Chương 7

     in đồn Hạnh tằng tịu với một kịch sĩ rồi xúi giục người tình ly dị vợ được đồn đãi khắp Huế. Người ta rỉ tai nhau, bàn tán, chê khen... Đàn ông thì cười khoái chí, còn những mụ đàn bà ngồi lê đôi mách thì tỏ lộ tình cảm với người phụ nữ bị tình phụ mà họ chưa từng thấy mặt, thứ tình cảm đàn bà, giận giùm, ghét giùm và ghen giùm.
Những lời cay độc đó tất nhiên đến tai người trong cuộc một cách nhanh chóng. Dì Hạnh khóc sưng cả hai mắt, cương quyết không gặp mặt ông Long và nghỉ làm hai ngày rồi. Ông bà ngoại vừa giận vừa buồn. Tư cách của ông Long thì cả nhà đều nhìn thấy, cũng chính nhờ ông mà ông ngoại đã bớt đi sự kỳ thị rẻ rúng giới nghệ sĩ. Trong thâm tâm ông bà không ao ước gì hơn là có một người con rể như ông Long. Nhưng bề ngoài vì chưa có gì chính thức, ông bà xem như chỉ là bạn bè của con gái mình. Giờ đây những tin đồn liên tục đến tai, hàng xóm nói ra nói vào, kiếm cớ tò mò hỏi han đủ thứ. Tính nhiều chuyện của thành phố Huế, cái thành phố mà đi ra đi vô, đi mô cũng gặp bà con bạn bè quen biết này, đã từng làm khổ nhiều cặp tình nhân, giờ đây đang làm khổ gia đình Hạnh.
Trước tình cảnh đó, Phượng chỉ biết khuyên lơn dì Hạnh nên bình tĩnh để đối phó và an ủi ngoại rằng đó chỉ là tin đồn nhảm, rằng ông Long ly dị vợ là chuyện đã xảy ra mấy năm nay rồi và bây giờ mới kết thúc phần thủ tục. Ngoại chỉ lắc đầu không nói, cứ chắc lưỡi, nhai trầu với vẻ mặt buồn rười rượi.
Nhưng sang ngày thứ ba thì dì Hạnh bắt đầu đi làm trở lại. Nét mặt dì biến đổi hẳn, môi mím chặt, cằm đưa ra cương quyết đến nỗi Minh phải kêu lên
- Bộ chị Hạnh bắt đầu xung trận chắc.
Rồi anh nói nhỏ với Phượng.
- Chắc mối tình giữa ông Long và chị Hạnh tan vỡ quá. Dì Hạnh có vẻ quyết tâm một chuyện gì đó. Chuyện không vui đâu.
Phượng thầm công nhận nhận xét của Minh là đúng đắn.
Cũng đúng thôi, nhưng Phượng tin là dì Hạnh hiểu rõ cần phải có thời gian để thử thách mối tình của mình. Trắng đen sẽ rõ, rồi chẳng ai hơi đâu bàn hoài một chuyện. Dì yêu ông Long, dì sẽ chờ đợi, thế thôi. Minh nhìn Phượng. Chàng cảm thấy Phượng đang thay đổi về cách nhìn, cách suy tư. Một chút thay đổi của tuổi trẻ, tuy chưa sắc bén và chính xác nhưng đã có chiều sâu nội tâm. Thật là sau khi biết khổ, người ta già dặn hơn lên.
Ông Long đến nhà lúc dì Hạnh đi được mấy phút. Minh và Phượng vẫn còn ngồi ở phòng khách.
- Hạnh có nhà không?
- Dạ, dì Hạnh vừa đi làm xong, mà có chuyện gì vậy chú Long.
Ông Long ngồi phịch xuống ghế ôm mặt.
- Không lẽ suốt cuộc đời tôi, hạnh phúc cứ đứng bên ngoài. Nhưng tôi lo cho Hạnh. Mộng Thu đã có mặt ở Huế.
- Bà Mộng Thu, vợ anh?
Ông Long gật đầu thay câu trả lời câu hỏi của Minh.
Minh ngỡ ngàng hỏi tiếp:
- Bà ấy không chịu ly dị?
- Không, mọi việc đã xong xuôi.
Phượng thở ra nhẹ nhàng:
- Như vậy có gì đáng nói? Miệng tiếng thì dì Hạnh đã bị rồi. Dì không còn quan tâm nhiều đâu.
Ông Long lắc đầu:
- Không quan tâm. Không quan tâm mà Hạnh đã tránh tôi. Tôi biết đó là cách Hạnh tự vệ. Điều đó giống như một quyết định đễ hoãn binh, để chờ thời cơ. Nhưng chỉ cho riêng Hạnh thôi. Đúng hơn là cái dự tính của Hạnh... không... chỉ để thiên hạ thôi bớt nói tới... còn hai chúng tôi phải khổ tâm, xót xa...
- Tôi nghĩ anh Long với chị Hạnh dù sao cũng mới quen nhau rồi yêu nhau. Còn nhiều thời gian để tìm hiểu và cho dư luận hiểu. Kể ra, người ngoài đều biết hết. Họ nói, mình làm sao tránh.
Ông Long nhíu mày:
- Đây này, còn nhiều rắc rối hơn nữa, vì vậy tôi mới tìm Hạnh. Phóng viên báo tỉnh nhà đến để phỏng vấn về cuốn phim sắp quay. Họ đã tò mò hỏi qua chuyện đời tư của tôi. Mộng Thu ra đây, tất nhiên họ sẽ không bỏ lỡ cơ hội để khai thác. Có trời mới biết Mộng Thu nói gì và họ nêm thêm loại gia vị nào.
Phượng kêu lên:
- Không cho phép họ làm như vậy.
- Mình có cải chính thì báo cũng ra, cái loại tin này ăn khách mà. Thường thì tôi cũng chẳng cần, còn cám ơn nữa là khác vì có lợi cho cuốn phim sắp quay, một hình thức quảng cáo vậy thôi. Nhưng bây giờ, tôi lo cho Hạnh...
Minh và Phượng cùng ngơ ngẩn không biết phải làm gì. Tác dụng của báo chí lên dư luận Minh và Phượng đều biết rõ.
Tôi sẽ đi kiếm Mộng Thu để ngăn cô ấy phát biểu lung tung về một điều mà cô ấy đã dứt bỏ. Dứt khoát phải gặp Mộng Thu trước khi cái tên nhà báo kia tìm đến cô ta.
- Nhưng chú có biết bà Thu ở đâu không?
- Tôi sẽ quần hết mấy cái khách sạn ở thành phố này cho đến khi tìm gặp được Mộng Thu.
- Tôi sợ đã trễ lắm rồi.
- Hy vọng tên nhà báo tò mò ấy chưa tìm tới. Nó chỉ hỏi mấy câu mà tôi thấy cái óc tò mò của giới đó là vô tận.
Ông Long đứng dậy, Phượng đưa ông ra cửa. Nhưng một chiếc xích lô dừng lại trước cửa và khi thấy bóng người trên xe bước xuống, ông Long sửng sốt kêu nho nhỏ:
- Mộng Thu... Mộng Thu...
Người đàn bà bước xuống xe là Mộng Thu, vợ cũ ông Long. Đó là một người đàn bà đẹp lộng lẫy và dữ dội. Mái tóc cắt theo mốt mới nhất để lộ cái cổ cao trắng ngần. Chiếc jupe dài quá gối bằng vải hoa đủ màu, đôi giày cao gót, áo pull sát nách, bà Mộng Thu trông giống như một tài tử điện ảnh hơn là một họa sĩ.
Ông Long bước xuống thềm đón “vợ”.
- Nghe tin em ra Huế, nhưng không ngờ đó là tin thật. Mà tại sao em lại biết anh ở đây.
Bà Mộng Thu liếc nhìn Phượng rồi khua tay:
- Anh không thể mời em vào à, nếu em không lầm đây là nhà cô Hạnh, cô gái mà anh đã kể cho em nghe.
- Vâng, mời em vào. Giới thiệu với em đây là Phượng, cháu của Hạnh, đây là Minh, bà con trong nhà cả. Cô Phượng cho phép chúng tôi thăm nhà chứ.
Phượng gật đầu chào bà Thu và mời:
- Xin mời bà vào chơi.
Không đợi mời lần thứ hai, bà Thu mỉm cười bước tiếp theo chân Phượng.
- Chà, ngôi nhà này có vẻ cổ quá nhỉ?
- Phần lớn nhà ở Huế đều làm theo lối này từ trăm năm nay cha truyền con nối.
Ông Long vội vã trở lại câu hỏi của mình.
- Ai đã cho em địa chỉ ở đây?
- Đơn giản thôi. Em gặp Thùy Linh, cô ấy cho biết là anh có dặn, đoàn làm phim đến thì báo nay cho anh ở địa chỉ này. Chà... anh đặt đại bản doanh ở đây cũng nên.
Ông Long đăm chiêu nhìn ra vườn, giọng nói nhẹ nhàng hơn.
- Em ra đây có việc gì vậy?
- Em ư? Khi được tự do, em muốn đi đây đi đó một chút. Hồi xưa em cũng thường có thói quen theo anh khi anh đi trình diễn ở xa, một sớm một chiều khó mà bỏ được.
Ông Long cau mày, ánh mắt hơi bối rối vì lối nói chuyện của Mộng Thu. Ông không ngờ và không biết phải đối đáp ra làm sao. Mãi ông mới nói:
- Hãy quên chuyện cũ đi Mộng Thu. Tôi rất vui nếu em đến đây và xem tôi như là bạn.
Mộng Thu cười gay gắt:
- Anh sợ em à? Em chả làm phiền gì anh đâu.
Minh khéo léo xen vào cắt ngang câu chuyện đang có mầm căng thẳng.
- Chắc chị Mộng Thu ra thăm phòng triển lãm các tác phẩm của những họa sĩ trẻ năm 91 tổ chức tại đây chứ gì?
Mộng Thu nhìn Minh, vỗ nhẹ vào trán rồi kêu lên:
- Tôi nhớ ra cậu rồi. Minh, phải rồi Minh, sinh viên vừa đoạt giải vẽ tranh cổ động cho công ty du lịch Huế phải không? Nét vẽ của cậu tốt lắm. Tôi có xem...
- Vâng, tôi còn phải học nhiều...
Đột nhiên ông Long tiếp tục câu chuyện, lần này giọng nói nghiêm trang, rõ ràng, chứng tỏ ông đang rất căng thẳng:
- Mộng Thu làm ơn cho anh biết em đến Huế hôm nào và đã có ai gặp em chưa?
Mộng Thu nhoẻn miệng cười, đôi mày nhếch lên như tỏ lộ sự ngạc nhiên.
- Anh nói gì em không hiểu. Em ra Huế từ hôm qua, thì cũng gặp vài ba người, toàn bạn bè cả.
- Em có bị tên nhà báo nào phỏng vấn không?
- Được phỏng vấn chứ anh, thì... cũng hân hạnh được người ta hỏi đến.
Ông Long nhỏm người lên hỏi gặng:
- Em vui lòng nói rõ ràng đi. Hắn phỏng vấn em những gì và em trả lời ra sao?
Mộng Thu cười mỉa mai, mắt ánh lên sắc giận dữ:
- Đó là chuyện riêng của em, đâu cần phải nói hoặc khai báo với anh.
Ông Long chồm qua bàn cầm chắc bàn tay Mộng Thu gằn hỏi:
- Em phải cho anh biết em đã trả lời ra sao và nói gì.
Mộng Thu xẵng giọng:
- Anh không có quyền.
- Đừng nói đến quyền hay không ở đây. Nếu cô nói bậy nói bạ, tôi sẽ có cách để bắt cô im miệng lại.
Phượng bối rối vì sợ ông bà ngoại trong phòng nghe tiếng cãi cọ bước ra, nhưng không biết phải nói sao. Minh trầm tĩnh hơn tìm cách can ngăn:
- Anh Long, chị Thu sẽ nói thôi, bởi vì chuyện ấy liên quan cả hai người mà...
Mộng Thu giựt tay lại. Vừa xoa tay vừa giận dữ nói:
- Tôi ra đây với ý tốt, và tôi có gặp phóng viên báo chí cũng là chuyện tình cờ thôi. Nhưng chuyện đó là thường, tại sao anh lại thắc mắc. Bao năm nay, báo chí xỉa xói đời tư của anh, khai thác từng câu tuyên bố huyên hoang của anh, anh bất cần, còn cười là báo chí quảng cáo không tiền cho anh. Giờ nếu có, thì cũng vậy thôi, có gì mà anh cuống lên.
Ông Long mệt mỏi thở dài:
- Em nên nói với tên phóng viên đó là không được đăng bậy bạ tán phét thêm bớt cho nó giật gân... Nếu là tôi, thì tôi đâu có thèm lý tới, nhưng với Hạnh thì khác, Hạnh tôn trọng dư luận mà dư luận thường độc ác, anh sợ cô ấy không chịu nổi. Em phải gấp lên mới được.
- Không còn kịp nữa rồi...
Phượng nhìn ra cửa, mồm há hốc. Ông Long đứng bật dậy nhưng không nhích được bước nào. Hạnh đứng ở ngưởng cửa, yếu đuối, gầy ốm, khuôn mặt trắng xanh, đôi môi run run, cặp mắt to ảm đạm đầy nước. Trên tay Hạnh, tờ báo hờ hững rung rung rồi rơi xuống chân.
Ánh mắt Mộng Thu như xoắn vào Hạnh, cân nhắc đo lường lẫn chút hờn ghen. Vẫn ngồi, bà cúi xuống nhặt tờ báo, rồi mở lời trong khi mọi người còn đang sửng sốt.
- Hân hạnh được biết cô, nghe nói nhiều về cô lắm, nhưng cô vẫn khác hơn sự tưởng tượng của tôi nhiều.
Ông Long nhanh nhẹn đỡ tay Hạnh, nhưng cô gạt ông ra, chân run run bước đến ghế, ngồi xuống và không chút nào ngạc nhiên khi nhìn bà Mộng Thu. Hình như nỗi đau khổ to lớn nào đã lấn át những tình cảm vụn vặt khác. Hạnh ngồi nhìn mà như không nhìn ai.
- Hạnh ơi, đây là bà Mộng Thu, vợ cũ của anh.
Hạnh không nói, đưa tay chỉ tờ báo. Ông Long lật nhanh trang trong. Phượng và Minh bước lại gần. Đập vào mắt mọi người là tấm hình ông Long và bà Mộng Thu tựa đề in khổ chữ lớn: “Mối tình tay ba”.
Phượng không muốn đọc những giòng chữ chi chít trên ba cột giấy. Nàng đến bên dì Hạnh vịn vai dì.
Ông Long đọc xong buông rơi tờ báo nhìn Hạnh van lơn
- Tha lỗi cho anh, Hạnh, anh đâu có ngờ.
Bà Mộng Thu mỉa mai:
- Lấy một nghệ sĩ nổi tiếng mà phải chịu đựng tất cả búa rìu dư luận. Cuộc sống là vậy cô Hạnh à.
Ông Long quắc mắt nhìn Mộng Thu:
- Tôi không ngờ cô lại trở mặt như vậy. Nguyên nhân của việc ly thân rồi dẫn đến chuyện hôm nay cũng do cô. Ấy mà cô không biết lỗi còn muốn phá đám. Cô tuyên bố lếu láo với tụi nhà báo. Cô xuyên tạc sự thực. Tôi thật tiếc khi đã đối xử với cô quá tốt.
Mộng Thu cũng không kém, bà trả lời gay gắt và đốp chát, không còn cái giọng đẩy đưa trau chuốt như hồi nãy.
- Tôi không nói điều gì trái với lương tâm tôi cả. Tôi nói sự thực.
- Sự thực thế nào?
- Sự thực là tôi chỉ muốn tạm ly thân với anh để chờ ngày hàn gắn lại chứ tôi đâu muốn ly dị. Sự thực là tôi vẫn còn yêu anh, tôi vẫn muốn làm vợ anh. Và sự thực cũng ở chỗ tôi và anh sẽ chẳng xa nhau nếu không có cô gái nầy xen vào.
Mộng Thu lại quay sang Hạnh cười khẩy:
- Cô đau khổ, nhưng không đau khổ bằng tôi đâu.
Lẽ ra tôi còn nói thẳng với họ là cô xen vào gia đình tôi theo cái cách như vậy thì nói nôm na ra đó cũng gần như là giựt chồng người ta rồi còn gì.
Hạnh kêu lên một tiếng nhỏ, lặng lẽ gục xuống không nói trả được lời nào. Nỗi ê chề nhục nhã đã dồn ngã Hạnh. Tương lai những ngày tới Hạnh có thể nào nhìn mặt ai nữa. Nhưng đau xót hơn là hổ thẹn cay đắng này lại là bức tường vững chắc ngăn cản tình yêu của Hạnh với ông Long, mặc dù Hạnh biết chắc rằng mối tình của hai người hoàn toàn hợp pháp, hợp lý và xuất phát từ tấm chân tình tha thiết của hai trái tim yêu. Song Hạnh không có can đảm chà đạp lên dư luận. Gia đình Hạnh cũng không có quen đối đầu với miệng tiếng. Hạnh biết mình không thể làm vợ ông Long cũng như tiếp tục yêu ông. Trái tim vừa sôi bỏng tình yêu bỗng hóa đá không ngờ.
Phượng kêu lên
-Dì Hạnh. Dì Hạnh.
Minh đỡ Hạnh, và trầm giọng nói với Mộng Thu:
- Bà im đi cho.
Ông Long tức giận xé toang tờ nhật báo thành từng mảnh vụn trong khi Mộng Thu cười khẩy.
- Hai em thứ lỗi cho tôi, cả cô Hạnh lẫn anh Long cũng vậy. Nói cho cùng nếu tôi có thất thố thì cũng là lẽ thường tình. Ớt nào mà ớt chẳng cay. Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng.
Ông Long không còn dằn được nữa, ông đứng dậy nắm chặt hai vai Mộng Thu như muốn bóp nát bà ta trong hai bàn tay to lớn của mình. Ông nói như quát:
- Bà xéo đi ra khỏi đây ngay. Bà còn trơ trẽn đến độ tới đây làm to chuyện để thỏa mãn tự ái và lòng ganh ghét của bà à? Hãy tự trọng một chút.
Mộng Thu trả treo ngay:
- Tôi có tự trọng đấy, chứ có người xúi tôi đánh ghen để cả thành phố Huế xem nữa kìa.
- Bà kia, răng vô nhà tui mà nói năng hổn ẩu rứa.
Phượng lạnh toát cả người. Cánh cửa thông ra phòng khách đã mở tự lúc nào và ông ngoại đứng ở đó vừa ngạc nhiên vừa giận. Dì Hạnh rên lên một tiếng não nuột như người bịnh. Dì đứng dậy khoác tay Minh:
- Chị muốn vào nhà trong.
Bà ngoại theo sau vừa đi vừa thở dài
- Mẹ nói hoài mà con đâu có nghe. Cái thời buổi ni nó loạn lắm. Lầm lẫn là khổ một đời.
Có lẽ bà đoán biết phần nào câu chuyện.
Mộng Thu không nói thêm câu nào ngoe nguẩy bỏ đi. Gót giày nện lộp cộp từng tiếng trên nền gạch. Ông Long quay sang Ngoại:
- Cháu xin lỗi bác. Chuyện xảy ra ngoài ý muốn của cháu.
Ông ngoại xua tay:
- Ông ngồi xuống đi mình nói chuyện. Lẽ ra tui cũng muốn nói từ mấy bữa trước nhưng thấy con Hạnh nó...Cái bà hồi nãy có phải là vợ của ông không?
Ông Long không gật đầu chỉ trả lời thật rõ ràng:
- Vợ chồng con vừa ly dị nhau xong, coi như không còn liên hệ gì nữa.
- Cũng chẳng phải chuyện cũ chi đâu. Mới chưa ráo mực phải không? Bà con họ dị nghị cũng đúng... nhà tui gia giáo cả đời không biết gây gổ với ai. Bây chừ mang tiếng mang tăm, thiệt khổ tâm. Bây chừ...
Ông Long cố tìm cách giải thích sự việc. Lẽ tất nhiên ngoại hiểu, nhưng có một điều ông Long không thể biết được là người xứ Huế sợ dư luận đến mức có thể hy sinh mọi thứ miễn tránh được lời to tiếng nhỏ bàn tán đánh giá của bà con làng nước.
- Tui cũng biết là ông có quyền có tình nhân, lấy vợ mới. Nhưng khổ lắm, một đồn năm, năm đồn mười, mười đồn trăm, sống chi nổi mà sống. Nội cái chuyện bữa ni, mai ông ra chợ Đông Ba nghe người ta nói rồi. Tốt nhất là ông nên về trong Nam đi rồi quên con gái tui. Tội cho nó, ông đeo nó người ta lại cho là con tui già xấu ế ẩm mới cố níu kéo ông, phá hoại gia cang ông.
Ông Long cúi đầu. Mặc dù trầm tĩnh và cứng rắn nhờ đã va chạm với cuộc sống nhiều, nhưng lần này, ông không thể nén được sự đau khổ thể hiện lên ánh mắt, nét mặt. Ông hầu như ít băn khoăn về ý kiến của ngoại mà chỉ lo âu trước tinh thần tồi tệ của Hạnh. Hạnh có vẻ thua cuộc và cam chịu, mối tình của ông và Hạnh có cơ tan vỡ.
- Không thể được, không thể như thế được.
Ông Long thảng thốt kêu lên thành tiếng.
- Ông nói không được cái chi? Tui không khó khăn đâu nhưng trường hợp ni tôi dứt khoát. Chắc con Hạnh cũng không phản đối đâu.
- Cháu xin bác. Cháu thương Hạnh thật tình. Dư luận có giúp ích gì cho mình đâu mà phải quan tâm. Cháu thương Hạnh thật tình mà bác.
- Anh là nghệ sĩ nên ít quan tâm tới dư luận, còn chúng tôi sống ở Huế, chung quanh đâu có ai xa lạ, bà con làng nước, không lý đến họ thì mần răng mà sống yên được?
Ông Long khẩn khoản:
- Nếu bác sợ dư luận thì cháu có cách... Cháu sẽ nhờ người đến cầu hôn càng sớm càng tốt. Cháu sẽ tổ chức xin cưới Hạnh ngay trong tháng này. Làm vợ cháu, chính thức với pháp luật với họ hàng, dư luận không còn gì để mà bươi móc, nói xấu Hạnh. Cháu xin lỗi bác khi cháu nói với bác điều quan trọng đó trong hoàn cảnh này, nhưng cháu muốn chứng tỏ với Hạnh, với hai bác, là cháu yêu Hạnh và thật sự muốn lấy Hạnh làm vợ.
Ông ngoại ngã người ra phía sau ngồi im. Ông không tỏ vẻ ngạc nhiên khi nghe ông Long nói nhưng nét mặt ông thể hiện vẻ đắn đo cân nhắc. Phượng ôm ngực cầu mong ông ngoại sẽ nhận lời. Phượng thấy dì Hạnh đã quá khổ và thất vọng, chỉ có một đáma học xong lớp 12 trường Quốc Học. Tính tình Diệu Hương sôi nổi, dễ thương và hạp với Phượng nhất ở lòng say mê đọc sách. Cô thường ra hàng sách ngồi chơi với Phượng nên hai đứa khá thân nhau.
- Hương đi đâu vậy?
Không trả lời câu hỏi của Phượng, Diệu Hương nắm tay nàng:
- Chị Phương ơi, bộ chị quen với kịch sĩ Minh Hoàng hở?
- Ờ, có chuyện gì không em?
Diệu Hương vỗ tay như trẻ con:
- Hay quá, hôm nào chị giới thiệu Minh Hoàng cho em nha, em thích anh chàng Romeo đó ghê.
- Ủa, té ra Hương cũng rành kịch nghệ quá nhỉ.
- Thật ra em cũng không khoái kịch lắm đâu, chỉ tại Minh Hoàng đẹp trai quá nên em đã đi coi vở “Romeo và Juliette không trẻ mãi” cả chục lần.
Nhìn ánh mắt long lanh của Diệu Hương, Phượng cảm thấy khoảng cách giữa Hoàng và nàng mỗi lúc một xa. Phượng không vào chợ nữa, nàng đi dọc theo bờ sông nhìn những cánh bèo lặng lờ trôi xuôi trên dòng nước. Tình yêu của Phượng cũng trôi dạt dập vùi như những đám lá vô hồn đó. Hoàng ơi, Phượng gọi thầm tên người con trai. Nàng bỗng đâm ra giận hờn mình vô cớ, những cuộc gặp gỡ tình cờ vừa rồi có phải là định mệnh đã sắp bày không. Từ ngày nhận biết mình đã hoàn toàn mất Hoàng, Phượng nghe lời Minh tự tìm lấy một công việc làm thường nhật để cố gắng quên Hoàng. Và quả đúng như vậy, sự bận rộn hàng ngày, những vui buồn nho nhỏ xảy ra trong những lúc làm việc đã làm Phượng bớt buồn rất nhiều và hình bóng Hoàng cũng theo đó dần phai trong tâm trí. Nhưng nay, ai xui khiến Phượng đi dạo chơi, ai xui khiến nàng gặp lại Hoàng để bao kỷ niệm xa xưa tràn về đầy ắp tâm tư. Phượng nghe cay cay bờ mi, không lẽ mình lại sắp sửa khóc? Vì Hoàng ư? Trở về nhà đi thôi. Phượng bỏ ý định mua vải may quần áo.

*

Phượng thả hồn lâng lâng trên chiếc võng tơ mắc giữa hai cành vú sữa ngoài vườn. Suốt tuần nay, Phượng cố công tìm chọn một số sách có nội dung phong phú và hấp dẫn. Nàng định dành trọn ngày nghỉ cuối tuần để đọc hết những cuốn đó, bỗng dưng Phượng thấy thèm đọc sách lạ lùng, có lẽ cũng do một phần nơi lời giải thích của Minh. Chiều thứ bảy tuần trước, sau khi giở khăn khai mạc bức tranh “Nắng Lụa” do Phượng làm người mẫu, nàng đã cùng Minh đọc chung một tập truyện. Cuộc tranh luận về nội dung cuốn sách và phương pháp đọc đã gây một sự giận hờn giữa hai người, nhưng rồi cuối cùng, kẻ nhịn thua cũng là Minh. Phượng cười trong sự hài lòng, dù cuộc “chiến thắng” đó không mấy vẻ vang. Những trang sách mới rọc thơm mùi gỗ thông. Phượng say sưa áp má vào những giòng chữ đầu tiên, hồn mông lung mơ về một phương trời xa xôi trìu mến. Nàng bỗng nhớ Sài Gòn vô hạn, nhớ Trinh, nhớ Thảo, nhớ tất cả những gương mặt hồn nhiên cười đùa vô tư trong giờ ra chơi giữa sân trường Trưng Vương ngập nắng thuở nào. Năm tháng học trò giờ đã xa tít mù khơi.
Có tiếng chân ai xào xạc dùa lá khô trên lối mòn dẫn vào vườn. Dì Hạnh đi làm về. Dạo này dì có vẻ tươi tỉnh hơn trước kể từ ngày nhận liên tiếp những lá thư của ông Long. Ông đang van xin một sự nghĩ lại của dì, ông đang chờ đợi một nét chữ hồi âm của dì. Ngay đó, ông sẽ bay ra Huế, bước vào ngôi vườn thơm hương nhãn quen thuộc và ông sẽ cầm lấy đôi bàn tay xinh đẹp của dì để lồng vào ngón áp út búp măng chiếc nhẫn cưới nối liền hai cuộc đời. Nghĩ đến đó, Phượng vui quá. Không ngăn được nôn nóng, Phượng hỏi:
- Dì Hạnh, dì đã trả lời thư chú Long chưa?
Dì Hạnh làm bộ nhíu mày:
- Dì không thích Phượng nói đến chuyện này đâu.
Nhưng dì không lặng lẽ bỏ vào nhà như thường lệ, mà lần này dì vén áo ngồi xuống võng cùng Phượng.
Phượng la lên:
- Ái, coi chừng đứt võng.
Dì Hạnh đưa chân đong đưa chiếc võng.
- Phượng ơi, cháu đã biết gì chưa?
- Có chuyện gì vậy dì?
- Tối nay ti vi phát hình vở kịch “Đến với tình yêu” do Hoàng đóng vai chính. Chắc là hấp dẫn lắm.
- Sao dì biết hay vậy?
- Dì có người bạn làm ở đài truyền hình cho biết. Nì, cháu coi chừng đó, Hoàng có nhiều người muốn kết mô-đen lắm.
- Kệ ảnh, cháu chả thèm để ý đâu.
Dì Hạnh nhìn vào mắt Phượng, thăm dò:
- Ủa, không phải Hoàng là bồ của cháu à?
- Dì lầm rồi dì ơi.
- Nhưng có điều này, dì không lầm mô. Dì hỏi câu này, Phượng đừng cho là dì tò mò nhé. Lúc trước cháu có rất nhiều cảm tình với Hoàng và bây giờ thì cháu đang nghiêng tình cảm về Minh phải không?
Phượng bối rối:
- Cháu chưa có nhận xét nào rõ rệt giữa hai người cả. Nhưng bây giờ, cháu thấy quen Minh dễ chịu hơn nhiều.
Chết, Phượng lại lỡ lời mất rồi. Không hiểu sao tự dưng Phượng lại thổ lộ tâm sự vẩn vơ này cho dì Hạnh biết. Dù dì là người thân, nhưng đối với nàng, dì quá lớn tuổi, dì không thể cảm thông được tâm sự của nàng đâu.
Dì Hạnh đứng dậy:
- Vô giúp dì sửa soạn cơm nước rồi còn coi tivi tối thứ bảy chương trình có sớm lắm.
Phượng miễn cưỡng theo dì vào bếp. Thật lòng, lúc này, Phượng chả muốn thấy mặt Hoàng chút nào dù là trên màn ảnh. Nhưng Phượng không thể từ chối ngồi trước ti vi với dì Hạnh, bởi từ trước đến nay khi nào hai dì cháu cũng thường cùng xem để cùng bình luận cô này đẹp cô kia xấu, anh này hát hay, chàng kia hát dở...
Chương trình mới bắt đầu đã nghe tiếng gọi cổng:
- Chị Phượng ơi, chị Phượng.
Diệu Hương hấp tấp đi vào, cô chào dì Hạnh rồi nói với Phượng:
- Nhà em bị cúp điện, tối nay lại có vở kịch...
Dì Hạnh hiểu ý:
- Cháu cứ ở đây coi cho vui, dì nghe tin hành lang là vở kịch rất hay.
Diệu Hương liến thoắng:
- Có Minh Hoàng đóng vai chính là đủ hấp dẫn rồi dì há. Kìa, tới rồi đó.
Sau hàng chữ “Đến với tình yêu” là gương mặt Hoàng được rọi lớn chiếm hết bề rộng màn ảnh. Mắt Hoàng sáng ngời, môi cười tình tứ, hàng ria mép tỉa khéo càng làm tăng lên vẻ hào hoa trang nhã... Phượng không thể không liếc nhìn Diệu Hương đang dán mắt vào hình ảnh trước mặt, mê đắm, sững sờ... Phải công nhận, Hoàng diễn xuất thật tuyệt vời, lúc vui, lúc buồn, lúc khổ đau giận dữ... Hoàng luôn luôn nổi bật giữa đám diễn viên tầm cỡ của Huế, kể cả Thùy Linh giữ vai nữ chính cũng hoàn toàn lu mờ trước nét độc đáo của Hoàng.
Vở kịch kết thúc trong sự nuối tiếc của dì Hạnh và Diệu Hương. Dì Hạnh nhìn đồng hồ:
- Khuya rồi, Hương ở lại đây ngủ hỉ.
Đôi mắt Diệu Hương ràn rụa nước, cô đưa tay áo lên lau:
- Cháu không dặn trước ở nhà dì ạ.
Phượng ngạc nhiên:
- Sao Diệu Hương khóc vậy?
- Ủa, chị Phượng không thấy tội nghiệp cho nhân vật của Hoàng sao. Bao nhiêu cuộc tình tan vỡ dày xéo trái tim của anh ấy, vậy mà ảnh luôn giữ lòng thủy chung...
- Đó chỉ là kịch.
- Theo em, kịch là tấm gương phản ảnh cuộc đời.
Phượng im lặng. Nàng chẳng buồn tranh cãi. Hãy để cho Diệu Hương tôn vinh thần tượng của mình. Không có gì đau khổ cho bằng giấc mơ bị sụp đổ, Phượng coi Diệu Hương như em, nàng không nỡ lôi cô em ra khỏi tòa lâu đài xây trên cát. Diệu Hương vốn thông minh, thế nào cô cũng thấy rõ mặt trái của Hoàng.
Buổi sáng thức dậy, chưa kịp ăn uống gì, Minh đã tìm đến:
- Phượng ơi, Minh vừa tìm được một phong cảnh rất đẹp, Phượng có vui lòng làm người mẫu cho Minh một lần nữa không?
Phượng cười:
- Lúc nào Phượng cũng sẵn sàng. Nhưng sáng nay thì chưa được, Phượng phải ra hàng sách.
- Phượng có thể xin bác Vinh nghỉ một bữa được không?
- Ờ để xem sao.
Minh chờ Phượng ra đến nơi, cửa hàng còn đóng. Bác Vinh đi đâu về, từ trên xích lô bước xuống:
- Cháu Minh, lâu ngày quá hỉ.
Minh bước đến cầm tay bác:
- Dạo này cháu thấy bác khỏe ra.
- Ừ, bác đang tập dưỡng sinh, tốt lắm cháu nờ.
Phượng nháy mắt với Minh, bác Vinh trông thấy:
- Chi rứa, hai đứa làm dấu chi mà bí mật rứa?
Minh đánh bạo lên tiếng:
- Thưa bác, sáng nay Phương bận chút chuyện, xin phép bác cho Phượng nghỉ một buổi.
Bác Vinh lục túi lấy chìa khóa tra vào ổ:
- Được, được. Nhưng hai cháu vào đây uống cùng bác miếng nước đã.
Bác Vinh vào trong đem ra hai ly nước màu nâu:
- Hai cháu uống đi, nước ni được gọi là nước la hán quả, ngon lắm.
Phương nhấp một ngụm:
- Giống nước sâm quá.
Bác Vinh trợn mắt:
- Giống răng được, quý gấp 10 lần nước sâm đó cháu.
Minh đứng dậy:
- Chúng cháu xin phép bác.
- Ừ, hai cháu đi đi. Sáng ni bác cũng có việc, định kêu con Diệu Hương qua phụ bán với Phượng, nhưng con nhỏ đã đi mô biệt tăm từ sớm. Nghe nói nó đi dự buổi họp báo, họp biếc chi đó.
Phượng tò mò hỏi minh:
- Họp báo gì vậy, Minh có biết không?
- Minh có nghe phong thanh là sáng nay có một cuộc họp báo bỏ túi tại khách sạn Thuận Hóa, nói đúng ra, chỉ là một buổi giao lưu giữa kịch sĩ Minh Hoàng và những người ái mộ mà thôi.
Phượng nói một mình:
- Vậy là đúng rồi.
Minh nhìn Phượng:
- Phượng có muốn tham dự không? Minh sẽ đưa đi.
Phượng lắc đầu:
- Thôi, Phượng muốn đến thăm nơi cảnh đẹp mà Minh vừa nói đó.
Xe qua cầu Tràng Tiền. Ánh nắng mai phản chiếu mấy nhịp cầu dát bác lấp la lấp lánh. Minh quay ra sau:
- Sáng nay trời đẹp quá Phượng nhỉ. Giá điều kiện cho phép, Minh sẽ vẽ một bức tranh có Phượng ngay trên chiếc cầu này.
- Ai cấm Minh trổ tài nào.
- Công an cấm chứ ai. Cản trở giao thông cũng là một cái tội đấy.
Hai đứa cùng cười. Gió sớm nhẹ đùa tung bay mái tóc Phượng, quấn quít vai áo Minh. Ngang qua khách sạn Thuận Hóa, người bên ngoài đứng đông đến nỗi xe cộ phải giảm bớt tốc độ. Phượng nhận thấy có rất nhiều người mang máy ảnh, máy quay video, máy cassette... chắc họ là những phóng viên nhà báo. Minh đi chậm lại:
- Chà, tài nghệ của Minh Hoàng đã lên tới đỉnh cao rồi đó. À, hồi hôm Phượng có xem vở kịch trên ti vi hay không?
- Có, sao Minh không xuống xem. Minh làm gì trên gác vậy?
- Đâu, hôm qua Minh kẹt ở nhà thằng bạn. Minh xem tại đó. Công nhận, vở kịch đã hay, người diễn lại càng xuất thần.
Phượng không muốn nghe ai nhắc đến Hoàng nữa, nàng giục:
- Thôi, Minh đi nhanh lên kẻo trưa.
Minh cho xe phóng thẳng về phía Long Thọ, rồi rẽ vào một con đường đất rợp mát bóng cây. Cỏ ở đây thật xanh, Minh dừng xe ven một con sông nhỏ, một nhánh của sông Bến Ngự, nước hơi đục vì bây giờ đang là mùa hè. Minh chỉ Phượng xem một cây phượng rất lớn bên bờ sông, hoa nở nhiều đến nỗi khuất lấp hết màu xanh của lá. Loại hoa lớn, búp to, xòa ra như cái đĩa, màu đỏ đậm và chói. Phượng reo nhỏ:
- Rực rỡ quá
- Minh mê nhất là nhìn cành phượng soi bóng trên mặt sông. Phượng thấy thế nào?
- Phượng thấy Huế của mình thật đẹp.
Minh tươi cười:
- Minh định vẽ Phượng đứng dưới gốc cây, ngước nhìn những chùm hoa trên cao.
- Ngay bây giờ sao? Phượng chưa chuẩn bị gì cả.
- Chưa đâu. Phượng xem nè, Minh còn để giá vẽ ở nhà mà.
- Vậy Minh rủ Phượng đi làm chi?
Mặt Minh thoáng buồn:
- Bộ Phượng không muốn đi chơi với Minh sao?
Cảm thấy mình lỡ lời, Phượng đính chính:
- Phượng muốn nói là Phượng còn phải bán hàng. Đã giúp bác Vinh thì phải giúp cho trót. Lần sau, chúng mình nên đi chơi vào ngày nghỉ của Phượng. Chủ nhật này nè.
Minh vui trở lại:
- Vậy chủ nhật Phượng nhớ mặc áo dài trắng nhé.
Minh mở giỏ xe lấy ra một tấm nylon:
- Mình ngồi xuống đây chơi, Minh mời Phượng ăn sáng.
Trong một thoáng, trước mắt Phượng, xuất hiện hai ổ bánh mì và một gói thịt nguội gồm paté và chả lụa. Minh lấy dao xẻ bánh mì, Phượng giúp Minh nhét thịt vào giữa:
- Không có muối tiêu hả Minh?
- Chết cha, Minh quên lấy.
- Vậy thì lạt quá, làm sao ăn?
- Ăn nhiều nhiều thịt vậy.
- Ớn chết.
Nói vậy chứ Phượng và Minh thanh toán hai ổ bánh thật mau.
Phượng nói:
- Bây giờ đến lượt khát nước rồi đó Minh ơi.
Minh đứng dậy:
- Khỏi lo, có quán nước gần đây, để Minh đi lấy.
Khi hai người quay trở về, khách sạn Thuận Hóa vẫn còn đông nghẹt người, Phượng thoáng thấy Hoàng đứng trên những bậc cấp cao, xung quanh Hoàng là một rừng hoa.