CHƯƠNG 13

     ăm nay thu về có chiều sớm hơn mọi năm. Mới chiều qua còn héo hắt đến cả cây cành mà sáng nay, chỉ cần một làn gió se lạnh thổi tới là những lá sấu vàng đã vội vã rùng mình bứt cuống trôi lãng đãng qua khung cửa sổ.
 Ngồi nghiêng trên giường với bé Niên Thảo đầu đang hâm hấp nóng, Loan khẽ liếc bóng người anh rể qua tấm gương ở góc nhà. Anh ấy vẫn thế, vẫn như ngày nào chị Thảo lần đầu dẫn đến giới thiệu với cha mẹ, lực lưỡng, tráng kiện, cằm vuông, trán rộng, tóc để tự nhiên, gần bốn chục tuổi rồi mà cái nhìn ấy vẫn hồn nhiên, trong trẻo làm sao! Giá như, Loan nghĩ anh ấy chịu khó để một hàng râu đen nhức trên mép nữa thì... Mà chị Thảo cũng buồn cười thật cơ! Cấm có góp ý chồng một câu về cái ăn cái mặc bao giờ, để đến lúc này nhìn anh ấy vẫn đầy chất lính tráng thô mộc như cái ngày mới ở trong rừng ra.
 - Thấm thoát đã được hơn một năm rồi đấy anh nhỉ?
 - Mười ba tháng sáu ngày.
 - Anh khắc lên tường à?
 - Nhớ giúp bé Niên Thảo - Nam cười nhẹ - Không ngày nào nó không nhắc đến mẹ, nhất là vào những trận ốm đau như thế này. Mà khổ quá cơ, ngày trước mẹ nó có nhà nó hay lăn ra ốm như thế này đâu! Hay là tại anh không biết cách chăm trẻ con?
 - Vì anh cũng chỉ là một đứa trẻ con to xác.
 Loan buông cháu ngồi dậy, nhìn thẳng vào anh nhưng lại không nhìn vào một cái gì cụ thể cả. Không hiểu sao, cô có thể lấn lướt, trêu trọc tất cả mọi người, từ đàn ông đến đàn bà, từ ông to đến ông nhỏ nhưng riêng đối với anh, cô lại không làm nổi điều đó. Anh tốt như một ông Phật, trong trắng như một đứa trẻ và bao dung như một bà mẹ, cô không nỡ mặc dù không ít lần cô đã biết thế nào là sự nổi nóng ghê gớm của anh. Giống như chị... tự nhiên cô nhẹ cười, theo thuyết phân tâm, người ta hay bảo rằng chị em gái thường chung nhau một cái gien bí hiểm, một khi người chị ghét ai yêu ai thì cô em cũng thường lặp lại theo mà không tự biết. Chị Thảo rất yêu anh ấy, vậy chả lẽ mình cũng...
 - Cô cười cái gì thế? - Nam vừa chắt nước lá nhọ vào nồi vào bát cho con vừa ngơ ngác hỏi.
 Cô bật cười một tiếng nữa rồi nín lặng:
 - Anh yên tâm đi! Bằng từng này thời gian nữa là bà chị em sẽ trở về để giải thoát cho ông anh khỏi những việc làm lọ mọ của đàn bà như thế kia.
 Thực ra cô muốn nói, chỉ ít ngày nữa là cái thân thể tràn lực của ông anh sẽ được bà chị tôi làm cho dịu mềm trở lại. Tràn lực... đúng vậy. Với cái vóc dáng rừng rực như thế mà phải xa phụ nữ tới ba năm, xa nhưng không có ý niệm về một người phụ nữ khác thay thế thì của đáng tội cũng... phí thật! Nghĩ đến đó, mặt cô tự dưng bỗng đỏ rần lên, phải vội nhìn xuống đứa cháu đang rên khe khẽ.
 - Anh ra ngồi với cháu để em làm nốt cho. Ai đời chát nước lá mà chân tay cứ nổi cuồn cuộn lên như vặn xương bò.
 - Anh cũng xong rồi đây. Nói đùa, trông con lắm chuyện thật đấy, còn lằng nhằng lùng nhùng hơn đánh giặc.
 - Chuyện! Thế mới rõ phụ nữ cần cho cách anh như thế nào chứ không thế, đàn ông cử tưởng mình chúa lắm - Cô lại cúi xuống - ừ thôi mà! Dì biết cháu dì đang mệt lắm rồi. ừ, để mẹ cháu về dì đánh cho mẹ cháu một trận nhé? Ai lại bỏ cháu tôi ngoan thế này, xinh thế này, tội nghiệp thế này mà đi lâu thế. Mẹ cháu hư quá nhỉ? Nào, nghe dì trở dậy, dì cháu mình cùng ăn một tí gì đi chứ nhỉ? Cháu không chịu ăn, bố cháu buồn lắm đấy mà dì cũng chẳng sang đây với cháu nữa đâu. Nào...
 Nam bỗng thấy sống mũi mình nóng ran. Nếu không có Loan ở đây, chắc anh cứ để kệ cho nước mắt mình rịn ra... Đã hơn một năm rồi mà con bé vẫn ngấn ngơ như những ngày đầu mẹ nó mới đi xa. Anh thương con quá! Buổi sáng trở dậy, hai bố con bần thần không biết làm gì trong cái ánh sáng trời nhập nhoạng. Vào bữa cơm, cả hai cùng gượng gạo và mấy miếng cho xong để rồi lại tiếp nối một buổi tối dày đặc lạnh lẽo. Cứ thế, con bé có cao lên nhưng gầy đi, ít nói, học hành sút xuống và tệ hại hơn là thường xuyên đau ốm. Xa mẹ, nó như một con chim bị cớm nắng, vẫn ăn uống, vẫn đi lại, vẫn chuyện trò nọ kia đấy nhưng trong mọi việc, trông nó cứ vất vưởng thế nào? Cũng may mà còn có ông bà ngoại gần đấy, có dì Loan không ngày nào không tạt vào thăm cháu một tí. Khi tạt vào, cô thường mua theo thức ăn rau cá cho hai bố con luôn, vì quá rõ ông anh rể rất vụng đường mua bán. Khi nào cháu mệt mà nó lại thường xuyên bị mệt, cô ấy ở lâu hơn, làm phận sự chăm sóc nấu nướng cho cả nhà luôn. Còn con bé, nó cũng ít khi nào xa rời được dì nó. Mỗi lần dì nó tới hay dẫn nó đi chơi đâu, con mắt buồn tênh của nó lại ấm sáng lên một chút. Nó tìm thấy hơi mẹ trong hình dáng và thân xác của dì. Những ngày đầu, thấy ở nhà với bố buồn quá, nó thường sang bên ngoại đến bữa ăn mới về, cũng có khi ông bà giữ lại ăn luôn bên đó. Nhà đã vắng lại càng vắng. Biết được tình cảm không nói ra của bố, gần đây nó quanh quẩn với bố nhiều hơn. Có lần anh đi làm về muộn, nó còn tự động đi rửa nồi, vo gạo nấu cơm trước nữa. Khổ! Mới chưa đầy tám tuổi, đã biết thế nào là cơm với canh nên hạt gạo còn sống nhăn. Và miếng cơm vào miệng, hai bố con nhìn nhau cười nhưng nước mắt lại chảy ra. Rồi những đêm gió mạnh hoặc buổi chiều ở ngoài đường có đám đánh nhau hay vụ chẹt xe chết người là y như rằng đêm hôm đó nó không dám đi ngủ trước. Nó cứ tha thẩn đi ra đi vào để chờ bố nhưng công việc của anh lại không cho phép anh được đi nằm trước 11 giờ. Thành thử có bận anh giả vờ vào nằm với con rồi chờ khi nó thở đều lại rón rén trở dậy ngồi vào bàn. Ngồi được một lúc, lại thấy cái gì ấm ấm sau gáy, giật mình quay lại, anh đã lại thấy con đứng lũn cũn sau ghế từ lúc nào rồi. Vừa đứng vừa ngủ... ôi chao! Những lúc như thế, anh chỉ muốn chạy ngay ra bưu điện đánh đi mấy chữ gọi vợ về, về ngay, bỏ tất cả mà về, làm tình làm tội trẻ nhỏ như vậy là đủ rồi. Trong thâm tâm, anh sợ hãi khi chợt nghĩ rằng, biết đâu khi mẹ nó trở về được thì đứa con bé bỏng duy nhất của hai người đã mắc căn bệnh tràm uất không chữa được nữa!...
 Nhìn lên thoáng thấy trong mắt người anh rể có nước, Loan bỗng nôn nao cả người... Gần đây, cô đã nhiều lần nhìn thấy anh trong trạng thái này và lần này cũng thế, cô rất muốn được đến cạnh anh, an ủi anh, thậm chí vỗ về, vuốt ve anh. Hơn thế... Có đêm không ngủ được, cô đã sởn da gà khắp mình với ý nghĩ nóng bức ấy, hơn thế, nếu cần cô sẽ tự nguyện thay chị để... làm cả những “việc kia”. Có sao đâu? Cô sẽ cho đi trọn vẹn, cho đi thật lòng và khi chị về, cô sẽ trao lại anh ấy, hồng hào và nguyên dạng. Còn cô, cô sẽ đi lấy chồng ngay sau đó và mang cái điều thầm kín kia cùng với cô xuống mồ. Có sao đâu? Anh ấy đáng được hưởng như thế miễn là những ngày này anh có thêm niềm vui, hơi sức để đợi chờ. Riêng ở cô, lục vẩn tâm can, nhiều lúc cô đã tự hỏi, mình có thương có yêu anh thật không thì chưa rõ nhưng cô thật lòng muốn lấp đầy im lặng, lấp đày cái khoảng trống hoác giá lạnh do chị ấy để lại trong căn nhà thân yêu này. Và ngoài ra, là một người đàn bà mạnh mẽ và giàu tình cảm mặc dầu chưa một làn đụng chạm theo ý nghĩ tận cùng với đàn ông, cô mơ hồ nhận thấy rằng, để cho một người đàn ông tràn trề sinh lực dường kia mà phải đêm đêm nằm một mình trong sự héo hon chờ đợi thì... xúc phạm đến tạo hóa, đến thế giới đàn bà quá! Bỗng dưng cô thấy ghen tị với chị. Các bà ấy may mắn thật! Cái lớp đàn ông có lý một chút, lớp đàn ông nằm giữa sự lãng mạn ảm đạm và sự hào nhoáng thì trường như anh Bình nói, lớp đàn ông có thể gởi gắm yêu đương cẩn thận một chút thì lại thuộc về cái lớp trước cả rồi. Còn bọn đàn ông bây giờ, rỗng tuếch và thực dụng quá thể. Rõ là chán mớ đời!
 - Bố thế nào rồi hả Loan? Cũng phải đến mấy tuần rồi anh chưa đến thăm ông bà già.
 Bận quá! Đúng là chán mớ đời thật! Loan nghĩ. “Bố thế nào rồi hả...” - Một câu hỏi ráo hoảnh giữa những kẻ ruột thịt! Giá như chỉ cần anh ấy nhìn vào mắt mình lâu một tí, nói với mình một câu đằm thắm một tí thì có lẽ, lạy thần phật, mình đã không thể ngồi yên thế này. Cô nguẩy đầu hất vèo mái tóc ra đằng trước, ánh mắt sác sảo đột ngột trở lại cũng như nó thỉnh thoảng đột ngột ra đi:
 - Bình thường, vẫn bưng bê, vẫn mời chào khắp lượt, chỉ khác không được vui vẻ như trước nữa và giá cả cũng tầng lên theo thời giá thì trường.
 - Trung tá Um sao? Còn thỉnh thoảng đến không?
 - Bình thường. Hôm nọ bị giải vào đồn công an vì đã nổi nóng hơi quá với một kẻ dám xẩc xược chê bai cách pha cà phê của ông cụ ở giữa quán. Cũng may mà ông đồn trưởng nhận ra mặt.
 - Còn nhà thơ kiêm soạn giả chèo?
 - vẫn thế. Nhưng nghe nói đã vào viện vì khối ung thư trong ngực bắt đầu có triệu trứng di căn. Quân đội vừa cấp cho một căn hộ cũng phố này để ông đón vợ con dưới quê lên cho tiện chăm nom.
 - Thôi, cũng mừng cho ông ấy.
 - Đã có mấy chiếc camera tìm đến ông để ghi lại những thước phim cuối đời nhưng lại cũng có mấy bác nhà báo rỗi việc đang tìm đến rỉa nhẹ vào căn phố nhà binh này.
 -Rỉa?
 - Vâng, rỉa. Làm sao mà rỉa? Thế cứ nhà binh là phải chịu thua thiệt đói nghèo à? Người ta cũng có quyền đục tường mở cửa như mọi người, người ta cũng cần phải sống chứ? Ai lại đi ví các ông tướng ta với các ông tướng ngụy bao giờ. Vớ vấn!
 - Ấy, từ từ! - Nam phì cười - Điều này xin cô đối thoại với cậu Bình. Cậu ta sẽ biết cách tranh cãi với cô đến nơi đến chốn.
 - Anh Bình khác - Loan vẫn không hề giảm giọng - Anh ấy viết bằng nỗi xót xa chân tình của người lính còn mấy ông kia lại viết bằng sự hằn học khoái trá không gắn bó máu thịt gì với đời lính các anh cả. Điếm!
 - Lạ đấy!
 - Cái gì lạ?
 - Hóa ra cô em vợ tôi lại đứng về phía những người lính lao khổ chúng tôi ghê thật! Tưởng lóp người tuổi trẻ như mấy cô chỉ khoái phỉ nhổ?
 - Anh lầm! Cái gì cần nhổ thì nhổ chứ bạ cái gì cũng nhổ cả thì anh sống với ai? Trời sinh ra lắm mốt thật. Mốt quần áo, mốt tóc tai, mốt su chiêng, si lip, bây giờ lại lăng xê cả cái mốt phỉ nhổ nữa! Em đảm bảo rằng, chỉ ít ngày nữa họ lại uốn lưỡi nói ngược lại theo thời thế cho xem.
 Bỗng tiếng nói du dương của Bình lọt vào phòng trước cả cái thân hình bé nhỏ của anh:
 - Hoan hô! Hoan hô một quan điểm chính thống, thậm chí... trên cả chính thống. Tự hào và đáng sống thay khi mà dòng máu chiến trận tinh khiết và cao cả vẫn chảy trong người những cô con gái của những chiến sĩ chân chính. Hoan hô!
 Đến lượt Loan tỏ ra bối rồi:
 - Này, thế anh đã quên mất cái thói quen là trước khi bước vào nhà ai cũng phải gõ cửa à?
 - Xin lỗi! Nhưng nếu cứ gõ máy móc như thế thì làm sao tôi có thể nghe được câu nói mang tính chủ đề mà tôi đang vỡ óc đi tìm trong bộ phim sắp tới của tôi?
 - Chỉ được cái vụng chèo khéo chống. Ghét! - Cô quay sang Nam - Em đến công ty có tí việc, trưa chiều sẽ quay lại, anh nhớ cho con bé uống thuốc đúng theo toa của bác sỹ. ở lại, có mặt ông Bình lúc này chỉ tổ cãi nhau, mất công!
 - Thế à? Cảm ơn!
 Bình cười hị hị rồi xà đến giường bé Thảo với hộp sữa, cân đường trên tay, nét mặt bỗng ánh lên vẻ xót xa thật sự:
 - Cậu này đoảng! Gà trống nuôi con có cái gì không hay không biết thì phải cất công đi hỏi chứ ai lại để nó động một tí là lăn ra ốm thế này? Khổ! Con gái ơi!... Bố Bình đến thăm con đây này...
 - Mình bắt đầu cảm thấy sốt ruột thật sự rồi cậu ạ! Thời gian trôi qua nặng nề quá!
 - Nặng nề kệ mày! Tự làm tự chịu. Có việc đây, thằng bạn già, việc hệ trọng, việc trữ tình muôn đời muôn thuở hẳn hoi - Chợt nhìn thấy đôi quân hàm tươi rói treo trên mắc áo, anh tròn mắt dừng lại, đầu gục gặc như, con rối gỗ - Cha chả? Đã thượng tá rồi kia đấy. Lại thượng tá! Sao không đại tá phứt như mọi năm cho rồi? Lúc bỏ lúc có, không hiểu các cụ nhà ta còn ngẫu hứng điều lệnh đến tận bao giờ nữa? Quái quỉ! Quân hàm quân hiệu là phản ánh sức chiến đấu của cả một đoàn quân, các cụ lại cứ coi như chuyện đùa. Nhưng mà thôi, dù sao cũng chúc mừng, xin chúc mừng chú em! Thảo đã hay tin mày vinh thăng lên cá thể cao cấp, một sinh vật cao cấp chưa?
 - Chuyện đến hẹn... để ý làm gì - Nam cười xòa - Sao? Cậu nói cái gì hệ trọng, cái gì muôn đời và muôn thuở? Quyết định lấy vợ à?
 Bình ngồi xuống, khề khà rót một chén trà đặc chầm chậm đốt một điếu thuốc, ngửa cổ nhả khói lơ mơ một lát rồi mới đủng đỉnh:
 - Có một người đàn bà lộng lẫy, giàu có và cực kỳ xinh đẹp từ Ca-na-đa về đây.
 - Thì sao? Thiếu gì người xinh đẹp lộng lẫy?
 - Đi tìm mày.
 - Tìm mình?... Không có đâu. Gia đình mình đâu có ai là Việt kiều bên ấy.
 - Thế mà có đấy thằng cha gà công nghiệp mang lá số đào hoa ạ! Cách đây sáu tháng nghe nói bà ta đã đi tìm tao, tìm một thằng quay phim quân giải phóng nhưng chưa kịp gặp thì bà ta đã trở lại Ca-na-đa rồi. Tiếc! Tiếc đến nỗi chẳng dám hé mồm hở ra với ai nữa, kể cả mày. Bất ngờ, tháng rồi nàng lại sang nữa, nghe nói hồi hương hẳn, hiện đang trú ngụ tại Sài Gòn. Thế là tao nổi cơn đi tìm...
 - Ngăn ngán thôi! Tóm lại là tìm được không?
 - Sao lại không được? Nhưng chỉ tiếc lúc gặp rồi thì...
 - Nàng lại quá già, quá rách rưới và xấu xí chứ gì?
 - Ngược lại. Tuyệt vời! Tuyệt vời về mọi phương diện, thậm chí... trên cả tuyệt vời. Chỉ có điều nàng đi tìm tao nhưng lại không phải để tìm tao mà tìm... Rót tao chén nữa, cứ động đến chuyện này là lại khát cháy cổ. Thân tao khốn nạn, suốt đời chỉ là bung xung cho thiên hạ.
 - Vậy tìm ai? Mồm miệng loanh quanh như đàn bà.
 - Tìm mày!
 - Tìm mình?... Ai nhỉ? Thật sự là mình không hề có...
 - Kệ mày lục lọi ký ức. Mà cái đầu vô tâm của mày có ký ức chó đâu mà lục. sẵn sàng nhé! Trong ngày nay, có khi ngay bây giờ nàng sẽ có mặt tại đây, chính gian phòng này. Chỉ cần nhớ: nàng nói gì cũng nghe nửa tai thôi và tuyệt đối không được nhác gì về tao, được nói tao vừa đến đây. Cùng lắm, cứ nói tao hỏng rồi, bất lực rồi, đi-ô-xin ngấm đầy người rồi. Thôi, tao phải chuồn đây kẻo không lại nổi sung lên con mắt đa tình khốc liệt của nàng nhìn mày mất.
 - Khoan đã - Nam ấn mạnh vai bạn bắt ngồi xuống.
 - Á đau, cái thằng này! Tao có phải cái Thảo đâu?
 - Mình cũng đang có một điều hệ trọng, mấy tháng nay chỉ mong cậu về để hỏi.
 - Mong tao? Gớm! Làm như đồng tính không bằng - Bình trề môi.
 - Nghiêm túc, không đùa!
 - Được, thậm chí... trên cả nghiêm túc. Nói đi! Tòa nghe đây - Bình nghển đầu, ưỡn ngực, ngồi cứng đơ như cái mác áo.
 - Theo cậu, tình hình hai nước Đức sắp sát nhập vào một nước Đức tư bản liệu có ảnh hưởng gì đến...
 - Dân tộc vĩ đại của chúng ta?
 - Không, đến vợ mình.
 - Vợ mày thì có liên quan gì vào đó?
 - Bởi lẽ cô ấy là một công dân của một nước cộng sản, biết đâu nhân chuyện này mà họ đánh đòn thù? Không hiểu nhà nước mình có gọi họ về trước khi chuyện này xảy ra không nhi? Theo cậu, sao? Mình lo quá!
 - Lo bò tráng răng. Nó sát nhập thì kệ cha nó, việc quái gì đến mình? Đòn thù ư? Ai thù? Chỉ được cái nghĩ xằng. Thằng nào cũng thế, càng tư bản lại càng mê chuộng nhân công rẻ mạt, có khi nó còn mời sang thêm. Đấy là chưa nói nhân đà thắng này, nó còn, còn muốn chứng minh cái sự nhân quyền nhân đạo nữa. Nhưng nhìn chung - Bình đứng dậy, trong mắt anh biến mất sự ranh mãnh cợt đùa - Nếu có thể về được thì mày nên gọi cô ấy về. Thế giới đang đại loạn, các tầng giá trị thiêng liêng nhất đang lộn nhào, hơn lúc nào hết, cách thành viên gia đình cần phải có mặt bên nhau để chống đỡ. Trừ tao.
 - Nhưng mà lạ lắm cậu ạ!
 - Lại cái gì nữa?
 - Mình cũng đã có gợi ý như thế nhưng cô ấy không trả lời thẳng mà những lá thư gần đây gởi về, mình cứ thấy là lạ thế nào ấy?
 - Hả? - Bình thoáng giật mình nhìn vào mắt bạn rồi nói xóa đi - Không còn mặn nồng, không còn xoắn bện như trước?
 - Không hẳn thế nhưng có vẻ buồn buồn. Như là hoảng hốt, như là bị dần vặt một điều gì ngấm ngầm không nói ra. Hay là...
 Bình vội quay đi tránh nhìn vào bé Niên Thảo đang nằm thiêm thiếp trên giường, giọng anh to lên:
 - Cấm nghĩ bậy! Thảo thì tao tin. Tin hoàn toàn. Cô ấy là một đơn chất họp kim mà dù quẳng vào ổ quỷ thì vẫn là cô ấy. Mà... thôi chết rồi - Bình bỗng vỗ hai tay đan vào nhau cười lớn, cái cười cũng the thé như nói - Chắc lại hội chứng Đông Âu, lại nỗi buồn toàn nhân loại của một nữ đảng viên cộng sản đeo hàm thiếu tá đã đi qua chiến tranh thôi. Yên trí đi! Đây là cái buồn trong sạch và cao quí, không sao đâu. Thôi, tao đi. Nhớ lời tao dặn đấy.
 Bình cúi xuống thơm vào má con bé Niên Thảo một cái, mặt chợt nhăn quắt lại:
 - Nóng quá!... Để chiều tối tao kéo thằng cha bác sỹ trưởng phòng quân y tốt tính gàn nhà sang xem cho nó xem.
 Nam bần thần nhìn theo bóng bạn, quay lại nhìn con rồi lại vô tình nhìn ảnh vợ treo trên tường, nhưng rõ ràng là anh không nhìn thấy gì cả. Anh đang nhìn ngược vào lòng mình.