CHƯƠNG 3

     uyệt vời! Thậm chí trên... tuyệt vời! Buổi tối yên ả trong một gia đình của một thế kỷ lãng mạn đã quá vãng.
 Một giọng nói du dương nửa nam nửa nữ theo kiểu bán băng phiến dạo đột ngột vang lên ngay tại cửa ra vào. Đó là đạo diễn Trọng Bình kiêm nghề kiến trúc sư có hạng, thương binh loại bốn trên tám, tóc dài râu rậm, vóc dáng nhỏ con nhưng chuyên nói lời vu quát, bạn hàng xóm thân thiết của cả hai vợ chồng.
 - Mình khóc mất. - Bình nhệch môi khiến hàng râu tua tủa như dây kẽm gai của anh trễ xuống - giữa thác lũ dòng đời, giữa cuộc làm tình vĩ đại của thứ giả cưỡng dâm thứ thiệt, giữa nạn hồng thủy trổ tường nới mái ngang ngửa mà vẫn nổi lên một cù lao yên bình thế này thì... khóc mất!
 Thảo đỏ mặt vội vàng rời chồng ra, phì cười:
 - Cái anh này! Bao giờ cũng xuất hiện sau lưng người ta rồi lem lẻm chọc ngoáy. Gớm! Râu với ria, cạo bớt đi ông ạ!
 - Cạo là sao? Tất cả hình như đang bị coi là xấu: xấu mã, xấu số, xấu tư tưởng, xấu thói, xấu đủ chuyện; còn mỗi cái râu cái tóc là tốt nhất mà lại đi cát đi à? Nào, thử xảy ra một vụ cưỡng hiếp hay cháy nhà trên đường phố xem, thằng nhẵn nhụi hay thằng râu ria sẽ nhảy vào? Con gái cưng của tôi đâu? Ngủ khì rồi à? Tội chưa!... Chắc cái thằng bố con mẹ nó đã bát bé học quá đây mà.
 - Anh rón rén đi lại giường cô bé như dáng đi của một vũ sư ba-lê rồi đặt nhẹ vào cạnh gối nó mấy thỏi sô-cô-la. - Ngủ đi! Ngủ dậy mọi viêc sẽ khác. Còn như đời bố nó, chú nó thì coi như hỏng từ lâu rồi. Ấy, đừng cất! Để cho suốt giấc ngủ của nó đều thoang thoảng mùi no ấm thơm tho. Nhỉ? Con gái xinh nhỉ?
 Thảo tự dưng thấy sống mũi mình cay cay. Hết chiến tranh từ lâu rồi nhưng chị vẫn không bỏ được cái tính hay mủi lòng trước một câu nói ủy mị, một tình cảm chân thành của người khác, nhất là khi cái tình cảm đó lại hướng về đứa con bé bỏng, cái kỷ vật thiêng liêng nhất của hai vợ chồng.
 - Bữa nay bác Bình sang chơi, không may nhà hết mất trà - Chị kín đáo liếc nhìn chồng rồi bối rối rót từ ẩm tích ra đưa cho anh một cốc nước đen đặc - Bác uống tạm! -Nhân tràn à? Tuyệt vời! Thậm chí... trên tuyệt vời! Chồng ngồi vẽ hố xí cho bọn trọc phú mới, vợ thái lá nhân trần cho bọn đầy bụng hiện đại, cõi đời xem ra nhiều phần lý thú!
 Anh uống ực một hơi cạn cốc nước, chẹp khà ngon lành như vừa nốc cạn một vại bia lớn rồi kiếm cái ghế thợ cạo ngồi xuống, hai tay thu gọn vào lòng, râu ria bắt đầu nhúc nhích. Vợ chồng Nam nhìn nhau, mỉm cười... ông hàng xóm sắp sửa mở máy! Tốt nhất là cứ để kệ. Nói chán rồi thì thôi, mà của đáng tội, ngoài cái sinh khí mới mẻ được tạo ra bởi mỗi làn xuất hiện trong căn phòng bốn bề mục dột này, hầu hết những điều ông ấy ngẫu hứng nói lên đều... không đến nỗi cả.
 - Trước khi đến đây, - Bình bắt đầu mở miệng thật. - mình có đi dạo một vòng dọc phố. Vui đáo để! Ánh sáng xen lẫn bóng tối, nhạc ngoại xen lẫn muỗi nội, mỗi thước đường, mỗi khung sáng, mỗi số nhà là mỗi số phận không ai giống ai. Gia đình ông tướng A sáng nay đã trương biển cà phê, ông tướng B cho thuê một mặt bằng bán đồ điện lạnh, ông tướng c tự khai thác nhân sự trong nhà mở quán bia lon của mình và ông tướng ba sao đã về già hình như đang ráo riết cho con cái đầu tư cơi nới với ý định cho thuê cả hai mặt bằng... Hầu hết các ông tướng này đều đã về hưu. Nói đùa, làm tướng thời nào cũng không đến nỗi nhỉ? ( Tất nhiên là loại trừ ông tướng chiến trận cùng mình và cũng ngơ ngác cùng mình như ông ngoại của bé Niên Thảo kia). Đầu năm còn thấy các cụ ngồi nhổ râu buồn tênh sau cửa sổ, thậm chí còn đánh máy thuê, hiệu đính sách quân sự, chính trị thuê, cuối năm đã thấy ung dung ra dáng lắm rồi.
 - Anh ghen à? - Thảo hỏi trêu, - sao không cố lên tướng mà lại đi làm nghệ sĩ?
 - Không phải ghen - Bình cãi thật thà mặc dù ít khi người ta thấy anh chịu tỏ ra thật thà trong đối thoại như thế - Xét cho cùng thì thế cũng phải. Lận đận cống hiến cả đời mới được gắn chút cành tùng lên ve áo, lộc thế đã có gì là ghê. Nhưng chỉ chán cho cái sự mưa thấm không đều. Như những đôi vợ chồng chôm chỉa, ăn xin ăn mày, chạy lụt chạy bãi đang nằm la liệt ở dưới kia.
 - Thôi, thôi - Nam cười khùng khục - Xin cậu đừng đưa tôi vào những thước phim lộn trái cuộc đời của cậu.
 - Có lộn trái thì đêm hôm rét mướt, tớ mới phải lặn lội đến đây để được hưởng cái vị mặt phải.
 - Khéo nói thật ấy - Thảo cười khúc khích.
 - Nếu tớ là thằng tạc tượng, tớ sẽ tạc vợ chồng cậu như biểu tượng của sự thủy chung, trong trẻo và lòng... nhu nhược cũng như cái bi kịch của sự biết điều. Nhưng tớ lại là gã quay phim. Tớ đã rắp tâm quay cái phố này như quay toàn bộ cái xã hội Việt Nam đương đại, nhưng xếp mới chỉ nghe tớ trình bày ý đồ đã giật mình thon thóp lên rồi thì còn nước non cái mốc xì gì nữa?
 - Lấy vợ đi!- Nam ngắt lời bạn bằng một câu thật đằm.
 - Cái gì? - Bình ớ ra.
 - Tối qua Loan nó đến chơi, có hỏi thăm cậu đấy. Là dân viện triết nhưng cô ấy lại thích cái nói năng cái gì cũng đấy đến tận cùng của cậu. Nó bảo cậu có duyên, có cá tính hay tính cách gì đó. Nó khen cậu.
 - Kh...e...n - Bình nhướng mày, kéo dài giọng ra rồi im bặt.
 Lâu nay, cứ nhắc đến tên cô gái ấy là con người coi trời đất như mẹt bún ốc kia lại thoắt trở nên ngọng nghịu. Ẩn sau cái vẻ ngoài ngang ngạnh và khinh bạc đó, cả Nam và Thảo đều biết rằng, trong lồng ngực Bình vẫn đang đập cái nhịp đập lành hiền và yếu đuối. Sau cái lần cô vợ sác nước vốn là diễn viên kiêm làm thơ dứt khoát đòi chia tay với lý do: “Con người anh làm tình nhân thì được nhưng làm chồng thì không” trái tim ấy bị thương tổn nặng nề và không bao giờ thích ai đó nhắc nhở đến chuyện vợ con gì nữa.
 - Không vợ con gì hết - Bình đột ngột đứng dậy, đứng hơi kiễng nhưng chỉ chạm cằm bạn - Hai người mà còn mở miệng nói đến chuyện ấy nữa là tôi... báo cảnh sát bát liền. Ấy, là tôi đang bắt chước câu nói của một nàng ca sĩ nhạc nhẹ danh tiếng có anh chồng làm chủ tịch phường: “Nếu anh còn máy mồm hỏi tôi về cái chuyện vào Đảng một lần nữa là tôi... báo cảnh sát đó!“
 Thảo bật cười rũ ra, để rơi cả gói nhân trần trên tay xuống đất. Cái cười tươi tắn với đường viền môi màu hồng nhạt mềm mại, hàm răng nhỏ, đều, thật trắng của chị làm sáng ấm cả hai bộ mặt đàn ông khắc khổ.
 Thôi... Thôi ông nỡm ơi! Gớm, đàn ông đàn ang gì mà chuyện nào cũng in được vào đầu!
 Chợt Trọng Bình nhìn sâu vào mắt Thảo, hỏi:
 - Có chuyện gì phải không?
 - Không... Làm gì có chuyện gì.
 - Có. Ánh mắt vốn rất tĩnh lặng của bà hôm nay thấy bồn chồn lắm. Cha! Trời phú cho tôi cái tính khốn nạn là biết nhìn vào đáy mắt đàn bà để đọc được những suy nghĩ của họ. Thế là họ ghê sợ tôi, họ làm sao có thể chung sống với tôi. Thôi về đây! Thơm hộ má bé Niên Thảo một cái nhé! Kìa kìa!... Trông nó phụng phịu đặt tay lên má mới dễ ghét chưa kìa!... Đối với cô bé thiên thần này, cho phép mình nói thật nhé, hai bạn dù có phải đi ăn mày ăn nhặt, dù có phải đi giết người cướp của cũng không có quyền để nó đói khổ. Chào!
 Ra đến sân rồi, bỗng Bình lại đi thụt vào, cầm tay Nam lôi nhẹ ra hiên, thì thào:
 - Có phải thằng cha kia ở khu mình không? Lảng vảng suốt.
 Nam chú mục nhìn sâu vào bóng tối ràn rạt tiếng gió... Trong nhập nhòa, đôi mắt bị lão hóa sớm của anh chỉ giúp anh nhận ra được một gã trai dáng người cao, vai hơi gù, vận quần áo màu xám, tóc tai xõa xượi, đang bước thấp bước cao dọc các dãy nhà, thỉnh thoảng lại dừng lại như nghe ngóng, như dòm ngó điều gì rồi dần dần mất hút.
 - Không - Nam lắc đầu - Ai đấy?
 - Người ta bảo mấy tối nay thường thấy hán lảng vảng đây. Dám trộm lắm! Bảo cô ấy đi ngủ nhớ khóa khoáy cửa giả cho cẩn thận.
 Nói xong, vị đạo diễn nhủi mình biến vào con đường lầy lội, dấu vết của trận mưa hồi chiều, chạy giữa khu tập thể. Cái tiếng nói du dương nửa nam nửa nữ còn càu nhàu vẳng lại: “ Mẹ khỉ! Giữa Thủ đô mà đường sá như đường làng. Trận mưa nữa chắc thành ao. Người ta bỏ quên cái khi gia binh chết tiệt này đến bao giờ? Ấy đấy... cái quần mới vừa giặt xong...“