TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG

     ất cứ định nghĩa nào về hai chữ "Quê Hương" cũng không nói lên đủ tình cảm của một người đối với đất nước; thế nên tình yêu quê hương được cảm nhận hơn là hiểu biết và phân tích. Nếu thử đặt câu hỏi tại sao lại yêu mến quê hương, câu trả lời sẽ không bao giờ cùng mà có chăng khi vừa trả lời xong đã thấy mình thiếu sót. Có thể nói, tình yêu quê hương là tình yêu chính mình, nó man mác nơi tâm hồn như được kết hợp với bản thể. Nói cách khác, ai yêu quê hương sẽ yêu chính mình và ai hận thù chính mình sẽ không cảm nhận được tình yêu quê hương.
Mặc dầu tình yêu quê hương không được diễn tả nhiều trong Ca Dao, tuy nhiên, những hình ảnh quê hương lại được dùng như những biểu tượng thố lộ tình cảm: "Anh đi anh nhớ non Côi, nhớ sông Vị Thủy nhớ người tình chung." Tình yêu quê hương được gắn liền nơi tình cảm con dân Việt qua những hình ảnh quen thuộc thân thương từ nơi công việc đồng áng dẫu cực nhọc nhưng đượm tình tha thiết gắn bó: "Trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta. Cấy cày vốn nghiệp nông gia, ta đâu trâu đấy ai mà quản công" cho tới những nhung nhớ hoài mơ một hình bóng: "Trăm năm đành lỗi hẹn hò, cây đa bến cũ con đò khác xưa." Về phương diện tình cảm, chính những hình ảnh nơi thực tại gợi lên và nhắc nhở lòng yêu mến gắn liền cảnh vật nơi đất nước một người được lớn lên tạo nên tình yêu quê hương: "Chim xa rừng thương cây nhớ cội, người xa nguồn trôi nổi lắm nơi;" vì dẫu trôi nổi tới đâu và con người dầu có phải lăn lộn với cuộc đời nối tiếp sự sống, nhưng tâm tình đâu dễ dàng xóa bỏ như thay nghề đổi nghiệp bởi nét sâu đậm khắc ghi của tâm hồn mẫn cảm, ngập tràn lòng biết ơn, nhận thức mối tương quan cũng như sự đào luyện của văn hóa, giáo dục tạo nên cá tính bản thân mình. Nhận thức này rất rõ rệt mỗi khi một người tự đặt câu hỏi mình là ai, và chắc chắn đặc tính đầu tiên của câu trả lời phải là "tôi là người Việt Nam" vì tôi được sinh ra từ dòng máu dân Việt, "Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn."
Tình yêu quê hương theo nghĩa hẹp được đại diện bởi tình yêu làng thôn nơi một người lớn lên từ tấm bé, hòa nhập và tôn trọng lối sống đã đào luyện nên con người của mình. Thế nên ai không cảm thấy: "Không nơi nào đẹp bằng quê hương ta;" nơi chứa đựng những tâm tình ấu thơ ngọt ngào; chốn gìn giữ ký ức thời thanh xuân man mác trên từng con đường xưa, lối cũ trải dài qua những vườn rau, áo cá. Chính những nét đẹp quê hương ươm đọng sâu đậm nơi tâm hồn không nơi nào có thể so sánh ấy mới có thể đào tạo nên những con người hòa hợp với mình: "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn," hoặc "Trâu ta ăn cỏ đồng ta, tuy là cỏ cụt nhưng là cỏ thơm." Để rồi khi con người vì lý do nào đó gặp cảnh xa quê, tình nhung nhớ dâng lên vời vợi qua những hình ảnh kỷ niệm nơi ký ức: "Ao sen, giàn mướp, lũy tre, nhắc chi những nỗi đi về năm xưa. Đầu xanh độ ấy đang vừa, rủ nhau chui lách lưa thưa vào vườn. Ôi quê hương, ôi quê hương, nói sao cho xiết niềm thương nỗi lòng."  Dĩ nhiên, kỷ niệm càng sâu xa, tình thương mến càng đậm đà: "Đêm qua đốt đỉnh hương trầm, khói lên nghi ngút âm thầm nhớ quê," và thường được sống dậy do cảnh sắc thực tại gợi về: "Chiều chiều trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm? Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông? Thuyền ai thấp thoáng bên sông, đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non." Niềm nhớ nhung này chẳng những bao kín tâm tư mà còn ảnh hưởng thực tại nỗi lòng con người: "Vui là vui gượng qua thì, xóm làng xa vắng, vui gì mà vui." Thế nên tình yêu quê hương là căn bản cho tâm tình yêu mến giống nòi: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng." Chẳng may khi có những chuyện tranh chấp "Nồi da xáo thịt" xảy ra trong đất nước, thật là đau lòng cho những tâm hồn nặng tình với quê hương dân tộc: "Chim không đánh chim cùng một tổ, trâu một chuồng không nỡ húc nhau. Cùng chung một giọt máu đào, nỡ nào bán nước, nỡ nào hại dân;" hoặc "Khôn ngoan đá đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau." Tình yêu quê hương không những bao gồm người cùng dòng máu mà còn bao gồm những người cùng sinh sống biết quên mình xây dựng đất nước: "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn."
Nói theo phương diện tâm lý cá nhân, khi mình yêu thương ai, cuộc đời mình sống cho và vì người ấy không quản nề hy sinh vất vả, không so sánh thiệt hơn. Khi mình thích vật gì hay lối sống cách nào, những phiền toái hay giá phải trả do ý thích gây ra không được đặt thành vấn đề. Tình yêu quê hương đòi hỏi con người những sự hy sinh nơi bản thân tùy theo khả năng để giữ gìn hay xây dựng mảnh non sông cha ông dày công gây dựng và để lại. Tuy nhiên, bình thường "Cha chung không ai khóc," của chung chẳng ai chăm sóc nên nhiệm vụ với quê hương cần được trở thành bổn phận của mọi người. Như vậy, bổn phận hay nghĩa vụ với quê hương dân tộc bao hàm tình yêu và hy sinh của con người cho đất nước hay được gọi cách khác: "nợ nước," "Tấm gương sáng tỏ ngàn thu, đảm đương nợ nước đền bù cho xong." Bổn phận này không phải chỉ riêng cá nhân nhưng ảnh hưởng liên hệ đến mối tương quan trong cuộc sống của người thi hành: "Anh ơi phải lính thì đi, cửa nhà đơn chiếc đã thì có tôi..." hoặc "Anh ơi giữ lấy việc công, để em cày cấy mặc lòng em đây." Lẽ thường, ai cũng lo chu toàn việc riêng của mình trước hết bởi nếu việc mình lo chưa xong sao có thể giúp gì được cho ai. Ngược lại với những chuyện bình thường trong cuộc sống, nghĩa vụ với quê hương đất nước được đặt lên hàng đầu và được coi là công việc tối thượng của người dân đối với quốc gia. Thi hành nhiệm vụ đối với đất nước giữa chốn muôn người chẳng những là cơ hội phát triển tài thao lược cá nhân mà lại còn là niềm hãnh diện cho gia đình, thân thuộc: "Anh đi em ở lại nhà, hai vai gánh vác mẹ già con thơ. Lầm than bao quản nắng mưa, anh đi, anh liệu chen đua với đời." Sự hy sinh cho quê hương dân tộc đòi hỏi sự hy sinh tâm tình riêng tư: "Cái cò lặn lội bờ sông, gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non. Nàng về nuôi cái cùng con, để anh đi trẩy nước non kịp người; cho kịp chân ngựa chân voi, cho kịp chân người kẻo thiếu việc quan." Chẳng những thế lại còn cần sự hỗ trợ nơi người thân yêu "Chàng đi đưa gói thiếp mang, đưa gươm thiếp vác cho chàng đi không." Hoặc, "Giá vua bắt lính đàn bà, để em đi đỡ anh và bốn năm. Bởi vua bắt lính đàn ông, tiền nong gạo bị sắm trong nhà này." Bổn phận với quê hương là bổn phận với dân tộc "Khuyên anh đi lính cho ngoan, cho dân được cậy cho quan được nhờ," vì thế, hy sinh cho dân tộc tức là hy sinh cho quê hương, và chấp nhận đương đầu với những khó khăn cuộc sống để người bảo vệ quê hương an tâm xây dựng đất nước cũng góp phần hy sinh cho dân tộc.