Chương 13

     ười xe vận tải chở một trăm đoàn viên nam nữ của Haganah cùng đồ trang bị chạy theo con lộ duyên hải, vượt qua kibboutz cuối cùng nằm ở cực bắc Galilée, tiến vào một vùng mà từ trước tới giờ chưa một người Do-thái nào dám phiêu lưu đặt chân tới. Hàng ngàn ngàn cặp mắt Ả-rập theo dõi đoàn xe bây giờ đã tiến vào vùng núi biên thùy Liban.
Đến địa điểm đã được chọn lựa thành lập Ha Mischmar (Người lính gác giặc), các xe dừng lại. Mọi người đặt lính canh phòng, mang mọi thứ xuống xe. Rồi đoàn xe ra đi ngay để có thể đến kịp nông trường Do-thái đầu tiên trước khi trời đổ tối. Đoàn người nhỏ bé ở lại cô đơn giữa các ngọn đồi đầy rẫy các tay khủng bố Ả-rập.
Họ dựng lên một hàng rào, bố trí bên trong và chờ đợi suốt đêm.
- Tụi Do-thái đã tới cư ngụ trong vùng đồi!
Điên lên vì tức giận, mufti thề với Thượng đế của hắn là sẽ rửa mối nhục này trong máu và sẽ không để một đứa nào trong các tụi hỗn láo này trốn thoát.
Trong ba ngày liền, đoàn người làm việc tới kiệt lực, tăng cường hệ thống phòng thủ của căn cứ. Đêm đến, Dafna và Ari sau khi mãn phiên canh, tìm nhau ngủ trong vòng tay nhau.
Đêm thứ tư địch tấn công.
Chưa bao giờ người Do-thái phải đương đầu với cơn bão tố lớn như vậy. Trong năm giờ liền, vài ngàn Ả-rập trang bị vũ khí cá nhân và được liên thanh yểm trợ trút cả cơn mưa đạn vào vòng hàng rào, bên Do-thái chờ đợi cuộc xung phong. Sau cùng, các tổ báo động báo hiệu địch tấn công đợt đầu: hàng ngàn bóng đen bò sát đất tiến tới, răng ngậm chặt dao găm.
Đột nhiên sáu đèn pha bừng bật sáng trên tháp canh, quét sáng tứ bề. Bị quáng mắt vì đèn, quân Ả-rập khựng lại. Đoàn Haganah khai hỏa. Trong vài giây đồng hồ, bên tấn công đã bị thiệt chừng năm mươi người. Sợ hãi, quân Ả-rập bắt đầu lùi lại. Nhưng Ari đã cầm đầu một nửa lực lượng Do-thái mở vòng rào xông ra phản công, biến cuộc rút lui của Ả-rập thành thảm bại. Các Ả-rập sống sót bỏ chạy vào đồi núi chung quanh, kinh sợ la hét.
Trong trận giao tranh đầu tiên này, Haganah có bốn người chết, một cô gái và ba thanh niên. Nhưng cả những lời hò hét của mufti lẫn các lời thúc giục của Kovouvkji cũng không làm sao cho quân Ả-rập tiến lên lần thứ hai. Bài học đã có nhiều hiệu quả: trong suốt một tuần lễ, quân Ả-rập không nhúc nhích. Nhưng bên Do-thái viên đơn vị trưởng đã tử trận trong trận giao tranh đầu và Ari lên thay.
Mỗi ngày Haganah tiến từ mười đến hai mươi thước về phía đỉnh đồi, củng cố vị trí mới và cố thủ qua đêm. Quân Ả-rập quan sát sự tiến quân này, nhưng không can thiệp. Sau một tuần lễ, Ari quyết định bỏ trại căn cứ để lập một trại khác ở lưng chừng đồi.
Khi ấy, Ả-rập lại tấn công. Nhưng lần này họ không dám xung phong, chỉ nổ súng từ phía xa. Ari chờ đợi thêm một tuần nữa rồi đột nhiên cho lệnh tấn công. Một sáng tinh sương, dẫn đầu hai mươi thanh niên và mười thanh nữ, chàng lao lên đánh bật tung các quân Ả-rập bắt đầu thiếp ngủ sau một đêm quấy phá, rồi chiếm luôn đỉnh đồi. Địch phản công nhưng bị đẩy lui. Dĩ nhiên là Ari thiệt thêm năm người nữa nhưng ngược lại, chàng đã chiếm được một vị trí khống chế được toàn vùng. Và bên Ả-rập ý thức rất nhanh rằng chàng sẽ không để cho họ trục xuất khỏi vị trí ấy.
Nếu họ không tung ra một nỗ lực quan trọng nào để chiếm lại quả đồi, họ lại quấy phá Do-thái suốt ngày đêm. Tình hình của Ha Mishmar vẫn còn bấp bênh. Nông trường hoàn toàn bị cô lập: kibboutz gần nhất cũng cách đó cả mấy chục cây số. Lương thực đạn dược và ngay đến cả nước uống đều phải mang đến bằng xe vận tải qua một vùng thù nghịch đến trại căn cứ đầu tiên, rồi sau đó chuyển bằng sức người lên đỉnh đồi.
Tuy vậy Ha Mishmar vẫn giữ vững. Đạo quân đồn trú xây cất vài căn nhà ở phía trong vòng rào, vạch cả một con đường dẫn xuống chân đồi nữa. Ari bắt đầu tung ra các toán tuần tiễu dọc theo tuyến Taggart để ngăn chặn các tay khủng bố Ả-rập. Dần dần Haganah ngăn chặn được đường chuyển quân của các toán khủng bố Ả-rập giữa Liban và Palestine.
Một ngày nọ, phép mầu thực hiện: Ha Mishmar gieo thửa ruộng đầu tiên! Họ tới để xây dựng một kibboutz mà, có đúng thế không? Vậy thì, mặc dù gió to bão lớn kibboutz sẽ được thực hiện. Đất dốc? Thì ta làm ruộng theo từng nấc thang. Không có nước sao? Chỉ việc đào giếng. Thiếu nông cụ? Thì Quĩ Lập nghiệp Do-thái cứ việc dốc hầu bao đi mua.
Ari đang ngủ say sưa trong lều thì cảm thấy một bàn tay lạnh.
- Dậy anh! Nhanh lên!
Chàng tung chăn, nắm lấy súng và chạy theo người đánh thức mình chạy về cánh đồng phía nam, nơi mà mọi người bắt đầu trồng nho. Một đám đông đã tụ tập. Khi thấy Ari tới, mọi người im lặng. Chàng vượt qua vòng người, đứng lại nhìn chăm chú mặt đất. Dưới ánh sáng của đèn pin, mọi người nhận thấy các mảnh vải rách nát của một chiếc áo xanh lẫn lộn với các đất vụn máu bám tung tóe. Máu nhỏ giọt thành vệt tiến xa dần về phía vùng đồi chung quanh. Ngơ ngác, Ari dò hỏi nhìn mọi người chung quanh, mọi người đều tránh không nhìn mặt chàng. Ari chợt hiểu, thì thào:
- Dafna! Dafna...
Hai ngày sau, các tên sát nhân đặt xác thiếu nữ trẻ gần trại. Nàng đã bị cắt tay, cắt mũi, cắt chân, moi mắt và bị hiếp ít nhất là năm mươi lần.
Không ai nghe thấy Ari thốt lên một tiếng kêu rên, không ai trông thấy chàng nhỏ một giọt nước mắt.
Nhưng thỉnh thoảng chàng biến đi đâu mất trong nhiều giờ và khi chàng trở về, mọi người đều thấy mặt chàng tái ngắt, môi run run. Không bao giờ chàng để cho thất vọng xâm chiếm, không bao giờ chàng để cho cơn giận bùng nổ. Chàng cũng không nhắc đến tên cả vị hôn thê nữa. Tất cả các làng Ả-rập trong vùng Ha Mishmar đều run rẩy chờ đợi cuộc trả thù. Nhưng cuộc báo thù không xẩy ra.
Không những không hài lòng với việc giữ chắc được Ha Mishmar, phục quốc Do-thái còn thành lập thêm khoảng mười nông trường tương tự, cũng tại những địa điểm được lựa chọn vì giá trị chiến lược. Chiến thuật này làm giảm bớt và gây khó khăn cho các toán khủng bố của mufti, nhưng không diệt được hẳn.
Trong tình hình hỗn độn và gay cấn này, đột nhiên xuất hiện vóc dáng cao gầy của Ngài P.P. Malcolm, thiếu tá trong quân lực Anh hoàng.
Thiếu tá Malcolm được thuyên chuyển sang Palestine và bổ nhiệm vào ngành tình báo Anh ngay từ khởi đầu cuộc khởi loạn của mufti. Đó là một con người cô đơn và độc đáo. Ông ăn mặc lè phè coi thường cả các truyền thống lẫn thủ tục của quân đội, diễn tả các ý nghĩ của mình một cách minh xác và nếu cần, dữ dội nữa. Đôi khi ông trầm tư cả ngày liền - trầm tư sâu xa đến độ quên cả cạo râu lẫn chải đầu. Và ngoài ra vì ông còn rất cao rất gầy và đi hơi khập khễnh nữa, nên các bạn bè coi ông như một “típ không chịu nổi”.
Khi mới tới Palestine, ông thân Ả-rập chỉ vì lý do là một sĩ quan Anh phải thân Ả-rập. Thứ cảm tình “thời trang” này không đứng vững được lâu khi phải va chạm với thực tại. Trong khoảng thời gian vài tuần lễ, P.P. Malcolm đã trở thành một người ủng hộ phong trào phục quốc Do-thái nhiệt thành.
Cũng như hầu hết những người Ki-tô giáo khác bị chủ nghĩa phục quốc Do-thái chinh phục, ông tỏ ra đam mê hăng hái, cuồng nhiệt với phong trào hơn chính người Do-thái nữa. Ông học tiếng hébreu với một rabbin để có thể đọc được Kinh Thánh trong những giờ rảnh rỗi. Tin chắc rằng sự phục sinh Do-thái phù hợp với ý muốn của thần thánh, ông nghiên cứu tỉ mỉ các chiến trận trong Cựu Ước. Và cứ đồng hóa mình với Josué, David và Gédéon, ông đâm ra tin chắc rằng sự kiện ông tới Palestine là do ý chí của Đấng Tối Cao. Ngài, với khôn ngoan vô tận của Ngài, đã chọn thiếu tá P.P. Malcolm để dẫn đầu đoàn Thập tự quân của các con dân Israël.
Trên một chiếc xe mua lại, chiếc xe ngày xưa chắc cũng có thời trông được, ông đi khắp Palestine. Khi đường xá xe đi không nổi nữa, ông tiếp tục đi bộ, cà rịch cà tang, vừa đi vừa hát vang một bài thánh ca ông ưa thích nhất. Với phong thái như vậy, một chiều nọ trên đường tới Yad El, hai bánh xe bị nổ, ông tiến vào chu vi phòng vệ của nông trường, các lính canh đã đổ xô lại. Tươi cười, ông vẫy tay chào:
- Tốt lắm! Ít nhất các chú đã không ngủ gục khi canh! Bây giờ các chú hãy tử tế dẫn tôi đến gặp Barak Ben Canaan.
Trong văn phòng của Barak, ông mở đầu câu chuyện bằng cách đọc một bài diễn văn dài ca tụng sự đẹp đẽ của chủ nghĩa phục quốc Do-thái cùng vận mệnh huy hoàng của quốc gia Do-thái. Tuy vậy, sau chừng một tiếng đồng hồ, ông cũng hạ cố bàn đến một vấn đề loại thực tế hơn.
- Theo tôi, người lính Do-thái là một trong những người lính ưu tú của thế gian này, nếu không phải là giỏi nhất. Họ chiến đấu cho một lý tưởng luôn luôn hiện hữu và sống với lý tưởng này. Chất liệu nhân sự của Haganah hoàn toàn đặc biệt. Này đây, tôi có ý định lấy chất liệu nhân sự ấy để tạo ra một tổ chức chiến đấu chưa có bao giờ trên thế gian. Chính vì mục đích này, tôi đã tới đây.
Barak mở to mắt ra nhìn. Malcolm cũng không thèm để ý. Quay mặt về phía cửa sổ, ông nhìn, qua các cánh đồng xanh tươi dưới làn nước như mưa phát từ các máy tưới, về phía các quả đồi khống chế bởi hình dáng cục mịch của “fort Esther”. Ông nói tiếp:
- Coi đây này, nhìn cái đồn trên cao kia... lại thêm một bằng chứng nữa về sự ngu xuẩn của người Anh. Dân Ả-rập chỉ việc đi vòng quanh là xong, một đứa bé cũng thừa biết như thế.
Ông vụt quay lại nhìn Barak bằng cái nhìn đột nhiên bốc lửa, cũng vẫn thứ nhìn mà Barak thường thấy trong mắt Akiba.
- Các anh chiến đấu đi chứ, trời đất thánh thần ơi, đợi gì nữa! Giải pháp duy nhất! Chiến đấu. Thiên mệnh của dân Do-thái là chiến đấu để trở thành một quốc gia.
- Về điểm này, ông thuyết phục một kẻ đã tin theo từ lâu rồi. Ông khỏi cần nhắc lại là chúng tôi phải chiến đấu.
- Phải nhắc chứ! Phải nhắc đi nhắc lại hoài cho các anh ngày nào các anh còn thu hình trong bốn bức tường rào của các nông trường. Tin ở tôi đi, đã đến lúc các anh xông ra ngoài, trừng phạt các tụi khốn nạn ấy. Mỗi khi một tên Ả-rập ra khỏi một quán cà-phê và vác súng bắn các anh cách cả ngàn thước, hắn đã cho hắn là anh hùng rồi. Được, chúng ta sẽ cho tụi vô đạo ấy biết tay! Tôi tin cậy ở anh xin cho tôi hội kiến với Avidan ngay lập tức. Người Anh thiển cận quá, khó để hiểu các phương pháp của tôi.
Tới đây, Malcolm đột nhiên ra đi cũng như bất ngờ đến đây, để lại cho một Barak ngồi phân vân, gãi đầu.
Sau đó Barak quyết định gọi điện thoại cho Avidan. Hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Yeddish để đề phòng có người Ả-rập nghe trộm. Barak hỏi:
- Cái anh chàng thiếu tá Anh đó là ai vậy? Hắn rơi từ trên trời xuống như một đấng cứu thế vậy và thuyết cho tôi một bài về chủ nghĩa phục quốc Do-thái...
Avidan nói:
- Chúng tôi có nhiều báo cáo về hắn. Thành thật mà nói, hắn có vẻ kỳ dị đến độ tôi cũng không biết nghĩ ra sao nữa.
- Có thể tin được hắn không?
- Tôi cũng không biết.
Bây giờ thiếu tá P.P. Malcolm để hết các thì giờ rảnh của mình để sống với người Do-thái, tuyên bố công khai là các sĩ quan Anh ngốc lắm và chán chết. Sau chừng vài tháng, tất cả dân Do-thái ở Palestine đều biết tới ông. Mới đầu, mọi người coi Malcolm như một kẻ lập dị dở hơi vô hại. “Anh chàng Anh tốc của chúng ta” như mọi người thường nhắc đến một cách mỉa mai đượm tình thương mến. Tuy thế, dần dần mọi người nhận ra nhân vật này không hề tốc tí nào. Ông có khả năng thuyết phục đến nỗi có thể bán được cả thập tự giá cho quỷ.
Các cấp chỉ đạo của “Trung ương” bịa hết cớ này đến cớ khác để không tiếp Malcolm. Cho đến một hôm, không thèm báo trước, ông xông thẳng vào văn phòng Ben Gourion, lớn tiếng:
- Ông nghe đây! Ông chỉ là một người ngu! Ông để mất thì giờ bàn cãi với kẻ địch mà lại không có được năm phút để bàn luận với một người bạn!
Ben Gourion không có dịp tìm câu trả lời. Viên thiếu tá đã ra đi rồi, đóng sầm cửa lại.
Cuộc vận động kế tiếp của Malcolm để có một buổi được tướng Charles, tổng trấn Palestine tiếp kiến. Malcolm xin phép được thí nghiệm các lý thuyết du kích chiến của mình bằng cách xử dụng quân sĩ Do-thái. Chắc chắn là tướng Charles thân Ả-rập rồi, cũng như đa số sĩ quan trong bộ tham mưu của ông, nhưng cuộc khởi loạn của mufti đã bắt đầu làm cho ông bị mọi người chế riễu. Đến nỗi rằng ông đã bí mật cho thành lập, trang bị và huấn luyện một đoàn cảnh sát Do-thái cùng nhắm mắt bỏ qua mọi vụ buôn lậu vũ khí của Haganah. Sau khi do dự một lần chót, và trước sự thất bại hoàn toàn của các cố gắng của mình, tướng Charles báo cho thiếu tá Malcolm biết là chấp thuận cho toàn quyền hành động.
Vài ngày sau, chiếc xe của Malcolm hục hặc dừng lại trước cổng nông trường Ha Mishmar. Một lính canh đưa ông vào Bộ chỉ huy của Ari trên đỉnh đồi. Không thèm phật ý vì thái độ ngạc nhiên châm chọc của người thanh niên to lớn này, Malcolm đưa tay vỗ má Ari như vỗ má con.
- Chú có vẻ khá đấy. Chú chỉ việc nghe tôi, quan sát tôi và thi hành lệnh tôi, là tôi sẽ làm cho chú trở thành một quân nhân ưu tú. Bây giờ, chú có bản đồ chứ? Tốt. Chú hãy chỉ cho tôi căn cứ xuất phát của tụi Ả-rập.
Nửa bất mãn, nửa bị khuất phục, Ari chỉ một làng cách đó chừng mười lăm cây số, trong lãnh thổ Liban. Malcolm phớt lạnh nói:
- Gần thế thôi hả? Được, tối nay chúng ta sẽ phá tan căn cứ đó.
Đêm tới, Malcolm cầm đầu một toán quân gồm tám thanh niên hai thanh nữ, băng qua biên giới. Các người Do-thái kinh ngạc khi thấy cái ông già năm mươi khập khễnh và gầy lêu kêu này băng qua các sườn dốc một cách dễ dàng. Trước khi khởi hành, ông đã đe rồi: kẻ nào theo không kịp, sẽ biết tay ông. Thật là kỳ lạ khi nghe lời đe dọa này, không ai dám cười cả.
Khi tới gần mục tiêu, Malcolm tiến lên trước để thám sát địa hình địa vật. Một nửa giờ sau ông trở lại.
- Đúng như tôi đoán, chúng không thèm đặt lính canh. Đây, chúng ta làm ăn như sau...
Bằng vài nét bút chì, ông vẽ phác một sơ đồ.
- Tôi sẽ lấy theo ba chú tiến vào tận giữa làng. Bọn tôi sẽ bắn vào các nhà, ném dăm ba trái lựu đạn để đánh thức bọn chúng dậy. Họ sẽ chuồn lẹ và khi đó chúng tôi sẽ xua họ về điểm này, đầu làng, nơi Ben Canaan đã giăng sẵn một ổ phục kích. À! Tôi quên: Ben Canaan, chú làm ơn bắt cho tôi một hay hai tù binh. Tôi sẽ thẩm vấn chúng: chắc chắc các vùng quanh đây đầy chỗ giấu vũ khí.
Ari phản đối:
- Làm thế thật là điên. Kế hoạch của ông không thực hiện được đâu.
- Nếu chú tin vậy, tôi chỉ yêu cầu chú một việc là chú lên đường về nhà đi.
Ari không bao giờ còn nghi ngờ tính cách khôn ngoan trong các lệnh của Malcolm nữa. Niềm tự tín người Anh này lan truyền nhanh như dùng thuật thôi miên vậy.
Kế hoạch đã được thi hành và mọi sự đã diễn ra đúng như tiên liệu. Trong mười phút, tất cả mọi sự xong xuôi. Bên Ả-rập bị mất chừng ba chục người chết, chưa kể số bị thương đã nhờ bóng tối chạy thoát. Bên Do-thái bắt được hai tù binh, áp tải tới trước thiếu tá Malcolm. Ông này hỏi người thứ nhất bằng tiếng Ả-rập.
- Vũ khí của các anh giấu đâu?
Người tù binh nhún vai. Một cái tát không làm cho hắn nhận định rõ hơn tình hình. Malcolm rút súng lục ra và lạnh lùng bắn cho hắn một phát vào đầu. Kế đó, ông quay lại người tù binh thứ hai và nhắc lại câu hỏi. Ấp úng vì sợ, hắn thú luôn cả loạt địa điểm chôn giấu vũ khí.
Cuộc tấn công đầu tiên của Haganah đã làm giảm bớt hăng hái của các toán quân mufti. Ngược lại, nó lại gây ra cả một vụ ồn ào phản đối trong Bộ Tổng tư lệnh Anh. Rất nhiều sĩ quan cao cấp đòi triệu hồi ngay thiếu tá Malcolm. Tuy vậy, tướng Charles vẫn phớt lạnh. Cho tới giờ, các phương pháp của người Anh đã thất bại một cách thảm hại trong việc chống lại các tay khủng bố Ả-rập nên ông thích để mặc cho sĩ quan thuộc cấp đặc biệt ấy hành động, kẻ mà ông tin có lẽ đủ sức giải quyết vấn đề.
Malcolm lợi dụng tình trạng trên để thực hiện một kế hoạch đã soạn thảo xong từ lâu: thành lập một đơn vị lưu động. Ông điều đình được với Haganah “cho mượn” một trăm năm chục người chọn lựa hết sức cẩn thận cùng Ari Ben Canaan, kẻ mà ông cho là có tài chỉ huy đặc biệt. Vài tuần lễ sau, các “Raider” bắt đầu lâm chiến.
Đây cả là một vụ khám phá mới lạ và hàng loạt thành công chớp nhoáng. Các toán khủng bố Ả-rập không biết khi nào, nơi nào các “Raider” sẽ tung ra trận đánh kế tiếp. Lần đầu tiên, hệ thống “điện thoại Ả-rập” tỏ ra vô hiệu. Khi thì Malcolm chia quân làm ba đoàn tiến về ba hướng khác nhau, khi thì cho quân đi qua một làng khả nghi, đi vòng năm cây số ngược lại rồi ào tới tấn công. Hoặc ông cho một đoàn xe lên đường sau khi đã huấn luyện cho quân sĩ cách nhảy xuống từng người một trong khi xe đang chạy, nấp vào trong bờ bụi đợi tới tối mới tập họp lại để tấn công địch hoàn toàn bất ngờ. Rất nhanh chóng, cuộc khởi loạn bị dẹp, bị truy lùng, mất dần khí thế để rồi sau cùng tắt hẳn. Với một trăm năm chục người, Malcolm đã thành công trong việc quét sạch khỏi Palestine những toán quân của “Quân lực Giải phóng”, tàn quân rải rác còn lại vượt biên thùy trở lại Liban. Nếu mufti là một người yêu nước, dù sai lầm nhưng thành thật, khi tổng kết thành tích hoạt động của ông cũng làm ông kinh hãi: trong ba năm trời đẫm máu, ông chỉ đẩy người Ả-rập ở Palestine vào một tình trạng nghèo khốn cùng cực mà không chiếm nổi một nông trường nào, và cũng chẳng cản được người Do-thái thành lập thêm chừng năm chục nông trường mới.
Yên tĩnh đã trở lại, Whitehall xét lại toàn diện chính sách của mình trong lãnh thổ ủy trị.
Để bắt đầu, người Anh cho triệu hồi thiếu tá Malcolm. Kế đó, tướng Charles bị thay thế vì bị coi là quá mềm yếu và tướng Haven-Hurst sang thay. Để thay đổi tới nơi tới chốn, tất cả những nhân vật cao cấp trong hệ thống cai trị quân sự cũng bị thay thế nốt. Các chủ nhân ông mới khai trương triều đại của họ bằng cách nhốt tất cả các quân sĩ trong “Raider”. Một tòa án quân sự kết án họ từ sáu tháng đến năm năm tù - vì tội mang vũ khí bất hợp pháp!
Bị giam cùng các bạn trong nhà tù vĩ đại Acre, đầy chấy rận, chuột, bùn lầy và không khí hôi thối, Ari được phóng thích vào mùa xuân 1939. Xanh xao, gầy đi, chàng trở về Yad El kịp thời để biết rằng người Anh, trong một cuốn Bạch thư mới, cấm tất cả mọi sự di nhập vào Palestine cùng mua đất tại xứ này. Sự kiện này có nghĩa là, ngay trước khi đệ nhị thế chiến bùng nổ, Neville Chamberlain, kẻ ủng hộ chính sách hòa dịu với bất cứ giá nào, đã không thèm chú trọng, không biết đến bao nhiêu ngàn ngàn Do-thái Đức đang bị Quốc xã đe dọa diệt chủng. Xét cho cùng, ông là chính khách chuyên che dù, cũng đã có thói quen bỏ rơi thiên hạ rồi: ông cũng đã từng bỏ rơi phe cộng hòa Tây-ban-nha và dân tộc Tiệp-khắc trong những năm về trước đó sao?