Chương 3

     ôi đến với Nhất Phương, với Vũ Linh. Tôi không nói gì với những người trong mộ, vì tôi nhớ Toản nói ngôn ngữ người sống và kẻ chết không hợp nhau. Tôi mua hoa huệ nhưng cố gắng sắp mãi mà không thành một mẫu tự nào. Kinh Kính Mừng tôi vẫn đọc nhưng không biết nguyện cầu những gì khi Toản đã không còn ở trên đời. Lời nguyện cầu duy nhất là xin bình an cho anh. Giờ Toản đã vĩnh viễn bình yên, cuộc sống anh không còn bị khuấy động bởi tiếng đạn bom, và tôi cũng đang đưa mình đến một nỗi bình yên tang chế, thế là xong.
Tôi nghĩ đến tu viện với một nếp sống yên tĩnh cho tâm hồn niên viễn nhưng tôi đã dừng lại ý nghĩ đó. Tôi hiểu những đợt sóng ngầm từ tận cùng tâm hồn tôi sẽ không thể nào lặng yên trở lại bởi sự yên tĩnh bề ngoài. Chúng chấp nhận những người đến với Ngài bằng một tâm nguyện chân thành chứ không chọn những kẻ tuyệt vọng tưởng mình có thể tìm sự thanh thoát bằng cuộc đời tu hành. Ngọn núi lửa phun lửa từ lòng núi và những đớn đau trong tôi được dồn nén cũng sẽ trở thành những cuộc nổi loạn khó trị mà nếp sống bình lặng của tu viện chỉ làm tan tác thêm vết thương lòng.
Nhìn Mẹ, nhìn các em, tôi thấy mình có lỗi. Mẹ có tội gì đâu? Các em có tội gì đâu mà phải chịu đựng tôi trong trạng thái bất thường này? Tôi nuốt nước mắt để gượng cười trước mặt mẹ, trước mặt em, nụ cười của tôi là một niềm tin cho mẹ, cho em. Tôi quên dần tôi để sống cho những người thân yêu. Tôi chắc đó là điều làm Toản vui dù anh đang ở một cõi hư vô nào đó.
Sinh tìm đến với tôi, Hùng tìm đến với tôi. Tôi nhìn những người bạn cũ bằng ánh mắt cảm kích một đeo đuổi lâu dài. Trước mắt tôi ai cũng thế. Hơn một lần mẹ phân trần cho tôi nghe về cuộc sống.
- Dù sao thì Toản nó cũng không còn. Đâu phải là con phản bội mà là một thực tế con phải chấp nhận là không ai sống mãi một mình nếu không đi tu. Chắc linh hồn Toản cũng mong muốn con được hạnh phúc.
Tôi nói nhỏ:
- Con hiểu mẹ ạ. Con biết Toản đã chết và con không còn lý do gì để đợi chờ. Con chấp nhận tất cả những gì sẽ đến nhưng không phải là bây giờ. Con sẽ quyết định khi sóng gió trong tâm hồn đã lắng xuống.
Tôi đã nói thật với mẹ ý nghĩ của mình. Tôi đã không đi tu thì tôi sẽ lấy chồng. Dù thời gian có đem lại cho tôi một lần yêu nữa hay không. Thời gian vẫn là liều thuốc tiên xóa nhòa những niềm đau dĩ vãng. Nhưng tình yêu của tôi với Toản đã xâm nhập cả những tế bào trong thân thể, đã có trong từng hơi thở, đã nằm trong máu luân lưu thì sự xóa nhòa không dễ, tôi chỉ có thể khép kín trái tim để chấp nhận kẻ đến sau bằng tình cảm của con người với con người.

 

Tôi đối diện Du bởi chiếc bàn nhỏ. Những bông hồng trong bình thủy tinh, ánh đèn màu ấm dịu làm không khí có vẻ ấm cúng. Anh Thành mời tôi dùng cơm tối với anh và người bạn - Du - Thành con bác tôi cũng là người anh tôi thương nhất.
Du vừa ở ngoại quốc về với cấp bằng Bác Sĩ. Tôi không phải là không hiểu thành ý của anh Thành nhưng không có lý do để trách anh. Tôi hiểu anh muốn tôi có người để vơi bớt những khắc khoải của kỷ niệm.
Anh nói với tôi:
- Du là bạn anh. Nó chân thật và hiền. Chừng đó tưởng đủ để anh yên tâm. Chinh phục được em hay không là chuyện của nó cũng như chấp nhận hay chối từ là quyền của em. Anh chỉ biết anh thương em gái anh và đưa đến cho em một người bạn.
Tôi cười:
- Anh học nghề “làm mai” bao giờ thế?
- Chắc là từ lúc em buồn.
Đưa tôi và Du vào đây anh Thành bảo mua thuốc hút. Tôi hiểu đó chỉ là một cái cớ và tôi thấy Du nhìn anh có vẻ biết ơn.
Tôi lên tiếng trước:
- Anh Du về nước lâu chưa ạ?
- Gần một tháng, chắc Uyên có nghe anh Thành nói?
Tôi lắc đầu:
- Không. Uyên nghe tên anh hôm nay là lần đầu. Bạn bè anh Thành Uyên ít biết lắm.
Du cười nhẹ:
- Tôi với Thành thân nhau khá lâu.
Chợt nhớ đến Vũ Linh và Toản, tôi sa sầm nét mặt. Du bối rối.
- Hình như Uyên không được vui?
Tôi chống chế:
- Không có gì. Đôi lúc những suy diễn của tâm hồn mình không đi đôi với nét mặt.
- Nghĩa là Uyên vui?
Tôi đưa ly nước ngọt lên môi:
- Có lẽ.
- Sao lại có lẽ? Uyên không thể cho tôi một danh từ xác định?
- Uyên không muốn giả dối. Dù sao chúng ta cũng biết mới biết nhau.
Du nhìn tôi, giọng anh thật ấm:
- Anh thì đã biết Uyên lâu rồi.
Tôi tròn mắt:
- Thật hả anh?
- Ít ra anh cũng biết mặt Uyên trước khi gặp. Bởi vậy sự bỡ ngỡ nơi anh không có. Điều đó chắc làm Uyên khó chịu?
- Anh Thành hả anh?
Du gật đầu:
- Thành nói với anh là có cô em gái đang buồn, và anh thì không cô em gái nào để nghe nũng nịu nên nói với Thành khi về nước anh sẽ xin được thay thế nó để chìu cô bé.
Du ngừng, nhìn vào mắt tôi:
- Uyên cho phép anh chìu không?
Tôi xoay chiếc ly trong tay:
- Chỉ sợ anh chìu không nổi.
- Anh cố gắng.
Anh Thành trở lại. Vừa kéo ghế ngồi anh vừa nói:
- Tìm mua gói thuốc mà phải đi mãi Lê Lợi mới có.
Tôi nói mát:
- Đường Lê Thánh Tôn mấy sạp bán thuốc dẹp hết hở anh?
Thành nheo mắt nhưng tôi lờ đi. Anh cười:
- Thế nào Du? Cô bé có chịu nói chuyện với mày chưa?
- Uyên đang thách tao chìu nổi cô ấy.
- Mày bảo sao?
- Cố gắng.
Tôi bật cười. Anh Thành ba hoa:
- Con nhỏ này cứng đầu lắm đấy. Tao là anh nó còn không chìu nổi, mày liệu.
- Anh làm như em khó tính lắm.
- Không khó nhưng đủ chết người.
Du nói:
- Giá anh biết Uyên trước thời gian du học thì hay biết mấy, ít ra là thỉnh thoảng nhận được những cánh thư với chân tình từ quê hương. Xa quê nhớ gớm Uyên ạ.
Tôi không tin Du nói thật nhưng ít ra câu nói vuốt ve được lòng tự ái của tôi. Anh Thành chen vô:
- Hồi mày mới du học, con nhỏ này còn mút cà rem.
- Giỡn hoài. Bảy năm trước em cũng...
- Mười bốn tuổi phải không?
Tôi nói nhỏ:
- Mười lăm chứ bộ.
- Thì còn đòi cà rem chứ còn gì?
Tôi nguýt anh Thành một cái nên thân:
- Anh chỉ giỏi bắt nạt em.
Một vài khoảng thời gian tôi cảm thấy thoải mái. Nụ cười của Du chân thật và tôi thấy rõ Du dành cảm tình cho tôi thật nhiều, đó là điều mà tất cả những người con gái đều mong muốn.
Khi hai anh em về nhà, anh Thành hỏi tôi:
- Em thấy Du thế nào?
- Còn sớm quá để anh đặt câu hỏi đó.
- Anh biết. Nhưng ít ra em cũng có những nhận xét đại khái.
- Tạm được. Hắn có thể là bạn em.
Anh Thành xoa tay:
- Vậy tốt. Tình cảm dần dần rồi sẽ đến. Anh chỉ sợ em chê nó từ đầu. Anh cố tình cho em một người bạn nhưng chưa bằng lòng ai ngoài Du. Anh hiểu hắn nhiều.
Tôi lẩm bẩm:
- Dù có ai đi nữa thì cũng chỉ đứng bên lề ngôi vị của Toản. Toản mãi mãi là hình ảnh ngự trị trong tim em.
Anh Thành thở dài:
- Anh hy vọng thời gian sẽ giúp em quên.
Tôi lắc đầu:
- Khó lắm. Trừ phi là phép mầu.
- Đôi khi phép mầu cũng hiện ra, nhất là đối với một tấm lòng thành.
Tôi cười:
- Anh tin Du nhiều quá.
- Anh hiểu nó.
Tôi mở lời trên đề nghị của mẹ:
- Con mới quen Du chưa được sáu tháng, làm gì quyết định vội vậy mẹ?
- Mẹ tưởng thời gian cũng đủ để con hiểu nó. Dù sao thì có thương con thành thật nó mới xin hỏi cưới. Con trai bây giờ dễ gì lấy vợ.
Tôi lắc đầu:
- Con chưa quên được Toản.
Anh Thành chen vô:
- Rồi sẽ quên Uyên ạ. Đời có gì tuyệt đối. Quan trọng như thể xác mình rồi cũng sẽ chết, sẽ rữa mục.
Mẹ tiếp:
- Gia đình ai cũng muốn con hạnh phúc, không ai ghét con mà khuyên vậy đâu.
- Con hiểu. Con đã đủ lớn để hiểu con phải làm gì. Con không phủ nhận rằng con có cảm tình với Du, nhưng tình cảm đó, thời gian đó chưa đủ để quyết định sống bên Du trọn đời.
Anh Thành nghiêm giọng:
- Em còn hy vọng gì ở Toản?
- Ở Toản? Toản chết rồi. Người chết không thể sống lại. Em không đặt vấn đề hy vọng mà chỉ vì em chưa muốn...Em có quyền của em. Du có thương thì cứ đợi.
- Em không nghĩ rằng thời gian sẽ làm người ta chán nản?
Tôi nhún vai:
- Em không cần. Nếu Du không đợi được thì có gì đáng nói nữa đâu? Chân thành yêu em, Du sẽ chờ.
Anh Thành lắc đầu:
- Chịu cô. Bướng thế là cùng.
Tôi cười mát:
- Không ngờ có ngày mẹ và anh ép buộc em trong việc mà chỉ có con tim mới có quyền quyết định.
- Anh không ép, thím cũng không ép. Ai cũng chỉ muốn em được hạnh phúc.
Tôi bướng:
- Hạnh phúc gì khi em không yêu? Không có tình yêu thì cuộc sống chung chỉ là địa ngục.
- Thôi Uyên, đừng cãi anh. Anh con có nói trái đâu? Con chưa muốn thì thôi. Mẹ chỉ khuyên con thấy người ta chân thành, lại có tương lai có thể bảo đảm cuộc sống con mai sau. Mẹ không muốn con xử tệ khi họ đối xử đẹp với mình.
Đột nhiên cơn tức bực tràn lên cổ họng tôi. Hình ảnh Toản chập chờn trước mắt. Tôi run lên uất ức. Gia đình là như thế sao? Tình thương là như thế sao? Tôi không yêu sao mẹ cố gán tôi vào? Tôi không yêu sao anh Thành bảo tôi chấp nhận? Mọi người làm chút cảm tình tôi vừa nhen nhúm cho Du chợt dưng tan biến. Không, Toản còn kia. Toản rõ ràng trước mặt tôi. Tôi không thể quên anh và không một quyền lực nào buộc tôi quên anh được. Tôi nói như gào:
- Sao ai cũng độc đoán với tôi hết vậy? Cuộc đời tôi, tôi không được quyền định đoạt hay sao? Tôi lấy chồng cho tôi hay cho gia đình?
Anh Thành ghìm chặt vai tôi:
- Uyên, em điên rồi - Sao em nói vậy?
Nước mắt tôi ràn rụa:
- Tôi không cần anh. Anh chỉ nghĩ đến bạn anh, anh chỉ chú trọng đến cuộc sống vật chất mà không nghĩ gì đến tâm hồn hết. Anh nghĩ rằng tôi sẽ sống trong nhung lụa mà không nghĩ rằng tôi có thể chết dần mòn trên đống nhung lụa đó... Anh ác lắm...
Tôi tính nói thêm “cả mẹ, mẹ cũng không thương con”... nhưng tôi kịp nhìn thấy mắt mẹ long lanh như muốn khóc. Nỗi phẫn nộ trong tôi chợt dịu xuống. Anh Thành vuốt tóc tôi:
- Thôi bỏ đi cô bé. Bình tĩnh rồi nói chuyện. Chỉ tại em bực tức chứ anh có nói gì đâu.
Tôi nói một mình.
- Thật khó mà quên Toản.
- Tình yêu bao giờ cũng có lý. Anh nhận định theo khối óc, em nhận định theo con tim. Nhưng khi nào em có một phần lý trí vào nhận định em sẽ thấy anh nói đúng.
Tôi thấy mình hơi vô lý nhưng không dằn được những câu phản kháng bướng bỉnh. Tôi hiểu mẹ nhượng bộ, anh Thành nhượng bộ là để tôi khỏi chán nản. Tôi nhận rõ mình không yêu Du nhưng muốn giữ mãi tôi cho Toản, tôi phải tranh đấu và cuộc chiến không phải dễ. Tôi đơn phương tranh đấu với những lập luận không vững chắc. Giữ mình cho người sống dễ nhưng giữ cho người chết thật khó.

 

Tôi bước ra phòng khách, Du nhìn tôi buột miệng:
- Uyên đẹp quá. Giá bây giờ chúng mình đi phố thì tuyệt.
Tôi ngạc nhiên:
- Không đi phố? Anh định chúng ta đi đâu?
Du dìu tôi ngồi xuống salon:
- Mai mình đi nghe em. Hôm nay anh muốn đưa em đi thăm người con bác Tám bị thương ở Tổng Y viện Cộng Hòa.
Du nói thêm:
- Anh Toản bị thương mà không cho gia đình hay gì cả. May thằng bạn anh vô thăm người quen gặp anh ấy. Mình đi thăm một chút đi Uyên.
Tôi thảng thốt:
- Anh ấy tên gì?
- Toản.
Du nhìn tôi chăm chú:
- Có gì lạ không em? Em có quen?
Tôi lặp lại:
- Toản!
Đầu óc tôi quay cuồng muôn ngàn ý nghĩ. Toản!! Du muốn nói Toản nào?? Toản anh của Du hay là Toản - người yêu của tôi?! Trời ơi! Có lý nào. Toản chết rồi cơ mà. Bức điện tín báo tử tôi còn cất trong hộc bàn!! Toản không còn nữa tôi mới tuyệt vọng đính hôn với Du để làm vui lòng mẹ. Tôi đã khổ quá nhiều, bây giờ định mệnh còn muốn đày đọa tôi sao nữa?! Không, nhất định không phải Toản của tôi, nhất định là anh của Du, chỉ là tên trùng tên, nhất định.
Nhưng... biết đâu!!
Tôi ngồi lặng. Du đứng lên nhưng thấy tôi xanh xao, anh hốt hoảng kêu lên:
- Uyên! Em làm sao vậy?
Tôi mệt nhọc chống chế:
- Nghe anh nói bị thương em nghĩ đến máu và chóng mặt...Với lại ngày còn đi học em cũng có người bạn tên Toản. Em liên tưởng đến anh ta.
Du cười:
- Em nhiều tưởng tượng thật. Yên chí đi, không phải bạn học của em đâu.
Tôi muốn nói với Du “Có thể còn hơn bạn học nữa anh à. Người yêu của Uyên đó”. Nhưng tôi dằn được. Tôi nhìn gương mặt Du, người con trai đã đặt vào tôi tấm chân tình tha thiết. Du tin tưởng tôi hoàn toàn. Anh chịu đựng một cách kiên nhẫn những nỗi buồn bất chợt của tôi. Chính sự chân thành của Du đã chinh phục tôi, không phải khía cạnh yêu đương mà là khía cạnh mến trọng. Thời gian xa Toản ngày càng dài. Nỗi tuyệt vọng lắng dần xuống như những chiếc lá úa phủ dày lên mộ phần dĩ vãng. Tôi không quên Toản nhưng chấp nhận Du trong tình người. Tôi nghĩ với Du mai sau, tôi không là một người tình, như với Toản nhưng là một người vợ biết bổn phận... Dù hiểu hay không hiểu ý nghĩ tôi, tôi không biết. Nhưng tôi biết quyết định của tôi làm mẹ vui. Lễ đính hôn của chúng tôi kéo dài ba tháng thì đám hỏi. Và Du định vài tháng nữa, khi phòng mạch của anh vững rồi chúng tôi sẽ làm đám cưới.
Thôi cũng yên một đời. Tôi tạ tội với Toản bằng máu tim mình và bao đêm khóc thầm cũng đủ. Toản chết là yên. Tôi sống tôi phải lo, phải chấp nhận sự an bài của định mệnh. Du yêu tôi và Du tế nhị, anh biết tôi tuyệt vọng trong tình yêu và đang tìm quên nên hết sức chìu chuộng tôi. Mẹ rất hài lòng về điểm này và anh Thành dường như cho đó là một thành công rực rỡ trong đời “làm mai” của anh.
Tôi tưởng giòng nước mắt đã xuông và quên đi bến cũ. Nấm mồ dĩ vãng được vun bồi ngày càng dày, càng lịm, không ai khơi quật... Sự bình thản rồi cũng dần dần chiếm những khoảng suy tư khắc khoải xưa... Tôi tưởng...
Vậy mà bây giờ Du lại vừa nhắc đến Toản. Dù tôi chưa biết chắc có phải là Toản của tôi không, nhưng đó cũng là một vết chém làm toạc trở lại vết thương chưa khép.
Du làm sao hiểu điều đó, anh giục:
- Mình đi nhé em?
Tôi thoái thác:
- Hay là anh đi một mình, em không đi đâu.
- Sao vậy?
- Tự dưng em thấy sợ nhà thương thế nào...
Du cười âu yếm:
- Cô bé lại nghĩ vớ vẩn rồi. Có gì đâu mà sợ, cưng. Nơi bệnh người ta nằm làm sao dễ sợ bằng phòng cấp cứu mà anh có một lần đưa em đến? Đây là anh Toản, anh ấy sắp bình phục rồi mà.
Tôi cố giấu những ý nghĩ của mình, tìm cớ với Du:
- Nhưng không hiểu tại sao hôm nay em không muốn đến những nơi đó.
Du có vẻ buồn:
- Anh không ép em, nhưng hy vọng được giới thiệu em với những người thân của anh, anh muốn mọi người biết em.
Tôi cười mơn:
- Rồi ngày đám cưới mọi người cũng sẽ biết, anh lo gì. Bộ cô dâu trốn đâu được hay sao.
Du im lặng, tôi an ủi:
- Nghe em, chìu em đi anh. Đi thăm anh Toản hộ em.
Du lắc đầu:
- Thôi, hôm khác anh đi. Bữa nay để đưa em đi phố đã. Bé đã sửa soạn thế này mà bắt ở nhà thì tội quá.
Tôi ngồi lặng đi không biết nói sao. Thật sự tôi rất muốn đi với Du đến thăm Toản. Tôi vừa muốn được nhìn thấy lại người tình vừa muốn gặp một kẻ xa lạ để xác định với tôi lần cuối rằng Toản không còn trên đời. Nhưng tôi sợ... Tôi sợ không tự chủ nổi nếu thật sự Toản còn sống, mà với hoàn cảnh hiện tại của tôi, sự tái ngộ chỉ gây thêm đau đớn. Hơn thế, nếu Toản anh của Du không phải Toản của tôi thì tôi sẽ thất vọng đến đâu...
Tất cả những mâu thuẫn vây bọc, dồn tôi vào bước đường cùng. Tôi muốn đứng lên với Du nhưng một sức mạnh vô hình kéo ghì tôi lại.
Vẻ rối loạn của tôi không giấu được Du. Anh lo lắng:
- Anh thấy em có vẻ khác lạ. Sao vậy Uyên?
Tôi gượng cười:
- Có gì đâu anh?
Du lắc đầu nhè nhẹ:
- Em đừng giấu anh. Em có vẻ như muốn bịnh.
Anh đặt tay lên trán tôi:
- Đầu em không nóng. Nhưng em có mệt không?
Tôi nhìn Du bằng ánh mắt biết ơn:
- Anh săn sóc em quá. Em chỉ hơi cảm thấy khó chịu.
- Mình đi phố nghe, cho em vui quên đi sự mệt mỏi.
- Anh không đi thăm anh Toản sao?
- Mai anh đi cũng được. Anh Toản còn nằm bệnh viện lâu mà. Anh ấy sắp bình phục rồi.
Du nhìn tôi:
- Kẻ mới bệnh đáng lo hơn người sắp khỏi bệnh, cưng.
- Anh chìu em, không sợ em hư à?
- Hư sao được, vợ cưng của anh là nhất. Anh hoàn toàn tin tưởng em.
Tôi hơi cúi mặt. Tôi biết Du đã nói thật nhưng lương tâm tôi không yên chút nào. Du yêu và tin tưởng tôi quá nhiều, liệu tôi có xứng đáng với niềm tin của anh không?
Suốt buổi dạo phố không lúc nào tôi cảm thấy vui. Hình ảnh Toản chờn vờn ám ảnh. Tôi nhìn vào nhưng tủ hàng và thấy gương mặt Toản trong đó. Tôi thấy Toản cười, tôi thấy Toản nhăn mặt. Tôi đi bên Du như một người mê ngủ. Đôi khi Du hỏi gì tôi cũng không nghe. Du cho rằng tôi mệt nên không nói gì. Khi hai đứa vào tiệm nước, tôi nghĩ nếu bây giờ bất chợt Toản hiện ra trước mặt không hiểu tôi sẽ đối xử cách nào?
Tự dưng tôi nơm nớp lo sợ. Nỗi bình yên một lúc đã tạm xoa dịu tuyệt vọng trong tôi giờ đã biến tan. Tôi lao mình vào một cơn lốc khác, không còn tuyệt vọng nhưng bi thảm hơn nhiều