TÂM TÌNH KHÓ NGHÈO

     ói đến hai chữ khó nghèo, thật ra không ai muốn vì thường được hiểu về sự nghèo khó vật chất ngược lại với giầu sang. Giầu thường được hiểu là có nhiều tiền hoặc nhiều của cải. Mà "Có tiền mua tiên cũng được," sức mạnh vạn năng của đồng tiền đem lại cho con người cảm nghĩ an toàn không sợ bị vất vả, đói rách v.v... Chả thế mà trong cuộc sống vật chất, bất cứ gì cũng cần đến tiền ư! Nhà cũng tiền, xe cũng tiền, muốn được ăn trên ngồi trốc cũng tiền, muốn có kẻ hầu người hạ cũng tiền. Người Mỹ có câu "No money, no honey;" xét ra ngay đến tình yêu có lẽ cũng bị chi phối bởi tiền vì chồng đẹp vợ đẹp không thể chỉ nhìn mà no. Mọi người, ai lại không muốn có nhiều tiền. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn sự giầu có theo khía cạnh vật chất chưa chắc đã đủ mà còn thứ giầu có khác tiền bạc không thể mua được. Sự giầu có này cũng gồm có nhiều loại: giàu lòng vị tha, giàu học vấn, giàu sự hiểu biết, giàu khả năng chuyên môn. Những sự giàu có tách rời khỏi thế giới vật chất này cần tâm hồn mở rộng để học hỏi và tập luyện của con người đồng thời được bổ túc bởi kinh nghiệm sống. Sự giàu có tâm tưởng hoặc tinh thần không bao giờ có thể hư hao, thất thoát như tiền bạc. Kinh nghiệm cho thấy có những người tiền bạc của cải ngày xưa khá nhiều, sau một thời gian, tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Hơn nữa, lại cũng có những người tiền bạc nhiều không đếm xuể, tiếng tăm nổi như sóng cồn thế mà lại tự tử chẳng hạn trong trường hợp một số ca sĩ, tài tử màn bạc... Trái lại sự giầu có tinh thần chỉ càng ngày càng giúp con người sống vươn lên.
Sự giầu có tinh thần và giầu có vật chất thường hay đối nghịch lẫn nhau. Người giầu có vật chất dựa vào tài sản làm căn bản nên sinh ra nghèo nàn về tinh thần; trái lại người giàu có về tinh thần không coi của cải làm trọng nên lại có thể được giầu có về vật chất nữa. Điều này không lạ gì vì tiền tìm người thì dễ nhưng người tìm tiền thì khó. Hơn nữa, người giầu có về tinh thần lại có tinh thần khó nghèo mà người giầu có về vật chất sẽ không thể có được bởi chính cuộc sống vật chất ảnh hưởng mạnh mẽ tinh thần. Chẳng hạn, người đang lái quen chiếc xe tiện nghi mắc tiền sẽ không thể nào có được niềm vui khi phải dùng đến chiếc xe cũ mèm rẻ tiền thiếu tiện nghi mà ngược lại cảm thấy phần nào khó chịu. Thế nên, tâm tình khó nghèo chỉ có được nơi những người giầu có về tinh thần chứ không phải vật chất. Hơn nữa, người giầu tinh thần dễ có chiều hướng sống tinh thần khó nghèo trong khi người giầu có vật chất, tiền tài ít khi nhận thức được giá trị và niềm vui của tâm tình khó nghèo. Vì vậy căn bản của tâm tình khó nghèo là sự giầu có về tinh thần.
"Khó nghèo" được dùng ở đây ngược nghĩa với nghèo khó vật chất. Khó nghèo thuộc về tinh thần và ảnh hưởng lối sống, cách sống, quan niệm sống cũng như tư cách, thái độ của một người. Tâm tình khó nghèo không có nghĩa mình muốn trở thành khố rách áo ôm hoặc không đồng xu dính túi mà là một tinh thần sống có mực thước, không hoang đàng, không phí phạm, không tham lam muốn giầu bốc trong một ngày nhưng biết chấp nhận cuộc đời. Tâm tình khó nghèo mang một phần nào nghĩa tu đức về tinh thần khó nghèo. Tinh thần khó nghèo phải được học hỏi, tập luyện và am hiểu về tu đức học mới có thể có được. Còn tâm tình khó nghèo có thể nói một phần nào tự bản chất vì không phải tập luyện nhưng được đào luyện do hoàn cảnh, truyền thống, luân lý nên trở thành cá tính, bản năng phụ thuộc. Nguyễn Công Trứ qua câu "Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc" cũng nói lên được chút ít tâm tình khó nghèo.
Tâm tình khó nghèo được thể hiện qua nếp sống đơn giản, an bình, không đua đòi, chỉ sao giải quyết những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống. Tâm tình khó nghèo giúp một người có được lòng thanh thản, hưởng được những niềm vui, hạnh phúc đơn giản. Muốn có được những niềm vui đơn giản cần phải có một tinh thần khoáng đạt, cảm thông, đồng thời đi kèm theo bộ óc trào phúng, biết nhìn những khía cạnh khác lạ của những chuyện bình thường xảy ra trong cuộc đời.
Hầu hết người Việt sống trong những hoàn cảnh khó khăn của một nước chiến tranh, chậm tiến vì do phải tranh đấu với thực tại để bảo tồn sự sống còn bản thân nên đã tự tạo cho mình một tinh thần kiên trì, phấn đấu. Đương đầu triền miên với trở ngại, đe dọa hoặc viễn tượng mịt mờ của tương lai, người Việt lại có thêm được cá tính chấp nhận cuộc đời. Nhìn lại quá khứ và so sánh cuộc sống một người Việt với người Tây Phương, người Việt Nam đã có một thân phận không biết chắc được tương lai nơi một đất nước nghèo nàn vì chiến tranh, chậm tiến vì thiếu cơ hội phát triển. Ăn không đủ chất bổ dưỡng, công việc làm chẳng gì bảo đảm, và ngày mai trong tương lai không ai có thể đoán trước. Thuốc men, điều kiện vệ sinh lại càng sơ sài do đó chính điều kiện sống đã rèn luyện cơ thể người Việt chịu đựng dẻo dai, tinh thần bền bỉ và khả năng sinh tồn cực cao. Chính khả năng sinh tồn cực cao này bổ túc cho sự chấp nhận cuộc đời, đối diện với hoàn cảnh không thể trốn thoát để chịu đựng với những bất trắc có thể xảy ra.
Trái ngược với thực tại khó khăn cuộc sống, người Việt được nuôi dưỡng và phát triển trong lãnh vực truyền thống phong phú, một nền luân lý cộng đồng khá cao, và đồng thời một khuôn mẫu giáo dục gia đình như kết quả của ảnh hưởng từ truyền thống và luân lý xã hội. Dĩ nhiên "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài," truyền thống làm căn bản cho luân lý xã hội và luân lý ép buộc gia đình giáo dục những thành viên của mình sao cho rập khuôn với truyền thống và luân lý vây bọc. Truyền thống và luân lý cộng đồng này ảnh hưởng người Việt cũng như khí thở chi phối cơ thể cá nhân. Nếu trong không khí mịt mù khói thuốc, dù không hút, người thở cũng bị khói thuốc thấm nhập cơ thể làm choáng váng. Hoặc nếu trong không khí đặc nghẹt mùi rượu, người không quen uống cũng sẽ bị ảnh hưởng hơi rượu. Thế nên, dù muốn hay không, sống trong truyền thống và luân lý cộng đồng đã sẵn có bao gồm những mẫu mực cách thức hướng dẫn chiều hướng tâm tư cũng như thái độ, tư cách, người Việt tự động thấm nhập những điều hay, nét đẹp ngàn đời khuôn mẫu mà không để ý do đó ít được nhận ra. Hơn nữa, người Việt thường chỉ cảm thấy mình sống cách nào cho phải theo sự nhận biết của mình chứ không đặt vấn đề tại sao mình phải sống như thế. Tâm tình này chứng tỏ truyền thống và luân lý xã hội đã được thấm nhập nơi người Việt qua lối giáo dục gia đình và khuôn mẫu luân lý xã hội để rồi chính những gì đã thấm nhập nơi một người trở thành nguyên tố làm mẫu mực suy nghĩ nơi họ. Nói cách khác, sống trong truyền thống, luân lý xã hội được giáo dục bởi gia đình và xã hội, hầu hết người Việt đã giầu có về tinh thần. Sự giầu có về tinh thần này cộng với tinh thần chấp nhận cuộc đời được đào tạo do hoàn cảnh khó khăn tranh sống kiến tạo nơi người Việt tâm tình khó nghèo.
Điều hiển nhiên, tâm tình ảnh hưởng toàn bộ thái độ cũng như cách sống một người, khi lòng vui, lời nói cử chỉ cởi mở nhã nhặn, lúc buồn hay cảm thấy khó chịu vô lý và dễ phát sinh những tư tưởng yếm thế. Nói cách khác, tâm tình là động lực phát sinh cách sống cũng như thái độ của một người. Bởi tâm tình khó nghèo giúp con người biết chấp nhận cuộc đời, sống đơn giản, mực thước tùy theo điều kiện hoàn cảnh do đó có thể nói nó đóng vai trò quan trọng kiến tạo đạo bình thường vì nguyên tắc của lối sống này là "Coi thì mà ở, chọn theo cỡ mà xài." Chẳng những thế, đặc tính chấp nhận cuộc đời lại là kết quả của nhận thức chấp nhận bản thân đồng thời đưa đến sự chấp nhận người khác do ý thức thân phận con người nhiều lầm lỗi và khó hài lòng với thực tại dù ở đấng bậc nào nên không dễ gì thát khỏi ảnh hưởng của tham sân si. Bởi vậy, cũng có thể câu ca dao "Ai nhất thì tôi thứ nhì, ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba" được cảm ứng từ tâm tình khó nghèo...
Từ ý thức thân phận con người và chấp nhận cuộc đời, tâm tình khó nghèo đem lại sự an bình vui hưởng những niềm vui đơn giản, niềm hạnh phúc không dễ gì có được nơi cuộc sống bon chen tranh dành lợi danh. Như vậy, tâm tình này cũng là cội rễ cho an bình tâm tưởng, yêu chuộng hòa bình, không so sánh, ganh đua như kết quả của sự nhận ra giá trị cuộc sống cũng như giá trị bản thân. Đây là nấc thang ý thức hệ cao nhất và cũng là động lực cho cá nhân thẩm định và lựa chọn lý tưởng cũng như đường hướng và hành động thực hiện mục đích tùy thuộc tài năng và điều kiện hoàn cảnh thực tại.
Câu "Bụt nhà không thiêng" xét theo phương diện nhận thức bản thân cũng có lý. Mình đang mang sẵn điều hay mà không biết để phát triển cả là một sự thiệt thòi.