Dịch giả: Phạm Tùng Vĩnh
Chương 10
Thăm tiểu thư Peabody

     ó thật cần thiết phải nói lăng nhăng những điều dối trá như thế không, Poirot? - Tôi hỏi bạn tôi khi rời khỏi nhà bác sĩ Grainger.
Poirot nhún vai.
- Nếu phải nói dối? Mà tôi nhận thấy tính chất của anh không ưa nói dối, điều đó không ngăn được tôi thực hiện nói dối.
- Tôi đã nhận thấy rõ điều ấy rồi. - Tôi kêu lên.
- Nếu phải nói dối đến đâu thì nói đến đấy một cách nghệ thuật và kể một câu chuyện hay. Giàu tính thuyết phục!
- Anh có tin là điều nói dối của anh đã thuyết phục được bác sĩ Donaldson?
- Chàng trai trẻ này là một tay đa nghi. - Poirot công nhận vẻ suy tư.
- Anh ta có vẻ coi thường tôi.
- Tôi không hiểu tại sao hàng ngày những thằng ngu viết về cuộc sống của những thằng ngu khác. Mà chẳng có chuyện gì là đặc biệt.
- Lần đầu tiên tôi nghe anh bàn về chuyện người ngu. - Tôi cười khẩy nhận xét.
- Tôi có thể dễ dàng chấp nhận vai trò này - Poirot tuyên bố một cách lạnh lùng. Như vậy anh không tìm thấy sáng kiến vặt của tôi hợp với sở thích của anh à? Còn tôi, tôi cũng khá hài lòng về việc ấy.
Tôi chuyển đề tài:
- Chúng ta sẽ làm gì bây giờ?
- Rất đơn giản. Chúng ta lên xe và đi đến thăm tiểu thư Peabody ở Morton Manor.
Morton Manor là một ngôi nhà xây rất xấu xí của thời đại Victoria. Một ông đầu bếp già lụ khụ tiếp đón chúng tôi bằng một thái độ khinh khỉnh. Ông ấy mời chúng tôi vào phòng khách, một lát sau lại đến hỏi xem chúng tôi đã có hẹn gặp không.
- Ông hãy vào báo cho tiểu thư Peabody rằng chúng tôi thay mặt bác sĩ Grainger đến gặp. - Poirot bảo ông bếp.
Sau vài phút, cửa mở và một phụ nữ thấp, béo tròn tiến vào phòng dáng đi núng nính. Tóc bà bạc trắng, lưa thưa, rẽ ngôi ở giữa đầu. Bà mặc bộ áo váy dài bằng nhung đen, sờn nhiều chỗ. Một cái cổ áo bằng đăng ten rất đẹp đóng kín cổ bằng một viên đá màu lớn chạm nổi. Bà đến gần để nhìn chúng tôi cho được rõ bằng đôi mắt cận thị. Những câu nói đầu tiên của bà không phải vì thế mà chúng tôi ngạc nhiên.
- Ông có cái gì bán không?
- Không có, thưa bà. - Poirot đáp.
- Thật không?
- Tuyệt đối, thưa bà.
- Không có máy hút bụi ư?
- Không.
- Bít tất?
- Không.
- Thảm?
- Không.
- Như vậy thì - Bà cô già vừa nói vừa ngồi vào một chiếc ghế bành - xin mời các ông ngồi.
Chúng tôi ngoan ngoãn thực hiện.
- Hãy bỏ qua cho các câu hỏi vừa rồi, thưa các ông - Tiểu thư Peabody có vẻ ngượng ngùng nói - Các ông không thể tin nổi số lượng đông đảo những người xâm nhập vào nhà tôi để khoe ầm ĩ với tôi đủ mọi thứ. Bọn đầy tớ trong nhà không thể đoán được. Mọi người đến đều tự giới thiệu rất kêu. Họ ăn mặc lịch sự và xưng những cái tên rất đáng khinh nể: Thiếu tá Ridgeway, Ngài Scot, đại úy D’Arcy. Ai cũng thanh lịch và tử tế. Trước khi ta biết là mình sẽ quan hệ với ai thì họ đã bày ra trước mắt ta một máy đánh kem.
Poirot tuyên bố thẳng băng:
- Tôi xin cam đoan, thưa bà, rằng chúng tôi không có gì để bán!
- Tôi tin vào lời nói của các ông. - Tiểu thư Peabody nói.
Poirot lập tức thao thao bất tuyệt câu chuyện của mình. Tiểu thư Peabody lắng nghe anh nói và không xen vào những lời bình luận nào thỉnh thoảng chớp chớp đôi mắt ti hí. Cuối cùng bà nói:
- Vậy, ông sẽ viết một cuốn sách.
- Vâng.
- Bằng tiếng Anh ư?
- Tất nhiên... bằng tiếng Anh.
- Nhưng ông là một người nước ngoài, phải không? Nào thừa nhận đi!
- Đúng thế.
Bà già nhìn tôi chăm chú.
- Có thể anh là thư ký của ông ấy phải không?
- Ờ ờ... vâng. - Tôi ấp úng.
- Anh viết được bằng Anh vẫn tốt chứ?
- Tôi hy vọng như vậy.
- Chà!
- Anh học ở trường nào ra?
- Trường Eton.
- Thế thì không thể được.
Tôi đành phải bỏ qua sự xúc phạm đến ngôi trường lâu đời và đáng kính mà không tranh luận chính vì tiểu thư Peabody đã quay sang nói chuyện với Poirot:
- Ông sắp viết về cuộc đời của tướng Arundell à?
- Vâng. Tôi nghĩ là bà rất quen biết ông ta?
- Vâng. Tôi rất quen biết John Arundell. Ông ta uống rượu dữ lắm.
Tiểu thư ngừng một chút rồi vẻ mơ màng nói tiếp:
- Cuộc nổi dậy của những người Mutiny, chà! Nổi loạn! Chào ôi! Theo tôi ông phí phạm thời giờ của mình quá. Rốt cuộc điều đó có quan hệ đến ông đấy!
- Bà biết không, đang có một mốt thịnh hành trong loại chuyện này đấy. Trong lúc này, Ấn Độ hoàn toàn là một thị hiếu thời thượng.
- Tất nhiên ông có lý. Các mốt cứ lại đến. Hãy nhìn xem những ống tay áo.
Poirot và tôi trố mắt kính phục lắng nghe bà nói.
- Những ống tay áo phồng vai thì quá xấu xí, tôi ấy à, tôi thích ống tay loe cơ. Kiểu đó hợp với tôi hơn. (Mắt bà long lanh nhìn vào Poirot). Này, thưa ông, ông muốn biết gì nào?
Poirot xòe hai bàn tay ra.
- Tất cả! Chuyện về gia đình Arundell và điều người ta nói về viên đại tá. Cuộc sống của ông trong nhà ông.
- Những gì về cuộc lưu trú ở Ấn Độ của ông thì tôi không thể nói cho ông biết được - Tiểu thư Peabody nói - Sự thật ông ta quấy rầy hoài chúng tôi bằng các giai thoại của ông. Tôi không nghe ông ta đâu! Đây là một người ngớ ngẩn hơn là vị tướng. Tôi vẫn thường nghe nói rằng muốn thăng tiến trong quân đội thì trí thông minh không có ích bao nhiêu. Anh muốn kiếm chác những cái lon vàng ư? Vậy thì hãy coi chừng bà phu nhân quan đại tá nhà anh và hãy cung kính vâng lời các vị sĩ quan thượng cấp của mình đi. Đấy cha tôi nói vậy đấy.
Tiếp thu câu châm ngôn ấy bằng toàn bộ lòng tôn kính. Poirot chờ một phút sau mới dám hỏi:
- Bà quen thân với gia đình Arundell phải không ạ?
- Tôi quen tất cả - Tiểu thư Peabody đáp - Matilda là chị cả có khuôn mặt đầy các vết sần đỏ. Cô ta dạy giáo lý Cơ Đốc cho bọn trẻ con. Rồi đến Emily, một phụ nữ cương nghị tuyệt vời. Chỉ riêng mình cô, cô đã làm trọn vẹn ý đồ của cha khi ông đang trong trạng thái tinh thần bất ổn. Từ nhà này, người ta khui ra hàng đống chai rượu mà các con gái ông chôn giấu ban đêm. Tiếp theo, đến... đợi tí... Arabella hay là Thomas nhỉ? Chắc chắn là Thomas. Cái cậu Thomas đáng thương này làm tôi đau lòng. Một người đàn ông giữa bốn người đàn bà, làm gì mà chẳng phát điên cơ chứ? Rốt cuộc tôi có ấn tượng cậu ta là một cô gái già đấy. Tôi chưa bao giờ dám tin là cậu ta sẽ cưới vợ. Nên chúng tôi đã vô cùng kinh ngạc khi cậu ta lấy vợ đấy!
Bà ta có vẻ thỏa mãn qua những tiếng cười rúc rích. Rõ ràng bà cô già này đang có điều gì rất vui thú. Sống lại quá khứ, bà ta gần như quên mất sự có mặt của chúng tôi.
- Tiếp theo đến Arabella, một cô gái tốt bụng. Đầu giống như chiếc bánh xốp. Cô đi lấy chồng, mặc dù cô là người xấu xí nhất trong bốn chị em gái. Cô cưới một giáo sư đại học Cambridge tuổi gần lục tuần. Ông ta về đây để dự một loạt hội thảo về những kỳ quan của hóa học hiện đại, nếu tôi không nhớ lầm. Ông ta để râu rậm và chẳng ai hiểu ông nói gì cả. Arabella ở lại sau mọi người để nhờ ông giải thích thêm. Cô ta gần bốn mươi. Bây giờ cả hai đều đã chết. Đó là một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Còn điều gì tốt đẹp bằng khi người ta cưới một người đàn bà xấu xí làm vợ, chính vì đã quen với cái xấu nhất nên người ta không sợ lấy phải một người vợ hay thay lòng đổi dạ. Tiếp theo đến Agnes là cô em út. Xinh tươi yểu diệu, chúng tôi nghĩ rằng nếu một trong mấy chị em ấy lấy chồng thì đó phải là Agnes, nhưng cô ta ở vậy không đi lấy chồng. Cô ta chết ít lâu sau chiến tranh.
- Bà vừa nói đám cưới của Thomas là một hiện tượng kinh ngạc đặc biệt cho mọi người? - Poirot nói lẩm bẩm.
Một lần nữa tiểu thư Peabody lại phá lên cười thú vị.
- Một điều kinh ngạc ư? Tôi nghĩ là thế! Một vụ xì-căng-đan thực sự! Người ta không chờ mong điều gì ở cậu ta, quá rụt rẻ, quá dè dặt, quá tận tụy với các chị em gái.
Bà ta nghỉ một lát.
- Hẳn là ông có nhớ đến một câu chuyện gây xôn xao dư luận hồi 96 hoặc 97 không? Về cái bà Varley ấy không? Chị ta bị buộc tội đầu độc chồng bằng thạch tín ấy mà? Ôi quả là một người rất đẹp. Chị ta được xử trắng án. Thomas Arundell đã say mê chị ta điên cuồng. Cậu ta mua tất cả các báo, đọc tất cả những gì liên quan đến vụ kiện này, lại cắt lấy các bức ảnh của Varley. Hãy tin tôi đi, nhưng khi vụ án kết thúc thì cậu ta đi đến Luân Đôn và đề nghị với ngưòi đàn bà này để được kết hôn với chị ta. Cậu ta rất ít nói, ít giao du chỉ quẩn quanh xó nhà! Với đàn ông, không thể tin được điều gì cả! Họ luôn sẵn sàng phạm phải những điều rồ dại!
- Thế rồi sao nữa?
- Chị ta lấy cậu ấy.
- Chắc chị em ông ấy khổ tâm lắm nhỉ?
- Tôi cho là vậy. Họ từ chối chấp nhận người đàn bà này.
- Sau khi cân nhắc mọi lẽ, tôi không chê trách họ. Thomas thì giận chị em đến chết. Cậu ta bỏ đi để đến cư trú tại đảo Giơxây hay là Gơnơxây gì đó rồi không nghe nói đến cậu ấy nữa. Tôi không rõ là chị ta có đầu độc chồng trước của chị ta không, có điều chắc chắn là chị ta không đầu độc Thomas. Cậu ta đã sống thêm ba năm nữa. Họ có với nhau hai mặt con, một trai, một gái. Cả hai đứa đều xinh đẹp, giống mẹ mà.
- Họ có hay đến thăm bà cô của họ không?
- Trước khi bố mẹ chúng chết thì không. Bây giờ họ đã lớn và học trung học. Những ngày nghỉ học họ sang đây nghỉ ngơi chơi bời. Emily sống một mình. Các con của Thomas và cô em họ của chúng là Bella Biggs hợp thành gia đình.
- Biggs nào?
- Con gái của Arabella đấy. Con bé tính khí nhút nhát, lớn hơn Theresa một hai tuổi, ấy thế mà nó cũng đã lấy được chồng; lấy một thầy thuốc người Hy Lạp cùng học đại học với nó. Một người đàn ông xấu xí, có những cử chỉ phải công nhận là rất hấp dẫn. Con bé Bella đáng thương suốt ngày hết đỡ đần hầu hạ cha lại đến giữ những buộc sợi len giúp mẹ. Nó không thể ao ước gì nhiều hơn. Anh chàng ngoại quốc này đã bằng lòng lấy nó ngay tức thì.
- Cuộc kết duyên của họ có hạnh phúc không?
- Không ai có thể biết chính xác điều gì xảy ra trong việc nhà của chúng, - Bà già nói - nhưng hai đứa ấy có vẻ sống hòa hợp với nhau. Chúng đã có hai con, nước da cũng khá vàng và đều sống ở Smyrna.
- Họ đã đến nước Anh trong thời gian này phải không?
- Phải. Họ đã đến hồi tháng Ba; họ sẽ quay về Syrie không lâu nữa.
- Tiểu thư Arundell có yêu cô cháu này không?
- Bella ư? Ồ có đấy, rất yêu. Bella là một phụ nữ rất giản dị, luôn luôn bận bịu vì con, vì chồng.
- Tiểu thư Arundell có chấp nhận sự kén chọn này của cô cháu gái không?
- Không, bà ta không tán thành đám cưới với người ngoại quốc này nhưng cuối cùng bà đã phải quý bác sĩ Tanios. Đó là một con người rất thông minh và xin ông tin tôi, anh này đã khôn khéo giắt mũi được bà dì vợ rồi. Anh ta đã đánh hơi thấy của giấu rồi.
Poirot húng hắng ho.
- Như vậy tiểu thư Arundell đã để lại một tài sản lớn? - Anh nói nhỏ.
Tiểu thư Peabody ngúc ngắc người trong ghế bành.
- Không ai có thể tin bà giàu đến thế. Đây là cách bà làm cho vốn liếng của mình to ra. Viên tướng già Arundell đã để lại một khoản tiền kha khá, được chia đều cho các con trai, con gái. Khoản tiền này được đầu tư rất đúng chỗ nên đã đem lại lợi nhuận lớn. Đương nhiên là Thomas và Arabella khi đi ở riêng đã mang phần của họ đi. Còn ba chị em ở lại đây thì không tiêu pha đến một phần mười lợi tức thu được nên vốn liếng cứ giàu mãi lên. Khi chết đi, Matilda để của cải của mình cho Emily và cho Agnes. Agnes lúc chết lại để lại tài sản của mình cho Emily. Rồi Emily tiếp tục sống không tiêu pha rộng rãi. Kết quả: bà chết trong khi cực kỳ giàu có và cô Lawson đã được thừa kế tất cả!
Tiểu thư Peabody phát biểu câu nói cuối cùng này bằng một giọng hân hoan.
- Bà có bị quá sửng sốt về điều này không, thưa tiểu thư Peabody?
- Phải nói thật với ông rằng, tôi đã bị sững sờ vì điều đó. Emily đã luôn luôn nói cho tôi nghe rằng tài sản của bà sẽ sang tên cho các cháu gái và cháu trai của bà. Trong bản di chúc đầu của mình sau khi tặng vài khoản cho những người hầu hạ mình và mấy món tiền tặng cho công việc từ thiện, bà chia đều của cải của mình cho Theresa, Charles và Bella. Nhưng đây là một đòn quá ư bất ngờ và kỳ lạ, sau khi bà chết người ta phát hiện ra rằng bà đã soạn thảo lại một tờ di chúc mới trong đó bà để lại tất cả cho cô Lawson tội nghiệp!
- Tờ di chúc này được thảo một thời gian ngắn trước khi bà ấy chết à?
Tiểu thư Peabody liếc nhìn Poirot bằng con mắt sắc sảo.
- Ông nghĩ đến một vụ lạm dụng uy thế ư? Vả lại cô Lawson tội nghiệp không có sự thông minh cũng như ý muốn cần thiết cho một cuộc xâm phạm lớn đến thế. Đến lúc đọc tờ di chúc cô cũng bị ngạc nhiên như những người khác, ít ra cô đã nói thế!
Poirot mỉm cười khi nghe nói những lời cuối cùng ấy.
- Tiểu thư Arundell đã thay đổi tờ di chúc của mình khoảng mười ngày trước khi chết - Tiểu thư Peabody nói tiếp - Công chứng viên khẳng định rằng di chúc đó hoàn toàn hợp cách. Có lẽ điều đó đúng sự thực.
- Bà nói sao?... - Poirot ngả người về đằng trước hỏi.
- Có một điều bí mật ở đó - Tiểu thư Peabody lẩm bẩm - Trong chuyện này mọi sự không được rõ ràng lắm!
- Vậy tiểu thư nghĩ thế nào, thưa tiểu thư Peabody?
- Tôi ấy à? Không đâu. Tôi không phải là công chứng viên để hiểu được những động cơ có thể can thiệp và làm thay đổi ý kiến ở một người đã chết. Nhưng hãy tin ở tôi. Tôi thấy có điều ám muội ở đó.
Poirot hỏi một cách chậm rãi:
- Không ai đặt vấn đề nghi vấn về tính hợp thức của bản di chúc à?
- Tôi biết Theresa đã hỏi ý kiến một luật sư. Phải chăng nó đã đi quá xa? Ý kiến của một luật gia dùng để làm gì? Không để làm gì cả tôi chắc thế. Một lần tôi muốn đưa một người ra tòa, có năm vị ở tòa nói với tôi “Hãy thôi đi kiện!” không nghe lời khuyên của họ tôi cứ đi kiện và được kiện. Khi người ta gọi tôi ra phỏng vấn về các chứng cứ, một luật sư của Luân Đôn trẻ tuổi và khôn ngoan cố gắng làm tôi tự mâu thuẫn với mình; ông ta không đi đến kết quả. “Bà không thể nhận ra bộ da lông này đâu, thưa bà Peabody. Nó không mang một nhãn hiệu nào của nhà sản xuất cả, ông ta nói”. “Có thể, tôi đáp, nhưng có một chỗ mạng trong lớp lót. Vậy tôi xin nuốt chửng cái dù của tôi nếu như ở thời đại này người ta có thể làm được miếng mạng tương tự”. Vì thế ông ta bị choáng váng không vận hỏi nữa.
Tiểu thư Peabody cười vui vẻ.
- Tôi e rằng, - Poirot e dè nói - các thành viên trong gia đình Arundell sẽ cảm thấy thù hận bà Lawson ít nhiều?
- Phải chờ xem. Ông biết bản tính con người chứ? Thi hài người quá cố vừa mới được chôn xuống thì những kẻ đưa đám đã vội xâu xé nhau.
- Tiếc thay điều đó lại quá đúng. - Poirot thở dài.
- Bản tính con người ta là thế. - Peabody phát biểu coi bộ khoan dung.
Poirot chuyển hướng câu chuyện.
- Có đúng là tiểu thư Arundell hâm mộ đồng bóng không?
Đôi mắt sắc của tiểu thư Peabody nhìn xoáy vào mắt Poirot.
- Nếu ông tường rằng linh hồn của John Arundell đã quay về và hạ lệnh cho Emily phải để lại tiền của cho u Lawson và tưởng Emily phải phục tùng lệnh ấy thì ông lầm to. Emily không phải là loại điên rồ ấy đâu! Đối với cô ta, thuật thông linh là một thứ tiêu khiển cao hơn một bậc trò xếp hình hoặc chơi bài giấu quân. Ông có biết các cô đồng họ Tripp không?
- Không.
- Nếu ông gặp họ, ông sẽ hiểu ý tôi ngay tức khắc. Các mụ già điên rồ ấy bỏ thời gian ra để đem về cho ông các thông điệp của ai đó trong gia đình ông và toàn là những thông điệp ngớ ngẩn cả. Họ toàn tâm tin vào đó, và cô Lawson cũng rất tin. Đó là một trong nhiều cách dự các tối thông linh.
- Chắc bà quen biết cậu Charles Arundell? Cậu này thuộc loại người thế nào?
- Một kẻ vô tích sự! Đẹp trai, nợ nần chồng chất và không tiền. Hắn đi đây đi đó nhiều nhưng luôn luôn quay về túi rỗng. Hắn biết hành động với đàn bà! - Bà lão cười khúc khích - Tôi đã thấy quá nhiều những loại như hắn để tôi quấn vào hắn. Thật lạ lùng là lão Thomas bất tài đã sinh ra một thằng con vô dụng! Ồ! Đừng lầm! Tôi rất thích chàng trai này, nhưng nó thuộc về lớp trẻ vô đạo đức có thể giết chết bà nội của chúng vì một hoặc hai đồng silinh.
- Còn em gái cậu ấy thế nào?
Tiểu thư Peabody lắc đầu.
- Theresa ư? - Bà nói bằng một giọng chậm rãi - Tôi không hiểu con bé kỳ lạ ấy nghĩ gì. Nó là vợ chưa cưới của anh chàng bác sĩ trẻ tuổi, tức cười, cộng tác viên của bác sĩ Grainger. Chắc hẳn ông đã gặp anh ta rồi?
- Bác sĩ Donaldson ấy à?
- Phải. Người ta bảo anh ta là một thầy thuốc giỏi. Tôi cứ tự hỏi mình rằng Theresa tìm thấy điều gì tốt đẹp trong người trai trẻ này. Rốt cuộc thì nó đã đủ trưởng thành để tự mình lo cho mình.
- Bác sĩ Donaldson có săn sóc sức khỏe cho tiểu thư Arundell không?
- Chỉ khi nào bác sĩ Grainger vắng mặt.
- Nhưng không làm việc ấy trong cơn bệnh cuối cùng của bà ấy phải không?
- Tôi chắc thế.
Poirot tươi cười nhận xét:
- Thưa tiểu thư Peabody, dường như bà không ưa viên thầy thuốc trẻ tuổi này?
- Tôi không nói điều gì như thế cả. Tôi cũng tin là anh ta rất có năng lực và tài giỏi theo kiểu cách của anh ta, chứ không phải của tôi. Chẳng hạn: ngày xưa khi có một đứa trẻ đã ních đầy bụng táo còn xanh, thì nó đau một cơn đau thừa mật. Thầy thuốc đã gọi đó là chứng thừa mật và phát cho anh vài viên thuốc tròn. Ngày nay người ta lại bảo anh rằng con anh đau một chứng quá toan cấp mà phải trông nom đến chế độ ăn của nó và người ta cũng vẫn cho anh dùng loại thuốc đó nhưng dưới dạng những viên nén nhỏ xinh đẹp chế tạo bởi các chuyên gia ở phòng thí nghiệm và như thế anh phải trả đắt gấp ba lần. Donaldson thuộc về trường phái mới này và các mẹ trẻ răm rắp tin dùng. Thế là rất tốt. Nhưng chàng trai ấy sẽ không ở lại đây lâu dài để chữa phát ban và đau bụng của trẻ con đâu. Đó là một người có nhiều tham vọng. Luân Đôn sẽ hút hồn anh ta, chẳng bao lâu nữa anh sẽ đến đó để tu nghiệp.
- Theo ngành nào?
- Ngành thanh huyết trị liệu - nếu tôi không lầm. Người ta sẽ tiêm vào trong da ông bằng một trong các mũi tiêm gớm ghiếc ấy, cho dù ông đang khỏe mạnh, để dự phòng các bệnh tật cho ông.
- Bác sĩ Donaldson đang nghiên cứu một loại thanh huyết đặc hiệu?
- Đừng hỏi tôi nhiều thế. Tôi chỉ biết rằng anh ta coi thường y học phổ thông và muốn hành nghề ở Luân Đôn. Muốn vậy anh phải có tiền nhưng anh lại nghèo như một kẻ sùng đạo.
Poirot nói thì thầm:
- Buồn thay khi thấy một tài năng bị trói buộc vì không có tiền. Lại phải công nhận rằng có những người không tiêu hết một phần tư lợi ích của mình.
- Emily lại còn không chỉ tiêu cả đến một phần mười thu nhập nữa cơ. Nhiều người đã phải sửng sốt khi biết con số tài sản mà cô ta để lại khi chết.
- Các thành viên của chính gia đình bà ấy cũng bị kinh ngạc như thế chứ?
- Không phải tất cả! - Peabody nói mắt nhấp nháy đầy ranh mãnh - Một người trong số họ đã biết rõ điều này.
- Ai vậy?
- Charles. Nó đã tính toán theo các lợi nhuận của riêng nó. Charles đâu có ngốc.
- Đó là đồ vô dụng, phải không ạ?
- Dù sao đi nữa, nó không có chút gì là một thằng ngốc.
Nghỉ một tí, bà nói thêm:
- Ông có đến gặp nó không?
- Đó chính là mục tiêu của tôi - Poirot nói bằng một giọng sôi nổi - Có thể anh ta có một số giấy tờ của gia đình liên quan tới ông nội mình.
- Ồ chắc nó đốt đi hết rồi, - Bà cô già tuyên bố - lớp trẻ này không còn một chút tôn kính nào đối với ông cha mình nữa.
- Không được bỏ qua bất kỳ một thông tin nào. - Poirot nhận xét vẻ trịnh trọng.
- Tất nhiên! - Tiểu thư Peabody nói giọng cụt lủn.
Có một tia sáng thoáng qua đôi mắt xanh của bà và Poirot thấy bà đã khó chịu với mình, liền đứng dậy nói:
- Tôi không muốn làm mất thêm thời gian của bà nữa, thưa bà. Tôi xin vô cùng cám ơn bà vì tất cả những điều bà đã vui lòng cho tôi biết.
- Tôi đã làm hết sức mình rồi - Tiểu thư Peabody nói - Theo tôi nghĩ, cuộc nổi dậy của các xứ Ấn đã cách chúng ta quá xa rồi.
Bà cô già bắt tay chúng tôi.
- Ông sẽ phải cho tôi biết ngày xuất bản cuốn sách của ông - Bà nói với Poirot - Tôi rất thích đọc nó.
Khi ra khỏi nhà tiểu thư Peabody, chúng tôi thấy tiếng cười của bà ta vang lên.