CHƯƠNG 20

     iệc công an quận bất ngờ đột kích vào nhà hàng Sóng Biển, bắt quả tang hành vi mua bán dâm khiến thị cảm thấy bất an. Thị cũng hơi bất ngờ vì lực lượng bảo vệ của Tân bị vô hiệu hóa một cách dễ dàng đến thế. Tân nói với thị rằng, công an quá cáo già. Lúc đó khoảng 12 giờ đêm. Họ điện đến trước, hỏi còn phòng không, đặt sẵn bảy nhân viên massage, rồi nói là sẽ đi một xe mười hai chỗ ngồi đến, đọc cho cả biển số xe để ra đón. Vợ thằng Châu nhận điện, thấy có món khách hời, vội cho người ra ngoài tiền sảnh chờ. Tân và mấy bảo vệ nghe thấy thế thì cùng mừng, vì nhiều lần khách cũng gọi điện đến đặt phòng trước như thế. Một lát sau có một chiếc xe mười hai chỗ ngồi tiến vào. Nhân viên bảo vệ nhiệt tình đón và chỉ đường từ cổng. Xe lượn lên đúng giữa sảnh đối diện cửa nhà hàng thì dừng lại, từ trong đó hàng chục công an nhảy ra, chạy bổ lên các tầng, lao xầm xập vào từng phòng lục xét. Vợ chồng Châu còn đang ngỡ ngàng thì họ yêu cầu ngồi yên để kiểm tra hành chính. Tân đang nằm nghe đài trong gara, thấy ồn ào, giơ tay bẩm chuông báo động cho các tầng rồi nhét đồ vào người, định chạy ra để “chiến” thì đúng lúc ấy có thêm ba xe cảnh sát nữa hú còi lao vào sân nhà hàng, cảnh sát đổ xuống đông đặc, bao vây toàn bộ khu nhà. Tân hiểu là không thể làm gì được với tình thế này, liền cất đồ vào chỗ cũ rồi chạy ra như là một bảo vệ bình thường, ngoan ngoãn để công an bắt giữ. Tân khai là tổ trưởng tổ bảo vệ nên bị đưa lên quận cùng với thị. Lên quận Tân khai là chỉ làm bảo vệ trông coi vòng ngoài, không biết gì về các hoạt động diễn ra trong nhà nghỉ. Họ lấy lời khai của Tân đến quá nửa đêm thì cho về. Ba khách chơi cũng chỉ bị phạt hành chính rồi tha. Riêng thị họ không hỏi gì, chờ đến sáng bạch cũng cho về nốt. Họ chỉ giữ lại ba đứa gái hàng bị bắt quả tang khi đang tiếp khách, cùng với vợ chồng Châu. Như vậy là vợ chồng Châu sẽ phải gánh toàn bộ vụ này.
Nhưng thị và Tân đều không hiểu là tại sao hệ thống chuông báo động lại không hoạt động? Chuông báo động có ba nút bấm. Một nút ở ngoài cổng. Một nút trong gara, là nơi Tân vẫn dùng làm chỗ ngả lưng. Một nút ở phía dưới quày lễ tân, là nơi vợ Châu thường đứng đón khách. Từ các nút bấm này, dây được nối lên tầng hai, nơi có hai nhân viên bảo vệ trực, và nối vào tận phòng ngủ của thị ở tầng ba. Khi tầng hai nhận được chuông thì bảo vệ sẽ báo cho các phòng dừng hoạt động, gái được sơ tán đi ngay lập tức, còn báo lên phòng ngủ của thị thì thị sẽ tùy tình hình mà xử lý. Nếu cảm thấy nguy hiểm thì thị sẽ chạy lên tầng bốn, ở đó có một cầu thang sắt đưa xuống mái nhà gara. Từ đây có thể nổ máy xe mà chạy đi. Đêm đó nhân viên gác cổng quá chủ quan, mải hướng dẫn xe ô tô vào sảnh nên không kịp bấm chuông. Lúc Tân bấm thì đã muộn, nhưng ít ra thị cũng được đánh động, giả sử không phải công an mà là băng đảng nào đấy đánh tràn vào thì thị vẫn còn có thể đề phòng.
Thế mà hệ thống chuông lại bị cắt hết.
Ai cắt? Cắt vào lúc nào?
Tân bảo: “Hay công an họ gài đặc tình vào số gái làm massage?”. Thị lắc đầu: “Gái phục vụ ở đây không ai biết có hệ thống chuông báo động”. Mỹ “chột” bảo: “Có đấy. Thỉnh thoảng nghe chúng nó nói chuyện với nhau, vẫn thấy chúng nó bảo là làm việc ở đây rất yên tâm vì có hệ thống báo động từ xa”. Thị im lặng suy nghĩ. Dây chuông chạy cùng dây điện thoại. Ai đó đã dùng kéo cắt dây chuông trong hộp điện thoại gắn ở ngay đầu hồi tầng một. VỢ chồng Châu liệu có biết việc này không? Đứa nào dám phản thị, dám làm tay trong cho công an? cả ngày hôm đó thị cùng Tân và con Mỹ điên đảo điều tra đám thuộc hạ, nhưng không tìm ra được manh mối nào. Thị liền gọi điện cho Đinh để hỏi xem có cách nào tìm ra con ong trong tay áo thị không? Đinh đang ở một bãi biển nào đó mãi tận miền Trung, sóng biển ì ầm, nói mãi vào di động mới nghe được. Đinh bảo: “Kiểm tra xem mấy hôm trước có ai có vẻ không bình thường vào nhà nghỉ không? Có thể họ đóng giả khách vào thuê phòng rồi tìm ra hệ thông dây chuông và cắt. Công an họ tính toán kỹ lắm rồi mới ra tay. Em phải cẩn thận đi là vừa. Anh có linh cảm họ bắt đầu nhầm vào em rồi đấy. Chắc họ không dừng lại ở đấy đâu”.
Thị vội mở sổ lưu ra, rà lại một lượt danh sách khách đến thuê phòng. Mỹ ngồi bên cạnh, phì phèo hút thuốc nhưng có vẻ lo âu, sốt ruột. Tân loay hoay đi lại, nhíu mày suy nghĩ rồi bỗng đưa tay lên vỗ cái bộp vào đầu: “Thôi đúng rồi, buổi chiều hôm đó bị mất điện”. Thị vội hỏi: “Mất điện thì sao?”. Tân đáp: “Có hai thằng ở sở điện lực đến sửa. Chắc là công an đóng giả. Thế mà không nghĩ ra. Ngu quá!”. Thị vứt toẹt quyển số xuống bàn, thở phào nhẹ nhõm: “Nếu đúng thế thì coi như giải quyết xong một chuyện. Sợ nhất là bị phản thùng. Bây giờ tính đến chuyện lo cho vợ chồng thằng Châu thế nào đây?”
Việc này đã khá quen với thị. Đổ tiền của ra để chạy chọt. Nếu đàn em vẫn lĩnh án thì sẽ thăm nuôi tiếp tế đàng hoàng và lo cho người nhà của ong ngoài xã hội thật chu đáo. Nhưng lần này có vẻ không thông đồng bén giọt như thế. Các mối quen biết đều lắc đầu. Các cửa môi giới đều đóng lại. Hai tháng sau vụ án Chứa gái mại dâm ở nhà hàng Sóng Biển được đưa ra tòa án quận xét xử. Trong khoảng thời gian hai tháng để hoàn tất việc điều tra ấy, thị cũng phải lên quận làm việc nhiều lần. Với tư cách là chủ sở hữu nhà hàng Sóng Biển, thị bị phạt hành chính 10 triệu đồng, bị cấm mở dịch vụ massage trong vòng hai năm. Tại phiên tòa thị cũng có mặt với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Thị không đến nỗi lo sợ lắm khi phải đứng trước tòa. Nói chung vợ chồng Châu khai nhận khớp với những gì mà thị và Tân đã sắp đặt từ trước. Mọi diễn biến đều không nằm ngoài dự liệu của thị. Châu lĩnh án 5 năm, còn vợ Châu nhận mức 36 tháng tù. mấy đứa gái hàng thì đã bị đưa đi Trung tâm giáo dục lao động xã hội ngay sau hôm bị bắt rồi. Thị tự nhận thấy vụ này chưa thực sự ảnh hưởng đến thế đứng của thị trên giang hồ. Nhưng đúng như những gì Đinh cảnh báo, công an đã không dừng lại ở đấy. Hàng loạt những mục tiêu khác trong thế giới ngầm của thị tiếp tục bị đưa vào tầm ngắm.
Và những trái phá bắt đầu dội lửa vào thị.
Tai họa chẳng đến từ đâu xa mà đến từ chính quyển sổ ghi hồ từ sòng 15 đến sòng 21 của thị.
những con mắt tinh nghề làm án đã không bỏ qua cuốn sổ này. Khi họ trả lại cho thị thì toàn bộ nội dung của nó đã được phô tô lại. Chỉ từ những dòng ghi chép sơ lược trong đó thôi mà họ đã có căn cứ để lên kế hoạch xóa sổ các sòng bạc. Họ cũng đã nhận ra đây không chỉ là những hoạt động đánh bạc riêng lẻ mà có dấu hiệu cho thấy nó được tổ chức một cách tinh vi, có hệ thống. Một chuyên án được thành lập và cái đích mà chuyên án này hướng đến là đưa người cầm đầu các hoạt động tổ chức cờ bạc ra trước vành móng ngựa.
Đầu tiên là sòng 15 bị phá. Sau đó liên tiếp các sòng từ 16 đến 21 cũng lần lượt bị hót ổ. Chủ sòng và mấy nhân viên bảo kê bị cán bộ xét hỏi quay liên tục trong nhiều giờ. Dường như công an không dừng lại ở việc xử lý chủ sòng và mấy thằng bảo vệ tép riu cùng những người có mặt trên chiếu bạc. Họ đấu tranh đến cùng để chủ sòng phải khai ra, vốn mở sòng do ai chu cấp, hàng tháng nộp tiền hồ về đâu, ai là người thu nhận, những chữ ký nhận trong cuốn sổ này là của ai? Một vài chủ sòng đã không chịu nổi đòn cân não này, và khai ra thị. Chưa hết, họ dồn cung mấy đối tượng bảo kê, xoáy sâu vào câu hỏi ăn lương từ ai, có liên hệ thế nào với chủ sòng, tại sao lại không ăn lương của chủ sòng? Thế là mấy tên bảo kê do thị trực tiếp cử xuống sòng này sòng kia để “thay mặt chị bảo vệ sòng và nhắc nhở việc thu hồ” cũng không chịu nổi đòn cung, đã khai ra thị.
Khi bảy sòng bạc liên tục bị phá thì thị hiểu là lĩnh vực này đã hết cơ làm ăn. Lửa đã cháy trước mặt, nếu không dập ngay thì lửa sẽ tiếp tục cháy phía sau lưng, và nó sẽ thiêu đốt thị. Thị vội lệnh cho các sòng bạc còn lại dừng hoạt động. Kinh nghiệm giang hồ cho thị biết, đặc thù của tội này là phải bắt quả tang. Không mở chiếu nữa thì không có con bạc. Không có con bạc thì các sới bạc rỗng không. Các sới bạc rỗng thì công an có triệt phá cũng chỉ là nhằm đánh vào không khí mà thôi.
Sự lọc lõi này giúp thị tránh được lượng khung chứ không tránh được lượng tội. Ngay khi thị vừa đi thăm nuôi vợ chồng Châu điên về đến nhà thì công an đến tận phòng ngủ đọc lệnh bắt thị. Cùng liên đới chịu trách nhiệm với thị lần này còn có cả Tân và Mỹ. Nhưng hai người đó được tại ngoại. Trước tất cả những tang chứng vật chứng của cơ quan điều tra, thị không ngại ngần nhận hết tội lỗi về mình. Thị đã hiểu thế nào là nỗi khổ của giai đoạn tạm giam. Còn ngoan cố, chưa kết thúc được điều tra thì còn giam lâu. Mà tạm giam thì không được ra ngoài, không được tiếp xúc với ai, không được nhận đồ tiếp tế, không được vận động, lại suốt ngày phải đối mặt với đòn cung của mấy tay hình sự mặt sắt. Nhận tội nhanh, chuyển hồ sơ nhanh, ra tòa nhanh, và tất nhiên sẽ đi thụ án nhanh. Đi thụ án tức là được đưa về một cái trại cải tạo nào đó. ở trại cải tạo sẽ được đi lao động, được làm việc, được thăm nuôi, nếu ở ngoài xã hội là đàn chị thì vào trại cũng vẫn là đàn chị, dễ thở hơn rất nhiều, thậm chí vẫn điều hành được mọi hoạt động ở bên ngoài. Thị chỉ mong điều đó.
Đứng trước tòa thị trở nên vô cùng thành khẩn. Để rồi, mức án dành cho thị là bảy năm tù giam. Điều thị bất ngờ nhất là tòa thông báo cho chị biết trong quá trình điều tra hành vi phạm tội của thị, các cơ quan pháp luật đã nhận được bốn mươi mốt lá đơn kêu oan và xin giảm nhẹ tội cho thị. Các lá đơn đó tập trung vào một số nội dung như: Thị vốn là một giám đốc, một chủ doanh nghiệp từ tâm, có nhiều đóng góp cho dân phố và một số đơn vị, trường học, có nhiều hoạt động từ thiện, rất quan tâm đến các đối tượng chính sách trong xã hội, đã và đang nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhưng tòa cũng nói rằng, tất cả những đơn đó không đưa ra được chứng cứ thoát tội nào của thị, nó chỉ có ý nghĩa cung cấp thêm về nhân thân thị để Hội đồng xét xử xem xét khi nghị án mà thôi. Có lẽ cái mức án bảy năm tù dành cho thị là kết quả của việc họ đã xét đến “yếu tố nhân thân” này. Thị thấy có một chút an ủi. Và thị thầm ghi nhận sự nhìn xa trông rộng của Tân.
Nhưng lần này thì Tân cũng bị liên lụy. Cơ quan điều tra rất muốn cáo buộc Tân và Mỹ đảm nhiệm vai trò thực hiện thu hồ, tức là có sự phân công công việc rõ ràng trong vụ án đồng phạm mà thị là kẻ cầm đầu. Nhưng họ đã không đạt được mục đích ấy. Tân và Mỹ chỉ khai nhận là có vài lần đi thu tiền hộ thị chứ không thường xuyên và không được biết đó là tiền gì. Phận người làm thuê, chủ bảo đi đâu thì đi đấy, không được bàn bạc trước hay phân công trách nhiệm gì cả. Tòa cho Tân và Mỹ hưởng án treo. Bảy chủ sòng kia đều lĩnh án cả, thấp nhất là 12 tháng, cao nhất là 40 tháng. Đều tù giam. Phiên tòa kết thúc trong sự hồi hộp, nín thở của rất nhiều ong ve thành phố Ngã ba sông. Cánh báo chí thì có vẻ chờ đợi một cái gì hơn thế. Nhưng thực tế, mọi sự diễn ra chỉ có thế.
Thị chính thức lên đường thụ án.
vẫn là trại Nguyên Dương nhưng ở tù lần này khá hơn lần trước nhiều. Biết tin thị vào, đám phạm nữ trong trại có ý chờ đón. Vợ Châu điên là vui nhất. Vợ chồng nó đã ở đây được 14 tháng rồi. Cùng trại nhưng khác khu. Mới hôm nào thị còn đến đây tiếp tế cho cả hai đứa. Bây giờ đến lượt thị vào cùng. Thị và vợ Châu được xếp ở cùng phòng. Tiếng tăm của thị ngoài giang hồ thế nào thì vào đây thị vẫn còn nguyên cái oai linh ấy. Thị được đám ong nữ cung phụng, chăm sóc, bảo vệ. Khu nam cũng có không ít những đại ca số má đầy mình kín đáo gửi tới thị lời chào chia sẻ. Thị hòa nhập khá nhanh với môi trường sống mới. Án bảy năm là quá nhẹ đối với một nữ soái giang hồ như thị. Thị biết mình còn nhiều tội lỗi lắm. Trời vẫn thương tình mà nhẹ tay với thị. Như Lân “sói” hay Cộc “ba tai” thì chung thân hoặc dưa cột lâu rồi. Trong trại mà nhiều lúc thị cảm thấy tinh thần thoải mái hơn ở nhà. Đầu óc nhẹ nhõm hẳn đi. ít ra thì thị cũng được thực sự nghỉ ngơi, không phải lo toan cả tỉ thứ việc ngoài đời. Lại có vợ Châu điên chuyện trò tâm sự hàng ngày nên cũng đỡ buồn. Bên ngoài mọi việc đã có Tân và con Mỹ lo. Thị vẫn nắm được tình hình giang hồ thăng trầm thế nào, các hoạt động của thế giới ngầm diễn biến ra sao, chính quyền đang ra tay với những băng nhóm nào... Nói chung thế giang hồ của thị vẫn lên chót vót nhưng thực lực kinh tế của thị thì tuột dốc không phanh. Tình hình làm ăn càng ngày càng khó khăn. Thị hiểu rằng sa lưới pháp luật, mất quyền công dân là mất tất cả. Nhà hàng Sóng Biển phải đóng cửa. Công ty Sóng Biển cũng chấm dứt hoạt động. Khu nhà bốn tầng bị niêm phong. Đã thế ngân hàng còn đề nghị tòa án phát mại tài sản của thị để xiết nợ. Hai chiếc tàu du lịch cũng phải chuyển nhượng. Chiếc xe con của thị đã sang tay người khác. Công an liên tục tổ chức những đợt ra quân rầm rộ để triệt phá các ổ cờ bạc. Hệ thống gà đẻ trứng vàng này của thị cơ bản tê hệt. Các nguồn thu từ hiệu cầm đồ, bảo kê bến bãi không còn ai lo đôn đốc, làm luật nữa. Tân và Mỹ phải nằm im giữ thân. Đám ong ve tan tác mỗi người một nơi. Nhiều thằng dạt vào miền Trung nhờ Đinh bảo bọc, lại có thằng dạt vào miền Nam tìm đất sống mới. Cái đầu hay lo xa của Tân cũng không nghĩ ra được cách nào khả dĩ có thể bảo tồn được lợi ích kinh thế cho thị. Chút vốn liếng cuối cùng thị để lại cho đồng bọn nằm cả ở quán bia hơi của con Mỹ. Nó chuyển ra thuê một địa điểm khác, tiếp tục mở quán để cầm cự trong lúc khó khăn này. Hai bố con Tân vẫn nhận tiền chu cấp từ Mỹ. Đám đệ tử của thị cũng vẫn bám vào Mỹ để sống. Thị nổi tiếng trong giới là nuôi nhiều ong. Bây giờ đám ong đó đói ăn thì lại tìm đến Mỹ. Đã vậy, Mỹ vẫn phải tiếp tế cho thị, cho vợ chồng Châu điên và một danh sách dài những em út khác đang nằm ngồi trong mấy khu trại này. Tân có lần phân tích cho thị nghe rằng: “Mất ngọn cờ là mất tất cả. Mất thủ lĩnh là mất phong trào. Cái nguy hại lớn nhất là Diệu vẫn trực tiếp dính vào các sòng bạc nên khi các sòng bị phá thì Diệu không chống lại được đòn cung. Mình chủ quan, cứ nghĩ họ bắt sòng nào thì xử lý sòng ấy, chủ sòng liều mình cứu chúa, nhận hết về mình là xong. Nhưng họ hiểu rằng làm như thế thì không bóc được hết cả mảng tệ nạn xã hội này. Họ muốn tróc tận gốc. Đáng lẽ Diệu phải biến ảo thành một cái gốc khác để họ không sờ đến được. Tôi đã nghĩ ra rồi nhưng chưa kịp bàn với Diệu thì mọi chuyện đã xảy ra”. Thị cười nhạt: “Đời nó chó má thế thì biết làm sao. Chỉ cay là đã phá hết cơ đồ của anh Tùng để lại. Bây giờ thì tay trắng rồi”. Tân động viên thị: “Thôi, cố gắng gánh cái hạn này cho xong. Diệu ra trại sẽ tìm cách khôi phục lại. Thế của Diệu trên giang hồ vẫn còn rất vững. Mọi người vẫn mong Diệu ra từng ngày”.
Cũng giống như tăng một, thị chỉ mong được ra ngoài đi lao động. Người ta lần lượt xếp thị vào các đội: Gặt lúa, đóng gạch, trồng rừng, chặt mía, khâu bóng, thêu, đan lưới. Thị sợ nhất là bị xếp vào làm những việc như khâu bóng, thêu và đan lưới. mấy việc đó chỉ ngồi trong nhà suốt ngày, ngu cả người đi. Thế nên mỗi khi muốn ra ngoài thị lại cố tình chểnh mảng với công việc, làm hỏng sản phẩm của người ta, rồi xin cho chuyển đội. Thường thì những năm đầu hay phải làm trong nhà. Khi đã yên tâm cải tạo rồi, lấy được lòng tin của quản giáo rồi thì mới được xếp cho ra ngoài lao động. Tiếng tăm của thị thế nào, uy tín của thị trong giới giang hồ ra sao, cán bộ trại họ đều biết cả. Nên họ cũng chọn người giao việc. Đi ra ngoài thì họ xếp thị làm đội trưởng, ở trong nhà thì họ xếp thị làm trưởng buồng. Thị cũng thuộc loại chấp hành tốt nội quy của trại. Vì thế năm nào thị cũng được đề nghị xét giảm án.
Tăng hai của thị tương đối êm ả nên có cảm giác thời gian trôi qua mau. Cánh quản giáo vẫn thường nói đùa với đám phạm rằng: “Các chị đi tù còn có ngày ra, chứ chúng tôi không đi tù mà chả biết ngày nào ra, ngoài cái ngày cầm tờ quyết định nghỉ hưu”. Đúng như thế thật. Rồi cũng đến ngày thị mãn hạn tù. Vợ chồng Châu điên được ra trước thị. Con vợ ra trước, thằng chồng ra sau, cách nhau đúng 12 tháng. Nhẩm ra, Châu chỉ bị giam có ba năm rưỡi. Thị cũng là đối tượng được giảm án nhiều. Sau bốn năm tám tháng thì quyết định đặc xá đến tay thị.
Đón thị ở cổng trại là bốn chiếc taxi. Một chiếc chở thị, Tân, Mỹ và con Quỳnh. Một chiếc chở vợ chồng Châu điên. Hai chiếc nữa chở đám em út muốn trực tiếp được đi đón đàn chị Hương Ga. Thị hỏi Mỹ: “Bà có biết tao được ra hôm nay không?” Con Mỹ đáp: “Có. Tao rủ bà, nhưng bà bảo, tự đi được thì tự về được. Nó lớn rồi, tao không phải lo cho nó nữa”.