Giai Thoại 40
LÊ VÃN VỚI CHUYỆN CON TRÂU TRÈO LÊN CÂY MUỖm

     ăm Nhâm Tí (1192) nhân dân giáp cổ Hoằng (nay thuộc huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hoá) do Lê Vãn cầm đầu, đã nổi dậy khởi nghĩa. Theo sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ, quyển 4, tờ 21 - b) thì Lê Vãn là “bản giáp vệ nhân”, tức là lính hầu của giáp ấy. Đây là một trong những cuộc khởi nghĩa khá lớn, triều Lý phải đem đại binh đi đàn áp mới dập tắt được. Nhân dân cổ Hoằng đã vì phẫn uất ách thống trị nặng nề của triều đình nhà Lý mà sẵn sàng vùng dậy, nhưng lãnh tụ của nhân dân cổ Hoằng đã làm như thế nào để phát động và tập hợp được họ? Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 12 - b) cho biết:
“Xưa, người trong giáp ấy thấy vết chân trâu trèo lên cây muỗm, bèn theo vết chân ấy mà tìm thì thấy con trâu trắng ở trên cây. Trâu lại theo đường khác mà xuống rồi lội xuống sông, bỗng chốc không thấy nữa. Có người trong châu đoán rằng, trâu là vật ở dưới đất mà lại leo lên ở trên cây, ấy là điềm kẻ dưới lên ở trên vậy. (Dân cổ Hoằng) bèn xuất quân làm phản”.

Lời bàn:

Mê tín là lẽ rất tự nhiên của người ít học, xưa nay đều thấy có như thế cả. Hãy cứ tạm cho là sở đoản chung. Nhưng, cũng xưa nay, người khéo dùng người thì có khi lại biến được cả sở đoản của người mình dùng thành cái có ích, hay ít ra thì sở đoản cũng không còn là sở đoản nữa.
Có lẽ Lê Vãn muốn tuyên truyền rằng lòng dân và ý trời là một nên mới khéo dựng chuyện con trâu trắng trèo lên cây muỗm. Phải có điềm kẻ dưới lên ở trên thì mới có chuyện anh lính hầu là Lê Vãn bỗng chốc trở thành thủ lĩnh và dân đen mới có thể tin rằng: bỗng chốc, họ có thể làm nổi chuyện khuấy nước chọc trời, tiêu diệt hết bọn tham quan ô lại.
Chỉ mấy tháng sau, Lê Vãn thua trận, bị bắt và bị xử tử rất dã man. Nhưng, xin chớ vội nghĩ rằng, chuyện con trâu trắng trèo lên cây muỗm không còn ai tin nữa. Con trâu ấy xuống nước, chắc chỉ lẩn quất đâu đó thôi.
Sở đoản lại trở về nguyên dạng sở đoản, để rồi đến một lúc nào đó, bậc khéo dùng người xuất hiện, dân lại theo mà làm tiếp việc họ cùng Lê Vãn làm không thành.