Danh phận

     ôi là người sinh trưởng ở Hà Nội, từ trẻ đến già sống ở Hà Nội kỳ thực cũng không hiểu về Hà Nội bao nhiêu. Tôi chỉ quen thuộc, am hiểu có giới sĩ quan quân đội, giới văn nghệ sĩ là cái giới của tôi, và cán bộ công nhân viên chức nhà nước là bạn của tôi. Đại loại là giới viên chức nhà nước mà tôi là một thành viên. Chúng tôi không phải lo cái ăn, cái mặc, chỗ ở, lúc ốm đau, kể cả việc học hành của con cái lẫn việc làm của chúng khi đã trưởng thành. Những cái lo của một đời người đều không phải lo. Tất cả đều dựa vào nhà nước. Nhà nước là tất cả. Nên chuyện của chúng tôi rất khác với chuyện của dân, như là hai thế giới riêng biệt mặc dầu chúng tôi đều sống ở Hà Nội, là người của Hà Nội. Chúng tôi chỉ quan tâm tới chuyện chính trị, chuyện chiến tranh, chuyện cơ quan và sự thăng tiến, sự lên lương của người này hay người kia với những mong chờ phấp phỏng của chính bản thân mình. Vì thăng cấp không chỉ có nghĩa là tăng lương. Lương tăng thêm một hai chục bạc có là bao. Nhưng thăng cấp còn là tăng thêm danh phận và nhiều thứ ưu đãi kèm theo khác. Đến tình yêu là thứ mong manh nhất, khó nắm bắt nhất mà cũng hóa ra hiền lành, ngoan ngoãn trước danh phận của đương sự. Cái anh viên chức muốn nói trời nói đất gì thì nói, cái mà anh ta một đời thiết tha, một đời lo lắng vẫn là cái danh phận. Có người đã hấp hối trên giường bệnh vẫn còn khắc khoải chờ đợi nhà nước cho thêm danh phận, cho thêm vinh dự, kể cả nơi mai táng, mới yên lòng nhắm mắt. Người dân đâu có cùng một nỗi lo như chúng tôi. Những cái mà họ phải lo thì chúng tôi không cần lo. Cái mà chúng tôi lo thì họ lại thấy chả có ý nghĩa gì. Nó khác nhau là thế.

 

Chú Nhì là ông em họ của bố tôi. Khi ba mẹ con tôi gặp hồi quẫn bách, ông đã cho chúng tôi ở nhờ một gian nhà trong ngôi nhà của ông ở ngõ Yên Bái kề sát nghĩa địa Tây, tức là khu tập thể Nguyễn Công Trứ bây giờ. Ngày ấy ông đã có ba xe chở khách chạy các tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Nam Định. Cũng là nhà có tiền nhưng sinh hoạt gia đình rất tùng tiệm, nửa quê nửa tỉnh. Sau tám năm đi kháng chiến, khi trở về Hà Nội, tôi lại thăm chú ngay. Chú đã già nhiều, tóc lốm đốm bạc mà tuổi mới có ngoài năm mươi. Hai người con trai lớn, con bà đầu, đã hăm hai hăm ba tuổi, làm việc cho bố, là những tài xế đường dài, kiếm tiền không chỉ bằng mồ hôi mà có khi còn bằng máu vì các tuyến đường 5, đường 1 và đường 21 thường bị anh em du kích đánh mìn. Lúc này chú Nhì có ba xe tải chở hàng hóa, một xe Chevrolet, một xe Ford và một xe Citroen T45. Trước ngày Hà Nội được giải phóng chú đã mua trữ 28 phuy xăng, mỗi phuy 200 lít và 100 đôi săm lốp xe đạp. Đầu năm 55, chú Nhì phải nộp thuế nhập khẩu số xăng mua dự trữ. Tiền không đủ phải bán mấy chục đôi săm lốp xe đạp cho một người bạn có cửa hiệu bán phụ tùng xe đạp. Nào ngờ ông bạn vàng muốn lập công với chính quyền cách mạng liền đi báo cho thương nghiệp. Số săm lốp mua tích trữ bị đánh thuế hàng tồn kho, người đầu cơ còn phải nộp tiền phạt vì đã không thật thà khai báo. Toàn bộ tài sản của chú Nhì là ba cái xe. Mỗi xe trị giá từ 14 vạn đến 24 vạn tiền Đông Dương, một lạng vàng năm ấy chỉ có ba nghìn đồng. Cuối năm 55, chú bán hai xe cho hai người bạn từ kháng chiến trở về muốn tiếp tục làm nghề cũ. Chú bán rất rẻ, chỉ bằng một phần mười giá tiền lúc mua. Bằng linh tính hay đã nghe ngóng được đâu đó, chú thấy mình không thể giữ mãi cả ba xe dưới chính thể mới. Nhà còn lại một xe Ford 5 tấn chú giao cho con trai đầu là Khang lái, mỗi sáng đều phải đánh xe ra Phòng vận tải để nhận kế hoạch chuyên chở. Thuế tháng nào đã nộp đủ tháng đó nhưng cuối năm lại có thuế truy thu theo thực lãi. Năm 60, nhà nước trưng mua hay nói theo ngày ấy là giai cấp công nhân chuộc lại chiếc xe cuối cùng của cha con chú Nhì với giá sáu ngàn đồng. Tiền không trả ngay mà chỉ trả lãi từng quý. Trong những năm này mỗi lần ra chơi, chú Nhì rất hay hỏi tôi về chính sách kinh tế của chính phủ, chỗ đứng của cha con chú trong công cuộc kiến quốc. Tôi là lính tráng, lại là lính văn nghệ làm sao biết được chuyện kinh tế, lại là chuyện kinh tế rất lắt léo giữa hai giai cấp đối địch đang gắng gượng c&ugte;o đen, thế mới biết cái hơi tiền còn mạnh gấp mấy những liều thuốc bổ. Là người Hà Nội nhưng Hiền không quan tâm tới bất cứ vẻ đẹp nào của Hà Nội. Cô chỉ biết có tiền, chỉ thuộc các đường ngang ngõ tắt, cái mặt sau, cái phía nhày nhụa, nhớp nháp của Hà Nội. Và thuộc mặt mấy chú công an, mấy ông quản lý thị trường, thuộc tên tuổi, thuộc tính nết, nhìn từ xa đã biết, nhìn sau lưng cũng biết, cứ như người trong gia đình để khỏi bất thần va vào họ. Buôn đông bán tây cũng không bằng những mặt hàng bán vài đồng lãi vài hào. Hàng bán được mọi mùa, mọi nơi, giá rẻ, bán ra nhiều là bí thuật làm giàu của các nhà tỷ phú. Tiền kiếm được bằng mồ hôi, bằng tính mạng mà khi đếm tiền cứ ngỡ mình vừa ăn cướp của ai. Cái khó nhọc, cái lo lắng xong việc là quên liền, còn đống tiền vẫn lù lù trước mặt nên cứ nghĩ tự nhiên mà có. Người kiếm ra tiền không hề thèm ăn mà cũng không thích mua sắm, bởi họ nghĩ rằng nếu mình muốn lập tức có ngay nên không thấy cần muốn. Chỉ có ông chồng là vẫn thích tiêu tiền, đưa bao nhiêu cầm bấy nhiêu chứ không đòi. Vả lại anh ấy không trà rượu, không cờ bạc, không trai gái nên mức chi tiêu cũng vừa phải, gọi là có chút tiền dằn túi. Một ông chồng không cho người vợ chút hy vọng nào nhưng cũng không gây thêm những lo lắng, thế là được, thời buổi này kiếm được một người chồng biết điều cũng là hiếm, Hiền bảo tôi thế.
Những năm sau dầu ở xa Hà Nội nhưng mỗi lần có việc ra Bắc, tôi vẫn lại thăm Hiền. Người chồng đã mất năm 53 tuổi vì tai nạn giao thông. Cũng là một người đàn ông sung sướng, một đời được nhờ cậy vợ. Bà góa đã cưới vợ cho thằng con trai đầu khi nó ở bộ đội về, có một cửa hàng bán mỹ phẩm tuy nhỏ nhưng doanh thu lớn vì còn bán buôn. Nhưng tôi không thể ngờ một tay cô ấy lại xây nổi một ngôi nhà to đến thế, đẹp đến thế. Nhà được xây trên phần đất được chia của nhà cũ, nhà ba tầng nói theo ngoài Bắc, còn gọi theo trong Nam là một tầng trệt và hai căn lầu. Mặt tiền hẹp có hai mét nhưng sâu lòng, nhà như cái ống nhưng là một cái ống sáng choang, bóng loáng với đầy đủ tiện nghi. Hiền mập hơn trước rất nhiều, đi lại bậm bạch, chân tóc phía trước trán và hai bên vành tai đã bạc trắng cả. Năm mươi tư tuổi rồi, cũng già rồi, một bà già có sản nghiệp, có con cháu, có bè bạn, được phố phường nể trọng. Tôi nói với Hiền:
- Vợ chồng tôi về già vất vả hơn cô nhiều. Thế là cô thắng rồi. Một người khôn ngoan, tháo vát như cô thắng cũng là phải.
Cô em họ nhìn tôi rồi mỉm cười buồn bã:
Vẫn thua anh ạ, rút cuộc về già là thua. Luật đời mà.
Lại thế nữa! Là sao nhỉ? Hiền tính, cô có hai con trai, một dâu, một cháu nội. Năm tới sẽ là hai con dâu. Anh em trai ở với nhau thì được nhưng chị em dâu lại không thể sống chung được. Sống chung sẽ có ngày chúng đâm chém nhau vì hai gia đình chỉ có một cửa hàng, chỉ có một chỗ làm ra tiền, sẽ không ai chịu nhường ai, cũng không ai muốn chung đụng với ai trong cái thời buổi đến thần thánh cũng phải quỵ lụy kẻ có tiền.
Hiền nói:
- Đám trẻ bây giờ chúng nó kiếm tiền quyết liệt lắm, lạnh lùng, tàn nhẫn hơn bọn em nhiều. Và không vì một ai cả, không thương một ai cả. Có tiền để trở thành người mạnh, thành ông chủ, chúng bảo thế. Mỗi thời cái cách dùng đồng tiền lại một khác anh nhỉ? Ngay từ bây giờ em đã coi cái nhà này là của chúng nó rồi, là tặng phẩm của mẹ cho các con và em sẽ khuyên chúng nó nên bán đi chia tiền nhau mua nhà riêng mà ở. Cái mộng một đời của em là mở lại cửa hàng làm bánh kẹo nối nghiệp nhà chồng coi như vứt. Có hai thằng con không thằng nào ủng hộ mà em thì già rồi. Bây giờ chúng nó thích kiếm tiền một cách táo tợn, nguy hiểm, thắng thì làm vua, thua thì đi tù, ăn cơm muối hoặc chết cũng chả sao. Chứ không thích danh, không ham cái danh hiền lành, vất vả của một nhà, một nghề. Cũng treo bảng hiệu cả đấy nhưng họ có bán cái thứ họ trưng lên đâu. Quảng cáo một thứ, buôn bán một thứ thì cần gì danh. Càng vô danh càng tốt. Đồng tiền kiếm được bằng cái vô danh thì khiếp lắm. Thời thế đã thế thì em lại phải có cách tính toán khác. Em sẽ không ở với đứa nào cả, ở một mình, tự mình nuôi lấy mình. Em vẫn có vốn liếng riêng. Có ai dại gì dốc hết hầu bao cho chúng nó để về già thành người phụ thuộc, thành đầy tớ, muốn ăn bát phở cũng phải ngửa tay xin tiền. Tuổi già phải sống một mình là buồn lắm, em biết chứ. Nhưng chịu cái buồn vẫn dễ hơn chịu cái nhục, cái nghèo, em nói thế có phải không anh?
Tất nhiên là phải rồi! Cô em tôi tính toán từ trẻ đến già có bao giờ mà chẳng phải. Rồi Hiền lại hỏi tôi đã chuẩn bị cho tuổi già ra sao rồi? Tôi ấy hả? Ăn còn chả đủ lấy đâu ra tiền dư để chuẩn bị. Nói thế chứ tôi cũng có cách chuẩn bị của tôi. Ấy là khi tôi đã không kiếm được tiền nữa, đã thành kẻ vô tích sự trong gia đình, lại bệnh tật, lại trái chứng, gây khó khăn, gây phiền phức cho những người cùng sống thì tôi vẫn giúp được các con tôi một lần cuối: chết thật gọn gàng, thật sạch sẽ để chúng khỏi vì mình phải chi tiêu quá nhiều tiền.