12 - Đôi kính râm đen

     ác ngài hãy cứ lấy hết các danh từ tốt đẹp của các nhà văn đã đặt ra hay đã dùng xưa nay để tả những đôi mắt đẹp, mà tặng cho đôi mắt ấy. Nhưng tôi chắc cũng chưa xứng đáng đâu. Vì đó thực là một đôi mắt đẹp! Đẹp tuyệt trần đời! Đẹp «có một không hai»! Đáng lẽ «có hai không bốn» kia đấy – đẹp «khôn tả xiết»! 
Lần đầu nhìn đôi mắt ấy, tôi đã buột miệng khen bằng những câu «sáo» trên kia. Nhưng tôi, còn được nghe một nhà thơ mới đương nổi tiếng, mà cũng chỉ nghĩ được một câu thơ như thế này để tặng... đôi mắt ấy:
«Thực là những chiếc đèn «pha» (phare), 
Xa xăm và huyền ảo (!)»
Còn một nhà văn lãng mạn khác thì ngửa mặt lên trời mà than rằng: «Ôi! Đôi mắt trong xanh như nước hồ thu, đắm say, và mơ mộng...» Tôi có cần nói thêm rằng đôi mắt quí báu ấy là của một người đàn bà không nhỉ? Vì đàn ông, thỉnh thoảng cũng có một vài người có những con «mắt nhung», như mắt của Rudoph Valentino chẳng hạn, lúc nhắm lại lần cuối cùng đã làm cho tất cả đàn bà trên thế giới tiếc thương. Nhưng tôi thì tôi không có cái tính ca tụng những đôi mắt đẹp của đàn ông. Nếu là «mắt đẹp» của đàn ông, thì các ngài đã thoát được cái nạn, nãy giờ phải nghe tôi «con cà con kê chi kể lể». 
Vậy, để các ngài đỡ sốt ruột: đôi mắt ấy là của bà tham Minh. Đôi mắt ấy đã làm cho lão tham Minh thấy mình là kẻ được hưởng hoàn toàn hạnh phúc, là kẻ sung sướng nhất trần gian. Đôi mắt ấy đã «quyến dũ», đã «thôi miên» tham Minh ngay từ buổi đầu. Cái mà thi sĩ Tchya trông thấy trước nhất ở người đàn bà là «đôi tuyết lê núng nính» nhưng, cái mà tham Minh trông thấy trước nhất ở vợ mình – lúc chưa lấy được nhau – là đôi mắt lạ lùng kia. Tham Minh là một thỏi sắt, mà người đàn bà, hay «đôi mắt đẹp» kia là hòn đá nam châm. Tham Minh cạo râu vì đôi mắt ấy, nắn cái «nơ ca vát» (noeud cravate) hàng giờ trước gương vì đôi mắt ấy, thay «sơ mi» (chemise) và đánh giầy luôn luôn vì đôi mắt ấy, nghĩ ra những bức thư cảm động, văn chương để cho đôi mắt ấy liếc qua. Và lần đầu tiên mà đôi mắt ấy ươn ướt nhìn tham Minh, chớp chớp, rồi nhìn xuống đất, để lại ngước lên, nhìn thẳng vào mắt tham Minh như bảo thầm rằng «nàng» đã nhận lời, thì tham Minh suýt quay ra đất chết. Cho nên ta có thể nói là tham Minh đã «lấy» đôi mắt ấy, đã «cưới» đôi mắt ấy! Và ái tình mà người đàn ông ấy trao hay nhận được, không phải ở nơi quả tim như ta thường nói, nhưng chính ở hai con mắt đẹp kia. 
Thế nhưng đôi mắt đẹp nếu đã làm tham Minh thành một kẻ sung sướng nhất, thì lại cũng có thể làm cho anh chàng thành một người cực khổ nhất đời. Nếu các ngài khoác tay một người yêu đi chơi ngoài phố, như vợ chồng tham Minh vẫn thường làm, thì các ngài sẽ hiểu tôi. Bởi vì, chỉ tại anh ta hay khoác tay vợ đi chơi ngoài phố nên anh ta thành ra cực khổ: tất cả đàn ông, tất cả đều nhìn bà tham. Các ngài đã hiểu chưa? Họ nhìn thẳng vào đôi mắt bà. Vì đôi mắt ấy choán hết cả những vẻ đẹp khác trên mặt bà ta. Ồ! Những anh đàn ông khó chịu lạ! Họ không kể «người ta» là gái có chồng, họ không biết anh chồng là ai nữa, họ chỉ nhìn thấy có... hai con mắt của bà tham. Họ lớn tiếng khen, lớn tiếng bình phẩm, như thường trước mặt anh chồng. Có vợ đẹp khiến người ta phải thèm thuồng, ao ước là một cái vinh hạnh chứ sao? Nhưng mà thiên hạ khen nhiều quá, làm cho anh chồng đâm hoảng, đâm lo ngại. Rồi anh chồng hóa ra bực mình.
Nhiều lần đi cạnh vợ, tham Minh đã đảo lộn, tròn xoe đôi mắt hiền lành của mình một cách dữ tợn, nhưng cũng chẳng công hiệu gì... những đứa đàn ông trai trẻ qua đường vẫn không tha nhìn đôi mắt đẹp. Những buổi đi chơi mát chiều của đôi vợ chồng ấy thành ra mất cả vui, và đối với tham Minh lại thành ra những buổi đi chơi «sốt», vì cứ mỗi lần có người nhìn vợ là anh chàng thấy nóng ran khắp cả người, ướt đẫm mồ hôi. Nhưng, khổ nhất là những hôm bà tham Minh đi mua bán gì một mình hay đi đâu có việc, lúc trở về tủm tỉm cười, mách với chồng:
- Cậu ạ, hôm nay lại có một thằng nó khen em, cậu có biết nó bảo thế nào không? Nó bảo: «Mắt đẹp đấy! Nhưng giá có quầng thâm thì còn tuyệt nữa!» 
Đàn bà thì ai chẳng thích người ta khen đẹp? Thế là hôm sau bà tham đi chơi cạnh chồng với đôi mắt có quầng thâm.
Thế là, tham Minh lại càng khó chịu. Mà anh chồng ấy còn ngờ vợ được một điều gì nữa chứ? Mỗi lần có người khen là bà tham lại mách với chồng, như thế cũng tỏ ra rằng bà tham «lương thiện». Nhưng, giá bà tham đừng nói lại với chồng, đừng mách với chồng. Như thế thì dễ chịu hơn. Vì khi một bà vợ «mách» với ông chồng rằng: «Hôm nay, cậu ạ, có một đứa nó khen em đẹp», thì đó tức là bà vợ muốn bảo ngầm cho chồng biết rằng: «Cậu thấy chưa? Cậu có một người vợ đẹp đến nỗi thiên hạ phải «cảm lăn ra», thì cậu phải chìu tôi lắm mới được. Nếu không... nếu không, thì liệu «cái đầu» của cậu đấy! Chưa biết ngày nào nó mọc những cái sừng!» Ấy thế mới nguy! Nhưng, bà tham Minh đây thì không thể như thế được, vì đó là một người nội trợ đảm đang, một người vợ yêu chồng, không phải yêu đến say mê, nhưng mà yêu. Cửa nhà lúc nào cũng ngăn nắp, hoa trong phòng khách lúc nào cũng tươi, những bữa cơm thì thực là những công trình của một tay đầu bếp khéo. Chỉ phải cái tội: lúc nào bà tham thò mũi ra đường là y như người ta nhìn trân trân vào mắt! Vẫn biết người ta không sờ mó gì vào người bà tham, nhưng mà người ta nhìn. Và bởi có những cái nhìn «mơn trớn» như là một cái vuốt ve, cho nên tham Minh mới thành ra khổ sở.
Vậy thì làm thế nào được? Giam vợ ở trong phòng ngủ suốt ngày à? Hay đem vợ về nhà quê để sống một cái đời yên tĩnh? Không được cả, vì người không phải là con vật, mà về nhà quê thì ai lĩnh hộ cái lương tháng hơn trăm? Làm thế nào? Các ngài hãy chờ xem tham Minh làm thế nào...
Một buổi trưa, ở sở ra, tham Minh thấy một tiểu thư thân hình óng ả đi bên hồ Kiếm, anh chàng ngắm không chán mắt rồi đi theo. Tình đời vẫn vậy, người ta nhìn vợ mình thì mình không được bằng lòng, nhưng nếu mình nhìn vợ người khác thì mình không nghĩ thế. Huống chi người mà tham Minh đương đuổi theo để nhìn mặt lại không phải là vợ ai cả, lại đi một mình. Tham Minh rảo bước, rượt lên trước mặt người con gái, quay đầu nhìn lại... Người con gái ấy đeo đôi kính đen. Tham Minh không thèm nhìn lâu nữa, cắm đầu đi thẳng. Và như Archimède thuở xưa, anh ta sung sướng kêu lên: Eurêka!  (Nghĩ ra rồi!) Bởi vì, hai cái chấm đen trên khuôn mặt người con gái kia đã che mất đôi mắt của cô ta rồi, mà khi tham Minh nhìn một người đàn bà nào lạ, anh ta chỉ để ý xem đôi mắt của người này có đẹp bằng đôi mắt của vợ mình không. Đôi mắt, dù đẹp hay không, đã bị che bởi một đôi kính đen, thì không còn nghĩa lý gì nữa, không còn tình tứ gì nữa rồi, tham Minh nghĩ thế. Một cái thân thể tuyệt mỹ mà đem những quần áo dầy sụ phủ ngoài, thì còn gọi tình thế nào được như khi còn trần truồng không vướng bận một mảnh vải nào. Với lại, có ai đi nháy mắt tống tình với... một đôi mắt kính bao giờ! Kẻ đàn ông nào táo tợn đến đâu ngồi tiếp chuyện một người đàn bà cứ giữ luôn đôi kính đen trên mắt, cũng sẽ thành ra ngượng nghịu, vì làm thế nào để hiểu được rằng đôi mắt ấy khen mình hay chê mình, đồng ý với mình hay nhạo báng mình, thích câu chuyện mình đương nói hay muốn «về đi ngủ»? Đôi mắt là linh hồn của một khuôn mặt. 
- Vậy thì vợ ta phải đeo kính! Và như thế ta sẽ được yên lòng. Tham Minh xoa tay tự bảo mình như thế. Nhưng các ngài đừng tưởng tham Minh là một anh chàng ngốc nghĩ như vậy rồi cứ về nhà bảo vợ như thế này:
- Tôi không thích cho những cái thằng mất dạy mỗi khi gặp mợ ngoài đường là nhìn chòng chọc vào mắt mợ! Tôi không chịu được nữa rồi! Mợ phải mua một đôi kính đen mà che «đôi mắt yêu quý của tôi đi»!
Nói như vậy, để mà cho bà tham cười vào óc cái «đức anh chàng» tính khí kỳ khôi ấy hay sao? Không, anh chàng không muốn vợ hiểu rõ ý định của mình, anh chàng đã lại nghĩ ra một kế thần tình:
Một hôm đi chơi với vợ, anh chàng chỉ vu vơ lên trời mà hỏi vợ:
- Mợ có trông thấy con chim bay cao tít trên kia không? Ánh nắng chiếu lấp lánh trên đôi cánh nó trông đẹp lạ!... Nhưng phải tinh mắt lắm mới trông thấy «nó», vì cánh nó lẫn với màu mây trắng... mợ có thấy nó không?
Cố nhiên là bà vợ không trông thấy nó. Vì chẳng có một con chim nào ở trên trời. Vì anh chồng đã «bịa» ra thế, để cho mình có dịp mà hốt hoảng:
- Mắt mợ làm sao vậy? Chết! Mợ phải đi khám «đốc tờ» (docteur) mới được!
Đầu tiên thì bà tham còn cười nhạt, bảo chồng là vô lý, nhưng dần dần thấy chồng khẩn khoản bà tham cũng chiều chồng: đi khám «đốc tờ». Cái ông «đốc tờ» ấy, các ngài đã đoán ra chưa? Chính là một ông« đốc tờ» quen chuyên môn đi chữa mắt, một người bạn học thuở xưa của ông tham. Cho nên khi nghe ông tham kể rằng vợ mình «hình như mắt kém, đến nỗi không nhận ra một con chim to thế này bay ở trên trời», thì ông «đốc tờ» liền khuyên bà tham nên mua kính thuốc mà đeo, mà phải kính đen mới được, nếu không... nếu không thì ít lâu nữa bà hỏng mắt!
Hỏng mắt? Khi mà người ta có đôi mắt đẹp tuyệt trần? Tai hại chưa? Ghê gớm chưa? Vậy mà bà tham cứ tưởng chuyện chơi! Bà đâm lo lắng, phát khóc lên được ấy!
Thế là, từ đó bà không dời đôi «kính thuốc» mà một buổi kia chồng bà «theo lệnh đốc tờ» đã mua về để bà dùng. Bà chỉ bỏ nó ra lúc đi ngủ. Suốt ngày quanh quẩn trong nhà, người đàn bà khốn nạn ấy chỉ sợ một ngày kia hỏng mắt!
Đời nhìn qua đôi kính đen hóa ra ảm đạm, buồn rầu, mất cả những ánh sáng, những màu rực rỡ. Người thiếu phụ vốn tính tươi cười bỗng hóa ra lãnh đạm với mọi người, với cả chồng, lúc nào cũng tư lự.
Mà buồn nhất là anh chồng không thấy vợ mình là đẹp nữa. Vì người đàn bà ấy chỉ đẹp vì hai con mắt, đến nay mắt bị che rồi, thì cái miệng «hình như rộng quá»,  cái mũi «hơi nhỏ quá», cái cầm «lẹm vào nhiều» hay sao ấy? Tôi trông mợ đeo kính, nó thế nào!
Nhưng, bà vợ sợ «hỏng mắt» nhất định giữ kính cả ngày trên mắt, để mà buồn rầu, để mà lo ngại, để mà tư lự. Đến nỗi tham Minh phải bảo vợ đi chơi xa cho khuây khỏa, đi lại chơi bời ở các nhà chị em mà ngày xưa anh chàng không thích cho vợ đi lại, chơi bời. 
Rồi, có một hôm, người thiếu phụ ngồi nói chuyện với một người đàn ông rất có duyên. Thiếu phụ vô tình bỏ kính ra một lúc. Người đàn ông kia bỗng nhận thấy người mình tiếp chuyện có đôi mắt đẹp lạ lùng. Người ấy buột mồm khen, chăm chú nhìn đắm đuối. Thiếu phụ cúi đầu, má ửng hồng, khuôn mặt càng tăng thêm vẻ đẹp. Đã lâu người đàn bà ấy chưa được ai khen, đến nay, có người để ý đến mình thì cảm động. Từ đó, đối với người lạ kia, bà tham đã có cảm tình. Có lẽ để tỏ ra rằng mình biết ơn một kẻ đã hiểu cái giá trị của một đôi mắt đẹp. Hai người dần dà quyến luyến nhau, thường gặp nhau luôn và chẳng mấy chốc yêu nhau.
Một buổi chiều, sau khi phạm tội «lừa chồng» ở chỗ hẹn thường ngày với tình nhân, người đàn bà ấy trở về nhà hơi muộn, trong lòng lo lắng, đã sắp sẵn câu nói dối thường lệ mỗi lần. Nhưng sực nhớ đến đôi kính đen, người đàn bà ấy vội đeo lên mặt.
Người chồng đáng thương kia chẳng bao giờ biết vợ có ngoại tình, vì anh chàng «đọc» làm sao được những vẻ bối rối, ngượng ngùng, nhận làm sao được sự phản trắc, lọc lừa trong mắt một người vợ khôn ngoan đeo kính râm đen?

HẾT


Xem Tiếp: ----