Chương 12

     ười bảy tuổi, Ari Ben Canaan cao một thước chín mươi lăm và khỏe như voi. Ngoài hébreu và tiếng Anh, chàng cũng thông thạo Ả-rập, Đức, Pháp cùng bập bẹ nói được Yiddish, ngôn ngữ mà bà mẹ đã xử dụng mỗi khi bà nổi cơn giận.
Vị hôn thê của chàng là Dafna đã nẩy nở thành một cô gái khỏe mạnh, vui tính, đầy duyên dáng... Và sống chỉ cho chàng mà thôi... Chắc chắn là họ sắp cưới nhau đến nơi. Tuy vậy, tình hình càng căng thẳng thêm ở Palestine, họ càng có ít thì giờ để gặp nhau. Là đoàn viên nhiệt thành của Haganah, Ari đã chứng tỏ các khả năng đặc biệt đến nỗi Avidan coi chàng như một trong những nguồn hy vọng của quân lực Do-thái tương lai. Sự kiện này không có gì ngạc nhiên hết: đa số các quân nhân ưu tú đều chưa đến tuổi trưởng thành.
Trong cơ ngũ của mình, Ari từng tổ chức cho năm hay sáu kibboutz. Sau đó một thời gian, khi Mossad bắt đầu đánh phá phong tỏa mặt biển, thượng cấp chỉ định chàng chiếm giữ tại các bãi biển, nơi các tầu đưa người di cư đổ bộ xuống. Chàng cũng lo đưa di dân tới các nông trường trà trộn với các nông dân, cùng thu thập các sổ thông hành của các di dân được nhập nội chính thức Palestine để phân phối lại cho các Do-thái bất hạnh còn kẹt ở Âu châu.
Mỗi khi chàng được rảnh vài ba hôm, chàng điện thoại về Yad El, và ngay lập tức Dafna lên đường đi Tel-Aviv, bằng ngựa, bằng cách quá giang xe hơi hay đi bộ để tới gặp chàng. Hai người đi nghe nhạc của Ban đại hòa tấu mới thành lập mà buổi trình diễn đầu tiên đã được hân hạnh do Toscanini điều khiển. Họ đi thăm các triển lãm hội họa, dự các buổi diễn thuyết, hay chỉ lang thang trên các đường phố Yehuda và Albenby, giữa các quán cà-phê bàn ghế bầy ra đến tận vỉa hè. Mỗi lần được gặp gỡ, sung sướng càng thêm mãnh liệt và lúc chia tay càng thêm đau buồn. Ari không muốn cưới vợ trước khi có được một nông trại riêng để xây dựng tổ ấm. Nhưng tình hình mỗi ngày một trầm trọng, và công vụ trong Haganah mỗi ngày đòi hỏi thêm nhiều thời gian, chàng tự hỏi ước mong đó liệu một ngày kia có thực hiện được hay không nữa. Họ yêu nhau điên cuồng và không còn chịu đựng nổi nữa. Bởi vậy một đêm - Ari đã mười chín và Dafna mười bẩy - nàng hiến thân cho chàng. Kể từ giờ, trong những giờ khắc riêng tư hiếm hoi mà các biến cố còn cho phép, họ ngây ngất khám phá ra hạnh phúc được thuộc về nhau.
Nếu đợt di cư thứ hai đã mang vào Palestine các người lý tưởng và những người chỉ huy lãnh đạo, đợt thứ ba mang lại những người khai hoang, thì đợt thứ tư, gồm toàn Do-thái Đức, đã mang lại cho cộng đồng Do-thái một thúc đẩy lớn về văn hóa và khoa học. Trước các tiến bộ không ngừng của sự khẩn hoang Do-thái, các effendi hoảng hốt - hoảng sợ cho đến nỗi rằng đây là lần đầu tiên trên đời, họ quyết định bỏ qua các tranh chấp nội bộ để gây một áp lực mạnh hơn nữa đối với người Anh. Vụ gây áp lực này sớm thấy hiệu quả. Đến mùa xuân năm 1936, khi cơ cấu trung ương phục quốc xin nhiều ngàn chiếu khán cho rất nhiều nam nữ đang bị cơn điên khùng của Hitler đe dọa tới tính mạng, Luân-đôn chỉ chấp thuận cho chưa tới một ngàn.
Vị mufti không cần nhiều hơn thế để lại tiếp tục tấn công. Các rối loạn xẩy ra ở Jaffa, nơi các tay xách động tuyên truyền cả quyết rằng ở Tel-Aviv, người Do-thái đã bắt cóc các người Ả-rập đem giết đi. Đồng thời mufti tuyên bố thành lập một “Ủy ban Ả-rập Tối cao” đặc trách việc tổ chức một cuộc đình công toàn diện để chống lại thái độ “thân Do-thái” của người Anh. Thực ra, tàn sát và đình công chỉ là một mặt ngoài che giấu cho các tay giết mướn chuyên nghiệp đi thanh toán một cách có hệ thống những nhân vật Ả-rập nào chống lại với đường lối chính trị của mufti.
Cũng vì thế mà Kammal, mouktar của làng Abou Yesha là bạn chung thủy của Barak Ben Canaan, đã trả giá bằng mạng sống của mình do các liên hệ láng giềng mà ông đã duy trì với các nông trường Do-thái. Các tay sát nhân của mufti tìm thấy ông đang cầu nguyện trong giáo đường nhỏ ven giòng suối - và chúng đã cắt cổ ông. May mắn thay người con trai là Taha lại trốn thoát được, chạy sang nhà Barak và sống tại đó trong an toàn.
Lần này sự khủng bố đã đưa tới tổng đình công bắt buộc cùng sự tẩy chay của người Do-thái: tình hình toàn xứ lâm nguy. Không còn tìm thấy người mua, dân Ả-rập để các hoa mầu của mình thối ủng ngoài đồng. Hải cảng Jaffa bị tê liệt, thương mại trong thành phố đình chỉ. Dĩ nhiên là trong các bài giảng, mufti đổ hết trách nhiệm cho người Do-thái, và các dân Ả-rập, trước thảm họa mỗi ngày một lớn, đã buông thả cho cơn giận dữ của mình. Bây giờ họ táo bạo đến độ tung ra các cuộc dạ kích chống các nông trường Do-thái, đốt phá nhà cửa, cướp thực phẩm mang đi. Khi các toán Ả-rập này bắt gặp một người Do-thái đi một mình, chúng giết ngay, chặt đầu chặt chân, moi mắt người đó.
Mặc dù các tàn bạo dã man này, Haganah, dưới quyền chỉ huy của Avidan, vẫn giữ được thái độ hoàn toàn phòng thủ. Ngược lại, các Macchabée của Akiba cố gắng hòn đá ném đi thì hòn chì ném lại. Vị trí của họ rất khó khăn: bị người Anh đặt ra ngoài vòng pháp luật, họ bắt buộc phải rút lui về ba thành phố Tel-Aviv, Jérusalem và Haïfa - nơi mà các đường phố ngõ hẻm cùng đám đông tạo thành những “bưng biền” rất tốt. Mặc dù “Trung ương” đã hoàn toàn phủ nhận các Macchabée, rất nhiều đoàn viên phục quốc lại tán đồng hoạt động của Akiba một cách bí mật.
Bây giờ toàn thể Hồi giáo vang lên những kêu gọi điên cuồng của mufti, hô hào thánh chiến chống lại đế quốc Anh và phục quốc Do-thái. Lời kêu gọi này có tiếng vang trong vương quốc Irak kế cận, nơi mà Kavouvkji, sĩ quan quân lực chính qui, đã chờ đợi đúng cơ hội này để chứng tỏ tài năng mà đương sự coi như là đặc biệt hiếm có. Mufti đã đặt dưới quyền xử dụng của sĩ quan này một phần số tiền bóc lột được của dân Ả-rập Palestine. Với số tiền này Kavouvkji đi chiêu mộ các tay buôn thuốc phiện lậu và các tay buôn nô lệ ham mê viễn ảnh được hiếp hàng ngàn phụ nữ Do-thái và cướp hàng triệu sterling, đã rời các xóm ăn chơi du đãng của Bagdad và Mossoul để nhập ngũ. Rồi đứng đầu đạo quân này, Kavouvkji vượt qua Liban tiến vào Palestine để đến cứu giúp cái kẻ đang bị “hành hạ” là mufti Hadj Amine.
Không hề lo tới việc tạo chiến thắng, Kovouvkji chỉ giới hạn hành động trong các vụ hành quân nguy hiểm. Xét chung, hoạt động của hắn chỉ giới hạn trong việc phục kích các xe hàng và xe súc vật kéo, hoặc cùng lắm là tung các toán tuần tiễu nhỏ ở những nơi nào có thể rút lui nhanh chóng. Nhưng vậy là đủ mở rộng kinh hoàng trong toàn thể lãnh thổ.
Sau một vài vụ phản kích, người Anh đã mang ra áp dụng một chiến thuật không ai ngờ. Đáng lẽ phải tiêu diệt các toán cướp, họ lại đi xây chung quanh Palestine chừng năm mươi đồn bê-tông cốt sắt, mỗi đồn có thể chứa được từ vài trăm đến hàng ngàn người. Đêm tới, người Anh rút quân vào trong các đồn đó - được gọi là các “fort Taggart” theo tên viên kỹ sư đã đề ra kế hoạch xây cất đó - để mặc các vùng chung quanh không tuần phòng không bảo vệ. Ban ngày, các cuộc hành quân Anh đều chỉ đánh vào khoảng không. Ngay khi một đoàn quân rời đồn, hệ thống “điện thoại Ả-rập” hoạt động liền. Chưa kịp tới mục tiêu, địch đã tan biến đâu mất rồi.
Nhưng mặc dù áp lực mỗi lúc một nặng, các di dân mới vẫn tiếp tục đổ vào Palestine và các nông trường mới tiếp tục xuất hiện. Ngày thiết lập nông trường mới, hàng trăm nông dân và thợ thuyền từ các kibboutz đổ xô đến từ sáng tinh sương tới địa điểm đã chọn lựa. Làm việc tận lực từ sáng tới tối, họ xây cất một tháp canh trang bị nhiều đèn pha do một máy phát điện cung cấp điện lực và bao quanh bằng một hàng rào công sự vững chắc. Đêm tới, họ lại ra đi, để những người mới tới ở lại trong vòng rào dưới sự che chở của một trung đội Haganah.
Trong khoảng thời gian vài tháng, Ari Ben Canaan đã trở thành một chuyên viên trong phương pháp thành lập nông trường kiểu này. Chàng thường thường chỉ huy trung đội bảo vệ, dậy cho các lính mới chiến thuật chống xâm nhập cùng dạ kích của người Ả-rập - các cuộc xâm nhập và dạ kích này không nông trường mới lập nào thoát khỏi được mặc dù lần nào địch cũng bị thất bại. Sau vài tuần, Ari cùng các chiến hữu lại ra đi để trợ giúp một “tháp canh và công sự phòng vệ” khác, nói theo ngôn ngữ thông dụng lúc bấy giờ.
Chậm chạp, tiệm tiến, các người khai hoang vượt qua hàng rào đầu tiên, khai hoang thêm tới đâu lập hàng rào tới đó. Họ xây cất nhà cửa theo kiểu “công sự chiến đấu” để rồi dần dần tạo lập thành một làng thực sự. Nếu nông trường mới này chấp nhận chế độ kibboutz, họ sẽ xây nhà Trẻ Em trước tiên nằm trong trung tâm chu vi phòng thủ để khi địch có xâm nhập, cũng chỉ sau cùng mới tiến tới được.
Sự hỗn xược của người Ả-rập, sau cùng cũng làm người Anh phát chán, chịu không nổi. Mufti và “ông tướng” Kovouvkji làm cho họ trở thành lố bịch, người Anh ban hành sắc luật hủy bỏ Ủy ban Tối cao Ả-rập và tống trát bắt giam mufti. Được báo trước kịp thời, ông này trốn vào thánh đường Omar, thánh đường chính của Hồi giáo ở Palestine. Vì người Anh không dám xâm nhập vào nơi tôn nghiêm này, nên sau một tuần lễ trốn tại đây ông cải trang làm đàn bà và trốn sang Liban. Tất cả Palestine thốt lên một tiếng thở dài nhẹ nhõm. Các rối loạn xẹp đi rất nhanh và người Anh đã có thể xét lại vấn đề: các ủy ban điều tra và du hành quan sát liên tiếp xẩy ra. Sau cùng người Anh đề ra một giải pháp: chia Palestine làm hai quốc gia khác nhau. Dĩ nhiên các ông Ả-rập yêu quí và oai dũng của người Anh được hưởng phần sư tử, còn người Do-thái phải hài lòng với phần đất dọc duyên hải giữa Tel-Aviv và Haïfa cùng một số vùng trong xứ Galilée.
Chán ngán, mệt mỏi, những người phục quốc Do-thái ở Palestine quyết định chấp nhận giải pháp này. Chắc chắn là họ không quên rằng giải pháp nguyên thủy của người Anh là thành lập một Quê Nhà Do-thái nằm hai bên bờ sông Jourdain. Nhưng họ mệt rồi - mệt vì máu đã chẩy quá nhiều, mệt vì phải chiến đấu xoay sở quá nhiều giữa sự cuồng tín của người Ả-rập và sự lừa dối của Luân-đôn. Nhưng ngược lại mufti, tị nạn ở Beyrouth, lại kêu ầm lên phản đối. Chia đôi Palestine? Không bao giờ! Người Ả-rập chỉ hạ vũ khí khi nào người Do-thái cuối cùng bị ném xuống biển thôi.
Một trong các pháo đài loại này được đặt ở khoảng trên Abou Yesha và Yad El, xây cất ở một địa điểm mà theo truyền thuyết có mộ của hoàng hậu Esther. Dân cư trong vùng đó liền gọi pháo đài này là Fort Esther.
Trong cộng đồng Do-thái, sau nhiều năm cố giữ một sự dè dặt vừa khó khăn vừa bấp bênh, đoàn Haganah bắt đầu sốt ruột. Liệu bây giờ “Trung ương” có chịu cho họ chủ động trên bình diện quân sự chưa? Sau cùng Ben Gourion nhượng bộ trước áp lực của Avidan và chấp thuận cho mua một khoảng đất nằm ở cực bắc xứ Galilée, dọc theo biên thùy Liban. Theo tin tức của cơ quan tình báo của Haganah, chỗ đó chính là điểm các đoàn Ả-rập đi qua.
Một vài ngày sau khi việc mua bán đất xong xuôi, Ari Ben Canaan cùng hai cấp chỉ huy khác nữa của Haganah được lệnh gọi tới trình diện Bộ tư lệnh bí mật của Avidan.
- Các anh hãy nhìn bản đồ đây. Các anh hiểu dễ dàng tính cách quan trọng của vị trí này. Các anh sẽ chỉ huy một đơn vị đặc trách việc thành lập một kibboutz ở ngay chỗ đó. Không nói, các anh cũng thừa biết đây không phải là một vụ đi cắm trại thú vị. Tên mufti ấy sẽ cố gắng tối đa để trục xuất các anh. Và các anh phải tử thủ với bất cứ giá nào: đây là lần đầu tiên chúng ta chọn lựa một địa điểm làm nông trường hoàn toàn vì lý do chiến lược.
Sarah cố kìm nước mắt. Từ biết bao nhiêu năm, bà chỉ nhìn thấy con trai không roi da thì súng ở trong tầm tay. Nhiệm vụ mới mà thượng cấp trao phó cho Ari có vẻ nguy hiểm hơn tất cả các nhiệm vụ từ trước tới nay. Tám mươi thanh niên và hai mươi thanh nữ, tuyển chọn trong các phần tử ưu tú nhất của Haganah, sẽ hợp thành một đoàn quyết tử thực sự. Rất bình tĩnh, Ari hôn mẹ nói bà hãy lau nước mắt và cho rằng mọi sự rồi sẽ tốt đẹp đâu vào đấy không việc gì phải lo. Rồi Ari, không nói một tiếng, xiết tay bố: hai người đàn ông không cần phải lời nói cũng hiểu được nhau. Dafna gõ cửa vào giã từ bố mẹ chồng tương lai. Rồi cặp trai gái trẻ tuổi ra đi, vẫy tay chào các thân bằng quyến hữu tụ tập ở vòng rào. Barak thở dài, vòng tay ôm đôi vai run rẩy của vợ. Sarah nói nhỏ.
- Trong đời các con, chúng chỉ được biết mỗi một điều: chiến tranh. Chúng ta còn phải dâng hiến con chúng ta cho chiến tranh đến bao giờ nữa?
- Mình hãy nhớ rằng Thượng đế đã yêu cầu Abraham hy sinh con trai cho Thượng đế. Những người phục quốc Do-thái chúng ta sống trong truyền thống này. Chúng ta phải cho Ari đi ngày nào Thượng đế còn đòi hỏi như thế.