Giai Thoại 37
NHÀ Sư XỨ TÂY vực VỚI PHÉP GIÁNG Hổ

     ách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 11 - b) có chép một mẩu chuyện xảy ra ở nước ta vào mùa thu năm Đinh Mùi (1187), dưới thời trị vì của vua Lý Cao Tông như sau:
“Mùa thu, có một nhà sư người xứ Tây Vực đến (nước ta). Vua hỏi Nhà sư có biết làm phép gì lạ không. Nhà sư trả lời là biết làm phép giáng hổ. Vua sai tên chỉ hầu phụng ngự là Lê Năng Trường đem sư về nhà công quán ở rồi sai người bắt hổ để thử phép thuật của Nhà sư. Sau hơn một tuần, Nhà sư ấy nói với Năng Trường là đã có thể phục hổ được. Năng Trường tâu vua. Vua sai dựng chuồng cọp ở gác Vĩnh Bình rồi bảo Nhà sư vào chuồng, sư vừa ren rén đi vừa đọc thần chú rồi bước về phía hổ, lấy gậy đánh vào đầu hổ. Hổ chồm tới vồ lấy gậy. Sư nhân đó tâu vua rằng, có người ác đã giải mất phép thuật của thần, xin cho thần lại được lập đàn cầu Phật, sau sẽ thi hành phép thuật. Vua y lời. sư lập đàn cầu đảo khá lâu. Nhà vua cũng muốn thử phép thuật đến cùng, nên một hôm, Vua lại sai nhà sư vào chuồng hổ. Hổ nhảy chồm lên cào thét, sư sợ hãi lùi lại, rồi không biết thế nào, đã tựa vào chuồng mà chết”.

Lời bàn:

Các nhà sư ngao du đó đây để tìm cách hoằng dương Phật pháp, đó vẫn là chuyện thường, xưa nay nhiều nơi vẫn có. Nhưng sống với đời mà không trung thực thì dẫu việc nhỏ cũng không làm được, nói gì đến chuyện cực khó như thoát tục để đi tu. Nhà sư xứ Tây Vực nói trên chẳng rõ là do lòng phàm chưa dứt hay chỉ là kẻ vô đạo mượn áo cà sa để làm chuyện lừa bịp, quả là đáng trách vô cùng. Không thấy sử chép tên Sư, và cũng chẳng biết pháp danh của là gì, triều Lý hồi đó ắt là rất khó khăn khi thông báo tìm thân nhân người bị nạn.
Cái chết khác thường của Nhà sư âu cũng là lời cảnh tỉnh tất cả những ai muốn lợi dụng việc tu hành để mưu cầu việc riêng vậy.