Chương 10

     ợt sóng đi cư thứ ba tiến vào các thung lũng Jezreel và Sharon, trải rộng trong vùng Samarie, len lõi vào giữa các quả đồi vùng Galilée và Judée, phiêu lưu xuống phía nam, hướng về sa mạc. Các người khai hoang mang theo tới tận nơi lập nghiệp các trang bị nặng, du nhập các nguyên tắc canh tác tăng cường và luân canh, các phân bón hóa học, dẫn thủy nhập điền trên một kích thước rộng lớn. Ngoài việc sản xuất truyền thống các bưởi bòng và ô-liu, họ trồng thêm lúa mì và rau cỏ, đây, nuôi gà và kỹ nghệ sữa. Họ tiến đến tận bờ Tử hải, chiếm các phần đất còn mặn muối biển, không thể trồng trọt gì nổi từ bốn mươi ngàn năm, để rồi vẫn cứ thu hoạch được hoa mầu từ phần đất đáng nguyền rủa đó.
Năm 1925, hơn năm chục ngàn Do Thái, phân phối trong hàng trăm nông trường, đã khai thác hơn một nửa triệu dounam khai hoang được từ một xứ đã bị bỏ hoang phế từ lâu. Đa số trong họ đều mặc thứ y phục xanh da trời của các kibboutz. Họ đã trồng hơn một triệu cây. Trong mười, hai mươi, ba mươi năm nữa, những cây đó sẽ chiến thắng dứt khoát được hiện tượng đất đai bị sói mòn.
Trồng cây đã trở thành một ám ảnh đối với những người khai hoang. Từ đầu đến cuối xứ sở họ vạch ra cả một vòng dai rộng xanh tươi.
Rõ ràng là phong trào kibboutz, phát sinh từ các nhu cầu của xứ Palestine, đã là giải pháp cho vấn đề phục quốc. Nhất là các nông trường tập thể bây giờ đã đủ nhiều để hấp thụ được hàng ngàn người di cư tới sau. Dẫu sao cũng có nhiều người cảm thấy mình không thể thích ứng với loại đời sống này: nhiều người phụ nữ sau khi đi đòi được độc lập cho phụ nữ, đã hối tiếc là đã đòi được; nhiều kẻ quá cá nhân chủ nghĩa không thể chịu nổi đời sống quá tập thể, nhiều gia đình không đành lòng trao phó con cái cho nhà nuôi trẻ. Tuy vậy lý do khước từ chính yếu vẫn là sự kiện người khai hoang không sao đồng nhất mình nổi với khoảng đất mà họ có thể coi như sở hữu chủ. Vì thế sau cùng một nhóm ly khai đã tách ra khỏi phong trào kibboutz để thành lập một tổ chức xã hội mới gọi là moshav. Trong các nông trường moshav, mỗi người đều có đất riêng, canh tác riêng và ở nhà riêng. Nhưng mọi người vẫn duy trì quyền sở hữu tập thể cho các đồ trang bị nặng, cũng như duy trì một ban quản trị chung cho các dịch vụ công ích và mại mãi.
Một buổi chiều năm 1924, trở về nhà sau một tuần lễ làm việc mệt nhoài ở “Trung ương” phục quốc, Barak ngạc nhiên thú vị khi thấy ngồi trong phòng khách ông bạn già Kammal, mouktar của làng Abou Yesha, Kammal nói:
- Từ nhiều năm nay, tôi tuyệt vọng tìm kiếm một phương cách để giúp dân tôi ra khỏi các khốn cùng mà anh đã biết. Tôi là nhận thấy một điều hiển nhiên: chưa có ở nơi nào những kẻ bóc lột người tồi tệ hơn là các effendi Ả Rập. Họ không hề muốn cải thiện đời sống của các fellah... tiến bộ nào cũng có thể coi như đe dọa sự giàu sang phú quý của họ cả. Một mặt khác, tôi đã thấy những người Do Thái trở lại xứ này và làm được các phép mầu. Chúng tôi chắc chắn là không có gì chung với người Do Thái rồi: tôn giáo không, ngôn ngữ không, hình dáng bề ngoài cũng không nữa. Hơn nữa, tôi còn tự hỏi một ngày kia người Do Thái dám chiếm hết đất xứ này không biết chừng. Dầu thế, những người Do Thái lại là lối thoát khả dĩ duy nhất cho những người Ả Rập. Từ ngàn năm nay, người Do Thái là những kẻ duy nhất đã mang ánh sáng lại cho cái xứ cằn cỗi này.
- Kammal, tôi hiểu anh khổ tâm đến mực nào khi thú nhận như thế...
- Anh để tôi nói tiếp. Nếu Ả Rập và Do Thái có thể sống nổi với nhau hòa thuận mặc dù tất cả những gì đang chia rẽ chúng ta, thì người Ả Rập về lâu về dài sẽ được hưởng công trình người Do Thái đã thực hiện. Chính vì thế tôi đã có một quyết định trọng đại: tôi có ý định bán cho Quỹ Lập Nghiệp của các anh vùng đất ven hồ Honleh mà anh vẫn ao ước từ lâu đấy.
Barak thấy tim mình nhảy nhanh hơn. Kammal nói tiếp:
- Vụ bán này không hoàn toàn là do hảo tâm. Tôi sẽ đưa ra các điều kiện của tôi. Các anh phải cho phép dân Ả Rập làng tôi được học các phương pháp vệ sinh và canh tác của các anh. Các anh cũng phải chấp nhận cho vào trường các anh những đứa có khiếu nhất để chúng có được một nền học vấn tối thiểu.
- Về hai điểm này, anh sẽ được thỏa mãn hoàn toàn.
- Tôi chưa nói hết. Còn điều kiện thứ ba nữa: chính anh phải tới cư ngụ trong nông trường mới ấy.
Barak vuốt râu:
- Tôi? Tại sao phải là tôi?
- Ngày nào anh còn ở với chúng tôi, tôi biết là các điều kiện trên sẽ được tôn trọng và chúng ta sẽ giữ được tình láng giềng tốt. Tôi tin ở anh ngay từ ngày đầu tiên anh tới Abou Yesha, khi anh còn là một chàng trai mới lớn. Nghĩa là cách đây hơn ba mươi năm rồi.
Barak lầu nhầu:
- Xin cám ơn anh. Nhưng anh để cho tôi thì giờ suy nghĩ đã.
Sarah hỏi:
- Mình định trả lời bác Kammal ra sao?
Barak nhún vai:
- Chắc chắn là trả lời không rồi. Thật đáng tiếc, dĩ nhiên... Trong biết bao nhiêu năm anh đã cầu xin bác ta ban cho chúng ta phần đất ấy, và bây giờ... nếu anh từ chối tới lập nghiệp ở đó thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được vùng đất ấy hết. Nhưng phải nhìn thẳng vào sự thực mới được. Ở trung ương, mọi người cần có anh. Anh chưa thể quy khứ lai từ được...
Sarah tán thành:
- Em hoàn toàn hiểu anh. Không có anh, tổ chức phục quốc sẽ ra sao nhỉ?
- Vậy đó! Chưa kể đến sự kiện anh đã quá năm mươi rồi, và công tác khẩn hoang vùng đó sẽ là một cuộc đội đá vá trời...
- Anh nghĩ phải đó. Không ai ở tuổi anh mà tình nguyện đi làm người khẩn hoang hết. Vả lại mình đã đóng góp đủ vào việc xây dựng xứ này rồi.
Chàng thở dài, ngừng đi đi lại lại trong phòng, ngồi phịch xuống ghế bành. Sarah lại gần, nghiêng người về phía chồng. Nàng mỉm cười. Barah la:
- Em, em đang chế nhạo anh. Vì cớ gì vậy!
Nàng lướt nhẹ ngồi lên lòng chồng và Barah vuốt tóc nàng với một dáng điệu êm dịu không ai có thể ngờ là có được ở một người to lớn như chàng. Chàng nói nhỏ:
- Anh chỉ nghĩ tới em, tới em và tới con. Công việc sẽ nặng nhọc lắm, đời sống khó khăn, hết sức khó khăn...
- Im đi nào mình. Uống trà đi...
Barak xin từ chức ở Quỹ Lập Nghiệp Do Thái, bán căn nhà đẹp ở Tel Aviv rồi đứng đầu hai mươi lăm gia đình khai hoang nữa, lên đường tới vùng đầm lầy Honleh. Chàng sẽ thành lập một moshav đặt tên Yad El, Bàn tay của Chúa.
Họ dựng lều ở mạn dưới các cánh đồng của làng Abou Yesha và thiết lập một chương trình làm việc. Trong tất cả những người khai hoang này, chưa có ai đương đầu với một công cuộc gay go như thế bao giờ. Các đầm lầy Honleh không dò nổi, phủ đầy cả một rừng bụi rậm cùng các cây cao cả năm thước. Trong bùn lúc nhúc rắn độc, bò cạp, chuột. Trong các quả đồi chung quanh, đầy lợn lòi và chó sói. Đồ trang bị, dụng cụ, thực phẩm và cả đến nước uống cũng đều phải dùng lừa chở tới..
Sarah điều khiển tại căn cứ, phòng y tế, bếp núc. Barak chỉ huy các ê-kíp ngày nào cũng như ngày nào, dưới ánh mặt trời tàn bạo, ngâm người đến tận thắt lưng và đôi khi đến tận vai vào nước hôi thối để đào những mương dẫn thủy đầu tiên. Đàn bà cùng làm việc với đàn ông, và ba đứa trẻ của nông trường, dưới quyền điều động của Ari Ben Canaan mới được mười tuổi lúc đó, lo việc mang đổ các thùng bùn và tiếp tế thức ăn. Mọi người làm việc bảy ngày trong một tuần, từ tinh sương đến mờ tối, và đêm đến lại còn phải thay phiên nhau gác vì có thú dữ và trộm cướp.
Ngay từ lúc đầu, đã là một cuộc chạy đua với thời gian rồi: các mương dẫn thủy phải được hoàn tất trước khi mùa mưa tới, nếu không tất cả nỗ lực của mùa hè sẽ bị tiêu tùng hết. Mọi người trồng hàng trăm cây khuynh diệp Úc để chúng hút nước đi. Để trợ giúp cho các người khai hoang, các kibboutzmoshav đều gửi người đến giúp mỗi khi có thể được.
Các cơn mưa đầu mùa đông suýt nữa cuốn trôi các lều. Sau mỗi trận mưa lớn, đàn ông đàn bà lại ùa ra để chữa các ống thoát nước bị bùn đóng nghẹt. Chưa chi, ngay cả đến Barak Ben Canaan, khối gân và bắp thịt ấy, cũng bắt đầu tự hỏi phải chăng lần này, họ đã không biết lượng sức mình. Mỗi khi nhìn vợ nhìn con mặt bị muỗi đốt sưng vù, yếu đi vì bệnh kiết, chàng có cảm tưởng như tim mình ứa máu. Nhưng thiên tai tồi tệ nhất, đó là bệnh sốt rét, bệnh của các đầm lầy. Trong sáu tháng đầu tiên, Sarah bị lên cơn sốt năm lần, Ari bốn và lần nào cũng tưởng là chết luôn. Dầu vậy không bao giờ họ than thở hay làm một biểu lộ nào chứng tỏ họ đã hối tiếc là đã tới nơi lam sơn chướng khí này.
Tuy thế đầm lầy đã đập vỡ tan nhiều cương nghị. Sau một năm, một nửa nhóm người nguyên thủy đã bỏ cuộc và lên đường trở về thành phố để sống một cuộc đời đỡ vất vã hơn. Chưa chi nông trường đã có nghĩa trang: bệnh sốt rét đã mang đi hai người.
Họ mất ba năm - ba năm chiến đấu không ngừng - để chiến thắng các đầm lầy. Sau thời gian này, các mặt đất đã đủ khô để đạc điền thành hai mươi lăm nông trại, mỗi trại hai mươi mẫu. Mọi ngươi không mất thì giờ để ăn mừng thành công đầu tiên này: cần phải gieo hạt ngay, xây cất nhà cửa và vựa lẫm.
Ari, hoàn toàn chiến thắng bệnh sốt rét, đã trở thành cứng cáp như sỏi đá. Mới mươi bốn tuổi, chàng đã có sức mạnh cùng khả năng chịu đựng của một người lớn.
Khi gia đình Ben Canaan đã dọn vào ở bungalow của mình, các đồng ruộng đã cày bừa xong, Barak được hưởng phần thưởng của ba năm cố gắng vượt sức con người: Sarah báo tin nàng lại có mang. Và đến cuối năm thứ tư, trong khi những khai hoang xay thóc mùa gặt đầu tiên ở Yad El, Sarah sinh đứa con thứ hai, một đứa con gái tóc óng ả, hung đỏ, giống hệt như tóc bố.
Bây giờ sau hết mọi người có thể cho phép mình nghỉ ngơi vài ngày và ăn mừng chiến thắng kỳ diệu. Và quả là một vụ ăn mừng! Từ khắp vùng kéo tới những đàn ông đàn bà thuộc các kibboutz và moshav đã từng trợ giúp cho nông trường mới này, còn từ làng Abou Yesha tới là các người Ả Rập do Kammal hướng dẫn. Trong một tuần lễ liền, mọi người nhảy điệu hora quanh các đám lửa trại. Ai cũng muốn ngắm nghía bồng bế con gái của Sarah và Barak, được đặt tên là Jordana để tưởng nhớ con sông chảy dọc theo Yad El.
Bỏ dở buổi lễ, Barak thắng yên hai con ngựa để đi cùng Ari lên chỗ mà bốn mươi năm về trước, chàng đã qua đó vào xứ Palestine. Đứng từ trên đồi cao, nhìn xuống thấy các cánh đồng, nhà cửa và các con đường của nông trường mới. Barak nói.
- Bố đã đưa mẹ con tới đây trước khi cưới...
Chàng vòng cánh tay ôm lấy đôi vai lực lưỡng của con.
- Một ngày kia tất cả thung lũng này sẽ được khai hoang, đồng lầy và sỏi đá sẽ biến thành thiên đàng dưới thế.
Các ống tưới nước tròn xoay tung ra một làn nước rẽ quạt. Một ngôi trường sắp làm xong ở giữa các thảm cỏ và các luống hồng. Một kho lẫm lớn chứa khoảng chục chiếc máy kéo và máy gặt. Chỉ có một vết đen duy nhất trong bức tranh tiến bộ hòa bình này, đó là nghĩa trang với dãy năm ngôi mộ.
Các hy vọng của Kammal, mouktar của làng Abou Yesha không bị thất vọng: việc thành lập Yad El có những tác động thần diệu với đời sống dân làng ông. Trung thành với lời hứa, Barak đã cho thành lập các trường đặc biệt trong đó thanh thiếu niên Ả Rập được học những nguyên tắc vệ sinh tân tiến, cách sử dụng các nông cụ cơ giới, các phương pháp canh tác tăng cường. Cũng như viên y sĩ và nữ điều dưỡng của Yad El cũng phục vụ cho cả người Ả Rập.
Đứa con cưng nhất của Kammal, Taha, trở thành người được gia đình Ben Canaan bảo trợ. Kammal đã truyền thụ lại cho Taha lý tưởng của mình: làm việc để cải thiện đời sống của các fellah. Đến nỗi rằng vị xã trưởng tương lai của Abou Yesha sống trong nông trường Do Thái nhiều hơn sống trong làng mình. Ari hơn Taha vài tuổi, đã kết bạn với Taha và đi đâu mọi người cũng thấy có hai người với nhau.
Tuy vậy, cái minh chứng tỏ Do Thái và Ả Rập có thể sống và làm việc cạnh nhau trong hòa thuận này không làm hài lòng tất cả mọi người. Đa số những effendi giàu đã bắt đầu sợ hãi điều mà dưới mặt họ, là một cái gương tầy trời đáng lo. Các đặc quyền của họ rồi sẽ ra sao nếu các fellah đòi hỏi quyền được đi học, đòi có các cơ sở vệ sinh, săn sóc y khoa? Nếu họ nghĩ tới - ý tưởng ghê khiếp thay! - việc bắt chước những tên Do Thái đáng nguyền rủa kia, những kẻ cai trị nhau theo phương pháp dân chủ và cho cả đàn bà quyền bỏ phiếu? Như vậy chắc sẽ là sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ phong kiến phụng sự rất tốt - cho quyền lợi của các effendi!
Để chống lại các tiến bộ của công cuộc khẩn hoang Do Thái, các effendi biết rằng họ có thể trông cậy ở sự ngu dốt, sợ hãi mê tín cùng lòng cuồng đạo của các nông dân Ả Rập. Mufti Hadj Amine, về phía ông, cũng nghĩ như thế. Dẫu sao ông cũng án binh bất động từ lâu quá rồi. Bây giờ, năm 1929, ông cho rằng đã đến lúc thuận tiện để hành động,
Địa điểm có giáo đường Omar ở Jérusalem được toàn thể thế giới Hồi giáo sùng kính như là nơi vị tiên tri đã thăng thiên. Vậy mà cũng tại địa điểm này có Bức Tường Than Khóc nổi danh, di tích sau cùng của ngôi đền thờ lớn của Do Thái đã bị quân La Mã phá hủy vào năm 70 trước TL. Những người Do Thái sùng tín thường đến tưởng niệm trước tường, để cầu nguyện và khóc cho sự huy hoàng đã mất của Vương quốc Israel.
Mufti Amine liền cho phổ biến các bức hình ngụy tạo trong đó mọi người thấy, trước Bức Tường Than Khóc những người Do Thái sắp sửa “báng bổ” thánh địa của giáo đường Omar. Cơn cuồng đạo của Hồi giáo lập tức bùng ra ngay. Dân chúng Ả Rập lại tấn công các ông già súng đạn vô phương tự vệ của các thành phố thánh, nhưng lần này các cuộc tàn sát đạt tới các tỷ lệ ghê gớm hơn các pogrom do chính mufti này tổ chức mười năm về trước nhiều. Các cuộc tàn sát cũng tràn đến cả một vài kibboutz nhỏ kém trang bị, nên con số người chết của hai bên lên tới nhiều nghìn người. Còn về người Anh, một lần nữa họ lại hầu như không sao phục hồi trật tự.
Ngược lại, họ chỉ định một ủy ban điều tra. Ủy ban này, sau khi qui trách nhiệm cho người Ả Rập mà thôi, đi đưa tới một kết luận không ai ngờ: bất cần cả bản Tuyên ngôn Balfour lẫn các điều khoản trong bản văn ủy trị, ủy ban khuyến cáo nên hạn chế nghiêm khắc việc nhập nội của Do Thái cùng việc mua đất “để làm giảm sự lo ngại của người Ả Rập”.