- 1 -

     i  nói đầu:
Vào ngày 20 tháng Năm, 1997 va qua, tôi d bui l trao gii thưởng văn chương cho các em hc sinh t lp 6 đến lp 12 ca các trường trung hc thuc qun Harris được t chc ti Bo tàng vin The Menil Collection mà con gái chúng tôi, Thiên Hương (11 tuổi) đã mang danh d v cho trường. Mđon văn ngn viết v x s ca mt cu bé M Tây Cơ đọc trong bui phát thưởng này đã làm tôi xúc động. Và nim xúc động bt cht đến cũng ngn ngi như đon văn không đầy mt trang  giy  ca chú bé đã đưa tôi đến mt cuc hành trình tưởng tượng, trong mt không gian xa vi vi và câu chuyn dưới đây được thành hình t đó, t s tưởng tượng đến nhng cm xúc và xuôi chy thành nhng giòng ch dưới đây, và để kết hp nên “K Xa L” mà có mt ln tôi đã gp dưới ngòi bút ca mình.

Vào một ngày đầu tháng Bảy khi những cơn  giông của mùa mưa quen thuộc lại đến, tôi trở về quê nội ở Mexico cùng với gia đình. Sự trở về hàng năm này cũng là một sự thân quen, hay nói khác đi đây là sự lập lại cần thiết cho gia đình chúng tôi, để nhắc nhở cho những đứa bé sinh ra, sống và lớn lên ở Mỹ như anh em tôi  rằng chúng tôi có thêm một quê hương nữa.
Ngôi nhà của ông bà nội chúng tôi vẫn y hệt như lần cuối cùng chúng tôi về thăm vào tháng Bảy năm ngoái. Hình như vách tường có cũ hơn, xấu xí hơn. Ngoài hàng hiên trước vẫn chiếc xích đu màu xanh lục đậm, đong đưa trong gió lùa hai bên hiên nhà như có một bàn tay vô hình đang đẩy nhẹ. Và trong đầu óc trẻ thơ dồi dào tưởng tượng, tôi đã nghĩ căn nhà ông bà nội tôi có ma.. Nhưng tôi không sợ, tôi còn thích thú vì những ý nghĩ thầm kín kỳ lạ như vậy.
Là một đứa trẻ lên 10 tuổi, ít nói và không nghịch ồn ào như những anh tôi, tôi  tự bày ra  những trò  chơi riêng, chơi một mình trong sự tưởng tượng đến rất nhiều nhân vật khác nhau mà tôi đã đọc trong sách. Trò chơi chỉ mình tôi thưởng thức và tôi cũng chẳng chia sẻ với ai bao giờ. Không ai có thể biết được trong chiếc đầu tí hon của tôi nghĩ những gì.
Nhưng mà tôi có một quả tim nhân ái. Một đứa trẻ lên 10 biết gì về nhân ái? Thật đấy, tuy không bao giờ nói ra những ý tưởng kỳ quặc trong đầu, nhưng tôi sẳn sàng chia xẻ những gì mà người khác muốn. Anh tôi có thể giằng lấy đồ chơi của tôi mà tôi không hề đòi lại hay khóc  lóc. Hoặc như ngày ông nội tôi mất, tôi là người khóc  nhiều nhất. Ngày ấy tôi đã cảm  thấy mất mát đi một thứ tình cảm khó diễn tả. Hay trên đường về quê nội, thấy những người nghèo khổ tôi đã ước ao mai sau lên làm được một cái gì giúp đỡ họ thoát khỏi cảnh nghèo túng mà ở quê hương  bên kia, Hoa Kỳ, tôi ít thấy ai khổ như thế. Và dĩ nhiên, cũng như những trò chơi mà tôi tạo ra một mình, tôi chẳng hề hé môi. Những ý nghĩ đó hay những xúc động bất chợt ấy chỉ nằm yên trong tôi.
Bà nội tôi ngày đó sống với bác tôi và cậu tôi. Cậu Oscar là một con người kỳ lạ. Kỳ lạ nhất, mà tôi chưa bao giờ gặp ai như thế. Thoại tiên tôi tưởng cậu không thích gia đình tôi nhưng sau này mới biết là không phải. Lúc còn trẻ, cậu là người hoạt bát, vui vẻ và cởi mở. Nhưng, không hiểu sao, cậu thay đổi hẳn. Không muốn gặp ai, không làm việc nữa. Cậu sống hoàn toàn khép kín với  tất cả mọi người chung quanh. Tự dưng cậu thành một người khác. Bà nội tôi cứ lẩm bẩm như thế mỗi khi gặp lại chúng tôi. Cậu Oscar không ra khỏi phòng, trừ bữa ăn. Và, cứ như thế suốt hơn 15 năm nay!
Ô! Mà cậu cũng hơi giống tôi. Hơi thôi, vì tôi còn nói tí chút. Nhưng tôi đoán chắc chắn trong chiếc đầu bù xù kia của cậu Oscar, cậu cũng có nhiều trò chơi lý thú như tôi vậy. Và rồi ngày qua ngày, mọi người đều chấp nhận cậu như thế.
Cậu trở thành như một món đồ vật trong nhà. Có đó mà cũng không có đó! Tôi là người thích quan sát cậu nhất vì những lúc đó tôi để óc tưởng tượng của mình bay bổng như diều căng trong gió. Bữa nay, cậu có thể là nhân vật này trong truyện. Ngày mai, cậu lại thành một nhân vật khác. Cậu không thể phản đối. Điều đó làm tôi thích thú nhất, vì đó là một con người bằng xương bằng thịt hẳn hòi chứ không phải chỉ trong óc tưởng tượng bé nhỏ của tôi mà thôi. Nhưng mà tôi không ngừng lại ở trong sự tưởng tượng, tôi muốn tìm hiểu tại sao cậu lại thay đổi như vậy? Sự tò mò đó không phai nhạt theo thời gian. Dù mỗi năm cậu Oscar mỗi già đi theo những cơn nắng cháy hay những cơn giông bão tàn bạo thổi qua trang trại của ông bà nội tôi. Và tôi, thằng bé lên 10 nay đã “già” thêm 3  tuổi nữa. Tôi ghét số 13 từ mùa Hè trở về quê nội năm tôi 13 tuổi.  Mùa hè đó đã đến và ở yên trong tâm hồn tôi với nhiều thương cảm và.. phẫn nộ!

Mùa Hè năm ấy nóng hơn thường lệ và ít mưa. Cơn hạn hán làm đất nẻ ra. Từng mảnh đất  vênh lên dưới ánh nắng chói chang. Những đường rãnh ngoằn ngoèo trên mặt đất giống hệt những đường trũng trên mặt bà nội tôi. Đã có lúc tôi thầm nghĩ bà nội tôi cần sự tươi mát, chẳng phải là những cơn mưa từ trời cao đổ xuống mà có lẽ là những thiết tha, tràn đầy mạch sống yêu thương của cuộc đời.
Giá mà tôi có thể cho bà được! Tôi có quả tim nhân ái mà!
Gặp lại chúng tôi, bà vuốt ve từng đứa cháu và bồi hồi khen chúng tôi lớn nhanh, đẹp đẽ, ngoan ngoãn. Riêng cậu Oscar cũng chỉ nhìn chúng tôi bằng  cặp mắt  xa vời như.. năm ngoái, như những năm trước đó! Cậu có biết đâu theo với đà lớn của tầm vóc, sự tò mò trong tôi càng gia tăng mãnh liệt.
Các anh tôi nay đã lớn, không còn nghịch ngợm như trước. Chúng tôi cách nhau vì chiều cao, vì tuổi tác và vì cả những sở thích. Những trò chơi của các anh, không có mặt tôi. Tôi thường lang thang ngoài vườn sau trong trại của bà nội, hay vào những hốc hẻm quanh  nhà để nghịch một mình.
Đó là một ngày cuối tuần, tôi còn nhớ. Dưới cái nóng hừng hực của trưa hè, tôi trèo lên cây cổ thụ ở cuối trại. Năm nay tôi có thể trèo lên đến chót đỉnh mà không sợ ngã. Thân cây vĩ đại, những hốc cây trũng vào có thể làm chỗ ngồi rất thích. Những tàng cây xòe chung quanh như một cái dù khổng lồ. Những cành cây sần sùi, nham nhám như da một con quái vật. Con quái vật đang ngủ! Tôi thở phào và phì cười! Tôi lần mò tìm những vết gạch trên thân cây của những năm trước mà tôi khắc vào.
Đây rồi! Tôi đã tự phong cho mình là Hoàng Đế. Tôi tự đặt tên mình rồi sáng chế ra những kiểu triện với những nét và hình thù quái gở như trong mấy truyện tiểu thuyết. Những ngón tay xoa trên những đường khắc vào thân cây, tôi thấy bồi hồi. Mười ba tuổi nhìn lại cậu bé lên mười sao thấy cách xa ghê gớm! Từ đỉnh ngọn cây tôi có thể nhìn thấy hết một vòng trang trại. Từ những chuồng nuôi súc  vật đến những giếng nước rải rác. Một vài chiếc xe bò nằm ngổn ngang mà tôi đóan chắc lâu lắm không dùng đến. Khi 10 tuổi tôi chỉ nhìn thấy sự mênh mông của trang trại, nay tôi chỉ thấy sự tiêu điều. Mai này khi bà nội tôi mất, liệu bác tôi và cậu Oscar còn ở lại nơi đây không? Trang trại này lúc đó còn thuộc về giòng họ Teniente nữa không? Cậu Oscar rồi sẽ ra sao?
Những câu hỏi đó lại đưa tôi trở về lại với nỗi tò mò về con người cậu. Chuyện gì đã xẩy ra để cậu thành một người khác? Cậu không mất trí, không bị bệnh tâm thần. Cậu chỉ trở thành.. một người xa lạ! Tôi muốn hỏi cậu câu hỏi này. Nhưng có lẽ điều này chỉ là ước muốn, như hàng trăm ngàn ước muốn khác của tôi. Tôi không hiểu tại sao tôi lại nghĩ về cậu nhiều như thế trong suốt mùa hè lưu lại trang trại của bà nội tôi.
Đã có những lần của mùa hè năm đó tôi vào phòng cậu, đến gần bên cậu rồi se sẽ đặt tay tôi vào tay cậu. Cậu Oscar đã để yên, nhưng, trong mắt cậu  có một ánh chớp. Ánh chớp có thật xảy ra trong tích tắc hay do óc tưởng tượng của tôi? Bàn tay cậu lạnh và cứng như một tảng đá. Tảng đá vô tri? Tôi muốn đi tìm biến chuyển bất chợt nào của cậu, nhưng hoài công! Nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc.
Tôi không dám đụng đến một vật gì trong phòng của cậu mà chỉ đứng nhìn quan sát. Căn phòng nhỏ chỉ vừa đủ để chiếc giường một người nằm, chiếc bàn học của cậu từ ngày xưa và chiếc ghế bành đã trũng sâu vì cậu chiếm cứ nó hầu như hết cả ngày. Trên tường treo đầy ảnh của những người trong gia đình hay bạn bè cậu. Tôi thấy một tấm ảnh đặt trên bàn, cạnh chiếc đèn có chụp mầu ngà. Tấm ảnh cậu ngày trẻ. Nụ cười tươi tắn, đầy vẻ tự tin. Khuôn mặt đẹp đẽ, sáng sủa. Là cậu đấy ư?  Tôi chưa gặp người thanh niên đó bao giờ. Phải chi tôi được gặp người ấy một lần. Bàn tay của người thanh niên đó chắc không lạnh và cứng nhắc như của cậu hiện giờ.Tôi muốn hỏi người trong ảnh: “Có bao giờ biết cậu Oscar của tôi không?” Và để trả lời cho câu hỏi của tôi, nụ cười của người thanh niên trong bức hình như đang cười ngạo!
Chuyến xe trở về quá khứ sao không ghé ngang trang trại Teniente mà đón cậu tôi với? Cho cậu trở về quá khứ và rồi để cậu quyết định sẽ ở lại với dĩ vãng hay đáp chuyến xe khác đi về tương lai?
Những câu hỏi lăng nhăng, vớ vẩn như thế chẳng giúp gì cho cậu. Thế mà nó cứ lẩn quẩn, lằng nhằng trong tôi, không sao dứt bỏ được!