Chương 2

     hị Uyên có thư.
Tôi buông vội tờ báo chạy ra:
- Thư đâu? Ai gửi?
- Anh Sinh.
Tôi chùn chân lại, tiu ngỉu. Tôi hy vọng thư Toản.
Thanh đưa phong bì màu xanh cho tôi. Tôi lạnh lùng:
- Cất dùm chị.
Em tôi hiểu. Đây là cánh thư thứ ba tôi không đọc. Thư của những người không phải Toản.
Thanh an ủi:
- Chắc ảnh bận. Chị coi báo hằng ngày không thấy sao, mặt trận Trị Thiên ghê thấy mồ.
Tôi ngẹn giọng:
- Không biết ảnh có bị gì không, sao không thấy thư từ gì cả.
- Chắc ảnh sắp về nên không viết thư. Ảnh muốn làm bất ngờ cho chị.
Tôi lắc đầu nhè nhẹ. Lời an ủi của em cũng như lời an ủi của mẹ, không làm tôi yên tâm chút nào. Tôi rơi vào một nỗi hoang mang đến khờ người. Đã hai tháng tôi không được tin tức gì của Toản. Một ngày chờ đợi là một ngày mòn mỏi. Những người thân của tôi điều hiểu tôi lo âu, tôi khổ sở và tìm đủ mọi cách để trấn an, nhưng sự khắc khoải trong tôi chỉ có tăng chứ không giảm.
Nhiều đêm tôi gặp ác mộng, tôi thấy Toản bị thương, người đẫm máu, anh chạy lên phía tôi, dang rộng hai tay và tôi rú lên ngã vào lòng Toản trong nỗi kinh hoàng ngột ngạt.
Tôi nghĩ đến người tình trong nỗi chết cận kề, những hiểm nguy anh phải chịu và thấy thù hận chiến tranh. Viễn cảnh tương lai mờ mịt. Tôi hình dung gương mặt Toản nhạt nhòa qua nước mắt, qua hơi khói thuốc. Tôi nghe văng vẳng tiếng anh dịu dàng “Anh nhớ... Anh nhớ và yêu bé của anh trọn đời”!
Tôi khóc một mình. Tôi khóc tức tưởi trước mặt mẹ. Tôi không giấu được niềm đau. Tôi không dằn được nổi buồn. Chân tôi đứng trên mặt đất nhưng tâm hồn tôi trôi xa, mênh mang vào một không gian không còn sự sống...
- Thanh.
Tôi kêu giựt khi nó mang thư cất đi.
- Thanh quay lại:
- Chị kêu em?
Tôi chìa tay:
- Đưa thư đây.
Nó đưa phong bì, nhìn tôi:
- Chị đọc?
Tôi không trả lời, xé đôi phong bì. Em tôi đứng yên lặng. Nó thông cảm. Tôi đặt phong bì xé nát lên bàn:
- Đốt dùm chị. Cả hai thư trước nữa. Lần sau có thư anh Sinh, em gửi hoàn lại, như vậy họ biết, không làm phiền mình nữa.
Mắt Thanh vương một thoáng thương hại, dường như nó muốn nói gì nhưng lại thôi. Tôi cũng không muốn nghe nó nói, không muốn nghe ai khuyên mình đừng nên tàn nhẫn với người yêu mình. Tôi bực tức, tôi thèm muốn giá thư của Sinh là của Toản?

 

Mẹ dịu dàng:
- Uyên à, con chưa được tin tức gì của Toản sao?
- Thưa chưa. Con cũng không hiểu.
- Nó nhớ địa chỉ nhà mình chứ?
Tôi cười héo hắt:
- Quên sao được mẹ.
- Thấy con khổ, mẹ cũng buồn. Ráng đừng để mất tinh thần nhiều quá. Chuyện đâu còn đó. Chắc nó bận rộn quá nhiều. Chớ nó hiền lành không lẽ...
Tôi ngắt lời mẹ:
- Con hiểu Toản mẹ ạ. Con không sợ anh bạc mà chỉ sợ chuyện không may. Mẹ coi, gần ba tháng, đâu phải một hai tuần gì.
- Mẹ cũng lạ. Nhà mình không ai đi ngoài đó để hỏi tin tức thử.
- Con đã hỏi thử một vài người nhưng vô vọng mẹ ạ.
Mẹ vô tình:
- Lính tráng bây giờ làm sao biết được sống chết ngày nào. Ngày trước thằng Phương cũng... có kịp thấy mặt ai đâu. Chiến tranh không sớm chấm dứt đây rồi tới ngày thằng Sơn, thằng Thanh đi lính nữa chắc mẹ lo ngày lo đêm quá.
Tôi gượng cười:
- Tụi nó còn dư năm học mà. Một mình con lo đủ rồi.
Mẹ nhìn tôi không biết nói sao. Tôi biết mẹ thương tôi vô cùng nhưng nổi khổ trong tôi mẹ đành bất lực. Tôi quay ra đùa với bé Thảo. Con búp bê trên tay nó nhắc tôi nhớ Toản lạ lùng: chính anh mua cho bé Thảo nhân ngày sinh nhật thứ tám của nó. Thảo nói:
- Chị Uyên rảnh may cho búp bê bộ đồ ha. Áo quần nó cũ hết rồi.
- Ừ để chị rảnh chị may cho.
- Không, chị phải may liền hà. May để mặc cho búp bê đẹp. Anh Toản về nhen chị.
Tôi cốc đầu con bé:
- Liếng khỉ vừa chứ, chị không làm thì sao?
- Anh Toản về em méc. Ảnh thương em lắm nè.
Nó ngước đôi mắt ngây thơ nhìn tôi:
- Chị Uyên, sao lâu quá anh Toản không về?
- Anh Toản phải “uýnh giặc” mà về sao được.
- Sao anh con Tâm cũng uýnh giặc mà ảnh về hôm qua đó.
Tôi nói cho qua:
- Tại anh con Tâm không bận.
- Hôm bữa anh Toản hứa về dẫn Thảo đi phố mua cho cái cặp mới sang năm đi học nè. Vậy mà lâu thiệt lâu ảnh hổng chịu về.
Tôi xoa tóc em:
- Để chị đi mua cho cưng.
- Hổng thèm chị Uyên mua. Em đợi anh Toản về dắt em đi lựa hà.
- Ừ, thì đợi.
Con bé yên chí không rắc rối nữa. Tôi nhìn nó bỗng dưng thèm vô cùng sự hồn nhiên của tuổi thơ. Những câu hỏi vô tình của đứa bé nhỏ làm tôi muốn trào nước mắt. Tôi ao ước điên cuồng Toản về với tôi ngay bây giờ, nữa phút thôi, cho tôi nhìn thấy anh còn sống, cho tôi tin tưởng anh bình yên, rồi anh đi tôi không níu giữ. Nhưng mơ ước vẫn là ước mơ. Ảo ảnh có vẻ gần mà vô cùng xa thực tại. Tôi chợt nhớ đến sự tuyệt vọng của hai người yêu nhau trong La valse dans l’ombre và cảm thấy nỗi bất hạnh hình như đang bủa vây trong cuộc tình tôi và Toản.

 

Châu gọi tôi mà nước mắt chảy quanh:
- Chị Uyên ơi, anh Toản...
Tôi thản thốt:
- Chuyện gì Châu?
- Điện tín... anh Toản đã...
Cả nhà xô tôi lại. Thanh giật mảnh giấy đọc dòng chữ ngắn rồi thẩn thờ:
- Anh Toản chết rồi.
- Chúa ơi!
Tôi rú lên. Tôi chới với, hai tai lùng bùng, mắt như nổ muôn vàn hào quang. Tôi nghe mơ hồ tiếng mẹ:
- Uyên, Uyên, tỉnh lại con. Mẹ đây.
Tôi nhắm nghiền mắt nhưng đầu óc tôi tỉnh táo vô cùng, tôi nghe rõ giọng Thanh “Anh Toản chết rồi”. Tôi nghe rõ tiếng rú của mình “Chúa ơi”, nhưng tôi không muốn tỉnh. Tôi sợ phải nghe những lời người than an ủi, tôi sợ ánh mắt vừa thương hại vừa xót xa của mẹ, của em.
Điện tín do một người bạn của Toản đánh về cho tôi: “Chị Lệ Uyên. Anh Toản đã hy sinh. Stop - Xác không thể mang về. Stop. Lời cuối của Toản là ân hận vì không thể đưa chị đi trọn cuộc đời. Stop?”
Ngắn ngủi thế đó mà là cả một định mệnh con người. Ngắn ngủi thế đó mà là một cách chia vĩnh viễn. Thật vô lý! Vô lý đến mức hoang đường nhưng sự thật vẫn là sự thật.
Tôi nằm vùi. Nước mắt không còn để khóc. Thế là hết. Tình yêu, hy vọng. Hạnh phúc tan nhanh như bong bong nước.
Tôi không điên, như tôi tưởng. Tôi không chết được như tôi tưởng. Vẫn sống. Thân xác tôi vẫn cử động. Tôi vẫn ăn, vẫn ngủ. Tôi vẫn thở, nhưng tôi đã không còn là tôi nữa.
Hình ảnh Toán ám ảnh tôi từng giờ, từng phút. Tôi cảm thấy chán nản và bất lực. Hơn bao giờ hết tôi thấy mình như một cành hoa héo úa vì nhựa sống nuôi cây đã không còn. Nụ cười liếng thoắng mất trên môi, màu má hồng của tuổi hai mươi thoát dần ánh nắng. Tôi bạn bè với kỷ niệm. Tôi đọc thuộc những cánh thư yêu của Toản, Tôi lang thang trên những con đường ngày trước Toản dìu tôi đi. Tôi nhớ La valse dans l’ombre. Tôi nhớ bước chân rời rạc của Maria giờ tôi còn rời rạc hơn. Tôi nhớ ánh mắt lạc thần của Maria giờ tôi còn lạc thần hơn. Roy của Maria thì về sau cuộc chiến, còn Toản của tôi thì không.