CHƯƠNG 22

     ừ ngày Bình đi xa, mất bạn tâm sự, ông tường già có vẻ trầm xuống. Sự trở về của cô con gái đầu lòng chỉ làm ông vui trở lại được mấy ngày đầu rồi sau đó lại thường xuyên ngồi kín buồng trong, không muốn đi đâu, không muốn tiếp xúc với ai, càng không muốn bước chân ra phòng ngoài để phụ bán cà phê với vợ. Bán gì nữa, ông trả lời khi cô con gái út hỏi, khách chuyển sang uống hết ở các quán có đèn xanh, đèn mờ, có karaoke xanh đỏ, có dịch vụ nọ kia đằng sau nó rồi. Có rồ thì mới chui vào cái quán chỉ có hai ông bà già buồn tênh này. Loan hỏi tại sao bố không bắt chước người ta mà đèn xanh đèn mờ? Động vào uẩn ức, ông đã quát, đuổi thẳng cô con gái ra về.
 Cô gái đâu hay rằng, cách đây cũng chỉ mới có mấy ngày, một gã thanh niên trông tướng có vẻ dân buôn xe máy đã vào đây xúc phạm đến ông. Ngồi một ghế, đặt hai chân lên ghế đối diện, gã nhổ toẹt hớp cà phê xuống đất, nói trống lổng: “Bố già ơi! Cà phê nhạt bỏ mẹ! Bố có cái gì cay cay uống không?” “ở đây chỉ có cà phê thôi chú ạ! - ông mềm mỏng trả lời - Muốn uống cái khác, chú có thể sang quán bên kia đường.” “Quán của mấy con đĩ ấy à? Tanh mồm. Thấy quán bố vắng mới ghé vào mà lại chả có thứ gì! Buồn cho bố thật! Nếu không có, bố cũng phải biết điều đi mua hộ mấy lon bia về đây, tôi sẽ có boa đàng hoàng cho bố.” “Thế à? Chú sẽ hoa cho tôi nếu tôi tỏ ra biết điều đi mua hầu chú à? -Rõ ràng cái giọng ông đã rung lên nhưng còn cố nén - Thế thì chú đi quán khác nhé! ở đây không cần cái thứ boa ấy.” Gã thanh niên đã có vẻ say ở đâu, không nhận thấy giọng nói ấy, tiếp tục lè nhè: “Chác ngày xưa bố là lính hả? Lính thì mới có cái lối căng cứng ngớ ngấn như thế. Bố không biết, đằng này bảo cho mà biết, bố lại cứ gân giọng, chỉ có mà chết đói...” “Đói mặc tao - ông tướng quát vang lên - Mày không uống thì cút! Quán này không chứa cái loại thanh niên hư hỏng như mày. Cút!” Có vẻ ngạc nhiên trước sự âm vang của mũi rất đểu: “Nhìn sướng chưa? Phố mới xá, bên kia quán đĩ, bên này quán... điên! Số mình hôm nay ăn mày thật! Bao nhiêu tiền bố già?” ông tướng choáng váng lặng người đi, không còn biết phản ứng thế nào nữa. Khi ông tĩnh trí lại được thì cái thằng mất dạy kia đã chui tọt vào cửa quán bên kia đường rồi. Ngực ông đau dội lên, mặt tái mét. Nếu lúc ấy bà vợ trong nhà không chạy kịp ra đỡ thì có lẽ cái vết thương ở nơi ngực năm xưa đã đốn ông đổ gục xuống nền nhà nhoe nhoét nước cà phê rồi...
 Từ hôm đó, ông ở tịt trong nhà, dù khách có vào đông thế nào, dù bà vợ có tất tưởi ra sao, ông cũng nhất quyết không ra nữa.
 Sáng nay cũng vậy. ông đang nằm dài trên giường, đọc hết tờ báo này đến tờ tạp chí khác trong trạng thái bứt rứt không yên thì bà vợ báo có chú Um đến thăm. Cái tên đó đã khiến ông ngồi bật dậy và nói bà kêu Um vào trong này nói chuyện chứ chẳng nên ngồi ngoài đó.
 Um đã lên thượng tá và cũng giống như mọi lần ngoài giờ hành chính. Anh chỉ vận độc một bộ thường phục cũ mèm không là, không ủi gì hết.
 - Chào thủ trưởng! - Anh vẫn không bỏ được cái lối chào ngày xưa - Nghe bác gái bảo lại vừa có một thằng nó giở trò hỗn hào với thủ trưởng?
 - Thôi, nói lại làm gì. Chuyện đời thường tình, chỉ mình là dại thôi. Cậu bảo cơ chế thị trường, mình không theo được thì mình tụt lại, trách ai? Triết lí cà phê đen hay cà phê đỏ như cái tay Bình thường nói cũng là triết lí lấy được, triết lí cho vui vậy thôi chứ bản chất công việc bưng bê nó cũng có ra làm sao. Sự tò mò cộng thêm tí ti kính trọng về một ông tướng bán cà phê dần dà sẽ qua đi, cái còn lại dưới con mắt ráo hoảnh của người đời, ông tướng ấy cũng chỉ là một ông già bưng bê không hơn không kém. Bưng khéo thì người ta khen, bưng vụng thì người ta chán, người ta tẩy chay theo đúng luật đào thải. Dại. Lắm lúc nghĩ đâm dại cậu ạ!
 - Sao em nghe nói vợ chồng Thảo dự định sẽ không để cho cha mẹ bán cà phê nữa mà mời về ở cùng với con cháu để an dưỡng tuổi già?
 - Nó cũng có có ý ấy nhưng tôi có lẽ không nghe theo được. Dù gì thì gì, cha con ruột thịt đến mấy nhưng chả có gì quý hơn độc lập tự do phải không cậu? Dạo này không hiểu sao tôi giở chứng hay buồn bực cậu ạ!
 - Vợ chồng Thảo... có điều gì không phải ạ?
 - Không. Tôi buồn cái nhân tình thế thái hôm nay. Buồn lắm! Cậu xem, mấy năm nay tình hình có mở ra thật, người dân đã bắt đầu có bát ăn bát để, phố xá bắt đầu ra cái phố xá của một Thủ đô, cứ nhìn ngay vào cái khu phố nhà binh này chẳng hạn. Nhưng tôi sợ rằng, cứ cái đà này, tới đây cuộc sống dân tình khá hơn nhưng đạo lí, cái lẽ làm người lại đi xuống. Chưa nói đến việc có khi mất quách cả cơ đồ.
 - Kệ nó thủ trưởng ạ! Thủ trưởng đã làm xong phận sự của mình rồi, bây giờ cứ việc nghỉ ngơi, mọi sự để thế hệ sau nó gánh chịu. Mà rồi cũng đâu vào đấy hết.
 - Thì tôi cũng mong như vậy - ông nén tiếng thở dài - Càng ngẫm càng thấy chán. Chán trong chán ngoài. Mấy hôm nay nghe đài thấy đám Hen mút Côn cứ nhất định điệu cái ông già Hô nếch Cơ đang bị ung thư giai đoạn cuối phải ra tòa mà nẫu ruột. Bạn bè đâu mà chẳng thằng đếch nào chịu lên tiếng cả. Phản bội quá, bán đứng bạn bè một thuở uống máu ăn thề!
 - Ấy... em đã nói rồi, chuyện thiên hạ đông tây kim cổ rối như canh hẹ, kệ họ, thủ trưởng để tâm làm gì cho nó nặng đầu ra. Nước nào phải tự lo lấy số phận của nước ấy, thời thế này có ai lo thay được cho ai đâu. Cứ kệ, thủ trưởng ạ!
 - Kệ, là kệ thế nào? - ông tướng già nổi cáu - Cậu có còn là thằng đảng viên đảng cộng sản không mà cậu ăn nói như thế nhỉ?
 - Dạ! Em vẫn còn.
 - Thế thì vứt mẹ cái cộng sản của cậu đi! Cha mẹ ơi! - ông chỉ tay thẳng vào bộ ngực lép kẹp của người tổng giám ngục - Những thành phần rường cột của xã hội thế này mà còn suy nghĩ thế thì thử hỏi đất nước còn biết trông cậy vào ai? Tan hoang hết! Hóa ra cậu cũng vẫn chỉ là cái thằng Um, thối Um như ngày xưa thôi.
 Tưởng anh chàng cai ngục tự ái nhưng cái miệng hiền khô lại cười, tuy nhiên cái cười không lấy gì làm vui vẻ lắm:
 - Thế thủ trưởng tưởng em sung sướng với cái công việc lúc nào cũng tiếp xúc với tội phạm của em lắm à? Chán ngấy, lắm lúc chỉ muốn về hưu hay chuyển nghề. Ai đời, suốt tháng bận bịu, được dịp rảnh về thăm nhà thì thằng con hỏi độp vào mặt: “Bố đánh tù có đau không... có đóng đinh vào tai tù như trong phim không?” Đêm nằm cạnh vợ, chưa kịp rờ vào người, nó đã xịch ra: “Mình chịu khó trở dậy đi tắm cái đã... ở mình có cái mùi gì ấy?...” Đấy, có phải chỉ mình thủ trưởng nhức đầu đâu.
 - Kệ cậu - Nói thế nhưng giọng ông đã dịu lại - Thế từ dạo đó đến nay đã gặp lại thằng Bình chưa?
 - Muốn gặp nhưng hán có cho gặp. Dân nghệ sĩ, giận dai chết người. Năm trước đã đánh tiếng qua Nam là em sẵn sàng cho người mang vật liệu đến cơi nới lại cái phòng làm việc cho hắn mà hắn đâu có thèm trả lời.
 Đang nói thì bà tướng bước vào, đặt xuống trước mặt Um một ly cà phê.
 - Nhân có chú Um đây, chú khuyên ông ấy hộ tôi là bỏ bớt mặc cảm đi. Con cái có lòng mời về đằng nó để đáp hiếu thì không nghe. Khách vào, cũng không thèm ra tiếp. Rồi động một tí là lầm bầm nổi cáu vu vơ. Cáu cái gì lúc này? Thiên hạ người ta đều sống thế cả.
 - Thiên hạ thì mặc mẹ thiên hạ! - ông lừ mắt với bà - Tôi sống thế nào thì mặc xác tôi, bà không phải nhiều lời.
 - Khổ! Tôi đâu dám nhiều lời với ông - Giọng bà đã chảy xuống - Cứ tưởng rằng mở được cái quán cà phê này, cuộc sống sẽ dễ chịu hơn, ngày ngày vợ chồng già nhìn nhau có chuyện để mà nói? Ai dè lại đâm ra nặng nề.
 - Cho nên - ông chém nhẹ sống tay xuống bàn như đang lên một phương án tác chiên chiến lược - Nhân có chú Um đây, vì chú là người giúp tạo ra cái quán này, tôi quyết định: Khi vợ chồng con Thảo bắt đầu khởi công dựng lại nhà thì cái của nợ này cũng bắt đầu đóng cửa. Tôi với bà sẽ sang trông nom, đỡ đần vào với chúng nó.
 - Tôi không đóng.
 Bà bất ngờ trả lời khiến ông tướng trố mắt ngạc nhiên. Thế đấy, đến ngay cái bà vợ quê ngày đầu lên đây chỉ ngồi nhổ bã trầu đỏ lòe chân tường mà bây giờ cũng đổi khác, cũng bắt đầu chì chiết, cãi lại ông thì thử hỏi còn cái gì là không thay đổi nữa? ông dại rồi, ông hớ to rồi. Dột từ trong nhà dột ra rồi. Không ngờ sự biến động tưởng là vớ vấn của khu phố lính này đã tác động vào ngay bếp nước nhà ông, vào ngay nề nếp gia phong gia đình ông. Nếu như trước đây thì mọi việc sẽ khác nhưng giờ đây ông mệt rồi, già rồi, chán ngán lắm rồi nên ông đành tặc lưỡi buông xuôi:
 - Tùy bà. Nhưng tôi thì dứt khoát là tôi thôi. Tôi không còn đủ sức để nghe bọn mất dạy nó so sánh tôi với mấy con đĩ quán bên kia. Không có 3 triệu đồng ma chay như dự kiến, bỏ. Không đủ ăn đủ mặc, cũng bỏ. ít nhất mấy năm cuối đời cũng còn giữ lại cái danh dự làm thằng người chứ không phải làm con chó suốt ngày chạy nhông đi đú với thiên ha.
 Những câu nói của chồng giống như những xẻng đất hất bà ngồi dụi vào chân tường. Bà lặng lẽ rút khăn lau nước mắt đang chảy ra... Trước tình cảnh ấy, Um cúi đầu suy nghĩ một lát rồi ngẩng lên nói:
 - Nếu sự việc này nó đã căng như thế thì em tán thành với bác trai là nên đóng cửa. Chuyện này em cũng có lỗi một phần là không lường trước được mọi chuyện, nên em xin được sửa lỗi như sau: Ta chuyển quán bán cà phê thành quán sách báo. Em có cậu lính ngày trước hiện đang là phó tổng giám đốc phát hành sách báo trung ương, em sẽ nói nó tháng tháng tạo nguồn sách đặc biệt cho hai bác. Bán cái này nhàn, không phải bưng bê, không bị xúc phạm và bác trai thường xuyên có cái mà đọc lúc rảnh rang...
 - Nhưng còn biết bao đồ đạc, cốc tách của tôi? - Bà buột miệng nói.
 - Vâng cái đó thưa với bác là em cũng có hướng. Hiện giờ đơn vị em còn đang thiếu một số thứ cần thiết để trang bị cho phòng khách, em sẽ cho người đến thu mua lại. Sao? Ý em vậy, hai bác thấy sao? Tất nhiên đây là trường hợp hai bác khí khái nhất định không chịu về ở với con cháu.
 Ông đưa mắt nhìn bà. Bà cũng đưa mắt lén nhìn ông. Đúng là cái nhìn của mẹ nhà quê hồi nào mới ra thành phố, động một tí là nhổ bã trầu bọt bẹt như gián đậu vào chân tường. Ông mỉm cười gật đầu:
 - Tùy vào cậu với cả tùy... bà ấy nhà tôi.