Dịch giả: Anh Tô
Chương ba

     ẹ tôi mặc áo màu xanh đến đám tang. Màu đen có vẻ quá tuyệt vọng và những màu khác thì lại bất nhã. Mẹ cũng mặc màu xanh trong đám tang Marian, và Marian cũng vậy. Bà rất kinh ngạc khi tôi không nhớ điều này. Tôi nhớ rằng Marian được chôn với một chiếc đầm màu hồng nhạt. Không có gì ngạc nhiên cả. Mẹ và tôi thường mâu thuẫn trong tất cả mọi chuyện liên quan đến đứa em gái đã chết của tôi.
Trong buổi sáng của lễ tang, Adora thoắt ẩn thoắt hiện trong phòng với đôi giày cao gót của bà, khi thì xịt nước hoa nơi này, khi thì tháo lỏng hoa tai đằng kia. Tôi nhìn theo và uống cà phê đen nóng bỏng lưỡi.
“Mẹ không thân với họ lắm”, bà nói. “Họ rất kín đáo. Nhưng mẹ nghĩ cả cộng đồng nên giúp đỡ họ. Natalie là một cô bé rất ngoan. Mọi người cũng rất tốt với mẹ khi...” Ánh mắt tiếc nuối cụp xuống. Nó có thể là thật.
Tôi đã ở Wind Gap năm ngày và Amma vẫn chưa xuất hiện. Mẹ tôi cũng không đề cập đến con bé. Tôi cũng không moi được lời nào từ gia đình Keene. Tôi cũng không được phép dự đám tang, nhưng Curry muốn tin tức này hơn bất kỳ điều gì và tôi thì muốn chứng tỏ mình có thể xử lý được. Tôi thấy gia đình Keene sẽ không bao giờ phát hiện ra chuyện này. Không ai đọc báo cả.
Những tiếng an ủi thì thầm và những cái ôm sực nức mùi nước hoa ở Những-Quý-Bà-Khốn-Khổ, vài người phụ nữ lịch sự gật đầu chào tôi sau khi họ thì thầm về mẹ tôi (Adora thật dũng cảm khi đến đây) và lùi xuống nhường chỗ cho bà. Những-Quý-Bà-Khốn-Khổ là một nhà thờ công giáo chói lọi được xây dựng vào thập niên 70: màu vàng đồng và được trang trí như một chiếc nhẫn rẻ tiền trong cửa hàng đồng giá. Wind Gap là một khu vực Công giáo nhỏ ở một khu vực đông dân baptists ở miền Nam, một nhóm người Ireland đã lập ra thị trấn này. Tất cả gia đình McMahons và Malones đều đến New York trong thời kỳ Khan Hiếm Khoai Tây, bị lăng mạ và sỉ nhục, và (nếu họ khôn ngoan) sẽ đi về phía Tây. Người Pháp cai trị St. Louis, nên họ chuyển về phía nam và bắt đầu xây dựng thành phố riêng của mình. Nhưng những năm trong thời kỳ Tái Kiến Thiết, họ đã bị xua đuổi một cách thô bạo. Missouri, luôn luôn là nơi đầy mâu thuẫn, cố gắng chối bỏ nguồn gốc miền Nam của mình, tự làm mới thành một tiểu bang không có chiếm hữu nô lệ, và những người Ireland xấu hổ bị quét sạch cùng những kẻ không ra gì. Và để lại sau lưng tôn giáo của mình.
Đám tang đã diễn ra được mười phút và người ta vẫn tiếp tục xếp hàng dài vào nhà thờ. Tôi quan sát đám đông ngồi bên trong. Có điều gì đó không ổn. Không có đứa trẻ nào trong nhà thờ. Không có đứa con trai trong bộ lễ phục đen, đẩy xe vào chân mẹ chúng, không có đứa con gái nào kéo lê mấy con búp bê. Không có một gương mặt nào dưới mười lăm tuổi. Tôi không biết điều này thể hiện sự kính trọng đối với bậc cha mẹ của người đã khuất, hay sự đề phòng từ xa. Nỗ lực ngăn chặn lũ trẻ trở thành những con mồi trong tương lai. Tôi hình dung hàng trăm đứa bé trai và bé gái của Wind Gap bị nhốt trong những căn phòng tối đen, mút tay khi ngồi xem ti vi và không bị theo dõi.
Không có trẻ con tham dự, nhà thờ khá yên lặng, những bóng người như được cắt bằng bìa cứng để giữ chỗ cho người thật. Phía sau, tôi thấy Bob Nash trong bộ lễ phục đen. Vẫn không thấy người vợ. Ông gật đầu chào tôi và cau mày khó chịu.
Dàn đàn organ phát ra âm thanh nghèn nghẹt của bài “Be Not Afraid”, và gia đình của Natalie Keene bật khóc, ôm nhau và làm ầm lên ở gần cửa ra vào như một trái tim khổng lồ tan vỡ, gắn chặt vào nhau. Chỉ cần hai người là mang được cỗ quan tài màu trắng. Thêm ai khác là họ phải chen chúc.
Mẹ và cha Natalie dẫn đầu đám rước. Bà cao hơn ông khoảng ba inch, một người phụ nữ to lớn, ấm áp, mái tóc màu vàng cát được buộc bằng băng đô. Bà có vẻ mặt thân thiện, kiểu người sẽ thôi thúc người lạ hỏi đường hay giờ giấc. Ông Keene nhỏ thó và ốm, gương mặt tròn kiểu trẻ con với đôi gọng kính như hai bánh xe bằng vàng. Phía sau họ là cậu con trai chừng mười tám đôi mươi khá điển trai, mái tóc rũ xuống, khóc nức nở. Anh trai Natalie, một người phụ nữ thì thầm vào tai tôi.
Nước mắt lăn xuống gò má mẹ tôi và nhỏ tí tách xuống chiếc ví da bà để trên đùi. Người phụ nữ ngồi bên cạnh vỗ nhẹ tay bà. Tôi lấy sổ từ túi áo khoác, viết vội vàng cho đến khi mẹ đập mạnh vào tay tôi và suỵt: “Con thật không tự trọng và đáng xấu hổ. Ngừng lại hoặc mẹ sẽ bắt con phải rời khỏi đây ngay đấy”.
Tôi ngừng viết nhưng vẫn để cuốn sổ bên ngoài, cảm thấy ấm ức. Nhưng hơi đỏ mặt.
Đám rước đi ngang qua chúng tôi. Chiếc quan tài nhỏ bé đến mức kỳ lạ. Tôi hình dung Natalie nằm bên trong và có thể thấy đôi chân em: lông tơ, đầu gối bị sưng, và miếng băng cá nhân. Tôi nhéo mình một lần, thật mạnh, dứt khoát như chấm kết thúc câu.
Khi cha xứ thì thầm đọc lời cầu nguyện trong bộ lễ phục, chúng tôi đứng lên rồi ngồi xuống, rồi lại đứng lên, những tấm thiệp cầu nguyện được dựng lên. Mặt trước là hình Đức Mẹ Đồng Trinh Maria đang chiếu rọi trái tim màu đỏ tươi của mình lên mặt Chúa hài đồng. Mặt sau được in dòng chữ:
Natalie Jane Keene.
Con gái thân yêu, chị thân yêu và bạn thân yêu.
Thiên đàng lại có một thiên thần mới.
Một tấm ảnh lớn của Natalie được đặt gần quan tài, trang trọng hơn bức tôi đã nhìn thấy trước đó. Con bé nhỏ nhắn, dễ thương với chiếc cằm chìa ra, đôi mắt tròn nhỏ, kiểu sẽ trở thành một cô gái đầy sức hút. Có thể cô bé sẽ viết nên câu chuyện vịt con xấu xí thật sự khiến mọi người hài lòng, hoặc mãi mãi giữ dáng vẻ gần gũi đáng yêu. Ở tuổi lên mười thì vẻ bề ngoài của bé gái hay thay đổi.
Mẹ Natalie bước lên bục, tay cầm một mảnh giấy. Gương mặt sũng nước mắt, nhưng khi cất tiếng thì giọng bà khá rắn rỏi:
“Đây là lá thư gửi Natalie, con gái duy nhất của tôi”. Bà hít một hơi và câu chữ tuôn ra: “Natalie, con là đứa con gái đáng yêu nhất của mẹ. Mẹ không thể tin là con đã bị tước đoạt khỏi chúng ta. Mẹ không thể hát ru hay gãi lưng cho con được nữa. Anh trai con không thể nghịch đuôi tóc của con, hay con cũng không bao giờ ngồi trên chân cha. Cha con sẽ không bao giờ được dẫn con vào nhà thờ trong lễ thành hôn. Anh con sẽ không bao giờ trở thành bác. Chúng ta sẽ nhớ đến con trong những buổi ăn tối ngày Chúa nhật và những kỳ nghỉ hè. Chúng ta sẽ nhớ tiếng con cười. Chúng ta sẽ nhớ những giọt nước mắt của con. Nhưng nhất là, con gái yêu quý của mẹ, chúng ta sẽ rất nhớ con. Chúng ta yêu con, Natalie”.
Khi bà Keene quay về chỗ, người chồng choàng qua ôm bà nhưng có vẻ bà không cần ai giúp trấn tĩnh lại. Khi ngồi xuống, đứa con trai quay về vòng tay bà, gục khóc trên cổ bà. Ông Keene quắc mắt nhìn xuống hàng ghế phía sau ông một cách giận dữ, như thể sắp đánh ai đó.
“Thật là một bi kịch kinh hoàng khi mất đi một đứa trẻ”, vị linh mục ngâm nga. “Điều này còn khủng khiếp gấp đôi khi chúng ta mất cô bé trong một hành động đầy tội lỗi như thế. Bởi vì chúng là quái vật. Kinh Thánh nói: ‘Mắt trả mắt, răng trả răng’. Nhưng chúng ta đừng chỉ dừng lại ở việc báo thù. Hãy nghĩ về những điều Chúa dạy: Hãy yêu những người hàng xóm của con. Hãy để chúng ta trở thành những người hàng xóm tốt của nhau trong thời kỳ đen tối này. Hãy mở lòng ra với Chúa”.
“Tôi thích mắt trả mắt hơn”, một người đàn ông sau lưng tôi gầm gừ.
Tôi tự hỏi phần đề cập đến những chiếc răng có khiến ai thấy bất bình không?
Khi rời nhà thờ và bước ra ngoài, tôi thấy bốn bé gái ngồi thành hàng cạnh bờ tường thấp bên kia đường. Những cặp chân mảnh khảnh đung đưa. Ngực căng tròn dưới lớp áo nâng ngực. Chính là những cô bé mà tôi bắt gặp ngoài bìa rừng. Chúng đang quấn lấy nhau cười rũ rượi, cho đến khi, một đứa, vẫn là đứa xinh nhất, chỉ về phía tôi, chúng ra vẻ cúi đầu. Nhưng bụng vẫn còn rung rung.
Natalie được chôn tại khu mộ gia đình, kế bên là tấm bia được khắc sẵn tên cha mẹ con bé.
Tôi biết lý do sự tính toán này, không bậc cha mẹ nào nên thấy cái chết của con mình, điều đó ngược với tự nhiên. Nhưng đó cũng là cách tốt nhất để giữ lại con cái mình. Bọn trẻ lớn lên và chúng trở nên xa cách hơn. Chúng sẽ tìm thấy bạn đời hay người yêu. Chúng sẽ không được chôn cùng với cha mẹ. Gia đình Keene, ngược lại, sẽ giữ được hình thức gia đình thuần túy nhất. Thẳm sâu trong lòng đất.
Sau đám tang, mọi người tụ tập tại nhà Keene, một ngôi nhà nông trang bằng đá to lớn, một hình mẫu giàu có trong ngành chăn nuôi của Mỹ. Không có gì giống như thế này ở Wind Gap. Tiền bạc ở Missouri xa lạ với đồng quê, từ vẻ kỳ quặc quê mùa. Điều ngạc nhiên là: ở nước Mỹ thuộc địa, những phụ nữ giàu có mặc đồ màu xanh nhạt hay xám để chống lại vẻ New York của họ, trong khi những bản sao giàu có của họ tại Anh lại làm dáng như những con chim lòe loẹt. Tóm lại, căn nhà của gia đình Keen có vẻ quá Missouri do một người Missouri sở hữu.
Bàn ăn tự chọn dọn ra nhiều món: gà tây và thịt lợn muối, thịt bò và thịt hươu. Còn có dưa chua, quả ô liu và trứng rán quá lửa, bánh bì cứng sáng bóng, và thịt hầm chưa nhừ. Khách khứa chia thành hai nhóm: một nhóm khóc lóc và một nhóm thì không. Những người khắc kỷ đứng trong bếp, uống cà phê, rượu và trò chuyện về cuộc bầu cử hội đồng thành phố sắp diễn ra và tương lai của những ngôi trường, thỉnh thoảng thì thầm một cách giận dữ về tình trạng dậm chân tại chỗ của các cuộc điều tra.
“Tôi thề sẽ bắn bất cứ tên khốn lạ mặt nào đến gần con gái tôi trước khi hắn kịp nói ‘Xin chào’”, một người đàn ông mặt dẹt nói, cắn một miếng bánh mì kẹp thịt bò nướng. Bạn của anh ta gật gù đồng tình.
“Tôi không biết mắc mớ gì Vickery lại không cho dọn sạch khu rừng - mẹ kiếp, san bằng cả đám đó. Anh biết đấy, hắn lẩn ở trong đó”. - một cậu thanh niên tóc màu cam trẻ hơn nói.
“Donnie, ngày mai tôi sẽ vào đó với anh”, người đàn ông mặt dẹt nói. “Chúng ta có thể lùng sục từng tấc đất một. Chúng ta sẽ tìm ra thằng khốn đó. Anh muốn đi không?” Cậu thanh niên lầm rầm tán thành và uống thêm rượu từ ly giấy. Tôi ghi lại cuộc tuần tra ở những con đường cạnh khu rừng vào sáng mai để xem có tên say rượu nào làm không? Nhưng tôi có thể hình dung được nội dung cuộc gọi ngượng ngùng vào sáng hôm đó:
Anh đi chứ?
Ừa thì tôi cũng không biết. Chắc vậy, còn anh?
Ờ thì tôi lỡ hứa với Maggie là sẽ sửa lại cửa sổ chống bão rồi.
Vài lời hẹn sẽ cùng uống bia dịp khác, và người nhận điện thoại từ từ dập máy với cảm giác tội lỗi.
Những người than khóc, hầu hết là phụ nữ, thì tập trung ở phòng ngoài, trên những chiếc ghế bành nhung và những băng ghế dài bọc da. Anh trai Natalie run rẩy trong vòng tay của mẹ, khi bà vỗ về và vuốt mái tóc đen của cậu, lặng lẽ khóc. Một đứa bé ngọt ngào, vì đã khóc không hề giấu diếm như thế. Tôi chưa bao giờ thấy điều này. Vài người phụ nữ đi qua và đưa những dĩa nhựa đựng thức ăn, nhưng bà mẹ và đứa con trai chỉ lắc đầu. Mẹ tôi xun xoe bên cạnh như con chim giẻ cùi nhưng họ không để ý, sau đó bà mau chóng trở về với nhóm bạn của mình. Ông Keene đứng một góc với ông Nash, cả hai đều lặng lẽ hút thuốc.
Những bằng chứng mới nhất của Natalie vẫn còn rải rác khắp phòng. Chiếc áo len xám nhỏ nhắn vắt qua lưng ghế, đôi giày tennis với dải nơ xanh ngoài cửa. Trên một kệ sách là quyển sổ tay, mặt trước có hình con kỳ lân; ngoài ra còn một tờ tạp chí A Wrinkle in Time quăn góc.
Tôi thấy mình hoàn toàn suy sụp. Tôi không tiếp cận được với gia đình, không giới thiệu sự hiện diện của mình. Tôi đi qua nhà họ và do thám, đầu gục xuống ly bia như một bóng ma xấu hổ. Tôi thấy Katie Lacey, cô bạn thân thời trung học ở Calhoon trong nhóm bạn tóc tai đẹp đẽ của cô, chính xác hơn là phiên bản hoàn hảo của nhóm mẹ tôi, trừ đi khoảng hai mươi năm tuổi. Cô hôn lên má tôi khi tôi đến gần.
“Tớ nghe nói cậu đã về thị trấn, đã mong cậu sẽ gọi”, cô nói, nhăn đôi lông mày mỏng với tôi, rồi giới thiệu tôi với ba người phụ nữ khác, tất cả đều ôm tôi một cách xã giao. Tất cả từng là bạn của tôi, ở một thời điểm nào đó, tôi cho là vậy. Chúng tôi trao đổi những lời chia buồn và rì rầm câu chuyện này buồn đến mức nào. Angie Papermaker (tên thời con gái là Knightley) trông như vẫn còn trong trận chiến chống lại cơn thèm ăn đã quật ngã cô thời trung học - cổ của cô mảnh khảnh và gân guốc như bà già. Mimi, một đứa con gái giàu có hư hỏng (có cha sở hữu hàng ngàn mẫu đất nuôi gà ở Arkansas), không mấy khi thích tôi, cô hỏi thăm về Chicago và ngay lập tức quay sang trò chuyện với Tish nhỏ nhắn, người đã quyết định nắm tay tôi an ủi trong một cử chỉ thoải mái nhưng kỳ lạ.
Angie kể rằng cô có một đứa con gái năm tuổi - chồng cô đang ở nhà với cây súng bảo vệ nó.
“Đây sẽ là một mùa hè dài đối với bọn trẻ”, Tish thì thầm. “Mình nghĩ mọi người đều giữ chúng an toán phía sau những cánh cửa đóng kín và chìa khóa”. Tôi nghĩ về những cô bé đã gặp ngoài đám tang, và tự hỏi tại sao cha mẹ chúng không hề lo lắng.
“Cậu có con chưa Camille?” Angie hỏi với giọng mỏng như thân hình cô ta.
“Tớ thậm chí còn không biết cậu đã kết hôn chưa?”
“Không và không”, tôi nói, và nhấp một ít bia, trong đầu thoáng qua hình ảnh Angie đã nôn ở nhà tôi, sau khi tan học, vội vàng chạy vào phòng tắm màu hồng và đắc thắng trở ra. Curry sai rồi: trở thành một kẻ trong số họ còn dễ bị phân tâm hơn là có ích.
“Các cô gái, chúng ta không thể tán chuyện cả đêm được!” Tôi quay lại và bắt gặp một trong những người bạn của mẹ tôi, Jackie O’Neele (tên thời con gái là O’Keefe), rõ ràng vừa tân trang lại nhan sắc. Mắt bà vẫn còn ướt, gương mặt ẩm ướt, đỏ và chảy xệ như một đứa trẻ giận dữ vừa bị lôi ra khỏi tử cung người mẹ. Những viên kim cương lóe sáng trên những ngón tay rám nắng của bà, và bà có mùi Juicy Fruit và bột Talc khi ôm tôi. Buổi chiều có cảm giác như một cuộc hội ngộ. Và tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ - tôi vẫn chưa dám rút cuốn sổ của mình ra khi mẹ còn ở đây, bắn những cái nhìn cảnh cáo về phía tôi.
“Bé cưng, trông con xinh xắn quá”, Jackie thủ thỉ. Bà có một cái đầu thuôn dài, phủ đầy tóc bạc trắng, và nụ cười ranh mãnh. Jackie phỉnh phờ và nông cạn, nhưng bà luôn là chính mình. Bà luôn dễ dãi với tôi hơn chính mẹ ruột mình. Là Jackie, chứ không phải Adora, đã dúi cho tôi hộp bao cao su đầu tiên, nháy mắt bảo rằng có thể gọi cho bà nếu cần hướng dẫn, và chính Jackie luôn vui vẻ trêu chọc tôi về lũ con trai. Vài cái ôm. “Con thế nào hả cưng? Mẹ con không nói cho ta biết là con đã về. Nhưng giờ thì mẹ con cũng chẳng nói chuyện với ta nữa. Bằng cách nào đó thì ta đã làm bà ấy thất vọng. Con biết mọi việc như thế nào rồi đấy. Ta biết là con biết mà!” Bà cười khùng khục và nhéo tay tôi. Tôi đoán bà đã say rồi.
“Chắc ta đã quên gửi thiệp cho bà ấy hay sao đó”, bà tiếp tục lắp bắp, vung cánh tay đang cầm ly rượu hơi quá. “Hay bà ấy không hài lòng với tay làm vườn ta giới thiệu. Ta nghe nói con đang viết gì đó về lũ con gái: điều đó tàn nhẫn quá”. Cuộc trò chuyện với bà trúc trắc và lộn xộn khiến tôi mất ít phút mới bắt kịp. Đúng lúc tôi bắt đầu nói, bà nắm tay tôi và nhìn tôi chằm chằm với đôi mắt nhòe nước, “Camille, bé cưng, ta đã không gặp con quá lâu rồi. Bây giờ - ta nhìn con và ta thấy con lúc bằng tuổi lũ trẻ đó. Và ta thấy buồn quá. Quá nhiều sai lầm. Ta không thể quen với điều đó”. Một giọt nước mắt lăn xuống gò má của bà. “Đến tìm ta nhé, được chứ? Chúng ta có thể nói chuyện”.
Tôi rời khỏi mà không moi được gì. Tôi đã quá mệt để trò chuyện, mà đó là tôi đã nói rất ít rồi.
Lúc sau thì tôi có gọi cho gia đình Keene, sau khi đã uống chút ít - một ly vodka - và qua đường dây điện thoại riêng. Rồi tôi giải thích về mình và những gì tôi sẽ viết. Nó không suôn sẻ cho lắm.
Đây là những gì tôi đã sắp xếp vào buổi tối đó.
Tại thị trấn Wind Gap nhỏ bé, ở Missouri, những tấm áp phích cầu xin Natalie Jane Keene trở về vẫn còn chưa hạ xuống trong khi họ đã chôn cất cô bé vào thứ Ba vừa qua. Một đám tang ầm ĩ, linh mục thuyết giảng về sự tha thứ và chuộc tội vẫn không thể làm giảm sự căng thẳng hay hàn gắn nỗi đau. Bởi vì bé gái khỏe mạnh, đáng yêu này là nạn nhân thứ hai trong một vụ mà cảnh sát cho là giết người hàng loạt. Tên sát nhân nhắm đến mục tiêu là những đứa trẻ.
“Tất cả lũ trẻ ở đây đều rất dễ thương”, Ronald J. Kamens, một nông dân địa phương đã tham gia tìm kiếm Keene cho biết: “Tôi không thể tưởng tượng tại sao chuyện này lại xảy ra với chúng tôi”.
Thi thể bị xiết cổ của Keene được phát hiện vào ngày 14 tháng Năm, bị tống vào giữa hai tòa nhà tại Đường Chính của Wind Gap. “Chúng tôi sẽ nhớ nụ cười của con”, Jeannie Keene, 52 tuổi, mẹ của Natalie nói. “Chúng tôi sẽ nhớ nước mắt của con. Hơn hết, chúng tôi sẽ nhớ Natalie”.
Tuy nhiên, đây không phải là bi kịch đầu tiên xảy ra tại Wind Gap, nơi tận cùng của tiểu bang. Ngày 27 tháng Tám năm ngoái, Ann Nash - chín tuổi, được tìm thấy ở một con suối trong khu vực, cũng bị xiết cổ. Cô bé đạp xe đến nhà bạn cách đó vài dãy nhà vào đêm bị bắt cóc. Báo cáo cho biết cả hai nạn nhân đều bị nhổ hết răng.
Tên giết người đã thoát khỏi sự truy lùng của năm sĩ quan cảnh sát Wind Gap. Thiếu kinh nghiệm trong những tội ác tàn bạo thế này, họ đã cầu viện sự trợ giúp từ bộ phận điều tra mưu sát ở Kansas City, và nhận được một nhân viên tập sự chuyên ngành tâm lý tội phạm. Cư dân của thị trấn (khoảng 2.120 người) đều đoan chắc một điều: Kẻ chịu trách nhiệm cho những cái chết này đang tiến hành tội ác không theo một mô típ đặc biệt nào.
“Ngoài kia có gã đang lùng bắt trẻ con để giết hại”, Bob Nash, 41 tuổi, kinh doanh ghế, cha của Ann cho hay. “Không có vở kịch nào được dàn dựng ở đây, không bí mật nào cả. Chỉ là vài kẻ muốn giết đứa con bé bỏng của chúng tôi”.
Việc những chiếc răng bị lấy đi còn rất bí ẩn và manh mối lại giới hạn. Cảnh sát địa phương từ chối bình luận. Cho đến khi kẻ giết người bị bắt, Wind Gap sẽ tự bảo vệ mình - lệnh giới nghiêm vẫn còn hiệu lực, việc theo dõi hàng xóm sẽ nhanh chóng được tái lập ở một nơi trước đây từng rất êm đềm.
Các cư dân tìm cách xoa dịu chính mình. “Tôi không muốn nói gì nữa cả”, Jeannie Keene nói. “Tôi chỉ muốn ở một mình. Chúng tôi chỉ muốn được yên thân”.
Một bài báo chặt chém - bạn không cần nói cho tôi biết điều đó. Ngay khi gửi mail cho Curry, tôi gần như đã hối hận về mọi chuyện. Bắt đầu với tuyên bố rằng cảnh sát phỏng đoán đây là vụ giết người hàng loạt là hơi quá, Vickery chưa bao giờ đề cập đến vấn đề đó. Phần đầu tiên tôi trích từ bài diễn văn của Jeannie Keene, phần sau là những lời chửi rủa bà ném vào mặt tôi khi nhận ra cuộc gọi điện chia buồn chỉ là bình phong. Bà biết tôi dự định mổ xẻ việc con gái bà bị giết, ném nó lên một tờ báo lá cải cho mọi người xâu xé. “Những gì chúng tôi cần là yên thân”, bà gào lên. “Chúng tôi vừa chôn cất con mình sáng nay. Cô thật đáng xấu hổ”. Câu trích dẫn không hơn không kém mà tôi cần, kể từ khi Vickery đuổi tôi ra ngoài.
Curry cho rằng bài viết khá cứng rắn - không hay, nếu bạn không phiền, nhưng là một khởi đầu rắn rỏi. Ông thậm chí còn giữ nguyên tiêu đề hơi cay nghiệt của tôi: “Tên sát nhân hàng loạt nhắm đến những đứa trẻ”. Câu đó lẽ ra phải bị cắt, tôi biết điều đó, nhưng tôi khao khát đào sâu vào bi kịch. Ông ấy hẳn đã say khi đọc nó.
Ông đề nghị những mối liên hệ rộng hơn giữa các gia đình, ngay khi tôi cóp nhặt chúng với nhau. Một cơ hội khác để làm mới chính mình. Tôi đã may mắn, có vẻ như Chicago Daily Post sẽ độc quyền vụ Wind Gap trong một thời gian nữa. Một vụ bê bối tình dục động trời ở Quốc hội bị phanh phui, không chỉ làm tan nát một mà đến ba gia đình thành viên của Quốc hội. Hai trong số họ là phụ nữ. Vụ bê bối rất ghê gớm và rôm rả. Quan trọng hơn nữa, một tên giết người hàng loạt đang lén lút ở một thành phố danh tiếng hơn, Seattle. Giữa những quán cà phê và làn sương mù, kẻ nào đó đã bắt cóc những thai phụ, mổ bụng họ, và sắp xếp nội tạng để mua vui cho bản thân. Vì vậy, tin tốt cho chúng tôi là, tất cả phóng viên săn thể loại tin này đều bận rộn. Chỉ còn mình tôi, bị bỏ lại, trơ trọi trên chiếc giường lúc nhỏ.
Sáng thứ Tư, tôi thức dậy trễ, khăn trải giường mướt mồ hôi và chăn thì trùm qua đầu. Giật mình vài lần vì chuông điện thoại, người giúp việc đang hút bụi ngoài cửa phòng, tiếng máy cắt cỏ. Tôi cố ngủ tiếp nhưng ngày vẫn lững lờ trôi qua. Tôi nhắm mắt và tưởng tượng mình đang trở về Chicago, chiếc giường ọp ẹp trong gian phòng đối diện bức tường phía sau của siêu thị. Tôi có một tủ quần áo bằng carton mua ở siêu thị khi dọn về đấy bốn năm trước, một cái bàn nhựa mà tôi thường ngồi ăn với những cái đĩa màu vàng, cong và bộ đồ ăn nhỏ xíu. Tôi đã lo mình chưa tưới cái cây độc nhất, cây dương xỉ màu vàng nhạt tìm được trong thùng rác nhà hàng xóm. Rồi cũng nhớ ra hai tháng trước mình đã vứt cái cây đã chết đó. Tôi cố hình dung những hình ảnh khác trong cuộc sống của mình tại Chicago: gian làm việc ở công ty, người quản lý vẫn chưa hề biết tên tôi, đèn Giáng Sinh màu xanh đục ở siêu thị vẫn chưa được tháo xuống. Một nhóm bạn rải rác ắt hẳn không hề nhận ra tôi đã đi mất.
Tôi ghét ở Wind Gap, nhưng ở nhà cũng chẳng thoải mái gì hơn.
Tôi lôi chai bẹt đựng vodka ấm ra khỏi túi vải thô và trở lại giường. Rồi, nhấp một ngụm. Tôi quan sát xung quanh. Tôi đã mong mẹ sẽ lát lại phòng ngay khi tôi rời nhà, nhưng nó vẫn y như một thập kỷ trước. Tôi hối hận mình từng là một thiếu nữ nghiêm túc đến vậy: không hề có áp phích của ngôi sao nhạc pop hay bộ phim ưa thích, không có cả bộ sưu tập hình ảnh nữ tính hay hoa hòe nào cả. Thay vào đó là bức tranh vẽ những chiếc thuyền buồm, những đồng cỏ màu nhạt, bức chân dung của Eleanor Roosevelt. Cái cuối cùng có vẻ rất lạ, vì tôi biết rất ít về bà, ngoại trừ bà là người tốt, tôi nghĩ trong thời điểm đó như vậy là đủ. Giờ thì tôi thích hình ảnh vợ của Warren Harding nhiều hơn, “Nữ Công tước”, người đã ghi lại những tội lỗi dù là nhỏ nhất vào quyển sổ nhỏ màu đỏ và nghĩ cách tự trả thù sao cho phù hợp. Ngày nay tôi thích những mệnh phụ biết đáp trả.
Tôi uống thêm vodka. Tôi không mong gì hơn ngoài việc được bất tỉnh lần nữa, bị cuốn vào màn đêm và biến mất. Tôi thấy lạnh run. Cảm giác mình bị trương phồng lên với những giọt nước mắt sắp rơi xuống, như một chiếc bong bóng nước sắp vỡ tung. Nó van nài một chiếc đinh ghim. Wind Gap làm tôi phát bệnh. Căn nhà này làm tôi phát bệnh.
Một tiếng gõ rất nhẹ ở cửa, chỉ hơn tiếng khều một chút.
“Vâng?” Tôi giấu ly vodka ở một bên giường.
“Camille? Mẹ đây”.
“Vâng?”
“Mẹ mang cho con ít kem dưỡng da”.
Tôi loạng choạng bước ra cửa, vodka cho tôi lớp mặt nạ cần thiết đầu tiên để đối diện với nơi kiểu cách này trong một ngày đặc biệt. Tôi có thể say túy lúy trong vòng sáu tháng, nhưng ở đây thì chẳng là gì cả. Ngoài cửa là mẹ tôi đang thậm thụt, săm soi như thể đây là phòng triển lãm một đứa bé đã chết.
Đóng cửa lại. Bà cầm một tuýp màu xanh lá cây nhạt.
“Vitamin E. Mẹ đã mua nó sáng nay”.
Mẹ tôi tin tưởng vào tác dụng tạm thời của vitamin E, như thể nó có thể làm tôi mượt mà và hoàn mỹ trở lại. Không tác dụng gì đâu.
“Cám ơn mẹ”.
Mắt bà lướt dọc theo cổ, cánh tay và chân tôi, tất cả đều trần trụi dưới chiếc áo thun độc nhất mặc ngủ. Sau đó quay lại cau mày với tôi. Bà khẽ thở dài và lắc đầu. Rồi bà chỉ đứng đó.
“Đám tang có quá sức với mẹ không?” Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể xoay sở để bắt đầu một cuộc tán gẫu.
“Có chứ. Nó quá giống nhau. Cái quan tài nhỏ đó”.
“Nó cũng khó khăn với con”, tôi rùng mình. “Con hoàn toàn ngạc nhiên sao nó lại khổ sở đến thế. Con nhớ em. Đến giờ vẫn nhớ. Có kỳ quặc không nhỉ?”
“Nếu con không nhớ thì mới kỳ quặc. Nó là em con mà. Nó gần giống nỗi đau mất đi một đứa con vậy. Ngay cả khi con còn quá nhỏ”. Dưới nhà, Alan huýt sáo giục nhưng có vẻ mẹ tôi không nghe thấy. “Mẹ không quan tâm đến lá thư Jeannie Keene đọc”, bà tiếp tục. “Đó là lễ tang, không phải mít tinh chính trị. Và sao tất cả bọn họ đều ăn mặc lôi thôi thế nhỉ?”
“Con nghĩ lá thư hay đấy chứ. Nó cảm động mà”, tôi nói. “Mẹ đã không nói gì trong lễ tang của Marian à?”
“Không, không. Mẹ không thể đứng nổi, nói chi là phát biểu. Mẹ không thể tin là con chẳng còn nhớ gì cả, Camille. Mẹ nghĩ con phải thấy xấu hổ khi quên quá nhiều điều như thế chứ”.
“Con chỉ mới mười ba tuổi khi em ấy chết, mẹ à. Nhớ không, quá nhỏ”. Gần hai mươi năm rồi, phải
không nhỉ?
“Ừ, tốt thôi. Đủ rồi. Hôm nay con muốn làm gì nào? Nếu muốn đi dạo thì hoa hồng đang nở ở công viên Daly đấy”.
“Con phải tạt qua đồn cảnh sát”.
“Đừng nói năng kiểu đó khi con đang ở đây”, bà nạt lại. “Nói là con phải chạy đi đâu đó, hay thăm bạn, ví dụ thế”.
“Con phải chạy đi đây một chút”.
“Tốt thôi. Vui vẻ nhé”.
Bà lướt qua hành lang xa hoa, và tôi nghe tiếng bước chân đi xuống vội vã.
Tôi tắm dưới vòi nước mát lạnh, đèn tắt, ly vodka đặt ngay bên bồn tắm, sau đó tôi mặc quần áo và bước xuống nhà. Căn nhà yên tĩnh, im lặng như cấu trúc hàng thế kỷ của nó có thể chịu đựng được. Tôi nghe tiếng quạt kêu vo vo trong bếp khi đang lấp ló bên ngoài để đảm bảo không có ai ở đây. Rồi tôi lướt vào, nhón một trái táo xanh, và cắn nó khi đi dọc căn nhà. Trời không có mây.
Ngoài hiên, tôi thấy một bé gái. Gương mặt đang chăm chú nhìn căn nhà búp bê to, cao bốn tấc, thời thượng giống hệt căn nhà của mẹ tôi. Mái tóc hoe vàng dài như dòng suối nhỏ chạy dọc xuống lưng cô bé một cách rất trật tự, đối với tôi là thế. Khi nó quay lại, tôi nhận ra mình đã nói chuyện với nó ở bìa rừng, con bé cùng bạn bè cười đùa bên ngoài đám tang của Natalie. Đứa xinh xắn nhất.
“Amma?” tôi hỏi, và nó phá lên cười.
“Đương nhiên. Còn ai khác ngồi chơi dưới hiên nhà Adora với căn nhà búp bê kiểu Adora?”
Con bé mặc một chiếc váy mùa hè rất trẻ con, rất phù hợp với chiếc nón rơm đặt bên cạnh. Trông nó trở về đúng với lứa tuổi của mình - mười ba - kể từ lần đầu tiên tôi gặp. Thật ra thì không. Bây giờ con bé còn trẻ hơn. Bộ quần áo đó thích hợp cho bé gái mười tuổi. Con bé lầm bầm khi thấy tôi dò xét.
“Em mặc nó vì Adora. Khi em ở nhà, em là con búp bê nhỏ của bà”.
“Vậy khi không ở nhà thì sao?”
“Em là cái gì đó khác. Chị là Camille. Chị gái cùng mẹ khác cha. Con gái đầu của Adora, trước Marian. Chị là Quá Khứ, còn em là Tương lai. Chị đã không nhận ra em”.
“Chị xa nhà quá lâu rồi. Adora đã ngưng gửi hình Giáng Sinh từ năm năm trước”.
“Ngừng gửi cho chị, có lẽ thế. Nhà mình vẫn còn chụp những tấm hình ngớ ngẩn đó. Mỗi năm Adora vẫn mua cho em chiếc váy màu xanh lá và đỏ chỉ để dùng trong dịp đó. Và ngay sau khi xong thì em ném nó vào lửa”.
Con bé giật mạnh chiếc ghế để chân cỡ bằng một trái quýt từ phòng trước của căn nhà búp bê, ném nó cho tôi. “Cần bọc vải lại. Adora đổi từ hồng đào sang màu vàng. Bà hứa sẽ dẫn em đến cửa hàng vải để tìm vải bọc cho hợp. Căn nhà búp bê này là sở thích của em”. Từ ngữ từ miệng con bé tuôn ra với vẻ rất tự nhiên, sở thích của em. Những lời nói ngọt ngào và tròn trịa như những viên kẹo bơ đường, chúng thì thầm ý nghĩ của con bé nhưng cách nói chính xác là của mẹ tôi. Con búp bê bé nhỏ của bà, học cách nói chuyện sao cho giống Adora.
“Có vẻ em đã làm rất tốt”, tôi nói và vẫy chào yếu ớt.
“Cám ơn”, con bé nói. Mắt vẫn chăm chú nhìn mô hình phòng tôi trong căn nhà búp bê. Ngón tay nhỏ chọc vào chiếc giường. “Mong chị vui vẻ khi ở đây”, con bé tự nói với căn phòng, như thể đang nói chuyện với một Camille tí hon mà không ai thấy được.
Tôi gặp Cảnh sát trưởng Vickery đang giáng mạnh từng nhát búa vào vết lõm của bảng báo dừng lại ở góc ngã tư Second và Ely, một con phố yên ắng với vài căn nhà nhỏ cách đồn cảnh sát vài dãy phố. Ông dùng búa, và mỗi cú phang thì ông lại nhăn mặt. Lưng áo ông ướt đẫm mồ hôi, đôi kính hai tròng thì tuột gần chóp mũi.
“Tôi không có gì để nói cả, Cô Preaker”. Bang.
“Tôi biết điều dễ gây bức bối, Cảnh sát trưởng Vickery. Tôi cũng chẳng muốn làm nhiệm vụ này. Tôi buộc phải làm vì tôi là người ở đây”.
“Vừa trở về sau nhiều năm, theo những gì tôi nghe được”. Bang.
Tôi không nói gì. Tôi nhìn đám cỏ mọc từ vết nứt trên đường. Cách gọi Cô khiến tôi hơi rợn người. Tôi không biết do mình chưa quen với thái độ lịch sự này hay đây cú đâm chọt về tình trạng chưa lập gia đình. Ở đây, một phụ nữ ở độ tuổi ba mươi, còn tóc và độc thân là một điều kỳ dị.
“Một người đúng mực sẽ bỏ cuộc trước khi viết về những đứa trẻ đã chết”. Bang. “Chủ nghĩa cơ hội, Cô Preaker”.
Bên kia đường, một người đàn ông lớn tuổi nắm chặt thùng sữa và lê từng bước ngắn đến căn nhà bằng ván màu trắng.
“Lúc này tôi thấy mình thật bất lịch sự, ông nói đúng”. Tôi không phiền khi làm Vickery hào hứng thêm một chút. Tôi muốn ông thích tôi, nó không chỉ sẽ giúp công việc của tôi dễ dàng hơn mà tiếng quát tháo của ông còn nhắc tôi đến Curry, người mà tôi đang nhớ đến lúc này. “Nhưng một ít thông tin được công bố sẽ mang đến vài sự chú ý trong trường hợp này, có thể giúp giải quyết nó. Chuyện này đã từng xảy ra rồi”.
“Mẹ kiếp”, ông quẳng cây búa xuống mặt đường và đối mặt với tôi. “Chúng tôi đã xin giúp đỡ. Tên thám tử đặc biệt từ Kansas City xuống đây, đến rồi đi hàng tháng trời. Và hắn ta vẫn chưa tìm được cái quái gì cả. Hắn cho rằng có thể vài kẻ điên khùng tình cờ đi nhờ xe xuống đây, thích khung cảnh nơi này, và ở lại gần một năm. Thị trấn này đâu có lớn đến thế, và tôi đảm bảo là chưa từng thấy ai lạ mặt cả”. Ông lóe mắt nhìn tôi.
“Chúng ta có những cánh rừng khá rộng và rậm rạp”, tôi gợi ý.
“Không có người lạ nào cả và tôi đoán là cô biết điều đó”.
“Tôi sẽ phải nghĩ rằng ông mong vụ án này là do người lạ làm”.
Vickery thở lại, châm một điếu thuốc, đặt tay quanh tấm biển một cách đề phòng. “Mẹ kiếp, đương nhiên là vậy”, ông nói. “Nhưng tôi cũng không đến nỗi quá ngu. Trước đây chưa từng có vụ giết người nào cả, nhưng tôi không phải tên ngốc khốn kiếp”.
Tôi ước gì mình đã không nốc quá nhiều vodka. Suy nghĩ của tôi bắt đầu bốc hơi, tôi không thể hiểu ông đang nói gì, không thể hỏi được một câu ra hồn.
“Ông có nghĩ ai đó ở Wind Gap làm điều này không?”
“Miễn bình luận”.
“Không ghi âm, tại sao có ai đó ở Wind Gap lại muốn sát hại lũ trẻ?”
“Tôi bị gọi một lần khi Ann giết một con chim nhà hàng xóm với một cái que. Con bé tự chuốt nhọn nó bằng một trong những con dao đi săn của cha mình. Natalie, mẹ kiếp, gia đình con bé chuyển đến đây hai năm trước vì nó dùng kéo đâm vào mắt của một trong những đứa bạn cùng lớp ở Philadelphia. Cha con bé đóng cửa một công việc kinh doanh béo bở chỉ để họ có thể bắt đầu lại. Nơi mà ông của anh ta đã lớn lên. Ở một thị trấn nhỏ. Cứ như nơi này không có những rắc rối của riêng nó vậy”.
“Ít nhất là mọi người không biết những mầm mống xấu xa ở đây”.
“Thẳng thắn đấy”.
“Nên ông nghĩ có thể ai đó không thích lũ trẻ? Đặc biệt là mấy đứa bé gái? Có thể bọn chúng đã làm gì hắn? Và đây là một sự trả thù?”
Vickery kéo chóp mũi, gãi râu. Ông nhìn chiếc búa nằm dưới đất, và tôi có thể nói là ông đang phân vân liệu nên nhặt nó lên và phớt lờ tôi hay tiếp tục trò chuyện. Rồi một chiếc xe hơi màu đen vụt qua ngay bên cạnh chúng tôi, cửa sổ bên ghế phụ hạ xuống trước khi xe dừng lại. Gương mặt người tài xế, đóng khung trong cặp kính mát, ló ra nhìn.
“Chào, Bill. Tưởng chúng ta sẽ gặp nhau ở văn phòng ông chứ?”
“Có vài việc phải làm”.
Đó là Kansas City. Anh ta nhìn tôi, hạ cặp mắt kính xuống một cách điệu nghệ. Một lọn tóc nâu lòa xòa phủ xuống mắt. Xanh dương. Anh ta cười với tôi, răng đều như Chiclets.
“Chào”, anh ta liếc qua Vickery, khi đó đang cúi xuống nhặt cây búa, và quay lại nhìn tôi.
“Chào”, tôi nói. Tôi kéo tay áo xuống, cuộn lại trong lòng bàn tay, đứng trên một chân.
“Này, Bill, đi nhờ không? Hay ông thích đi bộ - tôi có thể mua vài ly cà phê và đợi ông ở đó”.
“Đừng uống cà phê. Anh nên để ý một số thứ từ bây giờ. Tôi sẽ có mặt trong mười lăm phút nữa”.
“Thử xem mười phút được không nhé? Chúng ta đang trễ rồi”, Kansas City nhìn tôi lần nữa. “Ông chắc chắn không muốn đi nhờ chứ?”
Vickery không nói gì, chỉ lắc đầu.
“Bạn ông là ai đây, Bill? Tôi nghĩ mình đã gặp hết cư dân Wind Gap chân chính rồi. Hay đây là... cư dân Wind Gap mới”. Anh ta cười toe toét. Tôi đứng im như một học sinh, hy vọng Vickery sẽ giới thiệu tôi.
Bang! Vickery chọn cách không nghe thấy. Ở Chicago thì tôi sẽ bỏ tay ra, tự giới thiệu mình với một nụ cười và thích thú dò xét phản ứng của người đối diện. Ở đây tôi chỉ nhìn Vickery chằm chằm và câm lặng.
“Thôi được rồi, hẹn gặp ở đồn”.
Kính xe kéo lên, chiếc xe lăn đi.
“Đó có phải tay thám tử từ Kansas City không?” Tôi hỏi.
Đáp lại, Vickery châm một điếu khác và bỏ đi. Bên kia đường, người đàn ông già vừa bước tới bậc cuối cùng.