Dịch giả: THẾ UYÊN
Chương 16

     ối với cơ quan phản tình báo Anh thì chiếc tầu hàng Karpathos cũ kỹ thường lang thang trên biển Egée, là chỗ không lạ gì đối với họ kể từ ngày các cán bộ của Mossad mua nó trong một góc ở hải cảng Salonique, nơi có tám trăm tấn sắt và gỗ cũ với một cầu tầu điêu tàn. Người Anh theo dõi dễ dàng việc di chuyển chậm chạp của tầu, mới đầu là Pirée nơi thủy thủ đoàn Hy Lạp trao lại tầu một thủy thủ đoàn Do Thái Mỹ, rồi tới Gênes là nơi tầu được tân trang lại. Họ cũng biết chính xác lúc nào tầu nhổ neo đi về phía vịnh Lyon, ở Pháp.
Ngay lập tức, hàng chục tình báo viên ào vào duyên hải Địa trung hải của Pháp. Một hệ thống coi chừng hai mươi bốn trên hai bốn giờ được thiết lập quanh La Ciotat, khoảng một chục viên chức cao cấp Pháp cùng hai hay ba viên chức cấp nhỏ hơn được gởi tặng những “món quà” vừa đáng kể vừa bất ngờ. Đồng thời Whitehall gây một áp lực mạnh nhưng kín đáo đối với Quai D’orsay [1] để nước Pháp cấm không cho tầu Karpathos vào hải phận mình. Nhưng Luân Đôn đã bực tức vì áp lực này không đi đến kết quả nào: Paris vẫn giữ nguyên liên kết với Mossad và tầu Karpathos đi dọc bờ biển không cách quá ba hải lý, đã tới bỏ neo, yên lành trong hải phận bạn.
Đến đây là hồi thứ hai: Neo ở La Ciotat, tầu làm năm hay sáu chuyến ra biển giả vờ để đánh lừa cũng như làm khó nghĩ cho các quan sát viên Anh. Các xe vận tải do các cảm tình viên Pháp cho mượn và các các tài xế người Marseille lái đã nỗ lực tạo ra một sự náo nhiệt vừa hết sức ồn ào vừa nhộn nhịp trong toàn vùng. Sau cùng một khi người ta đã phỏng đoán một cách hợp lý rằng các nhân viên tình báo Anh đang vò đầu bứt tóc không hiểu khi nào, Mossad mới cho bắt đầu hồi thứ ba. Một ngàn sáu trăm người dân trong đó có cả đoàn trẻ của Karen, được đưa trong đêm đến một điểm hẹn hò bí mật ở một nơi ven biển. Nhiều đơn vị quân lực Pháp được trải rộng trên nhiều cây số khóa kín vùng bao quanh bãi biển có mấy chục chiếc bè hơi đang chờ sẵn.
Việc chuyển người từ bãi biển ra chiếc Karpathos đậu ngoài khơi thực hiện tương đối nhanh chóng. Những người tỵ nạn chỉ còn một túi đeo lưng, một chai nước và nỗi ám ảnh rời bỏ vĩnh viễn đất Âu châu thù nghịch làm hành trang.
Lũ trẻ của Karen được đưa lên tầu trước tiên, được ở dưới sàn tầu, gần thang chính. May mắn thay đa số chúng quá mệt nhoài nên chìm đắm ngay vào một giấc ngủ say. Chỉ có một vài đứa bé nhất là khóc nức nở, vì sợ hơn là vì muốn được Karen an ủi vỗ về.
Trước bình mình, hầm tầu đã đầy nghẹt người đến nỗi không thể nhúc nhích cử động gì được. Nhưng các ca-nô vẫn chạy đi chạy lại giữa tầu và bờ biển. Bây giờ mọi người nhồi nhét các dân tị nạn ngay trên sàn tầu, ngập lên đến tận đài chỉ huy.
Bill Fry, viên thuyền trưởng Hoa Kỳ, không ngừng xoa râu vừa lầu nhầu vừa cắn một mẩu xì gà:
- Trời! Nếu lính cứu hỏa Boston mà nhìn thấy cảnh này, chắc họ xỉu luôn.
Đột nhiên ông ngửng đầu lên. Ở một nơi nào trong bóng tối, một giọng trong trẻo và dịu dàng cất lên một điệu ru em. Len lõi vào đám đông, ông tới được cầu thang, bước qua thân nhiều người, tuột thang xuống hầm tầu. Quơ chiếc đèn lên soi, sau cùng ông khám phá ra Karen. Nàng ôm một bé trai trong tay vừa đu đưa vừa hát ru cho nó ngủ. Bill mở tròn mắt: ông có cảm tưởng như vừa nhìn thấy một Madone [2]. Karen nhìn ông và bằng một cử chỉ, yêu cầu ông hướng ánh sáng đèn đi phía khác. Bill hắng giọng:
- Này cô bé... Cô bé biết tiếng Anh chứ?
- Biết chứ.
- Ai chỉ huy lũ nhóc này đây?
- Tôi. Xin ông vui lòng nói nhỏ một chút. Tôi vất vả lắm mới làm chúng ngủ đi được đó.
Bill cầu nhầu:
- Tôi sẽ nói lớn theo ý tôi thích. Và xét cho cùng tôi là thuyền trưởng tầu này. Thôi cô bé đừng nói dóc là người chỉ huy trách nhiệm tụi trẻ này. Cô cũng chẳng lớn tuổi hơn nhiều đứa trong bọn.
Karen đáp lời một cách khô khan:
- Nếu ông thuyền trưởng điều khiển được tầu bằng tôi điều khiển các em này, chắc chúng ta sẽ tới được Palestine trong vài giờ nữa.
Bill gãi râu, mỉm cười:
- Cô có vẻ là một cô bé khá đấy. Nếu cô cần cái gì, cứ việc lên đài chỉ huy kiếm tôi. Dĩ nhiên lúc ấy phải nói với tôi bằng một giọng khác nghe.
- Xin cám ơn thuyền trưởng.
- Á à, được rồi đấy! Rồi, cứ gọi tôi là Bill, như thế tiện hơn. Dẫu sao chúng ta cũng là cùng một gia đình mà.
Ông khẽ chào nàng rồi đi lên. Karen nhìn theo, nhận thấy những ánh sáng đầu tiên của bình minh. Bây giờ tầu Karpathos đã đầy hành khách, với con số cao hơn là những kẻ đã đóng ra tầu này trù liệu. Một ngàn sáu trăm người ép chặt, nhồi nhét như cá hộp. Mái trục neo kêu cót két kéo neo lên, và các động cơ cổ lỗ sau khi khục khặc một hồi, rồi cũng bằng lòng chạy. Nhờ một dải sương mù che chở, chiếc tầu rời xa bờ biển nước Pháp, đạt dần tới vận tốc tối đa là bảy gút một giờ. Tầu đã rời hải phận nước Pháp, phiêu lưu vào đại dương. Mossad đã thắng hiệp thứ nhất! Lá cờ xanh trắng của quốc gia Do Thái tương lai được kéo lên cột và một tấm bạt được đóng lên trên bảng tên cũ: tầu Karpathos đã trở thành Ngôi sao David.
Cuộc viễn hành chưa chi đã cho thấy là vất vả. Chiếc tầu nhỏ lắc lư một cách thảm hại, và trong những khoang tầu đầy người không quạt máy thông hơi, chỉ trông thấy những bộ mặt tái mét. Với sự trợ giúp của toán Palmachnik, Karen phân phát nước chanh và vải lạnh để ngăn ngừa một cơn nôn mửa tập thể. Nàng còn tìm thấy thì giờ để hát, tổ chức các trò chơi, kể chuyện - cách hay nhất để cho các trẻ con khỏi bị cơn sợ xâm chiếm.
Tuy vậy, đến buổi trưa hơi nóng và sự thiếu không khí trở thành không thể chịu nổi nữa. Đàn ông cởi trần, đàn bà chỉ còn mặc nịt vú, và trong bóng tối lờ mờ, các thân thể như được tráng bằng mồ hôi. Có nhiều vụ ngất xỉu, những kẻ nào lâu tỉnh, được di chuyển lên boong tầu, nhưng các kẻ khác phải ở trong hầm tầu nồng nặc: có thể nói là không có đủ chỗ cho tất cả mọi người ở phía trên.
Sau cùng, mặt trời lặn và một cơn gió mát lọt qua các cửa tròn vào tầu. Karen kiệt lực, thiếp vào một giấc ngủ chập chờn những giấc mơ hỗn độn. Một tiếng sấm dữ dội làm nàng giật mình thức dậy. Ngửng đầu lên, nàng ngạc nhiên thấy trời đã sáng. Thèm khát một làn gió trong sạch, nàng len lén tìm đường tới thang và leo lên boong. Hàng trăm tay chỉ lên trời đang có một oanh tạc cơ lớn bốn động cơ bay lượn vòng quanh tầu.
- Phi cơ Anh! Một chiếc Lancaster!
Chưa chi máy phóng thanh đã gào lên:
- Mọi người hãy về chỗ. Giữ bình tĩnh. Không có gì nguy hiểm hết.
Ba giờ sau, một chiếc tuần dương hạm Anh, chiếc Defiance xuất hiện ở chân trời và lao thẳng về phía Ngôi sao David. Tiếp theo, một khu trục hạm hình nét thanh lịch, chiếc Blakeley đến nhập đoàn. Bây giờ hai chiến hạm Anh cặp kè lấy chiếc tầu nhỏ vẫn tiếp tục tiến theo nhịp độ lịch cà lịch kịch. Bill Fry nói mỉa mai qua máy phóng thanh:
- Sau hết chúng ta đã gặp đoàn họ tống Hoàng gia rồi đó.
Theo luật chơi chính thức, ván bài đã kết liễu. Mossad đã cho thêm một chiếc tầu ra khơi và hạm đội Anh đã biết chặn được và theo sát. Ngay khi Ngôi sao David tiến vào hải phận Palestine, người Anh sẽ gửi một toán xung kích chiếm tầu rồi kéo đưa về hải cảng Haifa.
Trên boong tầu Do Thái, các dân chửi rủa hải quân Anh và nguyền rủa Bevin. Họ kéo một băng vải lớn mang hàng chữ sau: HITLER ĐÃ ÁM SÁT CHÚNG TÔI, NHƯNG NGƯỜI ANH KHÔNG CHO PHÉP CHÚNG TÔI ĐƯỢC SỐNG. Như đã chờ đợi sẵn những chuyện như vậy, các chiến hạm coi như không biết tới lời chửi rủa và vẫn tiếp tục lộ trình bao giờ cũng song song với Ngôi sao David.
Sau khi trấn an được các đứa trẻ “của” nàng, Karen leo lên đài chỉ huy. Nàng tìm thấy Bill Fry đang ở trong buồng lái uống cà phê và nghe - bằng một tai - một bài diễn văn hăng hái của thanh niên chỉ huy toán Palmachnik. Đột nhiên, ông đặt ly xuống, la:
- Chúa tôi! Về tài nói, quả thực thiên hạ chỉ đáng xách dép cho dân Do Thái chúng ta thôi. Này, anh chàng trẻ nghe đây: Các lệnh được làm ra không phải để bàn cãi mà là để tuân hành. Các anh làm thế cóc nào đạt đến kết quả khi các anh để tốn bao nhiêu thì giờ bàn cãi như vậy? Dầu sao, có phải tôi là người chỉ huy tầu này hay là không đây!
Thanh niên Palmachnik không hề bối rối vì câu nói ấy. Anh tiếp tục nhắc lại các lý lẽ và khai triển chúng một cách tóm tắt trước khi đi ra. Bill cố nén một tiếng rủa, châm mẫu xì gà và bây giờ chịu để ý tới sự có mặt của Karen.
- Chào cô bé! Một tí cà phê chăng?
- Xin vâng.
- Trong cô có vẻ mệt đấy.
- Với lũ trẻ, tôi ít có dịp được ngủ. Chính vì vấn đề con em mà tôi đến gặp ông. Nhiều đứa bị đau nặng. Cũng có nhiều phụ nữ mang thai ở dưới đó nữa.
- Tôi biết, tôi biết.
- Tôi cho rằng phải cho họ luân phiên nhau lên trên boong tầu.
Nhăn mặt, Bill chỉ đám đông dầy dặc người dưới chân đài chỉ huy.
- Cô muốn tôi đặt họ vào cái chỗ nào nữa đây? Hả?
Karen năn nỉ:
- Ông có thể tìm thấy hai hay ba trăm người tình nguyện nhận xuống hầm tầu vai giờ.
- Nghe đây cô bé. Tôi muốn làm vui lòng cô lắm, nhưng tôi đang có cả triệu mối lo đây. Chắc chắn đây không phải là lúc chuyển chỗ hàng trăm người như thế trên chiếc tầu khốn khổ này.
Karen bình tĩnh nói:
- Tôi sẽ đi xuống đưa các trẻ em lên boong.
Nàng đi ra cửa. Bill đưa các ngón tay vào bộ râu:
- Làm gì vội thế nào! Cô bé sao vậy? Vừa mới ngoan ngoãn như mèo, một lúc sau đã giơ nanh vuốt cọp cái ra rồi. Thôi cô bé đừng có nóng, bọn tôi sẽ thu xếp kiếm chỗ cho lũ nhóc của cô trên boong. Trời! Lại bàn cãi, lại bàn cãi tới lui hoài! Tôi chán ngấy rồi đó!
Một giờ sau Karen đã có thể đưa trẻ con lên ở phần boong tầu mà thuyền trưởng đã cho di tản người đi. Được khí trời tươi mát làm phục hồi, chúng ngủ yên.
Ngày hôm sau, bình minh lên, trên mặt bể nhiều váng dầu. Dĩ nhiên là hai chiếc DefianceBlakeley vẫn tiếp tục “hộ tống”, và nhiều lần, các oanh tạc cơ bay trên bầu trời tươi đẹp. Vào quá trưa một chút, việc loan báo chỉ cách Eretz Israel - xứ của Isral - có hai mươi tư giờ nữa đã tạo sự rùng mình trong đám di dân, từ đài chỉ huy xuống đến hầm tầu. Nhưng trước khi mặt trời lặn, chiếc Blakeley lái nghiêng một chút để lại gần tầu Ngôi sao David. Qua máy phóng thanh của chiến hạm, một giọng nói mạnh, giọng Anh một cách thái quá, gọi chiếc tầu hơi nước nhỏ bé.
- Đây là hạm trưởng Cunnigham của Blakely. Tôi muốn nói với thuyền trưởng tầu chở di dân.
Fry la lên bằng giọng trầm:
- Quý ông muốn gì?
- Chúng tôi có ý định gởi một đại diện sang bên đó để trình bày...
Fry ngắt lời:
- Vô ích. Các ông có thể nói ngay bây giờ. Chúng ta anh em bốn biển là nhà cả. Giữa chúng ta, không có gì bí mật hết.
- Cũng được nếu ông muốn. Chừng một hay hai giờ sau nửa đêm, các ông sẽ vào hải phận Palestine. Lúc đó chúng tôi sẽ lên tầu ông, móc dây kéo và đưa tầu về Haifa, Chúng tôi muốn được biết các ông nhượng bộ hay là chống lại.
- Allo... Cunnigham, ông nghe rõ tôi không! Đây là tình hình tầu tôi: chúng tôi có nhiều người bệnh và đàn bà mang thai. Chúng tôi rất sung sướng nếu các ông lo dùm cho.
- Chúng tôi không có chỉ thị về vấn đề này. Tôi nhắc lại câu hỏi: các ông có chịu chúng tôi kéo tầu không có hay không?
- Các ông đưa chúng tôi về đâu nhỉ?
- Về Haifa.
- À há! Đi hướng đó thì hơi lệch lộ trình bọn tôi rồi đó. Nhất là đối với chiếc du thuyền đang rong chơi ngũ hồ này.
- Chúng tôi sẽ bắt buộc lên tầu ông bằng vũ lực.
- Này ông Cunnigham... Xin ông nói với các sĩ quan và thủy thủ của ông hãy đi chỗ khác chơi cho được việc!
Đêm đến. Không ai nghĩ đến chuyện ngủ. Tất cả mắt đều cố xuyên qua bóng đêm, trong hy vọng thấy bờ biển - miền Đất Hứa. Nhưng sương mù che phủ tầu, các đám mây che khuất mặt trăng và các vì sao.
Vào nửa đêm, một Palmachnik ra dấu gọi Karen vào phòng lái. Dưới ánh sáng xanh nhạt yếu ớt của hộp đựng địa bàn, nàng nhận được ra khoảng hai mươi người, toàn thể thủy thủ đoàn và các cấp chỉ huy của Palmach. Nàng đoán ra đôi vai chắc của Bill Fry gần bánh lái.
Thuyền trưởng cất tiếng:
- Tất cả mọi người có mặt rồi chứ? Tốt. Bây giờ chú ý nghe tôi đây, thời tiết ngoài khơi Palestine đang rất xấu, mù mịt. Chúng ta có sương mù dầy dặc đến độ lấy dao mà cắt ra được. Hơn nữa, chúng ta đã cho đặt thêm trong phòng máy một động cơ phụ cho phép đưa tốc độ tầu lên mười lăm gút. Khoảng hai giờ nữa chúng ta sẽ vào hải phận Palestine. Nếu vào lúc ấy còn sương mù, chúng ta sẽ được ăn cả ngã về không, nghĩa là lao thẳng tầu cho mắc cạn luôn ở ngày phía nam Césarée.
Có tiếng thì thào, kêu lên nho nhỏ.
- Thuyền trưởng có tin là chúng ta thoát được các chiến hạm không?
- Tôi tin là thoát. Trong một giờ nữa họ sẽ thấy chúng ta là Chim Xanh.
- Còn làm sao thoát radar? Họ theo dõi chúng ta trên các màn radar.
- Đó là cái chắc. Nhưng ngược lại, họ không thể theo chúng ta đến cách bờ vài ba sải được. Họ không dám liều để mắc cạn một tuần dương hạm đâu.
- Còn các đạo quân Anh đồn trú ở Palestine?
- Chúng tôi đã liên lạc vô tuyến được với Palmach. Các đồng đội của các bạn đang chờ chúng ta. Tôi có cảm tưởng là quân Anh đêm nay không thiếu trò giải trí đâu. Các anh, với tư cách các cấp chỉ huy, các anh đã nhận được ở La Ciotat một huấn lệnh đặc biệt về loại đổ bộ này rồi. Còn về cô bé Karen này cùng hai cô nữa chỉ huy các toán, các cô chờ lệnh của tôi. Có thắc mắc gì không?
Không ai trả lời.
- Không có phản đối, khiếu nại gì sao?
Mọi người vẫn im lặng. Fry lầu nhầu kêu lên:
- Các anh chị làm tôi phục nhiều đây! Không có cả một vụ bàn cãi nho nhỏ sao? Thật khó tin quá. Rồi, chúc tất cả may mắn và xin ơn trên che chở cho các anh chị!
Chú thích:
[1] Quai D’orsay: địa danh thường được dùng để chỉ Bộ ngoại giao Pháp.
[2] Madone: hình ảnh Đức Mẹ bồng Chúa hài đồng.