Chương 13

     ng Phác nhờ bác Vinh đánh tiếng một lần nữa, nhưng lần này dì Hạnh cương quyết chối từ. Ông Long thì chưa dám cầu hôn trực tiếp, ông định nhờ một người lớn tuổi, có uy tín đến thưa chuyện với ông ngoại để ngoại khỏi bắt lỗi. Trong thời gian này, ông thường lui tới thăm dì Hạnh luôn. Dạo này, dì Hạnh đã thông cảm với ông Long hoàn toàn, dì sẵn sàng đóng vai chính trong cuốn phim “Mối tình đẹp nhất của ông đạo diễn” thay vì “Ông đạo diễn thất tình” như lời mời đầu tiên của ông Long. Dì chỉ còn một mối lo canh cánh bên lòng nữa là, nếu ông ngoại không chịu bán miếng đất bên cồn Hến thì làm sao dì an tâm đi lấy chồng được. Thương dì Hạnh quá, Phượng đem chuyện này nói với Minh, Minh trợn mắt:
- Không ngờ trông Phượng lanh vậy mà lại chậm hơn rùa.
- Ê, cấm xài xể người ta chứ.
- Chứ còn gì nữa, phương án của Minh đề ra sao Phượng chưa thực hiện cho rồi.
Phượng cứng họng:
- Ơ... Phượng chưa có cơ hội.
- Phượng phải tạo cơ hội chứ. Dì Hạnh và chú Long đâu còn trẻ nữa, vả lại ông ngoại Phượng dạo này hơi dễ tính, thấy chú Long đến, tuy ông không vui vẻ gì nhưng cũng không tỏ ra phản đối, đó là tín hiệu tốt, Phượng còn chờ đến bao giờ nữa.
Cái anh chàng này, bữa nay không biết ai lột lưỡi mà nói nhiều thế. Thật bực.
- Phượng à. Phượng nên...
Phượng nạt lớn làm anh chàng giật mình:
- Minh im đi, Phượng chả cần ai dạy khôn hết.
Minh tròn mắt:
- Kìa Phượng, Phượng quên nhiệm vụ của Phượng rồi sao?
Phượng nói bướng:
- Quên với chả nhớ, Phượng không biết.
Phượng quay ngoắt vào trong mặc cho Minh đứng ngẩn ngơ. Đến trưa, dì Hạnh làm bánh ướt thịt nướng đãi ông Long ngon quá, Phượng ăn một lúc 15 cuốn, no nê rồi, Phượng bỗng nhớ tới nhiệm vụ của mình. Nàng liếc nhìn ông ngoại, ông đang múc nước tương vào chén, mùi gan và đậu phụng bốc lên thơm lừng, Phượng bắt đầu nịnh:
- Ông ngoại ơi, ông ăn ngon miệng không hở ông?
Bà ngoại liếc yêu cháu:
- Chà, làm như nó nấu món ni chắc?
Dì Hạnh cười:
- Có mạ nờ, Phượng có rửa rau sống dùm con.
Minh nheo mắt, gật gù:
- Thảo nào bánh ngon thật, ăn mãi quên thôi.
Biết Minh chọc quê, Phượng làm mặt tỉnh queo:
- Cám ơn lời khen của Minh, Phượng thấy hình như Minh ăn hơi nhiều đấy, tranh hết phần của chú Long.
Chú Long dàn hòa:
- Hai đứa này thật, như chó với mèo, thân nhau đó rồi cãi nhau đó, thôi cho chú xử huề nha.
Bà ngoại đẩy mấy dĩa bánh ra:
- Còn thiếu chi đây nì, thiệt lớn đầu mà như con nít.
Ông ngoại đứng dậy, vươn vai:
- Buồn ngủ quá, xin lỗi hết nghe, tôi đi nằm trước.
Đợi ông ngủ dậy, Phượng thực hiện ngay ý định của mình.
- Ngoại ơi, chiều nay trời đẹp quá, ngoại đi chùa Thiên Mụ ngắm cảnh với cháu đi.
Ông ngoại đang vấn điếu thuốc, ngước lên:
- Ôi chao, ngoại già rồi, non nớt chi mà đi ngắm cảnh. Cháu rủ người khác đi đi, đi với ngoại chán lắm, ngoại hay lẩm cẩm, cứ kể hai ba lần một chuyện cũ.
Phượng nũng nịu:
- Nhưng cháu thích đi dạo với ông ngoại cơ. Hai tháng rồi, cháu chưa được ngoại dẫn đi chơi.
Ông ngoại đốt điếu thuốc, rít một hơi dài, mắt ngắm Phượng ấu yếm:
- Ừ, thì đi. Con ni lớn rồi mà còn làm nớt quá tay.
Phượng cười dòn thích thú, nàng chạy lên gác:
- Ngoại, chờ cháu thay quần áo chút nha.
Hai ông cháu xuống xe Văn Thánh, tạt vào hàng bánh bèo dưới gốc chùa Thiên Mụ, Phượng nhìn bà hàng chế nước mắm vào chiếc tô giữa bàn một cách chăm chú.
Ông ngoại hỏi:
- Cháu ăn bánh bèo Huế lần mô chưa?
Mắt Phượng vẫn không rời những khoanh ớt tròn đỏ thắm dính những hột trắng nhỏ nổi lềnh bềnh giữa tô:
- Dạ rồi ngoại. Cách đây nửa tháng, cháu có đi ăn với dì Hạnh ở Ngự Bình.
Ngoại ngạc nhiên:
- Ngoại thấy cháu có vẻ lạ lùng lắm.
Phượng cười xòa, nàng nhìn ngoại:
- Ngoại biết sao không? Tại vì... cháu đang chảy nước miếng vì... thèm đây nè.
Phượng cắm cúi ăn một cách thích thú cả chục cái bánh đúc trong những chiếc dĩa sành nhỏ, khi nàng ngẩng đầu lên, ngoại vẫn chưa ăn miếng nào. Ông đang thẫn thờ nhìn mông lung ra ngoài kia. Nắng chiều đã nhạt, gió hiu hiu lùa vào quán, phất phơ chòm râu trắng bạc của ngoại. Ông nói với Phượng như đang nói cho chính ông:
Mới có mấy năm mà cảnh vật ở đây đã đổi thay thật nhiều. Ngoại còn nhớ dạo trước, ngoại thường thả bộ gần sông một mình hoặc với mấy người bạn để ngắm cảnh hay bàn chuyện thời sự chơi, đường sá mô có lóc chóc như chừ.
Phưọng ngồi yên lặng bên ngoại, nghe những lời nuối tiếc của ngoại mà không nói được nên câu. Cuộc đời của nàng vô tư quá, chưa bao giờ nàng để ý đến một suy tàn nào. Sự suy tàn của một phong cảnh, một thành phố cũng không gợi lên được trong lòng một nỗi buồn nào đáng kể. Ngay từ lúc đầu tiên nàng đặt chân vào Đại Nội, triều đại nguy nga ngày tháng trước, giờ ẩm mốc rêu phong, dì Hạnh đã chỉ những vết loang lổ trên tường mà nói với Phượng: “Chiến tranh làm nơi đây tan nát hết, sự trùng tu vẫn không làm sao tạo lại được nét cổ tích ngàn xưa”. Phượng thấy dì Hạnh rưng rưng nước mắt. Nàng chỉ buồn theo dì Hạnh trong giây phút đó mà thôi, nàng quên rất nhanh. Có buồn chăng là nàng chỉ biết buồn riêng tư, buồn vì chút tự ái chưa thỏa mãn, buồn vì sự thờ ơ lãnh đạm của Hoàng.
- Phượng, cháu có khi mô nghe nói đến Phú Xuân và Kim Long chưa?
- Dạ cháu có biết qua trong Sử. Đó là hai thôn nhỏ, nơi cư trú của nhà Nguyễn.
Phượng lấy làm hổ thẹn vì sự hiểu biết của nàng quá nông cạn. Nghe ngoại kể lại lịch sử, nếp sống và phong tục của hai thôn nói trên, Phượng cũng đủ tưởng tượng những tháng ngày ngoại sinh sống ở hai ngôi làng nhỏ bé này. Ngoại quen thuộc từng bờ cây bụi cỏ, từng con đường ngoằn nghèo lợp bóng tre xanh. Phương nghe ngoại kể đến say mê, nàng cảm thấy thương ngoại hơn bao giờ hết và nghĩ đến dự định thuyết phục ngoại của mình. Làm thế nào để thay đổi một thành kiến sắt đá mà ngoại đã bo bo giữ kỹ trong suốt mấy chục năm nay. Phượng biết trước rằng, sau cuộc đi dạo này, Phượng sẽ trở thành kẻ đối lập cuối cùng của ngoại hoặc vĩnh viễn là kẻ đắc thắng độc nhất.
Rời khỏi quán hàng, Phượng và ngoại đi dọc theo bờ sông Hương về chùa Thiên Mụ. Nước sông Hương vẫn lặng lờ trôi. Bên kia sông cây cối xanh um. Phượng nhìn thấy một khoảng trời thật rộng, thật bao la bàng bạc những sợi mây trắng đẹp vô ngần. Nàng hỏi:
- Bên kia là thôn nào vậy ngoại?
- Đó là Long Thọ, cháu. Cuộc sống bên ấy cũng êm đềm và bình yên lắm.
Hai ông cháu dã đến những bậc thang dẫn lên chùa Thiên Mụ. Phượng nhìn lên, ngọn tháp cao vút đưa hồn nàng bay cao. Phượng bước lên từng cấp nhẹ nhàng bằng đôi chân mọc cánh, tâm tư nàng bỗng nhiên thanh thoát lạ thường. Cảnh vật yên tĩnh hiền hòa, bên tai nàng chỉ còn nghe tiếng gió êm lùa qua kẽ lá, ve vuốt những chùm hoa ngũ sắc đong đưa. Phượng chỉ còn nghe thấy riêng mình trong một cõi, giữa trời nước mênh mông. Trong phút giây, Phượng có cảm tưởng linh hồn nàng đang lâng lâng thoát tục. Hoàng hôn đã dần dần nhuộm thẫm không gian vắng lặng. Tiếng ngoại vang lên:
- Tối rồi, về thôi cháu.
Phượng giật mình, nàng nhìn ngoại:
- Khoan đã ngoại, cháu muốn ở đây đến tối để nhìn trăng lên trên sông.
- Cháu thích cảnh chùa Thiên Mụ lắm hả?
Phượng mơ màng:
-Thiên nhiên đẹp vô cùng. Phải nói là cháu đang mê mới đúng. Cảnh đẹp không thể diễn tả bằng lời. Phải không ngoại?
Ngoại thực tế hơn, ông nắm tay Phượng:
- Ừ, ngoại cũng nghĩ như rứa, nhưng phải về kẻo ở nhà đợi cơm mình cháu à.
Phượng chần chừ hoài không được, đành phụng phịu bước theo chân ngoại.

*

Phượng thức dậy thật sớm, nàng súc miệng, rửa mặt thật nhanh rồi ra vườn tìm ngoại. Suốt đêm qua Phượng không sao chợp mắt được, những lời chuẩn bị nói với ngoại cứ luẩn quẩn hoài trong đầu óc làm Phượng thao thức mãi cho đến khi gà gáy sáng.
Phượng biết đây là một việc làm táo bạo nhất trong đời mà hậu quả xảy đến như thế nào Phượng không sao lường trước được. Ban mai trong vắt, đàn chim sẻ nhảy nhót trên cành nhãn, kêu nhau ríu rít. Tia nắng đầu tiên lọt qua kẽ lá, vẽ những đường nét lung linh trên sân sỏi trắng ngần. Ngoại đang đứng cắt những ngọn lá sâu bên những chậu kiểng đặt trước bể cạn, Phượng ngần ngại bước đến bên ngoại, vờ nhìn vào bể xem đàn cá thia tàu. Ngoại xây lại:
- Phượng đó à, sáng ni dậy sớm rứa cháu?
Phượng dạ nhỏ rồi không nói gì thêm, trống ngực nàng đánh thình thình như có ai cầm tim lắc mạnh. Thu hết can đảm, nàng thốt lên:
- Thưa ngoại!
Nghe giọng nàng run run, ngoại nhíu mày:
- Có chuyện chi mà cháu có vẻ hồi hộp rứa?
- Dạ cháu có chuyện quan trọng muốn nói với ngoại.
Nhìn nét mặt nghiêm trang của Phượng, ông ngoại ngừng cắt lá. Ông xếp chiếc kéo nhỏ bỏ vào túi rồi kéo Phượng đến chiếc ghế đặt trước hàng ba.
- Có chuyện chi cứ nói cho ngoại nghe đi.
Phượng ngập ngừng:
- Thưa ngoại, mấy ngày ni dì Hạnh của cháu không được khỏe, dì đang buồn nản chuyện tương lai của dì.
- Cái chi? Cháu nói rõ ra đi.
- Thưa ngoại, dì Hạnh đã tìm thấy tình yêu và muốn đi đến hôn nhân với người đó, nhưng dì đang ngại, nếu dì ra đi, hai ngoại sẽ nương dựa vào đâu, cháu muốn nói đến vấn đề vật chất thường ngày.
Ngoại nói mát:
- Nó muốn làm chi thì làm, ngoại đâu có ngăn, đói no mặc kệ ngoại, ngoại không cần mô.
- Ngoại đừng nói vậy mà tội dì. Cháu xin lỗi ngoại trước, đáng lẽ ra cháu không nên xen vào chuyện người lớn. Nhưng từ ngày dì Hạnh quen ông Long, rồi hai người yêu nhau, cháu sung sướng nhận thấy dì Hạnh đã tìm được niềm vui trong đời. Ông Long muốn đi đến hôn nhân...
Ông ngoại ngắt lời:
- Cháu còn dám nhắc với ông chuyện đó à. Ông Long nớ có vợ rồi, mang tiếng mang tăm lắm cháu ơi.
- Đâu có ông, ông Long đã ly dị bà vợ đó từ lâu, tại bà muốn phá ông Long đó thôi.
Ông ngoại cười khẩy:
- Đó là luận điệu của ông Long.
- Thưa ngoại, cháu đã đến hai mươi tuổi, cháu trưởng thành rồi, cháu có nhận xét của cháu chớ.
Ngoại lạnh lùng:
- Ngoại hiểu ý cháu rồi. Có phải cháu đang đóng vai trò làm mối cho ông Long không?
Phượng cứng cỏi:
- Thưa ngoại, vai trò đó dễ dàng cho những người lớn tuổi, có uy tín. Còn cháu, cháu muốn nói cho ông nghe tâm sự của dì Hạnh mà thôi. Cháu xin lập lại, ông Long muốn đi đến hôn nhân với dì nhưng dì còn lưỡng lự, dì sợ khi dì theo chồng, hai ngoại sẽ thiếu thốn về vật chất trong tuổi già. Vấn đề sẽ giải quyết một cách dễ dàng nếu ngoại chịu bán mảnh đất bên cồn Hến. Số tiền thu được sẽ giúp cho hai ngoại dưỡng già trong an nhàn dễ chịu. Theo cháu nghĩ, dì Hạnh đã hy sinh tất cả tuổi xuân để lo cho hai ngoại, thì bây giờ ngoại nên thương dì, cho phép dì Hạnh được tự do đi đến hôn nhân với người mình yêu, mà trong lòng không còn vướng bận lo âu gì cho hai ngoại nữa.
Phượng nói một hơi dài rồi im bặt, lòng lo ngại, nàng đang đợi phản ứng của ngoại. Không khí mát mẻ nhưng Phượng vẫn cảm thấy khó thở, nàng nghe nằng nặng ở ngực. Một phút trôi qua, ngoại chậm rãi nói:
- Cháu cũng biết đó, mảnh đất tổ tiên không thể nào đem bán đi được. Hơn nữa, ngoại không tin là dì cháu đã cỡ tuổi đó còn muốn bỏ Huế mà đi. Cháu còn nhỏ, tâm hồn còn nông nổi và bồng bột, cháu không hiểu được chuyện người lớn mô. Thôi cháu vào nhà sửa soạn đi làm kẻo bác Vinh đợi chừ.
Phượng tưởng tượng là ngoại sẽ nổi trận lôi đình khi không chấp thuận đề nghị của nàng. Nhưng Phượng đã lầm, ngoại đã cao tuổi, đầy tự kiêu và kinh nghiệm, ông không bao giờ để mất bình tĩnh trước một đứa con nít. Rồi như để an ủi đứa cháu gái dễ thương, ngoại vuốt tóc Phượng:
- Dù sao cũng để ngoại suy nghĩ một thời gian ngắn. Cháu đợi ngoại và đừng lo lắng viển vông nữa.
Câu trấn an sau cùng của ngoại đã tạo trong lòng Phượng một tia hy vọng nhỏ. Ngoại đã đối xử với nàng thật khôn ngoan. Phượng nghĩ, nếu đặt mình vào vị trí ngoại, khi nghe đứa cháu nhỏ đề nghị một chuyện động trời, chắc Phượng sẽ nổi nóng và đuổi nó đi ngay. Nhưng, dù tự an ủi mình thế nào đi nữa, Phượng vẫn cảm thấy thất bại hoàn toàn.

*

Ngồi bán sách mà tâm trí Phượng để đâu đâu. Sau buổi nói chuyện với ngoại hồi sáng, Phượng đã suy nghĩ thật nhiều. Phượng thấy những tháng ngày xa gia đình đã làm cho nàng khôn lên. Từ trước đến nay, Phượng an ngủ vô tư thanh thản, ai sống chết mặc ai. Nhưng bây giờ, Phượng mới hiểu rõ thế nào là những khó khăn trong cuộc tranh sống ở đời. Ý thức đó lóe lên trong trí óc qua những lần nói chuyện với Minh, với những khách hàng hằng ngày ra vào tấp nập. Phượng không còn xem hai ngoại và dì Hạnh là những người thuộc thế hệ cũ nữa. Phượng ân hận vì hành động bồng bột của nàng đối với ông ngoại, đồng thời nàng cũng cảm thông sâu xa nỗi thất vọng trước một tương lai không lối thoát của dì Hạnh. Phượng cảm thấy, đời sống nàng bây giờ đã liên hệ mật thiết với gia đình ngoại.
Buổi chiều gặp Minh trong vườn, Phượng quên mất vụ giận hôm qua, nàng báo tin:
- Thất bại rồi, Phượng đã cố gắng hết sức nhưng đâu vẫn hoàn đó. Ông ngoại nhất định không chịu.
Minh an ủi:
- Đừng vội thất vọng sớm thế. Có thể ngoại sẽ suy nghĩ lại và thay đổi ý kiến.
Phượng ngắt một ngọn lá non vò nát trong lòng tay:
- Ngoại cũng hứa với Phượng là để ngoại suy nghĩ lại, nhưng Phượng cũng không hy vọng gì đâu.
Minh đề nghị:
- Để khỏi sốt ruột, Minh muốn mời Phượng đi ăn một cái gì đó, mình có thì giờ nói chuyện nhiều hơn.
Nhớ lại lời Minh chọc quê hôm qua, Phượng liếc:
- Thôi, Phượng không thèm đi ăn với Minh đâu.
Minh năn nỉ:
- Cho Minh xin lỗi, chà, Phượng khó ghê, mình đang đồng minh với nhau mà, sao Phượng nỡ đẩy Minh ra phe trục?
Rồi Minh đưa hai tay lên trời:
- Vì hạnh phúc của chú Long và dì Hạnh, vì miếng đất phải bán, Phượng và Minh hứa sẽ không còn giận nhau nữa.
- Ai thèm hứa.
Minh chưa tìm được câu trả đũa, Phượng đã chọc thêm:
- Có đi ăn thì Minh cũng dành hết phần Phượng nha.
Minh cười hiền lành:
- Thua Phượng một không. Chịu chưa? Chúng mình đi ăn phở nghen. Lâu quá, Minh chợt thèm hương vị phở bắc.
Vậy là tối hôm đó, Phượng và Minh báo tin không ăn cơm nhà, hai người thả bộ lên phố, đi dọc theo bờ sông.
- Minh ơi, Phượng không thích ăn phở đâu.
- Thì ăn gì cũng được, tùy Phượng.
Minh chỉ vào một quán khá lớn bên đường đèn thắp sáng choang:
- Trong này người ta bán đủ thứ, mình vào đây đi.
Những ngày kế tiếp thật buồn nản, Phượng đến tiệm sách từ sáng sớm và chiều về rất muộn. Ông ngoại càng tỏ ra ít nói. Sự im lặng đó làm bầu không khí trong nhà càng khó thở. Không ai đoán biết ông đang nghĩ gì về câu chuyện vừa qua. Phượng chỉ còn biết bàn chuyện với Minh, nhưng Minh thì bận việc luôn, suốt ngày loay hoay bên giá vẽ và chồng sách vở cao ngất. Ông Long cũng đang tất bật theo cuốn phim đầu tay của ông. Tuy vậy ông vẫn thường xuyên lại nhà thăm dì Hạnh để bàn chuyện tương lai, một tương lai không lấy gì làm lạc quan lắm khi dì Hạnh luôn lúng túng trước quyết định theo chồng hay ở lại Huế để phụng dưỡng cha mẹ... “Thật là một tuần lễ rầu rĩ”, Phượng thường nghĩ thế mỗi khi lên giường ngủ. Cũng trong thời gian này, Phượng nhận được thư ba me gọi vào đồng thời hai ngoại cũng nhận được hai trăm ngàn đồng của me nàng gửi ra mua cái quạt mới, do lời xin xỏ của Phượng. Nhân dịp này, Phượng nói với dì Hạnh:
- Dì à, nếu dì cần, cháu sẽ xin ba me cháu giúp đỡ ngoại hàng tháng cho đỡ dì.
Dì Hạnh lắc đầu:
- Ba me cháu đã lo cho dì nhiều rồi, dì không dám.
Ngừng một lát nén tiếng thở dài, dì Hạnh tiếp:
- Nếu ông ngoại biết nghĩ mà thương dì một chút thì mọi chuyện đâu có rắc rối như ri.
Phượng cảm thấy thương dì Hạnh không tả, những ngày xanh ngọc ngà của thời con gái đã trôi qua bình lặng trên mái tóc dì, trên gương mặt dì, cho làn môi phai thắm, cho đôi má thôi hồng. Những nếp nhăn đã thoáng hiện trên vầng trán trắng nuột của dì, trên những ngón tay suông đuột thẫn thờ mỗi chiều dì tựa cửa nhìn lá nhãn rơi. Phượng muốn sà vào lòng dì, ốm lấy khuôn mặt đã một thời xuân sắc ấy, để nói lên lời an ủi trìu mến nhất.
Một sáng nghỉ bán, Phượng ngủ dậy muộn, đi ngang phòng hai ngoại, có tiếng bàn luận giữa ông bà vang ra khiến Phượng tò mò dừng chân bên cửa lắng tai nghe.
Tiếng ông ngoại:
- Tôi đã suy nghĩ kỹ lắm rồi. Tôi có lỗi với con Hạnh nhiều lắm. Dù sao thì tôi và bà cũng không có quyền ngăn cản cuộc hôn nhân của nó và ông Long. Rứa thì theo ý bà, có nên theo lời cháu Phượng không?
Phượng nhắm nghiền đôi mắt, hồi hộp đến ngưng thở. Lời bà ngoại:
- Tôi và tất cả mọi người trong nhà nầy đều đồng ý với con Phượng từ lâu. Chỉ còn một mình ông, cứ bo bo giữ lấy một quan niệm cổ hũ. Tôi với ông cũng gần đất xa trời rồi, tranh giữ mà làm chi nữa. Tốt nhất là mình bán quách miếng đất nó đi, lấy tiền nuôi thân trong tuổi già, để cho con Hạnh được rảnh tâm trí đi theo chồng, tìm lấy hạnh phúc riêng tư của nó.
Giọng ông ngoại hơi xúc động:
- Thôi bà đừng trách tôi nữa. Tôi sẽ nghe lời cháu Phượng bán mảnh đất đó.
Phượng thở ra một cái thật mạnh, tay chận lên ngực đè nén sự xúc động mãnh liệt. Hai ngoại tiếp tục nói chuyện vui vẻ, đến khi hai ông bà mở tủ lấy giấy tờ văn tự đất đai ra xem, Phượng mới hoàn hồn chạy thẳng lên gác. Phượng sung sứng quá, nàng đã đắc thắng vẻ vang, sau hơn tuần lễ thấp thỏm lo âu, Phượng nghĩ, giá ông ngoại quyết định sớm hơn một chút, nàng đỡ phải đau tim hơn. Ông ngoại thật ác ghê. Phượng nhí nhảnh chạy đến trước tấm gương, soi mặt vào trong đó và mỉm cười với chính mình. Nàng nhận thấy một quầng đen viền nhẹ trên mí mắt, hậu quả những đêm dài mất ngủ vì âu lo. Chưa bao giờ Phượng cảm thấy khoan khái bằng lúc này, nàng hát lên nho nhỏ: “Trời hồng tươi, gió theo mây đến phương trời, về muôn nơi, lướt trên giòng nước trôi. Mùa hè ơi...”
Buổi trưa hôm đó, buổi trưa đáng nhớ nhất trong thời gian Phượng về đây nghỉ hè. Trời nóng như thiêu, ánh nắng chói chang tràn lấp sân lát sỏi, hơi nóng bốc lên bừng bừng lùa vào nhà mỗi khi có làn gió nhẹ thổi qua. Trong nhà ngoại, bầu không khí buồn tẻ suốt tuần, đột nhiên vui hẳn lại. Sự ngột ngạt của thời tiết không át nổi niềm vui tươi đang dâng lên rộn ràng trong tâm hồn từ già đến trẻ. Bữa cơm thanh đạm nhưng ngon miệng vô cùng. Ngoại đã nhìn Phượng đã nhìn Phượng thật lâu, đầy âu yếm rồi nói với mọi người:
- Hôm nay tôi báo tin cho cả nhà được hay, tôi đã bằng lòng bán mảnh đất bên cồn Hến. Tôi đã thấy rõ, dù sao mình nên thực tế vẫn hơn.
Lời ngoại kéo dài những âm vang thơi thới lòng người. Phượng và Minh nhìn nhau mỉm cười sung sướng. Riêng dì Hạnh, vẻ cảm động còn vương trên nét mặt, dì đứng dậy nói lí nhí đôi lời cảm ơn ngoại rồi vội vàng trở về phòng. Phượng đoán dì Hạnh sẽ khóc thật nhiều trên gối, những giọt lệ tràn đầy niềm hân hoan sẽ làm mắt dì thêm trong, tóc dì thêm mượt, bởi quyết định hợp lý của ngoại, dù sự việc xảy ra hơi chậm.
Sau bữa ăn, Minh nói với Phượng:
- Phượng thấy chưa, ông ngoại Phượng đặc biệt thật, ông quá khôn ngoan khi giải quyết một vấn đề gì, ông có cả một chương trình hành động làm sao để người khác khỏi coi thường quyết định của ông.
Phượng cười nhẹ:
- Sự thành công hôm nay đáng lẽ phải dành cho Minh phần lớn vinh dự, Phượng chỉ là người thi hành kế hoạch mà thôi.
- Cảm ơn Phượng. Dù sao Phượng vẫn là sứ giả đặc biệt. Không ai thay thế vai trò đó được.
Minh bỗng nháy mắt với Phượng, cô gái quay lại phía sập gụ. Bà ngoại đang ngồi têm trầu, bên cạnh, ông ngoại đang nhấm nháp ly rượu cẩm, và dì Hạnh với vẻ ngập ngừng đáng yêu, dì ghé ngồi cạnh bà ngoại, cúi đầu nói nhỏ:
- Thưa ba mạ, con có chuyện quan trọng muốn thưa với ba mạ.
Ông ngoại nhìn dì bằng đôi mắt bao dung:
- Con khỏi thưa, ba mạ đã biết. Ba mạ bằng lòng chấp nhận cuộc hôn nhân giữa con và ông Long.
Dì Hạnh bỡ ngỡtrước lời nói của ngoại, nhưng dì đã hiểu, ông bà đã chuẩn bị tất cả riêng cho dì. Dì cảm xúc nắm chặt lấy bàn tay gầy ốm của ngoại, và đột nhiên, dì òa khóc nức nở.
Phượng ríu rít như con sơn ca:
- Thưa ngoại, hôm nay ngoại thật hết sẩy. Cháu sẽ mở một bữa tiệc khao cả nhà ngay tối nay, do chính cháu đi chợ và làm bếp.