---~~~mucluc~~~---


- 7 -
CÔNG VIỆC NỘI TRỢ

     rong gia đình, nói đến việc nấu nướng bếp núc là người ta nghĩ ngay đến người đàn bà. Thật vậy, trời sinh ra họ với tính chất nhanh nhẹn, bàn tay khéo léo, cái miệng vừa ăn nói khôn khéo lại kiêm thêm nêm nếm đồ ăn rất chính xác cộng với bộ óc phong phú thích sáng chế những món ăn mới lạ mà tự động đàn ông đã rút lui vô điều kiện để nhường chức vụ hỏa đầu quân cho đàn bà.
Công việc bếp núc cỏn con mà mang ra mổ xẻ thì có vẻ hơi khôi hài nhưng cứ thử giao cho các ông một vài ngày xem sao. Giá bảo họ bổ một đống củi cao ngất, đẩy máy cắt cỏ, cào lá, cuốc vườn cuốc đất thì họ vẫn không ngao ngán bằng bị đẩy vào bếp. Trước tiên họ sẽ không biết nấu cái gì, nhìn thịt gà ra thịt vịt, nhìn thịt bò ra thịt dê rồi gia vị bỏ lộn tùng phèo. Dao thớt bày ra hàng loạt cái nào cũng chê lụt để bào chữa những miếng thịt bị nhay đi nhay lại như chó gặm. Rau tươi ngon lành vào tay các ông chỉ vài phút sau đã bị cắt xén vo rửa dập dạp như gà mổ, đấy là chưa kể những tai nạn nghề nghiệp xảy ra như dao cắt trúng tay, phỏng, đôi khi còn cháy... cả nồi niêu soong chảo vì quá lửa. Giá có nằm ở cữ cũng chẳng yên thôi thì chờ lúc con ngủ bò ra làm cho xong tội chứ cứ nằm nghe chàng gọi em ơi hành tỏi nước mắm ở đâu thì cũng điếc tai bỏng cổ. Lắm khi vợ có việc phải đi vắng vài ngày lúc trở về nhìn cái bếp lại cứ ngỡ vào lộn nhà ai, con cái thì leo nheo lóc nhóc dơ bẩn đói khát cứ xớn xác như gà mất mẹ. Thê thảm là thế mà ít có ai cho rằng nấu nướng là quan trọng và cần thiết. Nhìn mâm cơm dọn ra đâu ai nghĩ đó là cả cả một nghệ thuật và công trình mà người vợ đã gói trọn yêu thương trong ấy. Ai mà chẳng cho rằng ăn uống là chuyện thường tình, là luật cung cầu, có ăn mới có sức mà làm. Nhưng hãy thử nhìn lại giữa một bữa cơm thanh đạm với không khí ấm cúng gia đình cái nào hơn? Chắc chắn người ta sẽ chọn bữa cơm gia đình vì ở đó gói tròn tình yêu thương, sự săn sóc chiều chuộng phát xuất từ tấm lòng chứ không phải đổi chác mua bán. Và nếu không có cái tình chắc chắn chẳng ai dám tán dương một bữa canh nấu bằng râu tôm và ruột bầu là hai loại vứt đi vì không còn một hương vị gì để phải tiếc nuối giữ lại. "Đầu tôm nấu với ruột bầu, Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon."
Đã nói đến cái tình cảm của người đàn bà qua việc nấu nướng mà không nói đến công việc hàng ngày của họ thì thật là một điều thiếu sót.
Trong nhà hàng, ngoài đầu bếp chính, vài bếp phụ còn có cả chục người giúp việc lặt vặt, kẻ xắt thịt, lặt rau, bóc tôm, quết thịt, người xắt hành giã tỏi, dọn chén dọn đũa. Tiếng dao băm, tiếng chày tiếng cối tiếng cười tiếng nói lẫn trong tiếng nước xả ào ào khi rửa chén kèm thêm mùi xào nấu xoáy vào khứu giác,  người nào nếu không có tính trầm tĩnh chịu đựng có lẽ cũng quýt job sớm sủa.
Công việc nhà hàng tuy vất vả nhưng người nào làm việc ấy không phải tính toán suy nghĩ nhiều, ngay đến đầu bếp chính là người hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc nấu nướng cũng chỉ đứng trỏ tay 5 ngón, sai bảo người khác làm theo ý mình và sắp xếp nêm nếm gia vị thứ nào ra thứ đấy sẵn sàng để khi khách tới là có ăn liền không phải chờ đợi quá lâu. Vì được phân chia nên công việc tuy nhiều nhưng vẫn thoải mái; còn trong gia đình tuy không mấy khó khăn nặng nhọc vì chỉ có vài miệng ăn nhưng đã làm là phải hàn bày, mà hàn bày là phải dọn dẹp cho nên chẳng những là bếp chính bếp phụ và còn kèm luôn bồi bàn, con sen đứa ở nữa.
Việc nấu nướng chiếm rất nhiều thời giờ trong ngày nhưng được cái vén khéo lại thêm tính chiều chuộng chồng con nên bữa cơm nào cũng xuất hiện những món ăn độc đáo lạ miệng. Từ món tây món tàu món ta đều được mang ra thực tập theo sách vở cũng như qua những kinh nghiệm của bè bạn. Thời gian đầu quả là trở ngại lớn lao vì mới tập nấu nên ăn vào chẳng giống ai, đổ đi thì tiếc, ép con ép chồng ăn cũng không đành lòng. Của một đồng nhưng công những một vạn thôi thì có bao nhiêu cũng ráng dồn vào bụng không nở bề ngang cũng dọc chiều dài. Nhưng nào đã xong, chỉ một món mà phải nấu đi nấu lại nhiều lần mới thành thạo nên khi cảm thấy hài lòng với nó là lúc bắt đầu biểu diễn không những cho gia đình mà còn mời một số bạn bè đến thưởng thức.
Nhà mỗi khi có khách thì công việc tăng lên gấp 3 gấp 4. Nội chuyện tính toán ăn gì cho lạ miệng, cho hợp khẩu, hợp thời tiết mà lại còn tính luôn xem khách lớn khác bé thích món gì nhất, là đã mất khá nhiều thời giờ. Sau màn lựa chọn món ăn tới màn đi chợ và cuối cùng là nấu. Nghe nói thì dễ dàng quá vì ai cũng nghĩ rằng chín là xong chứ có biết đâu nhiều món chỉ căn cho vừa chín tới cũng có món cần phải nấu cho mềm tơi mềm tả. Lại cũng có món nấu lửa riu riu và ngược lại có món chờ cho chảo nung đỏ mới đổ dầu ăn vào, lẽ dĩ nhiên lửa phừng lên bắt vào dầu cháy cao cũng là lúc đổ thịt vào và đảo nhanh tay. Mỗi món đòi hỏi một cách nấu nướng khác nhau do đó nồi niêu soong chảo cứ thay phiên trình làng và chất đầy trong chậu rửa chén. Sau hơn một giờ múa may quay cuồng trong khuôn viên nhà bếp, công việc thưa dần để bà bếp có đủ thời giờ dọn dẹp lại cho ngăn nắp đồng thời rửa hết đống nồi niêu lầy nhầy những mỡ. Nhà cửa cũng được hút bụi sạch sẽ và đốt nhang hay xịt thuốc thơm cho hết mùi nấu nướng. Nhiều người kỹ hơn, nấu dấm sôi trước khi xịt thuốc. Căn phòng bếp trong thoáng chốc đâu lại vào đấy nhất là bà bếp bây giờ đã là bà chủ nhà với con người thơm tho vì mới tắm, với bộ mặt vui vẻ hớn hở vì mới trang điểm lại. Bàn ăn, khăn trải, chén đũa, ly tách bày biện sang trọng và bữa ăn được pha lẫn với những mẫu chuyện nổ như pháo rang. Ai cũng cố ăn cho vui bụng chủ nhà dù rằng đã no hoặc dù biết rằng có nhiều món pha chế chưa được ngon bằng ở tiệm nhưng mọi người đều cảm nhận cái tình và lòng hiếu khách của chủ nhà qua bữa tiệc mời.
Dù vui và có kéo dài cách mấy thì tiệc cũng phải có lúc tàn. Khi người khách cuối cùng từ giã ra về cũng là lúc người vợ bắt đầu thầu luôn công việc của người bồi bàn không tiền "tip" với nhiều giờ liên tiếp. Hỏi trên đời này có mấy người chồng, người đàn ông nào để ý những chuyện mà họ cho là nhỏ nhặt như thế này...