Dịch giả: Phạm Tùng Vĩnh
Chương 5
Hercule Poirot nhận được một bức thư

     hững việc tôi vừa kể đương nhiên chỉ được tôi phát hiện ra sau này. Sau khi hỏi cung các thành viên khác nhau của gia đình Arundell, tôi mới lập lại được chúng một cách chính xác.
Poirot và tôi tiến hành vụ án này sau khi nhận được bức thư của tiểu thư Arundell.
Tôi nhớ rất kỹ, đó là một buổi sáng oi bức cuối tháng Sáu.
Mỗi sáng, khi tìm hiểu thư tín gửi đến, thám tử Hercule Poirot thực hiện một loạt động tác đã thành nề nếp. Anh cầm từng lá thư, nghiên cứu bì thư và mở ra thận trọng bằng dao dọc giấy. Sau khi đã đọc nhanh bức thư, anh ném nó vào một trong bốn đống đằng sau lọ sôcôla. Poirot vẫn thường uống nước sôcôla vào bữa lót dạ: ôi một thói quen đáng ghét! Anh thực hiện các động tác đó một cách cực kỳ đều đặn đến nỗi sự gián đoạn nhỏ nhất trong nhịp điệu của chúng đều bắt tôi phải chú ý. Ngồi bên cửa sổ tôi ngắm nhìn sự đi lại trên đường phố. Mới từ Argentine về, tôi thích lại được buông mình vào tiếng ì ầm của Luân Đôn. Tôi quay đầu lại mỉm cười bảo:
- Poirot, anh có muốn cho tôi phát biểu liều một nhận xét nhỏ không nào?
- Rất vui mừng, nói đi, anh bạn!
Tôi làm ra vẻ nghiêm trọng và tuyên bố:
- Sáng nay anh đã nhận được một bức thư có tầm quan trọng đặc biệt!
- Anh đã là một Sherlock Holmes thật sự rồi đấy, anh bạn ạ! Quả là anh đã nói đúng.
Tôi phá lên cười:
- Chính vì tôi đã nắm được cái thói quen của anh, Poirot! Nếu anh đọc một lá thư hai lần thì có nghĩa là nó đòi hỏi ở anh một sự quan tâm đặc biệt.
- Vậy anh hãy tự mình phán đoán nó đi, Hastings!
Rồi bạn tôi mỉm cười chìa cho tôi xem lá thư đó. Lòng đầy hiếu kỳ, tôi cầm lấy thư nhưng tôi vội nhăn mặt. Cả bốn trang giấy đầy những chữ nhỏ li ti khó đọc trông như những chân nhện lại có hai trang các dòng cứ xiên xẹo vào nhau.
- Tôi có thật cần phải đọc toàn bộ cái này không, Poirot? - Tôi thở dài hỏi lại.
- Ở đây không có gì bắt buộc anh đâu!
- Anh không thể nói cho tôi biết đó là cái gì ư?
- Tôi thích tự anh hình thành lấy một ý kiến riêng cơ. Thực ra lá thư này chẳng cho ta biết tí gì cả.
Cho là một lối nói phóng đại của Poirot, tôi vùi đầu vào đọc lá thư.
Gửi ông Hercule Poirot
Ông thân mến,
Sau một lúc lâu nghi ngờ và do dự, tôi viết cho ông (những từ cuối bị gạch xóa), tôi mạo muội viết cho ông, mong rằng ông sẽ có thể giúp tôi trong một vụ có tính chất hết sức riêng tư (hai từ cuối có gạch đít ba lần). Tên ông tôi không còn lạ gì nữa. Nó đã được đọc cho tôi nghe bởi một cô Fox nào đó ở Exeter. Cô Fox, về cá nhân không có việc gì cần phải giải quyết với ông, nhưng cô kể lại rằng bà vợ của anh rể cô - xin lỗi là tôi không nhớ tên ông ta nữa - đã nói về tính nhân hậu và tính thận trọng của ông bằng những ngôn từ rất ca ngợi.
Tôi ngừng đọc những chữ “chân nhện” khó đọc ấy và hỏi lại bạn tôi:
- Tôi phải đọc tiếp nữa chứ, Poirot? Mãi chưa đi đến câu chuyện!
- Cứ tiếp tục đi, anh bạn! Kiên trì!
Tôi lại lao vào đọc.
Đứng trước trường hợp phải chọn giữa hai ngả hiểm nghèo tôi mong rằng ông nhận tiến hành một cuộc điều tra giúp tôi. Ông sẽ hiểu dễ dàng rằng thận trọng tuyệt đối là cần thiết. Thực tế là, tôi thiết tha mong muốn (hai từ này gạch dưới) tôi lầm. Đôi khi người ta đã toan chú ý quá nhiều đến những việc có thể được giải thích theo cách hoàn toàn tự nhiên.
- Tôi đã không sót một trang chứ? - Tôi lúng túng thì thầm.
- Không, không. - Poirot cười khẩy.
- Những câu này không đầu không đuôi. Nó định nói gì đây.
- Cứ đọc tiếp đi!
Trong tình huống, ông biết không, chắc chắn là tôi không thể hỏi ỷ kiến ai được ở Market Basing này (tôi liếc nhìn lên đầu bức thư: Littlegreen, Market Basing) thì ông sẽ hiểu nỗi bối rối của tôi hiện nay. Tôi không ngừng tự trách mình quá buông thả cho trí tưởng tượng của tôi, thế nhưng tôi luôn luôn sợ hãi. Có lẽ tôi gắn điều vô cùng quan trọng vào điều không đáng gì. Bằng mọi giá tôi phải lôi được câu chuyện này ra ánh sáng. Lúc này tâm trí tôi sôi động và sức khỏe tôi cảm thấy sung sức càng thấy sung sức hơn vì tôi không thể nói ra điều này cho bất kỳ ai (“nói ra điều này cho bất kỳ ai” gạch dưới bằng một nét đậm). Với tính thận trọng của ông tất nhiên ông sẽ kết luận rằng tất cả những điều ấy không ăn nhập vào đâu hết và rằng những sự kiện ấy có thể được biện minh một cách hoàn toàn vô tội (“vô tội” gạch dưới). Thế nhưng từ khi có sự cố quả bóng của con chó thì tôi sống trong hoài nghi và sợ hãi. Tôi mong muốn biết quan điểm của ông về việc này. Ý kiến của ông sẽ có thể cắt hộ tôi một gánh quá nặng. Xin ông vui lòng làm ơn chỉ cho tôi biết số tiền thù lao cho ông, và giúp tôi những lời khuyên.
Tôi nhắc lại cho ông biết, không có ai ở đây biết việc này cả. Những sự kiện có vẻ như không quan trọng, nhưng sức khỏe của tôi thì xấu và những nỗi băn khoăn như vậy cuối cùng sẽ giết chết tôi. Cùng nghĩ tới điều đó tôi càng tin chắc là tôi không lầm.
(Câu này gạch dưới).
Trong khi chờ đợi thư đáp khẩn cấp của ông tôi xin ông nhận... vân vân...
Emily Arundell
Tôi lật đi lật lại lá thư trong tay vừa nhìn vào các trang giấy, hết trang này đến trang khác. Cuối cùng tôi nói:
- Poirot! Toàn bộ cái mớ lộn xộn này có ý nghĩa gì?
Bạn tôi nhún vai:
- Tôi lại muốn yêu cầu anh trả lời!
Tôi ném lá thư lên bàn bằng một cử chỉ thiếu nhẫn nại:
- Đàn bà gì mà kỳ thế! Sao? Bà Arundell... hay cô Arundell?
- Cô, tôi cho là vậy. Lá thư này được viết ra do một phụ nữ độc thân chưa chồng.
- Phải, - Tôi la to - do một cô gái già đáng nực cười. Tại sao bà ta không nói ra đó là cái gì?
Poirot thở dài:
- Đúng như anh nói, Hastings! Tôi thấy đấy là một thiếu xót thảm hại về tính trật tự và tính nhất quán trong các ý kiến. Mà, không trật tự, không phương pháp...
- Ấy thế mà, Poirot, anh lại đã đọc lá thư này những hai lần! Quả là tôi không còn hiểu được anh nữa.
Poirot mỉm cười.
- Chắc anh định vứt lá thư này vào sọt phải không, Hastings.
- Tất nhiên rồi. Đúng là đã mụ cả đầu óc mà không thấy tí gì là quan trọng trong lá thư này.
- Ấy thế mà có một điều khá kỳ lạ đập ngay tức thì vào mắt tôi đấy!
- Khoan! - Tôi kêu to - Đừng nói với tôi gì hết. Nào xem tôi có thể phát hiện ra được không nào.
Tôi khám xét lá thư bằng mọi cách rồi tôi lắc đầu.
- Không, tôi không thấy gì hết. Bà này có sự hoảng sợ. Đúng không nào? Khó mà biết được điều ấy. Trừ phi, bản năng của anh...
Poirot giơ bàn tay lên và nói bằng một giọng bực mình.
- Bản năng! Anh biết là tôi chúa ghét từ này Điều gì đó mách tôi... Không bao giờ! Tôi lý giải. Tôi dùng chất xám. Trong lá thư này có một điểm lý thú mà anh hoàn toàn bỏ qua, Hastings.
- Mặc kệ! Tôi chịu thôi.
Poirot tuyên bố bằng một giọng điềm tĩnh:
- Điểm thú vị đó là thời gian!
- Thời gian?
Tôi nhặt lá thư. Về bên trái trên đầu lá thư tôi đọc: ngày 17 tháng Tư.
- Quả thật đây là điều lạ. Ngày 17 tháng Tư.
- Và hôm nay là ngày 28 tháng Sáu đấy, Hastings. Lạ quá phải không? Hơn hai tháng đã trôi qua.
Tôi lắc đầu hoài nghi nói:
- Điều đó có gì là quan trọng? Một sự lầm lẫn. Bà ta viết tháng Tư thay vì tháng Sáu.
- Dù thế, lá thư cũng lâu quá mười hay mười hai ngày cũng là điều khá kỳ lạ. Nhưng anh đã lầm, Hastings ạ. Hãy nhìn màu mực xem. Lá thư này đã viết trên mười hoặc mười một ngày. Ngày 17 tháng Tư rõ ràng là ngày chính xác. Nhưng tại sao lá thư không bỏ vào thùng thư đúng vào ngày ấy?
Tôi nhún vai nói:
- Đơn giản là cô gái già này đã thay đổi ý kiến.
- Như vậy thì tại sao bà ta không hủy lá thư? Tại sao đã giữ nó lại, rồi lại gửi nó đi sau những hai tháng?
Khó mà trả lời được câu hỏi đó tôi chỉ còn biết lắc đầu.
Poirot đi đến bàn giấy và lấy một cây bút.
- Anh định trả lời lá thư này à? - Tôi hỏi anh.
- Vâng.
Trong căn phòng yên tĩnh chỉ nghe thấy tiếng sột soạt của ngòi bút của Poirot. Sáng hôm ấy trời nóng kinh khủng. Một mùi bụi và khói than tràn vào qua cửa sổ.
- Không! - Poirot bỗng nhiên kêu to đồng thời ngừng viết - Làm như thế không được!
Anh xé lá thư làm hai và ném vào sọt rác.
- Phải dấn thân ngay lập tức vào công việc này thôi! Đi đến đó nào, anh bạn!
- Anh nghĩ đến việc đi về Market Basing à?
- Tại sao không? Ở Luân Đôn hôm nay chúng ta đang chết nóng đây này. Nào ta hãy đi thay đổi không khí ở nông thôn đi!
Tôi có mua được một chiếc Austin giá hạ nên đề nghị lái xe đưa bạn tôi đi Market Basing bằng ô-tô.
- Tuyệt vời! Thời tiết rất tốt để đi chơi bằng ô-tô. Không cần mang khăn quàng cổ. Chỉ một áo khoác nhẹ, một khăn quàng lụa...
- Bạn thân yêu ơi, ta có đi Bắc Cực đâu! - Tôi phản đối.
- Phải đề phòng cảm lạnh chứ! - Poirot trịnh trọng tuyên bố.
- Một ngày như hôm nay?
Không nghe theo lời phản đối của tôi anh khoác lên lưng một chiếc áo khoác màu hạt dẻ, quấn vào cổ một khăn lụa trắng. Rồi anh theo tôi ra ngoài.