Chương 14

     uốn Bạch thư của người Anh có hậu quả đầu tiên là khơi dậy phong trào đã bắt đầu im ngủ của các Macchabée. Rất nhiều người Do-thái từ trước cho tới giờ vẫn phản đối các phương sách bạo động dữ dội của nhóm này, bây giờ cũng ủng hộ hoàn toàn. Ngay lập tức, các Macchabée lâm chiến, tung ra nhiều cuộc xung kích vào các làng Ả-rập, làm nổ một trái bom trong một câu lạc bộ sĩ quan Anh ở Jérusalem, cướp một kho võ khí Anh và tấn công nhiều đoàn xe nhà binh.
Tướng Haven-Hurst phản ứng ngay lập tức: giải tán cánh sát Do-thái, cấm đoán đoàn Haganah làm hại đoàn này bắt buộc phải biến thành tổ chức bí mật. Sợ điều tệ nhất sẽ xảy ra, Avidan phải dùng hết uy tín của mình để kìm giữ quân mình đang tức giận, nghĩ tới chuyện dàn trận đánh nhau với người Anh một trận sống mái. Một chuyện điên rồ như vậy chắc chắn sẽ đưa đến chỗ tiêu diệt lực lượng quân sự duy nhất người Do-thái hiện có ở Palestine.
Trong thời gian này tình thế những người Do-thái Đức, sau khi đã ở tình trạng báo động trong sáu năm, đã tới lúc hoàn toàn tuyệt vọng. Văn phòng của phục quốc Do-thái ở Berlin bị hàng ngàn ngàn đàn ông đàn bà bao vây, họ sẵn lòng hy sinh tất cả những gì họ có để đổi lấy quyền được rời bỏ nước Đức. Khi những viên chức của phục quốc Do-thái bị công việc quá tràn ngập, yêu cầu tăng viện, “Trung ương” ở Jérusalem quyết định gửi Ari Ben Canaan sang. Cuộc viễn hành thật khó khăn. Người Anh nghi ngờ một kẻ mà họ biết rõ các liên hệ chặt chẽ với Haganah. Ari phải rời xứ một cách bí mật qua vùng biên thùy Liban mà chàng biết rõ, tiếp tục đi bộ đến tận Beyrouth để từ nơi đó, nhờ sổ thông hành của một những Do-thái mới tới với tư cách “du khách”, chàng đã có thể lên một chiếc tầu đi Marseille. Một tuần lễ sau, chàng đã đến được văn phòng của phục quốc Do-thái tại Bá-linh bình yên vô sự.
Các chỉ thị Ari nhận được rất giản dị: “Hãy cố đưa tối đa người Do-thái ra khỏi nước Đức”. Nhưng thực hiện các chỉ thị này lại vấp vào các trở ngại ghê gớm. Tất cả vấn đề xoay quanh việc xin chiếu khán vào một quốc gia khác - bất luận quốc gia nào. Một chiếu khán, là một mạng người, do đó người ta tìm cách mua, ăn cắp, giả mạo. Thế mà đa số các quốc gia đã bộc lộ sự “hăng hái” khá hạn chế với ý nghĩ tiếp nhận những người Do-thái Đức vào lãnh thổ mình - quốc gia này ngại vì đó là những người Do-thái, quốc gia khác ngại vì đó là những người Đức. Ari phải xoay xở đêm ngày mới kiếm được một phần nhỏ số chiếu khán cần có. Trong suốt mùa hè thê thảm 1939, hầu như chàng làm việc hai mươi bốn trên hai mươi bốn mỗi ngày, vì tin tưởng rằng các biến cố sẽ không để cho chàng nhiều thì giờ nữa.
Vào khoảng giữa tháng tám, một điện văn khẩn của Mossad ở Pháp ra lệnh cho chàng rời Đức quốc ngay lập tức. Chàng coi điện văn này như không có và tiếp tục cuộc chạy đua với giòng lịch sử. Một điện văn thứ hai, lần này phát xuất từ Haganah, ra lệnh cho chàng phải lên đường tức khắc. Ari liều bất tuân trong bẩy mươi hai giờ nữa để đủ thì giờ phân phối xong năm trăm chiếu khán cho phép gửi một đoàn tầu trẻ em sang Đan-mạch. Và cũng là đủ thì giờ nhận thêm một điện văn thứ ba và thứ tư nữa.
Vào giờ khắc mà đoàn tầu vượt biên giới Đan mạch vô sự, Ari mới nghĩ tới việc thoát thân cho chính mình. Chàng thoát ra khỏi được nước Đức đúng hai ngày trước khi quân Đức Quốc xã xâm lăng Ba lan.
Đệ nhị thế chiến vừa bùng nổ, “Trung ương” Do-thái ở Jérusalem đã triệu tập phiên họp bất thường. Trong vòng chưa đến mười phút, các lãnh tụ Do-thái ở Palestine đã đồng ý quyết nghị xong về đường lối của mình: tất cả thanh niên Do-thái sẽ tình nguyện nhập ngũ vào quân lực Anh để chiến đấu chống kẻ thù chung.
Quyết định trên được Haganah tán thành toàn diện vì thấy đây là một cơ hội ngàn năm một thủa để huấn luyện quân sĩ xử dụng các vũ khí tối tân một cách chính thức và hợp pháp nữa.
Tướng Haven-Hurst cũng nhìn thấy cơ hội đó, nhưng ông lại nhận định dưới một khía cạnh khác. Ông viết trong một báo cáo gửi War Office(1) như sau:
“Khi huấn luyện các quân sĩ Do-thái bằng cách mang lại cho họ kinh nghiệm chiến đấu, chúng ta sẽ đi ngược với quyền lợi của chúng ta. Bởi vì sớm hay muộn, chúng ta cũng phải chiến đấu chống lại chính những người Do-thái này”.
Xét cho cùng, có lẽ tướng Haven-Hurst ít thiển cận hơn nhiều người đã tưởng...
Trong khoảng thời gian một tuần lễ, một trăm ba mươi ngàn nam nữ - một phần ba tổng số dân Do-thái ở Palestine - đã ghi tên ở “Trung ương” để xin tình nguyện chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Anh.
War Office không thể lờ đi không nhận một đề nghị thành thực có lợi cho Anh như vậy, nhưng cũng không thể bỏ qua lời cảnh cáo của Haven-Hurst. Bộ Quốc phòng sau cùng đã chấp nhận một giải pháp trung dung: các chức quyền quân sự sẽ thu nhận những người Do-thái tình nguyện đầu quân, nhưng từ chối dùng họ vào các đơn bị chiến đấu, sung họ vào ngành Quân vận và Công binh. Các dân Do-thái Palestine thấy mình mất cơ hội để học cách xử dụng võ khí tối tân cùng chiến thuật tại chiến trường. Dĩ nhiên là “Trung ương” phản đối, đòi hỏi các chức quyền Anh cho quân Do-thái có dịp chiến đấu trực tiếp chống Đức, nhưng một lần nữa các đòi hỏi của Do-thái không đi đến đâu.
Tuy vậy, mặt trận thống nhất của phong trào phục quốc có một khe hở: nhóm ly khai Macchabée. Avidan quyết định dẹp tự ái sang một bên, nhờ trung gian của nhiều người, báo cho Akiba biết là ông muốn gặp.
Buổi hội kiến xẩy ra ở Jérusalem, trong hầm của một tiệm ăn lớn, giữa các két đồ hộp và thùng rượu. Đến trước, Avidan cố tình không bắt tay vị thủ lãnh của đoàn Macchabée. Avidan nói thẳng ngay vào đề:
- Tôi muốn gặp anh chỉ vì một lý do. Tôi muốn anh tuyên bố đình chiến với người Anh cho tới khi chiến tranh chấm dứt.
Đúng như ông đã chờ đợi, Akiba lên tiếng thuyết một hồi dài trong đó lòng căm thù người Anh lẫn lộn với niềm căm tức của ông đối với thái độ thụ động của “trung ương”. Sau cùng Avidan ngắt lời:
- Tôi xin anh. Anh không cho tôi biết thêm điều gì mới cả. Tôi biết các tình cảm của anh, tôi biết rất chính xác cái gì ràng buộc, cái gì chia rẽ chúng ta. Nhưng mặc dù thế, Đức vẫn là một kẻ thù nguy hiểm hơn người Anh rất nhiều.
- Có thể. Nhưng dẫu sao đây chính là lúc đòi hỏi Luân-đôn phải thâu hồi Bạch thư lại, phải công bố thành lập Quốc gia Do-thái nằm hai bên bờ sông Jourdan! Chính lúc này đây, hoặc chẳng bao giờ có nữa! Anh quốc đang lung lay, đây là lúc nắm ngay lấy cổ hắn!
- Theo ý anh, việc đưa Quê nhà Do-thái trở thành Quốc gia đã quan trọng đến nỗi chúng ta phải góp công cho Đức chiến thắng hay sao?
Akiba đi đi lại lại trong hầm. Nóng nẩy, tức giận, ông lầu nhầu những lời buộc tội hăng hái.
- Như vậy là dù quân Anh phong tỏa bờ biển Palestine... dù rằng trong quân lực của họ, họ duy trì quân sĩ ta trong một thứ ghetto... dù họ đánh lừa chúng ta không thương tiếc... chúng ta vẫn cứ phải hợp tác với họ.
Đột nhiên Akiba đứng lại, nói bằng một giọng run run:
- Được rồi! Đồng ý, anh Avidan. Các Macchabée tuyên bố đình chiến.
Hai người nghiêm trọng bắt tay nhau. Akiba hỏi một cách rụt rè:
- Anh tôi dạo này ra sao?
- Barak vừa mới về. Anh đi dự một hội nghị ở Luân-đôn.
- Chắc chắn thế rồi, lại một hội nghị nữa. Ông ấy chỉ thích có vậy. Còn chị Sarah và các cháu?
- Mọi người mạnh khỏe cả. Anh có thể tự hào về cháu Ari của anh.
- Phải. Đó là một thanh niên rất khá. Tôi muốn gặp lại nó...
Không trả lời, Avidan tiến về phía cầu thang. Khi ông nâng nắp hầm lên, ông nghe thấy Akiba đọc lớn tiếng trong bóng tối:
- Những kẻ ác và tội lỗi sẽ bị tiêu diệt và những kẻ nào quên Đấng Vĩnh cửu sẽ bị sét đánh. Một ngày kia bọn Anh sẽ phải thanh toán ân oán với chúng ta.
Ari đã thay đổi nhiều. Buồn bã, ít nói, chàng hầu như lơ là với tất cả những gì không liên quan trực tiếp tới các cánh đồng, các cây ăn trái cùng vườn rau của chàng. Chiến tranh đã bùng nổ, nhưng chàng từ chối rời khỏi Yad El. Những lúc rảnh rỗi, chàng qua làng Abou Yesha sống với bạn cố tri là Taha, bây giờ là mouktar của làng.
Một buổi tối vào đầu năm 1940, khi trở về nhà, chàng thấy Avidan đang đợi. Sau bữa cơm, Ari, Avidan và Barak ngồi bàn chuyện riêng với nhau ở phòng khách. Avidan mở đầu:
- Chắc cháu cũng đoán được lý do cuộc thăm viếng của bác.
- Vâng.
- Như vậy, chúng ta chẳng phải bàn quanh làm gì vô ích. Trong Haganah, theo ý bác, có vài chục thanh niên cần phải nhập ngũ. Nhiều lần người Anh tiếp xúc với chúng tôi và hỏi thăm về cháu. Họ chỉ mong được bổ nhiệm cháu là sĩ quan...
- Cháu không hề thiết việc đó.
- Nghĩa là họ rất cần có cháu. Chúng tôi có thể xin cho cháu bổ nhiệm - theo bác nghĩ, vào ban phản tình báo Ả-rập - nơi mà cháu có thể giúp nhiều cho Haganah nữa.
- Tử tế quá! Cháu e rằng họ sẽ xếp cháu vào ban tạp dịch đi đổ rác cùng với những thanh niên Palestine khác. Cháu rất hãnh diện được thiên hạ coi cháu như một tên Do-thái hữu ích...
- Ari, đừng có bắt tôi phải biến đề nghị của tôi thành lệnh.
- Lệnh? Thưa Tư lệnh, Tư lệnh chắc sẽ ngạc nhiên đấy.
Avidan giật mình. Là người hết sức trọng kỷ luật, ông không thể quan niệm một quân nhân tôn trọng hệ thống quân giai như Ari Ben Canaan lại có thể đột nhiên bất phục tùng như vậy. Barak can thiệp:
- Tôi hài lòng Ari đã trình bày một cách thẳng thắn: Ari ấm ức hoài từ khi rời Tây Bá-linh.
Avidan lắc đầu.
- Coi nào, Ari... Bác không muốn nhấn mạnh hơn...
- Việc quái gì tôi lại phải mặc quân phục Anh nhỉ? Để cho quý vị đó nhốt tôi vô tù sao? Bố muốn con cắt nghĩa ngay thẳng mọi sự phải không bố? Vậy con xin nói: từ năm năm rồi, chú Akiba đã có can đảm chỉ đích danh kẻ thù của chúng ta.
Barak gầm lên:
- Bố muốn con không được nhắc tên chú ấy trong cái nhà này!
- Con rất tiếc là không nhắc tới tên chú Akiba sớm hơn. Chính chỉ vì không muốn đương đầu công khai với bố nên con đã không gia nhập hàng ngũ Macchabée.
Avidan nói:
- Cháu chưa biết là Akiba cùng tất cả các Macchabée đã từ bỏ chiến đấu chống người Anh trong lúc này. Hậu quả là sự khước từ của cháu...
Ari đứng dậy và đi ra phía cửa:
- Con sang chơi domino bên nhà Taha. Ngày nào quân Quốc xã xâm lăng Palestine, xin mọi người báo cho con biết.
Cộng đồng Do-thái dù có đóng góp hết sức mình vào nỗ lực chiến tranh của Anh, Luân-đôn vẫn không vì thế mà chịu đổi thái độ thù nghịch. Một thái độ sẽ gây ra nhiều biến cố ghê khiếp đến nỗi làm một người Do-thái ôn hòa nhất cũng phải nổi nóng.
Trước hết là tấn thảm kịch tầu Strouma. Một chiếc tầu hơi chạy trên sông Danube, cổ lỗ, lọc xọc, mục nát, dài chưa tới hai mươi thước mà trên đó chồng chất tới tám trăm người Do-thái tuyệt vọng tìm cách chạy khỏi Âu châu. Không biết do phép mầu nào, chiếc tầu xác này, nước ngập mấp mé vì chở nặng, cũng đã tới được Istamboul. “Trung ương” phục quốc Do-thái hầu như lạy người Anh xin ban cho các chiếu khán cần thiết. Nhưng người Anh không những từ chối không cho, còn gây áp lực mạnh với chính quyền Thổ để chính quyền này không cho phép tầu được tạm trú trong hải phận mình nữa. Sau cùng, các cảnh sát Thổ lên tầu. Chiếc Strouma bị kéo qua Bosphore rồi bỏ mặc cho trôi giạt ngoài Bắc hải, không nước uống, lương thực và không cả nhiên liệu nữa. Không chống nổi cơn mưa đầu tiên, chiếc tầu hơi chạy sông này đắm.
Chỉ có một người trên tầu sống sót.
Một thời gian sau, một thảm kịch thứ hai diễn ra ngay ngoài bờ biển Palestine. Hai chiếc tầu chở hàng kiệt quệ đã lết được tới Haija với khoảng chừng hai ngàn người Do-thái. Người Anh ra lệnh chuyển họ ngay lập tức sang chiếc Patria nhổ neo rồi bị đắm ngoài khơi hải cảng. Trong vụ này nữa, cũng có hàng trăm người mất tích.
Tất cả những điều đó đều được thực hiện tuân theo Bạch thư, để khỏi làm thiệt hại, dù chỉ rất nhẹ, tới người Ả-rập!
Vào lúc đã làm chủ lục địa Âu châu, Wehrmacht sắp sửa tung ra một trận quyết định đánh vào tim của Đế quốc Anh - nghĩa là vào kênh Suez, Ai-cập và Palestine - vị mufti ấy, sau cuộc nổi dậy thất bại ở Irak, đã sang Bá-linh. Được Hitler tiếp đón nồng nhiệt vì lãnh tụ Đức thấy đó là một đồng minh hữu ích, mufti được xử dụng đài phát thanh Đức để lên tiếng hô hào với giọng điệu cũ rích:
“Hỡi dân Ả-rập, hãy đứng dậy, hãy trả thù những kẻ đã hành hạ đồng bào... Tôi, mufti Palestine, tuyên bố thánh chiến, nổi dậy chống lại áp bức gông cùm Anh cùng sự hỗn láo đã làm ô uế các nơi thờ phụng của chúng ta. Giết chết được một tên Do-thái, là làm hài lòng đấng Allah, là cứu vãn danh dự của đồng bào. Cầu cho bọn Do thái bị tiêu diệt đến tên cuối cùng!”
Trong thời gian này, lộ quân thứ VIII của Anh bị Afrika Korps của Rommel đẩy lui, đang chuẩn bị giao tranh trận chót để giữ đồng bằng sông Nil. Đằng sau lưng đạo quân này, ở Alexandrie, dân Ả-rập đang chuẩn bị cờ xí để đón tiếp “các người giải phóng” một cách xứng đáng. Xa hơn về phía bắc, ở Syrie, quân Đức, dưới sự che chở của chính quyền Pháp phe Vichy(2), đã dự trữ đủ vũ khí để chuẩn bị xông vào Palestine. Trong toàn thể Trung Đông, Anh quốc chỉ trông cậy ở một đồng minh duy nhất: các lực lượng phục quốc Do-thái.
Tình hình kẹt đến nỗi một ngày nọ người Anh cầu tới “Trung ương” và yêu cầu Do-thái thành lập các đơn vị du kích: các đơn vị này, trong trường hợp lộ quân VIII rút lui, sẽ tạo thành quân chặn hậu và tấn công quấy nhiễu các đạo quân đồn trú Đức. Do đó phát sinh Palmach, lực lượng xung kích chính của Haganah.
Ari Ben Canaan ngồi xuống bàn dùng bữa cơm, và điềm tĩnh nói:
- Con vừa tình nguyện đầu quân vào quân lực Anh.
Ngày hôm sau, chàng tới trình diện tại kibboutz Beth Alonime, Nhà Cây Sồi, nơi mà tất cả thanh niên Palestine khắp xứ đổ về để thành lập các đơn vị Palmach.
 
Chú thích:
(1) War office: bộ Quốc Phòng Anh
(2) Vichy: sau khi đệ nhị thế chiến mở màn một thời gian ngắn, quân Pháp Anh thua nặng. Quân Anh phải rút về Anh quốc, chính phủ Pháp - lúc đó do thống chế Pétain lãnh đạo - phải xin hòa với Đức. Đức chiếm cứ miền Bắc nước Pháp, để miền Nam dưới quyền kiểm soát của chính phủ Pháp thân Đức đóng đô ở Vichy. Một thiếu tướng Pháp, DE GAULLE, không chịu nhận hòa ước ô nhục này, trốn sang Anh thành lập một chính phủ lưu vong và Quân lực Pháp tự do, sau này đã trở về giải phóng đất nước. Trong những năm đầu, phe DE GAULLE yếu thế vì đa số được tư lệnh các đạo quân Pháp ở các thuộc địa hải ngoại (trong đó có Syrie và Đông Dương) đều theo chính phủ Vichy. Sau khi bên Đồng Minh thắng trận, De Gaulle trở thành anh hùng dân tộc và từng lãnh đạo dân tộc Pháp nhiều lần - tới gần đây, ông tự ý từ chức về trí sĩ. Còn thống chế Pétain bị khổ sai chung thân và chết trong tù.