CHƯƠNG 10

    
hưng tối hôm sau, khi một tay anh dắt bé Niên Thảo, tay kia xách một túi to đựng những đường sữa, khăn len, áo ấm và cả 500 ngàn đồng ra đến nơi, ra đến cái khoảng tối hôi mùi chuột và mùi cống rãnh ấy thì đôi vợ chồng gã nhai mía đã không còn ở đấy nữa. Cô cậu ấy không biết đi đâu - Chị hàng nước nói - Nhưng chắc chỉ dăm bữa lại trở về thôi” Anh phân vân một lát rồi bảo: “Nhờ chị nếu cậu ấy trở về, chị làm ơn đưa hộ tôi cái túi đồ này. Cứ nói là người cùng trung đoàn cũ gửi. Và nếu có thể được, chị nói thêm cậu ấy có thể đưa vợ con vào chỗ tôi ở tạm một thời gian rồi tính sau. Nhà chật nhưng khéo thu xếp cũng có thể ở được năm người. Con bé nhà tôi có đông người, có em bé để bế có khi nó lại vui ra kia đấy. Đúng không con?” Được bố hỏi, bé Niên Thảo gật đầu liền và nó quay sang bà hàng nước với đôi mắt thăm thẳm như muốn nói: “Bố cháu nói đúng đấy ạ! Bác cứ bảo em bé đến ở với cháu”.
 Một tuần sau, chị hàng nước tìm đến tận phòng anh, trả lại túi đồ và lắc đầu nói “Tối qua cậu ấy về nhoáng một cái rồi đi ngay. Nghe nói đi làm ăn đâu xa lắm. Tôi đưa túi quà và nói lại tất cả những lời cậu dặn, cậu ấy cúi đầu ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Bác cho em cám ơn người ấy nhưng không thể nhận bọc quà này được vì vợ chồng em vẫn chưa đến nỗi. Khi nào kiệt đường, em sẽ xin được đến quấy quả sau” “Nhưng còn cái chuyện...” “Chuyện dọn đến tạm chứ gì? Tôi đâu có quên nhưng cậu ấy cũng lắc đầu, lại còn bảo: “Chỉ có chỗ của mình, dù là chỗ đất cát thì mới thanh thản mà ở được.” Nghe xong, Nam hừm một cái trong cổ, không nói gì. Cứ ương gần như vậy rồi chẳng biết cuộc đời của nó sẽ trôi đến đâu? Anh nghĩ trở lại cái suy nghĩ cách đây nửa năm mà tưởng rằng đã hoàn toàn quên đi...
 Chỉ có điều mà cả anh cả chị hàng nước đều không biết được là sự xuất hiện vừa bất ngờ vừa không bất ngờ của Dũng, cái anh chàng tướng cướp mang tiền án đang xây nhà cho bố mẹ đó đã làm dòng đời của gã xoay chuyển ít nhiều sang hướng khác.
 Dũng đến đúng vào lúc gã lại đang đánh vợ. Gã đánh kiểu gì lạ lắm! Đánh lặng lẽ, đánh không phát ra tiếng động, đánh toàn vào những phần cong vênh thừa thãi trên thân thể người đàn bà, và người đàn bà cũng chịu đòn lặng lẽ, âm thầm quằn quại, âm thầm ưỡn người lên lại lật người xuống. Hai vợ chồng tạo nên một đoạn phim câm trong đêm tối. Chỉ đến khi đứa con bọc vải nằm trong chân tường, cạnh một bãi nước đái chó khai nồng ư ử khóc lên thì những thước phim bạo lực kia mới tạm được dừng lại. Mà tiếng khóc của đứa trẻ được nuôi dưỡng trong nhà, hơi một tí đã ngoạc mồm ra chói lói. ở đây nó chỉ khóc vừa phải, khóc để cho mọi người biết rằng nó đang khóc, khóc âm ỉ, khóc nghẹn tức vào trong, khóc như nấc. Sống nơi đầu đường, chả lẽ bằng bản năng cảm nhận, cái sinh vật bé bỏng ấy cũng đã biết kìm tiếng khóc của mình cho đúng với tính chất hẩm hiu xó chợ ấy hay sao?
 Không biết. Chỉ hay, chợt nghe con khóc, gã vội quẳng đẫn mía đang được nện bí bụp vào người đàn bà xuống chiếu rồi chạy tới bế thốc ngay lấy cái bọc vải nhàu nát ấy lên. Tiếng hắng cũng nát nhàu:
 - Tôi truyền đời cho cô biết, cô muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi nhưng phải về trước mười giờ để cho thằng bé nó bú, nghe rõ chửa?
 - Nhưng em... tại tàu Vinh hôm nay ra chậm chứ em có muốn đâu.
 - Im cái mồm! Không có tàu thì biến, lang thang như con ăn mày ăn nhặt ở đó làm gì? Cô vợ gần như rũ người xuống đất, tiếng nói cất lên ai oán nhưng rành rọt:
 - Trời ơi! Thì cũng đang ăn mày ăn nhặt đấy chứ sung sướng nỗi gì mà anh còn nỡ nặng lời? Sao anh không bỏ quách mẹ con tôi đi cho đỡ khổ cả ba không?
 Gã hơi sững lại. Có lẽ cái phản ứng bất thần làn đầu tiên gã đón nhận này khiến thằng chồng cứ trố mắt ra nhìn vợ. Con vợ cũng trân trân nhìn lại chẳng tỏ ra một chút dấu hiệu sợ hãi gì. Gã cười khoạc một tiếng, cái cười chẳng chứa đựng nội dung nhưng cũng làm cho khuôn mặt hiền lành trở lại, hiền lành đến ngô nghê:
 - Lại còn nỏ mồm. Vào cho nó bú đây! Đồ con mẹ... thối thây.
 Hai tiếng thối thây gã nói vuốt đi như rõ ràng là lần này gã không định nói câu đó nhưng theo thói quen trấn áp lại không thể không nói. Đứng bên này, Dũng phì cười. Thằng cha này quát vợ mới độc địa chưa, quát đấy nhưng cũng chỉ quát vừa đủ cho hai vợ chồng nghe và tối nào cũng ra chiêu tung chưởng đấy nhưng cũng chỉ tung vừa đủ để sáng ra, mặt mũi con vợ không in một dấu vết gì. Giỏi thật! Nện cho đến nơi đến chốn nhưng vẫn có ý thức bảo toàn danh dự và nhan sắc cho nạn nhân, những câu chửi đến táng tận nhưng vẫn giữ cho sao đây chỉ là chuyện trong nhà thì quá giỏi đi chứ còn gì nữa. Dũng bật cười một tiếng nửa hàm ý thán phục, quầng mạnh lon bia rỗng ra mặt hè, đứng dậy trả tiền rồi chầm chậm đi sang bên kia đường.
 So với mấy lần trước Dũng vô tình nhìn thấy thì giờ đây, chỗ ăn ở của cái gia đình này đã có phần tươm hơn. Một tấm ni lông Trung Quốc sứt sẹo được chăng ngang đầu, nối giữa gờ tường và hai thân cây sấu; thỉnh thoảng nó lại căng phồng lên mỗi khi có một làn gió thổi qua. Dưới đất là một tẩm chiếu đôi không rõ là màu gì được trải trên một chỗ khá khô ráo và điều quan trọng hơn là đã có một cánh màn màu bộ đội đang buông chùng tuy chỉ thoáng nhìn cũng thấy thủng tứ tung... Tất nhiên tất cả những thứ này chỉ được xuất hiện trong đêm, sáng ra nó lại biến mất đi đâu không biết?
 - Cái gì om sòm vậy chú mày? - Dũng hỏi bằng cái giọng kẻ cả và quẳng ra trước mặt gã gói thuốc có in ba con số 5 cũng với cách thức kẻ cả không kém - Cái gì mà vợ chồng xử với nhau nghe có vẻ nhọc nhằn quá thể vậy?
 Từ trong bóng tối, gã giương hai con mắt đựng đèn đường đỏ quạch như mắt thú lừ lừ nhìn vào mặt người hỏi một lúc lâu rồi mới nhấm nhẳn:
 - Làm gì kệ cha tôi. Việc đếch gì đến ông!
 - Việc chứ - Khác với vẻ lạnh lẽo khinh đời và kiểu ăn nói hóc hiểm hàng ngày, Dũng nở một miệng cười rất tươi - Chú làm anh nhớ lại một thời khổ sở của anh, sao lại không việc? Buồn cười!
 - Ông muốn gì?
 Giọng nói của Lãm đã trở nên thực sự căng thẳng, nó chứng tỏ con người trông bạc nhược này không mấy thích thú khi một ai đó bỗng dưng giở giọng trịch thượng cha chú ra với mình.
 Dũng tru miệng huýt một hơi sáo dài như còi cứu hỏa rồi ngồi gần lại đối tượng:
 - Đừng quá chú ý đến bộ quân phục dạ len trên người tớ. Giới thiệu nhé: Dũng, Đặng Tẩn Dũng, chín năm tù giam vì tội hành hung trấn cướp trên suốt đoạn đường sắt Hà Nội - Lào Cai mới mãn hạn về, nay đang tập làm lại một thằng lương thiện. Nói thêm: vốn đã từng có ba tháng là lính tiền tiêu thuộc cao điểm 45 Xí Mần, rồi sau đó là bùng vì đếch chịu được đói, yên tâm chưa?
 Lãm không nói gì, vẫn chỉ nhìn, Dũng nhìn lại. Một nhếch nhác, một đỏm dáng, một chừng trên ba mươi, một mới có khoảng hai mươi lăm tuổi, một đã thực hiện trót lọt thời hạn nghĩa vụ quân sự, một lại dở dang nhưng lại chung nhau một mẫu số của những bữa cơm đại đội, những đêm gác lạnh tê người, những khát khao vô cùng lặt vặt và những bóng núi bóng rừng ăn sâu vào mắt nên chỉ cần nhìn thôi cũng đã đủ nói nhiều hơn mọi câu nói dài dòng. Lãm ngập ngừng đưa bàn tay nhơm nhớp nước mía của mình ra nám lấy bàn tay to khỏe của người bạn lớn tuổi đang phóng khoáng chìa sẵn ra trước mặt.
 - Được đấy! Bàn tay cậu được đấy - Dũng cười khà khà - Cái cách nhìn cũng không đến nỗi, hơi láo một tí nhưng cũng đàn ông lắm, có vẻ chịu chơi, vậy mà... ai lại đi đánh đập đàn bà vậy, nó phí đi, dù cho cái cách đánh đập của chú cũng tỏ ra rất đàn ông. Mình khoái đấy. Khà khà...
 Lãm cũng cười. Có lẽ lâu lắm rồi người ta mới thấy cái miệng phồn thực luôn mím chặt kia nó cười. Hóa ra cười lại khá lành hiền, thậm chí còn hơi phần ngô ngọng, yếu mềm nữa.
 - Tốt rồi chú em ạ! - Dũng vỗ vai người bạn mới đến bụp một cái - Sống như con chó mà cười được như vậy là thoát rồi. Gần chục năm ở tù, nói thật, nếu tôi mà không biết cách cười to lên được vài lần một ngày thì chắc đã lấy cật nứa thiến dái mà chết đi cho rồi. Hút thuốc đi!
 Tính cách khuất phục tính cách. Có lẽ cái tính cách mạnh mẽ phong trần pha một chút dạn dĩ, ngạo đời kia đã phần nào làm giảm nhẹ đi được cái mặc cảm tự ti nhưng lại làm ra vẻ tự tôn lúc nào cũng muốn tràn ra tận kẽ răng của gã trai. Gã cúi xuống rút một điếu thuốc đưa lên mũi hít hít một lúc rồi mới cám vào miệng.
 - Cầm luôn lấy mà hút - Dũng khoát tay.
 - Một điếu thôi. Nhẹ lắm!
 - Này, hỏi nhé: sao chú mày nhai mía dữ thế?
 - Quen. Không nhai, biết làm gì?
 - Nhìn chú là biết ngay dân đi lính trở về. Vùng nào?
 - Vị Xuyên.
 - Tao cũng đã từng ở VỊ Xuyên. Khổ kinh người! Nhưng được cái bọn đàn bà con gái ở đó... ngon. Khi gió heo may về, đứa nào đứa ấy chín mọng như quả táo, có thể nhai rau ráu được cả xương lẫn thịt. Mà có khi con vợ của chú cũng người vùng ấy thì phải. Chỉ cần nom cái miệng cười, cái mắt nhìn là biết. Cấm có giấu được cái vẻ sơn cước phong tình.
 - Cô ấy người dưới thị xã - Gã nói và khẽ nhìn nhanh sang vợ lúc đó đang ru con ời ợi ở chân tường.
 - Nói đùa, bây giờ ngồi nghĩ lại, tao vẫn thấy những ngày nằm quắp lấy nhau trong hầm bê tông nghe gió rít lộng óc trên đầu là những ngày khoái nhất. Vô tư, nghịch như quỷ, tất cả tham vọng chỉ gói lại mỗi chuyện là làm cách nào sáng mai tọng cho đầy cái dạ dầy và chớ để dính mảnh pháo, thế thôi, chứ bây giờ nảy nòi ra nhiều cái ham muốn quá, hèn mẹ nó người đi. Nhỉ?
 - Anh đã bi dính đạn cú nào chưa?
 - Chưa, nên sau này mới dính... pháp luật. Tiên sư nó, cũng là tức khí mấy cái đứa ngồi chơi xơi nước ở dưới chợ, hút máu hút mủ của thiên hạ đến béo trương béo nứt mà lại còn giở thói khinh lính, thế là tao nổ, nổ dóng giả từng viên một như nổ đội hình bọn mát híp. Tất nhiên là nổ dọa thôi nhưng như thế cũng đủ để tao phải ra tòa án binh. Nhận cái án cải tạo ba năm, buồn thấy mẹ, thế là tao phán, phán một hơi và trở thành tên cướp đường... Nghĩ cũng dại, hì!...
 - Chả dại. Nếu là tay tôi, bỏ cái sau lấy cái trước, tôi cũng nổ chết mẹ chúng nó. Ai khổ sở chết chóc trên ấy cho chúng nó phè phỡn?
 - Được! Khẩu khí chú tôi nghe được. Chỉ thằng nào đã đi qua gian khổ, dù chỉ một ngày, mới có được cái khẩu khí đó. Tôi quý chú. Nhưng thôi, tôi đến đây không phải đôi hồi chuyện đời lính, chuyện ấy nói cả ngày không quánh nước bọt, vả lại nó cũng cũ rồi, khuya rồi, động đến nữa người ta lại cho mình là thằng rồ. Chú thấy tôi nói có đúng không?
 - Đúng! - Lãm gật đầu và không quên rút thêm điếu thuốc nữa, mồi lửa quăng về sau cho cô vợ đang cười mỉm lắng nghe câu chuyện của hai người.
 - Đúng cái mốc xì! Đúng thế mới khốn nạn. Nhưng thôi, nghe này: thấy hoàn cảnh chú, tôi thực sự ái ngại. Thằng đàn ông sống kiểu gì cũng không xong nhưng còn cô ấy và đứa bé, nhất là đứa bé, như vậy không ổn. Đúng ra không ổn cũng kệ cha chú, cuộc sống này đã dạy cho tôi biết chẳng rỗi hơi đi dính vào chuyện thiên hạ, rách việc nhưng... chú lại là lính. Mà thằng lính thì... biết nói thế nào nhi? Cũng đếch cần nói gì hết, theo tôi, ngay sáng mai chú cho gửi vợ con về đâu đó, nội hay ngoại, tùy, còn riêng chú thì bắt đầu xắn tay lên mà làm ăn.
 - Làm ăn... Làm lại cuộc đời - Giọng gã trai lại trở về cái vẻ lừng khừng - Bố khỉ? Lại giống như cái giọng của thằng cha phó chính trị đại đội. Làm ăn? Làm ăn cái gì?
 - Chính trị nào ở đây, hở? - Cặp mắt xếch của Dũng quắc lên đầy vẻ trấn áp như cái dấu vết không thể xóa được của một thời ngang dọc - Tao mà lại đi nói chính trị với mày à? Thằng dở người! Tao nói cái cụ thể. Vợ chồng mày muốn sống được phải có nghề, mà thời thế này muốn có nghề phải có đạn. Tao dám chắc rằng trong bụng mày có thụt hết cứt ra thì cũng đéo có một mẩu đạn nào đủ cho một vại bia, đúng không?
 - Vậy thì sao nào? - vẻ mặt gã cũng rắn cân lên.
 - Thì hèn. Mà thằng đàn ông, cái hèn là cái khốn nạn nhất.
 - Tôi đang khốn nạn đây.
 - Thế thì phải đi kiếm đạn. Kiếm bằng mọi cách.
 - Kể cả cái cách của ông anh ngày trước? - Gã cười nhẹ trong cuống mũi.
 Thay vì phải tóm ngay lấy ngực gã, Dũng lại chợt phá lên cười:
 - Nói chuyện với thằng này chỉ muốn đánh. Đời lính dạy mày được cái lối ăn nói xỏ lá ba que ấy hả?
 - Này! - Gã trai đứng dậy, giọng gằn xuống - ông có thể làm ơn không nhắc đến cái đời lính ấy một tí được không?
 - Hở? - Dũng bất giác hơi lùi lại - Thằng này điên cha nó rồi... Thôi được, không nhắc nữa. Ngồi xuống đi! Và vành tai ra mà nghe: tao hiện có một thằng bạn tri âm hồi ở trong tù, lúc này nó đang là bưởng trưởng đào dá dở ở Quy Châu, tao thì không đi được rồi nhưng tao có thể giới thiệu mày với nó. Thằng này độc địa nhưng nói chung cũng đàng hoàng.
 Cô vợ bế con xáp đến gần từ lúc nào, buột miệng hỏi:
 - Quỳ Châu hả anh? Nghe nói chỗ ấy ngày nào cũng có người chết, hơn nữa, muốn vào được bưởng ít nhất phải nộp góp 3 chỉ, mà nhà em thì...
 - Về chỗ! - Gã trai quay lại trừng mắt - Đây không phải là việc đàn bà nói leo - Gã nhìn trở lại Dũng - Anh nói tiếp đi!
 Đang nghiêm giọng, Dũng cũng phải bật cười:
 - Cái thằng này, gốc gác ở đâu mà gia trưởng kinh. Nhưng mà vợ mày nói đúng đấy. Phải có vốn. Lúc này làm bất cứ cái gì cũng phải có đồng vốn. Vốn ấy tao sẽ cho vay. Trả được thì trả, không trả được thì tao cho nợ dài hạn không cần lấy lãi. Nếu làm ăn trúng vỉa, chỉ vài tháng là chú mày sẽ có gấp mười, gấp một trăm cái số vốn này. Và nếu có không trúng thì chí ít cũng kiếm được đồng ra đồng vào. Căn phố đây nó sẽ còn buôn bán, tao tiên liệu tới đây nó sẽ còn buôn bán xịn hơn Hàng Ngang, Hàng Đào, hầu bao căng rồi thì chỉ việc ngồi ngắm đít đàn bà cũng có cách sống.
 - Anh nói thật lòng?
 - Khỉ! Bỏ không gói thuốc làm quen lại để nói dối chú mày à? Hơn thế, nhìn bộ dạng, tao biết chỉ có chú mày mới có thể theo được cái nghiệp dữ dần này. Nghe thủng chưa? Hay lại sợ người đời giăng bẫy? Hết tin rồi à?
 - Hết.
 - Vậy thì còn chờ gì nữa mà không đâm đầu vào đường tàu chết đi.
 - Cũng sắp.
 - Bỏ cái giọng chó ăn vã mắm ấy đi! Chuyện nghiêm túc. Vợ chồng bàn tính kĩ với nhau đi. Tao đang ở cái nhà ba tàng xây dở kia, có gì chỉ cần đến ới một tiếng. Đừng thắc mắc vô cớ sao tao không hỏi một câu về gia cảnh của vợ chồng mày, cái gì đẩy vợ chồng mày vào nông nỗi này? Bởi vì những năm vật vã kiếm sống, tao đã rút ra một điều: tốt nhất là không nên hỏi, không nên tìm hiểu kĩ về bất cứ chuyện gì cả. Không khoái tìm, thế thôi. Chào!
 Dũng giơ tay ngang mày chào theo kiểu nhà binh rồi khoan thai bước qua bên kia đường. Bước đi của những người có của cũng khác, đầu ngẩng cao, ngực ưỡn thẳng, bước nào ra bước ấy, hai tay đút túi quần. Lãm nhìn theo một chút với suy nghĩ tự nhen lên như thế rồi gã cúi đầu nhìn xuống mặt hè, nhìn rất lâu, như người đang luyện tập loga, như người ngủ gật, như cái ụ đất không lay động, đến nỗi con chó lông xám ức trắng của gã không hiểu gì, cứ chạy xung quanh chủ mà khụt khịt nhặng lên.
 - Sáng mai cô bế con ngược tàu về ông ngoại sống tạm cái đã. Cứ ở nguyên đấy, có gì tôi sẽ lên đón sau.