Hai

     oài ngồi trước một tờ giấy kẻ những ô vuông màu xanh, đỏ. Tay Hoài cầm bút chì đưa chậm trên trang giấy đó, thỉnh thoảng lại ngừng ở một ô vuông.
Đây là bản đồ lớp mà Hoài vừa thực hiện xong. Mỗi ô vuông là một chỗ ngồi một người, đúng theo vị trí trong lớp. Phải mất công lắm Hoài mới làm xong cái bản đồ lớp này, với những chi tiết về mỗi người. Hoài lại chia lớp ra thành những “xóm”.
Dừng ngọn bút chì ở những ô tô màu nâu cuối trang giấy, Hoài lẩm bẩm:
- Xóm nhà lá đây! Xem bao nhiêu vị nào. Một, hai, ba... Mười ba vị, đúng là con số ác liệt. Thảo nào.
Hoài ghi sang mặt sau trang giấy “Xóm nhà lá: mười ba vị, trưởng xóm: Tuệ”.
Hoài mỉm cười nói nhỏ:
- Phải làm sao lái được anh chàng Tuệ này mới xong. Hắn thật là con người có óc lãnh đạo. Hắn đề xướng một trò phá phách nào là cả xóm nhà lá làm theo một loạt. Chỉ bị một nhược điểm là háo thắng. À... mình phải tấn công đúng vào nhược điểm của địch mới được.
Ngọn bút chì lại được di động, rồi dừng lại ở ô đề tên Mai Ngọc Oanh, ô này còn trắng chưa được tô màu.
Hoài đọc những hàng chữ nhỏ li ti phía dưới “giỏi nhất lớp, nhưng ít bạn”. Chợt nhớ, Hoài gạch một mũi tên từ ô đó để tên Trần Hoàng Việt, để nhớ Oanh có một tên bạn thân là Việt.
Cứ thế, Hoài bổ túc cho cái bản đồ lớp của mình thêm đầy đủ. Cuối cùng, tạm hài lòng, Hoài bỏ bút, ngắm nghía lại công trình của mình.
Hoài chia lớp làm ba xóm rõ rệt: xóm nữ sinh, xóm hoạt động, xóm nhà lá. Mỗi xóm lại có những trưởng xóm, trưởng xóm này chả được ai bầu ra cả nhưng hầu như được mặc nhiên công nhận, vì có ảnh hưởng với anh em, được anh em nghe theo. Hoài tô xóm nữ sinh màu xanh, xóm hoạt động màu đỏ, xóm nhà lá màu nâu.
Sở dĩ các nữ sinh được thu vào một xóm vì họ có ít, khoảng hai mươi người, tụ tập cả trên những bàn đầu. Còn một số người không thuộc xóm nào cả, vì không có khuynh hướng rõ rệt và ít giao tiếp, Hoài để trắng không tô màu và đặt cho một cái tên ngộ nghĩnh: “Khối không liên kết”.
Hoài vươn vai lấy ly nước lọc để trên bàn, uống cạn một hơi, xong, nói nhỏ:
- Bốn giờ chiều rồi. Còn được bốn mươi lăm phút ôn bài Vạn Vật ngày mai, nghỉ mười lăm phút, chờ cả bọn đến họp nhóm. Chắc rằng cả bọn phải phục lăn ra với cái bản đồ lớp của mình.
Hoài đứng lên đi lại một lát rồi ngồi vào bàn lấy tập ra học.
Được cái thông minh, nên chỉ ngồi nửa tiếng Hoài đã “tụng” xong mấy trang Vạn Vật.
Đọc lại một lần thật trơn tru, vẫn chưa yên tâm, Hoài lục cặp lấy ra một tấm bìa cứng nho nhỏ làm lại dàn bài và ghi tóm tắt những ý chính của bài học, rồi mở một cái hộp thiếc, lôi ra một bìa cứng cùng khuôn khổ, xếp tờ mới viết vào đấy.
Cái hộp của Hoài quí giá vô cùng, bên ngoài Hoài dán một tấm giấy kẻ ba chữ: “HỘP TRÍ NHỚ”.
Quả nhiên chiếc hộp này thật xứng đáng với cái tên của nó, vì nó đựng ở trong tất cả những thẻ dàn bài của mọi môn học, từ Quốc Văn, đến Toán, Lý, Hóa, Sinh Ngữ, Sử, Địa, Vạn Vật... Mỗi môn Hoài xếp vào một xấp. Nhờ lối học này, mỗi lần rút ra một tấm thẻ nào, liếc nhìn qua dàn bài một chút, Hoài có thể đọc lại vanh vách từ đầu đến cuối.
Thổi sáo miệng vui vẻ, Hoài lấy mấy chiếc quần áo và cái khăn vào phòng tắm. Tiếng nước đổ ào ào lẫn tiếng hát vui tươi.
Ấy, cái tật của Hoài như thế đấy, cứ tắm là phải hát, chả hiểu làm sao nữa. Nhiều khi mẹ mắng yêu:
- Cái thằng quái này, có tắm xong rồi ra không? Hát nghêu ngao mãi mất hết cả ngày.
Chỉ một thoáng sau, Hoài tắm rửa xong xuôi, bước ra khỏi phòng rồi mà vẫn còn hát nho nhỏ trong miệng.
Mở tủ, chọn lấy cái sơ mi cụt tay được mẹ ủi sẵn và chiếc quần hơi cũ mặc ở nhà, Hoài đóng “lễ bộ” vào để chờ các bạn tới.
Các bạn đây là những học sinh cùng lớp với Hoài, tất cả gặp nhau ở một điểm: cùng muốn cho lớp mình có một không khí vui tươi, lành mạnh. Những lần tiếp xúc riêng với nhau đã giúp họ nhận ra nhau và qui tụ lại một nhóm. Nhóm không đông, chỉ mới được có sáu người: bốn nam và hai nữ.
Phe “húi cua” thì có: Hoài, Lộc, Tứ, Đỉnh, phe “kẹp tóc” thì có: Linh và Bích. Tất cả đồng ý một cách mặc nhiên để Hoài làm trưởng nhóm, chả phải Hoài giỏi hơn các bạn, nhưng Hoài có công nhất trong việc thành lập nhóm.
Nhớ lại buổi họp mặt đầu tiên, Hoài mỉm cười vui thích. Trước đấy hai ngày, Hoài báo cho Lộc và Linh về buổi họp sẽ được thực hiện. Lộc và Linh chưa quen nhau, chỉ có Hoài là quen cả hai, Hoài định để gặp nhau tất cả rồi hoạch định một đường lối chung. Hoài cứ tưởng buổi họp chỉ có ba người, không ngờ chính Lộc cũng đã móc nối được với hai người nữa: Tứ và Đỉnh, hai anh chàng này Hoài mới biết qua chứ chưa quen. Phần Linh, cô cũng quen với Bích. Thế là phiên họp được mở rộng với sáu nhân vật.
Lần gặp mặt đầu tiên ấy ở nhà Hoài, chưa quen nhau nhiều lần nên buổi họp nặng nề vô cùng, ai nấy đều “nhìn nhau chả nói nên lời”, duy chỉ có Hoài ngồi “độc xướng” và Linh thỉnh thoảng ghé sát vào tai Bích thủ thỉ vài câu. Ai nấy đều có nhiều cái muốn nói nhưng đều ngại ngùng, nhất là hai quí vị con gái.
Hoài đã lo, và tự trách mình sao để phiên họp mở rộng quá sớm như thế, giá cứ tổ chức một phiên họp tay ba trước đã, sau đó mới tính đến chuyện mời gọi thêm, như thế có phải hay hơn không. Nhưng bây giờ sự thể đã như thế này, đâu có thể ngồi than trách xuông được, phải tính kế mới xong.
Óc Hoài lóe lên một tia sáng! Được rồi! Hoài quyết định nhanh chóng, vui cười tiếp:
- Tôi vừa trình bày xong với các bạn về mục đích buổi gặp gỡ của chúng ta. “Tiếp theo đây, để thay đổi bầu không khí”, thiết nghĩ chúng mình phải có một cái gì vui vui mới được.
Cả bọn cười ồ về câu pha trò vui vẻ của Hoài. Thành công rồi đây. Hoài khoan khoái nghĩ thầm, rồi tiếp luôn:
- Tôi nghĩ không có gì vui bằng hát chung với nhau vài bài. A! Lộc ơi, lấy cái đàn của tớ ra đây.
Quay sang mấy người bạn mới, Hoài vui vẻ:
- Giới thiệu với các bạn, Lộc nhà ta là một tay “ghi ta”... khét lẹt đấy nhé.
Không khí dần dần trở nên thân mật. Hoài mở tập bài hát cộng đồng tìm một bài thật vui, thật “lên tinh thần”.
Linh bàn:
- Anh có ở đấy bài “Trả lại tôi tuổi trẻ” không?
- Có đây! Nhưng tất cả có biết hát không nào?
Bây giờ cô nàng Bích mới thỏ thẻ giọng oanh vàng:
- Có chứ, ông Phạm Duy đặt bài đó thật hay.
Hoài đưa mắt nhìn Tứ, Đỉnh dò hỏi. Cả hai đáp ngay:
- Biết hát mạnh đi chứ.
Hoài không ngờ, tất cả đều thích hát, cũng như tất cả đều có thiện chí, chỉ cần biết gợi lên, biết liên kết là có kết quả ngay.
Lộc đang ôm cây đàn, một chân gác lên ghế, dáng thật nghệ sĩ. Cậu hỏi cả bọn:
- Sao? Chọn được bài nào chưa?
Tất cả nhao nhao:
- Trả lại tôi tuổi trẻ!
Hoài giục:
- Lộc, bắt đầu đi.
Lộc vuốt nhẹ mấy sợi dây đàn, dạo mấy nốt nhạc đầu tiên của bài hát, rồi đếm “Hai, ba”.
Tất cả cùng hát, thật đều những câu ca tha thiết:
“Trả lại tôi là tuổi trẻ mênh mông,
Chúng mình như lúa reo trên ruộng đồng.
Dù mưa tuôn, dù bão cuốn,
Bông lúa vàng cuồn cuộn gió vươn lên.
Dù bom rơi, dù súng tới,
Bông lúa ngời vượt lửa khói lên ngôi.
Trả lại tôi là tuổi trẻ yên vui,
Dẫu rằng đang chiến tranh hay hòa rồi...”
Bài hát có tất cả sáu đoạn, cả bọn hát thật say mê. Tiếng nhạc cũng như lời ca tha thiết có tác dụng thật mạnh. Tất cả cảm thấy gần nhau hơn, thương mến nhau hơn, gần vì cùng chung một hướng đi, một lối sống, thương mến vì nhận được rõ hơn những tươi đẹp của tâm hồn nhau.
Bài hát kết thúc với câu:
“Trả lại tôi là thần tượng hôm nay,
Chúng mình xin khắc sâu trong dạ này”...
Câu ca đó được hát đi hát lại nhiều lần và nhỏ dần, Lộc buông đàn đứng thẳng dậy:
- Khát nước quá!
- Nhưng mà thật hay. Hoài tiếp.
Đỉnh cười cười:
- Chúng mình sắp thành đại ca sĩ rồi!
Cả bọn cười ầm, Hoài vui vẻ:
- Không biết có thành ca sĩ thật không, chứ quả tình bây giờ thì khát nước thật. Nhà có sẵn đá, sẵn chanh đấy. Ai tình nguyện pha nước cho bà con thưởng thức đây?
Tứ quay sang Linh, Bích:
- Chắc là hai vị này sẵn sàng ra tay tế độ.
Linh cười:
- Chả cần anh nhắc, bọn này phải biết đó là nhiệm vụ của con gái chứ.
Linh quen thuộc hơn nên đứng dậy kéo Bích vào nhà trong. Còn lại bốn người con trai, Lộc đề nghị hát nữa, tất cả đồng ý ngay.
Chỉ một thoáng sau, Linh, Bích đã đem nước ra, chỉ trông đã đủ hết khát.
Đỉnh vừa uống, vừa khen:
- Thật tuyệt.
Rồi hỏi:
- Trong hai người, ai có công hơn để tôi gắn huy chương?
Linh chỉ Bích, Bích chỉ Linh. Hoài cười:
- Thôi không nên hỏi như vậy. Coi chừng lại phải chở hai người đi nhà thương khâu lại mũi bây giờ!
Không khí vui nhộn hẳn lên. Ai cũng thích nói. Nhưng rồi tất cả cũng phải nghiêm trang trở lại để tiếp tục chuyện đang bỏ dở.
Bây giờ thì không ai giục ai nữa, vì mọi người đều muốn nói ra điều mình ấp ủ từ lâu. Sáu người càng lúc càng thấy gần nhau hơn vì điều nhận xét của người này cũng là điều nhận xét của người kia, ước muốn của người kia lại là ước muốn của người nọ.
Hoài tóm tắt:
- Tất cả chúng mính đều nhận thấy lớp có nhiều điều cần phải sửa đổi, làm cho không khí lớp lành mạnh hơn, vui tươi hơn, mọi người hăng say làm việc hơn. Đó cũng là cái lý do chính thức thúc đẩy chúng ta qui tụ lại với nhau trong một tinh thần thân ái.
Tứ tiếp lời:
- Đúng thế! Mình mong sao cho tinh thần Thân Ái được thể hiện trước nhất trong nhóm chúng mình, bởi vì có một tình bạn, chúng mình mới cùng nhau làm việc được. Sau đó chúng mình mở rộng tinh thần Thân Ái đó đến các bạn trong lớp. Khi cả lớp đã có tinh thần Thân Ái rồi, không khí sẽ thay đổi hẳn.
Lộc quay sang hỏi Bích, Linh:
- Thế hai vị này có ý kiến gì không?
Bích cười:
- Thì... cũng như mấy anh vậy!
Linh vui vẻ tiếp:
- Có một cái làm cho bọn này mong cho tinh thần Thân Ái mau “tấn công” vào lớp chúng mình lắm. Hôm nay “bật mí” cho các anh biết một chút: con gái hay ganh ghét nhau lắm cơ, hơi một chút là đã ganh nhau rồi, với lại cũng hay giận nhau nữa. Nếu tinh thần Thân Ái được thể hiện, nhất định tình trạng trên sẽ bớt đi nhiều.
Hoài đề nghị:
- Ý hướng và việc làm của nhóm chúng ta đã nhìn thấy khá rõ. Bây giờ còn một cái phụ thuộc, tuy không quan trọng lắm nhưng nếu có được vẫn hơn: đó là đặt cho nhóm mình một cái tên...
Ngừng một chút, Hoài tiếp:
- Một cái tên... để làm sao khi đọc đến nó, khi nhớ mình trong nhóm đó, chúng ta nhớ lại ngay được ý hướng của công việc mình làm.
Đưa mắt nhìn tất cả, Hoài hỏi:
- Có ai nghĩ được cái tên nào không nhỉ?
Tất cả còn đang suy nghĩ, đắn đo, ngần ngừ, Bích đã nhanh miệng:
- Sao mình không đặt luôn cho tên nhóm là nhóm Thân Ái nghe cũng được đấy chứ, mà lại thể hiện thật đúng, thật rõ mục đích của chúng mình.
Mọi người “à” lên một tiếng vui vẻ. Lộc buột miệng:
- Ừ nhỉ, có thế mà nãy giờ nghĩ không ra. Bích thật đáng được hoan hô!
Hoài tuyên bố một cách trịnh trọng:
- Vậy từ hôm nay, nhóm chúng ta được thành lập với tên là nhóm Thân Ái. Mục đích của nhóm là làm thăng tiến tinh thần và nếp sống của lớp học. Sáu người ngồi quanh đây là những sáng lập viên...
Khúc phim khung cảnh buổi họp đầu tiên đang lần lượt hiện rõ trong óc Hoài. Bỗng nhiên dưới nhà đã có tiếng bấm chuông. Hoài chạy xuống đón Lộc lên. Vừa lui cui khóa xe, Lộc vừa nói:
- Xui quá, mấy trái ổi nhà mình vừa chín tới, định hái đem lại thì chim nó đã đục mất.
Hoài cười, an ủi:
- Không sao, mẹ mình cũng vừa mua một rổ ổi, để ở trong kia kìa. Mấy cô lát nữa tha hồ mà thích.
Lên lầu, Lộc vớ ngay lấy cây đàn, gẩy vu vơ. Ngồi chưa nóng chỗ đã thấy cái đầu của Đỉnh từ cầu thang thò lên. Hoài hỏi:
- Đi lại đây bằng gì mà chẳng nghe thấy động tĩnh gì cả.
Đỉnh trả lời tỉnh bơ:
- Đi bằng chân.
Câu trả lời làm Hoài và Lộc phì cười. Lộc bảo:
- Thì cậu đi bằng chân ai bảo cậu đi bằng tay đâu, nhưng mà Hoài muốn hỏi cậu đi lại đây bằng phương tiện gì: bằng xe đạp, xe gắn máy hay xe buýt.
Đỉnh lại tỉnh bơ trả lời:
- Tớ đã bảo tớ tới đây bằng chân mà.
Rồi giải thích:
- Nghĩa là tớ đi bộ ấy!
Hoài, Lộc hiểu ra, cười lớn:
- Tại cậu có kiểu nói lạ quá, làm bọn này không kịp chuẩn bị tinh thần để tìm hiểu. Nhưng mà xe đâu?
- Để ở nhà.
- Sao thế?
- Chả sao cả.
- Thế là sao?
- Là tại tớ thích đi bộ chứ sao.
Lộc đưa mắt cho Hoài, mỉm cười. Đỉnh bao giờ cũng có kiểu nói chuyện thật buồn cười và có vẻ gàn gàn. Nói chuyện với Đỉnh phải tinh lắm mới nhận ra ý Đỉnh muốn nói.
Đỉnh tiếp:
- Hai cậu xem, trời hôm nay đẹp như thế này, không đi bộ mà ngắm cảnh cũng uổng.
Lộc cười:
- À, ra thi sĩ nổi hứng làm thơ rồi. Thế nào? Lúc đi đường cậu có làm được bài thơ nào không, đọc cho bọn này nghe đi.
Đỉnh vênh mặt:
- Dĩ nhiên là có chứ, nhưng chưa đọc bây giờ được. Để lát nữa đầy đủ mặt bá quan văn võ hãy hay.
Còn đang giằng co về chuyện đọc hay không đọc thơ thì Tứ đến, rồi dĩ nhiên Linh và Bích đến sau cùng.
Cả bọn ngồi quanh một chiếc bàn. Hoài mở đầu:
- Mời tất cả quí vị mở sổ tay ra, xem trong tuần này đã nghe, đã thấy, đã làm được những cái gì nào.
Mỗi “anh” đều thò tay vào túi, vào xắc lấy ra một quyển sổ nhỏ. Luật của nhóm “Thân Ái” là thế, họ làm việc cho lớp học, dựa trên những ý nghĩ, những công việc của các bạn cùng lớp, do đó cần phải có sổ tay để ghi nhận những gì đặc biệt.
Lật lật qua mấy trang sổ, Bích vụt kêu:
- Í, nhớ rồi. Có cái này hay lắm.
Cả bọn chăm chú nghe. Bích đọc:
- Thứ tư, giờ ra chơi, Thu và Trang than phiền là không khí lớp học nặng nề quá, không có dịp nào để cả lớp được giải trí sau những ngày học mệt nhọc. Cả hai mong giá có được một cuộc picnic hay cắm trại thì sướng quá...
Vừa đặt quyển sổ lên bàn, Đỉnh tiếp ngay:
- Sao sổ tay của Bích giống của tôi thế! Cả mấy bàn con trai chỗ tôi ngồi cũng đều muốn có một cuộc đi chơi. Bọn nó đang bảo, nếu cùng quá, sẽ rủ nhau, bốn năm đứa phóng xe gắn máy ra Vũng Tàu chơi vào Chúa Nhật tới.
Tứ cười:
- Tớ cũng đang muốn kiếm chỗ nào đi chơi đây. Học mãi mà không có lúc xả hơi, mệt lắm.
Hoài lên tiếng:
- Căn cứ vào những điều các bạn ghi nhận được, có lẽ chúng ta nên cố gắng tổ chức một cuộc picnic hay cắm trại cho lớp...
Ngập ngừng một chút, Hoài tiếp:
- Hơi khó đấy nhé!
Lộc tiếp ngay:
- Nhất định là khó rồi đấy. Chưa nói đến vấn đề tổ chức buổi trại, chỉ nguyên cái chuyện làm sao cho mọi người tán thành và ủng hộ việc làm của bọn mình, cũng là điều “gay go” rồi.
Rồi Lộc phân tích:
- Mấy bồ thấy không? Lớp có ba thành phần chính, một thành phần chỉ lo học thôi, không chú ý gì đến việc khác, nghĩa là giữ một thái độ thụ động trước mọi vấn đề. Một thành phần chuyên môn phá đám còn thành phần thích hoạt động chỉ được mươi mười lăm người.
Hoài lấy ngay tấm bản đồ lớp vừa thực hiện xong, trải rộng trên bàn, cả bọn chụm đầu vào xem, Hoài nói:
- Lộc bảo đúng đấy. Đây này! Cái bản đồ lớp mình vừa vẽ xong đây... có điều là những thành phần Lộc vừa kể, không biết vô tình hay cố ý, họ đều ngồi dồn vào một chỗ, như thành phần chuyên phá đám, mình gọi là xóm nhà lá, chiếm cứ cả mấy bàn cuối.
Cả bọn xem xét thật kỹ tấm bản đồ. Hoài ngửng lên:
- Đây này, trên nguyên tắc mình cứ đồng ý với nhau là sẽ tổ chức một buổi trại. Nhưng trước đó, phải sửa soạn tinh thần cho lớp đã, cái đó mới là khó. Bây giờ có ngần này công việc phải làm: thứ nhất, làm sao để những bạn chỉ lo học, xa lạ với tất cả mọi hoạt động khác ủng hộ công việc làm của mình; thứ hai, làm sao cho xóm nhà lá không phá đám mình, nhất là làm sao dùng được họ vào việc; thứ ba, liên kết mọi bạn có thiện chí lại.
Tứ đề nghị:
- Bây giờ, mình nên chia ra mỗi người một việc, rồi đua xem ai làm có kết quả trước. Bằng lòng không?
Mấy cái đầu cùng gật. Tứ chia:
- Vậy thì nhờ cụ Hoài lo cho công việc đánh thức các bạn thụ động, cụ Đỉnh với cụ Lộc “trấn an” xóm nhà lá, việc này khó nên cần tới hai cụ, còn tôi lãnh công việc liên kết các bạn thiện chí lại. Thế nào? Còn ai muốn thắc mắc, khiếu nại điều gì nữa không?
Bích với Linh “khiếu nại” liền:
- Thế thì hai đứa này có công tác gì?
Tứ cười:
- Ừ nhỉ, tí nữa quên, xin lỗi! Hai vị này dĩ nhiên sẽ dùng tài ăn nói để mà tác động tinh thần nhóm nữ sinh.
Hoài đề nghị:
- Mình lưu ý tất cả điểm này: mỗi một xóm đều có trưởng xóm đó, nghĩa là xóm nào cũng có một anh chàng đứng đầu và có ảnh hưởng đối với xóm đó. Bây giờ công việc của mình là làm sao “lái” được anh chàng trưởng xóm, như thế, cả xóm sẽ lái theo anh ta ngay.
Lộc tiếp ngay:
- Đúng quá! Như cái xóm nhà lá, anh chàng trưởng xóm giỏi thật chứ không phải chơi, hắn điều khiển mà bọn kia tuân theo răm rắp. Mấy bồ có nhớ hôm thứ bảy tuần trước, giờ Lý Hóa không? Cả xóm chúng nó vỗ ngăn bàn mà thầy không sao bắt được. Nghĩa là tổ chức của bọn hắn rất chu đáo. Cả bọn thò tay trong ngăn bàn và vỗ ngăn bàn theo điệu Boléro rất nhịp nhàng. Nhưng chỉ cần một cái đưa mắt của anh chàng trưởng nhóm là anh nào anh nấy thôi ngay, không vỗ thêm dù là một cái. Qua phút “nguy hiểm”, chỉ một cái gật đầu khẽ, tiếng vỗ bàn lại nổi lên rất nhịp nhàng, đều đặn.
Hoài bổ túc:
- Thành thử bây giờ làm sao Đỉnh với Lộc “kềm” được anh chàng trưởng xóm nhà lá. Tứ liên lạc với Trưởng lớp và Trưởng ban thể thao, du ngoạn. Phần mình sẽ liên lạc và lái anh chàng Oanh. Cái anh chàng giỏi nhất lớp nhưng ít tham gia hoạt động chung ấy mà.
Lộc đáp:
- À, Mai Ngọc Oanh ấy phải không? Này, cái tên ấy lắm tài lắm đấy nhé. Học giỏi, vẽ đẹp, tốt tính, mà hình như lại giỏi võ ghê lắm. Mấy bồ có nghe tin hắn vừa tẩm quất cho mấy ông du đãng một trận đích đáng vì cái tội theo phá đám một cô học trò đệ tam trường mình không?
- Ủa, không ngờ anh chàng ấy lắm tài nhỉ. Mà cũng có vẻ nghĩa hiệp “cứu khốn phò nguy” lắm đấy chứ.
Linh chen vào:
- Chả thế mà trong nhóm nữ sinh, nhiều cô phục lăn anh chàng Oanh đó.
Đỉnh xuýt xoa:
- Đúng là “quí nhân” rồi! Phải làm sao móc anh chàng này vào nhóm của mình mới được.
Hoài thản nhiên:
- Dĩ nhiên mình đã có ý nghĩ đó từ lâu rồi và cũng có một kế hoạch cẩn thận, tuy không lấy gì làm to tát lắm. Kỳ này chúng mình tha hồ có công việc mà làm.
Tứ vụt kêu:
- Này, quí cụ! Cụ nào nhận việc nào thì ghi vào sổ tay ngay đi, không rồi lại quên, lúc đó không đổ cho ai được.
Mọi người đều làm theo cái sự lo xa của Tứ.
Buổi họp chấm dứt bằng hoạt cảnh “sáu người ngồi ăn ổi chấm muối ớt”.

 

- Này Tuệ, tớ phục cậu sát đất đấy.
Đang phì phèo điếu thuốc, Tuệ giật mình quay lại, thấy Lộc đang nhe răng cười, đôi mắt sau cặp kính cận dày cộp nhấp nháy coi thật... hữu duyên. Anh chàng tự hỏi không hiểu sao hôm nay Lộc lại gợi chuyện với mình. Cái anh chàng “con nhà lành” Lộc, chả hiểu sao lại được xếp ngồi lạc lõng giữa xóm nhà lá. Và không hiểu hắn có tôn thờ triết lý “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” không mà hắn không hề nghịch bao giờ. Hắn hoàn toàn bất hợp tác với những âm mưu nhằm phá rối trị an lớp học của xóm nhà lá do Tuệ đề xướng. Giữa đám lao nhao, lúc nào hắn cũng ngồi như một ông bụt. Tuy có hơi chướng mắt thật, nhưng bọn Tuệ vẫn chưa tẩy chay hắn một cách kịch liệt, vì kể ra hắn cũng hiền và biết điều, không bao giờ tố giác những âm mưu của bọn Tuệ, dù hắn biết rất rõ...
Chưa bao giờ Tuệ và Lộc nói chuyện với nhau cả. Sự kiên lạ hôm nay làm Tuệ ngạc nhiên, anh chàng luống cuống thật sự, dập điếu thuốc mới hút có một nửa, quay lại:
- Mày... nói cái gì?
Lộc cười tỉnh:
- Tớ bảo tớ phục cậu sát đất đấy.
Ngày thưởng, Tuệ vẫn quen nói mày, tao rồi, nhưng thấy “tên kia” gọi mình bằng cậu, xưng tớ tử tế quá, mình cứ mày, tao hoài, nhỡ nó khi mình không lịch sự thì chết; Tuệ đành ngượng ngập đổi cách xưng hô:
- Ừ! Thì phục. Nhưng... cậu phục... tớ cái gì chứ?
Lộc cười (lại cười):
- Tớ phục cậu là một nhà lãnh đạo giỏi có tài điều khiển.
- Ơ... ơ...
Anh chàng Tuệ chỉ ơ... ơ... lên được mấy tiếng rồi im bặt. Chưa ai đưa hắn “lên cao” như vậy, ngay cả bọn lâu la cũng chỉ biết khen mấy câu xuông. Lộc khen hắn với những chữ thật oai: nhà lãnh đạo, người điều khiển. Tuy chưa biết tại sao Lộc khen mình nhưng Tuệ cũng cảm thấy hãnh diện. Anh chàng thấy mình hình như cao lên mấy phân và các bắp thịt ở tay như căng phồng. Tuệ hất cái cằm lên một góc 45 độ, xem rất oai dũng. Lộc cười thầm trong bụng và phục tài Hoài đã mách nước cho biết điểm yếu của địch. Chỉ một đòn đầu tiên, hiệu quả đã rõ rệt, Lộc yên tâm tấn công tiếp:
- Cậu có vẻ ngạc nhiên cũng phải. Người tài thường ít thấy tài mình, nhưng người ngoài nhìn thấy rõ lắm. Như tớ đây này, tớ thấy tài của cậu rõ lắm.
Để cho Tuệ có được một phút khoái chí Lộc mới tiếp:
- Cứ nhìn vào hành động và cách cư xử là đoán ngay được tài năng. Cậu nhớ hôm thứ bảy không? Cậu điều khiển mấy bàn học vỗ ngăn bàn thật là “suya”. Nói thật, một nhạc trưởng chưa chắc đã giỏi bằng cậu. Hôm ấy tớ quan sát kỹ lắm, cậu chỉ giơ một ngón tay là tiếng vỗ bàn nổi lên, còn đầu cậu hơi nghiêng về bên trái một chút, con ngươi cũng cho chạy về bên trái luôn, tức thì tất cả đều im bặt.
Tuệ sung sướng:
- Cậu quan sát thật giỏi.
Lộc đáp:
- Đâu giỏi bằng cậu được. Chuyện vừa rồi chứng tỏ cậu có tài điều khiển. Nhưng điều khiển giỏi mà không có cái oai của người lãnh đạo thì cũng bỏ đi. Đằng này cậu lại được cả hai. Cái mặt cậu oai lắm (nghe nói, Tuệ lại vênh mặt lên), có thế cả xóm mới phục cậu. Chứ người khác chắc gì đã làm như cậu được.
Tuệ được khen hết mình, sướng quá, tuyên bố:
- Được, cậu xem, hôm nay tớ điều khiển cho xóm nhà lá vỗ bàn liền 15 phút mà không bị ai bắt cho coi.
Nhưng Lộc chặn lại:
- Không, cái đó đối với người tài ba như cậu thì dễ rồi. Này, nói thật, tớ thấy người như cậu hiếm có lắm, thành ra tớ muốn trắc nghiệm lại xem cậu có phải là người lãnh đạo và điều khiển giỏi thật không. Cậu bằng lòng không nào?
Tuệ ngần ngừ:
- Nhưng mà chịu trắc nghiệm như vậy có khó lắm không?
Lộc cười xòa:
- Khó khăn cái quái gì; với lại nó có khó thì người anh hùng cũng nào có sợ chi.
Câu nói cải lương như vậy không ngờ lại “ăn tiền”. Tuệ ưỡn ngực, nói to:
- Rồi, chịu liền.
Và lập lại:
- Người anh hùng nào có sợ chi.
Lộc lấy giọng nghiêm trang nói nhỏ đi một chút:
- Nhiều người điều khiển xuôi thì được lắm. Nhưng đến lúc phải điều khiển ngược thì bó tay.
Cau mày, Tuệ hỏi:
- Thế nào là điều khiển xuôi, thế nào là điều khiển ngược?
- Thế này nhé! Thí dụ như cậu đi. Cậu điều khiển cho cả xóm nhà lá đập bàn phá chơi thì “suya” lắm. Nhưng nếu giá có bảo cậu điều khiển cho cả xóm ngồi yên, chăm chú học trong suốt buổi thì cậu không làm được. Như thế tức là...
Tuệ cắt ngang:
- Nhưng mà tớ có như thế đâu! Tớ điều khiển xuôi cũng “suya” mà điều khiển ngược cũng “suya” luôn.
Lộc trấn an:
- Biết rồi! Đấy là tớ lấy thí dụ cho cậu dễ hiểu thế thôi.
Mặt Tuệ tươi hẳn lên:
- Ờ... ờ... phải rồi. Thế bây giờ trắc nghiệm ra làm sao?
Lộc trả lời ngay:
- Chả có gì khó khăn, cầu kỳ cả. Bây giờ cậu chỉ việc chứng minh là cậu điều khiển xuôi cũng giỏi mà điều khiển ngược cũng giỏi.
- Bằng cách nào bây giờ?
- Còn bằng cách nào nữa! Thì cậu cứ lôi ngay cái thí dụ của tớ ra thực hiện lại: Nghĩa là ngay trong buổi học hôm nay, cậu phải làm sao điều khiển xóm nhà lá ngồi nghiêm chỉnh học hành, không được phá phách gì hết. Như vậy là cậu điều khiển ngược giỏi.
Tuệ hăng hái:
- Chịu liền. Cái gì chứ ngồi yên không phải làm gì cả, chẳng sợ ai tóm mình lên phạt thì dễ quá.
Lộc khích:
- Ấy, cũng chẳng biết đâu đấy. Coi chừng lại khó hơn là phá phách lén lút ấy chứ.
Tuệ gạt phăng:
- Tớ bảo đảm với cậu là làm được mà.
- Nhớ nhé.
- Thì nhớ chứ sao.
Lộc giao hẹn:
- Nếu cậu làm được, nghĩa là tớ thua cuộc, sẽ bao cậu một chầu ciné và thịt bò khô Pasteur. Còn nếu cậu điều khiển không nổi, tức nhiên cậu bị thua, cậu sẽ phải...
Tuệ hỏi dồn:
- Phải làm sao?
- Cậu sẽ phải, Lộc nói chậm lại, thật rõ, phải thực hiện một việc theo lời tớ yêu cầu, việc sẽ không khó lắm và không thiệt gì đến cậu cả. Chịu không nào?
Tuệ bằng lòng ngay:
- Chịu liền. Nhưng mà tớ cũng báo cho cậu biết: Cái điều cậu định yêu cầu đó, tớ sẽ không bao giờ thực hiện cả, vì cam đoan là tớ thắng cậu.
- Được rồi, cái đó để hạ hồi phân giải. Nhưng nhất định là cả xóm nhà lá không ai được phá phách, nói chuyện trong ngày hôm nay đấy.
- Cậu cứ yên chí lớn và mở mắt cho thật lớn mà quan sát.
- Tốt lắm. Vậy thì bây giờ hai đứa mình ra quán nước làm một ly đậu đỏ bánh lọt, đánh dấu cuộc thách đố này. Tớ đãi cậu.
Cả hai sánh vai bước ra sân. Vừa đi Lộc vừa tính toán thầm: “Mừng quá! Mới đợt tấn công sơ khởi mà đã thu được hai thắng lợi: Thứ nhất, hắn chịu xưng hô cậu tớ với mình chứ không mày tao. Thứ hai, mình đã đưa hắn vào xiếc được rồi”.
Rồi mỉm cười, Lộc nghĩ tiếp: “Sẽ còn hứa hẹn nhiều gay cấn, đợi đến hồi sau sẽ rõ”.
Mặt trận “tấn công ôn hòa” xóm nhà lá được chia làm hai. Trong lúc Lộc đang đưa Tuệ vào “xiếc” thì Đỉnh đứng lẫn lộn với bọn lâu la của Tuệ.
Một đứa nhảy lên ngồi trên ban công, nói có vẻ đắc chí:
- Cả lớp chỉ có xóm nhà lá mình là nổi nhứt.
Đứa khác biểu đồng tình:
- Dĩ nhiên. Cũng nhờ sáng kiến và khéo léo của trưởng xóm Tuệ nhà mình.
Đứa khác nghe vậy sợ bao nhiêu công lao được dành cho trưởng xóm hết, mình hết cả “hách”, bèn vớt vát:
- Với lại tụi mình thằng nào cũng chịu chơi hết. Nhờ vậy mới “nổi” chứ.
Cả bọn thấy mình đều có công lao cả, khoái quá cười ầm lên. Một tên vừa cười vừa nói:
- Bao nhiêu lần lớp phải ngạc nhiên vì hành động của tụi mình rồi.
Cả đám lại cười một lần nữa. Đỉnh cũng cười theo. Bỗng một đứa ẩy vai Đỉnh:
- Có mỗi cái thằng này “cù lần” quá! Không chịu chơi hết mình bao giờ.
Bốn năm đứa hùa theo:
- Sao thằng này cù lần thế.
Rồi nó bảo, giọng thân mật:
- Đỉnh ạ, mày phải hăng lên chứ. Cù lần như mày không bao giờ làm nên chuyện gì hết.
Chả là cũng như Lộc, Đỉnh ngồi trà trộn trong xóm nhà lá. Nhưng thái độ của hai người khác nhau: nếu Lộc lúc nào cũng ngồi im lặng, tỏ thái độ bất hợp tác, thì ngược lại, Đỉnh có vẻ “hòa mình” hơn, anh chàng cũng đôi khi giả bộ đùa nghịch theo xóm nhà lá để bọn này xem anh chàng như người cùng bọn. Đỉnh nghĩ, như vậy dễ hành động hơn. Tuy vậy không bao giờ Đỉnh đùa nghịch quá đáng, thành thử bị chê là cù lần.
Bị chê, Đỉnh cười cười, lấy tay bứt mấy sợi râu mới mọc, trả đũa liền:
- Tụi mi mới thật là quê. Phải biết rằng cái người ít nói, ít làm mới là người khôn, nhiều mưu kế.
Ba bốn đứa cười ré lên, một đứa hỏi:
- Chứ bộ mày là khôn, là nhiều mưu kế hả?
Đỉnh trả lời tỉnh bơ:
- Chứ sao!
Rồi hắng giọng, Đĩnh bảo:
- Tụi mi không biết, người khôn họ có nhiều cái tài ngầm lắm. Thí dụ như làm thơ chẳng hạn. Hỏi xem bọn mi có tên nào biết làm thơ không?
Cả bọn đưa mắt nhìn nhau, không tên nào nói gì.
Đỉnh đắc chí nói ngay:
- Thế mà ta, ta lại biết làm thơ. Lẽ ra theo đúng nguyên tắc “người khôn nói ít nghe nhiều” ta sẽ không nói điều đó ra, nhưng mà dù sao tụi mình cũng là bạn, ta sẽ cho tụi mi biết tài làm thơ của ta.
Thật ra tài làm thơ con cóc của Đỉnh giỏi, anh chàng có thể xuất khẩu đọc một lúc cả tràng thơ, thôi thì lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn... đủ cả. Dĩ nhiên là thơ con cóc thì không có gì hay, nhưng được một cái là Đỉnh nhà ta “sáng tác” rất nhanh, câu nào câu nấy trơn tru, vần điệu đầy đủ. Có lẽ Đỉnh còn giỏi hơn mấy anh bán kẹo kéo ngoài đường, suốt ngày lải nhải những câu:
- Cậu kia vừa bé vừa lùn
Ăn đồng kẹo kéo nó đùn lên cao
- Xưa kia tôi thấp làm sao
Vì ăn kẹo kéo lên cao thế này
- Ăn một lại muốn ăn hai
Ăn ba, ăn bốn lại nài ăn năm...
Nghe Đỉnh khoe tài làm thơ, một đứa thách liền:
- Được rồi, bây giờ mày thử làm bài thơ ca tụng xóm Nhà Lá xem nào.
Đỉnh cười khẩy:
- Dễ ợt!
Rồi lên giọng:
- Đây, ta sẽ làm một bài thơ ngũ ngôn bát cú, theo loại cổ phong, ca tụng xóm Nhà Lá cho tụi bây xem.
Đỉnh đọc liền:
Anh em xóm nhà lá
Giỏi nhất là nghề phá
Phá dọc lại phá ngang
Chao ôi thiệt quá xá
Một bọn trông bảnh bao
Ai cũng đẹp trai cả
Nhưng muốn người phục ta
Phải học giỏi cái đã.
Cả bọn phục lăn ra. Nhưng có một tên phản đối:
- Mày làm thơ kể cũng giỏi đấy. Nhưng mày có tư tưởng phản động quá. Nghe không được.
Đỉnh biết thừa hắn muốn nói cái gì rồi, nhưng vẫn giả bộ hỏi lại:
- Đâu, phản động ở cái chốn nào?
Hắn đáp:
- Ở hai câu chót ấy! Cái gì mà:
“Nhưng muốn người phục ta
Phải học giỏi cái đã”
nghe không được. Bọn mình đã tẩy chay việc học. Đến lớp chỉ có phá, vậy mà mày đặt thơ như thế nghe làm sao được.
Thừa biết địch tấn công ở chỗ nào, Đỉnh trả lời ngay vì đã có sửa soạn sẵn:
- Ê, mi nói như vậy là sai rồi nhé. Trong điều lệ của xóm nhà lá, phần thứ hai, điều thứ sáu, chỉ ghi rằng: “Xóm nhà lá chủ trương và cổ võ mọi hành động phá trong lớp. Tên nào chỉ biết học mà không biết phá, đáng được liệt vào thành phần cù lần”. Đúng chưa nào?
Tên nọ hơi giật mình, không ngờ cái bản điều lệ cả bọn thảo ra chơi, rồi hứng chí đem đánh máy chia cho mỗi đứa trong xóm một bản, anh chàng Đỉnh lại thuộc làu từ điều mở đầu cho đến điều cuối cùng. Hắn đâu biết một biệt tài khác của Đỉnh là anh chàng học bài rất nhanh, mau thuộc mà lại nhớ rất lâu. Những bài Văn học sử hay Địa sử dài lằng ngoằng Đỉnh còn thuộc không sót một chữ, huống chi cái bản “điều lệ” ấy. Để tỏ ra mình cũng am tường “Luật giang hồ” lắm, Đỉnh cũng đọc lại, nào ngờ xem kỹ một lần lại đâm ra thuộc luôn.
Không biết làm gì hơn, tên kia chỉ còn cách gật đầu. Đỉnh thao thao bất tuyệt:
- Mi thấy không, ngay trong điều lệ chúng ta cũng đâu có chủ trương tẩy chay tên nào chỉ biết cắm cổ học, ngoài ra không biết cái gì hết. Còn nếu mình vừa phá, lại vừa học giỏi thì thiết tưởng đó là điều đáng khuyến khích, vì hai lý do sau đây:
- Thứ nhất: các giáo sư và các bạn trong lớp khó kết án được hành động nghịch phá phách của chúng ta. Thứ hai: chúng ta không mang mặc cảm học dốt rồi làm càn.
Chỉ hai lý do ấy cũng đủ khiến cho hành động chúng ta có vẻ quang minh chính đại.
Tên kia và cả bọn há hốc miệng. Chúng không ngờ một tên như Đỉnh, trước kia vẫn bị gán cho là cù lần, lại thông hiểu “luật” và hùng biện như thế này. Cả bọn đâu biết rằng Đỉnh có tính rất lo xa. Thật ra chủ trương của xóm Nhà lá đâu có đẹp như Đỉnh trình bày. Tất cả chỉ biết phá thôi, ngoài ra không biết gì hết. Cái điều thứ sáu, phần thứ hai trong điều lệ đó là nguyên văn của Đỉnh đặt ra. Hôm thảo luận điều lệ, lừa lúc bản điều lệ gần hết, cả bọn đã mệt mỏi Đỉnh nhét luôn một câu vào. Cả bọn nghe cũng xuôi tai, không phản đối gì hết. Thế là Đỉnh thành công.
Đã có vài đứa ngả theo Đỉnh:
- Ừ, thằng Đỉnh nói cũng phải đấy chứ.
Tên kia tỏ vẻ thất thế, cũng chịu luôn:
- Ừ, thì cho rằng hai cái câu thơ lúc nãy cũng được đi.
Nhưng hắn vặn luôn:
- Nhưng mà người khôn chỉ biết làm thơ thôi chứ không biết thêm gì nữa à?
Đỉnh lườm nó một cái:
- Yên đã nào! Nóng thế. Mi biết không? Ta đang nghiên cứu một kế hoạch...
Đỉnh bỏ lửng câu nói. Lối bỏ lửng này làm cho người đối thoại càng chú ý. Cả bọn nhao nhao:
- Kế hoạch gì, mày?
Đỉnh giơ một ngón tay:
- Ta sẽ làm cho cả lớp sẽ ngạc nhiên đến sững sờ vì xóm nhà lá.
Nghe Đỉnh tuyên bố, cả bọn khoái quá, reo ầm lên:
- Kế hoạch làm sao vậy mày? Nghe hấp dẫn mê ly rùng rợn quá xá!
Đỉnh lấy bộ điệu nghiêm trọng:
- Xuỵt! Bí mật quân sự! Bọn mi làm vậy lộ kế hoạch hết bây giờ. Xích lại gần đây, ta nói cho mà nghe.
Cả bọn xúm lại. Đỉnh lấy giọng:
- Bọn mi xem, chúng ta phá phách đã nhiều rồi: vỗ ngăn bàn này, dán số “35” vào những đứa ngồi phía trước này, lấy móc sắt khều guốc của bọn con gái này, gắp bì bắn vào đầu tên Nam trọc này, giấu cặp của tụi “học gạo” này... nhiều quá! Nhưng thử hỏi tụi mi, có tên nào nghĩ ra được trò gì mới không hay là cứ bổn cũ soạn lại?
Mấy bộ mặt cùng rầu rĩ hẳn đi. Một tên gật gù đáp:
- Ừ, chẳng còn cái gì mới thật chúng mày ạ.
Rồi cả bọn nhìn Đỉnh chờ đợi!
Đỉnh cười toe:
- Vậy mà ta còn!
Mấy tiếng lao nhao:
- Thiệt hả? Thôi, có thì nói có không có thì thôi nghe bồ.
Đỉnh nghiêm mặt:
- Khi ta nói có là có, không là không. Quân tử nhất ngôn mà. Nếu còn lộn xộn nữa ta không nói đâu.
Một đứa cam kết:
- Được rồi, bọn tao không phá ngang nữa đâu, thôi mày nói đi.
Đỉnh tằng hắng:
- Được thôi. Nghe đây: bọn mi thấy không? Trước giờ cả lớp ngạc nhiên về việc chúng ta đã làm, nếu bây giờ để cái danh tiếng của ta mai một đi thì uổng quá. Nên chi, ta sau ba đêm liền suy nghĩ bèn tìm ra một kế thần sầu quỉ khốc, nghĩa là cả lớp phải ngạc nhiên to.
Đỉnh “giáo đầu” kỹ quá, cả bọn đứa nào cũng nóng ruột nhưng không dám ngắt lời, sợ anh chàng “dỗi” không thèm nói nữa thì nguy - Nhưng rồi Đỉnh nói tiếp:
- Kế đó như vầy: bắt đầu từ hôm nay, tụi mình sẽ ngồi học trong lớp thật ngoan ngoãn, không phá phách một chút nào trong hai ba ngày.
Cả bọn thở dài sườn sượt. Một thằng tức quá kêu rầm rĩ:
- Mẹ kiếp! Tưởng mày làm ma làm quái, làm vương làm tướng gì, ai ngờ mày dạy tụi tao làm “cù lần”.
Thấy bị phản đối quá xá, Đỉnh vẫn bình tĩnh như không, vì đã dự trù có “xen” này trong chương trình hành động. Anh chàng bình thản trấn áp đám đông:
- Các ngươi chưa hiểu cái thâm thúy của kế hoạch ta vừa bày mà đã nhao nhao phản đối. Đã vậy thì thôi ta đi đây.
Và dợm bước đi thật. Một đứa đành phải làm lành, kéo lại vì vẫn muốn biết Định sẽ định làm gì.
Hắn can:
- Thôi mà! Ở đây chơi rồi nói tiếp cho tụi tao nghe. Tại mày nói mày hay... ngừng lại bất chợt quá tụi tao mới hiểu lầm đấy chứ.
Dằng co mãi, Đỉnh mới chịu ở lại. Lần này Đỉnh đổi giọng thân mật:
- Mấy bồ phải nhớ kỹ điều này: cái gì thường quá hóa nhàm. Tụi mình phá mãi cũng nhàm rồi. Người ta không còn chờ đợi tụi mình “giở trò” như hồi đầu năm nữa. Bây giờ họ chỉ có thể ngạc nhiên đến bực mình là chính bọn mình, cái bọn mình, cái bọn được mệnh danh là phá phách nhất lớp, cái bọn được gọi là xóm nhà lá, là “hạ tầng cơ sở” của lớp, bây giờ lại đâm ra ngoan ngoãn hơn cả họ, vẫn tự phụ là “dân con nhà lành”. Như vậy mới hay chứ.
Lời thuyết phục của Đỉnh nghe cũng thuận tai lắm nên dần dần kéo được sự đồng ý, nhưng một đứa vẫn thắc mắc:
- Nghe cũng được đấy, nhưng lúc nãy mày, ý quên... bồ chứ, lúc nãy bồ bảo cái gì thường quá hóa nhàm. Nếu thế bọn mình chỉ ngoan ngoãn ít lâu là nhàm liền, lúc đó thì xoay sở thế nào?
Cả bọn chăm chú nhìn Đỉnh, xem anh chàng giải quyết ra sao. Đỉnh cười:
- Đúng đấy chứ, nếu mình cứ ngoan ngoãn mãi thì hóa nhàm thật và như vậy là vô tình theo đuôi đám cù lần trong lớp rồi. Mấy bồ cứ yên chí, nếu mấy bồ theo kế hoạch của tớ thì sau này tớ còn nhiều kế hoạch ác liệt lắm, cam đoan không bao giờ nhàm. Cả một chương trình cơ mà.
Giọng nói của Đỉnh có một cái gì chắc chắn, dễ gây tin tưởng nên cả bọn yên tâm ngay. Nhưng bỗng một tên tỏ vẻ e ngại:
- Riêng ta, ta nghi rằng kế hoạch không thể nào thực hiện được.
- Vì cớ làm sao?
- Là vì bọn ta quên mất trưởng xóm nữa chứ. Trưởng xóm chắc gì ưng thuận kế hoạch này.
Đỉnh xua tay:
- Không có chuyện đó đâu. Tuệ là một anh chàng rất thức thời. Mình đưa đề nghị cải cách này cu cậu thích mê đi ấy chứ.
Sở dĩ Đỉnh cam đoan như vậy, vì rất tin vào tài của Lộc đã đưa Tuệ vào “xiếc” đúng theo kế hoạch đã dự liệu. Tuệ đã nhận lời đánh cá với Lộc, sẽ “điều khiển ngược”, làm xóm nhà lá phải yên lặng, tất nhiên Tuệ đang phải lo tìm kế hoạch dẫn dụ đám “cứng đầu cứng cổ” theo lời Tuệ, nay thấy chính đám “cứng đầu cứng cổ” đưa đề nghị đúng như lời mong muốn của mình, nhất định là Tuệ phải thích mê đi.
Câu cam đoan của Đỉnh làm cả bọn yên lòng. Yên chí vì tính nhẩm, vẫn còn đủ tiền bao bọn này mỗi tên một ly chanh muối hai tiền, Đỉnh khoan khoái kéo cả bọn ra... quán nước.
Trận chiến nhằm “tấn công ôn hòa” xóm nhà lá do hai “kiện tướng” Lộc và Đỉnh xem như tạm xong.

 

Nhưng “mặt trận” lan tràn khắp lớp, không riêng gì ở xóm nhà lá. Nhiệm vụ của Tứ và Hoài tuy bề ngoài có vẻ nhẹ nhàng, dễ chịu hơn nhưng cũng gay go không ít.
Hãy nói về Tứ trước.
Kế hoạch và phương pháp hành động của Tứ khác của Lộc và nhất là khác Đỉnh.
Vào lớp gặp Tâm, trưởng lớp, Tứ cười thật tươi, thân thiện bắt tay Tâm thật chặt:
- Chào cụ Trưởng Ấp. Ấp mình sắp xảy ra một chuyện quan hệ chắc cụ trưởng ấp biết rồi. Mà coi chừng dám cụ chủ xướng lắm.
Tâm cười vừa bằng miệng vừa bằng cặp mắt qua lần kính cận thị. Anh chàng thật cởi mở. Tâm đùa lại ngay:
- Gớm! Chào cụ. Có, có, cái việc quan hệ ấy tôi đã biệt rồi. Có phải việc đó là: hôm nay cụ bắt tay tôi không?
Bị đùa lại, Tứ cười, anh chàng Tâm này cũng biết đùa đây. Gớm lắm! Thế mới đáng làm trưởng lớp.
Ngồi xuống cạnh Tâm, Tứ vào đề ngay:
- Nói thật! Bọn tớ dạo này muốn lớp có cái hoạt động gì cho nó vui vẻ một chút. Như là đi cắm trại hay giản tiện hơn, đi picnic một phát cho nó vui, việc này chỉ có cậu lo được, vì cậu là trưởng lớp mà. Thế nào, cậu nghĩ sao?
Tâm cười, giọng nhẹ nhàng:
- Thì việc làm cho lớp được linh động, anh em sống thân mật với nhau, làm gì tớ chả muốn, đó cũng là trách nhiệm của tớ. Nhưng việc đó đâu phải dễ. Nếu làm được, tớ đã làm lâu rồi. Kẹt một cái là có nhiều cái vướng lắm. Chẳng hạn như...
Tâm bỏ dở câu nói. Tứ nắm tay bạn, thông cảm:
- Tớ biết. Chẳng hạn lớp ít người có tinh thần hoạt động. Mình đề xướng lên, chả biết có ai theo không. Nhất là, không phải nói xấu, nhưng nhiều khi còn bị mấy quí vị xóm nhà lá phá đám nữa.
Tâm vui mừng:
- Sao cậu biết rõ thế? Cứ tưởng tớ ôm nỗi lòng thầm kín một mình không ai hiểu.
Tứ trách nhẹ:
- Cũng tại cậu một phần. Cậu không trình bày cái khó khăn khi cậu làm việc cho các bạn khác nghe thì ai hiểu được cậu.
- Nhưng ai là người hiểu mình đây?
Tứ vỗ vai bạn, thân mật:
- Tâm nè, tớ biết cậu thiện chí ghê lắm. Thành thử định hợp tác với cậu để tổ chức cắm trại cho lớp đó. Tớ đoan chắc với cậu, cam đoan xóm nhà lá không phá đám mình mà còn nhiệt liệt ủng hộ là khác. Cậu bằng lòng không?
Rồi Tứ tiếp, hơi ngần ngừ:
- Có điều... làm sao để các bạn khác, như trưởng ban xã hội, trưởng ban thể thao du ngoạn cũng hăng hái bắt tay vào việc như cậu.
Tâm xua tay:
- Không sợ chuyện đó. Yên xã hội với Long thể thao đều là những tay “chì” hết, nhiều lần chính mấy cụ đó còn thúc tớ làm việc nọ việc kia, tớ thấy chưa đủ điều kiện nên chưa dám làm đó thôi. Bây giờ chính tớ khơi ra, tớ chỉ nói một câu là mấy cụ đó bằng lòng cả hai tay hai chân. Có cái...
Tứ hỏi:
- Có cái làm sao?
- Tớ thì tớ không lo mấy quí vị trong ban chấp hành lớp không chịu làm việc mà lo không được sự hợp tác. Đành rằng cậu hứa với tớ là với kế hoạch bí mật nào đó cậu làm cho xóm nhà lá không phá nữa. Cũng hay lắm nhưng... còn những quí vị suốt buổi họ cứ ngồi lỳ lỳ ra và không bao giờ có một ý kiến nhỏ về những sinh hoạt của lớp, làm sao mà thúc được đây! Họ mà không ủng hộ mình thì cũng đến hỏng mà thôi.
Một lần nữa, Tứ trấn an bạn:
- Bây giờ thế này: cứ tạm gọi ta có hai công việc chính, một là tổ chức điều hành, hai là tuyên vận. Nếu cậu dám nhận việc tổ chức sao cho thật “suya”, tớ hứa gánh vác công tác tuyên vận cho. Bằng lòng chưa?
Tâm tươi ngay nét mặt:
- Vậy thì còn gì hơn nữa. Tớ sẽ lo gặp thầy Đạt, giáo sư hướng dẫn và nhờ thầy xin phép ban giám đốc. Song song với chuyện đó, ban chấp hành lớp sẽ lo đặt kế hoạch tổ chức ngay. Nhưng cậu định địa điểm ở đâu chưa, hay bọn tớ phải tìm lấy?
- Tớ đề nghị bọn mình đi Suối Tiên cạnh xa lộ Biên Hòa ấy, cách ngã rẽ Thủ Đức vài cây số nữa. Cậu đến đó bao giờ chưa? Đi qua trại huấn luyện của Hướng đạo một chút đó.
- À, biết rồi. Ừ, chỗ ấy đẹp tuyệt. Nhưng chắc lúc nào chúng mình cũng phải đi xem lại địa điểm.
- Dĩ nhiên.
- Với lại...
- Gì nữa cơ?
- Dù cậu nhận công tác tuyên vận thì cũng vẫn phải giúp bọn tớ một tay trong công việc tổ chức đấy.
Tứ cười:
- Cũng được. Nhưng giới thiệu cho các bạn một nhân vật rất quen việc tổ chức, điều hành, anh chàng Hoài đó.
- Vậy hở, tớ cũng mong được Hoài giúp. Anh chàng có vẻ lanh lẹ, hoạt bát gớm.
Một lát sau đã thấy Yên, Long, Tứ, Tâm ngồi quay tròn lại một chỗ.
Tâm hỏi:
- Hoài đâu ấy nhỉ?
Nhưng liếc ra ngoài sân, thấy Hoài đang đi bách bộ với Oanh, Tâm tiếp ngay:
- Thôi, anh chàng đang mắc bận. Để mình thông báo sau vậy.

 

Oanh ngồi vào chỗ, đưa tay thò vào ngăn bàn. Chả phải tìm kiếm giấy tờ, thư từ gì đâu, vì sau ngày xảy ra “biến cố”, Oanh và Thủy khá thân với nhau, tuy Oanh vẫn là “anh Oanh” chứ không biến thành “chị Oanh”. Oanh thò tay vào ngăn bàn gần như thói quen, sau cái hồi được những cái thư thật là bất ngờ.
Bài học hôm nay thuộc làu rồi, Oanh chả sợ gì nữa. Ngồi rỗi, Oanh nghĩ ngợi miên man.
Bây giờ thì cả nhà đều biết Oanh có võ vì đã lén đi tập từ lâu, nhưng ba không la Oanh, trái lại còn tiếp tục cho học võ. Nghe được quyết định ấy, Oanh vui mừng và mỉm cười nghĩ thầm: “Ấy, giá tự dưng mà xin đi học, chắc ba chả cho đâu. Bây giờ tại mình có vốn sẵn rồi thành ra ba mới chịu đấy. Chuyện mình học võ được hợp thức hóa rồi, khoái quá”.
Từ hôm ấy, mẹ nhìn Oanh, ra vẻ quái lạ lắm. Chắc bà muốn tìm xem Oanh có khác gì người khác không. Thỉnh thoảng, bà buột miệng:
- Gớm! Tay thằng này trông cứ như thanh sắt ấy. Từ nay mày đừng làm nũng bá cổ mẹ nhé. Mẹ sợ lắm.
Oanh giơ tay lên dọa, cười ầm lên.
Mẹ lại bảo:
- Eo ôi! Cái giọng cười thằng này nó làm sao ấy. Nghe như là tiếng sắt va vào nhau. Vậy mà trước giờ mẹ không để ý đấy.
Nghĩa là từ ngày biết Oanh có võ, mẹ xem Oanh như khác lạ với ngày xưa lắm, cười thì như vụn sắt va vào nhau, nói thì rầm rầm như vỡ cả nhà, tay chân thì cứng như thép, đi đứng hùng hổ như gỗ đá. Nhưng dù thấy Oanh khác lạ, mẹ có vẻ hãnh diện vì Oanh lắm.
Ba thì có vẻ hài lòng, vì ba không ngờ Oanh cũng có một cái chí khí giống ba hồi trẻ, chỉ khác, ở Oanh, cái chí khí ấy được tiềm ẩn hơn. Ngày xưa, ngày ba chưa kết bạn với mẹ, ba đã từng có thời gian lang bạt kỳ hồ một cách khủng khiếp. Ba đi theo ông thầy dạy võ lên tận Tam Đảo miền Thượng du Bắc Việt để ngày ngày tập côn, quyền và đêm đêm tập đánh đao, đánh roi. Bước chân hai thầy trò dẫm nát cả một miền rừng núi, vì ngoài giờ luyện tập, ông thầy dẫn ba đi suốt một vùng, chỉ cho ba biết mặt những thứ cây ngải hoặc những cây mang dược tính có thể cứu sống người ta trong những phút thập tử nhất sinh. Ba nhớ những đêm trăng miền Thượng du Bắc Việt, trên một ngọn núi âm u vắng vẻ, hai thầy trò dượt lại những đường đao bí truyền của môn phái. Thầy đứng đỡ cho trò đâm, rồi ngược lại, trò đứng đỡ cho thầy đâm.
Mẹ không hề biết ba có một thời kỳ tập luyện kinh khủng như thế, mẹ chỉ thấy ba là một con người nghiêm nghị, đứng đắn, nhưng dáng lại xương xương, có vẻ yếu ớt. Ba không nói những chuyện ấy cho mẹ nghe bao giờ. Kỷ niệm của cả một đoạn đời tuổi trẻ oai hùng bây giờ chỉ còn là một con dao quắm giấu sát đáy tủ quần áo.
Con dao ấy ít khi ba đem ra, chỉ họa hoằn lắm, vào những đêm khó ngủ, nằm nhớ lại cả một mớ kỷ niệm xa xưa, ba mới nhỏm dậy, mở tủ, lục dưới đáy lấy nó ra ngắm nghía một lúc lâu.
Ba đã bỏ không tập dượt lâu lắm rồi, vì hoàn cảnh bây giờ không cần dùng đến những đường dao ác hiểm ngày xưa nữa. Ba cũng chẳng định tâm chỉ dạy cho Oanh về lối đánh dao bí truyền của ba, vì ba nghĩ không lợi gì. Nhưng sau hôm biết Oanh đã giấu nhà đi học võ từ ba bốn năm nay, lại có những hành động tạm gọi được là “cứu khốn phò nguy”, lòng ba sôi lên, máu nóng thanh niên thuở nào như lại bừng bừng luân chuyển khắp cơ thể. Và ba hãnh diện! Ba vui mừng thấy con của ba cũng có cái dòng máu oai hùng và cái khí phách ngang tàng như ba.
Ba lẩm bẩm:
- Có lẽ nên chỉ lại cho nó ít thế đánh đao. Đã theo nghiệp võ, thế nào cũng có phen cần dùng đến.
Đêm hôm qua, chờ cho cả nhà ngủ say, đúng hai giờ đêm, ba nhẹ bước ra vườn, đem theo con dao yêu quí, vật hộ mạng trong quãng đời ngang dọc của ba. Ba trang trọng nâng nó lên bằng hai tay, dưới ánh trăng lưỡi dao sáng lấp lánh. Tuy lâu ngày không dùng tới, nhưng những lần đem ra ngắm nghía, ba đều lau chùi cẩn thận và thỉnh thoảng kín đáo đem mài lại nên nó vẫn giữ được phong độ thuở nào. Nhìn con dao lấp loáng sáng, lòng ba dâng lên một tình cảm nao nao khó tả, bao nhiêu kỷ niệm xa xưa lại dồn dập trở về cùng với khuôn mặt thân yêu của ông thầy già ngày trước.
Ba bình tĩnh trở lại, lấy tấn bái tổ rồi hoành thân chém liền hai ba nhát. Soạt! Soạt! Lưỡi dao rít lên trong gió nghe như tiếng lụa xé. Con dao như có vẻ vui mừng! Tiếng rít của nó như diễn tả sự sung sướng được tung hoành vùng vẫy cùng với bàn tay chủ sau bao nhiêu năm nằm dưới đáy tủ. Nếu có được một tâm hồn, hẳn nó cũng cảm thấy nao nao không kém gì chủ.
Dưới bóng trăng, bóng ba di động như một bóng ma, xung quanh ba, những đường ánh sáng trắng mờ bao bọc, quấn quít như những dải lụa mỏng. Hứng chí, ba đi liền một lúc hai bài “ruột”. Đao pháp như thay đổi hẳn, nhiều lúc toàn thân ba lao vút về phía trước như một mũi tên. Lúc khác ba đứng nghiêng nghiêng, một chân co hẳn lên, lưỡi dao đâm ngược từ dưới lên trên, xem thật ẻo lả nhưng thật đẹp mắt và vô cùng nguy hiểm.
Ba ngừng tay, cười trong vui mừng. Sức ba vẫn còn mạnh và đường dao của ba rất kín. Ba lững thững bước vào nhà. Bỗng một bóng người vụt chạy ra, gọi khẽ:
- Ba! Ba!
Ba nhận ngay ra Oanh. Ba ôm lấy Oanh âu yếm. Oanh thở hổn hển:
- Con không ngờ ba đánh dao đẹp và giỏi như vậy. Sao không bao giờ con thấy... cho đến hôm nay?
Ba không trả lời mà hỏi lại:
- Sao hôm nay con biết mà ra?
- Không, con có biết trước đâu. Mọi khi giờ này vẫn là giờ con thức để tập. Lúc nãy vừa định ra sân thì thấy ba đang múa dao, con vội nép vào cửa, nín thở mê man theo dõi đến quên tất cả. Ba ơi, ba giỏi quá.
Ba mỉm cười xoa đầu Oanh:
- Được như vậy phải bao nhiêu công lao khổ luyện đấy.
Rồi ba tiếp:
- Được rồi, ba sẽ cùng thức để tập với con và chỉ thêm cho con một ít thế đánh dao.
Oanh sung sướng nhảy cẫng lên. Nhưng ba đã giữ tay Oanh lại:
- Thôi, đêm nay như vậy đã. Bắt đầu ngày mai...
Hai cha con lững thững yên lặng vào nhà. Mỗi người một ý nghĩ...

 

Oanh đang ngồi ôn chuyện cũ thì thấy Hoài đến ngồi bên cạnh, tươi cười:
- Chào chàng hiệp sĩ.
Oanh chưa kịp phản ứng, Hoài đã vui vẻ tiếp:
- Mấy tên du đãng hôm ấy được một mẻ hú vía nhé, Oanh nhỉ?
Oanh ngỡ ngàng, đưa tay xoa đầu:
- Thế ra cậu biết?
- Trời ơi! Việc như vậy mà không biết sao được?
Oanh ngần ngừ:
- Ừ, cậu biết cũng hay đấy. Nhưng đừng nói cho ai nữa nhé. Ai cũng biết rồi mình thấy nó kỳ kỳ làm sao ấy.
Hoài cười:
- Được rồi, sở dĩ tớ nhắc lại chuyện đó vì muốn nhân đây, nói với cậu một chuyện quan trọng, rất quan trọng...
Oanh cắt ngang:
- Chắc cậu lại nhờ tớ đi đánh ai chứ gì?
- Không! Chuyện này không có đánh đấm gì hết. Chỉ liên quan một chút đến tinh thần người võ sinh thôi.
- Tớ chả biết cậu nói gì.
- Ấy, tại lỗi mình hơi đường đột một chút. Ý tớ muốn nói đến cái tinh thần phụng sự lẽ phải, bênh vực kẻ cô thế và hết lòng giúp ích mọi người ấy mà.
- À, như vậy thì tớ hiểu rồi. Tớ vẫn luôn luôn giữ tinh thần ấy.
- Nhưng tớ muốn nói... không phải phụng sự lẽ phải, bênh vực kẻ cô thế, hết lòng giúp ích mọi người là phải dùng đến võ lực.
- Dĩ nhiên! Võ lực chỉ là phương pháp cuối cùng khi mọi phương pháp ôn hòa đã thất bại.
Hoài nắm lấy tay Oanh:
- Cậu thật hay. Chính vì việc ấy, hôm nay mình muốn nói chuyện với cậu. Chuyện này có vẻ rởm một chút, theo như mọi người. Nhưng với cậu mình chắc cậu không cho là rởm.
- Tớ đang muốn nghe đây.
- Mình muốn nói đến hiện trạng lớp mình đấy. Cậu thì không nói làm gì, vì cậu giỏi, nhưng bao nhiêu là người học bài không hiểu, nghe giảng cũng chậm hiểu. Họ lại không muốn hỏi ai, vì lớp thiếu sự thân thiện, hình như ai cũng chỉ biết lấy mình hoặc lẻ tẻ một vài người chơi riêng với nhau. Nhất là đám giỏi và đám dốt hầu như không bao giờ liên lạc với nhau cả.
Nghe bạn nói Oanh sững sờ. Chuyện này quả có thật, nhưng Oanh không để ý tới. Chính Oanh cũng mắc vào cái lỗi “chỉ biết có mình” mà không để ý đến các bạn. Oanh chỉ chơi với mình Việt thôi, ngoài ra với những người khác, gần như Oanh không biết gì về họ. Ngay anh chàng Hoài đang nói chuyện với Oanh, Oanh cũng không biết chàng ta ra làm sao, và tệ hơn nữa, Oanh còn quên cả họ của hắn, chỉ biết hắn là Hoài thôi, còn cái gì Hoài thì... chả hiểu. Oanh hơi hối hận.
Hoài ngừng một chút nói tiếp:
- Mình biết cậu vốn tốt tính, và tinh thần người võ sinh bao giờ cũng buộc cậu làm điều phải, điều ích lợi cho mọi người. Mình nghĩ học võ mà thấm nhuần được cái tinh thần đó thì còn quí hơn là giỏi về mặt võ thuật... Thành ra mình muốn đề nghị với cậu một chuyện...
Hoài ngập ngừng. Oanh giục:
- Thì cậu cứ thử nói xem sao.
- Mình muốn chúng ta liên kết lại để cùng tìm cách đem cái tinh thần đoàn kết, thân ái vào trong lớp. Phải làm sao cho trong lớp, không còn ai là riêng rẽ nữa, tất cả đều biết nhau và lo cho nhau. Như vậy tức là chúng ta đã làm điều phải, ích lợi cho chính những người bạn bên cạnh chúng ta và cho chính chúng ta nữa. Cậu đồng ý không?
Những câu Hoài vừa nói như khuấy động mãnh liệt trong tâm hồn Oanh. Tự dưng, Oanh thấy mình còn thiếu bổn phận, thấy mình chưa xứng đáng là người võ sinh môn phái Vovinam, thấy mình còn thua sút anh chàng Hoài ngồi bên cạnh nhiều quá. Nhìn qua vẻ người, qua bàn tay của Hoài, Oanh biết anh chàng không có võ viếc gì cả. Vậy mà... anh chàng còn nghĩ đến những ý hướng, những hành động cao thượng như vậy. Còn mình, biết bao nhiêu lần đọc bản điều luật của người võ sinh... Mình đâu thể nào kém được.
Nghĩ vậy, Oanh mạnh dạn nắm lấy tay Hoài:
- Tớ đồng ý! Cậu thật là người có những ý tưởng và hành động thật đẹp.
Hoài cười:
- Thế là từ nay chúng mình thật gần nhau. Không phải chỉ mình mình có tư tưởng ấy đâu. Còn có Tứ, Đỉnh, Lộc. Phía các cô thì có Linh, Bích. Hôm nay thêm cậu nữa là bảy. Chắc biết rằng nhóm có thêm cậu nữa, cả bọn sẽ vui ghê lắm.
Oanh bảo bạn:
- Vui nhỉ. Đã thế, tớ phải có cái gì làm lễ ra mắt nhóm chứ.
- Đây, có cái này cậu có thể làm nhóm vui lòng nhất: cậu làm sao cho mấy bạn học giỏi trong lớp đừng có chỉ lo học nữa, mà làm sao nghĩ đến anh em một chút.
- Được rồi, tớ sẽ cố gắng.
Không ai bảo ai, cả Hoài lẫn Oanh đều đứng lên sánh vai nhau ra ngoài sân.

 

Buổi họp chớp nhoáng được thực hiện ở một góc sân. Hoài vắn tắt:
- Tình hình ra sao, các bồ cho biết gấp!
Lộc mở lời:
- Khả quan! Tôi thách Tuệ giữ cho xóm nhà lá im lặng trong buổi học này. Trong khi đó Đỉnh cũng nói khích đám “lâu la”, chúng cũng nhận lời giữ im lặng. Tôi ra điều kiện với Tuệ: nếu hắn thực hiện được, tôi chịu thua một chầu ciné, còn hắn làm không nổi thì phải làm một việc do tôi chỉ định. Dĩ nhiên việc nhằm vào điều chúng ta đang làm.
Tứ thắc mắc:
- Lỡ Tuệ hắn giữ im lặng được thì sao? Nhất là bọn hắn cả tướng cả quân đều bị khích?
Đỉnh cười:
- Yên chí lớn! Làm sao yên lặng hoàn toàn được. Ngay cả những bàn ngoan nhất, trong hai giờ đồng hồ cũng phải có vài tiếng xì xào chứ. Đã bảo Lộc đưa Tuệ nhà ta vào “xiếc” mà lỵ.
Rồi Đỉnh hỏi lại:
- Còn bồ, công tác ra sao?
Tứ có vẻ khoan khoái:
- Suya! Tâm, Yên, Long chịu hết mình. Tâm nói sẽ xin phép thầy Đạt để tuyên bố ý kiến tổ chức trại. Cam đoan là thầy Đạt sẽ cho, vì tớ đã tìm gặp thầy Đạt trước, trình bày tất cả kế hoạch của bọn mình. Thầy ra vẻ hài lòng, thích thú lắm và hứa sẽ giữ kín.
Cả bọn xuýt xoa khen ngợi Tứ làm việc khôn ngoan làm anh chàng khoái quá, cứ toe miệng ra cười hoài.
Lộc vỗ vai Hoài:
- Thế còn cậu?
Hoài từ tốn:
- Cũng khá! Chắc chắn nắm được nhóm học giỏi. Họ sẽ ủng hộ mình vì nể lời anh chàng Oanh. Nhưng điều đáng mừng hơn, xin báo để các bồ biết ngay là rất có thể Oanh sẽ nhập nhóm Thân Ái với chúng mình.
Cả bọn reo lên nho nhỏ:
- Thật hả? Thế thì vui quá. Anh chàng đó có nhiều nét đặc biệt lắm. Hắn có tài lạ!
- Hẳn đi rồi! Có điều hắn giấu tài, không muốn khoe đấy thôi.
Hoài cắt ngang:
- Hãy cứ biết vậy. Chúng mình mừng cho nhau đã thực hiện công tác một cách trọn vẹn... À, nhưng mà không biết hai cô Bích, Linh làm ăn ra sao nhỉ?
Tứ đáp ngay:
- Quên, chưa nói, lúc nãy Linh thấy tôi, giơ một ngón cái, dấu hiệu thành công.
Hoài vui mừng:
- Thế là hoàn toàn. Ngay chiều nay Tứ có thể liên lạc với bộ Thanh niên, mượn một ít lều. Cậu là Đoàn Trưởng Hướng Đạo, có lẽ tiện hơn. Thôi bây giờ sắp vào học rồi, tản mát đi rồi vào lớp là vừa.
Cả bọn làm theo ngay. Vừa lúc ấy tiếng trống vào học nổi lên.

*

Như thường lệ, thầy Đạt vào lớp thật đúng giờ. Ngay sau khi tiếng trống báo giờ học điểm, thầy đã có mặt trong lớp, đứng trên bục giảng nhanh như điện.
Ra hiệu cho học sinh ngồi, thầy đứng chống hai tay lên mặt bàn, đảo đôi mắt “điện tử” quanh một vòng lớp.
Ba bàn đầu vẫn là mấy cô nữ sinh, một vài cô vẫn “trang điểm”, lấy lược gỡ qua mái tóc dài óng mượt. Chợt bắt gặp phải đôi mắt của thầy, các cô thè lưỡi, rụt cổ, cất ngay chiếc lược vào cặp, rồi cúi đầu, khoanh hai tay trên bàn, dáng hiền hậu, nhu mì trở lại.
Thầy nhìn xuống mấy bàn dưới, đầu bàn thứ tư anh chàng Oanh ngồi ngoan ngoãn, chiếc đầu to như cái giành thật ngay ngắn và bất động, đôi mắt mở thao láo nhìn lên bảng đen, hai bàn tay khoanh lại trên mặt bàn. Thầy Đạt cười thầm, thầy nghĩ: “Không biết hôm nay hắn có điều gì đắc ý mà trông mặt mày cứ tươi rói?”. Bao giờ cũng vậy, Oanh có một vẻ ngộ nghĩnh nhưng đáng yêu. Thầy lại nghĩ đến xấp bài làm sắp trả cho học trò, chắc hẳn là khi được biết kết quả, Oanh sẽ hài lòng lắm, và thầy sẽ được thấy khuôn mặt Oanh vụt sáng lên một cách hồn nhiên, rất nhanh nhưng rất rõ. Hình như Oanh biết thầy đang nhìn mình, mặt anh chàng đỏ dần. Oanh cúi đầu, nhìn chân mình đang di di trên sàn lớp.
Cùng dãy giữa, đầu bàn thứ năm, Hoài ngồi ngay ngắn, khuôn mặt thông minh và lanh lợi hơi ngước lên, miệng hơi hé mở. Tất cả khuôn mặt Hoài trong một dáng điệu chờ đợi những câu nói, những lời giảng của giáo sư. Thầy Đạt cảm thấy được an ủi và thầm ước: “Giá học trò đứa nào nó cũng như Oanh, như Hoài thì thầy dễ thở biết bao!” Nhưng đó chỉ là một ước mơ không bao giờ thành hình, vì nếu ước mơ đó được thực hiện, người ta đã chẳng bảo nghề giáo là một nghề khó khăn và nặng nề nhất và như thế người ta cũng sẽ không kính phục nghề giáo cho lắm.
Vả lại, ước mơ ấy chỉ vụt đến với thầy trong những lúc quá bực mình vì những đứa học trò ngỗ nghịch, chứ những khi bình tâm suy nghĩ kỹ, nhất là trong những đêm vắng, sau khi ngồi chấm xong mấy xấp bài dầy cộm của học trò, tuy mệt mỏi nhưng khoan khoái, thầy mơ màng nhớ đến đám học trò của mình, từng khuôn mặt một: đứa giỏi, đứa dốt, đứa chăm, đứa lười, đứa ngoan, đứa hư, đều hiện rõ trong trí óc thầy, thầy trìu mến nghĩ đến tất cả và vui lòng chấp nhận tình trạng những lớp học thầy phụ trách, vì với những lớp mà thành phần học sinh phức tạp như vậy, tuy có làm thầy mệt nhọc thật nhưng chính nhờ tình trạng ấy, thầy mới có được những giây phút sung sướng vô cùng mà chỉ có những người sống trong nghề giáo mới được hưởng, đó là những giây phút khám phá ra được một đứa học trò thông minh một cách kỳ lạ, hoặc những lúc hãnh diện thật sự khi thấy sự cố tâm của mình có kết quả thật tốt đẹp, những đứa học trò dốt dần dần hiểu được bài vở, dần dần thâu nhận được những điều thầy giảng. Những lúc ấy bao nhiêu bực tức, mệt nhọc đều như tan biến hết, tâm hồn thầy phơi phới như có một luồng gió mát lùa qua. Hoặc trong vài phút giây nào khác, thầy nhận ra giữa đám học trò thường là ngỗ nghịch, có một vài đứa thật ngoan, chúng nó mến thầy như một người anh, một người cha và tôn thầy như thần tượng. Chúng luôn luôn làm thật đúng những điều thầy dặn, một phần vì tinh thần cầu tiến, nhưng một phần cũng vì mến thầy, chúng sợ không làm theo lời thầy dặn, thầy sẽ buồn, sẽ giận. Những đứa học trò như vậy quả là nguồn an ủi bao la cho thầy, và cũng chính vì chúng, thầy còn can đảm theo đuổi nghề giáo, một nghề mà người ta “tấn phong” cho nó là thanh bạch và bạc bẽo nhất.
Đầu bàn thứ sáu là Việt. Thằng học trò này cũng ngoan và vào hạng khá, tuy vậy không bao giờ Việt chiếm được thứ hạng cao trong lớp. Đầu năm, nhìn những cột điểm của Việt, thầy hơi ngạc nhiên: điểm của hắn rất kỳ cục, nhiều khi một con 20 nằm bên cạnh một số 01, lắm chỗ một con 18 nằm chen giữa hai cặp zéro tròn trĩnh.
Thầy kết luận Việt tuy học khá, nhưng vì ham chơi nên điểm không đều. Nhưng sau này, khi đã tìm hiểu và biết được hoàn cảnh gia đình của Việt, thầy không trách hắn nữa, trái lại, quay ra tự trách mình đã kết luận vội vàng về tên học trò này.
Sự thật Việt rất chăm, nhưng hoàn cảnh gia đình khiến Việt dù có muốn chăm, muốn học, đều cũng không được. Mẹ Việt góa chồng từ ba năm nay. Ba Việt mất để lại cho vợ sáu đứa con mà Việt là anh cả. Một mình bà xoay sở không đủ nuôi ngần ấy miệng ăn, lại còn quần áo, sách vở, tiền học...
Việt tuy còn nhỏ nhưng đã sớm nhận thức được thực trạng gia đình, bởi vậy, Việt chăm làm hết sức. Là anh cả, Việt xốc vác mọi việc trong gia đình. Từ việc xách nước, giặt giũ quần áo đến việc thổi cơm nấu nước Việt đều làm cả. Việt có hai đứa em gái: một đứa năm nay đã 15, lẽ ra việc giặt giũ nó có thể làm được, nhưng thấy học chậm, Việt muốn dành nhiều thời giờ cho em học để khỏi thua sút các bạn. Việt biết, con gái hay có tính tủi thân một khi thấy mình không được bằng chị bằng em, thành thử Việt cố tránh cho em khỏi phải tủi thân, do đó, bao nhiêu công việc trong nhà Việt “bao thầu” hết.
Con bé em kể cũng ngoan, không đành lòng để anh quá vất vả, cứ lăng xăng đòi giúp hay giành làm những công việc Việt đang làm, nhưng Việt chỉ cho em giúp mình khi biết chắc em đã thuộc hết bài. Còn một đứa em gái nữa, đứa này là út, mới có lên bốn, dĩ nhiên chưa giúp gì được cho Việt. Bà mẹ nhiều khi nhìn Việt rưng rưng nước mắt, bà hãnh diện có được đứa con ngoan nhưng cũng thương con và tủi thân vì không thể có đủ điều kiện cho con được bằng anh em bạn. Cứ nhìn cái quần kaki xanh bạc phếch mặc đã ngót ba năm của con, bà lại nghẹn ngào. Mà Việt hình như không quan tâm đến điều ấy. Anh chàng cứ lơ đi, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Thầy đưa mắt xuống cuối lớp. Mấy bàn cuối nổi tiếng là phá phách và làm mệt thầy nhất. Tuệ to đầu nổi bật giữa bọn, hắn cao hơn những tên khác cả gang bàn tay nên bao giờ đầu hắn cũng nhô ra một cách lộ liễu trong đám đông. Nhìn vào xóm nhà lá là thấy buồn. Học trò gì mà không bao giờ thấy học. Không học bài, không làm bài, bọn chúng hình như để hết tâm trí vào việc tìm cách trêu ghẹo thầy giáo hay bạn bè. Tuy vậy, đôi lúc thầy cũng an ủi trong cái xóm vô cùng bê bối ấy, có Lộc và Đỉnh thỉnh thoảng lại sáng chói lên như một vì sao, với những câu trả lời rất gẫy gọn và thông minh.
Theo thói quen, nhìn quanh lớp một lần như thế để áp chế đám đông, thầy mới bắt đầu dạy. Tuy nhiên, hôm nay thầy thấy một cái gì khang khác, một cái gì hình như xảy ra trong lớp một cách âm thầm nhưng rất trọng đại. Thầy mơ hồ nhận ra điều ấy, nhưng không biết sự thực nó là gì.
Thầy trả bài làm lần trước, chỉ rõ những chỗ học trò sai rồi bắt đầu giảng qua bài mới.
Học trò ngồi ngoan ngoãn, thầy khoan khoái mở đầu:
- Hôm nay tôi giới thiệu với các em một tác giả mới. Đó là thi sĩ Trần Tế Xương.
Học về Trần Tế Xương là dịp rất dễ gây hào hứng trong lớp. Hơn nữa, với tiếng giảng bài trầm ấm, thầy đã làm cho bài giảng của thầy thêm linh động và hấp dẫn, học trò nhiều tên há miệng nghe, mặt cứ ngây ra một cách thảm hại.
Bài giảng kết thúc trong bầu không khí vui tươi. Thầy cho học trò chép bài học. Mẩu phấn trong tay thầy di động trên bảng đen để lại những dòng chữ trắng. Chữ thầy đẹp và rõ ràng. Thỉnh thoảng đang viết, bất chợt thầy quay mình lại nhìn vào đám học trò. Kinh nghiệm cho thấy những lần quay lại bất chợt như thế, thế nào thầy cũng tóm được một ông không chịu viết bài, miệng đang ngoác ra cười và phá phách những người bên cạnh. Nhưng hôm nay, lạ lùng một cái là thầy đã bất chợt quay xuống đến hai ba lần mà cũng chả bắt được ai cả. Tất cả đều chăm chú nhìn lên bảng, ngoan ngoãn, tay đưa nhanh ngọn bút.
Cho đến lúc đó, thầy mới nhận thức được rõ ràng điều mà ngay từ đầu giờ học thầy đã cảm thấy một cách mơ hồ. Lúc này thầy thấy rất rõ điều đã khiến cho lớp học hôm nay có vẻ khang khác: xóm nhà lá hôm nay không hoạt động. Nói cho rõ là chúng không nói chuyện, phá phách như mọi ngày. Đúng rồi! Ngay lúc giảng bài cũng thế, chúng ngồi rất ngoan ngoãn, rất chăm chú. Ngày khác làm gì có chuyện ấy! Chúng ngồi đó, nghịch ngầm bằng cách thụi nhau dưới gầm bàn hoặc nghịch một cách công khai với đủ mọi thứ động tác. Không đi nữa thì chúng cũng xen vào nói ngang một câu giữa bài giảng của thầy.
Đúng rồi! Lớp khác lạ hẳn đi vì chúng không phá phách nữa. Nhưng chuyện gì đã xảy ra vậy? Chắc chắn không có chuyện xóm nhà lá đồng một loạt hồi tâm trước những lời khuyên răn của thầy. Nhất định phải do một nguyên nhân nào khác mà thầy chưa tìm ra.
Không riêng gì thầy, cả lớp hình như đều cũng ngạc nhiên về thái độ kỳ lạ của xóm nhà lá trong buổi học hôm nay. Những hôm khác, bao giờ họ cũng thấy xóm nhà lá phá phách vô cùng. Vào lớp là họ đương nhiên chờ xem xóm đó hôm nay giở những trò gì và đương nhiên nghe thầy mắng cho xóm đó mấy trận trong một buổi học. Thế mà hôm nay thì khác hẳn. Vài người ngạc nhiên quá thỉnh thoảng quay đầu lại nhìn chòng chọc vào mấy bàn cuối lớp như để dò xét.
Phần Tuệ, anh chàng khoái chí lắm, vì thấy bọn lâu la của mình ngồi im thin thít. Tuệ quay sang Lộc, cười đắc chí. Lộc cũng cười đáp lại.
Tuệ thấy rằng mình oai hẳn lên, bảo cái gì là lâu la nghe theo răm rắp. Nhưng bỗng Tuệ tái mặt, hai nhóc con Hùng và Lâm chả biết có chuyện gì, chụm đầu vào nhau, cười rúc rích.
Ngồi ngay phía sau, tiện chân Tuệ đạp cho mỗi tên một phát. Cả hai biết phận ngồi im thin thít. Thế rồi, thỉnh thoảng lại có một vụ phá rào như thế, tuy không quan trọng gì và cũng không làm ồn lớp là mấy, nhưng như vậy là vi phạm vào điều Tuệ đã cam kết với Lộc, và Tuệ cảm thấy bị thua cuộc đến nơi.
Mỗi khi xảy ra một vụ vi phạm, Lộc lại liếc mắt nhìn Tuệ làm anh chàng căm lắm và cố tìm cách - trong sự im lặng - để bắt lâu la mình chấm dứt trò vi phạm kia đi. Tuệ thở dài. Rõ ràng “điều khiển ngược” khó hơn “điều khiển xuôi” gấp bội. Ấy, nghịch đến động trời lên lại hóa dễ, mà ngồi yên lặng trong một hai tiếng coi vậy mà khó vô cùng. Rồi Tuệ đâm lo lắng, không biết cái công việc Lộc bắt Tuệ làm sau khi thua cuộc có khó không. “Tên này thâm lắm chớ không phải chơi, hắn bắt mình làm cái gì mà mình làm không được thì lại càng quê nữa”. Tuệ nghĩ vậy rồi đâm ra lo sợ.
Nhưng trong lớp hôm nay có người hồi hộp nhất. Người đó không phải là Tuệ, không phải là Lộc, không phải là Đỉnh, là Hoài hay Tứ, mà là Tâm.
Phải! Tâm hồi hộp lắm, vì lát nữa đây, vào cuối giờ học, Tâm phải lên trình bày cho toàn lớp nghe về dự định tổ chức đi trại của mình. Mặc dù được bọn Tứ hứa ủng hộ hết mình, Tâm vẫn lo. Không biết lát nữa người ta sẽ hoan hô hay đả đảo mình.
Thấy xóm nhà lá hôm nay ngoan ngoãn hẳn ra, Tâm hơi yên lòng và biết Tứ đã giữ đúng lời cam kết, tuy không biết Tứ đã dùng cách nào bưng miệng ngần ấy mạng của xóm nhà lá trong hôm nay.
Buổi học chậm chạp trôi qua. Càng đến những phút cuối, Tâm càng hồi hộp. Nhớ lại lời dặn của ông chú: Mỗi khi thấy hồi hộp thì thở thật dài và mạnh mấy cái sẽ hết, Tâm làm theo. Phong ngồi bên cạnh, nghe Tâm thở phì phò, không hiểu gì, lại tưởng Tâm mệt, quay sang hỏi nhỏ:
- Tâm bị mệt đấy à? Có cần xuống phòng Y tế nằm nghỉ, để mình dẫn xuống.
Tâm vừa buồn cười vừa cảm động, nắm nhẹ bàn tay bạn, đáp khẽ:
- Không.
Còn chừng nửa tiếng cuối giờ học, thầy Đạt ngừng giảng bài, chậm rãi nói với đám học trò:
- Hôm nay các em rất ngoan. Tôi đặc biệt khen ngợi mấy em đã giữ kỷ luật trong lớp một cách đẹp đẽ làm chính tôi cũng không ngờ! Bây giờ còn chừng nửa tiếng cuối giờ, tôi cho phép em trưởng lớp lên trên này nói chuyện với các bạn, vì nghe đâu em trưởng lớp có dự định hoạt động gì đó cho lớp của chúng ta. Mong rằng các em vẫn giữ trật tự như đầu buổi học cho đến giờ. Tuy vậy, các em cứ việc vui vẻ phát biểu ý kiến, tôi không cấm, miễn là làm việc trong vòng kỷ luật.
Thầy ra hiệu cho Tâm, Tâm bước lên giữa tràng pháo tay. Đứng trên bục, Tâm định bắt chước thầy, đưa mắt quét qua lớp một vòng. Nhưng vì đôi mắt Tâm chưa đủ “điện” mạnh như mắt thầy nên Tâm làm công việc này có vẻ ngượng ngập. Lại thêm vài tiếng cười rúc của mấy cô bé ngồi bàn đầu làm Tâm thêm cuống, tim đã đập với một nhịp điệu nhanh gấp đôi lúc thường.
Đúng lúc cuống quít ấy, Tâm chợt nhớ đến lời dặn của chú Tâm; chú bảo:
- Mỗi khi cần nói trước đám đông, cứ việc coi đám thính giả trước mặt mình như những củ khoai hay những cái bắp xú, không có gì đáng sợ thì sẽ hết sợ ngay.
Tâm lấy lại bình tĩnh:
- Thưa các bạn...
Ngừng lại một chút để dò phản ứng, không thấy ai phản đối, hình như lại có vẻ đợi chờ, Tâm khoái quá, bắt đầu “mở máy”: Tâm đưa ra những lý do khiến lớp học lâu nay mang một vẻ buồn chán, uể oải. Sau đó, Tâm kết luận: cần phải có một hoạt động chung nào để lấy lại sinh khí. Hoạt động thích hợp nhất trong lúc này là đi trại.
Tâm dứt lời, mọi người hoan hô nhiệt liệt. Theo đúng dự liệu, Hoài, Đỉnh, Lộc, Tứ, Linh, Bích đều nêu ý kiến ủng hộ “sáng kiến” của Tâm.
Chuyện đang tiến hành tốt đẹp thì Tuệ giơ tay xin đứng lên phát biểu ý kiến. Tâm hơi tái mặt! Tuệ đã nói tất không phải chơi, thế nào cũng có “chuyện”. Trong khi đó lâu la xóm nhà lá vỗ tay nhiệt liệt hoan hô chủ tướng.
Tâm đưa mắt cho Tứ và Hoài, báo tin để sẵn sàng phản ứng, nhưng quái lạ, cả hai vẫn tỉnh bơ như không. Không biết làm sao, Tâm đành “đơn thương độc mã” đối chọi.
Tuệ bắt đầu:
- Thưa các bạn, dự định anh lớp trưởng đưa ra vừa rồi thật là tốt đẹp, và đáng làm.
Tâm nghĩ: “Nó thổi mình lên rồi mới đập sau đây”.
Tuệ tiếp:
- Nhưng...
Tâm nghĩ thầm: “Biết ngay mà! “Nhưng” một cái là hoàn toàn thay đổi hết, đang tốt đẹp, đáng làm, sẽ biến ra xấu xa, không đáng làm. Thằng xỏ lá thật! Vậy mà Tứ dám nói là xóm nhà lá sẽ không phá. Nhưng được rồi, đã ở thế cưỡi cọp rồi, phải liều mới được. Mình cứ thử xem hắn lý luận ra sao rồi sẽ liệu sau”.
Tuệ “nhưng... một cái rồi ngừng lại, làm cho bầu không khí trở nên ngột ngạt khó thở, ai nấy đều chờ xem Tuệ nói cái gì sau chữ “nhưng” quái ác, đã có mấy cái đầu quay hẳn lại.
Tuệ tiếp tục trình bày ý kiến:
- Nhưng dù sáng kiến có hay mấy đi nữa, và dù anh trưởng lớp có thiện chí đến thế nào đi chăng nữa, nếu chúng ta không thực tâm cộng tác với anh thì bao nhiêu điều tốt đẹp cũng bỏ đi hết vì không thực hiện được. Chúng ta đã khen, đã ủng hộ sáng kiến của anh trưởng lớp, vậy bây giờ tất cả phải có bổn phận đóng góp vào việc thực hiện sáng kiến đó. Hoan hô bằng miệng không ích gì hết, điều quan trọng là bắt tay vào việc.
Tuệ vừa dứt lời, Tâm thở phào nhẹ nhõm. Chữ “nhưng” của Tuệ không mang lại một nguy hiểm nào, trái lại, còn làm cho công việc đẹp đẽ hơn.
Tuy vậy, Tâm rất ngạc nhiên, không hiểu hôm nay Tuệ nhà ta mắc phải chứng gì mà có thiện chí xây dựng như thế. Tâm thắc mắc vì không hiểu được mặt trong của câu chuyện: ngay sau khi thấy lâu la của mình phá rào nói chuyện đến lần thứ ba, Tuệ viết một mảnh giấy nhỏ vo lại ném cho Lộc. Lộc mở ra đọc:
“Tớ nhận thua cậu keo này. Ngay bây giờ cậu có thể bắt tớ làm việc gì cậu muốn”.
Lộc mỉm cười lấy bút viết vào mặt sau tờ giấy:
“Phục cậu đã chơi rất quân tử. Việc tớ nhờ không khó gì hết, lát nữa cậu nhớ ủng hộ công việc của Tâm trưởng lớp”.
Chính vì dòng chữ của Lộc, hay nói đúng hơn chính vì kế hoạch sắp xếp của Lộc, Tâm mới được Tuệ ủng hộ hết mình như thế.
Tuệ nói xong mấy câu đầu rất là văn chương chải chuốt. Thấy mọi người có vẻ bằng lòng, anh chàng bắt đầu dùng “danh từ trần tục”:
- Quí vị nhớ nhé. Ai vỗ tay hoan hô mà khi làm lại rút dù là... hèn.
Cả lớp cười rầm, nhưng lại vỗ tay lớn hơn. Tuệ thích quá cười toe rồi ngồi phịch xuống. Lộc nhìn Tuệ cười, tỏ vẻ hài lòng.
Đến lượt Oanh. Lớp đang ồn ào thì giọng ồ ồ của Oanh cất lên:
- Xí đã! Xí đã! Đừng có nói chuyện chứ. Tôi nói cái này!
Mới nghe hai tiếng “xí đã”, mấy cô đã bò ra cười. Một cô bảo bạn:
- Anh này làm cái gì mà như chơi năm mười hay rượt bắt cứu bồ ấy.
Nhưng rồi họ cũng im lặng, chờ xem anh chàng có ý kiến gì. Oanh tiếp:
- Tôi muốn nói thế này: Tụi mình ai cũng bằng lòng đi trại cả rồi. Vậy thì xin anh Tâm đi vào chi tiết để tranh thủ thời gian.
Oanh nêu ý kiến thật đúng lúc. Tâm nhân đó trình bày ngay về thành phần tổ chức, về địa điểm, ấn định thời gian, lệ phí và phương tiện di chuyển. Thầy Đạt được mời đi làm cố vấn. Tâm cũng không quên mời Tuệ hợp tác trong ban tổ chức. Tuệ nhận lời ngay.
Vấn đề vừa được giải quyết xong trong bầu không khí hào hứng thì tiếng trống báo tan học. Tất cả ra về trong niềm hân hoan.
Vừa ra, Tuệ đã nắm cánh tay Lộc:
- Cậu nói đúng thiệt! “Điều khiển ngược” khó hơn “điều khiển xuôi” nhiều. Tôi chịu thua.
Nhưng Lộc trả lời:
- Không! Cậu giỏi lắm. Xóm mình hôm nay tuy có vài vị chuyện trò qua loa một chút, nhưng cứ xét chung có thấy là ngoan nhất lớp không? Đến độ thầy phải khen cơ mà. Cậu cứ tưởng mấy xóm học chăm là suốt giờ họ không nói chuyện gì sao? Nhiều khi cũng nói lia ấy chứ.
Rồi Lộc thân mật vỗ vai Tuệ:
- Chiều đi ciné với tớ nghe. Rex đang chiếu phim xã hội của Ý. Hay lắm!
Tuệ vốn ghét loại phim này và hầu như không bao giờ đi xem, Lộc cũng biết vậy, nhưng vẫn vui vẻ nhận lời. Trong thâm tâm Tuệ nghĩ: “Tên này xử điệu quá. Mình cũng phải làm sao điệu lại mới được”.
Trong lúc ấy, Đỉnh đang khoa tay múa chân nói với xóm nhà lá:
- Thấy chưa! Thấy chưa! Ta đã bảo mà, có sai đâu! Cả lớp hôm nay ngạc nhiên, kể cả thầy.
Cả bọn lây cái vui của Đỉnh, mắt sáng và miệng cứ há ra.
- Mà ta đoán đâu có sai! Tuệ nhà ta cũng khoái hết mình mà.
Nhưng đang vui, Đỉnh sa sầm mặt xuống:
- Nhưng mà hồi nãy ta thấy con nhà Phương, con nhà Hoàng, con nhà Minh nói chuyện đó nghe.
Phương gãi đầu:
- Tại... tui quên mà.
Rồi chống chế:
- Nhưng mà cậu thấy tớ “ngoan” hơn mọi hôm lắm mà, đúng không? Mọi ngày tớ nói hai chục phần, hôm nay chưa tới một phần.
Đỉnh an ủi bằng hai câu thơ:
- Khá khen thiện chí của mi,
Nhưng lần sau chớ nói gì nữa nghe!
Cả bọn cười rầm tán thưởng.

 

Ba chiếc xe chở học sinh đã chật ních. Chiếc đầu cắm lá cờ hiệu đoàn bay phất phới. Tứ và Tuệ ở trên mui xe đang loay hoay cột lại cho chặt những đồ vật vừa được ném lên. Thôi thì đủ thứ: mấy chiếc lều, một bó gậy, rồi củi, nồi niêu, cả một bao nhỏ gạo và hai cây đàn “ghi ta”.
Trong xe, tiếng nói chuyện ồn ào và những tiếng cười ròn rã luôn luôn nổi lên. Một người vừa cười vừa cất tiếng:
- Hi... hi... Hồi trước mình kêu xe này là xe bắt chó để chọc mấy đứa đi xe đưa rước. Vậy mà hôm nay mình lại cũng ngồi trong này. Oái oăm thay!
Tiếng cười ồn ào nổi lên. Tiếp theo là một giọng ngâm thơ, giọng ồ ồ đích thị là của chàng Oanh:
“Ngã kim nhật tại tọa chi địa
Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi”
Hai câu này Oanh học được trong bài “Chữ nhàn” của Nguyễn Công Trứ. Anh chàng thuộc bài quá nên đi đâu cũng phun ra toàn chữ nghĩa.
- Nè! Nhà nho bắt đầu xổ nho nghe mấy bồ!
Cả xe nhao nhao lên cười nói loạn xạ. Bỗng giọng thầy Đạt đứng bên ngoài xe vọng vào:
- Oanh vừa đọc thơ cụ Nguyễn Công Trứ đó hả? Nhưng trong hoàn cảnh này, có lẽ em nên đọc là: “Ngã kim nhật tại tọa chi xa” thì đúng hơn!
Cả xe lại cười vui vẻ và ngó ra. Hôm nay thầy Đạt gọn ghẽ và trẻ trung trong chiếc áo cộc tay đậm màu, lại thêm một chiếc nón trên đầu nữa làm thầy trông là lạ. Nhân dịp, một vị thò đầu ra khỏi xe, gọi thầy:
- Thầy ơi! Xe chật quá, hổng có đủ chỗ ngồi, em phải ngồi dưới sàn... đây nè.
Thầy cười an ủi:
- Thôi rán chịu vậy! Từ đây tới chỗ cắm trại không có xa đâu. Mình con trai mạnh chân khỏe tay mà, đâu có sợ gì.
Thầy đọc luôn miệng một câu thơ khác, cũng trong bài “Chữ nhàn” của Nguyễn Công Trứ:
- Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc.
Thầy cười, học trò cũng cười thật cởi mở. Thầy vừa định quay đi thì ở xe bên cạnh, một giọng nữ sinh vọng sang, rõ ràng rành rọt:
- Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn.
Cả thầy và đám học trò con trai ngó sang.
Xe bên cạnh có tiếng cười rúc rích.
Thầy Đạt vui vẻ:
- Cha! Sao hôm nay các em thuộc bài dữ. Vậy mà bữa nọ gọi lên đọc bài “Chữ nhàn” em nào mặt cũng ngẩn ra như mán nghe kèn.
Lộc ngồi trong xe bên này, nói vọng sang:
- Mấy chị khôn quá xá! Có hai chục người mà chiếm luôn một xe. Ngồi rộng rãi nhàn nhã như vậy, trách gì chẳng tri nhàn với tiện nhàn!
Mấy cô ngồi yên, bấm nhau cười khe khẽ. Thật ra xe các cô cũng không rộng rãi gì. Bao nhiêu dụng cụ đi trại đều chất trong xe này, hết chỗ rồi mới đưa lên mui. Hai chục cô thì cô nào cũng mang theo một... va li không biết đựng những gì bên trong, thành thử ít người mà xe vẫn chật ních. Các cô nhìn nhau, hôm nay cô nào coi cũng là lạ vì ai cũng thay chiếc áo dài trắng hàng ngày bằng những bộ quần áo màu sắc tươi trẻ là gọn ghẽ hơn. Chỉ có Thu vẫn ngoan ngoãn trong chiếc áo dài thường nhật. Tâm nhìn Thu bảo:
- Sao không mặc đồ bộ có phải gọn gàng không?
Thu cười nheo mắt tinh nghịch:
- Ấy, Thu có hai bộ, bỏ trong xắc, tới đó mới xài.
Tới lượt Thu nhìn Bích rồi hỏi:
- Sao Bích đi guốc cao gót? Lát nữa sao mà leo trèo chạy nhảy?
Bích cười hì hì, mở xắc cho bạn coi. Thu liếc mắt xem, bên trong có hai đôi dép, một đống quần áo không biết mấy bộ, rồi những chai, những hộp đủ thứ không biết đựng những gì, ba bốn gói giấy to tướng. Thu đã hú vía! Bích còn đưa tay ra phía sau lấy thêm một chiếc xắc to tướng nữa.
Thu hỏi:
- Cái này cũng của Bích?
Bích cười gật đầu.
Thu phát hoảng:
- Chúa ơi! Bích mang những gì đi mà nhiều đến thế? Cứ như là bỏ nhà đi xa cả tuần lễ vậy.
Bích đưa tay lên miệng:
- Xuỵt! Bí mật quân sự mà! Mang nhiều thế vì thế nào cũng phải dùng tới.
Rồi quay qua Linh, Bích bảo:
- Phải thế không Linh?
Linh gật đầu xác nhận:
- Con bé Bích này có nhiều trò hay lắm. Để hôm nay giở trò cho mấy bồ xem. Xí, cái mặt nó trông hiền lành như vậy nhưng nghịch như con trai đó.
Bích giả vờ e thẹn, đầu nghiêng sang một bên, đưa ngón út lên miệng cắn, hai mắt chớp chớp làm cả bọn phá ra cười.
Xe cuối cùng có vẻ yên lặng nhất. Mà quái lạ, xe lại chở toàn bọn nhà lá. Bọn này coi vậy mà thân nhau ra phết, đi đâu cũng có nhau, không chịu rời nhau nửa bước! Đỉnh ngồi bứt râu, mặt bình thản như không nghe thấy tiếng nói cười của hai xe bên cạnh.
Một đứa nhắc:
- Ê! Đỉnh! Bọn nó vui quá! Mình có gì không?
Đỉnh trả lời uể oải:
- Tớ đang chán đây. Cái gì mà xe mãi không chạy. Ngồi khó chịu thấy mồ. Tớ muốn xỉu.
Hai ba tên phụ họa:
- Ừ. Khó chịu quá. Tụi hắn làm cái gì mà lâu vậy?
Đỉnh ra vẻ bực dọc:
- Tứ với Tuệ cột mãi mấy chiếc lều trên mui xe không xong, còn mấy tên nữa chưa chịu lên xe, cứ la cà ở dưới hoài.
Rồi Đỉnh đổi giọng:
- Ê! Mấy bồ! Muốn xe chạy cho lẹ không?
Cả bọn nhao nhao:
- Chịu chứ! Chịu gấp!
Đỉnh bảo:
- Vậy phải gửi tối hậu thư mới được.
Rồi dặn nhỏ:
- Bây giờ tớ bảo cái gì, mấy bồ làm theo cái đó nghe.
Nói xong, Đỉnh thò cổ ra khỏi xe, dùng hai tay làm loa hét:
- Thưa quí vị, quí vị lâu quá chịu không nổi. Bây giờ bọn tui sẽ hát bài “Con Chuột”, đến tám cái đuôi mà quí vị cũng không xong, bọn này sẽ xuống xe tuyệt thực cho mà xem.
Đỉnh quay vào trong xe:
- Ê! Hát đi mấy bồ! Một con chuột là một cái đuôi.
Tức thì, ban đại hợp ca cất tiếng:
- Một con chuột là một cái đuôi. Hai tai, hai mắt. Tình ban đầu. Một cái đầu là bốn cái chân.
- Hai con chuột là hai cái đuôi. Bốn tai, bốn mắt. Tình ban đầu. Hai cái đầu là tám cái chân.
Tứ với Tuệ ở trên mui xe hoảng quá. Tứ hét lớn:
- Ê! Hát chậm chậm chứ. Tụi tớ xuống đây!
Mặc kệ, bọn Đỉnh vẫn gào:
- Ba con chuột là ba cái đuôi. Sáu tai, sáu mắt. Tình ban đầu. Ba cái đầu là mười hai cái chân.
Thầy Đạt ở dưới sân cuống quít. Bọn này dọa tuyệt thực thì thầy không sợ, nhưng bọn hắn xuống xe thật thì phiền vô cùng. Công phu mãi mới đẩy được cả bọn lên, bây giờ tụi nó lại ào ào leo xuống thì không biết đến bao giờ mới khởi hành. Bất giác, thầy cũng nói to:
- Chậm chứ mấy em. Sắp xong rồi.
Thầy hối mấy anh chàng còn dưới sân lên xe thật gấp. Thấy điệu bộ của thầy, mấy cô nữ sinh bấm nhau cười. Hôm nay thầy vui vẻ, cởi mở ghê. Chả bù cho những giờ khảo bài trong lớp... Linh bảo:
- Đừng sợ. Nhất định mấy ông mãnh đó không đếm được đến tám con chuột đâu, thế nào cũng lộn.
Cả bọn yên lặng nghe. Xe bên kia vẫn tiếp tục:
- Sáu con chuột là sáu cái đuôi. Mười hai tai, mười hai mắt. Tình ban đầu. Sáu cái đầu là hai mươi bốn cái chân.
- Bảy con chuột là bảy cái đuôi. Mười bốn tai, mười bốn mắt. Tình ban đầu. Một cái đầu...
Có tiếng xuỵt:
- Sai rồi, bảy con chuột mà chỉ có một cái đầu à? Hát lại đi.
Nhưng ở xe nữ sinh đã có tiếng nói lớn:
- Yêu cầu hát lại từ đầu. Không ở đâu lại có bảy con chuột chung nhau một cái đầu.
Đỉnh càu nhàu:
- Quê quá! Thôi hát lại vậy. Cẩn thận nè: Một con chuột có một cái đuôi...
Trên mui xe, Tứ với Tuệ khoái quá, cột cho thật chặt các đồ vật. Mới nghe ở dưới hát đến “ba con chuột”, Tuệ bàn:
- Đã thế, mình leo vào xe thứ nhất, cho xe chạy bất ngờ.
Trong khi đó cả bọn vừa hát vừa ngó Đỉnh. Anh chàng cứ phải ra hiệu bằng cách giơ ngón tay để hát cho đúng, thành thử quên khuấy mất chuyện canh chừng xem hai người trên mui xe đã làm xong chưa.
Tứ với Tuệ vào chỗ ngồi. Thầy Đạt nhảy lên xe ngồi cạnh tài xế, ra lệnh:
- Chạy đi! Bác.
Xe chuyển bánh trong khi xe cuối cùng lại vừa đếm đến “sáu con chuột”.
Quanh co một lúc trong những con đường thành phố, xe bắt đầu đến xa lộ. Không còn khói xe mù mịt, không còn tiếng bóp còi inh ỏi, không còn bị ngừng lại vì đèn đỏ, và không còn những cao ốc che mất ánh sáng mặt trời, đè ngang trời xanh bát ngát, xe tăng tốc độ.
Trời hôm nay thật đẹp, nắng vàng hanh ấm áp mà không nóng nực. Trời xanh cao thăm thẳm, vài cụm mây trắng bay lác đác, nhìn qua ta có cảm tưởng chúng nhẹ như bông. Hai bên đường, lùi xa xa vào phía trong, những hàng dừa nước xanh tươi lả mình theo làn gió sớm.
Cỏ non xanh mát một màu chạy đến tận lề đường. Thỉnh thoảng, một vũng nước nhỏ chợt ló ra giữa tấm thảm xanh bát ngát ấy, từng đàn vịt con lông còn vàng óng ánh đua nhau bơi lội. Xe càng đi nhà cửa hai bên đường càng thưa thớt dần. Một mái nhà tranh đứng trơ vơ giữa cảnh bao la cũng có vẻ đẹp riêng của nó. Thỉnh thoảng, một nhịp cầu nho nhỏ làm bằng mấy miếng ván thô sơ bắc ngang một lạch nước trông cũng vui vui.
Ngồi trong xe, Hoài nói qua luồng gió với người bạn ngồi bên:
- Việt Nam mình không phải chỉ là Sàigòn với nhà cửa xe cộ. Việt Nam còn là miền quê trù phú và hiền lành như thế này, còn là miền duyên hải dạt dào sóng nước, còn là vùng núi non rừng rậm bao la hùng vĩ nữa.
Người bạn gật đầu đồng ý. Rồi kéo vai Hoài, anh ta chỉ cho bạn xem một thửa ruộng con nằm cạnh bên đường. Mạ non vừa lớn có màu xanh tươi mát mắt làm sao.
Một người bạn hỏi Hoài:
- Nghe nói cậu cũng có đến chỗ cắm trại mấy lần trước phải không?
Hoài gật đầu. Anh bạn hỏi tiếp:
- Đẹp không?
- Dĩ nhiên là đẹp rồi. Có rừng có suối, có bãi đất trống để cắm lều. Chỗ lý tưởng để cắm trại, lại gần nữa.
- Sắp tới chưa?
Hoài nhìn ra ngoài cửa xe với những cây cối, nhà cửa hai bên đường chạy vùn vụt về phía sau, rồi quay vào:
- Gần tới rồi. Cậu biết Bùi Gia Trang không? Chỗ ấy đấy. Chỉ qua một tí thôi.
- Chắc từ ngoài vào phải đi bộ.
- Ừ, mà đi bộ càng vui chứ sao. Có dịp để hò dô ta.
Chiếc xe đi đầu đã chạy chậm lại. Tấm bảng Bùi Gia Trang hiện rõ giữa đám cây cối um tùm. Xe ép sát vào lề rồi chậm chạp bò xuống ven đường. Hai chiếc xe sau nối đuôi nhau leo xuống tiếp.
Bắt đầu từ lúc này nhiệm vụ Tâm thật nặng nề. Điều khiển một buổi sinh hoạt trại, mà trại sinh toàn người cùng lứa tuổi mình, không phải là chuyện dễ dàng. Từ trên xe phóng xuống trước, Tâm đưa mắt nhìn quanh tìm địa điểm tập họp. Một miếng đất rộng tương đối phẳng phiu được Tâm lựa chọn. Xong xuôi, Tâm đưa còi lên miệng. Từng tiếng còi ngắn vang lên giục giã trong nắng sớm. Từ cửa ba chiếc xe, “nam thanh nữ tú” lần lượt nhẩy xuống, đặc biệt là xe các cô, mấy nữ sinh yểu điệu của Sài gòn cũng nhanh nhẹn và gọn gàng không kém. Tiếng còi càng giục giã, động tác của mọi người càng nhanh nhẹn. Tất cả chạy về hướng tập họp. Trong buổi trại này, lớp được chia làm bốn đội, trong đó có tới ba đội “đàn ông con trai”, còn có một đội lẻ loi là “đàn bà con gái”. Nhưng quái lạ thay, ai cũng tưởng các cô thuộc phái yếu chậm chân, chậm tay, thể nào cũng tập họp chậm nhất, ai ngờ các cô lại tập họp xong đầu tiên. Nhìn một số anh còn lục túc “kéo lê” từng bước, có cô còn nói khích:
- Đàn ông con trai khỏe quá ta.
Nóng mặt, các cậu chạy cho thật nhanh.
Lẽ ra nếu cứ sự thường thì còn khuya các cô mới nhanh nhẹn được như hôm nay. Nhờ có sự dặn dò nhau từ lúc lên xe, Bích và Linh đốc thúc các bạn nhất quyết đội nữ sinh phải chiếm giải nhất trong ngày trại này.
Tập họp đông đủ, Tâm thổi còi cho im lặng rồi chỉ dẫn lộ trình vào địa điểm dựng trại. Tâm hứa: đội nào vào trước tha hồ chọn địa điểm tốt, trừ vùng đất dành cho lều ban trại trưởng được chỉ định trước.
Đoàn người cất bước với ba lô trên vai, kèm thêm gậy gộc. Ai cũng mong vào trước để chọn nơi cắm lều tốt nên phóng ào ào như một cuộc xung phong đánh xáp lá cà. Các cô đã thay guốc cao gót, áo dài bằng giày vải, đồ bộ gọn gàng không kém bọn con trai.
Đội Hoài dẫn đầu cuộc xung phong tìm cứ điểm. Hoài một tay cầm cờ đội, một tay xốc ba lô lên vai miệng không ngớt khuyến khích các bạn. Cả đội đều hăng hái trong cuộc chạy đua này. Nhìn lại, Hoài thấy các bạn đội khác đã bị bỏ lại một quãng xa. Thảm hại nhất là các cô lẹt đẹt mãi ở đoạn cuối, hết cả chạy nhảy mà xếp hàng một đi một cách mệt mỏi.
Hứng chí, Hoài càng chạy nhanh và trong óc đã hiện ra vị trí đóng trại. Nhất định Hoài sẽ cho đội ở phía trái lều trại trưởng, chỗ ấy vừa khuất nắng vừa nhiều cây cối, miếng đất lại rộng và phẳng phiu rất dễ trang hoàng cổng trại, chỗ đặt bếp và hố vệ sinh có thể đào khuất sau hai cây thật lớn. Hoài đã đến nơi này nhiều lần nên từng địa thế, Hoài thuộc rõ mồn một.
Quả nhiên, đội Hoài đến địa điểm đóng trại nhanh nhất. Hoài nhảy từng bước thật dài cho mau đến nơi đã lựa chọn. Nhưng bất ngờ, vừa tới nơi, chưa kịp thở, Hoài đã thấy lá cờ đội 1 cắm ở đó một cách ngạo nghễ: đội của các nữ sinh, và Linh đứng cạnh lá cờ, chống nạnh cười thật tươi:
- Anh Hoài đến hơi trễ rồi.
Hoài đứng ngây người, rồi chợt hiểu, cậu cũng cười tuy miệng hơi méo:
- Linh ranh lắm nhé.
Rồi “đau khổ”, Hoài dẫn đội đến miếng đất hạng nhì.
Thì ra trong lúc tất cả vừa reo hò vừa chạy đua nhưng không được nhanh như lúc thường vì trên vai và trong tay còn vướng ba lô dụng cụ, thì Linh đã tay không, chỉ xách theo lá cờ buộc sẵn vào cán, nhanh nhẹn chui qua các bụi rậm, tìm lối tắt một mình đến địa điểm đầu tiên và đương nhiên tìm chỗ đóng lều tốt nhất cho đội mình. Trước sự kiện đó, Hoài chỉ biết “trơ mắt thỏ” ra.
Các đội lục đục đến đông đủ và không ai bảo ai, tất cả cắm cúi vào việc đóng cọc căng lều và trang hoàng khu trại. Mỗi người một việc, ai nấy đều không kịp thở, mong cho đội mình xong trước nhất.
Phần ban trại trưởng cũng có công việc của mình. Ban trại trưởng gồm ba người, hai Tâm (một nam, một nữ) và thầy Đạt. Anh Tâm trưởng lớp giữ chức trại trưởng còn chị Tâm làm trại phó. Thầy Đạt được tôn lên hàng cố vấn, không phải cố vấn vĩ đại, vì thầy gầy nhom, cao lênh khênh. Chuyện trùng tên giữa anh trại trưởng và chị trại phó cũng là một việc hi hữu. Muốn tỏ rằng tôn trọng nguyên tắc “nam nữ bình quyền”, trong một buổi học sát ngày đi trại, dĩ nhiên là giờ thầy Đạt, Tâm trưởng lớp xin các chị đề cử cho một người trong chức vụ phó trại trưởng. Lúc đầu mấy cô đều đề cử Linh, nhưng Linh nghĩ mình và Bích phải ở lại với chị em, giữ nhiệm vụ tác động cho đội thêm nhanh nhẩu, mau miệng. Nghe đề nghị, một cô nói ngay:
- Được lắm! Có anh Tâm thì có chị Tâm. Anh Tâm làm trưởng, chị Tâm làm phó. Đẹp đẽ lắm rồi.
Câu nói đùa làm Tâm xấu hổ quá, ngượng chín người đi, nhưng rồi sau cùng cũng phải nhận lời, vì ai cũng ép. Tâm ghé vào tai Linh:
- Bồ làm hại tui rồi nhé.
Linh cười:
- Có sao đâu! Đùa ấy mà!
Vì ban trại trưởng phải chạy luôn nên chẳng cần đóng lều cho chắc chắn. Cậu Tâm và thầy Đạt căng một chiếc dù trắng lên, chiếc dù tròn, màu trắng mát nổi bật giữa đám cây cối um tùm. Phần cô Tâm, cô trải hai tấm “tăng” ở dưới chiếc dù và lần lượt xếp những vật dụng trong ba lô ra. Vừa làm cô vừa nhìn về phía các chị em đang tíu tít với công việc. Cô có vẻ “đau khổ” vì bị cô lập một mình.
Phía phải lều trại trưởng là đội của xóm nhà lá, có Tuệ làm đội trưởng và Đỉnh làm đội phó. Đội này xem ra miệt mài với công việc nhất. Các cu cậu ở nhà phá phách hạng nhất, không ngờ hôm nay lại khéo tay khéo chân và tỏ ra có óc thẩm mỹ đặc biệt. Vật dụng của đội này cũng rất dồi dào: ba chiếc lều đóng song song, các cọc lớn, cọc nhỏ đều theo đúng phép của hướng đạo, những nút dây buộc đúng kiểu, mái lều thẳng băng không một nếp nhăn nhỏ coi thật đẹp mắt. Đội làm hai cái bếp đào và một cái bếp treo. Củi khô được kiếm về thật nhanh, chất đầy một gốc cây. Hố vệ sinh cách xa chỗ nấu bếp gần mười thước. Địa điểm tuy không đẹp lắm vì đội đến chậm nhưng vì thu xếp khéo nên trông cũng gọn gàng, xinh xắn. Tuệ đang đốc thúc các bạn làm trại: tre được mang theo sẵn cắt theo mẫu của Đỉnh vẽ, một cái cổng rất đông phương, đơn sơ mà nghệ thuật. Trên cổng, Tuệ tinh nghịch cho kết dòng chữ: “Đại bản doanh xóm nhà lá”, lá cờ đội bốn được gác chéo một bên, vừa tầm tay để mỗi khi tập họp thì rút cho nhanh.
Trại của các cô lại có vẻ khác. Tuy nghệ thuật cắm trại của các cô kém đội bốn, nhưng toàn trại, chỗ nào trông cũng có vẻ hoa lá cành hơn và “tếch ni cô lo” nữa. Mấy cô ngồi trong cùng đang phùng mang trợn mắt thổi những quả bóng xanh, đỏ, tím, vàng để các bạn buộc lại, treo từng chùm trước cổng trại. Chỗ nào nhìn cũng toàn hoa là hoa, những bông hoa sim dại được các cô thi nhau hái về, mỗi cô chọn một bông đẹp nhất cài lên mái tóc, còn bao nhiêu thì kết thành bó cắm khắp nơi để thêm vẻ mỹ quan. Đặc biệt cổng trại lại treo bảy cái... mẹt, thứ mẹt nho nhỏ các bà các cô thường dùng để ăn bún chả. Chỉ khác một cái là bảy cái mẹt này đã được sơn trắng và viết chữ lên trên bằng sơn đỏ. Hai cái, một cái đề chữ “đội”, một cái viết số “1”. Còn năm cái kia, mỗi cái đề một chữ theo thứ tự của câu “Nhi nữ bất thường tình”. Đây là một “đại tác phẩm” được lôi ra từ trong cái xách đầy nhóc của Bích. Các bạn xúm lại hỏi, Bích điềm nhiên sắp xếp mấy cái mẹt xuống đất để các bạn đọc được câu vừa rồi. Một cô hỏi nghĩa, Bích giải đáp:
- Bọn đàn ông con trai thường cứ gọi đám con gái chúng mình là “nhi nữ thường tình”, ngụ ý chê bọn mình bao giờ cũng yếu đuối, cũng sợ hãi nọ kia. Nay muốn tỏ cho bọn họ biết đội chúng mình tuy cũng là con gái, nhưng mạnh mẽ, hổng sợ gì hết chứ không “thường tình” như họ tưởng để họ sợ chơi.
Nghe Bích cắt nghĩa hay quá, cả bọn hì hục thượng bảy cái mẹt lên cổng trại, nhìn ngắm hồi lâu có vẻ đắc chí lắm. Không may, khi các cô đã ngắm chán mắt, quay sang làm chuyện khác thì một cành lá bị gió thổi làm sao, vướng ngay vào cổng trại, ác làm sao che mất chữ “tình” ở cuối câu. Thế là chỉ còn bốn cái mẹt mang dòng chữ “Nhi nữ bất thường” một cách vừa ngạo nghễ vừa tức cười. Bọn Hoài đóng trại ở bên cạnh nhìn thấy, chỉ chỏ cho nhau xem rồi bấm nhau cười đỏ gay mặt mũi. Các cậu ôm nhau cười ngon lành vì công việc đã làm xong từ lâu. Đội Hoài vào sớm nhất nên bắt tay vào việc cũng sớm nhất và xong trước nhất. Đội này trình bày khu trại theo một kiểu rất tân tiến. Cổng trại được kết thành hình một chiếc phi thuyền ngộ nghĩnh, đường vào trại được thu dọn sạch sẽ, một chiếc cầu được kết bằng những cành cây và dây thừng, sơ sài nhưng chắc chắn rất lạ mắt. Bếp của đội cũng làm lạ kiểu, không cần đào xới gì cả, ba cái bếp chỉ cần chín cái ống “coca cola” rỗng chôn xuống đất, mỗi bếp ba ống, thế là xong, thật giản dị mà lại chắc chắn. Đội này xem ra có vẻ ung dung nhất, trong lúc các đội khác đang tối tăm mặt mũi thì Hoài xách đàn tựa gốc cây, cả bọn ngồi xung quanh tập hát. Tiếng vỗ tay theo điệu nhạc làm mấy đội bên cạnh nóng ruột.
Cạnh đội Hoài là đội Tứ, đội không may chọn phải, hay đúng hơn bị phải, chỗ đất xấu nhất, địa thế trông chẳng ra gì, trừ một cây điều lộn hột nằm xoay ra làm thành một cái vòm thiên nhiên có thể thay cho cổng trại.
Tuy nhiên, Tứ tỏ ra rất khéo thu xếp: mấy cái bếp Tứ đều cho đào dưới một con rãnh con chạy ngang phía sau, vài cây tre mang sẵn dựng thêm vào cây điều làm cho đội có cái cổng trại rất... kỳ cục, nhưng lại lạ mắt coi cũng đẹp. Phải cái đất xấu quá, không hiểu sao lại lẫn toàn đá ong, cọc lều phải đóng lại mấy lần. Mồ hôi ròng ròng, mấy cậu giáng từng nhát búa xuống, nghe bên kia đàn hát inh ỏi càng thêm... lộn ruột. Nhưng rồi cũng xong, cả bọn hể hả xoa tay đứng nhìn công trình của mình. Long đã kiếm được ở đâu mấy chai nước đem chia nhau uống thật mát dạ. Chính ra Tứ, Long và Yên đều ở trong ban trại trưởng nhưng thấy “xóm” mình yếu quá nên trước khi đi đã bàn với Tâm, cả ba đều xung phong ở lại giúp đội.
Ban trại trưởng đi xem tổng quát một vòng. Trại được đóng theo hình bán nguyệt, lấy lều trưởng trại làm tâm. Trên cành cây cao cạnh lều trại trưởng lá cờ hiệu đoàn bay phất phới. Treo được lá cờ trên cành cây cao như vậy là nhờ Oanh: công việc đội đã xong, thấy Tâm cứ loay hoay mãi với cây cờ, Oanh chạy lại giúp cu cậu leo lên cây thoăn thoắt. Tới nơi, Oanh bảo Tâm đứng dưới phóng cây cờ lên, Oanh giơ tay ra đón, nhanh nhẹn như làm xiệc rồi cột cán cờ vào chỗ đã định sẵn.
Thấy các đội đều xong xuôi, nhìn đồng hồ, thấy thời gian dành cho việc đóng trại đã hết, ban trưởng trại kéo nhau về lều trung ương. Tâm thổi còi tập hợp.
Tiếng còi vừa dứt thì từ các bụi rậm, những thân người lao ra vun vút, ngoạn mục, không kém gì một cuộc tấn công của mọi da đỏ. Những lá cờ dẫn đầu được đưa cao, bay phất phơ kiêu dũng, theo sau là một “đoàn quân” la hét dậy trời. Hàng xếp thằng tắp, khẩu hiệu của mỗi đội được hô thật lớn và thật hùng, đội nào cũng mong mình được nhất về điểm tập họp. Hoàn toàn đắc ý về đội mình, Hoài đưa mắt nhìn các đội khác. Tương đối đội nào cũng nhanh nhẹn và kỷ luật cả, chứng tỏ tinh thần ai cũng cao vòi vọi như ngọn cây. Hoài không ngờ bọn Hoài giỏi thế. Tài “nói khích” và dỗ ngon dỗ ngọt của bọn Hoài đã khiến một lớp ô hợp tập hợp giỏi không kém một đoàn hướng đạo sinh hoạt động lâu ngày. Hoài thấy sung sướng đến nóng bừng cả hai má tuy đội Hoài đứng trong bóng râm.
Đứng cuối cùng trong hàng, vì cao nhất, Oanh không dám quay nghiêng quay ngửa sợ đội mình mất điểm, kỷ luật và sự thi đua có một sức mạnh kỳ lạ làm ai nấy đều phải hết sức cố gắng. Tuy nhiên, anh chàng cố gắng đưa mắt liếc xung quanh. May là Oanh đứng cuối nên quan sát được hầu hết “cục diện”! Đội nào đội đó hàng ngũ chỉnh tề, trông oai phong ra phết. Những ông xóm nhà lá mặt mũi cau lại, đăm chiêu, chứng tỏ một sự hết sức cố gắng. Các cô nữ sinh lúc đầu tuy có hơi chậm chạp, dù sao nữ sinh họ cũng phải thướt tha yểu điệu hơn tí chút, nhưng bây giờ hàng ngũ cũng rất ngay ngắn. Đội này trông có nhiều màu sắc nhất với những quần áo đủ màu đủ kiểu. Oanh thầm phục nhóm Thân Ái hết cỡ, vì Oanh biết buổi trại hôm nay thành hình, sinh hoạt của trại tốt đẹp ngay từ phút đầu như thế này là nhờ nhóm Thân Ái đã khéo “gài” người vào tất cả các đội. Oanh đã để ý quan sát họ, xem họ làm ăn ra sao. Có những người đứng làm đội trưởng như Hoài, như Linh, như Tứ. Cũng có người đóng vai một đội viên như những bạn khác như Bích, như Lộc, như Đỉnh, nhưng họ không phải là một đội viên “khơi khơi” vô trách nhiệm. Họ ráo riết làm việc, nhận làm những công tác khó khăn nhất, nặng nề nhất, dễ ngại ngùng nhất. Xách nước ở tít xa về cũng họ, đào hố vệ sinh cũng họ. Họ còn khéo khích động anh em trong khi làm việc: nói đùa với anh này một câu, khích anh khác một cách nhẹ nhàng, bắt lên một bài hát... Họ làm hết cách để gây một bầu không khí sống động cho đội. Ai nấy cũng thích làm việc, và tự nguyện làm việc với mục đích đem điểm tốt về cho đội.
Oanh “nhìn” rõ Hoài nhất, vì Oanh ở trong đội của Hoài. Một mình Hoài xoay sở mọi chuyện cho đội vì chưa ai quen với đời sống trại. Oanh biết Hoài rất mệt, nhưng trông mắt anh ta lúc nào cũng vui tươi đầy phấn khởi. Hoài có cách trao công việc rất khéo, với những “người ngoan ngoãn đã quen” Hoài dùng kiểu nói khác, với những chàng “ba gai” Hoài lại có lối nói khác. Hoài xoay đủ kiểu đủ cách thành thử chỉ có mấy giờ từ lúc khởi hành đến lúc này đội đã khác hẳn. Oanh mến Hoài vì sự làm việc tận tâm ấy nên đã tình nguyện xách nước và làm những công việc nặng nhọc nhất. Gọi là “tình nguyện” cho oai chứ việc xách nước có là gì đối với Oanh. Ở nhà, nhiều khi Oanh còn bổ giúp cho mẹ cả tạ củi cũng chẳng thấm thía vào đâu nữa là. Hơn nữa, Oanh luôn luôn hoạt động để tạo sự dẻo dai cho thân thể, rất cần cho việc theo đuổi võ thuật của Oanh. Hình như Hoài cũng đặc biệt lưu tâm đến Oanh, Oanh thấy Hoài mỉm cười với mình luôn. Oanh cũng vui vẻ nhe răng đáp lễ. Oanh thấy mến Hoài, mến luôn cả nhóm “Thân Ái”.
Tư tưởng của Oanh bị cắt đứt. Trại trưởng sau khi quan sát kỹ càng và hí hoáy ghi chép những gì vào sổ tay, bắt đầu lên tiếng:
- Thành thực khen ngợi tất cả các bạn đã tập hợp rất nhanh chóng. Bây giờ xin các bạn nghe kỷ luật trại.
Tâm đưa ra một luật trại gồm năm điểm. Các đội trưởng đều ghi chép vào sổ tay. Xong xuôi Tâm tiếp:
- Xin mỗi đội đề cử cho ba người ở nhà thổi cơm nấu nước, còn lại sửa soạn thăm rừng dưới sự hướng dẫn của thầy cố vấn và ban trại trưởng.
Nghe xong tất cả đều reo hò vui vẻ. Tâm thổi còi giải tán, các đội lần lượt về lều.
Cho đội tập hợp ngồi thành vòng tròn, châu đầu vào nhau, Hoài hỏi:
- Anh nào chịu khó tình nguyện ở nhà làm cơm bây giờ?
Mọi người nhìn nhau, Oanh hỏi:
- Ban trại trưởng phát cho chúng mình những gì?
- Gạo, muối, nước mắm, các đồ gia vị, rau cải, trứng, thịt, khoai tây.
- Thịt nhiều không?
- Khá nhiều nhưng toàn thịt heo.
Oanh giơ tay:
- Được rồi, tôi nhận ở nhà làm cơm, những món đó tôi có thể làm được.
Cả bọn vỗ tay hoan hô Oanh. Một người hỏi:
- Bồ tính điều chế những món gì?
Oanh chậm rãi:
- Thế này: Nếu có thịt bò thì mình đã có món thịt bò xào khoai tây. Đằng này không có, xào thịt heo không đúng kiểu. Thành thử mình định làm như sau:
Oanh hắng giọng:
- Thứ nhất là nồi cơm, điều dĩ nhiên.
- Thứ hai, món canh rau cải thịt heo.
- Thứ ba, món trứng tráng đúc thịt.
- Thứ tư, khoai tây rán ròn có bỏ muối.
Các bồ chịu không? Cứ yên chí, món khoai rán cam đoan tôi làm “ba chê”.
Cả đội vỗ tay hoan hô:
- Chịu liền! Chịu liền!
Oanh hỏi:
- Nhưng còn ai ở lại giúp tui nữa chứ!
Hai cánh tay giơ lên ngay. Thế là xong, ban đầu bếp đã có đủ ba người theo luật định. Cả đội lại vỗ tay hoan hô lần nữa. Hoài cài lên túi áo Oanh và hai bạn kia mỗi người một bông hoa sim dại hái được lúc nãy tượng trưng cho lòng cảm ơn của các bạn.
Tiếng còi nổi lên giục giã. Cả đội đứng phắt dậy. Hoài rút nhanh cây cờ chạy nhanh ra trước, các bạn khác nối gót theo sau. Lại xếp hàng, lại hô khẩu hiệu rầm rầm cả một góc rừng. Ba hỏa đầu quân nhìn theo bóng dáng các bạn đang vui tươi hớn hở.
Chợt Oanh nhắc:
- Thôi, mình bắt đầu chứ, việc đầu tiên là vo gạo thổi cơm. Trương lấy cái nồi giùm tôi đi. Còn Chi đi vào lều với tôi xem thực phẩm ra sao.
Tiếng hát của các bạn tuy xa dần nhưng Oanh vẫn còn nghe văng vẳng:
- Đèo cao... dô ta
Thì mặc đèo cao... dô ta
Nhưng lòng yêu nước...
Còn cao hơn đèo... dô tà... dô tà... là hò dô ta, dô ta.
Rồi một giọng ông ổng cất lên:
- Cà rem... dô ta
Thì mặc cà rem... dô ta
Nhưng tiền không có...
Lại ham ăn nhiều... dô tà... dô tà... là hò dô ta, dô ta.
Oanh chép miệng:
- Lại ông Đỉnh chứ không ai nữa.
Oanh chưa thân với Đỉnh, nhưng thích Đỉnh lắm, vì thấy anh chàng có nhiều nét giống mình. Oanh phục Đỉnh một cái là Đỉnh rất dễ làm quen, gặp ai anh chàng cũng có thể nói chuyện được, mà chuyện lại rất vui.
Bóng các bạn hoàn toàn khuất hẳn thì gạo cũng vừa vo xong và củi trong bếp bắt đầu đượm thật hồng, thật đẹp.

 

Nhanh nhẹn nhảy qua những mô đất thấp, Linh vui vẻ quay sang hỏi các bạn:
- Đẹp không Thu? Đẹp không Tâm?
Hai má Tâm hồng lên vì nắng sớm, cô bé đáp trong hơi thở:
- Đẹp chứ! Chưa bao giờ Tâm thấy yêu thiên nhiên như hôm nay.
Thu chen vào:
- Mấy lần đi chơi với ba me qua đây, nhiều khi xe hơi đậu sát vào lối này mà Thu không biết để vào chơi cho vui. Lần đầu tiên Thu đặt chân vào khu này đấy.
Tâm ngắt lời:
- Nhưng mà giá lúc trước Tâm có biết, có vào đây thì cũng chả vui đâu. Tụi mình phải đi đông thế này mới thích!
Nghe hai bạn đối đáp, Linh thích quá! Các bạn bắt đầu yêu đời sống tập thể rồi đây. Linh chỉ ước mong như thế. Linh ước rằng một ngày nào đó, các bạn cùng lớp sẽ coi nhau như anh chị em, thích ở gần nhau, mong được giúp đỡ nhau. Linh tự biết khuyết điểm của bọn con gái, hay để ý xét nét nhau lắm, chú ý đến từng cái lỗi nhỏ nhặt của nhau. Linh thấy cái khuyết điểm ấy chỉ có thể chữa được khi người ta sống với nhau trong một tập thể, đối xử với nhau một cách thành thực, không e dè, không giữ kẽ, trước khi nói một câu không phải uốn lưỡi đến bảy lần. Bởi vậy khi thấy các bạn nhận biết được đời sống tập thể đem đến niềm vui, Linh đã thấy mừng.
Một con chim non bay vụt qua đầu ba người, kêu lên mấy tiếng ríu rít thanh tao. Tâm vui vẻ nói:
- Hình như hôm nay “ai” cũng vui hết, kể cả mấy chú chim kia.
Linh cười:
- Không ngờ hôm nay Tâm thi sĩ gớm.
Thu buột miệng:
- Người vui cảnh có buồn đâu bao giờ.
- Như vậy, Thu là một tâm lý gia!
Ba cô cất tiếng cười khanh khách. Chợt Thu nói:
- Bích đâu rồi? Linh nhỉ?
- Trời ơi, bà ấy thì nhảy như nai vậy. Chắc ở đằng trước chứ gì - Linh đáp.
Tâm cố nhón gót thật cao nhìn qua mấy bụi cây thấp. Chẳng thấy cô nào cả, toàn là đầu con trai lố nhố, Linh lẩm bẩm:
- Quái! Bà nhóc ấy biến đâu mất rồi.
Thu quay lại phía sau “kiểm diện” đội mình rồi bảo Linh:
- Còn thiếu nhiều lắm: Hoa này, Hoàng này, Hồng này...
Rồi hỏi:
- Ở đây có... có cọp không Linh nhỉ?
Linh cười:
- Làm gì có!
- Thế mấy bà kia đâu?
- Chắc là chạy trước chạy sau đâu đó chứ gì.
Cả ba đang dáo dác tìm thì từ trong một bụi cây bên đường vọng ra những tiếng thét thật lớn, rồi Bích và ba bốn cô khác xông ra làm cả bọn giựt mình. Bích đứng đầu, tay cầm một cành cây lớn, hét:
- Bọn kia, sao dám xâm phạm vào giang sơn ta, mau mau nộp tiền mãi lộ cho bản cô nương!
Thật quá lắm! Bích nghịch như con trai vậy. Linh phì cười giả bộ khúm núm:
- Thưa cô nương, bọn cháu không mang sẵn tiền... cắc, cô nương có thể xài đỡ ô mai không ạ?
Bích ngần ngừ:
- Ô mai gì? Mơ hay cam thảo?
- Dạ, cả hai thứ ạ.
- Tốt! Thế thì cho bọn ngươi qua, còn ô mai thì để lại.
Bích quát câu này, bắt chước kiểu mấy ông lính ngày xưa quát ông bợm rượu:
- Cho ngươi đi, còn chai rượu đứng lại.
Quát xong, Bích phì cười. Thế là vai “bản cô nương” chấm dứt. Bích hỏi:
- Linh có ô mai thực à?
Thu bây giờ mới lên tiếng:
- Làm người ta kiếm muốn chết đây, lại còn đòi ô mai nữa.
Bích và các lâu la cười ồ. Linh vui vẻ mang ô mai ra chia. Chợt một người kêu to:
- Chết! Người ta đi xa quá rồi kìa! Thầy Đạt cũng ở tuốt phía trên. Đuổi theo lẹ lên không có lạc bi giờ.
Các cô phóng theo, nhanh như thỏ, và cũng như mọi khi, Bích dẫn đầu.

 

Buổi họp của nhóm “THÂN ÁI” hôm nay được mở rộng. Không những chỉ thêm Oanh, mà tất cả những “thân hữu” của Oanh đều đến dự: một “bầu đoàn thê tử” gồm có Oanh, Việt, Nga, Thủy, Vân ngồi xen kẽ với những “sáng lập viên” của nhóm. Thành thử buổi họp hôm nay có một không khí khác lạ hơn mọi khi.
Oanh ngồi cạnh Hoài, hai người có vẻ hợp nhau lắm tuy mỗi người một tính một nết. Sau ngày trại, Oanh “mê tít” nhóm Thân Ái, không ngờ lại có những người vui tươi, hoạt động và thiện chí đến thế. Oanh nghĩ mình cũng không thể thua kém họ. Nghĩ đến những người thân quen của mình, Oanh có ý định rủ tất cả cùng gia nhập nhóm Thân Ái với mình, vì Oanh phải thành thực công nhận họ có tổ chức và một đường lối làm việc rõ rệt. Câu chuyện mở đầu vẫn là dư âm của ngày trại đầy vui tươi hứng thú.
Hoài bảo:
- Bữa cơm trưa hôm ấy, rõ ràng tôi ngửi thấy mùi khen khét từ phía trại các cô bay ra. Vậy mà sao khi ban trại trưởng đi kiểm soát, các cô không bị trừ điểm nhỉ?
Linh tỏ vẻ khôn ngoan:
- Trừ điểm sao được khi ban trại trưởng được nếm những hạt cơm thơm ngon, vừa chín tới. Thật ra thì quả thực Trang có sơ ý để quá lửa thật, nhưng chợt nhớ đọc trong cuốn báo nào đó, bảo muốn chữa cơm khê thì bỏ vào nồi cơm một hòn than, Trang thực hành thử, không ngờ kết quả thật mỹ mãn một cách không ngờ.
- À, ra thế.
- Buổi họp mặt cuối ngày trại vui quá mấy bồ nhỉ. Bản vũ cộng đồng “Yêu mến mẹ cha” làm mình cười đến đứt ruột. Nhìn dáng thầy Đạt cao lêu nghêu cũng bắt chước uốn éo không ai nhịn cười được.
- Trò chơi “Tranh ghế” mới hào hứng chứ! Tuệ nhà ta bị một cái ngã như trời giáng, thế mà cuối cùng cũng thắng cuộc. Cu cậu nhanh nhẹn thật.
Ai cũng thích nói, tranh nhau kiểm điểm lại những sinh hoạt của ngày trại. Nhưng chợt Hoài để ý: những bạn thuộc lớp khác đang ngồi có vẻ ngơ ngác và lạc lõng. Vội vàng, Hoài chuyển hướng câu chuyện:
- Các cô Thủy, Nga, Vân có vẻ lạ phải không? Bọn này đang kiểm điểm công việc đấy... A, có lẽ Oanh cần giới thiệu cho các bạn mới với nhóm chứ.
Oanh vắn tắt (tính Oanh vốn không dài dòng):
- Tôi với Việt cũng là những người mới nhưng vì cùng lớp nên các bạn biết rồi. Còn ba vị con gái này (Oanh chỉ từng người): Nga, em tôi, lớp đệ tứ 3, Vân, bạn cùng lớp của Nga và Thủy, chị của Vân, học đệ tam C. Bọn tôi tình nguyện đầu quân vào nhóm “Thân Ái” vì khoái cách làm việc và tinh thần của các bạn.
Cả bọn vỗ tay chào đón những người bạn mới. Trong nhóm, chỉ có mình Hoài biết được sự liên hệ giữa Oanh và Thủy ra sao, vì đã được Oanh “tỉ tê” kể cho nghe hết. Hoài chưa muốn cho các bạn cùng nhóm biết, vì tính Oanh coi vậy mà lại hay xấu hổ. Hoài nghĩ cứ giữ kín, đến khi thân nhau, tự nhiên các bạn khác đều biết, không cần mình phải kể.
Lộc khơi ngòi:
- Như thế nhóm chúng ta, với những người bạn mới, đã mở rộng, không phải còn là một nhóm riêng rẽ của một lớp nữa...
Tứ chen vào:
- Như vậy, hoạt động của nhóm chắc rồi cũng phải mở rộng theo.
Nhưng Linh có vẻ ngần ngừ. Cô lo sợ với một nhóm nhỏ bé như hiện tại, không biết có thích hợp với những hoạt động mở rộng không. Cô trình bày điều băn khoăn ấy với các bạn. Hoài gật đầu xác nhận:
- Điều Linh lo ngại quả nhiên đáng đặt thành vấn đề. Mình đề nghị trong giai đoạn sắp tới, chúng ta cố gắng tạo những nhóm nhỏ trong mỗi lớp và âm thầm phục vụ cho lớp. Sau đó, khi “lực lượng” đã mạnh, mình mới tính những công việc to lớn hơn, thí dụ như làm một cái gì chung cho cả trường. Các bạn nghĩ sao?
Ý kiến của Hoài được tán đồng. Đỉnh quay sang phía những người bạn mới:
- Như vậy, trong giai đoạn này, công việc của Thủy, Vân và Nga khá nặng đấy nhé; phải làm sao kết nạp thêm vài người bạn trong lớp có cùng chí hướng. Liệu các cô có làm được không?
Bấy giờ Nga mới nhỏ nhẹ:
- Nga nghĩ là làm được. Nga với Vân là hai đứa rồi, làm việc có đôi như vậy dễ thấy hứng thú. Nga chỉ lo cho chị Thủy thôi... đúng là anh hùng đơn thương độc mã!
Cả bọn cười xòa. Thủy cũng cười nhưng lên tiếng ngay:
- Đơn thương độc mã thật đấy, nhưng Thủy không sợ. Thủy có thể hứa chắc: trong vòng một tuần, Thủy sẽ có thêm hai người bạn mới. Ba người đã đủ là một nhóm hoạt động cho lớp chưa?
Đỉnh “phán” một câu chữ Nho:
- Được lắm chứ! Quý hồ tinh bất quý hồ đa mà.
Đang hỉ hả thì Oanh đưa ra một ý kiến thật bất ngờ:
- Tôi nghĩ song song với việc lập các nhóm hoạt động tại mỗi lớp, mình vẫn có thể làm một cái gì khác để phục vụ chung cho các học sinh toàn trường.
Nói đến đây Oanh ngừng lại. Mọi người đều đưa mắt nhìn Oanh như dò hỏi. Lát sau Oanh tiếp:
- Sao ta không nghĩ đến việc làm một tờ nội san nho nhỏ cho trường nhỉ?
Hoài gãi cằm:
- Ý kiến hay lắm, nhưng thật khó thực hiện, vì mình thiếu phương tiện, lại cũng không có ai chuyên môn về ngành đó.
- Chỉ là một tờ báo nhỏ vài trang ronéo thôi...
- Biết vậy, nhưng tìm đâu ra stencil, rồi giấy mực, người đánh máy, người vẽ, người quay...
Oanh cười khì:
- Biết thế nào các bạn cũng hỏi tôi câu ấy. Đủ cả chứ! Thật ra trước khi đưa đề nghị này, tôi đã liên lạc trước. Nhà trường sẵn sàng yểm trợ phương tiện, chúng ta lại có thể dùng máy đánh chữ và máy quay của nhà trường. Còn người chuyên môn hả? Giới thiệu với các bạn: Thủy đã tốt nghiệp khoa đánh máy với hạng Bình, Việt là một tay vẽ và trình bày trên stencil vào loại siêu, còn quay ronéo thì... tui, cam đoan không thua gì ở tiệm. Các bạn khác lo viết bài và cổ động cho các bạn khác cùng viết... Thế đã được chưa?
Ánh mắt người nào cũng sáng lên, thật là một niềm vui bất ngờ không ai định trước.
Đỉnh hỏi:
- Sao bồ không nói trước?
- Ấy, để tạo sự ngạc nhiên chứ!
Hoài tỏ vẻ cảm động thật sự:
- Cảm ơn Oanh đã đem đến cho nhóm một món quà thật bất ngờ. Bọn này vui không để đâu cho hết. Vậy, bắt đầu từ hôm nay, chúng ta xúc tiến công việc ngay...
Niềm vui tràn ngập, mọi người đọc thấy trong mắt nhau trọn vẹn những gì say sưa của những tâm hồn tràn đầy lý tưởng phục vụ, và trong tình thân ái, họ thấy mình có thể làm được rất nhiều việc hữu ích.