6 - Chiếc áo bạc màu

     ác bạn trong nghề cầm bút! Cũng như tôi hẳn các bạn đã từng gặp con người ấy và chỉ có các bạn mới nhận được ra con người ấy: Con người ấy hay là «chiếc áo bạc màu». 
Một buổi sáng mai, giữa cảnh rộn rịp, tấp nập của Hà thành vừa mở mắt, giữa những kẻ bán hàng quà rong quảy gánh đi trên các bờ hè thành phố, giữa tụi thợ thuyền vui vẻ, nói cười ầm ĩ, đi làm trong các xưởng máy, giữa những chiếc xe nhà «trưởng giả» kéo những xác thịt uể oải, mỏi mệt của mấy thầy «cạo giấy» vì một đêm tiêu pha sức lực trong các «hộp» ban đêm, trong các xóm ăn chơi, giữa tiếng hát véo von, tiếng cười trong trẻo của những cậu học trò nhỏ, tay ôm sách, mắt long lanh, nhảy nhót trên đường như con chim buổi sáng, có một người ra dáng vội vàng, hấp tấp lắm, rẽ cái đám đông người ấy, bước những bước thực dài, lúc nào trên tay cũng có một vài tờ báo, một cái bìa sách cứng, đựng một tập giấy dầy. Thoạt trông thì ai cũng tưởng đó là một người «bận việc» nhất đời, nhưng hởi các bạn đọc, đáng buồn thay! Đó là một người «nhàn rỗi» nhất đời. Giá có ai chịu khó theo dò anh ta từng bước, hôm nào cũng vậy, người ta sẽ thấy anh ta đi vội vàng thế nhưng rồi chỉ để đến những nơi vắng vẻ nhất trong thành phố: Chùa Ngọc Sơn, dọc bờ sông, vườn Bách Thảo. Người đó tìm một góc yên lặng có bóng râm mát mẻ hay một chiếc ghế bỏ không, đặt đít ngồi, giở báo xem qua một vài tin vặt, gập cẩn thận lại để trên đùi, đưa mắt nhìn ra xa như ngẫm nghĩ một sự gì quan trọng, rồi lấy cuốn sổ tay trong túi áo ghi chép một vài hàng chữ hay viết những con số lên mặt giấy rồi lẩm nhẩm tính, cộng, trừ.
Buổi chiều, gần lúc Hà Nội sáng đèn, người ta lại thấy người đó vội vàng rảo bước trong những phố đông cũng như những người đã làm tròn phận sự trong một ngày, chiều đến, rảo bước đi về những chốn gia đình thân mật mà bao kẻ chờ mong, âu yếm.
Nhưng đó là một kẻ không gia đình, không thân thích, sống giữa Hà Nội một mình để phấn đấu một mình, sống trên những gác trọ đông đúc, chật hẹp, rẻ tiền thuê trong những phố có nước đọng bên hè, có gái giang hồ, có muỗi, rệp, chuột cống ban đêm, có những sự nhơ bẩn không ai ngờ được, những phố quanh co, lẩn khuất không bao giờ kẻ giàu sang biết tới hay đi qua. Đó là một kẻ thường ngày có những «ý tưởng đen» trong óc thường ngày bị bà chủ nhà dằn vặt về tiền trọ, tiền cơm. Đó là kẻ sống với những «ngày mai» đầy ước hẹn, sống với những hy vọng hão huyền mà tự mình cũng biết là hảo huyền nhưng mình vẫn tự dối mình.
Người ta có thể gặp anh ta lúc đêm khuya trong các tiệm hút «bí mật», tối như hũ nút, bên một ngọn đèn dầu lạc lờ mờ, bên cạnh ba bốn cái mặt khác cũng hốc hác như anh ta - những bạn cùng cảnh, cùng chung những cái mộng hão huyền - người ta có thể gặp anh ta trong những tiệm ăn của mấy chú chệt mặt quần đùi, phơi bụng ỏng, bên cạnh những chiếc bàn ăn lầy nhầy những mỡ, anh ta ăn vội vàng một bát phở, rồi bẽn lẽn để một năm xu cuối cùng của anh ta lên bàn tính, rồi đi, cắm đầu đi như một kẻ gian.
Đó là một người mà ta trông quen mắt nhưng mà ta chẳng biết tên – Hà Nội có biết bao nhiêu cái mặt mà ta chỉ «quen quen» chứ không hề «quen biết» - giữa đám đông, người ta đã nhận được ra ta ngay vì chiếc áo của anh ta. Một chiếc áo tuy còn tươm, nhưng có vẻ mỏi mệt, rầu rĩ lạ thường, nhất là những bữa trời mưa, chiếc áo ấy kể lể với ta biết bao điều cay đắng. «Cái áo tức là con người.» Các bạn có bao giờ để ý đến chỗ đầu vai, đến chỗ khuỷu tay, đến chỗ «ve» (revers) áo sờn, phai vì mưa nắng? Đó là những nét tang thương tố cáo cuộc đời thiếu thốn. Đó là cả một cuốn tiểu thuyết, cả một bài thơ não nùng đầy ý nghĩa về đời người. Nếu người ta muốn biết một người nhàn hạ hay gian truân, phong lưu hay vất vả, sung sướng hay «ba đào», hãy hỏi thăm chiếc áo. 
Người ấy hễ gặp ta ăn mặc sang trọng, tinh tươm thì lảng tránh, nhưng, có lúc bất thình lình ở một đầu phố ló mặt ra, mũi chạm mũi, không thể nào tránh được ta, thì người ấy bối rối, lúng túng, vụng về giơ tay ra bắt tay ta, bóp thật chặt rồi bắt đầu nói, nói trước ta, nói thực nhanh, như để cho ta đừng để ý đến «cái áo bạc màu». Giọng nói của anh ta vui vẻ, tự nhiên nhưng ta đã thừa biết là chẳng vui vẻ thực tình... Anh ta vẫn như thường, còn anh? Công việc của anh ta «khá» lắm, «chạy» lắm... Chỉ nay mai là «báo sẽ ra...» Số đầu «kính cáo quốc dân», «nay mai» sẽ in hai vạn phát không... Có những cán bút nổi danh trong xứ giúp... có nhiều quảng cáo của các nhà buôn lớn rao hàng... công việc đương tiến hành... có nữ sĩ Văn Hoa giúp mục văn thơ và «nữ giới»... phen này rồi anh xem tụi Trường Siêu, Hải Liệt, Song Sơn bên báo «Thế Giới...» liệu hồn «thằng Văn Quấy» hay xỏ ngọt «chửi càn...» Càng nói, mặt anh ta càng đỏ lên, mắt anh ta sáng quắc, anh ta ưỡn ngực ra, sẽ đập lên vai ta mà bảo ta một cách che chở, thân tình:
- Anh nhớ nha! Nhớ giúp «đệ» về truyện ngắn, truyện dài... Cứ viết sẵn đi... Thế nào báo cũng ra...  «Đệ» còn chờ thằng Lê Mèng, con lão nghị Cân bỏ ra năm trăm bạc... thằng cha hiếu danh lắm mà giầu như chết!
Người đó bắt tay ta thật chặt một lần nữa, cười xòa, nháy ta một cái ra ý: «Chúng mình đã hiểu nhau... ở đời phải «xoay xở» thế!». 
Bây giờ các bạn đã hiểu tại sao thỉnh thoảng ta vẫn thấy những tên báo «sắp ra đời» được quảng cáo, được nói đến, được người ta chú ý đến trong một ngày, trong một tuần, rồi bỗng im lặng không còn ai nhớ đến, không còn ai nhắc đến, không còn ai thấy «ra đời» nữa? Đó là vì năm trăm bạc tưởng tượng của anh chàng văn sĩ không xu kia vẫn nằm im trong kết sắc nhà «nghị Cân», thằng «Lê Mèng» hiếu danh kia vẫn miệt mài trong các xóm cô đầu mà không một phút nào để ý đến cái anh chàng ngày hai buổi lên vườn Bách thảo thăm bú rù và tính toán những tiền chi tiêu ở «nhà in», ở «tòa soạn», tiền quảng cáo không bao giờ thu được của những hàng «thuốc phong tình», của những nhà buôn lớn.
Thế nhưng, ngày nào ta chẳng gặp những anh chàng đó lang thang trong các phố, ở ngoại ô, trong các công viên, tối nào ta chẳng thấy họ đi tìm «thú ả phiền» trong các tiệm. Dưới ánh sáng lờ mờ của một ngọn đèn dầu lạc đặt trong khay thuốc, ho rút bút chì xếp đặt sẵn những «mục», những ý kiến hay cho cái tờ báo vô hình không bao giờ xuất bản... cho đến đêm khuya họ mỏi mệt trở về những cái phòng trọ chật hẹp, tối tăm, những phố đầy chuột cống, đầy muỗi, đầy mùi hôi hám, đầy gái giang hồ nhỡn nhơ đón khách, để nghỉ ngơi cho đến «ngày mai...».
Các bạn trong nghề cầm bút! Đã có đêm nào các bạn như tôi tự nhiên thấy thao thức trong lòng không ngủ được, mội mối buồn không cội rễ tự nhiên đến tràn lan cả tâm hồn. Ta băn khoăn tự hỏi: 
- Tại sao?
Rồi bỗng đột nhiên ta sực nhớ ra: 
- Chiều nay ta vừa gặp con người ấy!
Trong đêm tối, hình ảnh một người mặt xanh, má hóp, đôi mắt nhiều khi long lanh sáng quắc lên vì một tia hi vọng vừa thoáng qua đầu, bỗng hiện ra trước mặt ta, hình ảnh của tất cả những kẻ sống trong sự chờ mong một sự lạ lùng không bao giờ đến để thay đổi cuộc đời bấp bênh, vô định. Cái hình ảnh ấy dần dần mờ lạt trong đêm sâu, để nhường chỗ cho một cái hình ảnh khác, hình ảnh một chiếc áo bạc màu phủ trên tấm lưng hơi còng của những kẻ ốm mòn, tiều tụy, buồn rầu, mỏi mệt vì phấn đấu, vì đợi chờ, vì hy vọng...