Chương 8

     gày hôm sau, Kitty và Karen đến Tel-Aviv bằng xe của tướng hồi hưu Sutherland. Kitty chỉ nói cho cô gái biết là nàng cần đi mua bán nhiều thứ nên lợi dụng dịp này để đưa Karen đi thăm thành phố luôn. Đến nơi vào khoảng buổi trưa, hai người thuê một phòng ở khách sạn Gat Rimon ven biển. Ngay sau khi tướng Sutherland đã cáo từ ra về, hai người ra bãi biển tắm, thật là thoải mái sau cơn nóng nực khi đi đường.
Vào xế chiều, một chiếc taxi đưa hai người đến chợ trời Jaffa: một dẫy cửa hàng dài bất tận đào sâu ở trong một bức tường thành xây từ thời các Thập tự quân. Hai người chọn một cửa hiệu đầy kín bát chén bằng đồng: lọ, chảo, đĩa nhiều hàng trăm cái, đủ hình dạng, kích thước. Chủ nhân, một dân Ả-rập mập bệu đang ngủ gà ngủ gật thấy khách vào vội cười tươi, chào hỏi rối rít. Hắn ra lệnh cho con trai mang cà-phê tới, và Kitty cùng Karen vừa nhấm nháp cà-phê, vừa cố gắng bắt chuyện - một cách vô ích- cả hai người cộng lại nói được bẩy thứ tiếng khác nhau, nhưng chủ tiệm lại chỉ biết tiếng thứ tám: tiếng của ông ta. May mắn thay đứa con trai sau cùng khám phá ra trong đường bên cạnh nhà thông ngôn chính thức của khu chợ này, kẻ biết nói tiếng Anh, dĩ nhiên không phải thứ tiếng Anh của Shakespeare, nhưng cũng còn gần như hiểu được.
Bây giờ mọi người có thể bắt đầu vào chuyện đứng đắn. Kitty và Karen lục soát cẩn thận cửa tiệm, làm tung cả đám mây bụi, cạo từng lớp đất bẩn cáu ngoài các đồ vật để xác định mức độ đồ cổ. Sau bốn mươi lăm phút, hai người đã thu thập được một lô gồm hai cái bình, ba bình pha cà-phê Ả-rập rất đẹp và dễ thương, một cái mâm Ba-tư vĩ đại mà các hình khắc thuật lại cuộc diễn biến của một huyền thoại. Kitty quay lại người thông ngôn:
- Anh hỏi xem ông chủ tính bao nhiêu, sau khi đã lau chùi đánh bóng kỹ và trao tại khách sạn.
Ngay lập tức thông ngôn và chủ tiệm lao vào một cuộc tranh luận hết sức hăng hái. Cứ nhìn các cử chỉ, các khoa chân múa tay, có thể tưởng là hai người sắp túm lấy tóc nhau đến nơi. Sau cùng, người thông ngôn lắc đầu, thở dài:
- Ông Akhim đáng thương này, ông tan nát cõi lòng. Thấy các báu vật ra đi, ông buồn, rất buồn. Cái đĩa Ba-tư - ông thề có Allah - đã cổ đến ba trăm năm. Nhưng đối với phu nhân đây cùng tiểu thư, ông Akhim cũng xin đưa một giá. Mười sáu livre sterling tất cả.
Kitty thì thào vào tai Karen.
- Hắn tự ăn cắp của chính hắn, tội nghiệp chưa. Rẻ quá sức.
Karen phản đối:
- Cô không trả giá hắn đòi chứ! Nếu cô không muốn làm hắn mất vui buổi chiều nay, cô phải mặc cả đi cô!
- Không có dại mà mặc cả. Tôi lấy tất và ôm đi luôn thật lẹ. Ở Hoa-kỳ, riêng cái khay thôi cũng giá ba trăm đô-la rồi.
- Cô đừng làm thế cô!
Karen cương quyết bước lại trước chủ nhân Akhim làm nụ cười đang nở trên môi ông tắt hẳn. Karen nói bằng một giọng chắc nịch:
- Chín livre, không thêm một penny nào.
Viên thông ngôn dịch. Akhim giơ tay lên trời. Sau nhiều than vãn như khóc và nhiều nghiến răng bứt tóc, ông bằng lòng hạ giá xuống mười ba livre. Quả thực ông không thể hạ hơn được nữa, ông có một gia đình phải nuôi, chưa kể nỗi buồn của ông khi phải rời xa những cổ vật vô giá này...
Đến mười hai livre mười shilling, ông đành chịu. Kitty cho địa chỉ khách sạn và hứa sẽ thanh toán khi đồ vật mua đã được mang đến nơi “sau khi đã được lau chùi và đánh bóng đến mức coi được”. Viên thông ngôn được thưởng một nụ cười và một món tiền hậu hĩnh. Sau cùng hai người ra đi để tiếp tục thám hiểm con đường đầy rác rưởi và các đồ vật thần tiên của Đông phương.
Đột nhiên một người đàn ông có vẻ một sabra lại gần Karen, nói nhỏ vài câu vào tai rồi đi xa.
- Hắn muốn gì em đó?
- Chắc hắn nhìn bộ đồng phục biết em là người Do-thái. Hắn khuyên chúng ta nên lập tức trở về Tel-Aviv. Sắp có lộn xộn ở đây. Chắc đó là một đoàn viên Macchabée.
Kitty lo cuống, thì thào:
- Chúng ta về, lẹ lên.
Kitty chỉ yên tâm khi về đến đại lộ Rothchild với vỉa hè rộng trước những căn nhà kiểu tối tân nhất, các dẫy xe chạy dài, các bộ hành rảo bước như trong các đô thị lớn. Karen nhận xét:
- Trái ngược hẳn với Jaffa! Một khi nghĩ rằng tất cả những gì ở đây đều được nghĩ ra, làm ra, tạo ra bởi người Do-thái. Cô không biết được điều này có nghĩa như thế nào với người Do-thái chúng em đâu - một thành phố mà tất cả, toàn thể, đều thuộc về người Do-thái.
Bực dọc, Kitty nói:
- Cô chẳng thấy gì là kỳ lạ hết. Ở Hoa-kỳ, rất nhiều người Do-thái giữ những địa vị quan trọng, họ đều rất sung sướng và tự coi mình như người Hoa-kỳ...
- Nhưng đó là chuyện khác. Ít nhất là ở đây chúng em chắc chắn là đang ở trên đất nước mình, nơi chúng em có quyền thở hít, làm việc và sung sướng theo cách thế của mình.
Kitty thích lảng tránh câu chuyện hơn. Nàng lấy trong ví một mẩu giấy đưa cho Karen.
- Em có biết địa chỉ này ở đâu không? Một người đã cho tôi địa chỉ này...
Đó là một địa điểm cách đó hai con đường, một cửa hàng bán y phục phụ nữ đủ loại. Kitty nói:
- Vào đây đi. Cô định mua cho em một loạt quần áo tối thiểu. Đây là một ngạc nhiên mà cô cùng tướng Sutherland định dành cho em từ lâu rồi.
Karen đứng sững lại.
- Không được đâu cô... em biết nói sao với các bạn em ở Gan Dafna, và em thấy y phục do trại cấp cũng không có gì đáng chê...
- Y phục này rất hợp với Gan Dafna, nhưng...
Karen bướng bỉnh trả lời:
- Em có đủ quần áo dư dùng rồi cô.
Kitty suýt nữa phát cáu: đôi khi Karen ăn nói y hệt như Jordana.
- Thôi, Karen, em đừng quên em đã là một cô gái lớn rồi, một tiểu thư rồi. Thỉnh thoảng em có mặc một chiếc áo đẹp thì cũng không phải vì thế em đã phản bội chính nghĩa đâu.
- Em rất kiêu hãnh về...
Kitty ngắt lời:
- Thôi, xin em. Cả tôi lẫn tướng Sutherland đều kiêu hãnh về em. Như vậy khi em đi chơi với chúng tôi ngoài Gan Dafna, em hãy làm vui lòng bọn tôi bằng cách ăn mặc cho thích hợp, chứ không ăn mặc như một cô sabra man rợ.
Karen vừa tìm cách rút lui, vừa liếc nhìn những quần áo trưng bầy trong tủ kính. Nàng thì thào không mấy tin tưởng:
- Như vậy không mấy tử tế so với các bạn gái của em, cô.
- Nếu em muốn an lòng, cô không cấm em giấu những quần áo mới trong một thùng đựng súng.
Karen không chiến đấu nữa. Năm phút sau, nàng lượn lờ trước gương trong phòng thử quần áo, điên lên vì vui sướng. Những hàng vải này mới êm ái làm sao, những áo này sang trọng làm sao! Trong lúc kích thích này, nàng không để ý đến vẻ ngây ngất của Kitty khi nhìn thấy một thôn nữ biến hình thành một thiếu nữ Tây phương.
Sau cùng hai người rời nhà hàng, hai tay ôm đầy các hộp quần áo. Sau khi dí mũi vào nhiều cửa kính đại lộ Allenby, họ ngồi phịch xuống thềm hiên quán cà-phê đầu tiên của đường Ben Yehouda. Kitty gọi kem. Karen nói, miệng còn dính đầy kem:
- Một ngày tuyệt đẹp! Đáng tiếc là anh Ari và Dov không đi cùng với chúng ta! Cô Kitty, cô biết không, đôi khi em tự hỏi không biết có phải chúng ta đã lạc vào những bến không thích hợp hay không?
- Chúng ta?
- Vâng. Cô với anh Ari, em với Dov.
- Cô chẳng thấy có cái gì có thể mang lại cho em cảm tưởng là giữa tôi và ông Ben Canaan có một liên hệ gì. Dầu thế nào, em cũng nhầm hoàn toàn rồi... cô có thể đoan chắc với em...
Karen cười:
- Em thì em tin chắc đấy cô. Chắc chắn có lẽ tại không hề có liên hệ giữa cô và anh Ari nên cô mới ngoái nhìn đến suýt sái cổ mỗi khi có tiếng xe tiến vào cổng trại.
Kitty càu nhàu, vội vã cầm thìa xúc ăn:
- Im đi cái cô này, cô nói ngu không chịu được.
- Vậy hả cô? Nếu đúng thế thì tất cả mọi người ở Gan Dafna đều ngu như em hết cô ơi. Bởi vì tất cả mọi người ở đó đều biết cô có cảm tình nặng với anh Ari. Còn em, em biết hơn mọi người một điều: Anh Ari, anh ấy cần cô lắm.
Cảm động, Kitty đưa tay vỗ nhẹ vào Karen:
- Tôi muốn được trẻ lại, mười sáu tuổi như em quá! Ở tuổi này, cuộc đời có vẻ giản dị biết bao. Em biết đó, anh Ari đâu có phải là một người như trăm ngàn người khác. Anh thuộc loại siêu nhân mà đức tính tốt nhất và cũng là nhược điểm xấu nhất là hoàn toàn tự tin. Anh chẳng cần bất cứ ai trên đời kể từ khi anh biết xử dụng ngọn roi da của ông bố anh. Còn về huyết thống, trong máu anh pha trộn thép với nước đá lạnh băng, còn về con tim, tim anh xử dụng không hao mòn và không biết xúc động gì hết. Ông Ben Canaan vươn lên trên các xúc động thường tình của nhân loại. Nói tóm lại, em có lý đấy, hai chúng ta đã làm thân con gái trôi nhầm bến nước rồi. Thôi, về khách sạn đi. Em sẽ thay đổi xiêm y, trang điểm cho đẹp, như một nàng công chúa, nhất là em cần phải thanh toán hai cái bín kỳ cục này đi - bởi vì ông Sutherland và tôi còn dành cho em một ngạc nhiên nữa. Bọn tôi đưa em đi dự trình diễn vũ bộ Pháp, vở Lac des Cygnes, tại Viện Kịch trường Quốc gia.
Quả là một buổi tối thần tiên. Karen, hầu như đã quên luôn là còn có các ban vũ ballet, đã ngồi coi say mê, nét mặt biến đổi. Kitty quan sát nàng chăm chú và có cảm tưởng đã khơi dậy trong lòng thiếu nữ những xúc động đã im ngủ từ nhiều năm qua. Rõ ràng là Karen đã khám phá lại được thứ hạnh phúc sâu xa đã được biết từ ngày xưa, một niềm thỏa mãn cũng quan trọng như các cánh đồng và vườn cây vùng Galilée. Kitty quyết định để Karen chỉ bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa phục quốc Do-thái mà thôi: dĩ nhiên chính nghĩa Do-thái đã chinh phục Karen một phần lớn, nhưng trong nàng, vẫn còn tiềm tàng một cái gì mà Israël không bao giờ chiếm nổi.
Rất khuya sau nửa đêm, họ mới trở về khách sạn. Kitty bắt Karen đi ngủ rồi xuống quầy rượu uống một ly chót với Sutherland. Viên cựu tướng hỏi:
- Cô đã nói với cô bé là đã tìm thấy ông cụ của cô bé chưa?
- Chưa.
- Cô có muốn tôi đi cùng với cô sáng mai không?
- Không cần đâu. Nhưng nếu ông muốn có mặt tại đó... sau khi...
- Cô cứ tin cậy ở tôi.
Kitty đứng dậy, và do một xúc động đột ngột, hôn lên má ông bạn già:
- Chúc bác ngủ ngon, bác Bruce.
Nàng đã tắm rửa xong và nằm xuống khi nghe tiếng chân đi nhẹ làm nàng mở mắt. Karen vừa lại quì gối bên giường và đặt đầu lên ngực nàng, nói nhỏ:
- Em yêu cô lắm, em yêu cô biết bao. Nếu cô có là mẹ em, em cũng không thể yêu cô hơn thế được.
Kitty vuốt tóc nàng.
- Đi ngủ đi cưng. Ngày mai hai ta sẽ có một ngày vất vả lắm.
Nhưng chính nàng lại không sao ngủ được. Hút hết điếu này đến điếu khác, sau cùng nàng ngồi dậy ra ngồi bên cửa sổ. Và khi đã hết sức mệt mỏi vào lúc bốn giờ sáng, nàng thiếp đi, giấc ngủ của nàng khó khăn và đầy ác mộng.
Sau khi ăn điểm tâm, và nàng trả lời rất mơ hồ những câu hỏi của Karen về chương trình dự trù cho ngày, thiếu nữ đột nhiên có một linh cảm.
- Cô Kitty... chắc vụ ba của em phải không cô?
- Cô không định giấu em... cô chỉ định tìm cách...
- Em van cô, cô nói cho em biết sự thực đi.
- Ba em đau, hết sức nặng.
Karen đưa một bàn tay run rẩy lên che miệng, thì thào:
- Em muốn gặp ba.
- Chắc ông không nhận ra em đâu.
- Dù thế em cũng vẫn muốn gặp... Em chờ đợi biết bao nhiêu lâu nay rồi... Mỗi tối, khi đi nằm, em tưởng tượng như có ba đứng gần... Ở trại Caraolos, hầu như đêm nào em cũng mơ tới ba... Em xin cô, cô dẫn em tới gặp ba đi, ngay bây giờ.
Ra tới đường, Kitty nắm lấy cánh tay nàng.
- Dù xẩy ra việc gì, em cũng đừng quên là có cô bên cạnh em. Nhớ không...
Viên y sĩ tiếp hai người có vẻ nghiêm trọng.
- Cô Karen, thân phụ cô đã bị Gestapo tra tấn. Chuyện này xẩy ra vào lúc đầu chiến tranh: tụi Quốc xã muốn cưỡng ép ông cụ làm việc cho bọn chúng. Nhưng vì ông kháng cự, chúng cũng đành chịu. Thân phụ cô không thể hợp tác với Quốc xã, với Hitler, ngay khi chúng đe dọa giết thân mẫu cùng các em của cô.
Karen thì thào:
- Bây giờ tôi nhớ được rồi. Ở Đan-mạch, đột nhiên chúng tôi không nhận được thư nhà nữa... Tôi sợ không dám hỏi ông bà Hansen tại sao gia đình tôi không gửi thư sang nữa.
Viên y sĩ nói tiếp:
- Họ gửi thân phụ cô đến trại Theresienstadt, trong khi bà cụ và các em thì...
- Tôi biết.
- Tụi Quốc xã hy vọng là ở Theresienstadt, “trại kiểu mẫu”, sau cùng ông cụ sẽ đổi ý kiến. Sau chiến tranh, ông cụ biết tin bà cụ và các con đã chết. Ông cảm thấy mình có lỗi: chính tại ông đã chần chờ, tìm cách rời nước Đức quá trễ nên vợ con mới chết như thế. Cảm thấy phạm tội này, cộng với các hậu quả của tra tấn, đã làm ông mất trí. Tôi có thể diễn tả như thế này: dù ông còn sống, ông cũng không còn là ở thế gian này nữa.
- Tình trạng của ông liệu có thể khá hơn sau này không?
Viên y sĩ quay về phía Kitty.
- Suy sụp tinh thần... Một trường hợp bệnh buồn cực độ...
Karen ngắt lời:
- Những chữ đó đúng ra có nghĩa là gì?
- Là thân phụ cô không bao giờ tỉnh trí được nữa.
- Tôi không tin. Tôi muốn gặp ba tôi.
- Liệu cô còn nhớ ông cụ không?
- Mơ hồ thôi.
- Tốt hơn, cô nên giữ một cách cẩn trọng những kỷ niệm mơ hồ ấy còn hơn nhìn thấy ông cụ trong tình trạng hiện giờ.
Kitty can thiệp:
- Không được, bác sĩ. Phải để cho nàng gặp ông ấy, dù cuộc gặp gỡ này có làm đau đớn hết sức. Không thể nào để vấn đề lơ lửng không giải quyết.
Viên y sĩ đưa hai người qua một hành lang rồi ngừng trước một cánh cửa khép kín. Ông mở cửa cho hai người rồi lảng ra.
Karen tiến vào một căn phòng nhỏ, chỉ có một ghế bành, một lavabo, một giường. Nàng tiến một hai bước, nhìn quanh quẩn rồi đột nhiên sững sờ. Trong một góc phòng, một ông già đang ngồi bệt dưới đất. Chân không, tóc bù xù, ông vòng tay ôm đầu gối, nhìn lơ đãng thất thần vào khoảng tường đối diện.
Karen tiến lại, nàng thấy người này râu không cạo, mặt đầy sẹo. Đột nhiên Karen cảm thấy tim nàng bớt đập mạnh. Nàng nghĩ: “Chắc lầm rồi, lầm một cách thảm hại... Người này không phải bố mình... mình không hề nhận ra...” Nàng nghiêng người để dò xét cặp mắt vẫn nhìn vào tường đối diện. Xa quá, xa xôi quá sức, nàng không sao nhớ lại nổi... Nhưng chắc chắn kẻ này không phải là kẻ nàng vẫn gặp trong các giấc mộng.
Chậm chạp, nàng quỳ gối xuống trước con người đang ngồi bất động, mất trí.
Có một cái lò sưởi lớn, và căn phòng thơm mùi thuốc hút từ ống điếu của ba tỏa ra. Không giống như ở nhà ba, nơi bao giờ cũng thơm một mùi bánh ngọt.
Ô ba này, hãy nhìn lũ khỉ! Chúng ngộ quá ta! Có thật là ở Cologne chúng ta có một sở thú đẹp nhất thế giới không ba?
Lo lắng, nàng dò xét cái xác người chân trần, trán đầy những vết sẹo không đều này. Không có gì... không có một chi tiết nào làm cho nàng nhớ lại được ba nàng cả. Đưa tay ra, nàng vuốt nhẹ má người đang ngồi.
- Ba, ba ơi!
Không có một phản ứng nào cả.
Có một đoàn tầu lớn và rất nhiều trẻ con phải khởi hành đi Đan-mạch... “Chào ba, ba cầm này, cầm con búp bê của con.” Nó sẽ coi sóc ba. Qua cửa kính toa tầu, nàng nhìn thấy ba, đứng trên sân ga, nhỏ dần và cứ nhỏ dần.
Nàng nghiêng mình xuống thấp hơn nữa.
- Ba ơi ba! Con đây. Karen đây, con gái ba đây. Con đã lớn nhưng vẫn là con gái của ba. Ba cố nhớ lại đi, ba!
Ngoài hành lang, viên y sĩ đang nắm lấy tay Kitty đang run rẩy từ đầu đến chân.
- Để tôi vào, tôi phải ở gần Karen, buông tôi ra, bác sĩ!
- Không được đâu, bà Fremont. Cần phải để thảm kịch này diễn ra tới hết, nếu bà muốn cô bé thoát ra và quên đi được sau này.
Karen, nàng nhớ lại được những kỷ niệm đã tưởng quên đi vĩnh viễn rồi. Những cử chỉ, vài câu nói... Đúng rồi, nàng không còn ngờ gì nữa, đây chính là ba của nàng... Karen hét lên, vòng tay ôm quanh cổ ông:
- Ba! Ba! Nói với con đi ba... nói với con một câu đi ba, bất cứ câu gì... nhưng ba nói đi, nói với con đi!
Kẻ sống như chết rồi, xưa kia là giáo sư Johann Clement ấy, mấp máy cặp mắt như bị chói ánh sáng. Khi nhận thấy có một người lạ đang ôm mình, ông tỏ ra tò mò. Vẻ ngạc nhiên này xuất hiện trong vài giây. Hình như ông đang cố gắng ghi nhận một tia sáng chiếu vào khoảng trống rỗng tối đen đang bao quanh mình. Rồi đột nhiên, tia sáng lại tắt phụt. Karen hét lên:
- Ba! Ba... đừng bỏ con, ba...
Viên bác sĩ phải cố gắng mới lôi được Karen ra khỏi ông già vẫn ngồi thù lù trong góc. Ông dịu dàng đưa nàng trở ra hành lang. Một nữ điều dưỡng đóng cửa phòng, khóa lại và Johann Clement đã mất con gái mình - có lẽ là cho mãi mãi. Khóc nức nở, Karen gục vào vòng tay Kitty.
- Ba không nhận ra cả em nữa... Trời ơi, tại sao, tại sao lại có thể như vậy được.
- Cố trấn tĩnh lại đi em. Cô có đây mà, ôm lấy cô đi.
- Cô đừng bỏ em nhé cô, hứa là đừng bao giờ bỏ em!
- Em biết rõ là không bao giờ cô rời em cả mà...