LÒNG CHÂN THÀNH

     gười Việt Nam ta (nói theo kiểu Phạm Quỳnh) thường hay gặp cảnh vạ miệng. Sự vạ miệng này gói ghém nhiều nguyên nhân cũng như đặc tính tốt lành mà thường thì ít ai để ý tới. Đại khái, khi một tin đồn luân lưu trong cộng đồng về lời nói của một người nào, có thể nói rằng 95% câu nói đã bị hiểu sai, hoặc một vài người nào đó đã nghe không đầy đủ về nguồn tin để rồi sinh ra sự loan truyền thất thiệt. Đã có ai trong cuộc đời chưa bao giờ bị hiểu lầm ngoại trừ những người trẻ tuổi không được để ý tới. Cũng có trường hợp có những điều chính người bị đồn thổi về chuyện nào đó lại không hiểu lời đồn đó tự đâu ra. Lời đồn và nỗi oan xem ra luôn luôn nặng, mang nhiều sự thất thiệt nhưng nguyên nhân có thể lại do tâm tình ngay thẳng, lòng chân thành và những đặc tính hay chia sẻ, than thở quan tâm đến cuộc sống cộng đồng cũng như đến người khác. Không xét đến trường hợp mưu mô lừa gạt quần chúng để tung ra những tin đồn thất thiệt, sự nhận xét ở đây chỉ nhắm vào những đặc tính tốt của người Việt vô tình được lồng trong những rắc rối phiền hà do lối sống liên hệ cộng đồng.
Nếu bạn muốn tung ra một tin đồn thất thiệt nào có tầm mức liên quan đến nhiều người hoặc một nhân vật quan trọng nào trong cộng đồng bạn đang ở, bạn chỉ cần tỏ ra hơi bí mật một chút, đem điều bạn muốn mọi người biết nói nhỏ với vài người và dặn họ chớ nói cho bất cứ ai. Chẳng phải chờ lâu, tin đồn thất thiệt của bạn chỉ vài hôm sau không ai không biết. Nói rằng dân ta hay "đôi mách" thì hoàn toàn sai lầm nhưng nếu bảo đó là cá tính dễ dàng chia xẻ, chẳng có gì là sai mà lại còn là một đặc tính đơn thuần tốt lành; tốt lành đến độ trở thành công cụ cho một số kẻ mưu đồ lạm dụng lòng dễ tin của quần chúng. Người Việt dễ chia sẻ và chân thành chia xẻ; đó là lý do tại sao chúng ta thích nhàn đàm; nói chuyện không cần mục đích và bất cứ chuyện gì cũng có thể đem ra nói được. Vả lại, ai cũng thích nói mà người nghe lại không cảm thấy phiền hà, cứ nghe được nhiều, biết lắm chuyện bao nhiêu là cảm thấy mình quan trọng bấy nhiêu. Có thể tôi nhận xét sai về điểm này bởi cái nhìn hạn hẹp của mình nhưng hầu hết những người biết nhiều chuyện đều cảm thấy mình quan trọng; không quan trọng mà người khác nói cho mình nghe nhiều chuyện ư!
Muốn chia sẻ và muốn được chia sẻ là nhu cầu của mọi người. Sự chia sẻ đôi khi trở thành than thở giúp một người cất được gánh nặng tâm tư để lòng thoải mái hơn. Những người cô độc đều cảm thấy tâm tư luôn luôn bị đè nặng, dồn ép bởi không có ai để chia sẻ hoặc không thể san sẻ nỗi lòng mình với bất cứ ai do đó luôn luôn cảm thấy không ai hiểu được mình nên thường mang tâm trạng bơ vơ. Người Việt chia sẻ rất chân thành; hơn nữa với đặc tính hiếu khách, họ không cảm thấy phiền hà khi người khác cần nói chuyện với họ, hoặc giả dụ họ không thích mình tới nói chuyện, hỏi han, nhưng vì lịch sự xã giao hay cả nể không muốn làm mất lòng người khác họ cũng sẽ không bao giờ từ chối khi mình ghé thăm nói chuyện.
Lòng chân thành được biểu lộ qua nhiều khía cạnh cũng như thái độ, lời ăn tiếng nói của một người. Người nào ăn nói càng mộc mạc, đơn giản bao nhiêu, lòng càng chân thành bấy nhiêu bởi chân thành không cần chải chuốt hoặc che dấu sự thực mình nghĩ. Xét về cá tính, những người càng bộc trực, nóng tính càng chân thành vì chính thái độ diễn tả phần nào tâm tình họ. Làm sao một người có thể giả dối, che dấu thái độ khi mặt mũi đỏ gay vì giận, ăn nói bất cần sống chết. Thái độ họ bộc trực nhưng lòng lại rất chân thành.
Người có lòng chân thành sẵn sàng mở rộng tâm hồn nhận biết chính mình. Không che dấu nên càng thấy nhiều lầm lỗi; chính vì nhận ra mình nhiều lầm lỗi mình mới có thể thông cảm được với người khác khi họ lỗi lầm do đó không kết án hoặc khắt khe với người khác. Có thể nói lòng biết ơn cũng như thái độ biết ơn phát xuất từ lòng chân thành. Nói cách khác, bất cứ thái độ, cử chỉ, lời nói nào không phát xuất tự lòng chân thành đều che dấu một ẩn ý nào đó.
Dĩ nhiên không ai có thể làm vừa lòng hết mọi người. Vì thế người chân thành hay bị vạ hoặc vô tình gây vạ cho kẻ khác bởi lời nói. Khi thành thật chia sẻ với người khác, tự mình đã không che dấu những gì không nên không phải của bản thân và sự thật thì hay mất lòng; lòng chân thành làm phiền mình trước. Đó là lý do  tại sao ai nấy đều chuộng kẻ chân thành nhưng đôi khi lại sợ bộc lộ chân thành lòng mình. Thực tế mà xét, lời nói nhiều khi không thể diễn tả đầy đủ thực trạng tâm hồn vì thế người nói hay sự chia sẻ dễ bị hiểu lầm là chuyện thường. Do đó nhiều trường hợp bởi cái miệng không đi đôi với ý nghĩ khiến nhiều người ngại bị hiểu lầm nên không dám nói. Cho nên người nào dám chân thành nói thực lòng mình, đối xử với người khác không ỡm ờ giả dối phải là người có khí độ anh hùng bởi người anh hùng không thèm chấp nhất những điều nhỏ nhặt hoặc e sợ kẻ khác hiểu lầm. Lòng chân thành được biểu lộ qua thái độ và lối sống của họ dù có bị hiểu lầm lúc đầu nhưng rồi khi mọi người nhận ra sẽ mến phục. Lẽ đương nhiên lý luận và nhận thức thì dễ nhưng dám chấp nhận bị hiểu lầm lúc đầu, dám sống thực với lòng không dễ chút nào nhất là dư luận quần chúng không dễ chi thay đổi trong một sớm một chiều mà có khi còn tạo nên nhiều nghi ngờ.
Qua những nhận xét được nêu ra, lòng chân thành của người Việt bàng bạc nơi mọi tâm hồn nhưng lại ít được để ý tới nếu không muốn nói là không mấy ai đặt vấn đề vì thường chúng ta nhận định về một người qua thái độ bên ngoài nhiều hơn mà quên không tìm hiểu động lực nào đã khiến một người có thái độ như thế. Viết đến đây, vô tình nói chuyện với một người bạn, nhân tiện tôi hỏi thêm về một vài khía cạnh của lòng chân thành nơi người Việt. Nói qua nói lại, bạn tôi trả lời "Đừng suy bụng ta ra bụng người." Dĩ nhiên, dùng cảm nghiệm để rồi cảm nhận con người theo khía cạnh tâm lý không thể tránh thoát suy bụng ta. Xét rộng hơn, với ảnh hưởng của truyền thống, luân lý xã hội, những người được nuôi dưỡng trong cùng một môi trường giáo dục chắc hẳn một phần nào đó đều có một căn bản tâm tình chung mà lối nói bình dân gọi là "lòng." Hơn nữa, tâm lý học, tâm lý bệnh học đều chứng minh rằng dù được sinh trưởng trong các môi trường khác biệt văn hóa, mọi người đều chia chung một căn bản tâm thức. Đó là lý do tại sao các tâm bệnh gia Tây phương có thể chữa tâm bệnh cho người Đông phương và ngược lại. Vì thế, nếu tôi có thể cảm nhận được nơi chính mình để tìm hiểu và nhận định ít ra từ một số người khác năng gặp hay quen biết kiếm lấy điểm chung thì có lẽ không đến nỗi sai lầm. Thử đặt câu hỏi, bạn có cảm nhận được lòng chân thành của bạn bị khuất phía sau thái độ bên ngoài, cũng như lời nói khó có thể diễn tả thực sự lòng bạn không. Đó là điểm ít được để ý tới nơi người Việt tôi muốn nêu lên. Ngược lại, chúng ta thường bị nghe những lời phàn nàn nếu không muốn nói là chê trách mà ít được khen hoặc để ý về những điều tốt mình làm. Có ai thèm để ý đến điều tốt lành nơi mình đâu, và cả chính mình nữa bởi mình còn đang bị đè nặng và che lấp bởi những điều phàn nàn chẳng giúp ích chi cho ý hướng sống vươn lên.
Lòng chân thành là đặc tính cao cả nhất mà một người dành cho hoặc đối xử với người khác. Thử xét về tình bạn, tôi muốn dùng chữ "bạn" đúng nghĩa của nó. Có ai dám đánh lừa người bạn chân thành của mình không? Có ai chấp nhất bạn mình vì những câu nói đôi khi đến độ sỗ sàng mất mặn mất nhạt hay lại thấy đó một tâm hồn thiết tha chân thực với mình. Ai dám có thái độ đểu cáng với bạn bè? Hay ngược lại, dù cho bạn mình có thế nào chăng nữa, mình không bao giờ đặt vấn đề. Sự đối xử thẳng thắn, chân thật đơn thuần này phát sinh từ lòng chân thành. "Người bạn là người mà tôi có thể đối xử một cách chân thành; đối với họ, tôi có thể sống thực với chính mình." (Emerson; The International Thesaurus of Quotations; Compiled by Rohda Thomas Tripp; Happer & Row; New York, 1970). Người bộc trực có tâm hồn thẳng thắn và chân thành có lẽ vì họ có cái nhìn tốt lành về những người khác. Họ không câu chấp nên cũng cho rằng người khác không câu chấp họ do đó mới dám phát biểu cách chân thành. Lòng chân thành còn được biểu lộ qua tâm tình chấp nhận chính mình và chấp nhận cuộc đời mình. Mình thế nào, dám sống thực như vậy. Nghèo có chi là xấu và giầu chưa chắc ai đã hỏi vay. Ai cũng nhận thấy những người già sống điềm đạm hơn (Tôi nói chung chung, không kể trường hợp ngoại trừ) bởi nhận ra cuộc đời cay đắng đã nhiều, trắc trở không thiếu, và dù có thế nào chăng nữa thì mình cũng chỉ là mình. Khi lên voi mình chẳng mập thêm mà lúc xuống chó rồi cũng đến thế. Họ dám sống chân thành với chính họ nên điềm đạm, an bình nhìn cuộc đời, không chấp nhất cũng không tranh đua mà dễ thông cảm, chân thành tha thứ.
Lòng chân thành cảm thông đóng một vai trò tối ư quan trọng nơi hạnh phúc gia đình người Việt. Dân gian có câu "Thương nhau lắm, cắn nhau đau;" thế mà sự hòa thuận giữa vợ chồng vẫn có được tất nhiên lòng chân thành phải là nhịp cầu giảng hòa. Hơn nữa, chính lòng chân thành của vợ hay chồng phần nào biến cải tâm tính người bạn đời mình từ đó đem lại ấm êm nhà cửa. Yêu thương chưa đủ, chỉ yêu thương mà không có lòng chân thành, người ta chỉ có thể là nhân ngãi chứ không phải là vợ chồng bởi trong cuộc sống lứa đôi, nhờ lòng chân thành, cả đôi bên không ai so đo hơn thiệt, không chấp nhất nhỏ nhặt và dễ thứ tha chấp nhận. Lòng chân thành bổ túc cho hôn nhân bền vững.
Lòng chân thành được biểu lộ rõ rệt nhất nơi lòng thương của cha mẹ đối với con cái. Thương con, dám nói lên điều con không hài lòng, hoặc chẳng muốn nghe chỉ vì muốn con mình tránh khỏi những kinh nghiệm phải trả giá quá mắc mỏ trong cuộc đời. Lẽ đương nhiên, cha mẹ đều chấp nhận trả giá bởi lòng chân thành thương con đôi khi đến độ tan nát cả tâm hồn nếu khách quan nhận xét. Trung thực mà nói, mấy ai nhận ra được tấm lòng cha mẹ khi tuổi chưa kịp lớn. Chả thế mà mãi sau này chúng ta mới nhận ra ư; "Nuôi con mới biết lòng cha mẹ."
Sỡ dĩ người Việt còn có được lối sống cộng đồng cao vì lòng chân thành đối với tập thể còn mặn mà. Khi mình còn cảm thấy danh dự cộng đồng còn ảnh hưởng tới niềm hãnh diện cá nhân, lòng chân thành liên kết và ý hướng xây dựng cộng đồng vươn lên còn đang trào dâng nơi huyết quản.