CHƯƠNG 2

    
hrôna trở dậy, rũ mái tóc, và với thói quen như thuở xưa, cô bước theo con đường nhỏ từ rừng đi về phía khu lều của thủ lĩnh Gióc-giơ của bộ lạc sông Đi-ê. Đang trên đường, cô gặp một cậu bé chỉ đóng mỗi cái khố và đen như tượng đồng. Cậu bé đi nhặt củi khô và giương mắt nhìn chòng chọc vào mặt cô. Cô nhã nhặn chào cậu bé bằng ngôn ngữ của vùng sông Đi-ê nhưng cậu bé lại lắc đầu và phá ra cười một cách hỗn xược rồi còn chửi cô nữa, bỏ cả việc kiếm củi. Cô không tài nào hiểu nổi, xưa kia không bao giờ xảy ra một chuyện như thế này. Do đó khi cô gặp một thanh niên Xit-kan có nước da bóng loáng, cô lặng thinh không chào hỏi.
Khi ra khỏi khu rừng, cô đã ở phía trước mặt của khu lều trại. Cô sửng sốt nhận thấy khu lều trại đã đổi thay rất nhiều. Trước kia, nó chỉ vẻn vẹn có hơn 20 chiếc lều tập trung ở giữa cánh đồng cỏ để dựa dẫm vào nhau. Bây giờ nó đã trải dài xuống tận bờ sông nơi có đến chục dãy thuyền dài dỗ xan xát. Không còn là một bộ lạc nữa mà là một cộng đồng người Anh-điêng từ bốn phương tập trung lại, với cả vợ con và chó.
Cô chen chúc trong đám đông, lẫn lộn người Duy-nê với người Răng-ghen, người Stic có cặp mắt hoang dã, với người Chin-cát trông dữ tợn và cả những thổ dân của đảo Nữ Hoàng Sác-lất. Tất cả đều ném về phía cô ánh mắt gườm gườm ác cảm, trừ vài ba gã vui tính ưu ái ban cho cô những nụ cười thân thiện lẫn những lời thô bỉ.
Sự xấc xược của họ không hề làm cho cô sợ mà chí khiến cô giận dữ và làm vẩn đục niềm vui quay về quê hương của cô. Cô thú nhận ngay ra lý do của sự thay đổi ấy: phong tục cổ truyền từ thời cha cô đã chết rồi, nền văn minh như một cơn gió độc bỗng ập đến quất ngã cả một dân tộc giản dị và hoang dã.
Nhìn qua cửa vén lên của một lều vải cô thấy những bộ mặt hung dữ ngồi phệt xuống đất quây thành vòng tròn. Ngay bên cạnh là một đống những chai rượu đã vỡ đủ để tưởng tượng ra sự chơi bời phóng đãng của đêm hôm trước. Một gã da trắng trông ranh mãnh và xảo quyệt đang chia bài, trong lúc đó những con bạc đang đặt ra từng xấp tiền và vàng.
Gần đó là tiếng kêu ro ro của bánh xe quay xổ số. Những người Anh-điêng, cả đàn ông lẫn đàn bà ngây ngô đem cả đồng lương khó nhọc mới kiếm ra được để đổi lấy những đô rởm thưởng cho người trúng số. Từ một vài mái lều nổi lên những điệp khúc choe chóe của loại máy hát rẻ tiền.
Một bà lão ngồi sưởi nắng trước lều, đang tước vỏ một cành dương liễu, bỗng ngẩng đầu và reo lên:
- Hi-Hi! Tè-nat Hi Hi! Bà già tuy móm mém chẳng còn chiếc răng nào nhưng vẫn phát được rõ mấy tiếng ấy.
Nghe mấy tiếng đó, Phrôna chợt giật mình. Tê-nat Hi Hi! Con bé hay cười! Đó là tên cô xưa kia, từ thời xa xưa khi cô sống với những người Anh-điêng! Cô bước lại phía bà lão.
- Vậy là cháu không nhận ra ta nữa ư, Tê-nat Hi Hi! Mắt cháu vẫn sáng và trẻ con như ngày xưa. Nê-pô-da này không quên cháu đâu!
- Bà nói sao! Chính là bà Nê-pô-da ư? Phrôna cũng reo lên, hơi ngập ngừng một chút vì đã bao nhiêu năm cô không nói tiếng của người Anh-điêng.
- ừ, bà là Nê-pô-da đây. Bà lão đáp.
Bà lão dẫn Phrôna vào lều rồi sai một cậu bé nhanh nhẩu đi làm một việc gì đó. Bà lão và Phrôna cùng ngồi xuống đất, bà trìu mến vuốt tay cô, chăm chú ngắm cô qua cặp mắt ướt nhèm và đầy ghèn.
- Thế đấy, Nê-pô-da này đã già trước tuổi như tất cả những phụ nữ ở đây, cháu ạ.
Khi cháu còn bé, ta đã đặt tên cho cháu là Tê-nat Hi Hi! Ta đã bồng bế cháu trong tay để ru cháu ngủ. Khi cháu ốm đau, ta đã cứu chữa cho cháu bằng được với các thứ cỏ thứ lá hái trong rừng để sắc thuốc cho cháu uống. Cháu chẳng thay đổi mấy, ta nhận ra cháu ngay. Chỉ nhìn thấy bóng cháu trên mặt đất là ta ngẩng lên liền. Bây giờ cháu cao lớn rồi, cháu có cái dánh thanh tú như cây sậy, má cháu không rám nắng như khi cháu còn bé nữa, nhưng mái tóc cháu thì vẫn thế, vẫn cái màu như cỏ úa vật vờ bên bờ sông kia, cái miệng của cháu lúc nào cũng tươi và cặp mắt cháu vẫn trong sáng và thẳng thắn như cái thời Nê-pô-da này la mắng những trò dại dột của cháu mỗi khi cháu kể với ta. Ôi, sao bây giờ những người đàn bà đến đây lại không giống như cháu.
- Bà ơi, tại sao bây giờ người ta không còn kính trọng những người đàn bà da trắng nữa hở bà? Có người đã nói với cháu những lời sỉ nhục, khi cháu đi ngang qua rừng, một chú bé còn chửi cả cháu. Ngày xưa, khi cháu chơi đùa với bọn trẻ, chúng có như thế đâu.
- Bây giờ mọi sự đã đổi thay cả rồi. Nhưng cháu đừng có trách và đổ lỗi lên đầu họ. Mà chính là lỗi ở những người đàn bà cùng giống nòi với cháu tới đất này. Họ là những người đàn bà lang chạ, trăm chồng, không còn biết liêm sỉ là gì, với ai họ cũng mồi chài. Ăn nói thì tục tĩu, thô lỗ, tâm địa thì nhỏ nhen, ác độc. Chính vì thế mà ở đây người ta không còn kính nể những người đàn bà dân tộc cháu nữa. Với con trẻ đã đành, vì chúng còn ít tuổi, nhưng còn người lớn, họ sẽ đánh giá thế nào về những người đàn bà ấy?
Cửa lều lại vén lên rồi một ông già bước vào. Ông già lầu bầu chào Phrôna rồi ngồi xuống. Chỉ mỗi vẻ ân cần của ông già, đủ chứng tỏ ông vui mừng vì sự có mặt của cô gái:
- Thế là cháu đã trở về vào giữa những ngày đau khổ này, Tê-nat Hi Hi. Ông già thều thào nói.
- Bác Mút Kim, sao bác gọi là những ngày đau khổ. Phrôna hỏi. Phải chăng là vì phụ nữ không mặc những bộ đồ màu sắc tươi vui hơn? Phải chăng vì đàn ông không mang về bột mì và mỡ hun để cho vợ con họ được no đủ hơn? Phải chăng vì những người trẻ không kiếm được nhiều tiền đến mức phải chở bằng xe, bằng thuyền, nữa? Phải chăng bây giờ người ta không cúng biếu thịt, cá, chăn màn như xưa nữa? Có phải không, bác Mút Kim? Sao bác lại gọi là những ngày đen tối.
- Cháu nói phải. Ông già nghiêm nghị xác nhận, ánh mắt phần nào lại trở nên long lanh như thưở xưa. phụ nữ có bận đồ màu sắc tươi vui đấy, nhưng chỉ để vừa mắt những người da trắng và coi khinh những đàn ông cùng giống nòi; bộ lạc này sắp tàn lụi, trẻ con không còn nô đùa vui vẻ dưới những mái lều nữa. Cái bụng có no hơn nhờ đồ ăn của người da trắng nhưng lại bị thứ rượu uyt-ki tai hại kia đầu độc. Bọn thanh niên tuy có được trả lương hậu hĩnh nhưng lại bài bạc thâu đêm suốt sáng để lột lẫn nhau, khi cay cú thì cãi lộn chửi bới, thậm chí đấm đá đâm chém đến đổ máu. Còn lão già Mút Kim này thì họ chểnh mảng, thịt, cá, chăn màn cúng biếu ngày càng thưa, vì phụ nữ bỏ cả những phong tục truyền thống, còn bọn trẻ thì không tôn thờ những thần tượng và tổ tiên nữa. Bác nhắc lại để cháu biết, Tê-nat Hi Hi, bây giờ là những ngày đau khổ và lão già Mút Kim này lòng nặng trĩu những đau buồn mà bước xuống mồ.
- Đúng thế đấy! Bà lão Nê-pô-da than thở.
- Sự tham lam cuồng điên của dẩn tộc cháu đã làm cho dân tộc bác điên loạn theo. Ông già Mút Kim nói tiếp - những người của cháu tới đây người người lớp lớp như những đợt sóng biển, rồi lại biến mất ở phía xa kia... À! Ai mà biết được họ đi đâu!
- Họ đi tới đâu không biết? Bà lão Nê-pô-da vừa lắc đầu vừa lảm nhảm buồn bã.
- Họ đi về nơi lạnh giá và băng tuyết, họ đi rồi thì lại có luôn những người khác đến thế chân họ. Mỗi đợt lại đem đến đầy những người mới.
- Phải, họ đi về nơi lạnh giá và băng tuyết!
Xa, rất xa, nơi triền miên là đêm tối, (Bà lão rùng mình và bỗng đặt bàn tay lên cánh tay của Phrôna). Cả cháu nữa, cháu cũng đi tới đó phải không?
Phrôna gật đầu thừa nhận.
- Tê-nat Hi-Hi cũng lại lao vào nơi băng giá!
Hai mép cửa lều lại vén lên rồi thấy Mat Măc Các-Ty thò đầu nhìn vào bên trong.
- Phrôna, cháu ở đây à? Bữa ăn sáng đợi cháu đã nửa giờ rồi, chú Ăng-đi đang cuống quít tìm cháu và càu nhàu như một bà già đấy. Chào bác Nê-pô-da và già Mút Kim. Anh chào hỏi họ. Tôi biết hai bác chẳng còn nhớ tôi nữa.
Đôi vợ chồng già lầu bầu đáp lại lời chào rồi yên lặng.
- Nào, mau lên Phrôna. Tàu của bác khởi hành trưa nay; bác chẳng còn mấy thời gian với cháu đâu. Vả lại, bữa ăn đang nguội lạnh và Ăng -đy đang giận sôi lên đấy.