Nước Cộng hòa tin tặc
CHƯƠNG 14
Thứ Tư - 18 tháng Năm

     ậy lúc 5 giờ sáng thứ Tư, khác mọi ngày, Figuerola chạy một đoạn ngắn rồi tắm, sau đó cô mặc jean đen, sơmi trắng và jacket mỏng nhẹ màu xám. Cô pha cà phê cho vào phích rồi làm sandwich. Cô cũng cột bao súng vào sườn và lấy khẩu Sig Sauer từ trong tủ đựng súng ra. Ðúng 6 giờ cô lái chiếc Saab 9-5 trắng của cô đến Vittangigatan ở Vallingby.
Căn hộ của Martensson ở tầng ba của ngôi nhà ba tầng tại ngoại ô. Hôm trước, để có thể tìm ra hắn, cô đã thu thập mọi cái trong hồ sơ lưu trữ công cộng. Hắn không có vợ nhưng như thế không có nghĩa là không sống với ai. Hắn không có tiền sự tiền án, không có tài sản lớn và có vẻ không trác táng. Hắn rất ít khi ốm phải gọi bác sĩ.
Một điều dễ để ý đến ở hắn là hắn có không dưới mười sáu giấy phép sử dụng vũ khí. Ba trong số đó là súng săn, các thứ khác là súng lục đủ kiểu. Được cấp giấy phép thì dĩ nhiên là hắn chưa phạm tội nhưng Figuerola mắc thói đa nghi ghê gớm với bất cứ ai sưu tầm vũ khí đến quy mô như thế này.
Chiếc Volvo với biển đăng ký bắt đầu bằng chữ KAB đang ở trong bãi đỗ xe cách chỗ Figuerola đỗ chừng ba chục mét. Cô rót cà phê vào cốc giấy, ăn một miếng rau diếp và phomát. Rồi cô bóc cam, mút từng múi một cho đến khi chỉ còn là bã.

*

Vào giờ thăm khám bệnh nhân buổi sáng, Salander thấy mệt và nhức đầu nhiều. Cô xin một liều Tylenol và người ta cho cô ngay.
Một giờ sau, cô càng nhức đầu hơn. Cô bấm chuông gọi y tá xin Tylenol nữa. Cũng chả giúp được gì. Ðến giờ ăn trưa, cô nhức đầu đến nỗi y tá phải gọi bác sĩ Endrin, bà vội khám và cho cô thuốc giảm đau mạnh. Salander để viên thuốc vào dưới lưỡi rồi khi chỉ còn cô một mình liền nhổ nó ra.
Hai giờ chiều, cô nôn. Ba giờ lại bị.
Bốn giờ bác sĩ Jonasson đến phòng bệnh vừa lúc bác sĩ Endrin sắp về nhà. Hai người hội ý nhanh gọn.
- Cô ấy thấy mệt và nhức đầu dữ. Tôi đã cho Dexofen. Tôi không hiểu cô ấy đang bị làm sao. Vừa đây cô ấy còn khá lắm. Chắc là một kiểu cảm cúm...
- Có sốt không? - Jonasson hỏi.
- Không. Một giờ trước nhiệt độ là 37,2.
- Tôi sẽ để mắt theo dõi cô ấy cả đêm nay.
- Tôi sẽ nghỉ phép ba tuần, - Endrin nói. - Ông hoặc Svantesson sẽ phải nhận trông cô ấy. Nhưng Svantesson thì ít có quan hệ với cô ấy.
- Tôi sẽ thu xếp để là bác sĩ trực cho cô ấy trong khi bà đi nghỉ.
- Tốt. Nếu có cơn cớ gì mà ông cần giúp thì cứ gọi nhé.
Họ đến thăm khám nhanh cho cô trên giường bệnh. Cô nằm kéo chăn lên tận mũi, nom thảm hại. Jonasson để tay lên trán cô, thấy nó dinh dính ướt.
- Tôi nghĩ chúng ta cần phải khám nghiệm nhanh.
Ông cảm ơn Endrin và bà đi.
5 giờ chiều, trên biểu đồ sức khỏe, Jonasson phát hiện thấy thân nhiệt Salander đã lên 37,8 độ. Tối ấy ông thăm cô ba lần, ghi nhận nhiệt độ của cô đã ổn định ở 37,8 - chắc chắn là quá cao nhưng chưa cho thấy thực sự có vấn đề. 8 giờ ông lệnh chiếu X-quang sọ não.
Khi X-quang soi dọi vào, ông chăm chú nghiên cứu hình ảnh. Ông không thấy cái gì đáng nói nhưng quan sát thấy ở ngay cạnh chỗ viên đạn xuyên vào có một vùng sẫm màu hơn có thể nhìn được bằng mắt thường. Ông cẩn thận chọn chữ nghĩa viết lên bảng theo dõi sức khỏe của cô một lời chẩn đoán không có tính bó buộc: Chiếu X-quang để có cơ sở rút ra kết luận chắc chắn nhưng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã liên tục xấu đi trong ngày hôm nay. Không thể loại trừ có một xuất huyết nhỏ không thấy rõ trên màn hình. Bệnh nhân cần nằm nghỉ trên giường và cần được theo dõi chặt chẽ cho tới khi có ghi nhận tiếp theo.

*

Berger nhận được hai mươi ba thư điện khi chị đến tạp chí lúc 6 giờ 30 sáng thứ Tư.
Một bức có địa chỉ <toasoan-sr@thuydienradio.com>. Thư ngắn. Có hai chữ.
CON ĐĨ
Chị di ngón trỏ để xóa bức thư. Nhưng cuối cùng chị đổi ý. Chị quay lại hộp thư, mở cái thông điệp đến từ hai ngày trước. Người gửi là <tongdaidienthoai@smport.se>. Vậy là... hai thư điện tử mang chữ “con đĩ” và một người gửi giả danh của thế giới thông tin đại chúng. Chị tạo một thư mục mới với tên [MediaNgu] để lưu hai thông điệp kia lại. Rồi chị chúi đầu vào bảng ghi nhớ các công việc phải làm trong buổi sáng.

*

Martensson ra khỏi nhà sáng hôm ấy. Hắn lên chiếc Volvo vào thẳng thành phố nhưng quặt qua ngả Stora Essingen và Grondal vào Sodermalm. Hắn lái xuôi Hornsgatan đi thẳng tới Bellmansgatan qua đằng Brannkyrkagatan. Hắn rẽ trái đi tới quầy rượu Cánh tay Giáo sĩ ở Tavastgatan rồi đỗ xe ở một góc phố.
Ðúng lúc Figuerola đến Cánh tay Giáo sĩ thì một xe van lui ra, để lại một khoảng trống đậu xe ở đường Bellmansgatan bắt góc với đường Tavastgatan. Tại chỗ đỗ lý tưởng trên đỉnh đồi cô có thể nhìn khắp mà không bị vướng cản. Cô có thể trông thấy cửa hậu chiếc Volvo của Martensson. Thẳng ngay trước mặt cô, trên con dốc cao đổ xuống Pryssgrand là nhà số 1 của Bellmansgatan. Cô đỗ xe hướng vào hông tòa nhà nên không thấy cửa chính, nhưng hễ có ai ra ngoài phố cô đều nhìn thấy được. Cô tin rằng lý do Martensson đến đây là vì cái địa chỉ đặc biệt này. Ðó là cửa ra vào mặt tiền căn hộ của Blomkvist.
Figuerola có thể thấy rằng theo dõi cái vùng ở xung quanh khối nhà số 1 Bellmansgatan sẽ là một ác mộng. Chỗ duy nhất có thể quan sát trực tiếp được cửa ra vào của tòa nhà là ở con đường dạo chơi và cây cầu đi bộ ở mạn trên con đường Bellmansgatan gần thang máy Maria và tòa nhà Laurinska. Ở đấy không có chỗ đỗ xe, người theo dõi bằng mắt sẽ đứng phơi mặt ra trên cầu đi bộ, chẳng khác một con chim nhạn đậu trên cột dây thép cũ kỹ giữa đồng quê. Ngã tư Bellmansgatan và Tavastgatan, nơi Figuerola đang đỗ xe, rõ ràng là nơi duy nhất cô có thể cứ ngồi ở trong xe mà vẫn nhìn được toàn cảnh. Không ngờ cô lại may thế. Nhưng nó không phải là chỗ tốt đặc biệt vì bất cứ người quan sát cảnh giác nào cũng sẽ nhìn thấy cô ở trong xe. Nhưng cô không muốn xuống xe đi loanh quanh trong khu vực. Người ta quá dễ dàng chú ý tới cô. Dáng hình cô nó chống lại cô, người đang sắm vai trò sĩ quan ẩn mình.
Lúc 9 giờ 10, Blomkvist hiện ra. Figuerola ghi giờ phút. Cô thấy anh ngước lên cầu đi bộ ở mạn trên của đường Bellmansgatan. Anh bắt đầu leo lên quả đồi ở ngay trước mặt cô.
Cô tìm trong túi xách, lấy bản đồ Stockholm để lên ghế rồi mở nó ra. Cô giở sổ tay và lấy một cây bút ở trong túi jacket. Cô rút di động ra làm bộ đang nói chuyện, cúi đầu cúi xuống để cho bàn tay cầm di động che đi một phần mặt cô.
Cô thấy Blomkvist liếc xuống phía Tavastgatan. Anh ta biết đang bị theo dõi và chắc đã trông thấy chiếc Volvo của Martensson. Nhưng anh vẫn đi, không tỏ ra chú ý gì hết tới chiếc xe. Hành động bình tĩnh, lì.
Lát sau anh đi qua xe Figuerola. Cô rõ ràng là đang tìm địa chỉ trên bản đồ trong khi vẫn nói chuyện vào di động nhưng cô có thể cảm thấy Blomkvist nhìn cô khi đi qua. Nghi ngờ mọi cái ở xung quanh mình. Cô nhìn anh trong gương sườn xe ở phía khách ngồi khi anh đi xuống mạn Hornsgatan. Cô đã thấy anh hai, ba lần trên tivi nhưng đây là lần đầu tiên cô thấy tận mặt. Anh mặc quần jean xanh dương, áo phông và jacket xám. Anh mang một túi khoác vai, sải chân dài, thư thả. Một người bảnh trai.
Martensson ló ra ở góc phố cạnh Cánh tay Giáo sĩ. Hắn có một túi thể thao bự ở trên vai và vừa nói chuyện trên di động xong. Figuerola cho đợi hắn đi theo con mồi nhưng cô ngạc nhiên thấy hắn qua đường ở ngay trước xe cô rồi rẽ xuống quả đồi đi đến tòa nhà có căn hộ của Blomkvist. Một tích tắc sau một người mặc quần áo bảo hộ lao động đi qua xe cô rồi bắt kịp Martensson. Chào, cậu vọt ở đâu ra thế hả?
Hai người dừng lại trước cửa tòa nhà có căn hộ của Blomkvist. Martensson bấm mã khóa cửa rồi cả hai biến vào trong lòng giếng cầu thang. Chúng đang lục soát căn hộ. Dân nghiệp dư vụng trộm. Hắn nghĩ hắn đang làm cái trò quỷ gì thế này chứ?
Rồi Figuerola giật minh khi ngước mắt lên gương chiếu hậu thì lại thấy Blomkvist. Anh đang đứng ở sau xe cô chừng mười mét, đủ gần để anh có thể theo dõi Martensson và đồng đảng bằng cách nhìn qua đỉnh đồi dốc xuống số 1 Bellmansgatan. Cô nhìn kỹ mặt anh. Anh không nhìn cô. Nhưng anh đã thấy Martensson vào qua cửa chính của tòa nhà. Một lát sau anh quay gót đi tiếp cuốc dạo bộ đến Hornsgatan.
Figuerola ngồi im nửa phút. Anh ta biết đang bị theo dõi. Anh ta đang tìm xem cái gì xảy ra ở quanh anh ta. Nhưng sao anh ta không phản ứng lại? Một người bình thường là phải phản ứng, và phản ứng khá là mạnh nữa ấy chứ... Chắc anh ta đã có mánh gì đây.

*

Blomkvist đặt điện thoại xuống, nhìn vào cuốn sổ tay trên bàn làm việc. Sở Đăng ký xe Nhà nước vừa mới báo anh hay rằng chiếc xe anh nhìn thấy ở đầu phố Bellmansgatan với một phụ nữ tóc vàng ở bên trong là của Monica Figuerola, sinh năm 1969, sống ở phố Pontonjargatan tại Kungsholmen. Vì người trong xe là phụ nữ nên Blomkvist cho rằng đó chính là Figuerola.
Cô ấy vừa nói vào di động vừa xem bản đồ đặt ở trên ghế. Blomkvist không có lý do để tin rằng cô ấy có quan hệ nào đó với câu lạc bộ Zalachenko, nhưng anh ghi lại mọi bất thường, đặc biệt quanh căn hộ của anh, tất cả những gì khác với thường lệ.
Anh gọi Karim đến.
- Người phụ nữ này là ai, Lottie? Moi ra ảnh hộ chiếu của cô ta, nơi làm việc... Và mọi thứ anh có thể tìm được.

*

Sellberg nom khá sửng sốt. Anh đẩy đi tờ giấy gồm chín điểm vắn tắt mà Berger vừa trình bày ở cuộc họp hàng tuần của ban ngân sách. Flodin nom cũng bối rối tương tự. Y như mọi lần, Chủ tịch Borgsjo có vẻ đứng giữa.
- Cái này không thể được, - Sellberg nói, mỉm cười lịch sự.
- Tại sao không? - Berger nói.
- Hội đồng quản trị sẽ không tán thành.
- Chúng ta sẽ phải đem đến tận cấp cao nhất ư? - Berger nói. - Tôi được thuê để làm cho SMP có lãi trở lại. Muốn thế tôi phải làm một cái gì đó chứ, ông không thấy sao?
- À, vâng, nhưng...
- Tôi không thể cứ ở trong văn phòng mà vung cây đũa thần rồi ước gì nội dung tờ báo hiện lên được.
- Bà gần như không hiểu được những vấn đề kinh tế nghiệt ngã.
- Rất có thể là thế. Nhưng tôi hiểu cách làm báo. Sự thật là trong mười lăm năm qua, nhân sự của tờ SMP đã bị giảm đi một trăm mười tám người. Một nửa là các họa sĩ thiết kế, trình bày..., vì đã có công nghệ mới làm thay. Nhưng trong thời kỳ ấy, cũng đã giảm bớt đi bốn mươi tám phóng viên góp sức vào việc bắt chước thiên bạ.
- Cần phải cắt như thế. Nếu không cắt nhân viên, thì đã phải xếp xó tờ báo lại từ lâu rồi. Ít nhất thì Morander cũng hiểu cần thiết phải cắt giảm.
- Ðược, cái gì cần, cái gì không, chúng ta hãy chờ xem. Trong ba năm, mười chín phóng viên đã biến mất. Về tổng thể, tình hình của chúng ta hiện nay là có chín vị trí ở SMP đang không người, phải bù vào bằng các nhà báo làm tạm thời ở một mức nào đó. Phòng thể thao thiếu người đến độ nguy hiểm. Cần chín người ở đó mà hơn một năm rồi hai chỗ vẫn bị trống.
- Ðây là chuyện tiết kiệm một khoản tiền, chẳng ai cho không chúng ta khoản tiền đó cả. Ðơn giản như vậy đó.
- Phòng Văn hóa có ba chỗ trống. Mục kinh doanh, kinh tế thiếu một. Thực tế không còn tồn tại cả mảng pháp lý nữa... biên tập viên chính của chúng ta ở mảng đấy cứ phải đặt phóng viên các phòng khác viết từng bài cho ông ấy. SMP không đưa tin bài nghiêm túc về các cơ quan dân sự và Chính phủ ít nhất cũng đã tám năm rồi. Ở mảng này chúng ta trông vào các cây bút tự do và tài liệu thì lấy từ hãng tin TT. Mà như các ông bà biết đấy, TT đã dẹp mảng dân sự từ mấy năm trước mất rồi. Nói cách khác, cả Thụy Ðiển không có lấy một phòng biên tập nào chuyên đưa tin bài về vấn đề dân sự và các cơ quan Chính phủ.
- Nghề làm báo đang ở trong một tình thế nguy nan...
- Sự thật là hoặc SMP sẽ tức khắc bị sập hoặc tòa soạn cần tìm ra cách để có được một tư thế chống trả mạnh. Ở chúng ta, số người phụ trách bài vở ngày càng ít đi hơn. Họ toàn viết ra các bài báo đáng sợ, hời hợt và họ không có lòng tin. Lý do SMP mất bạn đọc là ở đấy.
- Bà không hiểu tình hình...
- Tôi đã phát mệt cứ nghe mãi câu “bà không hiểu tình hình”. Tôi không phải là người làm tạm ở đây cốt để lấy tiền về xe bus.
- Nhưng đề nghị của bà là trật.
- Sao lại thế được?
- Ðề nghị của bà sẽ làm cho tờ báo sẽ không có lãi.
- Nghe đây, Sellberg, năm nay ông sẽ chi trả một khoản cổ tức đồ sộ cho hai mươi ba vị có cổ phần trong tờ bảo. Thêm vào đó những món bổng lộc phi lý không thể tha thứ được cho chín người ngồi ở trong Hội đồng quản trị của SMP sẽ khiến cho tờ báo tiêu tốn tới gần mười triệu krona. Ông tự thưởng cho ông 400.000 krona vì đã cắt giảm đâu ra đấy. Dĩ nhiên còn kém xa so với các khoản tiền thưởng kếch xù mà mấy vị giám đốc của Skandia vơ lấy. Nhưng theo tôi thì ông không xứng đáng nhận một xu tiền thưởng nào cả. Tiền thưởng là để dành cho những ai làm cho tờ báo chúng ta mạnh lên. Sự thật rành rành là việc ông cắt giảm người đã làm cho SMP yếu đi, làm cho cơn khủng hoảng mà chúng ta đang sa vào càng trầm trọng hơn.
- Nói thế là hết sức không công bằng. Các biện pháp mà tôi đề nghị đều được Hội đồng quản trị tán thành.
- Hội đồng quản trị tán thành các biện pháp của ông, dĩ nhiên là như thế, bởi vì ông bảo đảm năm nào cũng có lợi tức. Chuyện đó phải chấm dứt, và chấm dứt ngay bây giờ.
- Vậy là bà hoàn toàn nghiêm túc đề xuất rằng Hội đồng quản trị nên quyết định bãi bỏ lợi tức và tiền thưởng. Ðiều gì khiến bà nghĩ rằng các cổ đông sẽ tán thành chuyện đó?
- Tôi đang đề nghị một ngân sách hoạt động không có lãi năm nay. Như thế nghĩa là tiết kiệm được gần hai triệu krona và cơ hội củng cố tòa soạn và tài chính của SMP lên. Tôi cũng đề nghị cắt lương của những người điều hành. Tôi được trả một khoản lương tháng 88.000 krona, điều này với một tờ báo không thể lấy thêm người vào bộ phận thể thao thì vô cùng là không lành mạnh.
- Vậy bà muốn giảm lương của bà xuống chứ? Bà đang bênh vực cho kiểu lương cộng sản nào thế nhỉ?
- Ðừng móc máy tôi. Ông làm 112.000 krona một tháng, nếu tính cả bổng lộc hàng năm của ông. Điều đó là trật. nếu tờ báo vững vàng, lãi về như nước thì lúc ấy hãy trả bổng lộc nhiều như ông mong muốn. Nhưng đây không phải lúc để ông cho tăng bổng lộc lên. Tôi đề nghị giảm một nửa lương của tất cả những người điều hành tờ báo.
- Ðiều bà không biết là các cổ đông mua cổ phần của báo vì muốn kiếm tiền. Cái đó gọi là chủ nghĩa tư bản. Nếu bà xếp đặt thế nào mà để cho họ mất tiền thì họ sẽ không còn muốn làm cổ đông nữa đâu.
- Tôi không gợi ý để cho họ mất tiền, tuy cũng có thể đi đến chỗ đó. Quyền sở hữu đòi hỏi cả trách nhiệm. Như chính ông chỉ ra đó, chủ nghĩa tư bản là điều quan trọng ở đây. Những người sở hữu SMP muốn làm ra lãi. Nhưng thị trường mới quyết định lãi hay lỗ của ông. Theo ông lập luận thì ông muốn các quy tắc của chủ nghĩa tư bản chỉ áp dụng cho các nhân viên của SMP mà thôi, còn ông và các cổ đông thì ngoại lệ.
Sellberg trợn tròn mắt lên rồi thở dài. Ông liếc với vẻ van nài về phía Borgsjo nhưng Chủ tịch Hội đồng quản trị còn đang chăm chú nghiên cứu chương trình chín điểm của Berger.

*

Figuerola chờ bốn mươi chín phút thì Martensson và gã mặc quần áo lao động đi ra khỏi tòa nhà số 1 Bellmansgatan. Trong khi chúng đi thẳng lên quả đồi phía cô, cô rất bình thản giơ chiếc Nikon có ống kính 300 li chụp xa lên chụp hai bức. Cô để máy ảnh lên chỗ trống ở dưới ghế và vừa mới sắp vờ loay hoay sờ mó tấm bản đồ thì tình cờ liếc về đằng thang máy Maria. Mắt cô mở to. Ở đầu kia con đường Bellmansgatan, ngay bên cạnh cửa thang máy, một phụ nữ tóc tối màu đứng quay phim Martensson và gã đi cùng hắn. Quái quỷ gì đây? Hôm nay ở Bellmansgatan có kiểu hội ước gián điệp gì đó hay sao à?
Không nói năng lời nào, hai người đàn ông chia tay nhau ở đỉnh quả đồi. Martensson quay về xe hắn trên đường Tavastgatan. Hắn lái ra khỏi chỗ rẽ và biến mất.
Fíguerola nhìn vào gương chiếu hậu, thấy được lưng của người đàn ông mặc quần áo bảo hộ lao động màu xanh dương. Lúc ấy cô thấy người phụ nữ cầm máy quay phim đã ngừng quay và đang đi qua tòa nhà Laurinska đến phía cô.
Kẻ theo dõi hay con mồi? Cô đã biết Martensson là ai và hắn đang làm trò gì. Người mặc quần áo lao động và người phụ nữ cầm máy quay phim là những nhân vật cô không biết. Nhưng nếu xuống xe, cô sẽ có cơ bị người phụ nữ nhìn thấy.
Cô ngồi im. Trong gương chiếu hậu cô thấy người đàn ông mặc quần áo lao động xanh dương rẽ vào đường Brannkyrkagatan. Cô chờ đến khi người phụ nữ đi tới ngã tư ở trước mặt cô, nhưng thay vì bám theo người đàn ông mặc quần áo lao động, chị ta lại quay 180 độ đi xuống quả đồi dốc tới số 1 Bellmansgatan. Figuerola nhận thấy chị ta trạc ba mươi lăm, ba mươi sáu tuổi. Chị ta có bộ tóc đen cắt ngắn, mặc jean thẫm màu và jacket đen. Chị ta vừa xuống đồi được một đoạn thì Figuerola mở cửa xe chạy về phía Brannkyrkagatan. Cô không trông thấy được người mặc quần áo bảo hộ lao động xanh dương. Một giây sau, một chiếc van Toyota ở lề đường nổ máy. Figuerola trông thấy nghiêng nửa mặt người đàn ông và nhớ biển số. Nếu cô có nhớ lầm biển đăng ký thì chắc vẫn có thể dò ra nó. Có dòng quảng cáo Dịch vụ Khóa và Chìa Lars Faulsson ở hai bên sườn xe - với một số điện thoại.
Không cần phải theo chiếc xe. Cô thong thả quay lại đi ngược lên đỉnh đồi, vừa kịp trông thấy người phụ nữ biến mất qua cửa tòa nhà có căn hộ của Blomkvist.
Cô quay về xe ghi lại cả số đăng ký lẫn số điện thoại Lars Faulsson. Có nhiều người bí ẩn đi lại quanh nhà Blomkvist sáng hôm ấy. Cô nhìn lên mái nhà số 1 Bellmansgatan. Cô biết căn hộ của Blomkvist ở trên tầng thượng. Theo bản thiết kế nhà của Sở Xây dựng thành phố, nó ở phía bên kia tòa nhà với cửa sổ áp mái nhìn ra Gamla Stan và các cột nước của công viên Riddarfjarden. Một địa chỉ đặc biệt ở một khu văn hóa cổ. Cô nghĩ liệu anh có là một tay nouveau riche mới giàu thích khoe mẽ hay không.
Mười phút sau, người phụ nữ với máy quay phim lại ra khỏi tòa nhà. Thay vì trở lại quả đồi đến Tavastgatan, chị ta lại tiếp tục xuống đồi và rẽ phải ở góc Pryssgrand. Hừm. Nếu chị ta có một chiếc xe để ở bên dưới Pryssgrand kia thì Figuerola hết may. Nhưng nếu chị ta đi bộ thì chỉ có một lối ra khỏi ngõ cụt - đi lên Brannkyrkagatan qua Pustegrand rồi đi tới Slussen.
Figuerola quyết định bỏ xe ở đằng sau và rẽ trái về hướng Slussen trên đường Brannkyrkagatan. Cô sắp tới Pustegrand thì người phụ nữ xuất hiện, đi đến phía cô. Trúng rồi. Cô theo chị ta qua khách sạn Hilton trên đường Sodermalmstorg rồi qua bảo tàng Stadsmuseum ở Slussen. Người phụ nữ đi nhanh và có mục đích, không nhìn quanh quẩn một lần nào. Figuerola để chị ta đi trước chừng ba chục mét. Khi chị ta vào hầm xe điện ngầm Slussen, Figuerola rảo chân hơn nhưng dừng lại khi thấy người phụ nữ đến quầy báo Pressbyran chứ không đi qua cửa quay.
Cô nhìn người phụ nữ xếp hàng ở quầy Pressbyran. Cô ta cao chừng mét bảy và nom dáng có vẻ khá hay. Cô ta đi giầy thể thao. Nhìn cô ta đứng hai chân vững vàng cạnh quầy báo, Figuerola chợt có cảm giác cô ta là cảnh sát. Cô ta mua một hộp thuốc lá hít Catch Dry rồi quay lại ra đường đến Sodermalmstorg, rẽ phải qua Katarinavagen.
Figuerola đi theo. Cô gần như chắc dạ là người phụ nữ không trông thấy cô. Người phụ nữ rẽ ở góc cửa hàng McDonald's, Figuerola vội bám theo nhưng khi cô ra tới góc phố, người phụ nữ đã biến mất tăm, không để lại dấu vết. Figuerola đứng sững.Chết tiệt. Cô đi chầm chậm qua cổng các tòa nhà. Rồi bất chợt cô thấy một biển đồng có dòng chữ An ninh Milton.
Figuerola đi bộ ngược lại về Bellmansgatan.
Cô lái xe đến Gotgatan, nơi có trụ sở tòa báo Millennium, bỏ nửa giờ đi bộ loanh quanh các phố trong khu vực này. Cô không thấy xe của Martensson. Giờ ăn trưa, cô quay lại bản doanh cảnh sát ở Kungsholmen rồi bỏ ra hai giờ vừa ngẫm nghĩ vừa nâng tạ.

*

- Chúng ta có chuyện, - Cortez nói.
Rời mắt khỏi bản thảo quyển sách về Zalachenko, Eriksson và Blomkvist nhìn lên. Là 1 rưỡi chiều.
- Ngồi đi, - Eriksson nói.
- Chuyện về Liên doanh Vitavara, cái công ty làm toa lét 1.700 krona ở Việt Nam.
- Ðược. Chuyện gì? - Blomkvist hỏi.
- Liên doanh Vitavara là một chi nhánh hoàn toàn thuộc về sở hữu của Liên doanh Xây dựng Svea.
- Tôi biết. Một hãng rất lớn.
- Ðúng, rất lớn. Chủ tịch Hội đồng quản trị của nó là Magnus Borgsjo, người chuyên xuất hiện trong các hội đồng quản trị. Ông ta cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Svenska Morgon-Posten, và sở hữu mười phần trăm tờ báo này.
Blomkvist nhìn xoáy vào Cortez.
- Có chắc không?
- Ê kìa. Ông chủ của Berger là một cha lừa đảo, một kẻ bóc lột lao động trẻ con ở Việt Nam.

*

Phó Tổng biên tập Fredriksson nom không vui khi gõ cửa vào gian phòng kính của Berger
- Chuyện gì thế?
- Hơi phiền một tí, nhưng có người ở tòa soạn nhận được một thư điện tử của bà.
- Của tôi? Thế ư? Nói cái gì?
Ông đưa ra cho chị mấy bản in thư điện tử gửi cho Eva Carlsson, một cô gái hai mươi sáu tuổi làm tạm thời cho trang Văn hóa. Theo thông tin ở đầu bản in thì người gửi là <erika.berger@smpost.se>:
Eva yêu mến. Chị muốn xoa và hôn vú em. Chị nứng nóng ran lên, không thể tự kiềm chế được nữa. Chị van em hãy đáp trả lại tình cảm này của chị. Chúng ta gặp nhau được không?
-----
Rồi hai bức nữa trong mấy ngày sau:
Yêu nhất, Eva cưng. Chị van em đừng từ chối chị. Chị thèm khát em phát điên lên. Chị muốn em trần truồng bên chị. Chị sẽ làm cho em sướng. Em sẽ không ân hận chuyện đó. Chị sẽ hôn từng li một trên làn da trần của em, lên đôi vú đáng yêu cũng như cái hang động ngon lành của em.
-----
Eva. Tại sao em không trả lời? Ðừng sợ chị. Đừng gạt chị đi. Em không vô tội. Em biết hết là chuyện gì cả rồi. Chị muốn làm tình với em và em sẽ được thưởng hậu hĩ. Nếu em tốt với chị thì chị sẽ tốt với em. Em đã xin gia hạn hợp đồng làm thêm. Chị có quyền gia hạn cho em, thậm chí còn cho em cả việc làm chính thức nữa. Chúng ta hãy gặp nhau 9 giờ tối nay ở chỗ xe của chị trong gara. Erika của em.
-----
- Được, - Berger nói. - Bây giờ cô ấy đang nghĩ liệu có phải là tôi đã viết cho cô ấy, có phải là thế không?
- Không hẳn như thế... ý tôi muốn nói là... ái chà...
- Peter, xin cứ nói ra đi.
- Ở bức thư thứ nhất thì cô ấy kiểu như nửa tin nửa ngờ, tuy cô ấy hoàn toàn ngạc nhiên về nó. Nhưng cô ấy nhận thấy thật ra đây không phải là phong cách của bà và rồi...
- Rồi sao?
- Cô ấy nghĩ chuyện này rất phiền phức và hoàn toàn không biết nên làm thế nào. Một phần chắc là bà đã gây được ấn tượng với cô ấy và cô ấy cũng quý mến bà nhiều... như một cấp trên, ý tôi là nói như vậy. Cho nên cô ấy đã tìm tôi xin lời khuyên.
- Thế ông bảo cô ấy sao?
- Tôi nói cô người ta đã giả mạo địa chỉ của bà và rõ ràng là đang quấy rối cô ấy. Hay có thể quấy rối cả hai người. Rồi tôi bảo tôi sẽ nói với bà chuyện này.
- Cảm ơn ông. Phiền ông có thể bảo cô ấy mười phút nữa đến đây được không?
Trong khi đó Berger thảo bức thư điện tử của chị.
Tôi đã được lưu ý rằng một nhân viên ở SMP đã nhận được một số thư điện tử có vẻ như do tôi gửi đi. Các thư đó có những lởi lẽ dung tục về tính dục. Tôi cũng nhận được những thư điện tử tương tự của một người gửi giả mạo địa chỉ tên miền của SMP. Thực tế không có địa chỉ nào như thế.
Tôi đã hỏi ý kiến trưởng bộ phận công nghệ thông tin, ông ấy bảo tôi rằng rất dễ làm địa chỉ giả của người gửi. Tôi không hiểu cách làm như thế nào nhưng trên Internet có những chỗ có thể tạo nên được những địa chỉ giả như thế. Tôi cần phải rút ra kết luận rằng một vài cá nhân bệnh hoạn đang đạo diễn trò đùa này.
Tôi muốn biết liệu có đồng nghiệp nào khác nhận được những thư kỳ quặc như vậy không. Nếu có, tôi muốn những người đó hãy báo ngay cho Fredriksson. Nếu những trò đùa ác rất không hay ho này còn tiếp tục thì chúng ta sẽ tính đến việc báo cảnh sát.
Erika Berger, Tổng bíên tập
-----
Cô in ra một bản rồi click gửi bức thư điện tử đến tất cả các nhân viên trong tòa báo. Vào lúc ấy, Eva Carlsson gõ cửa.
- Chào, mời ngồi, - Berger nói. - Peter nói em có nhận được một thư điện tử của tôi.
- Vâng, tôi thực sự không nghĩ là bà gửi.
- Ba mươi giây trước đây em nhận được một thư điện tử của tôi. Tôi tự viết lấy tất cả và đã gửi cho từng người ở trong công ty.
Chị đưa cho Carlsson một bản.
- Vâng, - Cô gái nói.
- Tôi thực sự xin lỗi rằng một ai đó lại đã quyết định nhằm vào em vì cái chiến dịch xấu xa này.
- Bà không phải xin lỗi vì hành vi của một đứa ngu nào đó.
- Tôi chỉ muốn được biết chắc chắn rằng em không bị vởn một chút nghi ngờ nào rằng tôi đã có liên quan đến các thư điện tử kia thôi.
- Tôi không bao giờ tin bà lại đi gửi những thư như vậy.
- Cảm ơn, - Berger mỉm cười nói.

*

Figuerola bỏ buổi chiều ra thu thập thông tin. Cô bắt đầu bằng yêu cầu có ảnh hộ chiếu của Faulsson. Rồi cô kiểm tra trong sổ sách ghi nhận các tiền án tiền sự và lập tức vớ ngay được kết quả.
Lars Faulsson, bốn mươi bảy tuổi, có biệt hiệu Falun, bắt đầu nghiệp tội ác bằng ăn cắp xe hơi từ lúc mười bảy. Trong hai thập niên 70, 80, hắn đã bị bắt hai lần với tội phá khóa vào nhà, trộm cắp và tàng trữ vật ăn cắp. Lần đầu hắn chịu một án tù nhẹ; lần thứ hai hắn bị ba năm. Thời gian này, hắn được coi như là “cao thủ” trong các câu lạc bộ tội phạm và đã bị thẩm vấn vì bị tình nghi về ba vụ trộm cắp khác, trong đó một lần là vụ phá két khá phức tạp trong một nhà bách hóa từng được báo chí tường thuật rộng rãi. Năm 1984, khi ra tù, hắn giữ được tiếng sạch sẽ - hay ít nhất hắn không chơi vụ nào đến nỗi bị bắt rồi ngồi tù lại. Hắn thu mình lại làm một anh thợ khóa (trong đủ thứ nghề hắn biết), năm 1987 hắn mở công ty riêng, Dịch vụ Khóa và Chìa, địa chỉ gần Norrtull ở Stokholm.
Nhận diện người phụ nữ quay phim Martensson và Faulsson hóa ra lại dễ chứ không khó như Figuerola tưởng. Chỉ việc gọi An ninh Milton, giải thích cô đang tìm một nữ nhân viên cô đã gặp trước đó nhưng rồi quên mất tên. Cô có thể tả rõ hình đáng người này. Tổng đài điện thoại của Milton nói mô tả nghe giống Susanne Linder, rồi cho Figuerola liên hệ. Khi Linder trả lời điện thoại, Figuerola xin lỗi nói chắc mình đã bấm nhầm số.
Danh bạ công cộng có ghi mười tám Susanne Linder ở tỉnh Stockholm, ba người trong đó trạc ba mươi lăm tuổi. Một người sống ở Norrtalje, một ở Stockholm và một ở Nacka. Cô đòi lấy ảnh hộ chiếu của họ và nhận ra ngay người phụ nữ cô theo ở Bellmansgatan là Susanne Linder hiện sống ở Nacka.
Cô ghi công việc phải làm hôm đó vào sổ ghi nhớ rồi đi gặp Edklinth.

*

Blomkvist đóng tập hồ sơ tìm kiếm của Cortez lại rồi ngán ngẩm đẩy nó ra xa. Malm đặt bản in bài báo của Cortez mà anh đã đọc đến bốn lần xuống. Cortez ngồi ở đi văng trong phòng của Eriksson, nom vẻ có lỗi.
- Cà phê, - Eriksson nói, đứng lên. Cô quay lại với bốn ly cà phê.
- Chuyện này bẩn thỉu, - Blomkvist nói. - Nghiên cứu hạng nhất. Tài liệu sưu tầm đầy đủ. Kịch tính hoàn hảo với một cha xấu xa lừa đảo những người thuê nhà ở Thụy Ðiển thông qua hệ thống hợp pháp - nhưng hắn lại tham lam và ngu xuẩn ghê gớm đến nỗi ký hợp đồng với công ty này ở Việt Nam.
- Viết cũng rất tốt nữa, - Malm nói. - Ngày kia chúng ta đăng, Borgsjo sẽ là persona non grata, người không được chấp nhận. Truyền hình sẽ nhón ngay chuyện này lên. Hắn sẽ có chuyện với các giám đốc của Skandia. Một bài thực sự giật gân củaMillennium. Làm hay đấy, Henry.
- Nhưng cũng phiền lây sang Erika đây, - Blomkvist nói.
- Sao lại có chuyện phiền ấy được chứ? - Eriksson nói. – Erika không phải là người xấu. Chúng ta phải được tự do xem xét bất cứ chủ tịch hội đồng quản trị nào, dù cho đó có là ông chủ của Erika đi nữa.
- Cái đồ quỷ tiến thoái đều khó này, - Blomkvist nói.
- Erika không có rời hẳn đây, - Malm nói, - chị ấy có ba mươi phần trăm cổ phần ở Millennium và có ghế trong Hội đồng quản trị của chúng ta. Thực tế chị ấy đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị, đến khi chúng ta bầu được Harriet Vanger vào lần họp Hội đồng quản trị tới thì mới thôi, mà chuyện họp này cũng phải đến tháng Tám cơ. Thêm nữa là Erika đang làm ở SMP, ở đấy chị ấy cũng ở trong Hội đồng quản trị, thế mà các bạn lại sắp vạch mặt Chủ tịch của chị ấy ra.
Im lặng buồn bã.
- Thế vậy chúng ta sẽ làm cái đồ quỷ gì đây? - Cortez nói. - Chúng ta giết bài báo đi chứ?
Blomkvist nhìn thẳng vào mắt Cortez:
- Không, chúng ta không giết bài báo. Ở Millennium chúng ta làm kiểu chúng ta. Nhưng sẽ mất thì giờ chạy đi chạy lại. Chúng ta không thể coi bàn làm việc của Erika như tấm bảng dán báo rồi đem quăng rác lên đó được.
Malm giơ một ngón tay lên ngoay ngoáy.
- Chúng ta thực sự đang làm cho Erika chết đứng. Chị ấy sẽ chọn hoặc bán cổ phần của chị ấy ở Millennium rồi bỏ chúng ta hoặc... tệ nhất thì có thể sẽ bị SMP sa thải. Trường hợp nào thì chị ấy cũng bị giằng xé đáng sợ về lợi ích. Thật thà mà nói, Henry... tôi tán thành với Mikael rằng chúng ta nên đăng bài báo nhưng có lẽ phải hoãn lại chừng một tháng.
- Vì chúng ta cũng đang đối mặt với một xung đột về tình nghĩa nữa, - Blomkvist nói.
- Tôi có nên gọi cho chị ấy không?
- Không, Christer. - Blomkvist nói. - Tôi sẽ gọi cho cô ấy rồi thu xếp gặp. Cho là tối nay đi.

*

Figuerola viết tóm tắt lại màn xiếc xảy ra ở quanh khu nhà của Blomkvist trên đường Bellmansgatan. Edklinth cảm thấy sàn nhà hơi đung đưa dưới ghế ông ngồi.
- Một nhân viên của SIS vào trong chung cư nhà Blomkvist với một tay trước kia chuyên bẻ khóa phá két, nay rút về làm một anh thợ khóa.
- Ðúng.
- Cô cho là họ đã làm gì trong lòng giếng cầu thang?
- Tôi không biết. Nhưng họ ở trong đó bốn mươi chín phút. Tôi đoán là Faulsson mở cửa còn Martensson thì giết thì giờ trong căn hộ của Blomkvist.
- Thế họ làm gì trong đó?
- Chắc không phải để gắn bọ nghe trộm vì việc đó chỉ mất một hai phút thôi. Martensson chắc phải đọc kỹ giấy tờ của Blomkvist hay một cái gì đó mà anh ta để ở nhà.
- Nhưng Blomkvist đã được báo động... Chúng đã ăn cắp báo cáo của Bjorck ở đấy mà.
- Hoàn toàn đúng. Anh ta biết mình bị theo dõi, anh ta còn theo dõi lại kẻ theo dõi anh ta. Anh ta có tính toán.
- Tính toán cái gì?
- Ý tôi là anh ta có một kế hoạch. Anh ta thu thập thông tin và bày ra cho Martensson bập vào. Chỉ có thể giải thích như vậy mới hợp lý thôi.
- Thế còn cô Linder kia?
- Susanne Linder, nguyên sĩ quan cảnh sát.
- Sĩ quan cảnh sát?
- Tốt nghiệp Học viện cảnh sát, làm sáu năm ở đội trọng án Sodermalm. Thình lình nghỉ việc. Trong hồ sơ không có gì nói đến nguyên nhân nghỉ việc. Mấy tháng cô ta không làm gì rồi được An ninh Milton thuê.
- Armansky, - Edklinth tư lự nói. - Cô ta ở trong tòa nhà bao lâu?
- Chín phút.
- Làm gì?
- Cô ấy đã quay phim Martensson và Faulsson ở trên phố, tôi đoán là cô ta ghi tài liệu về hoạt động của chúng. Có nghĩa là An ninh Milton đang làm việc cho Blomkvist và đã đặt các máy quay phim ở trong nhà anh ta hay trong lòng giếng cầu thang. Chắc cô ấy đi thu nhặt phim về.
Edklinth thở dài. Vụ Zalachenko đang bắt đầu phức tạp ghê gớm đây.
- Cảm ơn. Về nhà đi. Tôi phải nghĩ về chỗ này.
Figuerola đến phòng tập thể lực ở phố Thánh Eriksplan.

*

Blomkvist dùng chiếc di động thứ hai của anh khi anh bấm số của Berger ở SMP. Anh đã cắt ngang cuộc thảo luận của chị với các biên tập viên về việc nên đứng ở góc độ khi viết một bài về khủng bố quốc tế.
- Ô, chào anh... chờ một tí.
Berger đặt tay che miệng loa của điện thoại.
- Tôi nghĩ thế là hết, - chị nói rồi cho thêm chỉ thị cuối cùng.
Khi còn một mình chị nói:
- Chào, Mikael. Xin lỗi đã không liên lạc gì. Em đúng là bị sa lầy ở đây. Có cả nghìn thứ em cần phải học. Món Salander ra sao?
- Tốt, nhưng gọi em không phải vì chuyện ấy. Anh cần gặp em. Tối nay.
- Có thể được nhưng em phải ở đây cho tới 8 giờ. Và em mệt chết lên đây. Từ sáng sớm em đã ở đây. Chuyện gì thế?
- Gặp anh sẽ nói. Nhưng là không hay.
- 8 rưỡi em sẽ đến nhà anh.
- Không, không ở nhà anh. Chuyện dài nhưng lúc này nhà anh không thích hợp. Chúng ta hãy gặp nhau ở quán Chảo Ðại của Samir uống bia.
- Em đang lái xe.
- Vậy thì bia nhẹ.

*

Berger hơi khó chịu khi vào quán Chảo Ðại của Samir. Chị cảm thấy có lỗi vì đã không liên hệ với Blomkvist kể từ ngày chị bước chân vào SMP.
Blomkvist vẫy ở một cái bàn góc nhà. Chị đứng lại ở lối cửa ra vào. Một thoáng giây anh nom như người xa lạ. Ai ở đằng kia thế nhỉ? Ôi, mình mệt quá. Rồi anh đứng dậy hôn lên má chị, chị ngán ngẩm nhận ra là chị đã không nghĩ tới anh đến mấy tuần liền và chị nhớ anh dữ dội. Dường như thì giờ của chị ở SMP chỉ là một giấc mơ và thình lình chị sẽ thức  dậy trên đi văng tạiMillennium. Cảm thấy chuyện này như không có thật.
- Chào Mikael.
- Chào Tổng biên tập. Ăn Chưa?
- 8 rưỡi mà. Em không có cái thói ăn đáng khiếp của anh.
Samir mang thực đơn đến và chị nhận thấy mình đói.
Chị gọi bia, một đĩa nhỏ mực bút với khoai tây Hy Lạp. Blomkvist gọi món thịt nấu kiểu Bắc Phi và bia.
- Anh sao? - Chị hỏi.
- Chúng ta đang sống trong những lúc thú vị này đây. Anh cũng sa lầy luôn.
- Còn Salander?
- Cô ấy là một phần làm cho mọi chuyện rất thú vị.
- Mikael, em không nẫng mất câu chuyện của anh đi đâu.
- Anh không có ý né câu em hỏi. Sự thật là mọi cái lúc này đều hơi bị rối ren. Anh muốn kể cho em nghe tất cả nhưng như thế phải mất đến nửa đêm mất. Làm Tổng biên tập ở đó thế nào?
- Không giống như ở Millennium. Vừa về đến nhà là em ngủ vật ra như một cây nến tắt phụt vậy, tỉnh dậy em thấy la liệt giấy ở trước mắt. Em nhớ anh. Chúng ta không thể về anh ngủ được ư? Em chả còn hơi nào mà làm tình nhưng em thích nằm co ro mà ngủ ở cạnh anh.
- Anh xin lỗi Erika. Bây giờ nhà anh lôi thôi mất rồi.
- Sao chứ? Có chuyện gì?
- À, vài thằng khốn đã cài bọ ở nhà và chắc anh nói gì chúng đều nghe được hết. Anh đã đặt máy quay phim để ghi lại những gì xảy ra khi anh không có nhà. Anh nghĩ chúng ta không nên để cho hồ sơ nhà nước lại có cảnh em trần truồng.
- Anh nói đùa chứ?
- Không, nhưng gặp em tối nay không phải vì chuyện đó.
- Là gì nào? Bảo em đi.
- Được, anh sẽ nói rất thẳng thắn. Bọn anh tình cờ vớ được một chuyện sẽ làm cho Chủ tịch Hội đồng quản trị của em bị chìm xuồng. Ðó là chuyện dùng lao động trẻ em và bóc lột lao động ở Việt Nam. Bọn anh đang chứng kiến một xung đột về lợi ích.
Berger đặt dĩa xuống nhìn chăm chăm vào Blomkvist. Chị thấy ngay là anh không đùa.
- Chuyện là như thế này, - anh nói. - Borgsjo là chủ tịch và cổ đông lớn của một công ty tên là Liên doanh Xây dựng Svea, cái này quay ra lại là chủ sở hữu duy nhất của một chi nhánh tên là Liên doanh Vitavara. Họ làm nhà vệ sinh ở một nhà máy ở Việt Nam, nhà máy này đã bị Liên Hiệp Quốc lên án vì dùng lao động trẻ con.
- Nói lại với em đi nào.
Blomkvist kể cho chị các chi tiết trong câu chuyện mà Cortez viết. Anh mở máy tính lấy ra một bản sao tài liệu. Berger thong thả đọc bài báo. Cuối cùng chị ngửng lên nhìn vào mắt Blomkvist. Chị cảm thấy sợ không rõ lý do và có cả ngờ vực nữa.
- Quái quỷ gì mà sau khi em đi thì việc đầu tiên Milllennium làm lại là kiểm tra lý lịch của các thành viên Hội đồng quản trị củaSMP?
- Chuyện xảy ra không phải là như thế đâu, Erika. - Anh giải thích đầu đuôi câu chuyện.
- Thế các anh biết chuyện này bao lâu rồi?
- Hôm nay, chiều hôm nay. Anh thấy rất không thoải mái về việc phải đua câu chuyện này lên mặt báo.
- Anh sẽ làm gì?
- Anh không biết. Bọn anh phải đăng thôi. Bọn anh không thể chỉ vì nó nói đến ông chủ của em mà có ngoại lệ. Nhưng trong bọn anh không ai muốn làm em bị thiệt thòi hết.
Anh giơ hai tay lên:
- Tất cả bọn anh đều không vui vì tình hình này. Ðặc biệt là Henry.
- Em vẫn là thành viên Hội đồng quản trị của Millennium. Em là cổ đông... thế này rồi lại bị coi như là...
- Anh biết chính xác người ta sẽ nhìn nhận ra sao. Em sẽ rơi vào một đống thối rinh ở SMP.
Berger thấy toàn thân mệt rã rời. Chị nghiến răng lại và kìm ngay được ý định yêu cầu Blomkvist hãy bỏ bài viết ấy đi.
- Mẹ kiếp, - chị nói. - Mà cái đầu anh chả hề nghi ngờ gì cả...
Blomkvist lắc đầu.
- Anh bỏ cả chiều ra xem kỹ các tài liệu Henry đã thu thập được. Bọn anh sẵn sàng cho Borgsjo kềnh hẳn.
- Vậy các anh đã lên kế hoạch ra sao, và khi nào?
- Em sẽ làm gì nếu bọn anh tung chuyện này ra từ hai tháng trước?
Berger chăm chú nhìn người bạn mình, người cũng từng là người yêu của chị trong hơn hai mươi năm qua. Rồi chị cúi xuống.
- Anh biết là em sẽ làm gì rồi.
- Ðây là một trùng hợp tai họa. Không có một chút nào nhằm vào em hết. Anh ân hận ghê gớm. Vì thế anh nài gặp em ngay lập tức. Chúng ta phải quyết định làm gì.
- Chúng ta?
- Nghe anh..., dự định là cho đăng bài báo ở số tháng Bảy. Anh đã giết ngóm cái ý ấy. Sớm nhất là nó có thể ra vào tháng Tám. Và có thể sẽ hoãn lâu hơn nữa nếu em cần thêm thời gian.
- Em hiểu. - Giọng chị nghe cay đắng.
- Anh đề nghị lúc này chúng ta hãy chưa nên quyết định gì cả. Em mang tài liệu về nhà rồi suy nghĩ về nó. Không làm gì cả cho tới khi chúng ta bằng lòng về một chiến lược. Chúng ta có thì giờ.
- Một chiến lược chung ư?
- Hoặc em phải từ chức ở Hội đồng quản trị Millennium trước khi bọn anh đăng hoặc em từ chức ở SMP. Em không thể đội hai mũ ở trên đầu được.
Chị gật.
- Em dính với Millennium nhiều đến mức em có từ chức hay không thì cũng sẽ chẳng có ai tin là em đứng ngoài chuyện này.
- Có hai ngả chọn. Em có thể mang bài viết về SMP đối chẩt Borgsjo, yêu cầu ông ta từ chức. Anh hoàn toàn tin rằng Henry sẽ tán thành làm như thế. Nhưng chưa nhất trí hết thì chúng ta đừng làm gì cả.
- Vậy em cứ để cho cái người đã tuyển em bị sa thải.
- Anh ân hận.
- Ông ta không phải là người xấu.
- Anh tin em. Nhưng ông ta tham lam.
Berger đứng lên.
- Em về.
- Erika, anh...
Chị ngắt lời anh.
- Em mệt chết đi rồi đây. Cảm ơn đã báo em. Em sẽ cho anh biết.
Chị đi không hôn anh. Và anh phải trả hóa đơn.

*

Berger đã đỗ xe ở cách nhà hàng hai trăm mét, đi được nửa đường ra xe thì chị cảm thấy tim đập rất mạnh đến nỗi chị phải đứng lại dựa vào tường. Chị cảm thấy yếu mệt.
Chị đứng một lúc lâu thở hít không khí ấm dịu giữa tháng Năm. Từ 1 tháng Năm, chị làm việc mỗi ngày mười lăm tiếng. Như thế gần ba tuần. Chị sẽ cảm thấy thế nào sau ba năm nữa? Phải chăng trước khi ngã gục xuống chết ở phòng biên tập, Morander cũng đã cảm thấy như chị lúc này?
Mười phút sau chị quay về Chảo Ðại của Samir, vồ phải Blomkvist khi anh đang ra cửa. Anh đứng lại ngạc nhiên.
- Erika...
- Mikael, đừng nói gì cả. Chúng ta là bạn quá lâu rồi - không gì phá nổi được điều đó. Anh là người bạn thân nhất của em, việc này em cảm thấy cũng giống y như lần anh biến mất ở Hedestad hai năm trước, chỉ là ngược vế mà thôi. Em cảm thấy căng thẳng và không vui.
Anh ôm chị vào vòng tay. Chị cảm thấy cay mắt.
- Ở SMP ba tuần em đã tưởng em chết mất rồi đấy, - chị nói.
- Kìa kìa... Để cho Erika Berger chết thì phải mất nhiều hơn thế chứ.
- Căn hộ của anh lôi thôi. Còn em thì quá mệt khó mà lái về nhà nổi. Em sẽ ngủ gục xuống tay lái rồi chết vì đâm xe mất. Em đã quyết định. Em sẽ đi bộ đến khách sạn Scandic Crown, thuê một phòng. Anh đến với em đi.
- Nay nó tên là Hilton rồi.
- Chả có khác gì hết.

*

Họ đi một quãng ngắn không nói năng. Blomkvist quàng tay lên vai Berger. Cô liếc anh, thấy anh mệt cũng y như mình.
Họ đi thẳng đến quầy tiếp tân, thuê một phòng đôi và trả bằng thẻ tín dụng của Berger. Vào phòng, họ cởi quần áo, trườn lên giường, các cơ bắp của Berger đau tựa như chị vừa mới chạy maratông quanh Stockholm xong. Họ ôm ấp nhau một lúc rồi vài giây sau cùng ngủ thiếp đi.
Cả hai chả ai để ý thấy một người đàn ông đứng ở gian sảnh nhìn họ khi họ bước vào thang máy.
CHƯƠNG 15
Thứ Năm, 19 tháng Năm
Chủ nhật, 22 tháng Năm
Salander bỏ gần hết đêm thứ Tư và sớm thứ Năm ra đọc các bài báo của Blomkvist và các chương trong cuốn sách củaMillennium ít nhiều đã viết xong. Do công tố viên Ekstrom cố tình nói đến phiên tòa họp vào tháng Bảy nên Blomkvist đã lấy ngày 20 tháng Sáu là hạn cuối cùng đem đi nhà in. Nghĩa là Blomkvist có chừng một tháng để viết xong và đắp vá các chỗ hổng ở trong những viết lách của anh.
Cô không thể nghĩ nổi anh lại hoàn thành đúng hạn được nhưng đó là việc của anh, không phải của cô. Vỉệc của cô là trả lời những câu hỏi của anh như thế nào.
Cô cầm chiếc Palm, đăng nhập vào nhóm Yahoo [Ðạo phái Ngu] để xem trong hai mươi tư giờ qua anh có gửi thêm gì không. Không. Cô mở thư mục anh gọi là [Các Câu hỏi trung tâm] ra. Cô đã thuộc lòng nhưng dù sao cũng đọc kỹ lại một lần.
Anh nói phác qua chiến lược mà Giannini đã giải thích với cô. Khi chị luật sư nói, cô chỉ nghe nửa tai, tựa như nó chẳng có liên quan gì đến cô hết. Nhưng Blomkvist biết nhiều chuyện của Salander mà Giannini không biết nên anh có thể phác ra một chiến lược nghe có sức thuyết phục. Cô nhảy tắt đến đoạn thứ tư.
Người duy nhất có thể quyết định tương lai em là em. Annika có làm căng đến đâu hay Armansky, Palmgren, anh và những người khác có cố thế nào để ủng hộ em thì cũng đều không quan trọng. Anh sẽ không cố thuyết phục em làm theo cách này hay cách kia. Em phải tự quyết định. Em có thể biến phiên tòa thành có lợi cho em hoặc để cho họ bỏ tù em. Nhưng nếu em muốn thắng thì em phải chiến.
-----
Cô tắt máy, nhìn trần nhà. Blomkvist xin cô cho phép anh nói ra sự thật trong cuốn sách của mình. Anh không đả động tới việc Bjurrnan hiếp cô nhưng anh đã viết ra phần ấy. Anh lấp được các chỗ trống nhờ viết rằng Bjurman và Zalachenko đã mưu với nhau một việc nhưng vì Bjurman không trấn tĩnh nên công chuyện đổ bể. Vì vậy mà buộc Niedermann phải giết Bjurman.
Kalle Hăng máu Blomkvist đang làm rối đời cô đây.
2 giờ sáng, cô mở chương trình Word ở Palm của cô. Cô tạo một văn bản mới, lấy ra cây bút cảm ứng rồi bắt đầu chấm vào các chữ cái trên bàn phím ảo.
Tôi tên là Lisbeth Salander. Tôi sinh ngày 30 tháng Tư năm 1978. Mẹ tôi là Agneta Sofia Salander. Bố tôi là Alexander Zalachenko, một người tâm thần, một sát thủ và là kẻ chuyên đánh vợ. Trước kia ông ta làm việc cho Tình báo Quân đội Liên Xô GRU ở Ðông Âu.
-----
Salander thong thả viết với cây bút cảm ứng trên bàn phím ảo. Cô nghĩ kỹ từng câu rồi mới viết. Viết xong cô chẳng xem lại. Cô làm việc đến 4 giờ sáng thì tắt máy tính, cất nó vào trong cái hộc đằng sau bàn đầu giường để sạc điện. Ðến lúc ấy cô đã viết được chừng hai trang A4 liền dòng.
Nửa đêm hai lần cô y tá trực đến ghé tai vào cửa nghe ngóng nhưng Salander đã nghe thấy từ xa nên cô y tá chưa kịp tra khóa mở cửa thì chiếc máy tính đã được giấu đi còn bệnh nhân thì ngủ.

*

Berger dậy lúc 7 giờ. Chị thấy người vẫn mệt nhoài dù đã ngủ liền một mạch tám tiếng. Chị ngoái sang Blomkvist ngủ say ở bên cạnh.
Chị mở di động kiểm tra tin nhắn. Greger Beckman, chồng chị gọi mười một lần. Đồ khỉ. Quên không báo anh ấy. Chị bấm số, giải thích mình đang ở đâu và tại sao không về nhà. Greger cáu.
- Erika, đùng có làm thế nữa đấy. Không phải là chuyện Blomkvist nhưng mà anh lo phát ốm lên suốt cả đêm đây. Anh sợ lỡ có chuyện gì xảy ra. Em biết em chỉ cần gọi báo là không về thôi mà. Sau này không được quên như thế nữa.
Greger hoàn toàn OK với chuyện Blomkvist là người tình của vợ mình. Quan hệ của hai người được anh chấp nhận. Nhưng khi nào định ngủ ở nhà Blomkvist thì chị hãy gọi báo cho chồng biết.
- Em xin lỗi, - Chị nói. - Ðêm qua em mệt tưởng gục đi mất đến nơi.
Anh càu nhàu.
- Đùng cáu em đi mà, Greger. Em không chịu được nữa đâu. Anh có thể cho em dạo địa ngục tối nay.
Anh càu nhàu thêm một ít, hứa sẽ mắng cho chị khi chị về nhà.
- OK. Thế Blomkvist làm ăn thế nào?
- Mệt có biết gì trời đất nữa đâu. - Chị phá ra cười. - Tin em hay không thì tùy, nhưng hai đứa vừa đến đây là lăn quay ra ngủ luôn. Không có cái chuyện kia.
- Nói nghiêm đấy, Erika, em phải đi gặp bác sĩ đi.
Gác máy rồi chị gọi tới tòa báo, để lại một tin nhắn cho Fredriksson. Có chuyện bất ngờ và chị sẽ đến muộn hơn thường lệ một ít. Chị nhờ anh hủy cuộc họp chị đã bố trí với biên tập viên Văn hóa.
Chị tìm túi khoác vai, moi lục lấy bàn chải răng rồi vào buồng tắm. Trở ra chị đến giường gọi Blomkvist dậy.
- Hử... gì thế?
Blomkvist ngồi lên ngơ ngác nhìn quanh. Chị phải nhắc rằng anh đang ở khách sạn Hilton Slussen. Anh gật.
- Giờ em ủn anh vào buồng tắm đây.
- Sao mà hộc tốc thế?
- Vì anh vừa quay trở lại là em cần làm tình ngay với anh mà. - Chị nhìn đồng hồ. - 11 giờ có một cuộc họp em không thể cho hoãn. Em cần nom sao cho nhòm được và em phải mất ít nhất nửa giờ sửa sang mặt mũi. Em sẽ phải mua váy áo hay thứ gì đó để thay trên đường đi làm. Như thế chúng ta chỉ có hai giờ để bù lại chỗ thời gian đã bị mất.
Blomkvist vào buồng tắm.

*

Holmberg để chiếc xe của bố ông ở trên đường xe vòng vào nhà của nguyên Thủ tướng Thorbjorn Falldin tại As ngay bên ngoài Ramvik ở tỉnh Harnosand. Ông xuống xe, nhìn xung quanh. Ở tuổi bảy mươi chín Falldin nom vẫn rất ra dáng một ông chủ trại nhanh nhẹn hoạt bát. Holmberg tự hỏi không biết ai đảm đương chuyện cày bừa, gặt hái ở đây. Ông biết người ta đã quan sát ông từ sau cửa sổ bếp. Ðó là thói quen của làng này. Bản thân ông lớn lên tại Halledal ở bên ngoài Ramvik, rất gần với Sandobron - một trong những nơi đẹp nhất thế giới. Ở một mức độ nào Holmberg cũng nghĩ như vậy.
Ông gõ cửa chính.
Vị cựu lãnh đạo Ðảng Trung dung nom già nhưng dáng vẻ vẫn nhanh nhẹn và khỏe mạnh.
- Chào bác Thorbjorn. Cháu là Jerker Holmberg. Mấy năm trước chúng ta đã gặp nhau. Bố cháu là Gustav Holmberg, đại biểu của Ðảng Trung dung hồi những năm 70 và 80.
- Phải, tôi nhận ra anh, Jerker. Chào. Nay anh là cảnh sát xuống làm ở Stockholm, đúng không? Lần trước tôi gặp anh cũng phải đến mười, mười lăm năm rồi đấy nhỉ.
- Cháu nghĩ có khi còn lâu hơn, cháu vào được không ạ?
Holmberg ngồi ở bàn bếp trong khi Falldin rót cà phê cho hai người.
- Tôi nghĩ bố anh mọi sự đều tốt cả. Nhưng anh đến không phải vì chuyện ông ấy phải không?
- Vâng, ông cụ khỏe ạ. Ông cụ cháu đang sửa mái căn nhà nghỉ mùa hè.
- Năm nay ông ấy bao nhiêu?
- Hai tháng trước là vừa đúng bảy mốt.
- Thế rồi cơ à? - Falldin nói, đến bàn bếp với Holmberg. - Vậy thì đến vì việc gì nào?
- Cháu xin lỗi là đến mà không báo trước bác, nhưng cháu có một việc lớn. Có thể nói chuyện với bác ở đây xong là cháu sẽ bị sa thải. Cháu đến đây vì một vấn đề trong công tác, nhưng sếp của cháu, thanh tra hình sự Jan Bublanski ở Đội Trọng án ở Stockholm không biết là cháu đến đây.
- Nghe nghiêm trọng đấy.
- Nói thẳng ra là nếu cấp trên của cháu phát hiện ra cháu đến gặp bác ở đây thì ắt cháu sẽ như đang đứng trên một lớp băng mỏng.
- Tôi hiểu.
- Nhưng mặt khác cháu lại sợ nếu cháu không làm một cái gì đó thì có cơ là quyền lợi của một phụ nữ sẽ bị vi phạm đến mức chướng tai gai mắt, thêm nữa vấn đề càng tồi tệ đi vì đây sẽ là lần vi phạm thứ hai.
- Tốt nhất là anh kể cho ta hết đầu đuôi xuôi ngược.
- Ðây là chuyện về một người tên là Alexander Zalachenko. Hắn làm điệp viên cho GRU Liên Xô rồi đào ngũ sang Thụy Ðiển vào Ngày Bầu cử năm 1976. Hắn được cho tị nạn chính trị và bắt đầu làm việc cho Sapo. Cháu có lý do để tin là bác biết chuyện hắn ta.
Falldin chăm chú nhìn Holmberg.
- Câu chuyện này dài, - Holmberg nói. Rồi anh bắt đầu nói với Falldin về cuộc điều tra sơ bộ mà anh đã dính vào trong mấy tháng vừa qua.

*

Cuối cùng Erika nằm sấp xuống, để đầu lên hai bàn tay nắm lại. Chị toét miệng ra cười.
- Mikael, anh có bao giờ nghĩ hai chúng mình là đồ bã đậu đặc không?
- Em định nói gì?
- Ít ra thì đúng với em. Em thèm khát anh và cơn thèm khát này hành hạ em, không bao giờ có thể nguôi được. Em cảm thấy mình như một cô gái mười mấy tuổi điên rồ.
- Ô, thế cơ ư?
- Thế rồi em muốn về nhà lên giường với chồng em.
Blomkvist cười phá.
- Anh quen một bác sĩ chuyên khoa giỏi.
Chị thụi vào bụng anh.
- Bắt đầu cảm thấy câu chuyện với SMP kia là một sai lầm nghiêm trọng rồi đấy.
- Vớ vẩn. Ðó là một cơ hội lớn cho em. Nếu ai có thể tiêm sức sống vào được cho cái thân xác ngắc ngoải ấy thì đó chính là em.
- Có thể là thế. Nhưng đó chính lại là vấn đề. SMP giống như một thân xác ngắc ngoải. Thế mà rồi anh quăng cho một quả bom tai tiếng về Borgsjo.
- Em phải chờ cho mọi cái lắng lại.
- Em biết. Nhưng chuyện với Borgsjo sẽ thực sự thành vấn đề. Em không biết nắm lấy câu chuyện này như thế nào hết.
- Anh cũng thế. Nhưng chúng ta sẽ nghĩ ra cách gì đó.
Chị nằm im một lúc.
- Em nhớ anh.
- Anh cũng nhớ em.
- Nếu đến SMP làm biên tập viên thì anh có bị mất mát nhiều không?
- Anh không đến đó vì bất cứ một thứ gì cả. Có phải biên tập viên mảng tin tức là thằng cha Holm nào đó phải không?
- Ðúng, nhưng hắn là đồ ngu.
- Em nhận ngay ra được bản chất đấy.
- Anh biết hắn không?
- Chắc hẳn. Giữa những năm 80 anh làm tạm thời cho hắn ba tháng. Hắn là một cha thầy dùi đâm bị thóc chọc bị gạo cho mọi người choảng nhau. Ngoài ra...
- Ngoài ra gì?
- Không gì cả.
- Bảo em đi.
- Một có gái, tên là Ulla thì phải, cũng làm tạm thời, nói rằng hắn quấy nhiễu tính dục cô ấy. Anh không biết tình thực đến đâu nhưng công đoàn không đả động gì về chuyện này cả và hợp đồng của cô ấy thì không được gia hạn thêm.
Berger nhìn đồng hồ và thở dài. Chị ra khỏi giường và đi vào buồng tắm. Blomkvist không động đậy khi chị quay lại, lau khô người và mặc quần áo vào.
- Anh nghĩ ngủ lơ mơ thêm tí nữa, - anh nói.
Chị hôn lên má anh và vẫy vẫy khi rời đi.

*

Figuerola đỗ sau chiếc Volvo của Martensson bảy chiếc xe ở trên đường Luntmakargatan, gần với góc phố Olof Palmes Gata. Cô quan sát Martensson ra máy mua vé đỗ xe. Rồi hắn đi bộ tiếp đến Sveavagen.
Figuerola quyết định không mua vé. Cô có thể mất lõng hắn nếu cô đến chỗ máy bán vé cho nên cô chỉ đi theo hắn. Hắn rẽ trái đến Kungsgatan, đi vào Kungstornet. Cô chờ ba phút rồi theo hắn vào quán cà phê. Hắn đang ở tầng trệt nói chuyện với một người tóc vàng nom dáng rất cường tráng. Cảnh sát, cô nghĩ. Cô nhận ra hắn là người đàn ông thứ hai mà Malm chụp ở bên ngoài nhà hàng Copacabana hôm 1 tháng Năm.
Cô mua cà phê, ngồi ở đầu cuối đối diện của quán cà phê, mở tờ Dagens Nyheter của cô ra. Martensson và người cùng đi khẽ nói chuyện với nhau. Cô lấy di động ra, vờ gọi tuy chả ai trong hai người để ý tí nào đến cô hết. Cô chụp ảnh họ bằng di động, cô biết độ phân giải chỉ là 72 dpi - chất lượng thấp nhưng có thể dùng làm bằng chứng rằng cuộc gặp mặt này đã diễn ra.
Sau chừng mười lăm phút, người tóc vàng đứng lên rời quán cà phê. Figuerola rủa thầm. Tại sao cô lại không ở ngoài đó? Cô sẽ nhận diện được hắn khi hắn đi ra. Cô muốn nhảy phắt lên đi theo hắn. Nhưng Martensson vẫn ở đây, bình thản mân mê tách cà phê. Cô không muốn bị hắn để ý đến vì bỏ ra sớm ngay sau khi người bạn của hắn rời đi.
Rồi Martensson vào toa lét. Hắn vừa đóng cửa là Figuerola đã đứng lên trở ra đường Kungsgatan. Cô nhìn lên nhìn xuống khối nhà nhưng người tóc vàng đã mất tích.
Biết đâu may ra, cô đi vội đến góc đường Sveavagen. Không thể thấy hắn ở đâu hết nên cô đi qua cửa quay xuống xe điện ngầm nhưng cũng vô hy vọng.
Cô quay về Kungstornet, cảm thấy đầu căng thẳng. Martensson cũng đã rời đi mất rồi.

*

Berger chửi thề khi quay lại chỗ để chiếc BMW đêm qua.
Xe vẫn đó nhưng một đứa láo lếu nào đã chọc thủng hết tất cả bốn bánh. Ðồ khốn nạn ma quỷ chết rấp, Berger giận sôi lên.
Chị gọi dịch vụ sửa chữa, bảo họ chị không có thì giờ chờ họ rồi để chìa khóa xe vào trong ống xả. Ðoạn chị đi xuống Homsgatan vẫy taxi.

*

Lisbeth Salander mở máy tính đăng nhập vào Cộng hòa Tin tặc, thấy Dịch Bệnh đang trực tuyến. Cô gọi anh.
<Chào Ong Vò Vẽ. Bệnh viện sao?>
<Được nghỉ ngơi. Tôi cần anh giúp.>
<Phun ra đi.>
<Tôi không ngờ lại phải nhờ thế này.>
<Chắc là nghiêm trọng. >
<Goran Martensson, sống ở Vallinby. Tôi cần vào máy tính của hắn. >
<OK>
<Cần sao chép đủ hết mọi cái ở đó cho Blomkvist ở Millennium. >
<Tớ sẽ giải quyết. >
<Anh Cả đang cài bọ vào điện thoại và có lẽ cả thư điện tử của Blomkvist. Anh phải gửi tài liệu đến một địa chỉ hotmail.>
<OK. >
<Nếu vì lý do nào đó tôi không gặp được anh thì Blomkvist sẽ cần anh giúp đỡ. Anh ấy có thể cần tiếp xúc với anh.>
<Ồ. >
<Blomkvist hơi đốp chát một ít nhưng anh có thể tin anh ấy.>
<Hừm.>
<Anh muốn bao nhiêu?>
Dịch Bệnh im lặng một lát.
<Chuyện này có dính gì đến tình cảnh của em không?>
<Có.>
<Vậy thì anh sẽ làm không lấy gì cả. >
<Cảm ơn nhiều. Nhưng tôi luôn có nợ thì trả. Tôi sẽ cần anh giúp suốt từ nay đến phiên tòa. Tôi sẽ gửi anh 30 nghìn krona. >
< Em có thể xông xênh thế ư?>
<Tôi có thể. >
<Thế thì OK. >
<Tôi nghĩ ta cũng cần đến Bộ Ba nữa. Anh cố thuyết phục anh ấy đến Thụy Điển được không?>
<Để làm gì?>
<Việc này anh ấy giỏi nhất. Tôi sẽ trả anh ấy lệ phí chuẩn + chi tiêu các thứ. >
<OK. Việc là gì nào?>
Cô giải thích công việc cần làm cho cô.

*

Sáng thứ Hai bác sĩ Jonasson đối mặt với một thanh tra Faste rõ ràng đã nổi hung lên ở bên kia bàn.
- Tôi không hiểu chuyện này, - Faste nói. - Tôi nghĩ Salander đã hồi phục sức khỏe rồi. Tôi đến Goteborg vì hai lý do: hỏi cung cô ấy và chuẩn bị sẵn sàng cho chuyển cô ấy đến một phòng giam ở Stockholm, cô ấy đáng phải ở đó.
- Tôi tiếc cho chuyến đi bị phung phí của ông, - Jonasson nói. - Tôi sẽ vui vẻ cho cô ấy xuất viện vì chúng tôi chắc chắn là không có một cái giường nào để không ở đây sất. Nhưng...
- Liệu cô ấy có giả vờ không?
Jonasson mỉm cười lịch sự.
- Tôi thực tình không nghĩ như thế. Ông xem, Lisbeth Salander bị bắn vào đầu. Tôi đã lấy ở trong não cô ấy ra một viên đạn và cô ấy chỉ hy vọng sống sót có năm mươi phần trăm thôi. Cô ấy đã sống sót, tiên lượng bệnh của cô ấy thừa cho chúng tôi hài lòng... khả quan đến mức các đồng nghiệp và tôi đã sẵn sàng cho cô ấy ra viện rồi. Thế mà hôm qua cô ấy bị quật lại. Cô ấy kêu đau đầu dữ rồi lên cơn sốt lúc tăng lúc giảm. Đêm qua nhiệt độ lên 38, cô ấy đã hai lần nôn. Trong đêm, sốt có bớt, cô ấy gần như trở lại bình thường và tôi nghĩ cái đận này đã qua đi. Nhưng sáng nay khi tôi khám cho cô ấy, nhiệt độ lại lên đến gần 39. Thế là nghiêm trọng.
- Vậy cô ấy bị lôi thôi cái gì?
- Tôi không biết nhưng việc thân nhiệt lên xuống dao động cho thấy không phải là cảm cúm hay viêm nhiễm. Tôi không thể nói chính xác là đã xảy ra chuyện gì nhưng đó có thể đơn giản chỉ là dị ứng với thuốc hay một thứ gì mà cô ấy tiếp xúc phải.
Ông bấm vào một hình ảnh trên màn hình rồi quay nó lại phía Faste.
- Tôi đã cho chiếu X-quang não. Ớ đây có một vùng tối màu, như ông có thể trông thấy ở ngay cạnh vết thương do đạn bắn. Tôi không xác định được nó là gì. Có thể là mô sẹo, sản phẩm của quá trình lành vết thương, nhưng cũng có thể là một xuất huyết nhỏ. Khi chưa tìm ra vấn đề lôi thôi ở đâu thì chúng tôi chưa thể cho cô ấy ra viện được, bất kể việc ấy là rất cấp bách theo quan điểm cảnh sát.
Faste biết tốt hơn là đừng có tranh luận với bác sĩ vì họ là những thứ gần gũi nhất với các đại diện của Thượng đế ở trên trái đất này. Có thể là trừ cảnh sát ra.
- Vậy phải làm gì bây giờ?
- Tôi đã lệnh cho cô ấy nghỉ hoàn toàn ở trên giường và điều trị vật lý - Cô ấy cần tập thể dục điều trị vì các vết thương ở hông và vai.
- Hiểu. Tôi sẽ phải gọi cho công tố viên Ekstrom ở Stockholm. Sẽ bị ngạc nhiên đôi chút về chuyện này đây. Tôi có thể nói gì với ông ấy?
- Hai hôm trước tôi đã sẵn sàng tán thành cho xuất viện, có thể là vào cuối tuần này. Nhưng như tình hình hiện nay thì có thể sẽ phải lâu hơn. Ông nên giải thích cho Ekstrom thấy rằng ở vào vị trí bác sĩ, tôi không thể đưa ra quyết định vào tuần tới đây, mà có lẽ phải mất đến hai tuần các ông mới đưa cô ấy về Stockholm được. Việc này trông vào mức độ hồi phục của cô ấy.
- Ðịnh mở phiên tòa vào tháng Bảy.
- Nếu không có gì bất trắc thì trước thời điểm đó cô ấy đã có thể đi lại tốt được rồi.

*

Bublanski nghi ngờ nhìn người phụ nữ cuồn cuộn cơ bắp ngồi ở bên kia bàn. Họ đang uống cà phê ở khu vực lát đá của một quán cà phê ở trên đường Norr Malarstrand. Là thứ Bảy, 20 tháng Năm, có hơi hướng ấm dịu của mùa hè trong không khí. Thanh tra Monica Figuerola, SIS, theo như thẻ căn cước. Cô đã bắt kịp ông đúng lúc ông rời cơ quan về nhà; cô gợi ý nói chuyện bên tách cà phê, phải, chỉ có thế thôi.
Lúc đầu ông gần như cảm thấy ghét nhưng cô nhún nhường nói thẳng ra là cô không có quyền gì mà thẩm vấn ông và điều dĩ nhiên là ông hoàn toàn tự do không nói gì với cô cả nếu như ông không muốn. Ông hỏi cô làm gì, cô bảo cô được sếp chỉ định tạo nên một bức tranh không chính thức về thật giả ở trong cái gọi là vụ án Zalachenko, cũng được biết là vụ Salander ở một số nơi. Cô hạ mình xuống nói tuyệt đối chắc chắn là cô không có quyền hỏi ông. Nói gì với cô hay không hoàn toàn đo ông quyết định.
- Vậy cô muốn biết gì nào? - Cuối cùng Bublanski nói.
- Ông nói cho những điều ông biết về Salander, Mikael Blomkvist, Gunnar Bjorck và Zalachenko. Các miếng ghép này ăn nhập vào nhau ra sao?
Họ nói chuyện hơn hai giờ đồng hồ.

*

Edklinth nghĩ lung mãi về việc tiến hành như thế nào. Sau năm ngày điều tra, Figuerola đã cho ông một số các chỉ dẫn không thể bàn cãi được là có một sự thối nát nào đó trong nội bộ SIS. Ông thừa nhận cần phải rất thận trọng cho tới khi có đủ thông tin. Do đó ông thấy về phương diện Hiến pháp mình đang ở trong cái thế tiến lui đều khó: ông không có quyền tiến hành các cuộc điều tra bí mật và điều tra chống lại các đồng nghiệp thì càng không được.
Theo đó ông cần phải xoay ra một vài lý do để hợp pháp hóa cái việc ông đang làm đây. nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, ông vẫn có thể lui về cố thủ ở sự thật rằng ông đang làm nghĩa vụ của người cảnh sát điều tra tội ác - nhưng nay xét theo quan điểm Hiến pháp thì vi phạm này đã thành ra quá nhạy cảm đến nỗi chỉ cần đi lầm một bước là chắc chắn ông sẽ bị đuổi việc luôn. Cho nên cả hôm thứ Sáu ông đã nghiền ngẫm một mình trong văn phòng.
Cuối cùng ông kết luận rằng Armansky nói đúng, bất kể câu chuyện xem ra có thể không chắc đã là thế. Thực sự là có một âm mưu trong nội bộ SIS, một số cá nhân đang hành động ở ngoài, hay song song, với các hoạt động chính thức. Vì chuyện này đã diễn ra nhiều năm - ít nhất từ 1976, khi Zalachenko đến Thụy Điển - nên nó đã phải được tổ chức và phê duyệt từ trên chóp bu. Âm mưu chính xác lên cao tới đâu thì ông không biết.
Ông viết tên ba người lên một mảnh giấy:
Goran Martensson, Bảo vệ Nhân thân, thanh tra hình sự.
Gunnar Bjorck, Phó trưởng phòng Nhập cư, Đã chết (Tự sát).
Albert Shenke, Chánh văn phòng, SIS.
Figuerola nhìn nhận ít nhất Chánh văn phòng cũng đã nắm được tình hình khi cho phép điều Martensson ở Bảo vệ Nhân thân sang Phản gián, tuy trong thực tế hắn không hề làm việc ở đấy. Hắn quá mải bận kiểm soát sự đi lại của nhà báo Mikael Blomkvist, mà việc này thì không liên quan tí nào tới các hoạt động của cơ quan Phản gián.
Một số cái tên ở bên ngoài SIS cũng đã được cô điền thêm vào bảng danh sách:
Peter Teleborian, bác sĩ tâm thần.
Lars Faulsson, thợ khóa.
SIS đã thuê Teleborian làm cố vấn tâm thần học cho các vụ đặc biệt vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 - chính xác ra là trong ba trường hợp và Edklinth đã xem xét các bản báo cáo ở trong lưu trữ. Trường hợp thứ nhất có sự khác thường - Phản gián đã nhận diện được một thông tín viên Nga nằm ở trong ngành viễn thông của Thụy Ðiển, bối cảnh của tên gián điệp này cho thấy hắn có thể sẽ thiên về tự sát nếu hành tung của hắn bị lộ. Teleborian đã có một bản phân tích hết sức hay, điều đã giúp họ biến được tên thông tín viên kia hóa ra thành điệp viên hai mang. Hai báo cáo khác của ông có đánh giá ít quan trọng hơn: một là của một nhân viên trong nội bộ SIS mắc phải vấn đề nghiện ngập rượu chè, và thứ hai là một phân tích về hành vi tình dục kỳ quái củamột nhà ngoại giao châu Phi.
Cả Teleborian và Faulsson - đặc biệt Faulsson - đều không có một vị trí nào trong SIS. Vậy khi nhận nhiệm vụ được trao thì họ đã móc nối với... với cái gì đây?
Âm mưu này có gắn bí mật với Alexander Zalachenko đã chết, viên gián điệp đào ngũ của GRU hình như xuất hiện ở Thụy Điển vào Ngày bầu cử hồi 1976. Một người mà trước đó không ai nghe nói đến bao giờ. Sao lại có thể có được chuyện ấy?
Edklinth cố hình dung xem về lý mà nói thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu như vào năm 1976, khi Zalachenko đào ngũ, ông lại ngồi ở bàn của thủ trưởng SIS. Ông sẽ làm gì? Tuyệt mật. Ðó là điều thiết yếu. Một nhóm nhỏ được biết việc đào ngũ này để phòng xa nguy cơ thông tin rỉ ngược lại người Nga và... nhóm này nhỏ đến đâu?
Một bộ phận tác chiến ư?
Một bộ phận tác chiến không được biết đến chăng?
Nếu việc này được giải quyết thích đáng thì vụ Zalachenko sẽ chấm dứt ở bên Phản gián. Lý tưởng ra hắn nên tìm đến sự bảo trợ của tình báo quân đội nhưng họ không có nguồn lực lẫn chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện kiểu hoạt động mang tính tác chiến này. Vậy đã đến tay SIS.
Nhưng Phản gián cũng không hề có hắn. Bjorck là chìa khóa, hắn là một trong những người nắm quản lý Zalachenko. Nhưng Bjorck lại không liên quan gì tới Phản gián cả. Bjorck là một bí mật. Hắn chính thức giữ một chức vụ ở Phòng Nhập cư từ thập niên 70 nhưng trong thực tế trước những năm 90, hắn hiếm khi có mặt ở phòng này, thế rồi bỗng nhiên hắn trở thành phó trưởng phòng.
Và Bjorck là nguồn thông tin đầu tiên của Blomkvist. Blomkvist làm sao lại thuyết phục được Bjorck lộ ra những tài liệu bùng nổ như thế? Mà lại với nhà báo nữa.
Gái điếm. Bjorck lăng nhăng với các gái điếm tuổi mười mấy, và Millennium sẽ vạch hắn ra. Chắc Blomkvist đã bắt bí dọa hắn.
Rồi Salander bước vào cuộc.
Tay luật sư Nils Bjurman quá cố đã làm việc ở Phòng Nhập cư cùng thời với tay Bjork cũng quá cố. Họ là những người đã trông coi Zalachenko. Nhưng họ đã làm gì với hắn?
Một ai đó chắc đã phải ra quyết định. Với một tên đào ngũ đến từ Nga thế này thì chắc lệnh sẽ phải ban ra từ cấp cao nhất.
Từ Chính phủ. Chắc việc này phải được Chính phủ ủng hộ. Không thể nghĩ khác đi như thế được.
Chắc chắn chưa?
Nghĩ đến đây, Edklinth cảm thấy người rét run lên. Ðiều này hoàn toàn có cơ sở trong thực tế. Quy chế của Zalachenko đã được nắm lấy trong tuyệt đối bí mật. Hắn cũng đã phải quyết định bí mật ngang như thế. Đó là điều mà chính quyền của Falldin cũng đã phải quyết định. Như thế mới có lý.
Nhưng điều xảy ra năm 1991 thì chưa thấy lý do. Bjorck đã thuê Teleborian để thực sự có đem Salander giam vào một bệnh viên tâm thần cho trẻ con với cớ - giả mạo - cô bị rối loạn tâm thần. Đó là một tội ác. Chính cái tội ác ghê tởm đến thế đã khiến Edklinth cảm thấy e ngại hơn.
Một ai đó đã phải ra quyết định này. Ðơn giản không thể là Chính phủ được rồi. Ingmar Carlsson hồi ấy là Thủ tướng, rồi Carl Bildt [*]. Nhưng không có nhà chính trị nào lại dám dính tay vào một quyết định như thế này, đó là làm trái lại mọi pháp luật và công lý, nó sẽ đưa tới một tai tiếng tai họa nếu như người ta phát hiện ra.
Chú thích: [*] Carl Bildt là Thủ tướng Thụy Ðiển vào giữa 1991 và 1994, ông là lãnh tụ của Ðảng Ôn hòa bảo thủ tự do từ 1986 đến 1999.
-------------------------------
Nếu Chính phủ dính líu đến thì Thụy Điển không còn mảy may nào tốt đẹp hơn mọi chế độ độc tài trên toàn thế giới nữa.
Chuyện ấy là không thể có được.
Thế còn các sự việc ngày 12 tháng Tư thì sao? Zalachenko bị một bệnh nhân tâm thần cuồng tín giết như bỡn ở bệnh viện Sahlgrenska cùng lúc xảy chuyện ăn trộm ở nhà Blomkvist và luật sư Giannini bị tấn công. Trong hai trường hợp sau, các bản sao bản báo cáo kỳ lạ từ 1991 của Bjorck đều đã bị đánh cắp mất. Armansky đã cung cấp thông tin này nhưng đấy hoàn toàn là không chính thức. Không có báo cáo nào được gửi đến cảnh sát.
Cùng lúc đó, Bjorck, chính người mà Edklinth mong được nói chuyện nghiêm túc, tự treo cổ.
Edklinth không tin vào sự trùng hợp ở quy mô to lớn thế này. Thanh tra Bublanski cũng không tin trùng hợp kiểu đó. Và Blomkvist cũng vậy. Edklinth cầm bút phớt lên một lần nữa:
Evert Guillberg, bảy mươi tám tuổi. Chuyên viên thuế???
Evert Gullberg là cái đồ quỷ gì đây?
Ông tính gọi người phụ trách SIS nhưng lại kìm lại vì lẽ đơn giản là ông không biết cái nhóm âm mưu kia nó vươn lên đến đâu ở trong tổ chức. Ông không biết mình có thể tin vào ai.
Trong một lúc ông đã tính gọi cảnh sát chính quy. Jan Bublanski là người lãnh đạo cuộc điều tra về Niedermann, ông ta rõ ràng sẽ chú ý tới bất cứ thông tin nào có liên quan. Nhưng theo quan điểm thuần túy cảnh sát, thì không thể bàn đến chuyện này được.
Edklinth cảm thấy hai vai nặng trĩu.
Còn lại có mỗi lựa chọn đúng đắn xét theo Hiến pháp và có thể bảo vệ ông nếu giả dụ ông sa vào chốn rắc rối về chính trị. Ông sẽ phải ngoái đến sếp để bảo đảm có sự ủng hộ về chính trị cho công việc ông đang làm đây.
Là chiều thứ Sáu, chưa quá 4 giờ. Ông nhấc điện thoại gọi Bộ trưởng Tư pháp, người ông quen biết đã nhiều năm và từng chuyện trò bàn bạc ở nhiều cuộc họp của các cục vụ. Ông liên lạc được sau năm phút.
- Chào Tornsten. Lâu quá rồi. Vấn đề gì đấy?
- Nói thật với ông... tôi nghĩ gọi để kiểm tra xem tôi được ông tín nhiệm đến đâu.
- Tín nhiệm? Câu hỏi kỳ nhỉ. Chừng nào còn là tôi thì ông vẫn được tôi tín nhiệm tuyệt đối. Sao ông lại hỏi một câu thảm như vậy?
- Nó bật ra là do một nhu cầu gay gắt và không bình thường. Tôi cần gặp ông và Thủ tướng, và đây là khẩn thiết.
- Ái chà!
- Xin ông thứ lỗi, tôi sẽ xin nói rõ khi chúng ta nói chuyện riêng với nhau. Có một chuyện tình cờ đến văn phòng tôi, nó lạ quá đến nỗi tôi tin là cả ông và Thủ tướng đều cần được thông báo.
- Có dính dáng gì đến bọn khủng bố hay tuyên bố đe dọa...
- Không. Nghiêm trọng hơn thế nữa. Gọi ông để yêu cầu thế này là tôi đang đặt tên tuổi và sự nghiệp của mình lên thớt đấy.
- Tôi hiểu. Vì thế ông mới hỏi đến tín nhiệm. Ông cần gặp Thủ tướng sớm muộn thế nào?
- Tối nay nếu có thể.
- Bây giờ thì ông làm tôi lo đấy.
- Phải nói thật ngay, ông phải lo nghĩ cũng là có lý do chính đáng.
- Gặp trong chừng bao lâu?
- Chắc là chừng một giờ.
- Ðể rồi tôi gọi lại ông.
Mười phút sau Bộ trưởng Tư pháp gọi lại, nói 9 giờ 30 tối nay Thủ tướng sẽ gặp Edklinth tại nhà riêng.
Bàn tay Edklinth đặt điện thoại xuống mà nhơm nhớp mồ hôi. Sáng mai, sự nghiệp của mình có thể chấm dứt mất đây.
Ông gọi Figuerola.
- Chào Monica. 9 giờ tối nay có việc, cô phải đến trình diện. Tốt nữa là ăn mặc cho đẹp vào.
- Bao giờ mà tôi ăn mặc chả đẹp.

*

Thủ tướng thận trọng nhìn ông giám đốc sở Bảo vệ Hiến pháp. Edklinth có cảm giác những bánh răng cưa đang quay tít hết sức nhanh ở đằng sau tròng kính Thủ tướng.
Thủ tướng chuyển sang nhìn Figuerola vẫn ngồi im không nói trong lúc giới thiệu. Ông thấy một phụ nữ cao khác người và đầy cơ bắp nhìn lại ông, vẻ mặt lễ độ, chờ đợi. Rồi ông quay sang Bộ trưởng Tư pháp mặt có bị tái đi trong thời gian giới thiệu.
Một lát sau, Thủ tướng hít một hơi dài, bỏ kính xuống, nhìn đăm đăm một lúc vào khoảng xa.
- Tôi nghĩ ta cần thêm chút cà phê nữa nhỉ, - ông nói.
- Vâng, xin ạ, - Figuerola nói.
Edklinth gật và Bộ trưởng Tư pháp rót cà phê trong bình ra.
- Tôi sẽ kết luận rằng tôi hoàn toàn chắc chắn là tôi hiểu đúng ông, - Thủ tướng nói. - Ông nghi có một âm mưu trong nội bộ Cảnh sát An ninh hiện đang hoạt động vượt ra ngoài thẩm quyền chiểu theo Hiến pháp, và trong nhiều năm nhóm âm mưu này đã gây nên những điều có thể bị coi là những hành vi tội phạm nghiêm trong.
- Vâng.
- Và ông đến tìm tôi là vì ông không tin ban lãnh đạo của Cảnh sát An ninh chứ gì?
- Không, không hẳn là như thế, - Edklinth nói. - Tôi quyết định quay trực tiếp sang đến ông là vì loại hoạt động này là vi hiến. Nhưng tôi không hiểu mục đích của nhóm âm mưu, hoặc có thể tôi đã hiểu sai một điều gì đó chăng. Với ai am hiểu thì hoạt động này có thể là chính đáng và được Chính phủ phê duyệt. Vậy là tôi có cơ đã làm việc trên những thông tin sai trái hay bị hiểu lầm, do đó mà làm hỏng một hoạt động bí mật nào đó.
Thủ tướng nhìn Bộ trưởng Tư pháp. Và cả hai đều hiểu là Edklinth đang tự che chắn cho đường rút của ông.
- Tôi chưa nghe thấy điều gì giống như chuyện này. Ông có biết chút nào về nó không?
- Hoàn toàn không, - Bộ trưởng Tư pháp nói. - Ở bất cứ báo cáo nào của Cảnh sát An ninh mà tôi từng xem, không thấy có liên quan gì đến chuyện này hết cả.
- Blomkvist nghĩ rằng có một bè phái ở trong Sapo. Anh ta nhắc đến nó như là Câu lạc bộ Zalachenko, - Edklinth nói.
- Tôi chưa nghe thấy nói Thụy Điển đã nhận và bảo vệ một kẻ đào ngũ Nga có tầm quan trọng đến như thế bao giờ. - Thủ tướng nói. - Hắn đào ngũ trong thời gian Falldin làm Thủ tướng, ông nói thế hả?
- Tôi không tin Chính phủ của Falldin lại bao che cho một cái gì giống như thế, - Bộ trưởng Tư pháp nói. - Ðào ngũ ở cỡ này thì đã phải được dành cho ưu tiên cao nhất và phải được bàn giao lại cho Chính phủ tiếp theo.
Edklinth hắng giọng.
- Chính phủ bảo thủ Falldin đã được Chính phủ của Olof Palme kế nhiệm. Việc một vài người tiền nhiệm của tôi ở SIS có một số ý kiến về Palme thì không còn là bí mật gì cả nữa...
- Ông cho là có ai đó đã quên thông báo cho chính phủ Xã hội dân chủ phải không?
Edklinth gật đầu.
- Chúng ta hãy nhớ lại rằng Falldin lên cầm quyền trong hai nhiệm kỳ riêng rẽ. Hai lần chính phủ liên hiệp đầu bị đổ. Lần đầu ông ấy trao lại cho Ola Ullsten, ông này có một chính phủ thiểu số năm 1979. Chính phủ lại bị đổ nữa và Falldin cai trị cùng với Ðảng Nhân dân. Tôi đang đoán là Văn phòng Chính phủ đã bị xáo trộn trong các thời kỳ chuyển tiếp đó. Cũng có thể tin về Zalachenko đã bị khoanh vào trong một nhóm nhỏ hẹp nên Thủ tướng Falldin đã thực sự bỏ qua mất, do đó không bàn giao lại cho Palme.
- Nếu như thế thì ai chịu trách nhiệm? - Thủ tướng nói.
Tất cả lắc đầu trừ Figuerola.
- Tôi cho là điều này tất phải rò rỉ ra giới báo chí, - Thủ tướng nói.
- Blomkvist và Millennium sắp cho đăng việc này. Nói cách khác Chúng ta đang lâm vào cảnh như tục ngữ nói tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa.
Edklinth thận trọng dùng chữ “chúng ta”.
Thủ tướng gật đầu. Ông nhận ra tính chất nghiêm trọng của tình hình.
- Vậy tôi bắt đầu sẽ phải cảm ơn ông đã hết sức mau mắn đến gặp tôi và trình bày vấn đề này. Tôi thường không bằng lòng gặp mà không định trước như thế này nhưng ông Bộ trưởng đây nói ông là một người thận trọng, chắc phải xảy ra điều gì quan trọng ông mới muốn gặp tôi không bằng các kênh bình thường.
Edklinth thở phào được một ít. Có xảy ra bất cứ chuyện gì, lưỡi tầm sét của Thủ tướng cũng sẽ không giáng xuống ông.
- Bây giờ chúng ta cần quyết định xem sẽ nắm vấn đề này như thế nào. Các ông có gợi ý gì không?
- Có thể ạ, - Edklinth nói ngập ngừng.
Ông ngồi im khá lâu khiến Figuerola hắng giọng nói:
- Tôi có thể nói được không ạ?
- Xin cứ nói, - Thủ tướng nói.
- Nếu sự thật là Chính phủ không biết việc này thì việc này là bất hợp pháp. Người chịu trách nhiệm về một trường hợp như thế này là một - hay nhiều - viên chức phạm phải tội hình sự vì để vượt quá thẩm quyền của mình. Nếu chúng ta kiểm chứng được tất cả ngôn luận Blomkvist đưa ra thì như vậy có nghĩa là một nhóm sĩ quan ở SIS đã một thời gian dài tự ý dấn mình vào các hoạt động tội ác. Vấn đề lúc ấy sẽ được mở ra ở hai phần.
- Ý cô nói là sao?
- Thứ nhất chúng ta cần đặt câu hỏi: tại sao lại có thể có nổi chuyện này? Ai chịu trách nhiệm? Sao một âm mưu như thế này lại có thể nảy nở được trong khuôn khổ một tổ chức cảnh sát do nhà nước lập ra? Bản thân tôi đã làm việc ở SIS và tôi tự hào. Sao việc này lại có thể diễn ra lâu đến như vậy? Sao nó lại có thể vừa được che giấu lại vừa được cấp ngân sách cơ chứ?
- Cứ nói tiếp đi, - Thủ tướng nói.
- Tất cả các sách chắc sẽ viết về phần thứ nhất này. Rõ ràng là đã phải có việc cấp ngân sách, ít nhất cũng là vài triệu krona mỗi năm, tôi dám nói thế. Tôi đã xem đến ngân sách của Cảnh sát An ninh và không tìm thấy cái gì giống như một khoản trợ cấp cho câu lạc bộ Zalachenko. Nhưng, như các ông biết đấy, có một số quỹ ẩn giấu do Chánh văn phòng và người thủ quỹ kiểm soát mà tôi không vào được.
Thủ tướng gật đầu dứt khoát. Tại sao Sapo cứ luôn luôn là một cơn ác mộng cần phải cai quản thế chứ nhỉ?
- Phần thứ hai là: những ai đã dính líu? Và đặc biệt là, nên bắt các cá nhân nào? Theo quan điểm của tôi, tất cả các câu hỏi này lệ thuộc vào cái quyết định mà ông sẽ đưa ra trong vài phút nữa, cô quay sang Thủ tướng nói.
Edklinth nín thở. Nếu có thể thì ông đã đá một cái vào ống quyển Figuerola. Cô đã bất chấp tu từ và ngầm bảo rằng chính bản thân Thủ tướng là người phải chịu trách nhiệm. Thực ra Edklinth cũng đã cân nhắc và đi tới kết luận tương tự, nhưng là phải sau một cuộc chuyện trò lâu và có tính ngoại giao.
- Cô nghĩ tôi nên quyết định sao đây?
- Tôi tin rằng chúng ta có chung lợi ích. Tôi làm ở Bảo vệ Nhân thân đã ba năm. Tôi xem cơ quan này có tầm quan trọng to lớn đối với nền dân chủ Thụy Ðiển. Hoạt động của Cảnh sát An ninh trong những năm gần đây là đáng hài lòng. Dĩ nhiên tôi không muốn tai tiếng làm cho SIS bị ảnh hưởng. Với chúng ta, điều quan trọng là nhớ ở trong đầu rằng đây là một vụ án hình sự do một nhóm nhỏ cá nhân gây ra.
- Loại hoạt động tội ác này thì hoàn toàn và dứt khoát là không do Chính phủ phê duyệt rồi, - ông Bộ trưởng Tư pháp nói.
Figuerola gật rồi nghĩ vài giây.
- Theo tôi, điều thiết yếu là không được để cho Chính phủ bị dây vào vụ này - nhưng Chính phủ sẽ bị dính líu nếu định bưng bít bao che cho nó.
- Chính phủ không bao che bưng bít cho hoạt động phạm tội, - ông Bộ trưởng Tư pháp nói.
- Ðúng, về giả thiết, chúng ta cứ cho rằng có thể là Chính phủ muốn bao che. Như thế sẽ tai tiếng ở quy mô đồ sộ.
- Cô nói tiếp đi, - Thủ tướng nói.
- Tình hình phức tạp ra do chỗ chúng tôi ở Bảo vệ Hiến pháp đang bị buộc phải tiến hành một hoạt động mà tự nó lại chống lại các quy tắc để điều tra vấn đề này. Vậy chúng tôi muốn mọi việc đều được hợp pháp hóa, giữ đúng theo Hiến pháp.
- Như tất cả chúng ta đều phải thế, - Thủ tướng nói.
- Trong trường hợp này, tôi gợi ý với Thủ tướng là - với quyền lực của Thủ tướng - Thủ tướng hãy chỉ thị Bảo vệ Hiến pháp điều tra tối khẩn cấp vụ rắc rối này, - Figuerola nói. - Xin hạ lệnh bằng văn bản cho chúng tôi cũng như cho chúng tôi những thẩm quyền cần thiết.
- Tôi không chắc đề nghị của cô là hợp pháp đâu, - Bộ trưởng Tư pháp nói.
- Hợp pháp ạ. Trong trường hợp Hiến pháp bị đe dọa vi phạm, Chính phủ có quyền thi hành một loạt các biện pháp. Nếu một nhóm quân đội hay cảnh sát bắt đầu theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập thì trong thực tế sẽ xảy ra một cuộc lật đổ ở Thụy Ðiển.
- Chính sách đối ngoại ư? - Bộ trưởng Tư pháp hỏi.
Thủ tướng thình lình gật đầu.
- Zalachenko là một người nước ngoài đào ngũ sang, - Figuerola nói. - Theo Blomkvist, thông tin mà hắn góp nộp đã được cung cấp cho các cơ quan tình báo nước ngoài. Nếu Chính phủ không được báo cho biết thì một cuộc đảo chính sẽ xảy ra.
- Tôi hiểu được lập luận của cô, - Thủ tướng nói. - Bây giờ để tôi nói phần tôi.
Ông đứng lên đi một lượt vòng quanh bàn rồi dừng lại ở trước mặt Edklinth.
- Ông có một đồng nghiệp rất có tài. Cô ấy đã nói trúng vấn đề.
Eddlinth nuốt nước bọt rồi gật. Thủ tướng quay sang Bộ trưởng Tư pháp.
- Hãy báo cho Thứ trưởng và Vụ trưởng pháp lý biết. Sáng mai tôi muốn có một tài liệu dự thảo, trao quyền lực đặc biệt cho Bộ phận Bảo vệ Hiến pháp được hành động trong vấn đề này. Nhiệm vụ của họ là xác định sự thật ở đằng sau những điều chúng ta đã bàn, thu thập tài liệu về quy mô của nó và nhận diện các cá nhân chịu trách nhiệm hay có liên quan theo một cách nào đó. Tài liệu không được nói rằng ông đang lãnh đạo một cuộc điều tra sơ bộ. Tôi có thể lầm nhưng tôi nghĩ trong tình hình này chỉ Tổng công tố viên mới có thể chỉ định một người lãnh đạo cuộc điều tra sơ bộ mà thôi. Nhưng tôi có thể cho ông quyền được tiến hành điều tra độc lập. Do đó việc ông làm là một bản báo cáo công khai chính thức. Ông hiểu chứ?
- Vâng, nhưng tôi nên nói ra là bản thân tôi đã từng là một công tố viên.
- Chúng ta cần yêu cầu người đứng đầu Vụ pháp lý để mắt tới vấn đề này và quyết định chính xác cái gì là đúng với pháp luật. Trong bất cứ trường hợp nào, cũng chỉ là mình ông chịu trách nhiệm về cuộc điều tra của ông. Ông có thể chọn lấy trợ thủ mà ông cần. Nếu tìm thấy bằng chứng về hoạt động tội ác, ông phải chuyển thông tin ấy lên Tổng công tố viên, ông ấy sẽ quyết định việc khởi tố.
- Tôi sẽ phải tra cứu xem chính xác điều luật gì được áp dụng, nhưng tôi nghĩ Thủ tướng cần thông báo cho người phát ngôn của Nghị viện và Ủy ban Hiến pháp... Việc này sẽ rò rỉ nhanh đây, - Bộ trưởng Tư pháp nói.
- Nói cách khác, chúng ta cần làm nhanh. - Thủ tướng nói.
Figuerola giơ tay.
- Có gì nào? - Thủ tướng nói.
- Còn lại hai vấn đề. Thứ nhất, việc Millennium đăng câu chuyện lên sẽ đụng đến cuộc điều tra của chúng ta; và thứ hai, trong một hai tuần nữa, tòa sẽ bắt đầu xử Lisbeth Salander.
- Chúng ta có thể tìm ra lúc nào thì Millennium đăng không?
- Chúng ta có thể hỏi, - Edklinth nói. - Việc cuối cùng chúng ta muốn làm là can thiệp vào giới báo chí.
- Còn về cô gái Salander, - Bộ trưởng Tư pháp vừa nói liền ngừng lại một lúc. - nếu cô ấy thực sự phải chịu đựng các bất công như Millennium nói kia thì kinh khủng quá. Thực sự có đến nông nỗi ấy không?
- Tôi sợ đó đều là thật, - Edklinth nói.
- Trong trường hợp ấy Chúng ta phải trông nom sao để phục hồi minh oan được cho cô gái, và trên hết, cô gái sẽ không phải chịu thêm các bất công khác nữa, - Thủ tướng nói.
- Nhưng việc này sẽ làm như thế nào? - Bộ trưởng Tư pháp hỏi. - Chính phủ không thể can thiệp vào một vụ án đang được khởi tố. Như thế là chống lại luật.
- Chúng ta có thể nói với công tố viên được không?
- Không, - Edklinth nói. - Là Thủ tướng, dù thế nào ông cũng không thể tác động đến quá trình tố tụng được.
- Nói cách khác, Salander sẽ phải nắm lấy vận may của cô ấy tại tòa thôi, - Bộ trưởng Tư pháp nói. - Trừ phi cô ấy thua kiện rồi khiếu nại lên Chính phủ thì Chính phủ có thể tha bổng cho cô ấy hay yêu cầu Tổng công tố viên điều tra xem liệu có cơ sở cho một phiên tòa mới không. Nhưng việc này chỉ áp dụng trong trường hợp cô ấy bị kết án tù. Nếu tòa tuyên bố cô ấy phải vào một cơ sở chữa chạy tâm thần thì Chính phủ chịu. Lúc ấy, đó sẽ là một vấn đề của y học và Thủ tướng không có quyền pháp lý quyết định cô gái là lành mạnh hay không.

*

10 giờ tối thứ Sáu, Salander nghe thấy tiếng khóa quay ở cửa. Cô tức khắc tắt máy tính, lùa nó xuống dưới đệm. Nhìn lên cô thấy Jonasson đang đóng cửa.
- Chào Salander, - ông nói. - Tối nay trong người cô ra sao?
- Tôi nhức đầu như búa bổ và thấy sôn sốt.
- Nghe thế là không tốt lắm đâu.
Nom có vẻ Salander không lo lắng đặc biệt gì đến cả sốt lẫn nhức đầu. Jonasson bỏ ra mười phút khám cho cô. Ông nhận thấy trong vòng tối nay cơn sốt của cô lại nặng hẳn lên.
- Mấy tuần qua lẽ ra cô phải hồi phục tốt rồi, thế mà để nó quật lại thì xấu hổ đây. Không may là ít nhất trong hai tuần tới tôi không thể cho cô ra viện được.
- Hai tuần chắc là đủ.

*

Ðường bộ từ London đến Stockholm xấp xỉ 1.900 cây số hay 1.180 dặm. Về lý thuyết, lái xe mất khoảng hai mươi giờ. Trong thực tế phải mất gần hai mươi giờ để đến biên giới giữa bắc Ðức và Ðan Mạch. Trời đầy mây dông bão và hôm Chủ nhật khi người có tên Bộ Ba thấy mình đang ở giữa thành phố Oresundsbron thì mưa đổ xuống như trút. Anh lái chậm lại, cho cần gạt nước chạy.
Bộ Ba nghĩ lái xe ở Châu Âu chẳng khác nào đi trong địa ngục do ai ai cũng nhất quyết phải đi trái đường. Anh cho xe vào bãi đỗ sáng thứ Sáu, đi phà từ Dover sang Calais rồi băng qua Bỉ theo đường Liege. Anh qua biên giới Ðức ở Aachen rồi lên đường cao tốc Autobahn mạn bắc tới Hamburg, rồi sau đó tới Ðan Mạch.
Bạn cùng đi, Bob Chó, ngủ ở ghế sau. Hai người thay phiên lái xe, ngoài một hai lần đỗ chờ lâu cả giờ ở trên đường ra, họ giữ đều tốc độ một giờ chín mươi cây số. Muốn gì thì chiếc xe van mười tám năm tuổi cũng không thể đi nhanh hơn được nữa.
Có nhiều cách đi từ London đến Stockholm nhanh hơn nhưng xem vẻ anh không thể mang ba chục ký đồ lề điện tử theo người bằng đường hàng không thông thường. Họ đã qua biên giới sáu nước nhưng không hề bị giữ lại lần nào để kiểm soát hải quan hay hộ chiếu. Bộ Ba là người cuồng nhiệt ủng hộ Liên minh châu Âu, ở đấy người ta đã đơn giản hóa luật lệ đi lại thăm viếng giữa các nước thành viên.
Bộ Ba sinh ra ở Bradfort, nhưng anh sống ở bắc London từ bé. Sự học hành của anh rất thảm, anh đã theo một trường dạy nghề, kiếm được tấm bằng kỹ thuật viên viễn thông được huấn luyện và mười chín tuổi thì anh làm kỹ thuật viên cho Viễn thông Anh, British Telecom. Một khi hiểu được mạng lưới điện thoại hoạt động như thế nào và nhận ra mình lỗi thời, anh liền chuyển sang làm tư vấn an ninh tư nhân, đặt hệ thống báo động và trông coi việc bảo vệ chống trộm cắp. Với các khách đặc biệt anh còn cung cấp dịch vụ theo dõi bằng video và nghe lén điện thoại.
Nay ba mươi hai tuổi, anh đã có một kiến thức lý thuyết về khoa học điện tử và máy tính, nó cho phép anh thắng điểm bất cứ giáo sư nào ở lĩnh vực này. Anh sống với máy tính từ năm mười tuổi, và đột nhập vào cái máy tính đầu tiên lúc anh mười ba.
Điều này mài sắc thêm sự thèm muốn, và khi mười sáu tuổi thì anh đã tiến bộ tới trình độ có thể cạnh tranh được với những bậc giỏi nhất trên thế giới. Ðã có một thời kỳ hễ thức là anh chỉ ngồi trước màn hình, viết cho mình các chương trình và cấy các tua xúc tu quỷ quái vào Internet. Anh đã lọt vào BBC, Bộ Quốc phòng và Sở cảnh sát Anh. Thậm chí - một thời gian ngắn - còn xoay được cách chỉ huy một tàu ngầm nguyên tử đang đi tuần tra vùng Biển Bắc. Bộ Ba thuộc vào loại người tò mò hơn là kiểu rình mò ranh ma vào máy tính. Khi bẻ được khóa chiếc máy tính nào, lọt vào nó, sở hữu các bí mật của nó rồi là anh hết bị nó hấp dẫn.
Anh là một trong mấy sáng lập viên của nước Cộng hòa Tin tặc. Ong Vò Vẽ là công dân của Cộng hòa.
7 rưỡi tối thứ Bảy, Bộ Ba và Bob Chó đang đến gần Stockholm. Khi họ qua cửa hàng Ikea ở Kungens Kurva, Bộ Ba bấm di động, gọi con số anh đã lưu vào bộ nhớ.
- Dịch Bệnh, - Bộ Ba nói.
- Bọn các cậu đang ở đâu?
- Cậu bảo qua Ikea thì gọi mà.
Dịch Bệnh mách họ lối đi đến ký túc xá thanh niên trên đường Langholmen, anh đã thuê một phòng ở đấy cho các đồng nghiệp từ Anh tới. Do Dịch Bệnh rất ít khi rời nhà, hai người bạn bằng lòng đến nhà anh vào 10 giờ sáng hôm sau.
Dịch Bệnh quyết định với cố gắng phi thường là đi rửa chén đĩa, dọn dẹp sạch sẽ toàn diện và mở cửa sổ nghênh đón các vị khách sắp đến.