---~~~mucluc~~~---


- 5 -
NGƯỜI MẸ

     ang đến giai đoạn này, người phụ nữ được coi như đã đi gần hết nửa quãng đường dài. Mọi vui buồn sướng khổ, mọi nhẫn nhục cay đắng trong bổn phận làm dâu, làm vợ hầu như đã được đúc kết để tạo căn bản trước khi đi đến vai trò của người mẹ. Một trách nhiệm nặng nề nhưng vô cùng thiêng liêng cao cả mà trong thế giới không một người vợ nào lại không mơ ước được đón nhận.
Thật vậy, niềm ước muốn đầu tiên khi vừa làm vợ là sẽ được làm mẹ. Dù cuộc sống vợ chồng có hạnh phúc hay không, đứa con vẫn được kết tụ bằng tình yêu bao la vô bờ bến của người mẹ. Từ khi con chỉ là vệt máu đỏ hỏn cho đến khi bị ói mửa, bỏ ăn uống vì thai nghén, rồi khi con máy đạp nhè nhẹ trong bụng tạo những nụ cười trìu mến trong khuôn mặt xanh xao và đôi mắt mệt mỏi. Sự yêu thương theo ngày tháng tăng dần. Từng miếng ăn thức uống đưa vào miệng người mẹ đều nghĩ đó là chất bổ dưỡng cho con mình, mọi vui buồn cũng theo đó ảnh hưởng đến đứa trẻ nên những tháng ngày cưu mang là thời gian người mẹ sống hoàn toàn cho con. Khi bụng đã lớn và bước đi đã nặng nề ì ạch là lúc người mẹ lo chuẩn bị quần áo, mũ, vớ, gối mền, tã nôi với những cái màn chụp nho nhỏ xinh xinh cũng được hoàn tất trước ngày sanh nở. Khi bắt đầu chuyển bụng đau là lúc sắp sửa tách lìa một thân thể thành hai để cho con mình ra đời tiếp nhận một hơi thở và một sự sống riêng biệt thì người mẹ phải chịu đau đớn cùng cực. Không có cái đau nào có thể so sánh với cái đau bụng đẻ. Cũng không có máu huyết nào đổ ra nhiều mà không làm tổn hại đến con người. Người đàn bà chân yếu tay mền không nghị lực, không sức khoẻ vẫn phải chấp nhận đau đớn một mình để rồi khi đứa con vừa mới thò đầu thấy được ánh sáng đầu tiên thì người mẹ đã thiếp đi vì kiệt lực.
Đa số người cha đều được chứng kiến cảnh rên la đau cùng cực như chết đi sống lại của vợ mình nhưng chỉ làm cho họ tăng thêm tình yêu chứ không giảm bớt cái đau đớn lúc đang banh da xé thịt. Người đàn bà quá nhiều thiệt thòi nhưng những sự thiệt thòi đó lại được coi như một chấp nhận vì nó đã được bọc tròn bằng tất cả yêu thương mãnh liệt. Lòng người đàn bà đầy ắp những tình cảm êm đềm nên chỉ biết cho đi và dâng hiến. Mọi yêu thương dành cho chồng trước kia, giờ bỗng dưng xan xẻ bớt cho con nên có lắm người cha đã ghen cả với con của mình.
Những ngày còn tấm bé, còn nằm trong bọc tã, còn được mút từng giọt sữa ngọt ấm trong bầu chứa mềm mại là lúc người mẹ vẫn phải ăn uống kiêng khem, một tiếng ho cũng làm mẹ đau thót ruột gan. Rồi những lúc trái gió trở trời, những lúc con sổ mũi nóng lạnh là lúc người mẹ cũng như đang lên cơn sốt. Nuôi con, chăm dẵm từng giờ từng phút nhưng có người mẹ nào nề hà hoặc than trách? Chính vì vậy người ta đã ca ngợi, nói lên tâm tình người mẹ qua những bài thơ, bài hát: "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình..." (Lòng Mẹ; Y Vân) tình người mẹ hiền như được cả nhân loại chấp nhận và ca tụng. Kẻ trộm cắp giết người còn biết yêu kính mẹ mình huống chi nói đến nnững người con hiếu thảo. Mẹ còn sống giờ nào là mình còn có phước ngày nấy. Phước vì có thời gian để đáp trả chữ hiếu dù rằng cũng có một số người eo hẹp tiền bạc cũng như tình cảm: "Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày."
Khi con đến tuổi khôn lớn, học đường là nơi đào tạo cho chúng thành người, nhưng căn bản đạo đức và giáo dục vẫn tùy thuộc vào gia đình nhất là người mẹ. Gái hưởng phúc cha trai hưởng phúc mẹ. Lời nói hành động tư tưởng cũng như cách giao tiếp xử thế của người mẹ đều tác dụng thật mạnh mẽ vào đầu óc non dại của con cái. Mỗi khi gặp chuyện không hay xảy ra người ta chỉ nhìn vào người mẹ mà trách cứ; "con hư tại mẹ, cháu hư tại bà," và còn hơn nữa: "Phúc đức tại mẫu."
Nhưng chẳng ai lạ gì: "Cha mẹ sinh người, trời sinh tính." Mỗi đứa con mang một tính nết riêng, nhiều đứa ngoan ngoãn dậy bảo dễ dàng nhưng cũng có đứa lại cảm thấy bực bội khó chịu với những lời khuyên răn ấy để tạo thành sự bất mãn rồi bỏ nhà đi hoang thâu thập những thói hư tật xấu mà điều xấu xa lại là những điều dễ tiếp nhận và thực hành mau nhất.
Nhiều gia đình hiền lành đạo đức nhưng vì người mẹ quá nuông chiều con cái nên đã để chúng tự do buông thả đi đến chỗ hút sách nghiện ngập cướp của giết người. Thật khó mà lường vì đôi khi "Cây ngọt sinh trái đắng."
Trong gia đình người cha cứng rắn bao nhiêu thì người mẹ lại mềm yếu và dễ buông xuôi bấy nhiêu. Mọi sự xảy ra cho con cái, người mẹ chỉ biết lấy nước mắt mà an ủi để rồi chấp nhận "Chúa định sự khó."
Lòng người mẹ hiền thương con được ví như nước trong nguồn chảy mãi không bao giờ ngừng. Từ lúc còn trong trứng nước cho đến khi trưởng thành và lập gia thất, trách nhiệm và tình thương không phải chỉ tới đó là hết. Với tuổi đời còn lại người mẹ hầu như coi hạnh phúc của con chính như của mình. Sự bất hạnh xảy ra cho chúng như xảy ra cho chính mình. Nước mắt chảy xuôi chứ có bao giờ chảy ngược. Chỉ khi nào nhắm mắt hai tay buông xuôi thì tình thương và trách nhiệm mới phải nằm xuống theo.
TÂM  TÌNH  NGƯỜI  PHỤ  NỮ  QUA  SỰ  GIÁO  DỤC  CON  CÁI
Một trong những trách nhiệm khó khăn nặng nề nhất của người mẹl là việc giáo dục con cái. Công việc này đòi hỏi sự hiểu biết, thông cảm, yêu thương và nhất là những tính chất dịu ngọt, mềm mỏng, thiết tha của người mẹ pha lẫn cứng rắnn, nghiêm khắc của người cha. Nhưng làm sao có thể dung hòa giữa hai trạng thái khác biệt trong cùng một cá tính.
Khó có người cha nào đạt được cả hai yếu tố vừa mềm mỏng vừa cứng rắn, thêm vào công việc làm ăn cho cuộc sống đã choán hết thời giờ nên việc săn sóc dạy dỗ con cái lại phải giao phó cho người mẹ. Một trách nhiệm không những nặng gánh cho mỗi gia đình nói riêng và cho cả xã hội nói chung.
Từ khi còn nhỏ, tánh tình đứa trẻ đã chịu ảnh hưởng ít nhiều do cuộc sống của cha mẹ. Một gia đình êm ấm, hạnh phúc, một người cha gương mẫu và người mẹ đảm đang nết hạnh có tác dụng thật lớn lao cho đời đứa trẻ. Đó là nền móng căn bản tạo cho tâm hồn non nớt yếu đưối trở nên lành mạnh vui tươi, biết yêu thương và tha thứ như một thứ phân bón tươi tốt cho thân cây.
Trồng cây chỉ 10 năm nhưng trồng người có khi đến cả thế hệ. Cây giống tốt, lớn khỏe nhờ khi trồng đã lực chọn đất đai phong thổ, còn phải phân bón vun tưới hàng ngày huống gì con người. Dù cho đứa trẻ được sinh trưởng trong một gia đình tốt đẹp lễ giáo mà thiếu sự dạy dỗ uốn nắn hoặc vì cha mẹ quá nuông chiều sẽ biến cho con mình dễ đến gần sự hư hỏng "Thương con cho roi cho vọt." Cây không vun tưới, cây sẽ chết, trẻ nhỏ thiếu nền giáo dục sẽ trở thành vô dụng hoặc gây nguy hiểm cho những người chung quanh. Vì thế trách nhiệm của người mẹ thật nặng nề.
Hàng ngày sống gần gũi con, người mẹ hiểu rõ từng tánh nết của mỗi đứa "Hiểu con không ai bằng mẹ." Nhưng "Cha mẹ sinh con trời sinh tính," mỗi đứa trẻ một tánh một ý, không đứa nào giống đứa nào. Gặp những gia đình mắn con, sanh năm một, tuổi tác và vóc dáng xuýt xoát thì cả ngày chúng chỉ trêu ghẹo cãi nhau chí chóe, đứa lớn bắt nạt đứa bé, đứa bé ương ngạnh khônng chịu thua cảng cổ cãi lại và nhà lúc nào cũng như cái chợ vỡ. Với đám con sàn sàn tuổi nhau, người mẹ không có sự chịu đựng, kiên nhẫn, ngọt nhạt và cứng rắn thì làm sao dậy bảo cho chúng phải biết kính trên nhường dưới, sống hòa thuận yêu thương nhau. Cả ngày hàng chục vụ kiện cáo, không luật sư biện hộ chỉ có mỗi bị cái và nguyên cáo lại bắt xử tại chỗ ngay tức khắc, dĩ nhiên người mẹ phải mang sự công bằng và cứng rắn ra phân giải, đe răn và điều cốt yếu vẫn là để chúng được vui vẻ mà hài lòng với những xét xử đó.
Lớn khôn hơn chút nữa, những vụ kiện cáo có tầm mức quan trọng hơn, đa số người mẹ hay bênh đứa nào siêng năng chăm chỉ và trách móc những đứa lười biếng ngay trước mặt cả nhà; chính vì thế mà nảy sinh ra sự bất mãn. Chúng bắt đầu ngấm ngầm chống đối bằng cách bất phục tùng, lì ra không thèm nghe; đứa ương bướng thì cãi lại, đứa hiền hơn lủi vào một xó khép kín tình thương để rồi cảm thấy lẻ loi cô độc với cảm tưởng bị bỏ rơi hoặc ghét bỏ. Do đó ngoài sự phân chia công việc, đối xử với con cái cho công bằng, người mẹ còn phải san xẻ tình thương yêu của mình cho các con thật đều để chúng không cảm thấy bị hất hủi, tủi thân.
Đa số người mẹ đã lấy tình thương của mình để dạy dỗ con cái. Tình thương bắt nguồn ở tận đáy lòng, trong huyết quản, trong dòng máu và từ lòng chân thành. Nhưng tình thương không chưa đủ, chính công việc hàng ngày và đức hạnh của người mẹ sẽ thấm dần vào trong tâm não chúng.
Một người mẹ không biết cơm nước bếp núc làm sao dạy cho con nấu được những món ăn tuyệt hảo, thay đổi từng bữa khác nhau cho ngon miệng. Nếu người mẹ không đủ nết na tiết hạnh sao có thể dạy cho con mình những phong tục lễ giáo, tránh cảnh đi sớm về khuya, tụ họp cờ bạc, đàng điếm, trai gái.
Tuy nhiên, đôi khi "Mẹ cóc đẻ con tiên, cha tướng cướp sinh con bậc tu hành. Nhưng ngược lại cũng có "Cây ngọt sinh trái đắng." Trái đắng kia làm sao ăn được mà người làm vườn tiếc công đã vun xới bao năm trời nên vẫn cố hái đem về, rốt cuộc đã nghĩ ra cách ngâm đường hoặc làm mứt. Như vậy trái đắng vẫn có thể làm cho ngọt và mảnh gỗ to lớn vẫn có thể đẽo gọt thành cái bàn hoặc tấm thớt thì không lẽ với con mình, từ núm ruột cắt ra lại lười công dạy dỗ để hư hỏng cả đời? Và cũng đâu ai thể ngờ rằng một cây cổ thụ sống ở rừng sâu cả 10 người ôm không hết thế mà cũng loại cây ấy người ta lấy về khi vừa nhú mầm, họ cắt tỉa trồng cấy thế nào mà suốt trong vài chục năm cây vẫn bé xíu bằng bàn tay nằm cao ngạo trong chiếc chén sành với tàng lá xòe xanh mướt để cạnh mặt tủ. Thú trồng cây mà còn phải tốn hao bằng đấy công phu nói chi đến việc uốn nắn những đứa con do chính mình tác tạo.
Để có một cái khuôn sẵn cho việc dạy dỗ con, người mẹ đã chuẩn bị cho chính mình từ lúc bắt đầu lập gia đình, tự vạch một tương lai nuôi nấng chu đáo. Muốn dạy con, người mẹ đã tự dạy mình trước, uốn nắn mình vào trong khuôn phép để làm gương, như cô giáo lớp một dạy bài học thuộc lòng, cô đọc trước trò đọc sau. Muốn cho con thương yêu, hòa thuận, giúp đỡ, lễ phép và hiếu thảo với cha mẹ, người mẹ đã phải làm tất cả những điều đó với chồng, họ hàng và tất cả bạn bè chung quanh.
Làm con dâu, làm vợ đã khó, giờ với vai trò làm mẹ còn vất vả khó nhọc gấp trăm ngàn lần. Và một trong những khó khăn nhất là làm sao có thể dung hòa khi hai tuổi tác, tư tưởng quá chênh lệch giữa con và mẹ? Dù thương yêu con cách mấy, dù có dễ dãi và thông cảm đến thế nào đi chăng nữa giữa mẹ và con bao giờ cũng có một khoảng cách vô hình. Người con có thể thố lộ tâm sự thầm kín, đau khổ, phẫn uất cho bạn bè chứ tuyệt nhiên không dám tỏ lời cùng mẹ vì sợ la mắng quở trách. Do đó để có đuợc sự thông cảm và hòa đồng này, người mẹ đã đối xử và tôn trọng con như chính bạn bè của mình, luôn sát cánh thân thiện để tìm hiểu, chỉ bảo. Người mẹ cũng không thể trao hết trách nhiệm cho học đường nên luôn luôn liên lạc với những người cố vấn, thầy cô, xem những tiến triển hoặc khuyết điểm, trở ngại để giúp nhà trường giải quyết. Nếu có đủ trình độ và thời giờ người mẹ cũng đã chỉ bảo thêm về bài vở, nhất là bên Mỹ, vấn đề sinh lý học được dạy quá sớm ở lứa tuổi non dại chưa biết gì, dễ gây những hậu quả tai hại vì lầm lẫn và tò mò nếu không có sự dìu dắt của người mẹ. Như thế, người mẹ đã nắm giữ và uốn nắn một phần tương lai của con cái mình.