Người dịch: Trần Hương Thư
-- 1 --

     in lỗi, thưa ông...
- Không có chi..
Ít ra đây là lần thứ ba kể từ khi xe đến góc đại lộ Richard Lenoir, cô ta mất thăng bằng, chiếc vai gầy của cô ta va vào ông và túi lưới đựng thực phẩm đè mạnh lên đùi ông.
Cô ta xin lỗi ở đầu môi, không ngượng ngùng, không bứt rứt sau đó cô ta trở lại nhìn thẳng phía trước mình với một vẻ vừa bình thản vừa cả quyết.
Maigret không giận cô ta. Thậm chí có thể cho rằng ông thích thú vì được xô đẩy. Sáng nay, ông sẵn lòng chờ đón mọi chuyện một cách nhẹ nhõm.
Ông đã có một cơ hội trông thấy một chiếc xe buýt có chỗ đứng chạy tới, đó đã là một lý do để ông vừa ý. Những chiếc xe này ngày càng hiếm, bởi người ta dần loại bỏ chúng trong lưu thông. Và chẳng bao lâu ông sẽ buộc phải trút tẩu thuốc trước khi nhốt mình vào một trong những chiếc xe khổng lồ của ngày nay mà ở trong đó người ta cảm thấy mình như là người tù.
Đã có những chiếc xe buýt có chỗ đứng như vậy kể từ khi ông đến Paris, cách đây gần bốn mươi năm, và thuở ban đầu, ông đã đi khắp những đại lộ lớn ở vùng Madeleine - Bastille mà không biết chán. Đó là một trong những khám phá đầu tiên của ông. Và các sân hiên. Ông cũng không chán các sân hiên, ở đó người ta ngồi trước một cốc bia, nhìn cảnh tượng luôn luôn thay đổi trên đường phố.
Một điều thán phục khác, cũng vào năm đầu tiên: người ta có thể, từ cuối tháng hai, ra ngoài mà đôi khi không cần áo khoác. Và những chồi non bắt đầu nở dọc theo một vài con đường lớn, đặc biệt là đại lộ Saint-Germain.
Những kỷ niệm đó dậy lên từng cơn, bởi vì thêm một năm nữa mùa xuân lại đến sớm và sáng hôm nay, ông rời khỏi nhà mà không mang áo khoác.
Ông cảm thấy nhẹ nhõm, như cái rạo rực của không khí. Những màu sắc của các cửa hiệu, thực phẩm, những chiếc áo dài của phụ nữ vui tươi, hớn hở.
Ông chẳng suy nghĩ gì, chỉ có những ý tưởng nho nhỏ không thành hình. Vợ ông vào mười giờ sẽ đi học tiếp bài học lái xe thứ ba.
Thật lạ lùng, bất ngờ, ông không thể nói họ đã quyết định việc này như thế nào. Khi Maigret còn là một viên chức trẻ, không có chuyện tiêu tốn cho một chiếc ôtô. Vào thời đó, chuyện học lái xe không thể hình dung nổi. Về sau, ông không bao giờ cảm thấy cần thiết, ông đã quá trễ để học lái xe. Có quá nhiều chuyện bận rộn đầu óc. Ông sẽ không thấy đèn đỏ, hoặc sẽ đạp thắng thay vì nhấn ga.
Thế nhưng sẽ dễ chịu khi vào ngày Chủ nhật, đi ô-tô đến Meung-sur-Loire, trong ngôi nhà nhỏ của họ...
Bỗng dưng, họ vừa mới quyết định chuyện này, vợ ông cười chống chế.
- Anh không suy nghĩ xem... Học lái xe, ở tuổi em...
- Anh chắc chắn rằng em sẽ lái rất giỏi.
Bà đang học bài thứ ba, cũng hồi hộp như một thiếu nữ chuẩn bị thi tú tài.
Cô gái đứng bên cạnh trên xe buýt không phải lái xe. Tại sao cô ta lại đi chợ ở phía đại lộ Voltaire, trong khi cô ta ở một khu phố khác? Chính những bí mật nho nhỏ này khiến ông vướng víu. Cô ta đội một chiếc mũ, điều đó trở nên hiếm, nhất là vào buổi sáng. Có một con gà giò trong túi thực phẩm của cô ta, rồi bơ, trứng, tỏi tây, cần tây...
Cái gì cứng cứng ở bên dưới, trong túi thực phẩm chen vào giữa đùi ông sau mỗi lần bị xóc, cái đó hẳn là mấy củ khoai tây!
Tại sao đi chợ bằng xe buýt, xa nhà cô ta, để mua những thực phẩm bình thường như vậy mà người ta có thể tìm được trong mọi khu phố? Có thể cô ta ở đại lộ Voltaire và quen thuộc với những người bán hàng mà cô ta vẫn trung thành với họ chăng?
Người đàn ông nhỏ thó ở bên phải ông, hút một chiếc tẩu quá ngắn nhưng vố thuốc lại to tướng, không cân đối, buộc anh ta phải siết chặt hàm lại. Những người trẻ tuổi hầu như bao giờ cũng lựa tẩu thuốc quá ngắn và quá to.
Hành khách đứng chen sát vào nhau. Người phụ nữ có lẽ nên vào trong ngồi. Coi kìa! Những con cá hét trong một chợ cá ở đường Temple. Ông đã không ăn cá hét từ lâu. Tại sao trong tâm trí ông, chính những con cá hét cũng trở thành mùa xuân?
Tất cả là mùa xuân, hớn hở, như tâm trạng ông, mặc kệ người phụ nữ với con gà giò nhìn đăm đăm trước mặt cô ta, bị giày vò bởi những vấn đề không thuộc tầm tay của những con người bình thường.
- Xin lỗi...
- Không có chi...
Ông không có can đảm để nói với cô ta:
- Thay vì quấy rầy mọi người, cô nên vào bên trong, cô và mớ thực phẩm của cô...
Ông đọc được ý nghĩ ấy trong cặp mắt xanh lơ của một người đàn ông to lớn bị chèn giữa ông và người soát vé. Họ hiểu nhau. Người soát vé cũng thoáng nhún vai. Một thứ hội tam điểm giữa những người đàn ông. Điều thật thú vị.
Các sạp hàng, nhất là các sạp rau quả tràn ngập vỉa hè. Xe buýt màu xanh và màu trắng mở một lối đi giữa đám đông các bà nội trợ, thư ký, nhân viên đang vội vã hướng về các văn phòng làm việc. Cuộc đời thật đẹp.
Lại một cú xóc. Luôn luôn là chiếc túi và cái gì cứng ở đáy, khoai tây hay bất kỳ cái gì. Trong khi lùi lại, tới phiên ông xô đẩy người nào đó phía sau mình.
- Xin lỗi...
Tới lượt ông thì thầm mấy tiếng đó, cố gắng quay lại và thoáng thấy một khuôn mặt đàn ông còn khá trẻ biểu lộ xúc cảm ông không sao hiểu được.
Anh ta chắc dưới hai mươi lăm tuổi, với đầu trần, tóc màu nâu rối bời và hai má cạo nhẵn, có vẻ mặt của một người thiếu ngủ, vừa sống qua những giờ phút khó khăn hay vất vả.
Lách người lấn tới bậc lên xuống, anh ta nhảy ra khỏi xe buýt đang chạy. Lúc đó đang ở góc đường Rambuteau, không xa khu chợ mà người ta ngửi thấy nặng mùi. Gã đàn ông đi nhanh, quay đầu lại như thể anh ta sợ hãi điều gì, rồi lao vào đường Blancs-Manteaux.
Rồi bất chợt, không có lý do rõ ràng, Maigret thọc tay vào túi đựng súng, chỗ ông có thói quen để chiếc bóp của mình.
Đến lượt ông suýt nhảy ào ra khỏi xe buýt, bởi vì chiếc bóp đã biến mất.
Mặt ông đỏ bừng, nhưng ông giữ được bình tĩnh. Chỉ người đàn ông to lớn mắt xanh lơ có vẻ như nhận thấy đã xảy ra chuyện gì đó.
Ông ta mỉm cười mỉa mai, không phải vì ông mới vừa là nạn nhân của một tên móc túi, mà còn bởi vì ông đang ở tình trạng bất lực để đuổi theo hắn.
Vì mùa xuân, đúng như vậy, vì cái không khí nhuốm mùi sâm banh này mà ông đã bắt đầu hít thở từ ngày hôm qua.
Thêm một lề thói, một chứng tật ông có từ thời còn nhỏ: những chiếc giày. Mỗi năm, vào những ngày đẹp trời đầu tiên, ông mua cho mình những chiếc giày, nhẹ nhất nếu có thể. Điều này xảy ra vào ngày hôm qua.
Và sáng nay, ông mang chúng lần đầu tiên. Chúng không vừa chân. Chỉ đi trên đại lộ Nehaird-Lenoir đã là một cực hình, và ông nhẹ mình khi đến trạm xe buýt, đại lộ Voltaire.
Ông không tài nào đuổi theo tên trộm của mình được. Hơn nữa hắn đã đủ thời giờ để biến mất trong các đường phố nhỏ hẹp của khu Marais.
- Xin lỗi, thưa ông...
Lại thế nữa! Vẫn là cô ta với chiếc túi lưới đựng thực phẩm của mình! Lần này, ông suýt buột miệng:
- Cô có để chúng tôi yên với mớ khoai tây của cô không đấy?
Nhưng ông tự kềm chế bằng một cái gật đầu và một nụ cười.

*

Trong văn phòng ông cũng vậy, ông gặp lại ánh sáng của những ngày đẹp trời đầu tiên, một làn hơi trên sông Seinev không có sương mù dày đặc, hàng tỷ những mảng sáng láng và sống động đặc thù của Paris.
- Khỏe chứ, thưa sếp? Không có gì lạ hả?
Janvier mặc một bộ com lê màu sáng mà Maigret chưa từng thấy bao giờ. Anh ta cũng mừng xuân hơi sớm một chút, bởi chỉ mới 15 tháng Ba.
- Không có gì. Hoặc có thì đúng hơn. Tôi vừa bị mất trộm.
- Đồng hồ à?
- Cái bóp.
- Trên đường phố hả?
- Trong khoang đứng của xe buýt.
- Nó đựng một món tiền lớn chứ?
- Độ năm chục francs. Tôi ít khi bỏ túi nhiều hơn khoản đó.
- Còn giấy tờ của ông?
- Không chỉ giấy tờ, mà cả huy hiệu của tôi.
Cái huy hiệu trứ danh của Cảnh sát Tư pháp này, nỗi ám ảnh của các viên cảnh sát trưởng. Về nguyên tắc, họ luôn luôn phải có nó trên người, để chứng minh rằng mình là sĩ quan cảnh sát tư pháp.
Một chiếc huy hiệu đẹp bằng bạc, đúng hơn là bằng đồng mạ bạc, bởi vì lớp bạc mỏng dùng lâu đã sớm để lộ một chất kim loại đỏ nhạt.
Một mặt là biểu tượng nàng Marianne với mũ bonnet đỏ, các chữ cái RF và chữ Cảnh sát đóng khung bằng men đỏ.
Mặt kia, hình huy hiệu thành phố Paris, một con số, và tên người cảnh sát được khắc bằng những chữ cái nhỏ.
Huy hiệu của Maigret mang con số 0004, số 1 dành cho Giám đốc Cảnh sát Paris, số 2 cho Giám đốc P.J (Cảnh sát Tư pháp), số 3 vì một lý do khó hiểu đành cho Trưởng cơ quan Tổng tình báo.
Người nào cũng lưỡng lự giữ huy hiệu của họ trong túi cho dù có quy định, bởi vì chính quy định này dự kiến sẽ treo lương một tháng trong trường hợp bị mất huy hiệu.
- Ông có thấy tên trộm không?
- Rất rõ. Một gã trẻ tuổi, gầy gò, mệt mỏi, với cặp mắt và nước da mặt của một người thiếu ngủ.
- Ông không biết hắn à?
Thời còn làm bên Công Lộ, Maigret biết tất cả các tên móc túi, không chỉ ở Paris, mà cả những kẻ từ Tây Ban Nha hay Luân Đôn đến vào các dịp hội chợ hoặc các cuộc biểu tình lớn của công chúng.
Đó là một ngón nghề khá hiếm, có cao tay thấp tay. Những tay cừ chỉ chịu khó nếu chuyện đó không uổng công khó nhọc, chúng không ngần ngại vượt Đại Tây Dương vì một cuộc triển lãm quốc tế, hoặc chẳng hạn như những kỳ Đại hội Olympique.
Maigret có hơi quên bọn chúng. Ông lục lọi trong trí nhớ của mình. Ông không xem vụ rắc rối này là nghiêm trọng. Cái dịu êm của buổi sáng hôm nay tiếp tục tác động đến tính khí của ông và thật ngược đời, đó chính là người phụ nữ với túi thực phẩm mà ông đã nổi cáu.
- Nếu cô ta không giết thời giờ bằng cách xô đẩy tôi... Khoảng đứng trên xe buýt nên cấm cửa các bà... nhất là cô ta, không có cả cái cớ hút thuốc..
Ông phiền lòng hơn là tức tối.
- Sao ông không liếc qua kho tài liệu lưu trữ?
- Đúng là điều mà tôi tính làm.
Ông ở đó gần một tiếng đồng hồ để săm soi các bức hình chụp thẳng và chụp nghiêng của phần đông kẻ móc túi. Trong đó có những người đã bị bắt giữ hơn hai mươi năm về trước, và sau này mười hay mười lăm lần họ đã qua văn phòng của ông, gần như trở thành bồ bịch.
- Còn cậu thì sao?
- Không sốt ruột. Còn ông, ông luôn luôn cũng vậy chứ, thưa sếp. Đến một lúc nào đó người ta sẽ quen việc, đúng không?
Một số ăn mặc đàng hoàng và một số khác thì nhếch nhác, bằng lòng với chợ sắt vụn, những cái chợ ở Saint-Ouen và những hành lang xe điện ngầm. Không ai giống với người đàn ông trẻ và Maigret biết trước rằng những tìm kiếm của ông rồi sẽ uổng công.
Một kẻ chuyên nghiệp không có vẻ mệt mỏi, lo âu đó. Gã chỉ hành động khi chắc chắn rằng đôi tay mình sẽ không bắt đầu run lên. Cuối cùng tất cả đều biết khuôn mặt, dáng dấp của Maigret, chỉ cần xem xét qua các báo.
Ông trở xuống phòng mình, và khi gặp lại Janvier, anh ta chỉ nhún vai.
- Ông không tìm thấy gã à?
- Tôi dám chắc rằng đó là một tay nghiệp dư. Tôi tự hỏi liệu một phút trước đó, gã có biết điều mình sắp làm hay không. Chắc gã đã trong thấy cái bóp của tôi thòi ra. Vợ tôi không ngớt nhắc đi nhắc lại là tôi không nên mang nó trong cái túi đó. Lúc xảy ra một va chạm và những củ khoai tây chết tiệt đó suýt làm tôi mất thăng bằng, ý tưởng đã đến với gã là...
Ông đổi giọng:
- Sáng nay có gì lạ không?.
- Lucas bị cúm. Một người Sénégal đã bị hạ gục trong một quán rượu ở cổng Ý...
- Bằng dao?
- Tất nhiên. Không ai có thể mô tả kẻ tấn công. Hắn vào đó lúc một giờ sáng, trong khi chủ quán sắp đóng cửa. Hắn bước vài bước tới chỗ người Sénégal đang uống ly cuối cùng và hắn đã đâm quá nhanh đến nỗi...
Bình thường. Một kẻ nào đó rồi sẽ chết đi, có thể trong một tháng, có thể trong hai năm, làm sao đoán nổi. Maigret đi về phía văn phòng của giám đốc dể dự cuộc họp mỗi ngày và ông cẩn thận để không nói đến sự cố của mình.
Một ngày báo hiệu sự yên tĩnh. Bề bộn giấy má. Những giấy tờ hành chính để ký. Lề thói quen thuộc.
Ông trở về nhà dùng bữa và quan sát, vợ ông không nói gì với ông về bài học lái xe của bà. Có chút gì đó đối với bà, như thể vào tuổi đó, bà trở lại trường học. Bà cảm thấy vui thích, thậm chí sự kiêu hãnh nào đó, đồng thời cũng thấy ngượng nghịu.
- Em không leo lên vỉa hè đấy chứ?
- Sao anh hỏi em như vậy? Anh sắp gây mặc cảm cho em đấy...
- Không đâu. Em sẽ là một lái xe tuyệt vời và anh sốt ruột chờ đến lúc em đưa anh dạo trên các bờ sông Loire...
- Sẽ không trước một tháng đúng đâu.
- Thầy dạy đã nói với em như thế à?
- Các Giám khảo ngày càng khó tính hơn và tốt nhất là đừng để bị đánh hỏng ngay lần đầu tiên. Ngày hôm nay, bọn em đi trên các đại lộ ngoại vi. Em không tin nổi xe cộ lưu thông đông đến chừng ấy, cả việc người ta chạy nhanh đến như vậy. Em có cảm tưởng là...
Ơ hay! Họ ăn con gà giò như ở đằng nhà người phụ nữ trên xe buýt, hẳn nhiên là vậy.
- Anh nghĩ vì vậy?
- Đến tên trộm của anh.
- Anh đã bắt một tên trộm à?
- Anh không bắt gã, nhưng gã đã cuỗm mất cái bóp của anh.
- Với tấm huy hiệu của anh à?
Bà nghĩ ngay đến điều đó. Một lỗ hổng đáng kể trong ngân quỹ. Đã đành là ông có thể sẽ nhận một huy hiệu mới mà chất đồng không lộ ra.
- Anh đã trông thấy gã chứ?
- Như anh thấy em vậy.
- Một người già?
- Một gã trẻ tuổi. Một tay nghiệp dư. Gã có cái vẻ...
Maigret càng lúc càng nghĩ đến gã hơn, điều mà ông không muốn. Khuôn mặt của gã, thay vì mờ nhạt đi trong đầu óc ông, nó trở nên rõ nét hơn. Ông nhận ra những chi tiết ông không biết là mình đã ghi nhận, như sự kiện kẻ lạ mặt có cặp chân mày đậm làm thành một nét gạch ngang bên trên đôi mắt.
- Anh lại nhận ra gã được chứ?
Ông đã suy nghĩ điều đó hơn mười lần trong buổi chiều, trong khi ngẩng đầu và nhìn cửa sổ như thể có một vấn đề đang khiến ông lo lắng. Trong chuyện này, qua khuôn mặt kia, qua sự chạy trốn kia có cái gì đó không được tự nhiên, mà ông không biết là cái gì.
Mỗi lần như vậy, ông có cảm tưởng là một chi tiết mới sắp quay lại với ông, rằng ông sắp hiểu ra, rồi ông lại bắt đầu công việc của mình.
- Xin chào, các bé con...
Ông ra về lúc sáu giờ kém năm, trong khi còn lại nửa tá thanh tra viên ở phòng bên cạnh.
- Chào sếp...
Hai ông bà đi xem xi-nê. Ông đã tìm lại được trên một hè phố chiếc bóp cũ màu nâu, quá lớn đối với túi đựng súng, và ông phải cho vào trong áo veston.
- Nếu anh đã mang nó trong cái túi đó...
Họ khoác tay nhau trở về, như thói quen, với dáng vẻ hờ hững. Cả đến mùi hôi của xăng buổi tối đó cũng không khiến họ khó chịu. Nó cũng thuộc về mùa xuân đang phô bày, như nhựa trải đường hơi loãng dự phần vào mùa hè.
Buổi sáng, ông gặp lại mặt trời của mình và ngồi dùng điểm tâm trước cánh cửa sổ để mở.
- Thật lạ lùng! - Ông nhận xét - Có những phụ nữ băng qua phân nửa Paris để đi chợ...
- Có thể do hệ thống điện báo tiêu dùng...
Ông cau mày nhìn vợ.
- Mỗi tối, truyền hình báo rõ nơi người ta có thể tiêu thụ những thực phẩm khác nhau với giá hời...
Ông đã không nghĩ đến điều đó. Hết sức đơn giản, ông đã mất thì giờ vào một vấn đề cỏn con mà vợ ông vừa giải quyết trong khoảnh khắc.
- Anh cảm ơn em.
- Điều đó có thể giúp anh hả?
- Điều đó tránh cho anh khỏi tiếp tục suy nghĩ.
Ông nói thêm, giọng triết lý trong khi cầm lấy mũ:
- Người ta không suy nghĩ đến điều người ta muốn...
Thư từ chờ đợi ông trên bàn giấy, và trên chồng thư, một phong bì lớn màu nâu trên đó có đề tên, chức vụ của ông và địa chỉ của Quai des Orfevres được viết bằng những nét thô đậm.
Ông đã hiểu trước khi mở phong bì. Chính là chiếc bóp người ta đã gửi trả lại ông. Và một lúc sau đó, ông nhận ra rằng không mất mát gì cả, cả tấm huy hiệu, cả giấy tờ lẫn năm chục frances.
Không còn gì khác. Không lời nhắn gửi. Không lời giải thích.
Ông phật lòng vì chuyện đó.
Hơn mười một giờ một chút thì chuông điện thoại vang lên.
- Một người nào đó nằng nặc đòi nói chuyện riêng với ông nhưng không chịu xưng danh, thưa cảnh sát trưởng.
Có vẻ như ông chờ đợi cú điện thoại này và ông sẽ giận dữ nếu như tôi không chuyển thông tin đến ông. Tôi phải làm gì đây?
- Cứ chuyển nó cho tôi...
Và vừa quẹt điêm bằng một tay để đốt lại tẩu thuốc đã tắt:
- Allô! Tôi nghe đây...
Một sự im lặng khá lâu và Maigret có thể tin rằng liên lạc bị cắt đứt nếu ông không nghe ra hơi thở ở đầu đây bên kia.
- Tôi nghe đây... - Ông lặp lại.
Lại im lặng, rồi cuối cùng:
- Chính tôi...
Một giọng đàn ông, thậm chí khá trầm, nhưng âm điệu có vẻ như của một đứa trẻ do dự khi thú nhận một việc mà nó không vâng lời.
- Chiếc bóp của tôi?
- Vâng.
- Anh không biết căn cước của tôi hả?
- Biết chứ. Nếu không...
- Tại sao anh gọi điện thoại cho tôi?
- Bởi vì tôi cần được gặp ông...
- Hãy đến văn phòng của tôi.
- Không. Tôi không muốn đến Quai des Orfevres.
- Ở đó người ta biết anh à?
- Tôi chưa từng đặt chân đến đó.
- Anh sợ chuyện gì? - Bởi vì ông đoán ra nỗi sợ hãi trong giọng nói của người vô danh.
- Vì lý do riêng.
- Lý do riêng ra sao?
- Là tôi muốn gặp ông. Giải pháp này nảy sinh trong đầu tôi khi tôi đọc thấy tên ông trên tấm huy hiệu.
- Tại sao anh trộm chiếc bóp của tôi?
- Bởi vì tôi cần tiền ngay tức thì.
- Còn bây giờ?
- Tôi đã thay đổi ý định. Tôi chưa chắc chắn về điều này. Tốt hơn hết là ông đến càng nhanh càng tốt, trước khi tôi có một ý định khác...
Có cái gì đó phi thực tại trong cuộc nói chuyện này, trong giọng nói, dù Maigret vẫn cho là nghiêm chỉnh.
- Anh ở đâu?
- Ông sẽ đến chứ?
- Ừ.
- Một mình chứ?
- Anh khư khư việc tôi đến một mình sao?
- Cuộc nói chuyện của chúng ta phải được riêng tư. Ông cam kết như vậy được chứ?
- Cái đó còn tùy.
- Tùy cái gì?
- Cái mà anh sẽ nói với tôi.
Lại im lặng, có vẻ còn nặng nề hơn lúc ban đầu.
- Tôi muốn ông cho tôi một cơ hội. Hãy lưu ý rằng chính tôi đã gọi ông. Ông không biết tôi. Ông không có cách nào để gặp lại tôi. Nếu ông không đến, ông sẽ không bao giờ biết tôi là ai. Cái đó cũng đáng quá đi chứ, về phía ông...
Gã không tìm ra từ để dùng.
- Một lời hứa hả? - Maigret gợi ý.
- Hượm đã. Khi tôi đã nói với ông rồi, trong chốc lát, ông hãy đành cho tôi năm phút để biến đi nếu tôi yêu cầu ông điều đó...
- Tôi không thể giữ lời cam kết nếu không biết được gì thêm. Tôi là sĩ quan cảnh sát tư pháp...
- Nếu ông tin tôi, tất nhiên sẽ được như vậy. Nếu ông không tin tôi hoặc nếu ông có những nghi ngờ, ông sẽ thu xếp để nhìn đi chỗ khác đúng vào lúc tôi ra đi, và sau khi ông có thể báo động cho người của ông...
- Anh ở đâu?
- Thỏa thuận chứ?
- Tôi sẵn sàng gặp anh.
- Trong khi chấp nhận những điều kiện của tôi?
- Tôi sẽ đi một mình.
- Nhưng ông không hứa gì cả?
- Không.
Ông không thể làm khác được và ông chờ đợi với sự bồn chồn về phản ứng của người đối thoại. Kẻ này đang ở trong một ca-bin công cộng hoặc một quán cà phê vì nghe có một tiếng động văng vẳng.
- Anh đã quyết định chưa? - Maigret thốt lên, sốt ruột.
- Trong tình trạng của tôi!... Những gì báo chí đề cập đến khiến tôi càng tin cậy hơn. Đúng thế không, những câu chuyện đó?
- Những câu chuyện nào?
- Rằng ông có khả năng hiểu những việc mà nói chung cảnh sát và các quan tòa không hiểu được, và rằng trong một vài trường hợp, ông có cả...
- Tôi có cái gì?
- Có lẽ tôi đã tầm bậy khi nói nhiều đến thế. Tôi không biết nữa. Đã có lúc ông làm ngơ chứ?
Maigret muốn không trả lời thì hơn.
- Anh ở đâu?
- Tôi ở xa Sở Cảnh sát Tư pháp. Nếu nói với ông ngay lập tức, ông sẽ có thì giờ để cho các viên thanh tra của quận bắt giữ tôi. Một cú điện thoại báo nhanh và ông biết nhân dạng của tôi...
- Sao anh biết là tôi đã trông thấy anh?
- Tôi đã quay lại, và ánh mắt chúng ta đã gặp nhau, ông biết rõ điều đó. Tôi đã rất sợ.
- Vì lý do chiếc bóp hả?
- Không chỉ thế. Hãy nghe này. Ông cho lái xe đến quán rượu-thuốc lá Le Métro, ở góc đại lộ Grenelle và đường La Motte-Picquet. Ông sẽ mất khoảng nửa tiếng đồng hồ. Tôi sẽ gọi cho ông. Tôi ở không xa và tôi sẽ gặp ông gần như tức thì.
Maigret mở miệng, nhưng kẻ đối thoại đã gác máy. Ông bị kích thích lẫn bực tức, bởi đây là lần đầu tiên một kẻ lạ mặt áp đặt cho ông bao nhiêu là sự quá đáng nếu không nói là vô sỉ.
Tuy nhiên ông không oán giận gã, cả cuộc nói chuyện không ra đầu ra đũa này, ông cảm thấy một nỗi khiếp sợ, một ý định muốn đạt đến một giải pháp thỏa đáng, một nhu cầu được mặt đối mặt với viên cảnh sát trưởng là người mà trong con mắt của kẻ lạ mặt, xuất hiện như vị cứu tinh duy nhất có thể có được.
Bởi vì gã đã lấy trộm chiếc bóp của ông mà không biết ông là ai!
- Janvier! Cậu có một chiếc xe ở dưới không? Tôi cần cậu chở tôi đến khu phố Grenelle.
Janvier ngạc nhiên. Trước nay không có vụ án nào xảy ra trong khu phố đó.
- Một cuộc hẹn riêng, với cái gã đã thó chiếc bóp của tôi.
- Ông đã tìm lại được nó?
- Chiếc bóp hả, đúng, trong đám thư từ buổi sáng.
- Còn huy hiệu của ông? Cái này sẽ làm tôi ngạc nhiên. Bởi vì loại đó bất kỳ ai cũng thích giữ lại như là kỷ niệm.
- Chiếc huy hiệu của tôi có trong đó, cả giấy tờ, tiền bạc...
- Đó là trò đùa cợt nhả chắc?
- Không đâu. Tôi có cảm tưởng ngược lại, cho biết gã đang chờ tôi.
- Tôi đi theo ông chứ?
- Cho đến đại lộ Grenelle. Sau đó, cậu biến đi, bởi vì gã muốn gặp một mình tôi thôi.
Họ đi dọc theo bến cảng cho đến cầu Bir-Hakeim. Và Maigret giữ im lặng, bằng lòng với việc nhìn dòng sông Seine đang chảy. Công trình xây dựng rải rác khắp nơi, những chướng ngại vật, những công trường, giống như năm ông bước chân đến Paris. Nói chung, chuyện đó cứ mười hay mười lăm năm lại bắt đầu, mỗi khi Paris cảm thấy nghẹt thở.
- Tôi cho ông xuống chỗ nào?
- Tại đây.
Họ đang ở góc đại lộ Grenelle và đường Saint-Charles.
- Tôi đợi ông chứ?
- Hãy chờ tôi trong nửa tiếng. Nếu tôi không quay lại, cậu trở về văn phòng hoặc đi ăn đi.
Janvier tự mình cũng thấy tò mò, và với tia mắt lạ lùng, anh dõi theo hình dáng của viên cảnh sát trưởng đang xa dần.
Mặt trời chiếu thẳng xuống vỉa hè, ở đó những luồng hơi nóng và những luồng hơi mát luân phiên nhau, như thể toàn bộ không khí còn chưa có thì giờ mang lấy nhiệt độ mùa xuân của nó.
Một đứa bé gái bán những bông hoa tím trước một nhà hàng. Maigret nom thấy từ xa quán rượu góc đường nổi lên dòng chữ Le Métro, sẽ trở nên sáng rực lên trong buổi tối. Đó là một nơi chốn không có tính cách riêng, một trong những chỗ bán thuốc lá mà người ta đến đó để mua thuốc, để uống một ly ở quầy hoặc để ngồi chờ đợi một cuộc hẹn.
Ông đảo mắt một vòng gian phòng mà hai bên quầy rượu có khoảng hai chục chiếc bàn một chân, phần lớn trống vắng.
Hẳn nhiên, tên trộm của ông ngày hôm trước không có ở đó và viên cảnh sát đến ngồi tận trong cùng, gần tủ kính, kêu nửa cốc bia hơi.
Ông miễn cưỡng ngóng nhìn cánh cửa, người ta ra vào, đi đến quầy hàng mà phía sau nó, thuốc lá được xếp thành chồng trong các ngăn.
Lúc ông bắt đầu tự hỏi liệu mình có khờ khạo không thì ông nhận ra một bóng dáng trên vỉa hè, rồi khuôn mặt. Người đàn ông không quay nhìn bên cạnh, đi thẳng đến quầy rượu rồi tỳ khuỷu tay trên đó và gọi:
- Một rhum...
Gã lắc lư. Hai bàn tay động đậy không ngớt. Gã không dám ngoái nhìn lại và sốt ruột chờ đợi được phục vụ, như thể gã đang có một nhu cầu khẩn cấp về rượu.
Trong khi cầm lấy ly, gã ra dấu cho người hầu bàn đừng đặt chai trở lại chỗ cũ.
- Cũng như vậy...
Lần này, gã quay sang Maigret. Gã đã biết trước khi bước vào là ông đang ngồi ở đâu. Hẳn là gã đã dò xét từ bên ngoài hoặc qua cửa sổ của một ngôi nhà lân cận.
Gã có vẻ tạ lỗi, như bảo rằng gã không thể làm khác đi được, rằng gã sẽ đến ngay lập tức. Hai bàn tay lúc nào cũng run rẩy, gã đếm tiền lẻ rồi đặt trên quầy.
Cuối cùng gã tiến lại, cầm lấy một chiếc ghế dựa rồi buông mình xuống đó.
- Ông có thuốc lá không?
- Không, tôi chỉ hút...
- Tẩu, tôi biết. Tôi thì không còn thuốc lá, cả tiền để mua cũng không.
- Bồi! Một gói... Anh thích loại gì?
- Một gói Gauloises với một ly rhum.
- Không rhum nữa. Nó làm tôi buồn nôn...
- Một nửa ly?
- Tôi không biết nữa. Sáng này tôi chưa ăn gì cả, cũng không...
- Một sandwich nhé?
Có nhiều khay trên quầy.
- Không cần liền đâu. Tôi bị ép ngực. Ông không thể hiểu...
Gã ăn bận khá đàng hoàng, với một chiếc quần tây bằng nỉ nhẹ màu xám và một chiếc vest thể thao Scotland. Như nhiều người tuổi trẻ, gã không đeo cà vạt mà mặc một chiếc săng-đay cổ cuốn.
- Tôi không biết liệu ông có giống với hình ảnh mà người ta đã nghĩ về ông không...
Gã không nhìn thẳng mặt Maigret, chỉ ném về ông những cái liếc mắt nhanh rồi lại đăm đăm nhìn sàn nhà. Thật mệt nhọc để dõi theo những chuyển động liên hồi của những ngón tay dài và mảnh khảnh của gã.
- Ông đã không ngạc nhiên khi nhận lại chiếc bóp sao?
- Sau ba mươi năm trong ngành cảnh sát tư pháp, người ta khó ngạc nhiên lắm.
- Và tìm thấy tiền trong đó?
- Anh cần tiền lắm, phải không?
- Vâng.
- Anh còn bao nhiêu trong túi?
- Khoảng chục francs...
- Anh đã ngủ ở đâu đêm qua?
- Tôi đã không ngủ. Tôi cũng không ăn nữa. Tôi đã uống với mười francs đó. Ông đã thấy tôi trả những đồng xu cuối cùng. Không có gì để tôi say sưa...
- Dù vậy, anh vẫn ở Paris. - Maigret nhận xét.
- Sao ông biết được?
- Và ngay trong khu phố này.
Không ai ngồi sát bên cạnh và họ bằng lòng thì thầm nói chuyện. Người ta nghe tiếng cửa mở ra rồi đóng lại, gần như luôn luôn, là để mua thuốc lá hay mấy hộp điêm.
- Vậy là anh đã không trở về nhà mình...
Gã đàn ông im lặng, như lúc gọi điện thoại. Gã xanh mướt, kiệt sức. Người ta cảm thấy ở gã một nỗ lực phản ứng lại và ngờ vực, gã cố gắng dự đoán những chiếc bẫy người ta có thể giăng ra đối với gã.
- Đúng là điều mà tôi đã nghĩ... - Cuối cùng gã lầm bầm.
- Anh nghĩ gì?
- Là ông sẽ đoán ra, là ông ít hay nhiều sẽ rơi đúng điểm và một khi đã vướng vào guồng.
- Hãy tiếp tục...
Bỗng dưng gã nổi giận, cất cao giọng trong khi quên béng là mình đang ở một nơi công cộng.
- Và một khi vướng vào guồng, tôi sẽ bị nện nhừ tử, thế đó!
Gã nhìn cánh cửa vừa mới mở ra và trong giây lát, viên cảnh sát trưởng nghĩ rằng gã lại sắp sửa chuồn đi. Hẳn là gã bị cám dỗ bởi điều đó. Có một tia sáng thoáng qua trong cặp đồng tử màu nâu của gã. Rồi gã chìa tay cầm lấy ly và nốc cạn một hơi, trong khi đăm dăm nhìn người đối thoại qua chiếc ly, tựa hồ như để đo lường ông ta.
- Điều đó có tốt hơn không?
- Tôi chưa biết.
- Ta hãy trở lại với chiếc bóp.
- Tại sao?
- Bởi vì chính chuyện đó thuyết phục anh gọi điện thoại cho tôi.
- Dù sao đi nữa cũng không đủ.
- Không đủ tiền sao? Để làm gì?
- Để chuồn đi... Để đi đến bất cứ nơi đâu, Bỉ hay Tây Ban Nha...
Và gã nói tiếp vì ngờ vực:
- Ông đến một mình chứ?
- Tôi không lái xe. Một trong những nhân viên thanh tra của tôi đưa tôi đến và chờ tôi ở góc đường Saint-Charles.
Gã đàn ông vội ngước lên:
- Ông đã nhận dạng tôi?
- Không. Hình của anh không có trong hồ sơ của chúng tôi.
- Ông thừa nhận rằng ông đã tìm kiếm hả?
- Đã hẳn.
- Tại sao?
- Vì chiếc bóp, nhất là vì chiếc huy hiệu của tôi.
- Tại sao ông lại dừng ở góc đường Saint-Charles?
- Bởi chỉ hai bước chân là tôi qua đến đó rồi.
- Ông đã không nhận được báo cáo sao?
- Về chuyện gì?
- Không có gì xảy ra ở đường Saint-Charles à?
Maigret khó khăn theo dõi những biểu hiện tiếp nối nhau trên gương mặt người trẻ tuổi. Hiếm khi ông gặp một con người lo âu như thế, dằn vặt như thế, khư khư bấu víu vào niềm hy vọng mà chỉ có trời mới biết đó là gì. Gã sợ hãi, điều đó hiển nhiên. Nhưng sợ cái gì?
- Cảnh sát không báo gì cho ông sao?
- Không.
- Ông thề chứ?
- Tôi chỉ thề ở vành móng ngựa tòa đại hình.
Và tia mắt người kia như muốn nhìn thấu suốt ông.
- Tại sao ông tin là tôi đã yêu cầu ông đến đây?
- Bởi vì anh cần đến tôi.
- Lý do vì tôi cần đến ông?
- Vì anh đang ở trong tình thế khó khăn và anh không biết thoát ra đường nào.
- Không phải vậy đâu.
Giọng nói quả quyết. Kẻ lạ mặt lại ngẩng đầu lên, như để vơi nhẹ đi.
- Không phải là tôi đang ở trong tình thế rắc rối và điều này, dù có tòa đại hình hay không, tôi cũng không ngần ngại thề thốt. Tôi vô tội, ông nghe chứ?
- Đừng nói quá to...
Ông liếc nhìn xung quanh. Một phụ nữ trẻ đang thoa son lên môi và soi mình trong một chiếc gương, rồi quay về hướng vỉa hè với hy vọng thấy kẻ cô ta đang chờ đợi xuất hiện. Hai người đàn ông trung niên, nghiêng mình trên một cái bàn, trao đổi câu chuyện với giọng gần như nhỏ hẳn. Và qua vài lời, ông đoán hơn là nghe thấy.
Maigret hiểu ra đó là chuyện đua ngựa.
- Tốt hơn là hãy cho tôi biết anh là ai và vì sao anh khẳng định là mình vô tội.
- Không phải ở đây. Lát nữa...
- Ở đâu?
- Ở đằng tôi. Tôi có thể uống thêm một ly bia chứ? Tôi có thể trả lại ông trong chốc nữa, trừ phi là...
- Trừ phi cái gì?
- Cái túi của nó... Đành vậy... Một ly bia nhé?
- Bồi! Hai cái nửa ly... Và anh hãy nói cái mà tôi yêu cầu.
Gã trẻ tuổi chấm mồ hôi bằng một chiếc khăn tay còn khá sạch.
- Hai mươi bốn tuổi hả? - Viên cảnh sát trưởng hỏi gã.
- Hai mươi lăm.
- Anh ở Paris lâu rồi à?
- Năm năm.
- Đã có vợ?...
Gã tránh những câu hỏi quá riêng tư, quá nóng bỏng.
- Tôi đã có. Tại sao ông hỏi như vậy?
- Anh không đeo nhẫn cưới.
- Bởi vì khi tôi lấy vợ, tôi không đủ giàu có.
Gã châm điếu thuốc thứ hai. Gã đã hút điếu đầu với những hơi dài, và đến bây giờ, gã mới thưởng thức.
- Thực ra, mọi thận trọng của tôi đều vô ích.
- Thận trọng nào?
- Đối với những gì liên quan đến ông. Ông thật sự nắm được tôi, cho dù tôi có làm gì đi chăng nữa. Cả khi tôi cố gắng rời ông ra, thì giờ đây khi ông đã nhìn rõ tôi và khi ông biết tôi ở khu phố này.
Gã nở một nụ cười cay đắng, mỉa mai, một sự mỉa mai nhắm vào chính mình.
- Tôi luôn luôn muốn làm thật hoàn hảo. Viên thanh tra của ông với chiếc ô-tô lúc nào cũng ở góc đường Saint-Charles chứ?
Maigret nhìn đồng hồ điện tử.. Nó chỉ mười hai giờ kém ba.
- Hoặc anh ta vừa đi, hoặc anh ta sắp đi trong giây lát, bởi vì tôi đã yêu cầu anh ta chờ tôi trong nửa giờ, nếu tôi không quay lại, anh ta hãy đi ăn.
- Điều đó không còn quan trọng nữa, phải không?
Maigret không trả lời. Khi gã đứng lên, ông đi theo gã. Cả hai cùng tiến về đường Saint-Charles, nơi có một tòa nhà khá mới và hiện đại. Họ băng qua lối đi đành cho người đi bộ, đi vào con đường chỉ khoảng ba chục mét.
Gã đàn ông dừng lại giữa hè phố. Một cánh cổng mở ra dẫn đến lối vào sân của tòa nhà lớn trên đại lộ Grenelle. Và dưới một mái vòm, người ta trông thấy những chiếc xe gắn máy và xe trẻ con.
- Anh ở chỗ này hả?
- Hãy nghe tôi, ông cảnh sát trưởng...
Anh ta càng nhợt nhạt hơn, kích động hơn bao giờ hết.
- Có khi nào ông đã từng tin tưởng vào một người, cả khi mọi bằng chứng đều chống lại hắn không?
- Đã từng có điều đó đối với tôi.
- Ông nghĩ sao về tôi?
- Là anh khá phức tạp và tôi thiếu quá nhiều yếu tố để phán xét anh.
- Ông sẽ phán xét tôi chăng?
- Đó không phải là điều tôi muốn nói. Hãy coi như để tạo cho tôi một quan điểm.
- Phải chăng tôi có vẻ một tên bất lương?
- Chắc chắn là không.
- Một con người có lẽ là... Không... Hãy đến đây... Tốt hơn hết là kết thúc ngay thôi.
Gã kéo ông vào sân, dẫn ông hướng về cánh trái của tòa nhà, nơi đó, tầng trệt, có một số cánh cửa ghi nối tiếp nhau.
- Họ gọi đó là những căn nhà trọ... - Gã lạ mặt lẩm bẩm.
Và gã rút chiếc chìa khóa từ túi ra.
- Ông sắp buộc tôi vào trước... Tôi sẽ làm, dù rằng tôi khổ tâm... Nếu tôi đảo mắt...
Gã đẩy cánh cửa bằng gỗ sồi đánh vec-ni. Nó mở ra một lối vào bé tí. Một cánh cửa mở ở bên phải để lộ một phòng tắm có bồn tắm mini hoặc tắm ngồi. Phòng bừa bãi. Những chiếc khăn vương vãi trên gạch vuông.
- Mở ra chứ, ông muốn không?
Gã trẻ tuổi chỉ cho Maigret cánh cửa đang khép ở trước mặt họ, và viên cảnh sát trưởng làm theo yêu cầu của gã.
Kẻ đồng hành không lẩn trốn. Xộc ra cái mùi nghe lợm giọng mặc dù cửa sổ mở.
Gần một chiếc đi-văng dùng làm giường ngủ ban đêm, một phụ nữ nằm dài trên tấm thảm Maroc có họa tiết sặc sỡ và những con ruồi xanh vo ve bay xung quanh.