Người dịch: Trần Hương Thư
-- 6 --

     icain ra đi, do dự, vụng về, như một con chim ngờ vực nhìn chiếc lồng mở cửa, và Janvier nhìn sếp của mình với một vẻ tra vấn. Người ta thật sự thả nó ra ngoài thiên nhiên mà không canh chừng hay sao?
Maigret giả vờ như không hiểu câu hỏi câm lặng đó, tiếp tục lật lật tập hồ sơ, sau cùng thở dài nhổm lên, và đến đứng chôn chân trước cánh cửa sổ.
Trời âm u. Janvier đã trở về phòng làm việc của thanh tra, đang nhỏ giọng trao đổi những cảm tưởng của mình với Lapointe thì viên cảnh sát trưởng bước vào. Hai người theo bản năng đứng dang ra nhưng chuyện đó vô ích. Maigret dường như không nhìn thấy họ.
Ông đi đi lại lại từ bàn này sang bàn khác như thể ông không biết làm gì với thân xác nặng nề của mình, dừng lại trước một máy chữ, một máy điện thoại hoặc một chiếc ghế dựa trống, vô cớ đổi chỗ một trang giấy.
Cuối cùng ông lẩm bẩm:
- Báo giùm vợ tôi là tôi không về ăn cơm trưa.
Ông không tự mình gọi cho bà, đó là một dấu hiệu. Không ai dám nói gì, hỏi ông lại càng không dám hơn. Trong phòng làm việc của các thanh tra, mọi người đều lưỡng lự, ông cảm thấy vậy và nhún vai, ông trở về phòng mình lấy mũ.
Ông không nói gì, cả chuyện ông đi đâu lẫn lúc nào ông trở lại, không để lại chỉ thị nào, như thể đùng một cái, ông không quan tâm gì đến vụ án này nữa.
Trong cầu thang đầy bụi, ông dốc sạch tẩu thuốc bằng cách gõ gõ đầu của nó, rồi ông băng qua sân, thờ ơ chào người gác và đi về hướng quảng trường Dauphine.
Có thể không phải đó là chỗ ông muốn đến. Đầu óc ông ở chỗ khác, trong khu phố không mấy quen thuộc đối với ông, đại lộ Grenelle, đường Saint-Charles, đại lộ La Motte-Picquet.
Ông gặp lại thanh chắn sẫm màu của tàu điện trên không cắt chéo bầu trời, tưởng như nghe thấy tiếng ầm ì đùng đục của các toa xe... Không khí dịu đi, hơi quánh lại của Vieux-Pressoir, sự vui vẻ hồn nhiên của Rose đang không ngừng quệt tay vào tạp dề, bộ mặt bằng sáp của người cựu diễn viên đóng thế vai với nụ cười châm chọc...
Maki, dềnh dàng và hiền hậu ngồi trong góc của mình, con mắt ngày càng rối loạn và lơ mơ hơn theo mức độ anh ta đã uống... Gérard Dramin bộ mặt khổ hạnh, chỉnh sửa liên miên môt kịch bản... Carus có vẻ quá ư vất vả để chứng tỏ thân tình đối với từng người, và Nora, giả tạo từ đầu ngón tay đến bộ tóc phai màu...
Tưởng chừng như những bước chân một cách vô thức đưa ông đến Erassene Dauphine bởi lực đẩy của thói quen, và ông chào ông chủ như cái máy, hít mạnh hơi nóng của quán ăn, đi thẳng về góc của mình, nơi cả ngàn lần ông đã ngồi trên chiếc ghế đệm.
- Có dồi nhỏ, thưa ông cảnh sát trưởng.
- Với món khoai nghiền chứ?
- Còn trước nó?
- Bất cứ cái gì. Một bình vang trắng. Bạn đồng sự của ông ở cơ quan Tổng tình báo ngồi trong một góc khác cùng với một viên chức Bộ Nội vụ mà Maigret chỉ gặp qua. Những thực khách khác hầu như chỉ toàn là khách quen, những luật sư không lần lượt để băng qua quảng trường đi bào chữa, một viên dự thẩm, một thanh tra đội chống cờ bạc.
Ông chủ quán cũng tự hiểu đây không phải là lúc để bắt đầu trò chuyện, và Maigret ăn chậm rãi, vẻ chăm chú, như thể đó là một hành vi quan trọng.
Nửa tiếng sau, ông đánh một vòng Tòa án, hai tay chắp sau lưng, bước chậm rãi, không chú ý đến gì một cách đặc biệt cả, như một kẻ cô độc dắt chó đi dạo, và cuối cùng ông trở lại cầu thang, đẩy cánh cửa phòng làm việc của mình.
Một ghi chép của Gastinne-Renette chờ đợi ông. Đó chưa phải là một báo cáo cuối cùng. Khẩu súng ngắn tìm lại được trong sông Seine đúng là đã bắn ra viên đạn ở đường Saint-Charles.
Ông lại nhún vai một lần nữa, bởi vì ông đã biết trước điều đó. Đôi lúc, ông cảm thấy bị tràn ngập bởi những câu hỏi thứ yếu đó, bởi những báo cáo đó, những cú điện thoại, sự đi đi lại lại của lề thói đó.
Joseph, một nhân viên già cào cào ngoài cửa, bước vào như thói quen, không chờ câu trả lời.
- Có một ông...
Maigret đưa tay ra, liếc mắt nhìn phiếu ghi tên.
- Cho vào. Người đàn ông mặc đồ đen, điều đó làm nổi bật nước da tươi tốt và chỏm tóc màu xám dựng đứng trên đầu.
- Mời ngồi, ông Le Gal. Tôi xin bày tỏ với ông lời chia buồn...
Người đàn ông đã có thời giờ để khóc trên xe lửa, và đường như để tạo cho mình can đảm, ông ta đã uống nhiều ly nhỏ. Tia mắt của ông ta lơ mơ, lời lẽ khó hiểu.
- Người ta đã làm gì nó?... Tôi không muốn đến địa chỉ của nó bởi sợ gặp con người kia, vì tôi nghĩ là mình sẽ tự tay bóp chết hắn...
Bao nhiêu lần Maigret đã chứng kiến những phản ứng tương tự về phía các gia đình?
- Dù sao đi nữa, ông Le Gal à, xác chết không còn ở phố Saint-Charles nữa, mà ở Viện pháp y...
- Nó ở chỗ nào?
- Gần cầu Austerlitz, trên bến cảng. Tôi sẽ cho đưa ông đến đó, bởi vì cần thiết việc ông chính thức xác nhận con gái ông.
- Nó đã đau đớn?
Ông ta xiết chặt nắm tay, nhưng không tự tin. Tưởng như nghị lực của ông ta theo chiều dài của các cây số đã tan biến, lòng giận hờn cũng vậy, đến độ đầu óc trống rỗng, ông ta chỉ biết lặp đi lặp lại những lời lẽ mà ông ta không tin tưởng nữa.
- Hy vọng rằng ông đã bắt hắn ta chứ?
- Không có bằng chứng chống lại chồng của cô ấy.
- Nhưng mà ông cảnh sát trưởng, từ lúc nó đến nói với tôi về gã đàn ông đó, tôi đã đoán trước là chuyện đó sẽ trở nên tôi tệ...
- Cô ấy đã đưa anh ta đến gặp ông à?
- “Tôi chưa bao giờ trông thấy hắn... Tôi chỉ biết hắn qua một bức ảnh... Nó không hề có ý định giới thiệu hắn với chúng tôi. Từ lúc nó gặp gỡ hắn, gia đình đã không còn tồn tại đối với nó...
Tất cả những gì nó muốn, đó là được kết hôn nhanh nhất, thậm chí nó đã chuẩn bị sẵn lá thư ưng thuận mà tôi phải ký, mẹ nó muốn ngăn cản... Cuối cùng thì tôi nhượng bộ, đến nỗi tôi tự cho mình có phần nào trách nhiệm về những gì đã xảy ra...
Người ta chẳng tìm thấy trong mỗi vụ án, cái khía cạnh cùng một lúc vừa đau lòng vừa nhớp nhúa hay sao?”
- Đó là người con độc nhất của ông à?
- Chúng tôi may mắn có một đứa con trai mười lăm tuổi...
Thực ra, Sophie đã biến mất từ lâu trong cuộc sống của họ.
- Ông có thể mang xác cô ấy về Concarneau không?
- Với những gì liên quan đến chúng tôi, các thủ tục đã hoàn tất.
Ông ta nói “thủ tục”.
- Người ta có... tôi muốn nói có một...
- Một cuộc mổ xác, vâng. Để vận chuyển, tôi khuyên ông nên tìm đến một công ty nhà đòn, họ sẽ lo liệu những bước tiến hành.
- Còn hắn?
- Tôi đã nói chuyện này với anh ta. Anh ta không phản đối việc cô ấy được chốn cất ở Concarneau.
- Hy vọng là hắn không có ý định đến đó chứ? Bởi vì trong trường hợp này, tôi không đáp ứng gì cả. Một số người ở xứ đó không được bình tĩnh như tôi đâu, và...
- Tôi hiểu. Tôi sẽ làm sao để anh ta ở lại Paris.
- Chính là hắn, phải vậy không?
- Tôi xác định với ông là tôi không biết.
- “Người nào khác đã giết nó? Nó chỉ nhìn qua hắn. Hắn đã hoàn toàn thôi miên nó. Kể từ khi lấy nhau, nó không viết thư cho chúng tôi được tới ba lần và nó cũng không bỏ công gửi đến chúng tôi những lời chúc mừng năm mới...
Chính qua báo chí tôi mới biết địa chỉ mới của nó. Tôi tưởng nó còn ở tại một khách sạn nhỏ trên phố Montmartre, nơi không bạn bè! Ông có cho rằng cái đó có thể mang đến hạnh phúc không hở ông?”
Maigret lắng nghe đến tận cùng, lắc đầu đầy thương cảm, rồi ông khép lại cánh cửa sau lưng người khách mà hơi thở nồng nặc mùi rượu.
Còn cha của Ricain? Có đến lượt ông ta xuất hiện? Viên cảnh sát trưởng không chờ đợi điều đó. Ông đã gửi một thanh tra đến Orly, một người khác đến Raphael để chụp lại trang sổ ghi chép mà người gác cổng đã chỉ cho ông.
- Đó là các nhà báo, thưa ông cảnh sát trưởng...
- Bảo họ đến tìm Janvier.
Anh chàng này một lúc sau bước vào.
- Tôi phải kể cho họ cái gì đây?
- Bất cứ cái gì. Rằng cuộc điều tra vẫn tiếp tục.
- Họ tưởng là sẽ gặp được Ricain ở đây và họ mang theo một người chụp ảnh.
- Họ cứ tìm đi. Họ cứ đến gõ cửa phố Saint-Charles nếu họ muốn.
Ông nặng nhọc theo đuổi dòng suy nghĩ của mình, hay đúng hơn những ý tưởng khác nhau, mâu thuẫn nhau. Ông đã có lý khi trả lại tự do cho Francis, trong trạng thái anh ta đang kích thích quá độ không?
Gã sẽ không đi xa được với hai chục francs mà viên cảnh sát trưởng cho hắn. Gã lại phải bắt đầu cuộc chạy vạy kiếm tiền, gõ các cánh cửa, đi khắp lượt bạn bè gã.
- Dù sao cũng không phải lỗi của mình nếu...
Người ta có thể cho Maigret có tâm địa xấu xa, rằng ông có cái gì đó phải tự trách mình. Ông không ngừng trở lại vụ án ngay từ ban đầu, từ khởi điểm, có nghĩa là trong khoảng đứng của chiếc xe buýt.
Ông thấy lại người phụ nữ với bộ mặt vô cảm mà chiếc túi thực phẩm chạm vào chân ông. Một con gà giò, bơ, trứng, tỏi tây, cần tây bó nhanh. Ông đã tự hỏi cớ gì cô ta đi chợ xa nhà mình đến thế.
Một người trẻ tuổi hút một chiếc tẩu vừa quá ngắn vừa to tướng. Bộ tóc hoe của gã cũng sáng như mái tóc khử màu của Nora.
Vào thời điểm đó, ông còn chưa biết người tình của Carus mà ở Raphael cũng như ở chỗ khác, được xem như người vợ của ông ta.
Một khoảnh khắc ông mất thăng bằng và ai đó đã khéo léo rút chiếc bóp từ túi của ông.
Ông đã muốn phân tích tỉ mỉ cái khoảnh khắc có thể nói là quan trọng nhất đối với ông. Kẻ lạ mặt xuống xe buýt bước đi, đường Temple, rồi hối hả chạy vòng vèo giữa các bà nội trợ, đến các đường phố hẹp của khu Marais...
Hình ảnh của gã rõ ràng trong trí nhớ của viên cảnh sát trưởng. Ông đã chắc mẫm rằng mình sẽ nhận ra gã, bởi vì tên trộm của ông đã quay lại...
Tại sao gã quay lại? Và tại sao, khi phát hiện nhân thân của Maigret nhờ vào những gì bên trong bóp, gã đã cho nó vào một phong bì màu nâu rồi gửi nó đến chủ sở hữu của nó?
Vào thời điểm đó, thời điểm ăn trộm, gã tự cho là mình bị vây lùng... Gã tin chắc rằng người ta buộc tội gã giết vợ mình và người ta sắp sửa tống giam gã... Gã đã đưa ra một lý do kỳ quặc cho ý định không để cho người ta bắt mình. Chứng sợ chỗ bít bùng...
Đây là lần đầu tiên trong ba mươi năm nghề nghiệp, ông nghe được một kẻ bị tình nghi giải thích như vậy về sự lẩn trốn của mình. Tuy nhiên, suy nghĩ lại, Maigret buộc phải chấp nhận rằng đôi lúc có thể có trường hợp như thế. Chính ông cũng chỉ đi xe điện ngầm khi không còn cách nào khác, bởi vì ở trong đó ông cảm tháy ngạt thở.
Và từ đâu có thói lạ thường, khi ở trong phòng làm việc, ông thường xuyên đứng lên để đến chôn chân trước cửa sổ?
Người ta thỉnh thoảng trách ông, nhất là các ông bên Viện công tố, rằng ông đích thân cáng đáng những công việc thuộc phần vụ của các thanh tra viên, đến tại chỗ hỏi cung các nhân chứng thay vì triệu hồi họ, không có lý do gì quan trọng để quay lại hiện trường, thậm chí nhận lãnh một số việc bình thường, dưới nắng gắt hay trong mưa gió.
Ông rất thích văn phòng của mình, nhưng không quá hai giờ là ông cảm thấy có nhu cầu cần thoát khỏi nó. Trong một cuộc điều tra, ông thích được cùng lúc đi đến mọi nơi.
Bob Mandille vào giờ đó chắc ngủ trưa, bởi vì Vieux-Pressoir đóng cửa rất khuya. Rose có thể cũng ngủ trưa như vậy? Bà ta sẽ nói gì với ông nếu họ ngồi đối điện với nhau ở một chiếc bàn của nhà hàng vắng khách?
Họ có ý kiến khác nhau về Ricain và Sophie. Với khoảng cách vài giờ, một số người thậm chí không do dự biểu lộ những cảm tưởng mâu thuẫn nhau, như Carus.
Sophie như thế nào? Một trong những cô gái đâm đầu vào mọi người đàn ông? Một kẻ tham vọng tin rằng với một Francis thôi sẽ cho cô biết đến cuộc sống của những ngôi sao điện ảnh?
Cô ta đã tìm gặp nhà sản xuất phim trong một căn phòng nhỏ đường François đệ nhất. Dĩ nhiên, nếu Carus nói sự thật.
Người ta đã nói đến tính ghen tuông của Ricain, thực tế gã không rời vợ mình. Ngược lại, gã không do dự mượn tiền của người tình của cô ta.
Gã có biết không? Gã nhắm mắt làm ngơ chăng?
- Cho vào...
Ông đã tiên liệu chuyện này. Đó là người cha. Lần này là cha của Ricain, một người đàn ông lớn con và mạnh mẽ, với vóc dáng trẻ trung dù bộ tóc màu xám mà ông ta đã húi cua.
- Tôi phân vân khi đến đây...
- Mời ông ngồi, ông Ricain.
- Nó có ở đây không?
- Không. Anh ta đã ở đây sáng nay, nhưng đã đi rồi. Người đàn ông có nét mặt gai góc, cặp mắt sáng, một biểu hiện chín chắn.
- Lý ra tôi phải đến sớm hơn, nhưng tôi lái tàu tuyến đường Vintimille-Paris...
- Ông gặp Francis lần sau cùng khi nào?
Ông ta lặp lại, ngạc nhiên:
- Francis?
- Đó là do phần đông bạn bè anh ta gọi anh ta như vậy.
- Ở chỗ chúng tôi, người ta gọi François. Chờ chút... Nó đã đến thăm tôi trước Noel vừa rồi ít lâu...
- Các vị vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp chứ?
- Tôi rất hiếm khi gặp nó!
- Còn vợ anh ta?
- Nó giới thiệu vợ nó với tôi vài ngày trước hôn lễ.
- Anh ta được mấy tuổi thì mẹ mất?
- Mười lăm... Đó là một chàng trai tốt, nhưng nó đã tỏ ra khó khăn và không chịu được ai nói ngược lại... Thật hoài công ngăn cản nó làm theo ý mình. Tôi đã muốn nó vào ngành đường sắt, không nhất thiết phải làm thợ... Nó có thể sẽ tìm một chỗ tốt trong các phòng ban...
- Tại sao anh ta đến thăm ông trước Noel?
- “Dĩ nhiên để hỏi tiền tôi. Nó chỉ đến vì lý do đó. Nó không có nghề ngỗng gì thực sự... Nó viết với tham vọng ngày nào đó sẽ nổi tiếng.
Tôi đã làm những gì tốt nhất về phần tôi, dù sao tôi cũng không thể ràng buộc nó được... Tôi thường vắng mặt ba ngày... Nó đâu vui vẻ gì để trở lại một chỗ trống vắng và tự lo liệu chuyện ăn uống. Ông nghĩ thế nào, hở ông cảnh sát trưởng?”
- Tôi không biết nữa.
Người đàn ông tỏ vẻ ngạc nhiên. Một viên chức cao cấp ngành cảnh sát lại không có một ý kiến dứt khoát, việc này vượt quá sự hiểu biết của ông ta.
- Ông không cho là nó phạm tội sao?
- Cho đến hiện tại, không có gì chứng minh điều đó, cũng như không có gì chứng minh ngược lại.
- Ông có cho là người đàn bà đó đã đổi xử tốt với nó không?... Khi nó giới thiệu với tôi, cô ta đã không chịu khó mặc qua một bộ áo dài; cô ta đến với chiếc quần tây cùng đôi giày mà nói đúng hơn là giày cà tàng. Thậm chí cô ta không chải tóc... Đã đành là người ta cũng nhìn thấy những người khác như vậy trên các đường phố...
Một sự im lặng khá lâu, ông Ricain liếc mắt ngập ngừng nhìn viên cảnh sát trưởng. Cuối cùng, ông ta rút trong túi một chiếc bóp cũ sờn, lấy ra nhiều tờ giấy bạc một trăm francs.
- Tốt hơn hết là tôi không đến gặp nó. Nếu nó muốn gặp tôi, nó biết chỗ tôi ở... Tôi nghĩ rằng nó vẫn không có tiền, có thể nó cần tiền để trả cho một luật sư giỏi...
Một lúc im lặng. Một câu hỏi.
- Ông có con chứ, ông cảnh sát trưởng?
- Rất tiếc là không.
- Không nên để nó cảm thấy bị bỏ rơi, dẫu nó có làm gì, nếu nó đã làm chuyện gì xấu xa, nó không chịu trách nhiệm về chuyện đó... Hãy nói với nó rằng đó là điều tôi nghĩ. Nói với nó rằng nó có thể trở về nhà nếu nó muốn. Tôi không bắt buộc nói chuyện đó...
- Tôi hiểu... Maigret cảm động, nhìn những tờ giấy bạc mà bàn tay to lớn chai sạm với những móng vuông vức đẩy tới trên bàn giấy.
- Sau cùng... - Người cha thở dài vừa đứng lên vừa vặn vẹo chiếc mũ - Nếu tôi hiểu đúng về ông, tôi còn có thể hy vọng nó vô tội... Ông thấy đấy, tôi có niềm tin nơi nó. Báo chí nói tốn công, tôi không đi đến chỗ nghĩ rằng, nó đã làm một việc tương tự.
Viên cảnh sát trưởng tiễn ông ta, siết chặt bàn tay ngập ngừng đưa ra.
- Tôi vẫn hy vọng chứ?
- Đừng nên thất vọng bao giờ cả. Còn lại một mình, ông toan gọi bác sĩ Pardon. Ông thích chuyện vãn với ông ấy, đặt cho ông ấy một số vấn đề. Hẳn nhiên Pardon không phải là một bác sĩ tâm thần. Ông ta cũng không phải là một nhà tâm lý học nốt.
Nhưng trong sự nghiệp y sĩ khu phố của ông, từ đó ông đã nhìn thấy đủ loại, và thường thường ý kiến của ông đã củng cố cho những quan điểm của Maigret.
Pardon vào giờ này đang ở phòng khám của ông, cả hai chục bệnh nhân xếp hàng trong phòng đợi. Chỉ đến tuần sau mới tới buổi ăn tối định kỳ hàng tháng của họ.
Điều kỳ lạ là đột nhiên không có lý do rõ rệt, ông có cảm giác đau đớn của sự cô đơn.
Chỉ là một yếu tố trong guồng máy phức hợp của ngành Tư pháp và ông có trong tay những chuyên viên, những thanh tra, điện thoại, điện báo, mọi sự cộng tác đáng ao ước; trên ông là Viện công tố, dự thẩm và chung thẩm với các quan tòa và những vị Bồi thẩm của Tòa đại hình.
Tại sao, từ chỗ đó ông cảm thấy mình có trách nhiệm? Dường như đối với ông, số phận của một con người tùy thuộc vào mình, ông vẫn chưa biết ai, người đàn ông hay người phụ nữ nào đã lấy khẩu súng ngắn từ ngăn kéo của chiếc tủ com-mốt sơn trắng và đã bắn Sophie.
Một chi tiết khiến ông để ý ngay từ ban đầu mà ông chưa giải thích được. Rất hiếm khi trong một cuộc cãi cọ, hoặc trong một lúc xúc động, ai đó đã nhắm bắn vào đầu. Sự phản xạ, ngay trong trường hợp tự vệ là bắn vào ngực, và chỉ những kẻ chuyên nghiệp mới bắn vào bụng trong khi biết rằng ít khi trông mong vào chuyện đó.
Với khoảng cách độ một mét, tên sát nhân đã nhắm vào đầu... Để làm cho người ta tin ở một vụ tự sát chăng?
Không, bởi vì hắn đã để lại khẩu súng trong phòng, ít ra để làm cho tin rằng Ricain...
Đôi vợ chồng trở về vào lúc mười giờ... Gã đang cần tiền... Ngược lại với thói quen, Francis đã để vợ ở lại phố Saint-Charles trong khi gã bắt đầu đi lùng sục Carus hoặc một người bạn nào khác có khả năng cho gã mượn hai ngàn francs...
Tại sao phải chờ đợi trong đêm đó nếu tiền chỉ cần trả vào sáng hôm sau?
Gã đã quay trở lại Vieux-Pressoir, mở hé cánh cửa xem nhà sản xuất phim có đến không.
Vào giờ đó, Carus đã ở Frankfurt, người ta đang xác minh ở phi trường Orly. Ông ta không báo trước chuyến đi cho Bob lẫn bất kỳ ai trong nhóm bạn nhỏ đó.
Ngược lại Nora ở lại Paris... Không có trong căn hộ của cô ta ở Raphael như cô ta đã khẳng định lúc ban sáng, bởi vì sổ ghi chép của người gác cổng nói ngược lại điều đó.
Tại sao cô ta đã nói dối? Carus có biết cô ta không có mặt ở khách sạn không? Ông ta không một lần gọi điện cho cô ta từ Frankfurt sao?
Chuông điện thoại reo.
- Allô... Bác sĩ Delaplanque... Chuyển qua cho ông nhé?...
- Cám ơn... Allô...
- Maigret hả? Xin lỗi đã làm phiền ông, nhưng có chuyện khiến tôi bối rối từ buổi sáng nay... Nếu tôi không nói ra trong bản báo cáo của mình, đó là vì nó còn mơ hồ... Trong lúc phẫu thuật xác, tôi đã ghi nhận những dấu vết lờ mờ trên các cổ tay của người chết, như thể người ta đã siết mạnh với một sự thô bạo nào đó... Nói đúng ra đó không phải là những vết máu bầm...
- Tôi nghe.
- Tất cả là vậy... Nếu không khẳng định đã xảy ra một cuộc đánh vật, tôi sẽ không ngạc nhiên về điều đó... Tôi thấy khá rõ kẻ tấn công tóm lấy hai cổ tay của nạn nhân và xô đẩy, cô ta có thể đã ngã xuống đi-văng, rồi gượng đứng lên, vào ngay thời điểm cô ta chưa hoàn toàn đứng hẳn thì họ đã bắn... Điều đó giải thích việc viên đạn lấy từ trên tường cách mặt đất khoảng chừng một mét hai mươi, nếu thiếu phụ đã đứng hẳn thì...
- Tôi hiểu. Những vết bầm lờ mờ lắm hả?
- Chỉ một vết hơi rõ ràng hơn những vết khác... Có thể đó là của ngón tay cái, nhưng tôi không thể khẳng định gì cả. Đó là lý do tôi không thể biến nó thành tình trạng chính thức... Ông xem liệu có thể rút ra được điều gì...
- Trong tình hình hiện tại của tôi, tôi cần phải lợi dụng tất cả. Cám ơn bác sĩ.
Janvier lặng lẽ đứng dựa vào khung cửa.
Ông trở lại khu phố, lần này một mình với vẻ khăng khăng, như thể đó là chuyện giữa phố Grenelle và ông. Ông tản bộ trên bờ sông Seine, dừng lại ở thượng lưu cách cầu Bir-Hakeim bốn mươi mét, chỗ đó khẩu súng ngắn đã được ném xuống và được lấy lên từ lòng sông Seine, đoạn ông đi về hướng khu nhà lớn mới xây trên đại lộ Grenelle.
Cuối cùng thì ông vào bên trong, gõ cửa phòng lắp kính của người gác cổng. Chị ta còn trẻ, nhã nhặn, sử dụng một phòng khách nhỏ sáng sủa.
Sau khi cho chị ta xem huy hiệu, ông hỏi:
- Chính chị có nhiệm vụ thu tiền thuê nhà à?
- Vâng, thưa ông cảnh sát trưởng.
- Vậy thì chị biết François Ricain chứ?
- Họ ở phía trong sân và ít khi đi ngang qua đây... Tôi muốn nói là đã đi qua. À mà anh ta thì nghe nói đã trở về... Nhưng cô ấy... Tất nhiên tôi biết họ, và không phải dễ chịu khi thường xuyên đòi tiền họ. Tháng Giêng họ xin thời hạn một tháng, rồi 15 tháng Hai, một kỳ hạn mới... Ông chủ nhà đã quyết định đuổi họ nếu 15 tháng Ba này họ không trả hai quý tiền thuê nhà trễ hạn...
- Họ đã không thực hiện?
- Đó là hôm kia, ngày 15...
- Chị không lo lắng nếu không gặp họ sao?
- “Tôi không trong mong họ trả tiền đâu. Buổi sáng, anh ta không đến lấy thư từ và tôi tự nhủ chắc anh ta không muốn gặp mặt tôi.. Vả lại họ ít nhận được thư... Nhiều nhất là những tờ quảng cáo và những tạp chí họ đặt mua... Xế chiều, tôi đến gõ cửa phòng họ và không ai trả lời...
Sáng thứ Năm, tôi lại đến gõ cửa, và vì vẫn không ai trả lời, tôi hỏi một bà thuê nhà có nghe thấy gì không... Thậm chí tôi nghĩ có lẽ họ đã lén lút dọn nhà đi rồi... Với họ chuyện đó dễ dàng, vì cổng chính luôn luôn mở ra đường Saint-Charles...”
- Chị nghĩ gì về Ricain?
- Tôi không mấy chú ý anh ta. Thỉnh thoảng, những người thuê nhà than phiền bởi vì anh ta vặn nhạc hoặc tiếp bạn bè đến quá nửa dêm, nhưng không thiếu những người như vậy trong khu nhà, nhất là những người trẻ tuổi. Anh ta có dáng vẻ nghệ sĩ...
- Còn cô ấy?
- Ông muốn tôi nói gì đây? Họ giật gấu vá vai cũng không đủ ăn... Đó không phải chuyện lạ của cuộc sống. Chắc là cô ấy đã tự tử?
Ông không biết thêm điều gì mới cả, cũng không quá tìm để biết. Ông đi lang thang, nhìn phố phường xung quanh mình, những ngôi nhà, những cánh cửa sổ mở, bên trong những cửa hiệu.
Vào bảy giờ, ông đẩy cánh cửa của tiệm Vieux-Pressoir và gần như thất vọng khi không nhìn thấy Femande ngồi vắt vẻo trên chiếc ghế gác chân của cô ta.
Bob Mandille ngồi ở một bàn đang đọc tờ báo buổi chiều, trong khi gã bồi bàn đã xếp đặt xong xuôi, đặt trên mỗi tấm khăn trải bàn kẻ ô vuông một chiếc lọ thủy tinh cắm hoa hồng.
- Ủa!... Ông cảnh sát trưởng...
Bob đứng lên, đến siết tay Maigret.
- Thế nào? Ông đã khám phá ra điều gì chứ?... Báo chí không hài lòng... Họ khẳng định người ta tung hỏa mù xung quanh vụ án này và người ta xa lánh họ...
- Đơn giản bởi vì chúng tôi chẳng có gì để nói với họ cả.
- Có thật ông đã thả Francis không?
- Anh ta chưa bao giờ bị tống giam và anh ta được tự do trong hoạt động của mình. Ai đã nói với ông điều đó?
- Huguet, tay chụp ảnh ở cùng khu nhà, tầng thứ tư. Chính là anh chàng đã có hai vợ và đang có con với bà thứ ba. Anh chàng trong thấy Francis trong sân lúc anh ta trở về nhà mình. Điều khiến tôi ngạc nhiên là anh ta đã không đến gặp tôi, vậy thì anh ta có tiền không?
- Tôi có cho anh ta hai chục francs để ăn chút ít và đi xe buýt...
- Trong trường hợp như vậy, anh ta sẽ mau chóng đến đây, trừ phi anh ta đã tạt qua tòa báo và may mắn có tiền trong quỹ. Điều này thỉnh thoảng có xảy ra.
- Ông không thấy Nora tối thứ Tư à?
- Không, cô ta không đến đây, hơn nữa tôi không nhớ có thấy cô ta mà không có Carus hay không... Ông ấy đang đi xa...
- Đi Đức, đúng vậy. Cô ta đã ra khỏi nhà một mình. Tôi tự hỏi là cô ta có thể đi đâu.
- Cô ấy không nói với ông à?
- Cô ta khẳng định đã trở về Raphael vào lúc chín giờ.
- Lạ lùng thật... Bob có một nụ cười mỏng dính châm chọc như một vết nứt tạo thành trên gương mặt trơ trơ của ông ta.
- Điều này làm ông thích thú à?
- Hãy thừa nhận là Carus chẳng bay đi đâu cả! Ông ta lợi dụng không ngại ngùng mọi cơ hội... Sẽ kỳ lạ nếu là Nora... Tuy nhiên, với cô ta tôi không tin như vậy...
- Bởi vì cô ta yêu ông ấy à?
- Không đâu, bởi vì cô ta quá thông minh và quá lạnh lùng. Cô ta không mạo hiểm để mất tất cả, trong khi cô ta đã quá gần mục tiêu của mình, một cuộc mạo hiểm, đó là điều cám dỗ nhất đối với đàn ông.
- Cũng có thể cô ta không gần đến mục tiêu như ông nghĩ?
- Ông muốn nói gì?
- Carus tìm gặp Sophie đều đặn trong một căn hộ ở đường François đệ nhất được thuê cho mục tiêu đó.
- Điều đó nghiêm túc chứ?
- Ông ta khẳng định như vậy. Ông ta cũng khẳng định là cô ấy có tư chất của một ngôi sao và sẽ nhanh chóng trở thành một trong số đó.
- Ông nói nghiêm chỉnh đấy chứ? Carus lại... Nhưng đó là một cô gái mà người ta thấy hàng tá, chỉ cần xuống khu Champs-Élysées, người ta gom góp đủ dể che kín tất cả màn bạc của thế giới...
- Nora biết mối liên hệ của họ.
- Thế thì, tôi không hiểu gì nữa cả... Sự thật nếu tôi phải hiểu những câu chuyện yêu đương của khách hàng, chắc tôi đã bị loét bao tử. Vậy ông nên kể những chuyện đó với vợ tôi. Bà ấy oán ông không ghé qua chào hỏi trong nhà bếp. Bà ấy có tình yêu nhất thời đành cho ông đấy... Ông không dùng một ly sao?
- Liền ngay thôi...
Nhà bếp rộng rãi hơn, hiện đại hơn là ông nghĩ. Như ông đã chờ đợi, Rose lau tay trước khi chìa ra cho ông.
- Thế là ông đã quyết định thả anh ta ra à?
- Cái đó làm bà ngạc nhiên?
- Tôi không biết nữa... Mỗi người đến đây với một chút ý kiến của riêng mình. Đối với một số người, Francis đã làm chuyện đó vì ghen, với những người khác thì đó là một tình nhân mà cô ta tìm cách tống khứ... Sau cùng một số người cho rằng một người đàn bà đã báo thù...
- Nora chăng?
- Ai đã nói với ông như vậy?
- Carus đã có một mối quan hệ nghiêm túc với Sophie. Nora biết điều đó, ông ta đã có ý định lăng xê cô ấy...
- Là sự thực, hay ông bày đặt ra để khiến tôi nói?
- Sự thực. Cái đó khiến bà bất ngờ sao?
- Tôi ư? Lâu lắm rồi không có gì khiến tôi bất ngờ cả, nếu ông ở địa vị tôi trong chuyện buôn bán này...
Ông không có ý nghĩ là ở Sở cảnh sát tư pháp người ta mới có một kinh nghiệm nào đó về con người.
- “Chỉ là, ông cảnh sát trưởng tốt bụng của tôi, nếu Nora đã thực hiện vụ đó, ông sẽ vất vả để chứng minh đây, bởi vì cô ta khá láu cá để đánh lừa ông mọi chuyện...
Ông dùng bữa ở đây chứ? Tôi có món vịt con nấu cam... Trước tiên, tôi có thể dọn cho ông hai hay ba tá sò vừa đến từ La Rochelle. Chính mẹ tôi gửi chúng đến cho tôi đấy!”
Huguet, tay chụp ảnh đến với cô bạn đời. Đó là một chàng trai hồng hào, bộ mặt ngây ngô với vẻ hớn hở và người ta có thể cam đoan rằng anh ta tự phụ được phô trương thanh thế với một phụ nữ mang bầu bảy tháng.
- Các vị biết nhau chứ? Đây là ông cảnh sát trưởng Maigret... Jacques Huguet. Còn đây cô bạn của anh ta...
- Jocelyne. - Tay chụp ảnh nói rõ, như thể việc đó quan trọng hoặc như thể anh ta thích thú được thốt lên cái tên thi vị đó.
Và với một sự ân cần thái quá, đến độ phải nghĩ là anh ta chế giễu cô nàng:
- Em uống gì, em yêu?
Anh ta vây lấy người đàn bà bằng những chăm chút nhỏ nhặt, bao bọc cô ta bởi những tia mắt nóng bỏng và dịu dàng, dường như để bảo với mọi người: “Các vị thấy đấy, tôi yêu và tôi không xấu hổ về chuyện đó. Chúng tôi chờ đợi một đứa con... Chúng tôi hạnh phúc, và chúng tôi mặc kệ nếu các vị thấy chúng tôi lố bịch”.
- Các bạn dùng gì đây, hả mấy cưng?
- Một nước trái cây vắt cho Jocelyne... Một porto cho tôi.
- Còn ông thì sao, ông Maigret?
- Một ly bia.
- Francis không đến à?
- Anh có hẹn ở đây hả?
- Không, nhưng theo tôi thì anh ta muốn gặp lại bạn bè... Chỉ là để chứng minh với họ rằng anh ta tự do, rằng người ta không thể giữ anh ta được, anh ta là thế...
- Anh nghĩ là chúng tôi sẽ canh giữ anh ta à?
- Tôi không biết, khó mà đoán được cảnh sát sẽ làm gì.
- Anh có cho là anh ta đã giết vợ mình không?
- Quan trọng gì đâu việc anh ta hay một ai khác!... Cô ấy đã chết, phải không?... Nếu Francis đã giết cô ta, đó là vì anh ta có những lý do đúng đắn để làm như vậy...
- Những lý do gì, theo anh?
- Tôi không biết. Anh ta đã chán ngấy cô ấy, có thể chứ?... Hoặc giả cô ấy đã cãi cọ với anh ta chăng? Hoặc cô ấy lừa dối anh ta? Ta nên để người khác sống theo ý mình, phải vậy không, em yêu?
Những thực khách bước vào, không phải là khách quen nên họ lưỡng lự đi đến một chiếc bàn.
- Ba người à?
Bởi vì họ là một cặp lớn tuổi và một thiếu nữ.
- Ở đây...
Người ta nhập cuộc cùng với Bob: thực đơn, những gợi ý thầm thì, lời tán tụng rượu vang trắng Charentes, cháo cá biển...
Thỉnh thoảng, ông ta nháy mắt với bạn hữu ở quầy rượu.
Chính lúc đó Ricain bước vào, đứng sững lại khi trong thấy viên cảnh sát trưởng có kèm theo Huguet và cô bạn có mang.
- Cậu kia rồi! - Anh thợ chụp ảnh kêu lên - Đã xảy ra chuyện gì với cậu thế? Người ta cứ tưởng cậu ở tận cùng trong ngục tối rồi...
Francis gượng cười.
- Cậu thấy đấy, tôi đang ở đây... Chào Jocelyne! Phải vì tôi m ông đến đây không, ông cảnh sát trưởng?
- Hiện tại thì vì con vịt nấu cam...
- Cậu dùng gì? Bob đến hỏi, ông ta đã chuyển yêu cầu cho bồi bàn.
- Porto, phải không?
Gã lưỡng lự.
- Thôi... Một scotch... Trừ phi cậu thấy sổ của tôi quá dài...
- Hôm nay tôi vẫn phải nợ ông...
- Vậy ngày mai thì sao?
- Cái đó tùy thuộc ông cảnh sát trưởng.
Maigret hơi bôi rổi bởi cách nói đó, nhưng ông ngờ rằng đó là kiểu dí dỏm đang thịnh hành trong nhóm.
- Anh có qua tòa báo chưa? - Ông hỏi Ricain.
- Có. Sao ông lại biết?
- Vì anh đang cần tiền.
- Chính xác là tôi có được một món tạm ứng một trăm francs trong phần họ nợ tôi.
- Còn Carus?
- Tôi không đến chỗ ông ấy...
- Nhưng anh đã tìm ông ta tối thứ tư, rồi gần như cả đêm.
- Không còn là ngày thứ tư nữa.
- Về chuyện đó, - Tay chụp ảnh xen vào - tôi đã thấy ông ta, Carus. Tôi đã đến phòng chụp ảnh và ông ta nhờ tôi thực hiện một ảnh mẫu của một cô gái mà tôi không quen biết. Ông ta thậm chí yêu cầu tôi những bức ảnh...
- Của cô gái?
Maigret tự hỏi liệu ông ta có cho chụp ảnh Sophie như vậy hay không.
- Ông ta ăn tối ở đây. Dù sao, đó là ý định của ông ta lúc ba giờ chiều, nhưng với ông ấy người ta không bao giờ biết được ra sao... Nhất là với Nora... Thực tế, tôi cũng đã gặp Nora...
- Hôm nay à?
- Cách đây hai hay ba ngày, ở một chỗ mà tôi không thể ngờ là gặp được bà ta... Trong một hộp đêm nhỏ ở Saint-Germain-des-Prés, nơi chỉ thấy toàn bọn trẻ măng...
- Vào lúc nào? Maigret hỏi, bất chợt chăm chú.
- Xem nào... Hiện là thứ Bảy... thứ Sáu... thứ Năm... Không... thứ năm, tôi dự buổi ra mắt vở ballet... Đó là thứ tư... Tôi tìm những bức ảnh để minh họa cho một bài báo về những người dưới hai mươi tuổi và người ta cho tôi biết hộp đêm đó...
- Lúc đó mấy giờ?
- Khoảng mười giờ... Phải, có lẽ tôi đến lúc mười giờ. Jocelyne cùng đi với tôi... Nhớ không, em yêu? Lúc đó mười giờ phải không? Một chỗ thảm hại nhưng gợi cảm, nơi các chàng trai đều để tóc phủ gáy...
- Bà ta có thấy anh không?
- Tôi không biết. Bà ta ở trong một góc với một gã lực lưỡng không phải là một người dưới hai mươi. Tôi ngờ rằng đó là ông chủ và họ có vẻ bàn cãi nghiêm túc...
- Bà ta có ở lại lâu không?
- “Tôi đã len vào hai hay ba phòng, chỗ nào hầu như mọi người đều khiêu vũ... Đành vậy, nếu phải gọi đó là khiêu vũ... Họ làm những gì họ có thể, dính chùm nhau...
Tôi lại thấy bà ta một hoặc hai lần, giữa những cái đầu và vai. Bà ta nói, còn gã kia rút từ túi ra một cây viết chì và ghi những con số trên mảnh giấy...”
Nghĩ đến chuyện đó tôi thấy kỳ cục. Bà ta đã không thực lắm trong cuộc sống thường ngày. Nhưng ở đó, trong cái thế giới kỳ quặc đó, bà ta đáng để chụp một bức ảnh...
- Anh có chụp không?
- Đâu ngốc đến thế! Tôi không thiết tha hứng lấy phiền nhiễu về mình với bà cô già Carus. Tôi lệ thuộc ông ấy một nửa món bifteck của mình.
Người ta nghe Maigret gọi:
- Một ly bia nữa, Bob...
Giọng điệu và thái độ của ông hoàn toàn không như cũ nữa.
- Ông có thể dành cho tôi góc phòng tôi ngồi hôm qua được không?
- Ông không ăn với chúng tôi sao? - Tay chụp ảnh ngạc nhiên.
- Để khi khác.
Ông cần được một mình, để suy nghĩ. Tình cờ người ta làm rối lên thêm một lần nữa những ý tưởng mà ông đã xếp đặt liền kề nhau và càng không còn gì đứng vững nữa.
Francis liếc trộm ông, lo lắng. Bob cũng hiểu ra sự thay đổi bất chợt.
- Có vẻ như điều đó khiến ông ngạc nhiên, việc Nora đã đến một nơi như chỗ đó...
Nhưng viên cảnh sát trưởng quay sang Huguet:
- Hộp đêm đó tên là gì?
- Ông cũng muốn làm một khảo sát về bọn beatniks sao? Xem nào... bảng hiệu không độc đáo lắm... Chắc nó ghi nhận thời kỳ nơi đó là một tiệm rượu cho những kẻ thất nghiệp lang thang... À L’As de picque... Đúng... Bên trái đi ngược lên...
Maigret uống cạn ly.
- Ông giữ chỗ ngồi cho tôi. - Ông lặp lại.
Một lúc sau, taxi đưa ông đến Contrescarpe.
Địa điểm vào ban ngày xám xịt. Người ta chỉ thấy có ba người khách và một cô gái mặc veston quần tây đàn ông đang hút một điếu xìgà. Một gã mặc áo săng-đay vọt ra từ phòng thứ hai và đến đứng sau quầy, mắt ngờ vực.
- Cái gì đây?
- Một ly bia. - Maigret máy móc nói.
- Rồi sau đó?
- Không có gì cả.
- Không hỏi han gì à?
- Anh muốn nói gì?
- Là không phải tôi mới ra đời hôm qua và nếu cảnh sát trưởng Maigret đến nơi đây, không phải vì ông ta khát. Thế thì tôi chờ xem lý do.
Gouilleur là gã đàn ông đó, tự rót cho mình một ly nhỏ.
- Một người đã ghé đây gặp anh vào tối thứ tư?
- Hàng trăm người, nếu ông cho phép tôi chỉnh ông.
- Tôi nói về một phụ nữ, với bà ta anh đã nói chuyện rất lâu.
- Có phân nửa là phụ nữ và tôi đã nói chuyện, như ông nói, với một số trong họ.
- Nora.
- Chúng tôi đã ở đây. Rồi sao?
- Bà ta làm gì ở đây?
- Bà ta đến đây làm viẹc trung bình mỗi tháng một lần.
- Có nghĩa là?
- Yêu cầu tính sổ.
- Bởi vì...?
Maigret chưng hửng, phát hiện ra sự thật trước khi người đàn ông nói với ông.
- “Bởi vì đó là bà chủ, như vậy đó, thưa ông cảnh sát trưởng! Bà ta không khoe khoang chuyện đó làm gì... Tôi không chắc là bố Carus có biết hay không... Mỗi người đều có quyền xài đồng tiền của mình như ý họ thích, phải không?
Tôi thì không có gì nói với ông cả, dù cho ông có hỏi tôi bà ấy có sở hữu những hộp đêm khác cùng loại hay không...”
Maigret nhìn hắn, dò hỏi, và người đàn ông chớp mi mắt theo kiểu khẳng định.
- “Có những người theo gió phất cờ - Hắn kết luận bằng một giọng nhẹ nhàng -... Không phải bao giờ những kẻ tự cho mình là ranh ma cũng bỏ vốn đầu tư hiệu quả nhất. Với ba hộp đêm như thế này chỉ trong vòng một năm, tôi có thể lui về hưởng nhàn ở Côtezur!
Thế mà có tới một chục, mà một số trong đó ở Pigalle và một ở Champs-Élysées đấy...”