3 - Tặng Lan
(Gửi cho một bà thường giục viết luôn)

     à Khanh,
Xin thú thực với bà, lúc nhận được thư bà, tôi chưa tìm được đầu đề gì mới để viết cả. Hình như tôi lười viết lắm thì phải, năm thì mười họa mới «đẻ» ra được một bài. Ông chủ báo cũng nghĩ như vậy, bà cũng nghĩ như vậy, mà chắc các bạn đọc ở chốn xa xôi thường thư từ thăm hỏi, thường luôn luôn nhắc nhở, cũng nghĩ «oan» cho tôi như vậy. Nhưng kỳ thật tôi vẫn viết luôn đấy, thưa bà – à quên! Tôi vẫn bắt tội khối óc tôi làm việc luôn, nghĩ luôn, nghĩ luôn để viết, để viết...
«Ông viết luôn đi! Kẻo chúng tôi mong...» Cái câu ác nghiệt này, lúc nào tôi cũng nghe văng vẳng bên tai. Lúc thì nũng nịu, thiết tha, năn nỉ như giọng một cô khuê các trách thầm, trong lúc vẩn vơ buồn bên trướng gấm, đệm nhung, ngồi nhàn rỗi, muốn tìm một nhà văn quen sống những mộng lòng. Lúc thì tôi nghe nó nghiêm khắc, giận giỗi như giọng một ông giáo già, hồi còn nhỏ, mắng, khuyên tôi những khi tôi chẳng thuộc bài:
- Anh viết luôn đi! Kẻo đời sẽ quên anh! 
«Đời sẽ quên anh!» Các nhà văn sở dĩ phải ngày đêm loay hoay với ngọn bút, phải ngày đêm rút ruột tô điểm tờ giấy trắng, như con tầm kéo tơ, cũng chỉ vì cái câu thảm thiết ấy.
Bà đã được trông thấy những bộ mặt buồn rầu, xanh xao, thất vọng của những nhà văn «bị đời quên» chưa? Bà đã được trông thấy họ thất thểu một buổi chiều hôm Hà Nội mới sáng đèn, thấy họ lê bước đến bên những hàng sách, tẩn mẩn đọc từ cái tên sách đến tên những tác giả hiện thời, một cách căm hờn, ghen tức chưa? Bà đã trông thấy họ, mắt long lanh đầy hy vọng, đi về những cái gác trọ chật hẹp, ẩm mốc, gió lùa tiết rét, nắng nấu mùa hè, tự an ủi, tự dỗ dành, cặm cụi trên bàn viết, nhưng viết không ra, nghĩ không được, mà vẫn chờ, vẫn cố sức chờ những ngày vinh quang rực rỡ không bao giờ có?
Bà đã được đọc những nét già sớm trên khuôn mặt trẻ trung, bơ phờ, bạc phếch của họ dưới ánh đèn lúc đêm khuya họ lần giở những tập văn cũ đã nát nhầu vì năng xem tới, để ôn lại những sự vui sướng thoáng qua ở đời dĩ vãng: trong khi có một thành phố rộn rịp, vui chơi, ồn ào, bồng bột, không có lấy một người nhắc đến cái tên của họ?
Vì cái công chúng bây giờ quá quắt lắm, thưa bà. «Họ chỉ biết, họ chỉ nhớ đến tên người viết bởi cái tác phẩm cuối cùng.» 
Đừng nói đến những công trình – tuyệt bút mặc dầu – đã viết rồi, đã xem qua, vô ích! Không ai còn nhớ nữa. Vậy cho nên, cái tên mình hôm nay có trên mặt một tờ báo, muốn cho đời nhớ đến, ngày mai cũng phải có. Sống ở đời để truyện ngắn, truyện dài với công chúng, muốn cho công chúng «để ý» đến mình, thì hết tuần này qua tuần khác, phải làm cho họ «nghiện» mình, «say» mình như say, nghiện thuốc, theo đuổi mình như theo đuổi tình nhân, mong mỏi mình như mong mỏi người bạn quý, nhắc nhở mình như nhắc nhở một kẻ thân yêu đi xa vắng lâu ngày. Mà tìm đến được với cái vẻ vang, hân hạnh ấy, nào phải đâu chuyện dễ. 
Người viết đã tốn bao nhiêu tâm trí, đã rắc rải trong đời biết bao tinh hoa, tư tưởng, đẹp đẽ, cao siêu, cay đắng, ngậm ngùi, vui buồn, đau, khổ.
Nỗi lòng của nhà tiểu thuyết thực ông Tchékou – một nhà viết tiểu thuyết Nga – đã tả đúng trong những lời này.
«Hết ngày đến đêm, tôi cứ bị một tư tưởng theo riết với mình: Phải viết! Phải viết! Phải viết mới được. Tôi vừa xong cái đon thiên này thì đã phải viết qua cái khác. Tôi không hiểu tại sao, nhưng tôi cứ việc không ngừng như một người phu trạm đi thư, mà tôi không biết làm thế nào khác được. Như thế thì có gì là cao thượng đâu? Tôi xin hỏi các ông đấy! Này tôi đứng trước mặt các ông, tôi bứt rứt, bối rối, và lúc nào cũng nhớ rằng có một bộ tiểu thuyết bỏ dở còn đợi tôi. Tôi rình các ông, tôi rình cả tôi nữa, rình từng tiếng, từng câu, rồi lật đật ghi chép lấy những tiếng, những câu đó, vì thảng hoặc cũng có ngày dùng đến chăng? Khi đã làm việc rồi, đáng lẽ phải nghỉ, phải quên nhưng, trong óc sao vẫn như có một cái ống gang lăn tròn, một cái đầu đề mới, và tôi cảm thấy bị lôi kéo tới văn phòng.
Tôi phải lật đật viết hoài như vậy mà không bao giờ được nghỉ cả, do cái lỗi của tôi. Tôi cảm như tôi giết hại cái đời của tôi và, vì những người xa lạ trong không gian, tôi đã ăn nhụy của những bông hoa đẹp nhất của tôi, tôi đã ngạt chúng nó và chà đạp lên gốc của chúng nó (1).
(1) Bản dịch của Thiếu Sơn trong bài «Nhà viết tiểu thuyết».
Vậy thì, bà Khanh, mỗi khi bà cùng các bạn ngói xúm xít với nhau trước những chén trà thơm ngát, trước những thỏi kẹo ngọt, giòn, giữa một phòng khách êm đềm đầy tiếng cười xuân, và tiếng dương cầm thanh thót, nếu bà và các bạn, tùy lúc cao hứng có nhắc đến tên một văn sĩ quen quen mà lâu ngày vắng tên trên mặt báo, các bà nên nhớ cho rằng, cũng đồng thời, cái người mà các bà vừa nhắc đó, «trong đầu đang có một cái ống gang lăn...», cái con người khốn nạn đó đang bóp óc tìm một cái đầu đề mới, đang vỡ nát, đang ăn nhụy những bông hoa đẹp nhất của đời mình. Rồi những lúc đêm khuya chưa ngủ được, ngả tấm lưng mềm mại một cách mỏi mệt trên những chiếc đệm sa tanh êm ái sực mùi nước hoa, đắt giá, tình cờ các bà độc đến một trang tiểu thuyết mà con Sen xinh xắn của các bà chểnh mảng để ở đầu giường, các bà bỗng thấy cõi lòng, rung động, thổn thức, thiết tha vì người trong chuyện. Những lúc ấy, các bà nên nhớ cho rằng, những hàng chữ vừa qua mắt các bà, những câu văn, những nhân vật mà tác giả vừa phô bày ra đây chính là những «giọt mật», chính là những «giọt máu» còn hôi hổi nóng, chứa đầy sinh khí của văn nhân.
Xin lỗi bà, từ nãy đến giờ tôi chỉ nói đến nỗi khổ của «con nhà văn» mà quên lững ngay rằng mình đương kiếm đầu đề để viết.
Viết? Thưa bà, hai tuần nay, tôi viết được hai dòng, hai câu... thơ cổ, mà lúc ngồi vào bàn, cầm đến cán bút, tôi sực nhớ đến, tôi viết luôn vào đầu trang giấy trắng, rồi ngâm se sẽ một mình. Rồi tôi lại xóa đi, tô mực vào hai câu thơ cổ ấy cho đến đen sì không còn ai đọc được nữa. Một ngày qua, một đêm qua, lại một ngày nữa: cái đầu đề mới vẫn chưa chịu ra cho, đến mãi bây giờ, nhận được thư bà, tôi càng đâm cuống. Vậy mà hình như quanh mình tôi, tôi cảm thấy biết bao nhiêu đầu đề đáng viết, có thể viết được, đang chờ đợi. Tôi tưởng tôi có thể hạ bút ngay mà kéo dài được một chập tám, chín, mười trang. Nhưng sao tôi vẫn còn do dự? Tiếng bánh xe lăn ngoài phố, tiếng một đứa trẻ rao hàng trong đêm khuya trời rét, tiếng thì thầm của thành phố, tiếng gió động cỏ hoa trong vườn cảnh, ngoài hiên... những hạt mưa rơi trên cửa kính... Hình như trong mỗi một điệu nghe thấy, có sẵn sàng một cái đầu đề, thế mà không sao viết được. Tôi mặc áo, đóng của phòng, đi lang thang ngoài phố vắng. Tôi gặp một người bạn kéo anh ta vào một nhà khiêu vũ để mong tìm «yên sĩ». Trên những bộ mặt ăn chơi đàng điếm, trên những nét lo âu, già sớm, phôi pha của gái ban đêm mỏi mệt, trong một điệu kèn yếu đuối, lẳng lơ, trong những cốc rượu mùi đầy bụi, trong làn khói thuốc nồng nàn, trên những lá chết nằm rải rác trên hè vắng... tôi mong tìm ra, nghĩ ra một chuyện gì, một chuyện gì...
Tôi vẫn chưa tìm ra được chuyện gì «hay ho» để viết cả. Tại sao? Ừ, tại sao trong những cái vừa kể ấy, tôi không «lọc» ra được cái cốt truyện gì để mà phóng bút? Chỉ tại, thưa bà, chỉ tại những sự thực ở đời, nếu đem mà tả, vẽ ra trên mặt giấy nhiều khi lạt lẽo, chẳng có nghĩa lý gì. Có những cảnh đời rất thương tâm, rất éo le, điêu đứng, mà nếu ta cứ sự thực phô bày ra, công chúng chẳng mảy may cảm động. Cho nên công việc nhà viết truyện là phải thêm, bớt, như anh đầu bếp làm các món ăn, tô điểm, đổi thay những bức họa của thiên nhiên như anh thợ vẽ. 
Tôi có một người bạn, – anh Văn – đã qua đời, thường nói một cậu rất ý vị: «Chỉ những người tâm hồn cao thượng mới nghĩ viết ra được những truyện tầm thường». Vì vậy nên mỗi lần cầm đến bút định viết một truyện gì là tôi nghĩ ngay đến câu nói của anh Văn, rồi trong lòng sinh ra do dự, đắn đo trước một cái đầu đề vừa tìm ra được, không dám hạ bút viết ngay. Anh Văn là một người rất khó tính. Những tiểu thuyết đăng trên các báo thường ngày không mấy khi làm cho anh vừa ý, tuy cả đời anh chưa viết nên một truyện gì hay. Nhưng hình như anh vẫn tự nhận mình là một «tiểu thuyết gia» thì phải. Lúc nào tôi gặp Văn là cũng thấy anh khoe nay mai sắp cho in một cuốn tiểu thuyết làm náo động làng văn trong nước. Thế rồi anh dắt tôi vào các tiệm hút ẩm thấp, tối om, của các ngõ hẻm Hà Thành để đi tìm «tứ». Anh bắt tôi đi suốt đêm dưới mưa bay, ngoài đường gió rét để «sống» những cảnh cơ hàn của một thiếu niên vai chính, người trong «truyện của anh». Anh đưa tôi vào thư viện của thành phố, tìm tòi, lục lạo những pho sách cổ để tìm tài liệu. Có lúc đang ngồi nói chuyện vui, anh bỗng mơ màng như người mê ngủ, nhìn làn khói thuốc vẩn vơ, anh vội lấy bút máy ghi chép những ý tưởng mà anh bảo «nó vừa chạy qua đầu».
Thế rồi, hết sáu tháng đến một năm «tác phẩm» của anh vẫn nằm trong óc; hỏi anh, anh vẫn khất lần.
Một ngày kia, anh bỏ Hà Nội về nghỉ ở nhà quê anh. Anh nói với tôi: «Để viết cho tĩnh mịch», nhưng tôi thì tôi hiểu: «Để chết cho yên lặng». Vì đã lâu anh mắc bệnh lao. Có lẽ lúc ấy đã đến thời kỳ trầm trọng. 
Một buổi sáng, tôi nhận được một bức thư có mấy dòng vắn tắt của Văn: 
«Thôi, chào anh lần cuối cùng. Lúc anh được thư có lẽ tôi đã đi rồi. Anh về quê tôi, mở ngăn kéo ở bàn giấy sẽ tìm thấy bản thảo cuốn tiểu thuyết Ngày xanh tôi đã viết xong. Nhờ anh giao lại cho Lan, người yêu của tôi, anh đã biết. Cám ơn anh và chúc anh ở lại vui vẻ luôn. Bạn anh, Văn.»
Tôi về đưa đám Văn cùng mấy người bạn thân của anh. Lúc từ giã bạn ở lại giữa một cánh đồng cỏ xanh, lạnh lẽo để về, thì tôi sực nhớ ra lời dặn trước.
Tôi bước vào phòng sách của Văn lúc đó về một buổi chiều gần sẩm tối. Bàn viết của anh trông ra một góc vườn thanh tĩnh, cây, lá, rườm rà. Tủ sách của anh kê gần đấy đựng đầy sách quý. Trên bàn, cán bút còn để trong lọ mực, hình như chủ nhân là một nhà đại văn hào, vừa bỏ đấy để ra đi bách bộ ngoài vườn. Chiếc ảnh xinh tươi của anh ở một góc bàn nhìn tôi cười nụ. Tôi tưởng chừng hồn Văn còn lẩn quất đâu đây.
Tôi mở ngăn kéo lấy ra một tập giấy dầy đóng thành sách, ngoài bìa đề hai chữ Ngay xanh. Đây rồi! Chính bản thảo của cuốn tiểu thuyết mà Văn đã tốn bao nhiêu tâm lực mới viết nên. Tôi lật bìa nhìn trang sau, thấy mấy giòng chữ nhỏ:
«Tặng Lan, người yêu quý của anh
Tôi cảm động từ từ lật thêm trang nữa, rồi một trang nữa, ô hay! Sao lại giấy trắng? Một trang nữa cũng vẫn thế, vẫn giấy trắng! Không có một chữ gì, cho đến kỳ cùng!
Tôi ngạc nhiên hết sức, không ngờ anh Văn chưa viết thêm được chữ nào. Thì ra Văn chết mà chưa toại chí, cái công trình mà anh định đem hiến cho đời, trong cả một đời người, anh lại đem đi. 
Vâng theo lời người đã khuất, tôi trân trọng bọc cuốn sách có tên mà «không ruột» kia vào một tờ báo, rồi tìm đến nhà Lan, người yêu quý của Văn.
Thoạt đầu, Lan cũng làm như tôi, nhìn cái tên sách ngoài bìa, lật qua, nhìn dòng chữ tặng có về ngậm ngùi, cảm động, lật mấy trang giấy trắng nữa ngạc nhiên, ngước mắt nhìn tôi. Rồi bỗng, bà Khanh! Lan bỗng trào nước mắt. Mà, đến lúc này, lúc nhìn người đàn bà bất hạnh, đáng thương kia khóc rấm rứt trước cuốn sách đề tặng của người yêu quý nhất đời đã khuất, trước một cái thai chưa thành hình nhưng đã đầy đủ lắm rồi! Lúc này tôi mới thấu rõ cái thâm ý của Văn: Lan đã cảm hết nỗi ái ân kín đáo của một quả tim chân thành, nồng nàn, đầm thắm.
Văn muốn đem tác phẩm thứ nhất của đời mình tặng người yêu dấu, nhưng Văn chưa viết được thì đã bị bàn tay độc địa của Tử thần...
Bà Khanh! Tôi cũng muốn được như Văn – nhà văn sĩ vô danh mà tốt số ấy – suốt đời chỉ viết có mỗi một câu mà chỉ một người hiểu thấu, một câu gồm biết bao ý nghĩa, một câu mà đầy đủ bằng cả một pho ái tình tiểu thuyết rất cảm động, rất sâu xa, một câu:
«Tặng Lan, người yêu quý của anh
Nhưng... thưa bà, hình như tôi đã tìm ra đầu đề để viết rồi đấy... mà tôi cũng đã viết rồi, mà bà cũng đã đọc rồi..., mà cái đầu đề ấy vẫn là hai chữ: «Tặng Lan...»
Người bạn rất thành thực của bà,
  Kính bút