CHUNG THỦY

     ình yêu thực sự đưa đến kết quả chung thủy dù đôi uyên ương có được chung sống với nhau hay không "Cũng nguyền một tấm lòng son, anh dầu có phụ keo sơn có trời. Sống dương gian hai đứa đôi nơi, thác xuống âm phủ cũng nhớ lời thề xưa." Lẽ đương nhiên, hai kẻ yêu nhau chấp nhận cuộc đời cho dẫu thế nào, và tình yêu là năng lực giúp họ thắng vượt tất cả những khó khăn phải đương đầu vì đối với họ có nhau là có tất cả: "Sông hồ một giãi con con, gặp cơn sóng cả chớ non tay chèo. Yêu nhau sanh tử cũng liều, thương nhau lặn lội qua đèo có nhau," hoặc "Thương nhau bất luận ở đâu, dẫu mà lên núi xuống cầu cũng đi." Thử hỏi, khi yêu, ai không mơ ước: "Mong sao anh biến ra tằm, em biến ra nóng cho nằm chung chơi. Khi nào cho hợp hai hơi, ghé tai nói nhỏ những lời thủy chung." Thủy chung không so sánh hơn kém: "Trăm năm ghi tạc chữ đồng, dù ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai;" nên đã được coi là định mệnh lứa đôi: "Chỉ điều ai khéo vấn vương, mỗi người một xứ mà thương nhau đời. Chữ tình ai bứt cho rời, tơ hồng đã định đổi dời đặng đâu." Tất nhiên, con người thì thay đổi, nhưng cuộc sống lứa đôi muốn làm ăn nên phải có sự chung thủy: "Trăm năm ai chớ bỏ ai, chỉ thêu nên gấm sắt mài nên kim" vì chung thủy là sự thực hiện lời hứa bền vững của đôi lứa thực sự yêu nhau: "Bao giờ cạn lạch Đồng Nai, nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền," và lời hứa này chỉ khi chết mới hết hiệu lực: "Bãi dài cát nhỏ hột to, thác đi thì mất sống lo kết nguyền." Người có lòng thủy chung luôn ôm ấp mối tình cho dù người kia có thay lòng đổi dạ: "Thuyền ơi có nhớ bến chăng, bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền," hay: "Con đò đậu gốc cây đa, cây đa bến cũ chẳng xa con đò." Bởi thế, tình yêu thực sự được chứng minh qua sự thủy chung: "Chim quyên hút mật bông quì, ba năm còn đợi huống gì một năm." Và như một lẽ thường, người ta chỉ có thể thủy chung với người chung thủy: "Cây đa cũ bến đò xưa, bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ."
Sự chung thủy của chàng đối với nàng bị ảnh hưởng bởi chính lòng chung thủy của nàng đối với chàng. Trời cho lòng phụ nữ bao la dễ chấp nhận thì lại cũng đặt nơi tâm hồn người đàn ông sự cảm mến của lòng chân tình ở người yêu: "Bởi thương em nên ốm với gầy, cơm ăn chẳng đặng gần đầy ba thu. Ngó lên sao sáng trăng lu, thấy em có nghĩa mấy thu anh cũng chờ." Kinh nghiệm sống chứng minh, "Cóc chết ba năm quay đầu về núi;" đàn ông, cho dù ra sao chăng nữa, không ai có thể thay thế được ân tình của người phối ngẫu nơi tâm hồn họ: "Ấy ai dắt mối tơ mành, cho thuyền quen bến cho anh quen nàng. Tơ tằm đã vấn thì vương, đã trót dan díu thì thương nhau cùng." Mặc dầu bị ảnh hưởng bởi quan niệm "Đàn ông như nơm, vớ đâu chụp đấy," nhưng đó chỉ dành cho kẻ không biết tình yêu là gì hoặc "Lấy để cho anh bớt lạnh lùng." Thật ra, tình cảm nơi người đàn ông không đơn sơ như người đời thường nghĩ: "Bãi dài cát nhỏ tăm tăm, phải căn duyên trời định bấy nhiêu năm anh cũng chờ." Bởi vậy, nơi tình yêu đôi lứa đâu thiếu chi cảnh: "Rủ nhau xuống biển mò cua, đem về nấu quả mơ chua trên rừng. Em ơi chua ngọt đã từng, non xanh, nước bạc ta đừng quên nhau." Đồng thời biết bao chàng trai âm thầm chung thủy với người thương mà không bao giờ hé miệng than thở: "Mấy lời em nói, anh hong khói để bền, dẫu trăm năm nữa không quên lời nào." Nhân nghĩa của đạo vợ chồng bắt nguồn từ tình yêu chung thủy, "Trống thu không ba hồi điểm chỉ, anh ngồi anh nghỉ thở ngắn than dài. Trúc nhớ mai thuyền quyên nhớ khách, quan nhớ ngựa bạch, bóng lại nhớ câu. Anh nhớ em đây biết bao giờ được, đạo vợ chồng chẳng trước thời sau. Trăm năm xin chớ quên nhau." Hoặc: "Chừng nào cho sóng bỏ gành, cù lao bỏ biển, anh đành bỏ em."
Sự chung thủy của con tim nữ giới chứa đựng mênh mang nhung nhớ kèm theo lòng hy sinh để rồi họ có thể trở nên tất cả vì người tình. Đối với họ, bất cứ chi có liên hệ đến người yêu được coi là quí giá; bởi đó đã có sự so sánh: "Dâu hiền nên gái" mặc dầu với quan niệm và lối sống khe khắt ngày xưa chữ "hiền" được đặt nơi người con dâu bao hàm cả một sự chấp nhận hy sinh khổ ải. Biết bao cảnh của nàng dâu "Bán buôn nuôi mẹ cầm chừng, sáng chiều đăm đắm trông chừng đợi anh" đã trải qua trong thời chinh chiến. Con tim phái nữ chấp nhận sự lỡ làng có thể xảy ra một khi tình yêu đến với họ, "Quí hồ anh có lòng thương, em sẽ quyết đợi như rương khóa rồi;" ngay cả đôi khi tình yêu này chỉ là sự thương thầm của tình một chiều: "Đôi tay cầm lấy ống tơ, dù năm bảy mối cũng chờ mối anh." Chắc chắn rằng có những trường hợp mối tình thầm kín của nàng chẳng bao giờ được đáp lại. Vì tình họ đắm say dành tất cả cho người yêu, nên phái nữ dẫu đã có lời thề nguyền với tình nhân vẫn mang tâm trạng e ngại chàng thay lòng đổi dạ: "Anh về em nắm lấy tay, em dặn câu nầy anh hãy cho chuyên. Đôi ta đã trót thề nguyền, đừng xa xôi mặt mà duyên hững hờ." Tình yêu nồng cháy nơi con tim nàng tạo năng lực xả thân cho người phối ngẫu: "Mẹ cha mà có hành thân, tôi nguyền bán tảo buôn tần nuôi anh," hoặc "Lên non thiếp cũng lên theo, tay vịn chân trèo hái trái nuôi nhau." Và chấp nhận tất cả những gì có thể xảy tới trong cuộc sống lứa đôi miễn sao có nhau: "Đi đâu cho thiếp đi cùng, đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam," hay "Chàng đi thiếp cũng xin theo, cùng làm cùng hưởng, giàu nghèo có nhau." Bởi thế, nếu chẳng may duyên phận gặp chuyện chẳng xuôi hoặc đôi bên chưa được xum hợp "Duyên đôi ta thề nguyền từ trước, biết bao giờ ta được cùng nhau? Tương tư mắc phải mối sầu, em đây vẫn giữ một mầu đợi anh;" để rồi dẫu chưa biết tình sẽ đi đến đâu mà hao mòn thân xác thì nàng đã phải hứng chịu: "Sông sâu cá lặn mất tăm, chín tháng cũng đợi mười năm cũng chờ. Chờ anh chờ ngẩn chờ ngơ, chờ hết mùa mận mùa mơ mùa đào. Chờ anh cho tuổi em cao, cho duyên em muộn, má đào em phai." Hoặc chẳng may gặp phải người chồng bất nghĩa nàng đành chấp nhận: "Thủy chung em giữ trọn đời, chết thì chịu chết lìa đôi không lìa."

NHUNG NHỚ

Một đặc tính dễ nhận biết nhất của tình yêu là sự nhung nhớ. Nguyên nhân gây nên nhung nhớ bắt nguồn từ ước muốn có nhau, thuộc về nhau vì khi ở gần kề đâu ai nhớ mà chỉ thấy thương. Chính bởi ao ước được sống với người thương đã khiến lòng nhớ; cho nên "Nghe lòng thương nhớ biết là mình yêu." Tình yêu càng sâu đậm, nhung nhớ càng mạnh bạo; nói cách khác, sự nhớ nhung là sản phẩm của tình yêu "Thương nhau nên phải đi tìm, nhớ nhau một lúc như chim lạc đàn," hoặc "Chẳng thà không biết thì thôi, biết rồi hai đứa hai nơi thật buồn." Không phải chỉ khi ở xa nhung nhớ mới hoành hành mà ngay khi chia tay của lần gặp gỡ nhung nhớ đã bộc phát: "Bước đi ba bước lại ngừng, đôi ta ở vậy cầm chừng đợi nhau. Thương mình nên ốm nên đau, thuốc uống không mạnh biết làm sao ở đời." Hoặc "Còn đêm nay nữa mai đi, lạng vàng không tiếc, tiếc khi ngồi kề." Thêm vào đó, những kỷ niệm gợi lại hình ảnh người yêu thường làm lòng quay quắt "Ai về gởi nhánh cau tươi, trầu nguồn một gói nhắn người tri âm. Mối tình chín khúc ruột tằm, khi tháng tháng đợi, khi năm năm chờ." Địa danh hay nơi chốn chất chứa kỷ niệm cũng hay kéo về nhắc nhở khúc phim dĩ vãng của những ngày có nhau "Ai về Đông Tĩnh, Huê Cầu, để thương để nhớ để sầu cho ai. Để sầu cho khách vãng lai, để thương để nhớ cho ai chịu sầu." Và mảnh lòng thao thức là chốn hoạt động của nhung nhớ, "Nhớ ai con mắt lim dim, chân đi thất thểu như chim tha mồi. Nhớ ai hết đứng lại ngồi, ngày đêm tơ tưởng một người tình nhân," hay "Chiều nay có kẻ thất tình, tựa mai mai ngã, tựa đình đình xiêu," trong khi nguồn khơi dậy nhung nhớ có thể do chính tâm tư hoặc cảnh vật liên hệ nhắc nhở.
Mỗi con tim có tần số riêng; tần số này hoạt động mạnh mẽ nhất khi lòng cô đơn trống vắng "Đêm qua mới gọi là đêm, ruột xót như muối, dạ mềm như dưa," và khi nghĩ đến người thương nếu chẳng may có chuyện gì xảy tới "Làm thơ biết cậy ai đem, cậy cùng chim nhạn đặng đem cho mình. Mình đau tương tư tôi vái tận tình, vái cho mình mạnh, vô đình cúng heo," hoặc bởi khó khăn cản trở hai con tim chưa thể hòa đồng nhịp đập: "Vì ai nước mắt sụt sùi, khăn lau không ráo, vạt chùi không khô," hay thao thức tự nhiên hướng về người tình "Gió sao gió mát sau lưng, bụng sao bụng nhớ người dưng thế nầy?" Muốn yêu và muốn được gần kề có lẽ không thể tách rời do đó yêu mà không được chung sống làm cho con người buồn khổ "Thà rằng chẳng biết cho xong, biết ra kẻ Bắc người Đông thêm sầu!" Tất nhiên, khi yêu ai, mình luôn hướng lòng về người ấy hoặc để hình ảnh và những tâm tình về người ấy xâm lấn, ảnh hưởng tâm tư: "Đêm qua ba bốn lần mơ, chiêm bao thì thấy, dậy rờ thì không." Sự nhung nhớ này cho dầu nhận thức hay lý trí cũng không chống cự lại được, "Tôi chỉ muốn người yêu tôi sung sướng, dù họ có yêu hay chẳng yêu tôi. Đã biết thế, nhưng sao tôi vẫn khổ, vẫn sầu thương vương vấn để đơn côi." Vì thế đặc điểm của nhớ nhung được gọi là tương tư "Đêm qua nguyệt lặn về tây, sự tình kẻ đấy người đây còn dài; trúc với mai mai về nhớ trúc, trúc trở về mai nhớ trúc không? Bây giờ kẻ Bắc người Đông, kể sao cho xiết tấm lòng tương tư," bởi nhung nhớ ảnh hưởng quá mạnh nơi tâm trí con người khiến lòng lúc nào cũng như tỉnh như say làm giảm bớt khả năng sáng suốt nhận định về thực tại: "Nhớ chi nhớ sững nhớ sờ, cơm ăn chẳng đặng giật giờ như đứa say. Cầm kim quên vá quên may, cầm ve quên rượu cầm khay quên trầu." Hoặc "Cô thương nhớ ai ngơ ngẩn đầu cầu, lược thưa biếng chải gương Tàu biếng soi. Sập đá hoa bỏ vắng chẳng ai ngồi, buồng hương bỏ vắng cho người quay tơ. Cô thương nhớ ai ra ngẩn vào ngơ, đêm quên giấc ngủ, ngày mơ trận cười. Đêm năm canh, ngày sáu khắc chàng ôi! Chàng cười nửa miệng thiếp tôi vui lòng." Nhớ nhung còn mang năng lực mạnh mẽ có thể ngăn chận ý thích con người: "Mâm thau chùi sáng để trên bộ ván thấy hình, cháo đậu xanh đường cát trắng, buồn tình quên ăn," hoặc "Sầu riêng cơm chẳng muốn ăn, đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm." Có thể nói một cách phóng đại: "Nhớ ai nhớ mãi thế này, nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn." Chẳng những thế, nhớ nhung còn làm cho một người đứng ngồi không yên "Nhớ ai bổi hổi bồi hồi, như đứng đống lửa như ngồi đống than;" để rồi tất cả tâm trí chỉ dồn vào một hình bóng "Nhớ ai hết đứng lại ngồi, ngày đêm tơ tưởng một người tình nhân," và luôn luôn mơ tưởng "Ước gì có cánh như chim, bay cao liệng thấp đi tìm người thương."
Khi yêu lòng luôn hướng về một hình bóng do đó bất cứ cảnh vật nào cũng được liên kết nhắc nhở đến người tình. Càng những gì liên hệ gần gũi tới mình càng gợi lại cảnh đơn chiếc nội tâm: "Đêm đêm ngồi tựa bóng đèn, than thân với bóng, giải phiền với hoa." Hơn nữa, tâm tình con người được trãi vào cảnh vật chung quanh khiến cho sự cảm nhận bị ảnh hưởng nhiều khi đến độ đối nghịch; tiếng chim hót vui tươi cũng trở thành buồn bã theo cõi lòng sầu muộn: "Chim chuyền nhành ớt líu lo, sầu ai nên nỗi ốm o gầy mòn." Thêm vào đó, những gì bình thường nghe đã thấm thía lại càng khích động cho nét tơ vương ai oán hơn, thúc đẩy thêm sự tưởng tượng phụ họa nỗi niềm nhung nhớ: "Con chim tra trả ai vay mà trả, bụi gai sưng ai vả mà sưng. Đây người dưng đó cũng người dưng, cớ chi nước mắt rưng rưng nhớ hoài. Hai tay ôm vạt áo dài, chậm lên con mắt chậm hoài không khô." Khi yêu, ai không muốn được chăm sóc hay làm chuyện gì cho người mình yêu. Khổ nỗi, đã xa vắng không biết người tình giờ ra sao và ở chốn nào lại càng làm mối sầu thêm quặn thắt lúc thấy hình ảnh một con chim còn biết đến tình nghĩa tha mồi cho bạn nằm ấp trứng: "Chim quyên xuống đất tha mồi, tôi xa người nghĩa, đứng ngồi không yên." Rồi những cảnh ríu rít cặp bầy của muông thú càng nhắc nhở kẻ cô đơn nhớ bạn, "Chiều chiều én liệng cò bay, khoan khoan hỏi bạn, bạn rày nhớ ai," để rồi nhận ra nét khắc khoải tương tư ăn sâu nơi tâm khảm nhắc lòng vấn vương về người thương: "Một đàn cò trắng bay qua, cho loan nhớ phượng cho ta nhớ mình. Mình nhớ ta như cà nhớ muối, ta nhớ mình như cuội nhớ trăng. Mình về mình nhớ ta chăng?" Sự nhớ nhung tạo nên niềm hy vọng nơi kẻ yêu nhau được gặp lại người tình bởi vậy lòng kẻ đang yêu luôn thấp thỏm, mong ngóng vu vơ: "Ngó lên mây bạc chín từng, thấy đôi chim nhạn nửa mừng nửa lo."
Lẽ thường, lòng mình thế nào thì nghĩ những sự vật chung quanh cũng mang nét ấy. Lòng buồn ray rứt không dứt được nhớ nhung nên dù con cá lội quanh quẩn nơi dòng nước cũng cho rằng cá mang tâm sự như mình trong cảnh huống muốn gặp người tình mà không biết làm sao: "Nước chảy xuôi con cá buôi (trôi) lội ngược, nước chảy ngược con cá dược (vượt) lội xuôi. Anh với em xa cách ngậm ngùi, mong cho gặp mặt xác vùi cũng ưng." Sự nhớ nhung làm con người chán nản với thực tại và cho đó là một sự ràng buộc hoặc hàng rào vô hình không thoát ra được. Tâm trạng này mênh mang dằn vặt kẻ tương tư ảnh hưởng tới cả cánh chim, thân cá: "Cá lý ngư, sầu tư biếng lội, chim phượng hoàng sầu cội biếng bay. Xa nhau chẳng bấy nhiêu ngày, đêm đêm mơ tưởng ngày ngày đợi trông." Thế nhưng dù không muốn mà nào có dứt được đường tơ; nét tư tình kể cũng lạ, càng cố quên thì lại càng nhung nhớ, và càng nhung nhớ thì lại càng thương để rồi càng thương chỉ tăng thêm mối sầu cách biệt: "Cá sầu ai cá chẳng quạt đuôi, như lan sầu huệ, như tui sầu mình. Tử sanh, sanh tử tận tình, dù ai ngăn đón, tui cứ mình tui thương." Bởi vậy, cho dù có cách biệt hoàn toàn, không còn hy vọng xum họp thì lòng kẻ thương vẫn cứ thương: "Nước chảy re re con cá he nó xòe đuôi phụng, anh xa em rồi, trong bụng vẫn còn thương."
Chẳng những sinh vật nơi thiên nhiên gợi lòng nhung nhớ nơi kẻ tương tư mà cảnh sắc cũng thúc giục mối hương  lòng đôi lứa yêu nhau tưởng đến người tình. Một vấn đề khá lạ lùng đó là khi hai kẻ yêu nhau, những niềm vui ít khi được nhớ tới mà những sầu khổ không hiểu tại sao cứ dằng dai ray rứt: "Đêm khuya lặng gió thanh trời, ruột dường dao cắt vì lời mình than." Tình vương vất làm cho người ngây ngất nhưng quanh đi quẩn lại chỉ mình với bóng trong cảnh đơn lẻ: "Đêm đêm ngồi tựa cành cây, than thân với bóng, bóng rày bóng chẳng có thương. Đêm đêm rước bóng lên giường, ngọn đèn thấp thoáng, nửa thương nửa sầu." Hay "Đêm đêm thắp ngọn đèn dầu, than thân với bóng thảm sầu ai thương. Suốt năm canh một bóng một giường, ngọn đèn leo lét nửa thương nửa buồn." Hơn nữa, khi lòng đã in đậm nét một hình bóng, người ta mang cảm nghĩ hình bóng đó lúc nào cũng lẩn quất bên mình dường như được gán ép nơi cảnh thiên nhiên: "Một duyên hai nợ ba tình, chiêm bao lẩn quất bên mình năm canh. Nằm một mình lại nghĩ một mình, ngọn đèn khêu tỏ bóng huỳnh bay cao. Trông ra nào thấy đâu nào, đám mây vơ vẩn ngôi sao mập mờ. Mong người lòng những ngẩn ngơ." Hoặc "Thẩn thơ đứng gốc cây mai, bóng tôi tôi nghĩ, bóng ai tôi lầm." Và khi đã mê man với ảo tưởng, nào ai còn nhớ gì đến thực tại: "Đi đâu để nhện giăng mùng, để đôi chiếu lạnh để phòng quạnh hiu," và hoài mơ với nỗi ngóng trông nơi cảnh vật hy vọng vô tình bắt được hình bóng trong nhung nhớ: "Chim buồn chim bay về núi, cá buồn cá chúi xuống sông. Người buồn ra ngõ đứng trông, ngõ thì thấy ngõ, người không thấy người."
Con người làm việc và suy tư có hạn nhưng lòng tương tư vô hạn do đó nhớ nhung không thể nào kể xiết. Tình trao người dẫu một chiều, chưa được trả đáp nhưng giăng giăng đó đây ẩn tàng từng gốc cây ngọn cỏ dù có muốn diễn tả cũng không thể nào nói cho hết: "Cây đa lá rụng sân đình, bao nhiêu lá rụng thương mình bấy nhiêu." Có chăng chỉ những cảnh vật gợi lại mối sầu: "Đi ngang qua đình lột nón chào thần, hạc chầu thần đủ cặp sao mình lẻ đôi," và thường so sánh khoảnh không gian hoang lạnh như nỗi lòng trống vắng bởi nhớ người thương "Chiều chiều ra bãi mà trông, bãi thời thấy bãi, người không thấy người." Mối tình si không biết lấy gì bù đắp thường dẫn người mê đối diện cảnh cô đơn quạnh quẽ: "Đêm qua ra đứng bờ ao, trông cá cá lặn trông sao sao mờ, buồn trông con nhện giăng tơ, nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?" Ngày tháng trôi qua dật dờ theo lòng tưởng nhớ; con người trong mộng còn mãi bận tâm với hình bóng xa vời không cần đếm xỉa đến thời gian: "Có đêm ra đứng đằng tây, trông lên chỉ thấy bóng mây tà tà. Có đêm ra đứng vườn hoa, trông lên chỉ thấy sao tà xanh xanh. Có đêm thơ thẩn một mình, ở đây thức cả năm canh rõ ràng." Chỉ có sầu tư làm bạn, cảnh vật nơi đâu cũng như gợi lại lòng buồn một mối: "Đêm qua chớp bể mưa nguồn, hỏi người tri kỷ có buồn hay không?" Và tất cả chỉ là cách trở như một định mệnh bởi chính thiên nhiên cũng hùa theo phận số ngăn cản bóng dáng người mơ: "Núi cao chi lắm núi ơi, núi che mặt trời không thấy người thương."