Dịch giả: Anh Tô
Chương mười ba

     úc tôi bừng tỉnh đã hơn hai giờ, dạ dày quặn thắt, hàm đau nhức vì răng cứ phải nhe ra hơn suốt năm giờ liền. Mẹ kiếp cái viên X. Amma có vấn đề, tôi đoán thế. Nó để lại một nắm lông mi trên gối kế bên. Tôi gom chúng vào lòng tay và quẳng đi. Mascara làm chúng cứng lại và để lại vệt bẩn màu xanh đen trong lòng tay tôi. Tôi bỏ vào cái tách ở bàn cạnh giường ngủ rồi vào phòng tắm nôn thốc nôn náo. Tôi không màng chuyện nôn ói. Lúc tôi bị bệnh khi còn bé, tôi nhớ mẹ túm tóc tôi lại, giọng bà dỗ dành: Cho hết những thứ bẩn thỉu xấu xa đó ra đi con yêu. Đừng ngưng lại cho đến khi chúng ra hết. Thành ra tôi lại thích mấy cơn nôn mửa này và sự yếu ớt bệnh tật. Tôi biết chúng cũng đễ đoán thôi, nhưng là vậy đó.
Tôi khóa cửa phòng, cởi quần áo và quay vào giường. Bên tai trái tôi đau ong ong, lan xuống cổ và ngấm vào cột sống. Ruột gan lộn nhào, tôi không cử động miệng được vì đau và mắt cá thì buốt như lửa đốt. Và vì vẫn còn chảy máu nên tôi nhìn thấy những vết đỏ loang dần ra khăn trải giường. Phía Amma cũng dính máu: một vệt nơi ngực nó tì vào, một vệt sẫm hơn trên vỏ gối của nó.
Tim tôi đập quá mạnh, và tôi không thể bắt được nhịp thở của mình. Tôi cần gặp mẹ để hỏi xem có chuyện gì. Liệu mẹ có thấy Amma của bà không? Có phải tôi đang gặp rắc rối gì không? Tôi thấy mình đầy sợ hãi, bệnh tật. Chuyện gì đó kinh khủng sắp diễn ra. Với chứng hoang tưởng của mình, tôi biết là sắp có chuyện gì đó: nồng độ serotonin kích lên từ thuốc phiện đêm trước đã trôi hết và bỏ tôi lại ở bên kia vực thẳm. Tôi tự nhủ điều này khi úp mặt vào gối và bắt đầu khóc nức nở. Tôi đã quên bẵng mấy đứa con gái nhỏ, trời ơi, tôi chưa bao giờ thật sự nghĩ về chúng: Ann và Natalie đã chết. Tệ hại hơn, tôi phản bội cả Marian, thay thế em bằng Amma, phớt lờ em trong những giấc mơ của mình. Hẳn là bây giờ đã có hậu quả. Tôi khóc như cách tôi đã nôn, khóc để thanh lọc chính mình, cho đến khi gối ướt sũng và mặt sưng lên như người say. Nắm đấm cửa bỗng xoay. Tôi nín bặt, ôm lấy mặt, hy vọng sự im lặng sẽ làm ai đó bỏ đi.
“Camille. Mở cửa ra”. Mẹ tôi, nhưng giọng không chút tức giận. Vỗ về, dịu dàng nữa là đằng khác. Tôi vẫn im thin thít. Tiếng cửa lọc xọc thêm vài lần. Một tiếng gõ cửa. Rồi tất cả yên lặng khi mẹ rời đi.
Camille. Mở cửa ra. Hình ảnh mẹ ngồi góc giường tôi, chiếc muỗng đầy si rô thoáng qua đầu tôi. Thuốc của mẹ làm tôi muốn bệnh hơn là khi chưa uống. Bụng dạ tôi yếu. Không yếu như Marian, nhưng vẫn yếu.
Tay tôi bắt đầu đầm đìa mồ hôi. Làm ơn đừng để bà quay lại. Tôi chợt nghĩ đến Curry, một trong những chiếc cà vạt kinh dị của ông đung đưa trước bụng, lao vào phòng cứu tôi. Mang tôi đi với chiếc Ford Taurus khói mù mịt của ông ấy, Eileen thì xoa tóc tôi suốt cả chặng đường quay về Chicago.
Mẹ tôi đút chìa khóa vào cửa. Tôi không bao giờ ngờ được là mẹ có chìa khóa. Bà tự tin bước vào phòng, cằm vênh cao như thường lệ, chìa khóa đong đưa trên một dải ruy băng hồng. Bà mặc một chiếc váy mùa hè xanh đậm và mang theo một chai cồn, một hộp bông và túi mỹ phẩm màu đỏ.
“Chào con”, bà thở dài. “Amma đã nói chuyện gì đã xảy ra tối qua với hai đứa rồi. Mấy đứa con gái đáng thương của tôi. Nó ói cả sáng nay. Mẹ biết điều này nghe rất khoác lác mẹ thề là trừ phi đồ ăn do nhà mình tự cung cấp, thời buổi này thì thịt thà ngoài kia đúng là không thể tin tưởng chất lượng được. Amma nói chắc là do thịt gà hả con?”
“Con cũng đoán vậy”. Tôi nói. Tôi chỉ biết nghe theo bất cứ lời nói dối nào Amma nói. Rõ ràng nó là đứa nói dối giỏi hơn tôi.
“Mẹ không thể tin nổi cả hai đứa đều xỉu trước cửa nhà, trong khi đó mẹ lại đang ngủ ở trong. Nghĩ đến đấy là không thể chấp nhận được rồi”. Adora nói. “Mấy vết thâm tím trên người con bé! Hẳn con phải nghĩ nó đi đánh nhau”.
Không có lý nào mẹ tôi tự nghĩ ra được chuyện như vậy. Mẹ tôi là chuyên gia trong việc ốm đau và bị thương, và bà không thể bị như vậy trừ phi bà muốn. Giờ thì bà cố quan tâm đến tôi, tôi lại quá yếu và tuyệt vọng để xua bà đi. Tôi lại bắt đầu khóc, không thể ngừng được.
“Con mệt quá mẹ à”.
“Mẹ biết cưng ơi”. Bà kéo tấm phủ lướt qua những ngón chân của tôi bằng một động tác dứt khoát, và trong khi tôi vẫn vòng tay ôm lấy mình một cách vô thức, bà cầm lấy tay tôi và đặt chúng ở yên vị trí.
“Mẹ phải xem con có sao không, Camille”. Bà nghiêng hàm của tôi sang hai bên và kéo môi dưới của tôi ra xem, như đang xem ngựa. Bà nâng hai tay tôi lên từ từ và nhìn vào nách tôi, ấn tay vào, sau đó lại xem đến cổ họng tôi. Tôi liên tưởng đến cái máy khoan. Bà đặt tay vào giữa hai chân tôi, lanh lẹ, đầy kinh nghiệm. Cách tốt nhất để kiểm tra thân nhiệt, bà nói vậy. Rồi bà lại nhẹ nhàng đưa mấy ngón tay lạnh ngắt xuống cẳng chân tôi và xem vết thương ở mắt cá. Một màu xanh lá lóe lên trước mắt và tôi tự động rụt chân lên theo phản xạ. Bà cốc vào đầu tôi một cái và kiên trì sờ nắn cho đến khi xem kỹ được vết bầm.
“Chỉ tí nữa thôi Camille, rồi mình xong thôi”. Bà làm ướt bông gòn với cồn và chà vào mắt cá chân cho đến khi nước mắt và nước mũi tôi giàn giụa. Sau đó bà buộc chặt nó bằng miếng gạc được cắt bằng một cái kéo nhỏ trong túi mỹ phẩm. Vết thương chảy máu tức thì và làm cho vết thương y như lá cờ Nhật Bản: nền trắng tinh với một vòng tròn đỏ. Rồi bà đỡ tôi nằm xuống và ngay lập tức tôi cảm giác như tóc mình bất ngờ bị kéo mạnh. Bà cắt tóc vòng quanh vết thương. Tôi bắt đầu đẩy ra.
“Con dám nhúc nhích hả Camille. Mẹ cắt vào con bây giờ. Nằm xuống và ngoan nào”. Bà đặt một bàn tay lạnh lẽo lên má tôi, giữ đầu tôi tì vào gối, và xoẹt xoẹt xoẹt, cạo tóc trên đầu tôi. Một cảm giác kỳ quái trên đầu cho đến khi tôi cảm thấy sự giải thoát. Một cảm giác chưa từng thấy trước đây. Tôi vươn tay ra phía sau và thấy một miếng dán nhoi nhói cỡ nửa tờ tiền trên đầu. Mẹ tôi nhanh chóng kéo tay ra, đặt nó xuống và bắt đầu rưới cồn vào da đầu tôi. Tôi lại gần như không thở nổi vì quá đau.
Bà lật sấp tôi xuống và dùng khăn ẩm lau khắp tay chân tôi, hệt như tôi đang bị ốm liệt giường. Mắt bà hồng lên khi bà phủi đi mấy cái lông mi, hai gò má bà cũng ửng lên. Bà chộp lấy cái túi mỹ phẩm và bắt đầu lục tìm trong mớ tuýp, hộp thuốc, cuối cùng lôi ra một cái gói giấy từ đáy túi, nó được gói lại và hơi ố vàng. Bà lấy trong đó ra một viên thuốc xanh.
“Chờ mẹ một chút thôi con yêu”.
Tôi nghe tiếng mẹ bước đi vội vã và biết ngay là bà đang xuống bếp. Rồi cũng vội vàng quay về phòng tôi như thế. Bà cầm ly sữa trong tay.
“Đây, Camille. Uống cái này đi”.
“Đây là cái gì vậy?”
“Thuốc. Chống nhiễm trùng và diệt khuẩn từ thức ăn mà con nhiễm phải”.
“Nhưng là thuốc gì?” Tôi hỏi lại lần nữa.
Ngực mẹ tôi ửng lên, và nụ cười của bà mong manh như ngọn nến trong một bức tranh. Bật, tắt, bật, tắt trong thoáng chốc.
“Camille, mẹ là mẹ con và con đang ở trong nhà của mẹ”. Đôi mắt hồng của bà đờ đẫn. Tôi ngoảnh mặt và một cơn hoảng hốt lại ập đến. Cái gì đó rất tồi tệ. Cái gì đó tôi từng làm.
“Camille. Mở miệng ra”. Giọng nhẹ nhàng, nài nỉ. Y tá bắt đầu rên lên ở đâu đó gần bên nách trái. Tôi nhớ lúc nhỏ mình từ chối mọi phương thuốc và cách điều trị của mẹ, và cũng mất bà vì những điều như vậy. Mẹ làm tôi nhớ Amma và cơn hưng phấn của nó, dỗ ngọt, ve vuốt tôi để chấp thuận lời yêu cầu của nó. Từ chối gây ra nhiều hệ quả hơn cả chấp nhận. Những chỗ mẹ lau cho tôi, da tôi như lửa đốt, và dường như chúng hài lòng với sức nóng sau khi bị cắt. Tôi nghĩ đến Amma và vẻ ngoan ngoãn của nó, cuộn mình trong vòng tay mẹ, mong manh và ngọt ngào.
Tôi quay lại để mẹ cho thuốc vào miệng, nuốt sữa xuống họng, và bà hôn tôi.
Chỉ một chốc sau, tôi chìm vào giấc ngủ, hơi thở bốc mùi của tôi trôi vào giấc mộng như một làn sương ô uế. Mẹ đến bên giường và bảo tôi là con còn yếu quá. Mẹ nằm lên người tôi và áp miệng vào miệng tôi. Tôi cảm nhận được hơi thở của bà trong cổ họng. Rồi bà bắt đầu mổ vào tôi. Khi bà rời đi, bà mỉm cười và vuốt tóc tôi. Cuối cùng bà khạc răng của tôi vào tay bà.
Xây xẩm và nóng bừng, tôi thức dậy trong bóng tối, miếng vải khô thành một vệt mờ bẩn trên cổ. Tôi thấy mình quá yếu ớt. Tôi quấn một chiếc váy mỏng và bắt đầu khóc lại khi nhớ về vòng tròn phía sau đầu mình. Mày chỉ xuống tinh thần vì cái viên X thôi, tôi thì thầm với chính mình, vỗ vào má. Tóc cắt xấu tệ cũng không phải tận thế. Chỉ cần cột đuôi ngựa lên là xong.
Tôi lê chân xuống sảnh, các khớp kêu răng rắc, khớp tay chân sưng lên mà tôi cũng không hiểu tại sao nữa. Dưới lầu mẹ tôi đang hát. Tôi gõ cửa phòng Amma và nghe một tiếng thút thít mời vào.
Nó ở trần, ngồi trên sàn trước cái nhà búp bê khổng lồ của nó, ngón tay cái trong miệng. Quầng mắt gần như thâm tím và mẹ đã dán một miếng băng lên trán, ngực nó. Nó quấn con búp bê yêu thích trong khăn giấy, chấm màu đỏ xung quanh bằng bút dạ, rồi dựng nó lên giường.
“Bà ấy làm gì chị?” Con bé nói một cách ngái ngủ, nhếch miệng cười.
Tôi quay lại để cho nó thấy chỗ tóc bị cạo.
“Và bà ấy cho chị uống cái quỷ gì làm chị đi đứng liêu xiêu, muốn bệnh luôn”.
“Màu xanh hả?”
Tôi gật.
“Vâng, bà ấy thích cái viên đấy”, Amma lầm bầm. “Chị ngủ thiếp đi, nóng và đầm đìa nước dãi, sau đó bà ấy mang bạn bè đến xem chị”.
“Bà ấy từng làm thế à?” Người tôi ớn lạnh khi toát mồ hôi. Tôi biết mà: chắc chắn là có gì đó kinh khủng sắp xảy ra.
Nó nhún vai. “Em mặc kệ. Thỉnh thoảng em không uống - chỉ giả vờ. Đôi bên đều vui vẻ. Em chơi với mấy con búp bê hay đọc sách, rồi khi em nghe tiếng bà đến gần thì vờ ngủ”.
“Amma?” Tôi ngồi xuống bên cạnh và xoa đầu nó. Tôi cần tỏ ra nhẹ nhàng. “Có phải bà cho em uống thuốc và mấy thứ linh tinh nhiều lắm phải không?”
“Chỉ khi nào em sắp bệnh thôi”.
“Rồi sao nữa?”
“Thi thoảng lúc em nóng và mê man, bà đưa em đi tắm nước lạnh cho em. Thỉnh thoảng em lại cần nôn. Rồi có khi em lạnh run, lẩy bẩy và rã rời và chỉ muốn ngủ”.
Chuyện này lại xảy ra. Y như Marian. Tôi cảm giác như đờm đang trào lên cổ, làm tôi nghẹt thở. Tôi bắt đầu khóc, đứng lên rồi lại ngồi xuống. Dạ dày quặn thắt. Tôi ôm lấy đầu. Amma và tôi đều ốm y như Marian. Chuyện quá rõ ràng trước khi tôi thật sự hiểu - sau gần hai mươi năm muộn màng. Tôi muốn hét toáng lên trong tủi hổ.
“Chơi búp bê với em đi Camille”. Thậm chí con bé còn không để ý hay phớt lờ nước mắt của tôi.
“Chị không chơi được Amma à. Chị phải đi làm đây. Nhớ là giả vờ ngủ khi mẹ quay lại nhé”.
Tôi mặc quần áo choàng quanh làn da đau ê ẩm của mình và nhìn vào gương. Mày đang nghĩ mấy thứ điên khùng. Mày trở nên vô lý. Nhưng tao thì không. Mẹ bức tử Marian. Mẹ giết mấy đứa con gái.
Tôi loạng choạng bước vào buồng tắm và nôn ra một mớ dịch mằn mặn, nước dội từ toilet bắn lấm tấm lên má khi tôi quỳ xuống. Khi dạ dày đã thôi quặn thắt, tôi nhận ra mình không chỉ có một mình.
“Tôi nghiệp cục cưng”. Mẹ lẩm bẩm. Tôi bắt đầu lồm cồm bò thật xa. Tựa lưng vào tường và ngước lên nhìn bà.
“Tại sao con mặc đồ vậy, con yêu”, mẹ nói. “Con không thể đi đâu được cả”.
“Con cần đi ra ngoài. Con cần làm một số việc, không khí trong lành sẽ tốt cho con”.
“Camille, quay lại giường đi nào”. Giọng bà khẩn trương và chói tai. Bà bước vội đến giường, kéo chăn xuống và vỗ vỗ. “Vào đây nào con, con phải nghĩ đến sức khỏe mình chứ”.
Tôi vội chụp lấy chìa khóa xe trên bàn và lướt qua bà: “Không được đâu mẹ, con sẽ không đi lâu đâu”.
Tôi bỏ Amma lại với lũ búp bê bệnh hoạn của nó và lao xuống đường thật nhanh đến độ va vào đồ hãm xung của ô-tô khi quẹo ngoắt xuống đồi. Một phụ nữ mập mạp đẩy xe đẩy và lắc đầu nhìn tôi.
Tôi lái xe trong vô định, cố gắng tập trung những suy nghĩ của mình lại, lướt qua những khuôn mặt tôi biết ở Wind Gap. Tôi cần ai đó nói cho mình một cách rõ ràng là tôi đã sai về Adora, hoặc ai đó nói là tôi có lý. Ai đó biết về Adora, ai đó có quan điểm chín chắn về thời thơ ấu của tôi, ai đó có mặt ở đây khi tôi xa nhà. Tôi chợt nghĩ đến Jackie O’Neele và món Juicy Fruit của bà ấy, những cơn say túy lúy và những câu chuyện nhảm nhí. Sự ấm áp thân tình kiểu mẹ con không theo chuẩn mực nào của bà ấy hướng về tôi và những lời bình luận giờ đây có vẻ như lời cảnh báo: quá nhiều thứ đã sai lầm. Tôi cần Jackie, người bị Adora khước từ, người biết rõ về mẹ tôi trong suốt cuộc đời bà và hoàn toàn không bị phản chiếu qua lăng kính nào cả. Người rõ ràng là muốn nói với tôi một điều gì đó.
Nhà của Jackie chỉ cách đây vài phút, một ngôi nhà hiện đại như một căn nhà dài trước chiến tranh. Một thằng nhỏ gầy guộc tái xanh đang oằn người trên một chiếc xe cắt cỏ, vừa phì phèo hút thuốc vừa lái tới lui trên những con đường hẹp. Lưng nó chi chít mụt nhọt, những vết sẹo. Một thằng chán đời. Jackie nên bớt tiền và chỉ trả thẳng 20 đô-la cho người môi giới.
Tôi biết người mở cửa. Geri Shilt, một nữ sinh trường Calhoon, tốt nghiệp trước tôi một năm. Chị ấy mặc một chiếc váy hộ lý được hồ phẳng, giống Gayla, và chị vẫn còn cái nốt ruồi tròn, hồng, trên má, tôi vẫn thầm cảm thấy tiếc cho chị ấy vì nó. Nhìn thấy Geri, một gương mặt thật tẻ nhạt từ quá khứ, khiến tôi gần như quay lại vào xe, và phớt lờ mọi âu lo. Ai đó quá đỗi bình thường trong cái cuộc đời này làm cho tôi tự hỏi về những điều mình đang nghĩ ngợi. Nhưng rồi tôi đã không bỏ đi.
“Chào Camille, tôi giúp gì được cho em?” Rõ ràng là chị ấy chẳng quan tâm đến lý do tôi có mặt ở đây, thiếu sự tò mò tọc mạch làm chị ấy khác hẳn với đám phụ nữ ở Wind Gap. Chắc hẳn chị ấy chả có bạn bè gì để buôn chuyện.
“Chào Geri, em không biết là chị làm việc cho nhà O’Neeles”.
“Chả có lý do gì để em phải biết cả”. Chị ấy trả lời lạnh nhạt.
Jackie có ba đứa con trai, sinh cách năm, chắc giờ phải vừa chớm hai mươi: hai mươi, hai mươi mốt, hai mươi hai, chắc vậy. Tôi nhớ là đứa nào cũng to khỏe chắc nịch, lúc nào cũng mặc quần short, đeo nhẫn của trường Calhoon với viên đá xanh ở giữa. Chúng nó thừa hưởng đôi mắt tròn của Jackie với phần tròng trắng hơi nhiều. Jimmy, Jared và Johny. Tôi nghe tiếng hai đứa đang chơi bóng ở sân sau, chúng về nhà nghỉ hè. Từ quan điểm gây hấn nóng nảy của Geri, chị ấy quyết định cách xử lý tốt nhất là tránh xa chúng ra.
“Em quay lại đây để...” Tôi bắt đầu
“Tôi biết tại sao em ở đây”. Chị ấy nói, không cáo buộc mà cũng chẳng thoải mái. Chỉ là một lời khẳng định. Tôi chỉ là một chướng ngại khác trong ngày của chị ấy.
“Mẹ em là bạn của Jackie và em nghĩ là...”
“Tôi biết ai là bạn của Jackie, tin tôi đi”. Geri nói.
Có vẻ chị ấy sẽ không để tôi vào nhà. Thay vào đó chỉ nhìn tôi từ trên xuống đưới, nhìn ra xe ô-tô phía sau tôi.
“Jackie là bạn của rất nhiều người bạn của mẹ em”. Geri thêm vào.
“Mmm. Dạo này em cũng không có nhiều bạn bè quanh đây”. Thật ra tôi khá kiêu ngạo, nhưng tôi nói chuyện cũng khá nhã nhặn, thận trọng. Chị ấy đáp trả càng ít thì khả năng tôi được vào nhà càng cao, và tôi thì có nhu cầu cần được nói chuyện với Jackie trước khi tự lảm nhảm với chính mình. “Rõ ràng là em nghĩ mình không có nhiều bạn bè cho lắm khi ở đây”.
“Katie Lacey. Mẹ con bé quen tất cả mọi người”.
Katie Lacey thân thuộc, người đưa tôi đến Buổi tiệc Sầu Muộn và đánh thức tâm hồn tôi. Tôi hình dung cô ấy lái chiếc SUV lượn quanh thị trấn, đám con gái nhỏ ngồi ở băng ghế sau, ăn mặc đẹp đẽ, sẵn sàng chỉ huy hết thảy đám bạn cùng nhà trẻ. Bọn nhỏ học phong thái đó từ mẹ chúng: khắc nghiệt với những đứa bạn gái xấu xí, ngốc nghếch, nghèo khó, những đứa chỉ muốn được ở một mình. Mong muốn như vậy cũng đã là quá nhiều.
“Katie Lacey làm em thấy xấu hổ khi kết bạn”.
“À, đúng rồi, em thì được”. Geri nói. Thế rồi tôi nhớ là chị ấy từng có một con ngựa tên là Butter. Hồi đấy mọi người hay đùa là ngay cả con ngựa của Geri cũng ngày càng béo căng lên.
“Cũng không hẳn là thế đâu ạ”. Tôi không bao giờ tham gia vào những trò đùa cay nghiệt, nhưng tôi cũng không ngăn cản. Lúc nào tôi cũng chỉ đứng ngoài, như một cái bóng cáu kỉnh và giả vờ đang cười.
Geri vẫn đứng ở cửa, căng mắt ra nhìn cái đồng hồ rẻ tiền ở cổ tay chị ta, xiết chặt như một sợi dây cao su, rõ ràng là chị đang chìm đắm vào ký ức của chính mình. Những ký ức tồi tệ.
Thế thì tại sao chị ta cứ ở Wind Gap? Tôi đã gặp lại quá nhiều những gương mặt quen thuộc khi quay về đây. Bọn con gái mà tôi cùng lớn lên, chẳng đủ năng lượng để thoát khỏi chốn này. Đây là thị trấn nuôi dưỡng sự thỏa mãn bằng truyền hình cáp và cửa hàng tiện lợi. Những người ở lại nơi đây vẫn bị cô lập như trước. Những đứa con gái xinh đẹp mà nhỏ nhen như Katie Lacey, dễ dàng đoán được là đang sống trong các ngôi nhà kiểu Victoria được tân trang lại, cách nhà tôi vài dãy, cùng sinh hoạt một câu lạc bộ tennis Woodberry như Adora, cứ ba tháng lại làm một cuộc hành hương đi mua sắm ở Saint Louis. Còn những đứa xấu xí, bị bắt nạt như Geri Shilt thì bận lau nhà cho mấy đứa xinh đẹp kia, đầu mỗi lúc một cúi xuống ũ rũ, chờ người ta tiếp tục bạc đãi mình. Họ là những người không đủ mạnh mẽ và thông minh để rời khỏi đây. Những phụ nữ thiếu trí tưởng tượng. Thế là họ ở lại Wind Gap và tiếp tục vai diễn trong vòng quay cuộc đời vĩnh cửu. Còn bây giờ thì tôi mắc kẹt với họ, không thể tự kéo mình ra được.
“Để tôi báo cho Jackie là em đang ở đây”. Geri chọn đi con đường dài phía sau vòng qua phòng khách đến cầu thang, hơn là đi qua nhà bếp có cửa kính và sẽ bị bọn con trai của Jackie nhìn thấy.
Căn phòng tôi được dẫn vào có màu trắng và những vệt màu lòe loẹt, như đứa nhỏ dùng tay vẽ nguệch ngoạc. Gối đỏ, rèm xanh và vàng, bình hoa màu xanh lá nhạt cắm hoa sứ đỏ. Trên lò sưởi đặt một bức ảnh trắng đen của Jackie với ánh mắt lúng liếng lố bịch, tóc uốn phồng, móng tay chống cằm làm duyên.
“Camille yêu quý!” Jackie bước vào phòng với vòng tay mở rộng. Bà mặc một cái váy ở nhà bằng lụa và hoa tai kim cương đeo thành chùm. “Mừng cháu đến đây. Cháu trông tệ quá, cưng ơi. Geri, lấy cho bọn tôi một ít Bloody Mary, nhanh”. Bà cười rú lên, theo đúng nghĩa đen, với tôi, rồi với Geri. Tôi đoán đấy là cười. Geri chần chừ ở cửa cho đến khi Jackie ra lệnh cho chị ấy.
“Tôi nghiêm túc đấy Geri. Lần này nhớ rắc muối vào mép ly nhé”. Bà quay lại với tôi. “Khó mà có được sự giúp đỡ thực sự ở thời buổi này”, bà lầm bầm rất nghiêm trọng, không phân biệt được ai đang nói trên tivi. Tôi đoán là bà xem tivi suốt cả ngày, tay này cầm ly rượu, tay kia cầm điều khiển, xem hết từ Chương trình phỏng vấn buổi sáng cho đến phim truyền hình, rồi phim hài, trinh thám, phim về khuya với những người phụ nữ bị hiếp, theo dõi, phản bội hay bị giết.
Geri mang hai ly Bloody Mary trên khay cùng với cần tây, dưa ngâm muối, ô liu và như được yêu cầu, kéo rèm rồi lui ra. Jackie và tôi ngồi trong ánh sáng lờ mờ, phòng máy lạnh tường trắng và nhìn chằm chằm vào nhau một lúc. Sau đó Jackie kéo một ngăn kéo của cái bàn uống nước. Nó có ba chai sơn bóng móng tay, một quyển kinh thánh nhàu nát và hơn nửa chai thuốc màu cam. Tôi nghĩ đến Curry và đồ cắt gai hoa hồng của ông ấy.
“Thuốc giảm đau nhé? Ta có mấy loại thuốc tốt lắm”.
“Cháu cần tỉnh táo một tí”. Tôi nói mà cũng không chắc là bà ấy có nghiêm túc không. “Trông cứ như là bác sắp mở hiệu thuốc ấy”.
“Chắc vậy, ta may mắn quá mà”. Tôi cảm thấy được sự giận dữ của bà ấy lẫn với mùi nước ép cà chua. “OxyContin, Percocet, Percodan, bất kỳ thứ gì mà bác sĩ mới nhất của ta kê toa. Nhưng ta phải thừa nhận là chúng nó tếu thật”.
Bà làm rớt vài giọt vào mấy vỉ thuốc trắng và lau nó đi, cười với tôi.
“Thế bác có gì nào?” Tôi hỏi, gần như sợ hãi câu trả lời.
“Đây là phần tuyệt nhất, cưng ạ. Không đứa chết tiệt nào biết. Bệnh giời leo thì cần cái này, bệnh viêm khớp thì cái khác, mấy bệnh như hiện tượng tự miễn dịch là loại thứ ba, còn trong đầu ta thì có khi là loại thứ tư hay thứ năm gì cũng nên”.
“Thế bác nghĩ sao?”
“Ta nghĩ gì ấy à?” Bà cười, đảo mắt. “Ta nghĩ chỉ cần nó còn đó là được, ta chả quan tâm nhiều”, bà lại phá lên cười. “Bọn nó tếu thật đấy”.
Hoặc là bà ấy vờ trưng ra vẻ mặt can đảm hoặc là bà ấy thật sự nghiện nó, tôi không chắc cái nào đúng.
“Ta ngạc nhiên là Adora lại theo con đường bệnh hoạn ấy”, bà liếc mắt. “Theo như gì ta tìm thấy thì bà ấy hẳn là phải nguy ngập nhỉ? Bà ấy không bị chứng lao da. Kiểu bà ấy thì chắc là sẽ bị... ta cũng không biết nữa, ung thư não. Phải không?”
Bà hớp một ngụm Bloody Mary nữa và một vệt muối dính lên môi trên của bà, làm nó trông như bị căng ra. Ngụm thứ hai này làm bà ấy dịu xuống, và như cách bà có mặt ở đám tang của Natalie, bà ấy nhìn tôi chằm chằm như đang cố khắc ghi khuôn mặt tôi.
“Trời ơi, thấy cháu lớn lên thật là điều lạ lùng”. Bà nói, vỗ vỗ vào đầu gối tôi. “Sao cháu lại đến đây, cưng? Ở nhà ổn chứ? Không lẽ nào. Có phải... có phải mẹ cháu...?”
“Không, không phải thế đâu”. Tôi ghét tỏ ra rõ ràng.
“Ờ”. Trông bà có vẻ mất tinh thần, một tay đung đưa ở mép váy như một thứ gì đó trong thước phim đen trắng. Tôi dẫn bà đi sai hướng rồi, quên mất là ở đây buôn chuyện luôn được chào đón.
“Ý cháu là, cháu xin lỗi. Cháu đã không thành thật đến giờ. Cháu muốn nói về mẹ cháu”.
Ngay lập tức Jackie tươi tỉnh hẳn lên, “Không thể hiểu được bà ấy phải không? Thiên thần hay ác quỷ hay cả hai?” Jackie lót cái gối xanh lá xuống dưới mông và đặt chân bà ấy lên đùi tôi. “Cục cưng, cháu xoa bóp chúng một tí được không? Chân bác sạch đấy”. Từ dưới ghế, bà lôi ra một túi đầy kẹo, loại mà người ta hay phát vào dịp Halloween. Bà để cái túi đấy lên bụng. “Trời, bác phải xử lý hết chúng nó sau, nhưng giờ ăn thì cũng tốt”.
Tôi bắt lấy khoảnh khắc vui vẻ này. “Có phải mẹ cháu... trước đây cũng như thế này đúng không?” Tôi khép nép trước sự vụng về của câu hỏi, nhưng ngay lập tức Jackie cười khúc khích, như một mụ phù thủy.
“Là thế nào cưng ơi? Đẹp? Quyến rũ? Được quý mến? Độc ác?” Bà lúc lắc mấy ngón chân khi bóc một viên chocolate. “Xoa bóp đi”. Tôi bắt đầu xoa bóp bàn chân lạnh ngắt của bà, gót chân tròn như cái mai rùa. “Adora. Chà chà. Adora giàu và đẹp và cặp cha mẹ điên rồ của bà ấy đã điều hành thị trấn này. Họ mang cái trang trại nuôi lợn chết tiệt ấy đến Wind Gap và cho mọi người hàng trăm công việc để làm - có cả những hàng cây óc chó. Họ chỉ huy mọi thứ. Mọi người nịnh bợ nhà Preakers”.
“Thế cuộc sống của mẹ cháu khi ấy thế nào... lúc ở nhà ấy?”
“Adora bị... quản thúc quá chặt. Không bao giờ thấy bà ngoại Joya của cháu cười hay ôm bà một cách yêu thương, nhưng bà ngoại cháu không rời mắt khỏi bà ấy. Lúc nào cũng lo sửa tóc, chỉnh quần áo, và... à, bà ấy đã làm điều này. Thay vì dùng ngón tay cái để lướt qua và chà vết dơ, bà ta lại liếm Adora. Nghĩa là giữ đầu bà ấy lại và liếm nó. Khi Adora bị lột da vì cháy nắng - ai trong bọn ta cũng bị thế cả, và chẳng biết gì về kem chống nắng như thế hệ các cháu đâu - Joya ngồi xuống kế bên mẹ cháu, cởi áo bà ấy ra, và lột da thành từng mảnh. Joya thích vậy”.
“Bác Jackie à...”
“Ta không nói láo đâu. Phải nhìn thấy bạn mình bị cởi trần truồng ngay trước mặt cháu, và... được chải chuốt. Không cần nói nhỉ, mẹ cháu ốm đau triền miên. Lúc nào bà ấy cũng có đầy các ống thuốc và kim và những thứ kiểu vậy quanh mình”.
“Thế bà ấy bị bệnh gì?”
“Mỗi thứ một tí. Phần lớn là quá căng thẳng khi sống cùng Joya. Những cái móng tay dài không được sơn đó như móng tay đàn ông. Và mái tóc dài của bà ấy cứ bạc đi, xõa xuống lưng”.
“Thế ông ngoại cháu ở đâu khi những chuyện này xảy ra?”
“Không biết. Ta còn chả nhớ tên ông ấy. Herbert hả? Herman? Ông ấy chẳng mấy khi xuất hiện và khi có mặt thì lặng lẽ rồi biến đi. Cháu biết kiểu đấy mà. Như Alan ấy”.
Bà bóc một viên chocolate nữa, ngọ nguậy mấy ngón chân trong tay tôi. “Cháu biết đấy, việc có cháu đã hủy hoại cuộc đời bà ấy”. Giọng bà quở trách, như thể tôi làm sai một việc nhỏ nhặt. “Mấy đứa con gái khác cũng thế, có bầu trước khi cưới, ở Wind Gap này, tức là hết đời”. Jackie tiếp tục. “Nhưng mẹ cháu luôn có cách làm cho người ta phải chăm bẵm bà ấy. Mọi người - không chỉ con trai mà còn mấy đứa con gái, mẹ của bọn đấy, cả các giáo viên nữa”.
“Sao lại thế?”
“Camille yêu dấu ơi, con gái đẹp thích gì chả được miễn là nó tỏ ra đáng yêu. Chắc chắc cháu phải biết điều đấy chứ. Nghĩ lại những điều mà bọn con trai đã làm cho cháu trong suốt ngần ấy năm đi nếu như cháu không có khuôn mặt này. Và nếu bọn con trai tử tế, bọn con gái cũng tử tế thôi. Adora chơi cái trò bầu bì ấy một cách tuyệt vời: kiêu hãnh nhưng hơi tổn thương, và rất giữ kẽ. Cha cháu đến trong một cuộc gặp gỡ định mệnh và rồi họ chẳng bao giờ gặp lại nhau lần nữa. Mẹ cháu không hé môi một lời về chuyện này. Cháu là tất cả khởi đầu của bà ấy. Chuyện này giết chết Joya. Con gái bà ấy rốt cuộc làm một chuyện mà bà không thể chấp nhận được”.
“Thế mẹ cháu có hết bệnh khi Joya qua đời không?”
“Bà ấy khỏe một quãng thời gian”. Jackie nói, vọng qua cái ly. “Nhưng không lâu trước khi Marian ra đời, và bà ấy chẳng còn thời gian để mà ốm đau nữa”.
“Có phải mẹ cháu...” Tôi cảm thấy cổ họng mình nấc lên, vì thế tôi uống xuống một ngụm vodka. “Mẹ cháu có phải là một người tử tế không?”
Jackie cười khúc khích lần nữa. Bóc một viên chocolate, kẹo dính lên răng bà ấy. “Cuối cùng là cháu hỏi thế à? Mẹ cháu có tử tế không?” Bà ngưng lại. “Thế cháu nghĩ sao?” Bà thêm vào, chế nhạo tôi.
Jackie kéo ngăn kéo lần nữa, mở nắp ba cái chai, lần lượt lấy ra mỗi cái một viên thuốc, rồi sắp xếp chúng từ lớn đến nhỏ trên bàn tay trái của bà.
“Cháu không biết. Cháu chưa bao giờ đủ thân thiết với bà”.
“Nhưng cháu từng thân thiết với bà ấy. Đừng có bày trò với ta, Camille. Cháu làm ta mệt đấy. Nếu cháu nghĩ mẹ cháu là người tử tế, cháu đã chẳng tìm đến bà bạn thân nhất của bà ấy để hỏi xem liệu bà ấy có phải người tốt không”.
Jackie lấy mỗi viên thuốc, từ lớn nhất đến nhỏ nhất, nghiền nó vào chocolate rồi nuốt. Áo choàng trên ngực bà xộc xệch, màu đỏ vẫn còn trên môi, một lớp chocote mỏng dính trên răng bà, bàn chân của bà bắt đầu đổ mồ hôi trong tay tôi.
“Cháu xin lỗi. Bác nói đúng,” tôi nói “nhưng bác có nghĩ là bà ấy bị bệnh không?”
Jackie ngừng nhai, đặt tay mình lên tay tôi và thở dài.
“Để ta nói rõ điều này, vì ta đã nghĩ về nó lâu lắm rồi, và những suy nghĩ này có lẽ cũng hơi ma mãnh với ta - chúng vuột ra khỏi chính mình, cháu biết đấy. Giống như dùng tay không bắt cá vậy”. Bà tựa vào và ôm tay tôi. “Adora hủy hoại cháu, và nếu cháu không để bà ấy làm vậy, nó thậm chí sẽ tồi tệ hơn cho cháu. Cứ nhìn những gì đang xảy ra với Amma, hãy nhìn những gì đã xảy ra cho Marian”.
Vâng. Ngay dưới ngực trái của tôi, gói lại bắt đầu nhói lên.
“Thế bác nghĩ vậy à?” Tôi thúc giục. Nói đi.
“Ta nghĩ bà ấy có bệnh, và ta nghĩ cái bà ấy mắc phải là truyền nhiễm”. Jackie thì thầm, bàn tay bà run rẩy làm mấy viên đá trong ly va vào nhau leng keng. “Và ta nghĩ đến lúc cháu phải đi rồi”.
“Cháu xin lỗi. Cháu không nên ở quá lâu như thế”.
“Ý ta là rời khỏi Wind Gap. Ở đây không an toàn cho cháu đâu”.
Chỉ chừng hơn một phút sau, tôi đóng cánh cửa nhà Jackie lại, khi ấy bà đang nhìn vào bức ảnh cười lung liếng của chính mình trên lò sưởi.