thương cấp cứu. Ngót một năm vào tù, bệnh tim cảm thông nỗi khổ của chị, quên hành hạ chị. Bây giờ, nó muốn tiếp tay với hình phạt nhà tù. Nửa đêm, Nhi thở yếu và xỉu. Chúng tôi kêu la ầm ỹ. Y tá trực tới, khám xét qua loa và bảo Nhi giả vờ. Khi y tá trực xuất hiện, tim của Nhi trở lại nhịp độ bình thường, do đó, y quả quyết Nhi đùa rỡn. Y không biết y đã đến quá chậm. Nhiều lần kế tiếp, báo bệnh hàng trăm lần, y tá trực lờ đi. Rất may, bệnh tim chưa nỡ hại nhà lập thuyết tiểu tư sản. 
- Chị phải lập thuyết xong hãy chết, chị Nhi nhé! Tôi nói. 
- Tôi thèm nghe bài diễn văn của Nga. Bài diễn văn đọc trước Quốc hội Mỹ sau khi đã là điếu văn đọc trước xác chết của tôi. Nhi nói. 
- Ở đây không cho phép ai nói đến cái chết? Nga nói.
- Vậy chúng ta nói cái gì? Tôi hỏi.
- Sự sống. Sự sống của ta và của người khác. Nga đáp và tiếp,  - Nếu bài diễn văn của tôi không được đọc trước Quốc hội Mỹ nó sẽ mang tên Bài diễn văn không đọc trước Quốc hội Mỹ. 
- Không cần đọc ở Mỹ.
- Đọc ở đâu?
- Ở cachot, đọc bên cạnh xô cứt, đọc cho ruồi nhặng và muỗi nghe. 
- Ý kiến hay nhưng mỉa mai cay đắng quá.
- Nó coi ta như rác, ta coi nó như ruồi muỗi.
- Chưa thoát. Nó coi ta như rác, ta hoan hỉ nhận ta là rác làm đồ bón dưới gốc cây Hạnh Phúc của loài người. 
- Và nó là ruồi muỗi chuyên gây bệnh hoạn khắp trái đất. 
Tôi thường ngồi nghe Nhi và Nga «còng đàm» một cách thích thú. Tiếc rằng, ít khi họ «còng đàm» đầy đủ một vấn đề. Chúng tôi nói đủ các thứ chuyện. Thuở đầu đời, những tháng năm học trò, tình yêu, hẹn hò, chia ly và chiến đấu. Chúng tôi gặp nhau ở điểm: chiến đấu vì cần thiết phải chiến đấu. Thế thôi. Chúng tôi không hề nghĩ chuyện thành công và thất bại.
- Nếu chúng ta thành công, chị sẽ làm gì, chị Nga?
- Tôi chỉ xin được tiếp tục dạy ở trường Lê Văn Duyệt.
- Còn chị, chị Nhi?
- Tôi muốn đi trồng hoa ở các phòng tù.
- Chị không làm Bộ trưởng à, chị Nga?
- Thứ cóc chết ấy, nó sẽ làm bẩn những ngày chúng ta dính chùm ở đây, Lan ạ!
- Chị nghĩ sao, chị Nhi?
- Tôi ghê tởm quyền bính. Quyền bính làm con người ngu si, hèn hạ và độc ác?
Chúng tôi ở với nhau rất hòa thuận. Định mệnh đưa chúng tôi đến cái cachot tồi tệ này, còng chúng tôi chung một thứ còng. Thể xác tôi rã rượi lắm rồi. Tôi sắp sửa tê liệt chân tay. Nếu không có Nga và Nhi hoặc nếu ở giữa, ở cạnh những người khác, chắc chắn, tôi đã gục ngã. Nga luôn luôn khích lệ tinh thần tôi. Chị bảo tôi còn phải chịu đựng nhiều nữa. Chị bảo tôi đừng tính từng ngày chịu đựng mà nên nghĩ mỗi ngày là mỗi bắt đầu chịu đựng. Chị bảo cuộc sống sẽ chỉ đãi ngộ ai dám chịu đựng mọi cơ cầu. Tôi tưởng tôi đã trưởng thành. Với Nga và Nhi, tôi vẫn là cô học trò của hai chị.
Buổi trưa ngày thứ năm mươi mốt, Nga báo tin chị đã soạn xong bài diễn văn ứng khẩu. Và chị sẽ đọc cho Nhi và tôi nghe đêm nay. Tôi không nhìn thấy tôi nhưng tôi nhìn rõ khuôn mặt của Nga và Nhi. Mắt họ trũng sâu, thâm quầng. Họ già nua, hốc hác. Đàn bà rất mau già nua trong nỗi khổ. Nụ cười của Nga còn trẻ, còn tươi. Nụ cười của Nhi thì héo hắt, tàn tạ. Tôi đã mơ hồ cảm giác một nỗi gì đó thật buồn bã, thật bất hạnh phảng phất trên khuôn mặt cô giáo triết học Trần Thu Nhi. Tự nhiên, nước mắt tôi ứa ra.