Giai Thoại 51
KẾT CỤC CỦA TRIỀU LÝ

     ý Huệ Tông là ông vua bất hạnh. Khi còn ở ngôi thái tử, ông đã phải chạy loạn long đong, đến khi lên ngôi báu, nhà vua cũng vẫn phải tiếp tục bôn tẩu vì loạn lạc cứ thế nối dài không dứt. Trong triều, quan lại chia bè kết cánh mưu sát lẫn nhau, trong nhà, Thái hậu tìm cách bức hại Hoàng hậu, đã thế, Huệ Tông lại không có con trai nối dõi, thành thử Nhà vua trẻ tuổi ấy đã buồn chán mà phát điên. Năm 1216 (lúc mới 22 tuổi), Nhà vua bắt đầu bị nhuốm bệnh. Từ năm 1217 trở đi, bệnh tình của Nhà vua càng ngày càng nặng. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 4, tờ 30 - a) chép rằng:
“Mùa xuân, tháng 3, Vua dần dần phát điên, có khi tự xưng là thiên tướng giáng hạ, tay cầm giáo và mộc, tóc cắm cờ nhỏ, đùa múa từ sáng sớm đến chiều tối không nghỉ, đôi khi thôi đùa thì người đổ mồ hôi, nóng bức và khát nước, uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh, chính sự không quyết đoán được, giao phó hết cho Trần Tự Khánh, quyền lớn trong nước dần dần về tay người khác họ”.
Tháng 10 năm Giáp Thân (1224) Huệ Tông lập con gái thứ hai (cũng là con gái út) là Lý Chiêu Thánh làm thái tử rồi truyền ngôi cho. Huệ Tông đi tu ở chùa Chân Giáo (ngay trong đại nội thành Thăng Long).
Công chúa Chiêu Thánh lên ngôi, hiệu là Lý Chiêu Hoàng, lúc ấy chỉ mới 7 tuổi. Bấy giờ, phe cánh của họ Trần trong triều rất mạnh. Trần Thủ Độ đã bố trí cháu của mình là Trần cảnh (lúc ấy mới 8 tuổi) vào giữ chức chính thủ chi hậu. Sau, cũng chính Trần Thủ Độ vừa là tác giả, vừa là đạo diễn màn kịch chuyển giao ngôi vị từ họ Lý sang họ Trần vào ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu (1225). Cũng sách trên (tờ 33 a - b) chép rằng:
“Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, chực hầu ở bên ngoài. Một hôm phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế, vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy, lấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm đều cho gọi đến để cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, cảnh bưng chậu nước đứng hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt, lấy tay vốc nước té ướt cả mặt cảnh rồi cười trêu, đến khi cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho cảnh, cảnh không dám nói gì, về ngầm thưa với Thủ Độ. Thủ Độ nói:
- Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?
Một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu ném cho cảnh, cảnh lạy rồi nói:
- Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh.
Chiêu Hoàng cười và nói:
- Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn rồi đó.
Cảnh lại về thưa với Thủ Độ. Thủ Độ sợ việc tiết lộ ra thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào ở trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan đến chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng: “Bệ hạ đã có chồng rồi”. Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu. Tháng ấy, ngày 11, các quan vào chầu lạy mừng”.

Lời bàn:

Nhà Lý từ đời Lý Thần Tông trở đi là thời kì suy vi, từ đời Lý Cao Tông trở đi là thời kì đổ nát, từ đời Lý Huệ Tông trở đi là thời kì chỉ còn lại một chút hư danh hão huyền, bị phế bỏ là điều không sao tránh khỏi.
Khi chính quyền trung ương tan nát thảm hại thì tất nhiên là các phe phái sẽ xâu xé lẫn nhau, mà đã xâu xé thì cuối cùng cũng phải có người giành được phần thắng. Họ Trần tinh khôn, vừa ra sức phát triển thế lực, vừa nhanh tay nắm lấy hai con bài chính trị là Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng, để rồi hạ màn kết thúc một cách bất ngờ, trước sự ngơ ngác của các phe phái khác.
Triều Lý mở đầu bằng chuyện mẹ Lý Công uẩn (tức Lý Thái Tổ) đi chơi ở chùa, có thai với thần nhân mà đẻ ra vua, sau hơn 200 năm, lại kết thúc bằng chuyện vua cha là Lý Huệ Tông đến chùa đi tu, để ngôi báu lại cho con gái được hơn một năm thì mất. Trước đến chùa mà được ngôi, sau đến chùa mà mất ngôi, ấy là chuyện khác biệt của triều Lý đó chăng?