Dịch giả: Vũ Công Hoan
Chương 18

     ôm nay Lý Trọc đánh nhà thơ Triệu một trận oai phong lẫm liệt, lại làm cho nhà văn Lưu được một phen hú vía. Ngồi dưới cây ngô đồng, anh ta nghe dân chúng xôn xao bàn tán. Khi nuốt nước bọt cho đỡ đói, nghe thấy tiếng chuông xe đạp Vĩnh Cửu của Tống Cương, Lý Trọc biết Tống Cương đã đến, lập tức đứng lên, gọi một cách thẳng thắn:
- Anh Tống Cương, anh Tống Cương, cả ngày nay em chưa có thứ gì vào bụng...
Tống Cương nghe thấy tiếng gọi của Lý Trọc, thôi ngay bóp chuông, ngồi trên xe hai chân giẫm đất, xiêu xiêu vẹo vẹo, len lỏi đi giữa đám đông đến trước mặt Lý Trọc. Trông Lý Trọc tơi tả như kẻ ăn mày, Tống Cương lắc lắc đầu, đang định xuống xe, Lý trọc đã xua tay bảo:
- Khỏi phải xuống, mau mau đưa tiền đây.
Tống Cương ngồi trên xe kiễng hai chân, móc túi lấy hai tờ hai hào, Lý Trọc hớn hở nhận tiền, làm như Tống Cương nợ anh ta. Tống Cương móc túi tìm tem phiếu. Lý Trọc biết Tống Cương cần phải đi gấp đến Xưởng dệt kim đón Lâm Hồng về nhà, anh ta vung tay đuổi Tống Cương như đuổi muỗi:
- Đi đi, đi đi.
Tống Cương móc túi lấy tem phiếu đưa cho Lý Trọc. Lý Trọc hất mái tóc dài đầy đầu, nhìn tờ phiếu trên tay Tống Cương bảo:
- Không cần tem phiếu.
Tống Cương hỏi Lý Trọc:
- Em có tem phiếu à?
Lý Trọc xồn xồn đuổi:
- Anh mau mau đi, Lâm Hồng đang chờ anh.
Tống Cương gật đầu, bỏ tem phiếu về túi, hai chân rê đất lách khỏi đám đông. Ra khỏi đám đông, Tống Cương còn ngoái đầu bảo thằng em:
- Lý Trọc, anh đi nhé!
Lý Trọc gật gật đầu, nghe thấy tiếng chuông xe đạp của Tống Cương vang lên, nhìn Tống Cương vù vù lao đi xa, Lý Trọc quay lại nói với dân chúng:
- Người anh em của tôi tình cảm yếu đuối lắm.
Cầm hai hào của Tống Cương trong tay, Lý Trọc quay người đi, mái tóc dài bay bay. Dân chúng thị trấn Lưu đưa mắt tiễn anh ta đến khách sạn Nhân Dân, cứ tưởng anh ta vào khách sạn ăn một hơi hai bát mì Dương Xuân. Nào ngờ mắt cứ nhìn thẳng, anh ta đi qua khách sạn Nhân Dân, vào hiệu cắt tóc gần đó.
Dân chúng trố mắt nhìn theo, đầy vẻ ngạc nhiên, họ bảo tay Lý Trọc đói đến lú lẫn rồi sao? Coi tóc cắt ra mì sợi à? Có người nói:
- Tóc và mì sợi có phần giông giống, đều mịn mịn dài dài.
Một người khác nói thêm:
- Tóc đàn bà giống mì sợi, tóc đàn ông ngắn quá, không giống tóc, giống râu hơn.
Dân chúng tưởng tượng Lý Trọc coi tóc đàn bà là mì sợi ăn được, người nào người nấy cười hô hố. Nhà văn Lưu thầm nghĩ, bọn dân đen thật là ngu xuẩn. Anh ta cất tiếng oang oang sửa lại lời nói của dân chúng. Anh ta bảo, Lý Trọc có chết đói cũng không ăn tóc. Anh ta phải đi cạo cho mình một cái đầu trọc. Nhà văn Lưu bảo Lý Trọc đã đói thành một nhân vật dưới ngòi bút của ngài Lỗ Tấn, ngay lúc đó anh ta không nhớ ra nhân vật. Anh ta nói tay Lý Trọc có tiền không đi xơi một bữa cho no bụng, lại còn nghĩ đến cái đầu trọc của mình. Không kìm nổi, nhà văn Lưu đã nói tục:
- Mẹ kiếp, tên Lý Trọc, đúng là một cái đầu trọc lông lốc chết cũng không hối cải.
Đúng như nhà văn Lưu đã nói, sau khi ra khỏi hiệu cắt tóc, Lý Trọc đã có lại cái đầu trọc truyền thống. Trưa hôm sau, dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi nhìn thấy Lý Trọc trở lại với cái đầu bóng loáng đi trên đường phố lớn. Đầu Lý Trọc đã bóng loáng, khuôn mặt sưng tím cũng trở nên hồng hào, như vừa ăn một bát thịt một con cá. Lý Trọc bụng đói meo, tuy điệu bộ ra vẻ thương binh, vẫn chào hỏi người quen bằng giọng nói sang sảng. Anh ta xoa cái bụng đói, nấc lên mấy tiếng, đi men theo đường phố, như vừa ăn một bữa cỗ linh đình. Dân chúng trên phố hỏi Lý Trọc:
- Sao nấc liên tục thế? Ăn sơn hào hải vị gì vậy?
- Chẳng có cái đếch gì mà ăn - Lý Trọc xoa cái bụng rỗng không nói - Toàn nấc ra không khí.
Lý Trọc đi thẳng đến Xưởng phúc lợi. Đã hơn bảy tháng nay anh ta không đến xưởng. Vừa bước vào sân, đã nghe thấy hai Thọt xưởng trưởng, xưởng phó buột mồm chửi nhau trong phòng làm việc, biết ngay họ vừa chơi cờ, vừa hoãn cờ. Bước đến cửa văn phòng xưởng trưởng, Lý Trọc nấc một cái rõ kêu, hai anh thọt dãi bắn tứ tung, quay đầu nhìn thấy Lý Trọc, lập tức bỏ cờ tấp tểnh chạy ra gọi rối rít:
- Lý xưởng xưởng, Lý xưởng trưởng...
Hai Thọt lãnh đạo xưởng, một trái một phải, kéo Lý Trọc bị đánh tổn thương vào phân xưởng bên cạnh. Ba anh dở hơi, bốn anh mù, năm anh điếc đang ngồi thừ, ngủ gà ngủ gật bên trong. Hai anh thọt nói to bảo bọn họ:
- Lý xưởng trưởng đã đến!
Lý Trọc bị năm vị Đồng, Trương, Vương, Dư, Quan đánh hơn ba tháng với năm kiểu ra đòn, bây giờ về đến Xưởng phúc lợi, lại về trong niềm huy hoàng của ngày xưa. Mười bốn trung thần vây quanh Lý Trọc, nhìn những vết tím vết sưng trên mặt Lý Trọc một cách hiếu kỳ, kể cả hai tay đỏ tấy như móng lợn kho tầu, cứ oang oang gọi "Lý xưởng trưởng", tíu tít hỏi anh ta mặt tay làm sao thế. Ba anh dở hơi sà đến gần nhất, phun nước dãi lên đầy đầu Lý Trọc. Lý Trọc tươi cười lau nước bọt trên đầu, im như thóc, không trả lời câu hỏi khiến anh ta xấu hổ, mà tận hưởng lòng yêu mến và ủng hộ của mười bốn trung thần. Mười bốn trung thần gọi "Lý xưởng trưởng" đến hơn mười phút. Khi tiếng gọi đã nhạt, Lý Trọc lại nấc. Anh ta nấc liền ba cái. Hai anh thọt lãnh đạo xưởng nhìn Lý Trọc một cách hâm mộ, hỏi:
- Lý xưởng trưởng, trưa nay ăn thứ gì ngon thế?
- Có thứ gì ngon đâu - Lý Trọc xua tay bảo mười bốn trung thần đừng gọi, ngẩng lên hỏi hai anh thọt lãnh đạo xưởng - Trong các cậu mũi anh nào tốt nhất?
Xưởng trưởng thọt nhìn xưởng phó què, xưởng phó què nhìn bốn anh mù, nói:
- Mũi anh mù tốt nhất.
- Anh mù tai thính nhất - Lý Trọc lắc lắc đầu, thò tay chỉ năm anh điếc bảo - Anh điếc mắt tinh - Lý Trọc vừa nói, vừa chỉ hai anh thọt xưởng trưởng xưởng phó nói:
- Hai cậu cánh tay tốt.
Sau đó vẫy tay gọi anh ngố máu gái đứng gần nhất, bảo anh ta thò mũi ngửi ngửi cái nấc của mình. Anh ngố máu gái nhăn nhở cười khà khà dí sát mũi vào mồm Lý Trọc. Lý Trọc nấc một cái, hỏi anh ta:
- Ngửi thấy chưa? Trong mồm có mùi thịt hay mùi cá?
Anh ngố máu gái vẫn nhăn nhở cười khà khà, Lý Trọc đành phải lắc lắc đầu tự trả lời:
- Không có, không có mùi thịt, cũng không có mùi cá.
Anh ngố máu gái lập tức lắc đầu theo. Lý Trọc hài lòng vẫy vẫy tay bảo anh ngố máu gái chĩa mũi vào lần nữa. Lý Trọc lại nấc một cái, hỏi anh ta có ngửi thấy mùi cơm không? Theo thói quen anh ta lắc đầu. Lý Trọc cười thoả mãn, bảo anh ta ngửi không khí. Sau khi anh ngố máu gái hít một hơi không khí, Lý Trọc hỏi:
- Mùi vị có giống nấc của mình không?
Anh ngố máu gái vẫn lắc đều theo thói quen. Lý Trọc không hài lòng. Anh ta tự gật đầu nói:
- Nấc của mình y hệt không khí.
Thấy Lý Trọc gật đầu, anh ngố máu gái lập tức gật theo. Lý Trọc lại cười hài lòng. Anh ta nói với toàn bộ trung thần:
- Mình nấc toàn không khí là không khí. Tại sao? Cả ngày mình chưa ăn thứ gì. Đâu phải chỉ một ngày, ba tháng nay mình không được ăn bữa nào no. Mình đã nấc không khí ba tháng nay.
Hai thọt lãnh đạo xưởng kêu lên ngạc nhiên đầu tiên, sau đó đến bốn anh mù. Năm anh điếc không nghe thấy Lý Trọc nói gì, thấy hai anh thọt, bốn anh mù tỏ vẻ ngạc nhiên, cũng ngạc nhiên. Ba anh dở hơi không phản ứng, vẫn đang khà khà cười nhăn nhở. Chộp lấy thời cơ, Lý Trọc giơ hai tay nói:
- Các cậu lộn hết túi áo ra xem nào, bỏ hết tiền và tem phiếu của các cậu ra, cho Lý xưởng trưởng của các cậu ăn một bữa tử tế.
Hai Thọt chợt vỡ lẽ, thò tay vào túi áo. Bốn anh mù nghe được lời Lý Trọc, móc tiền và tem phiếu trong túi mình. Năm anh điếc không nghe thấy, nhưng nhìn thấy, biết cũng nên cống hiến tiền và tem phiếu. Khi móc, anh nào cũng kéo túi ra ngoài. Ba anh dở hơi cười khà khà không động tay. Hai anh thọt móc xong túi mình, liền móc túi ba anh dở hơi, kéo hết túi của ba anh dở hơi ra ngoài, cũng không thấy một xu, một lạng tem phiếu. Hai anh thọt cất tiếng chửi:
- Mẹ kiếp!
Tiền móc ra trong túi các trung thần đều là tiền xu, tem phiếu móc ra cái nào cũng nhăn nhúm, trao cả vào tay Lý Trọc. Lý Trọc cúi đầu đếm cẩn thận một lượt. Tem phiếu vừa vặn được nửa kilogram, tiền được bốn hào tám xu. Lý Trọc ngẩng đầu lên, nuốt nước bọt nói một cách đáng tiếc:
- Hết sạch rồi.
Rồi xua tay, nói một cách phóng khoáng:
- Không đủ ăn ba bát mì Tam Tiên, cũng đủ ăn năm bát mì Dương Xuân.
Sau đó, dưới sự túm tụm theo sau của mười bốn trung thần, Lý Trọc ra khỏi Xưởng phúc lợi, đi đến khách sạn Nhân Dân của thị trấn Lưu. Hai mươi tám túi áo và hai mươi tám túi quần của mười bốn trung thần đều lộn hết ra ngoài, y như vừa bị trấn lột. Nhưng nét mặt anh nào anh nấy giương giương tự đắc như vừa lĩnh lương. Vẫn là hai anh thọt đi hàng trên cùng, ba anh dở hơi khoác tay nhau đi hàng thứ hai, bốn anh mù chọc gậy trúc đi sau cùng. Lý Trọc cộng thêm năm anh điếc, ba người một nhóm, lần lượt đi ở hai đầu, duy trì đội hình. Rút kinh nghiệm rối loạn bung bét lần đưa quân áp sát dưới thành Xưởng dệt kim lần trước, đến cầu hôn Lâm Hồng, lần này đội quân đi ra phố theo trật tự có hàng có lối hẳn hoi, trông vuông vắn như đội danh dự.
Họ đi vào khách sạn Nhân Dân một cách oai phong lẫm liệt. Lý Trọc cầm tiền xu trong tay vỗ lên quầy viết phiếu, mớ tem phiếu nhăn nhúm cũng vỗ lên mặt quầy, Thọt xưởng trưởng tranh nói trước:
- Năm bát mì Dương Xuân.
- Bậy nào - Lý Trọc liền sửa lại - Không lấy năm bát mì Dương Xuân, lấy một bát mì Tam Tiên và một bát mì Dương Xuân.
Thọt xưởng trưởng hỏi Lý Trọc một cách nghi hoặc:
- Chẳng phải anh đã nấc ba tháng?
Lý Trọc lắc đầu nói:
- Mẹ kiếp! Ta dù có nấc ba năm, cũng không thể ăn một lúc năm bát mì, nhiều nhất là hai bát, đã chỉ ăn được hai bát, đương nhiên phải ăn một bát mì Tam Tiên.
Thọt xưởng trưởng hiểu ra, một lần nữa anh ta nói to với người viết phiếu trong quầy:
- Cho hai bát, một Tiên, một Xuân.
Lý Trọc hết sức hài lòng với câu nói khái quát "một Tiên một Xuân" của Thọt xưởng trưởng. Anh ta gật đầu khen:
- Nói được đấy!
Sau đó Lý Trọc ngồi xuống trước một cái bàn, mười bốn trung thần cũng ngồi xúm quanh. Hai anh thọt ngồi hai bên trái phải Lý Trọc. Ngồi thế là thể hiện chức danh của hai người. Ba anh dở hơi và năm anh điếc lần lượt ngồi theo. Bọn họ ngó ngó nghiêng nghiêng, hết nhìn trang trí trong khách sạn, lại nhìn người qua lại trên đường phố. Bốn anh mù ngồi đối diện Lý Trọc. Bốn anh yên tĩnh nhất, tay chống gậy trúc ngẩng mặt cười tít mắt.
Khi nhân viên phục vụ bưng ra hai bát mì sợi, trông thấy một chiếc bàn tròn ngồi những mười lăm người, không biết đưa mì cho ai, Lý Trọc vẫy tay bảo:
- Đưa cả đây, đưa cả đây.
Hai bát mì sợi bốc hơi nghi ngút để trước mặt Lý Trọc. Lý Trọc cầm đũa chỉ mì Tam Tiên và mì Dương Xuân, vui vẻ diễn thuyết:
- Ăn bát nào trước? Ăn Tiên trước Xuân sau, hay ở chỗ vừa được ăn một thứ ngon nhất, dở là dở ở chỗ, ăn xong Tiên rồi ăn Xuân, không còn thấy vị ngon của Xuân. Đây là kẻ chỉ thấy cái lợi trước mắt. Con ăn Xuân trước Tiên sau, hay ở chỗ, đã ăn được vị ngon của Xuân, cũng ăn được vị ngon của Tiên, hơn nữa càng ăn càng ngon. Đây là người có chí hướng cao xa...
Diễn thuyết của Lý Trọc vẫn chưa chấm dứt, đã nghe thấy tiếng nuốt nước bọt ừng ực của mười bốn cái mồm. Lý Trọc nhìn thấy nước dãi của ba anh chàng dở hơi rỏ tong tong từ sáu cái mép, biết ngay nếu mình không ăn nhanh, ba thằng dở hơi sẽ sà đến. Lý Trọc nói to:
- Mẹ kiếp, ăn Tiên trước.
Tay trái Lý Trọc giữ bát mì Dương Xuân, tay phải cầm đũa, cả khuôn mặt cúi gằm xuống bát mì Tam Tiên húp soàn soạt, lại còn uống nước dùng. Lý Trọc cắm đầu cắm cổ ăn một hơi hết bát mì Tam Tiên mới ngẩng lên. Anh ta lau nước mỡ bám đầy mồm và mồ hôi đầy trán, nghe mười bốn trung thần thi nhau nuốt nước miếng, anh ta bắt đầu hứa với anh em:
- Sau này mình có tiền, ngày nào cũng mời các bạn ăn một bát mì Tam Tiên.
Tiếng nuốt nước bọt của mười bốn trung thần nổi lên dạt dào như sóng vỗ. Lý Trọc nghĩ bụng toi rồi, vội vàng cắm đầu cắm cổ ăn một lèo hết bát mì Dương Xuân. Ăn xong bát mì Dương Xuân, tiếng nuốt nước bọt của mười bốn trung thần lắng hẳn xuống. Lý Trọc yên tâm lau mồm. Hai anh thọt, bốn anh mù, và năm anh điếc cũng giơ tay lau mồm. Chỉ có ba anh dở hơi nước dãi vẫn chảy dề dề. Mười bốn trung thần trợn mắt nhìn hai bát không. Lý Trọc đã húp sạch không còn một giọt canh nào trong hai bát. Anh ta lau mỡ quanh mồm, rồi lau mồ hôi trên mặt, xúc động đứng lên nói với mười bốn trung thần:
- Trời xanh ở trên, đất bằng ở dưới, các bạn ở giữa, mình xin thề với Trời với Đất, với các bạn, mình quyết định quay về làm Lý xưởng trưởng của các bạn.
Mười bốn trung thần ngẩn tò te. Bốn anh mù phản ứng đầu tiên, vỗ tay bồm bộp. Hai anh thọt cũng lập tức vỗ theo. Năm anh điếc tuy không biết Lý Trọc nói những gì, thấy Thọt xưởng trưởng xưởng phó vỗ tay, mình cũng nên vỗ. Ba anh dở hơi vỗ tay vuốt đuôi, nước dãi vẫn đang chảy. Tiếng vỗ tay kéo dài đúng năm phút. Lý Trọc ngẩng đầu ưỡn ngực, mỉm cười tiếp nhận tiếng vỗ tay của mười bốn trung thần. Sau đó dưới sự túm tụm của các vị trung thần, Lý Trọc ra khỏi khách sạn Nhân Dân, đi đến Cục dân chính của ông Đào Thanh. Vẫn giữ nguyên đội hình như khi đến, cả xưởng đi chỉnh tề trên phố lớn thị trấn Lưu. Lý Trọc xoa bụng ợ một phát, thoả mãn đi bên Thọt xưởng trưởng. Nghe thấy tiếng ợ no của Lý Trọc, Thọt xưởng trưởng cười hì hì hỏi anh ta:
- Không phải nấc không khí đâu nhỉ?
- Không phải?
Lý Trọc nói một cách kiên quyết, lưỡi cuốn trong mồm, nhớ lại cái nấc vừa giờ, sung sướng nói với Thọt xưởng trưởng:
- Nấc Tiên, nấc mì Tam Tiên.
Dọc đường Lý Trọc vừa đi vừa nấc mì Tam Tiên. Lúc sắp đến Cục dân chính, Lý Trọc cảm thấy vị nấc trong mồm có vẻ thay đổi, sau khi cuộn lưỡi mấy cái, Lý Trọc nói với Thọt xưởng trưởng một cách đáng tiếc:
- Mẹ kiếp, mì Tam Tiên ăn trước đã tiêu hoá sạch.
- Nhanh thế sao? - Thọt xưởng trưởng ngạc nhiên, quay lại nhìn Lý Trọc hỏi - Vẫn còn nấc phải không?
- Bây giờ nấc mì Dương Xuân - Lý Trọc chùi mồm nói - Mì Dương Xuân ăn sau bây giờ bắt đầu tiêu hoá.
Lúc bấy giờ, ông Đào Thanh đang chủ toạ cuộc họp Cục dân chính, đọc văn kiện đóng dấu đỏ như nhà sư đọc kinh. Nghe thấy ngoài sân có tiếng người ồn ào, quay đầu nhìn qua cửa sổ thấy đứng đầy các anh thọt ngố mù điếc của Xưởng phúc lợi, ông Đào Thanh bỏ tập văn kiện trong tay, chau mày đi ra khỏi phòng họp, gặp ngay Lý Trọc tươi cười bước tới. Lý Trọc nấc một cái mì Dương Xuân, hớn hở bắt tay ông Đào Thanh, sốt sắng nói:
- Thưa Đào cục trưởng, em đã trở về!
Ông Đào Thanh nhìn Lý Trọc mũi tím mặt sưng, đôi tay đỏ lòm như móng lợn kho tầu của Lý Trọc một cách qua loa cho xong chuyện, vẻ mặt nghiêm túc hỏi:
- Trở về là thế nào?
- Em - Lý Trọc giơ tay chỉ vào mũi mình đáp - Trở về Xưởng phúc lợi làm xưởng trưởng!
Lý Trọc vừa dứt lời, bốn anh mù đã dẫn đầu vỗ tay, ba anh dở hơi cũng vỗ tay theo. Năm anh điếc sau khi ngó ngó nghiêng nghiêng cũng bắt đầu vỗ tay. Chỉ có Thọt xưởng trưởng xưởng phó không vỗ tay. Hai anh thọt giơ tay lên lại bỏ xuống. Hai anh Thọt nhác thấy sắc mặt ông Đào Thanh nhăn lại rất khó chịu, không dám vỗ tay.
Ông Đào Thanh sa sầm nét mặt nói:
- Việc gì phải vỗ tay.
Bốn anh mù ngơ ngơ ngác ngác, tiếng vỗ tay thưa dần. Ba anh dở hơi đang hăng hái, không để ý ông Đào Thanh nói gì. Năm anh điếc không nghe thấy, nhìn các bạn mù đang phân vân do dự, các bạn dở hơi vẫn đang vỗ tay rối rít, hai anh bạn điếc thôi vỗ, ba bạn điếc khác tiếp tục vỗ Lý Trọc thấy tình hình xấu đi, vội vàng quay người giơ hai tay lên như nhạc trưởng, lại bỏ tay xuống.
Tiếng vỗ tay lập tức im bặt. Lý Trọc hài lòng quay lại nói với ông Đào Thanh:
- Thôi vỗ tay rồi ạ.
Ông Đào Thanh nghiêm nghị gật đầu, nói thẳng thừng với Lý Trọc, lần trước cậu tự ý bỏ việc là một sai phạm vô cùng nghiêm trọng, đã bị Cục dân chính khai trừ, cho nên không thể về Xưởng phúc lợi làm việc. Nhìn mười bốn anh thọt ngố mù điếc đứng chỉnh tề trong sân, ông Đào Thanh nói với Lý Trọc:
- Xưởng phúc lợi tuy là...
Ông Đào Thanh nói dở chừng, bỏ hai chữ "tàn tật", sửa thành:
- Xưởng phúc lợi cũng là đơn vị nhà nước, không phải gia đình cậu, không phải cậu muốn đi thì đi, muốn về thì về.
- Đúng thế - Lý Trọc gật đầu lia lịa nói tiếp - Xưởng Phúc lợi là đơn vị nhà nước, không phải nhà em, Lý Trọc em coi xưởng là nhà, cho nên em trở về.
- Không được - Ông Đào Thanh nói một cách dứt khoát - Cậu vô tổ chức, coi thường lãnh đạo...
Ông Đào Thanh chưa nói hết, một anh mù đã lên tiếng:
- Lý xưởng trưởng tự ý bỏ đi, là coi thường lãnh đạo, Đào cục trưởng không đếm xỉa đến yêu cầu của chúng tôi là coi thường quần chúng.
Nghe vậy, Lý Trọc hì hì cười thành tiếng. Trông thấy ông Đào Thanh nổi giận đùng đùng anh ta im ngay. Ông Đào Thanh suýt nữa chửi bậy, nhìn những con người tàn tật thọt ngố mù điếc, ông đã nén giận. Ông muốn sai hai anh thọt dẫn anh em về, hai anh thọt đang trốn về phía sau. Ông Đào Thanh biết không thể trông mong vào hai anh chàng này. Ông bảo Lý Trọc:
- Dẫn anh em về.
Lý Trọc lập tức vẫy tay bảo mười bốn anh thọt ngố mù điếc:
- Đi!
Lý Trọc và mười bốn trung thần đi khỏi sân Cục dân chính. Anh ta bảo chưa hết giờ làm việc, sai mười bốn trung thần về xưởng làm việc ngay. Nhìn mười bốn trung thần bước đi một cách lưu luyến tời rạc, trong lòng Lý Trọc đột nhiên cảm thấy đau buồn. Anh ta an ủi các bạn, nói với mọi người:
- Lý Trọc này đã nói là làm, như nước đổ đi không thu lại được. Các bạn hãy yên tâm, mình nhất định sẽ về làm Lý xưởng trưởng của các bạn.
Bốn anh mù khua gậy trúc dò đường nghe Lý Trọc nói như vậy, dừng chân kẹp gậy trúc vào đùi, vỗ tay hoan hô. Hai anh thọt, ba anh ngố, năm anh điếc cũng đứng lại, cùng vỗ tay. Trông thấy các bạn khi vỗ tay quay người lại, hình như định đi, Lý Trọc thầm nghĩ, bọn này tình cảm yếu đuối còn hơn cả Tống Cương, vội vàng vẫy tay giục, rồi sải bước cắm đầu cắm cổ đi xăm xăm không quay lại.
Trong mấy ngày sau đó, Lý Trọc tìm gặp bí thư, chủ tịch huyện, Trưởng ban tổ chức huyện, tìm gặp các quan chức to nhỏ trong huyện tổng cộng có đến mười lăm người, bày tỏ quyết tâm trở lại Xưởng phúc lợi một cách khảng khái và xúc động. Không chờ Lý Trọc nói hết, bí thư chủ tịch huyện và Trưởng ban tổ chức đã sai người tống cổ anh ta đi. Lý Trọc liền thay đổi bộ mặt, tìm gặp mười hai quan chức khác trình bày đi trình bày lại một cách thảm thương. Sau khi nghe Lý Trọc trình bày, mười hai vị quan chức hất cho anh ta mười hai chậu nước lạnh, trả lời cậu ta mười hai chữ "không được" như đinh đóng cột. Bảo anh ta nhà nước có thể chế, người đã bỏ đi không trở lại được. Lý Trọc chửi thầm, mẹ kiếp, thể chế cái quái gì, nghĩ bụng, những kẻ khốn nạn trong chính quyền huyện, rượu mời không uống lại muốn uống rượu phạt. Đã thế thì được rồi, điên tiết lên, Lý Trọc quyết định cho bọn họ uống rượu phạt, bắt đầu biểu tình ngồi. Ngày nào đến giờ làm việc, Lý Trọc cũng đến ngồi lì ở giữa cổng trụ sở uỷ ban huyện, cho đến hết giờ làm việc buổi chiều, anh ta mới cùng mọi người đi về nhà.
Lý Trọc ngồi xếp bằng ở chính giữa cổng uỷ ban huyện, nét mặt tỏ ra lì lợm không chịu thua ai, một người gác cửa muôn người phải tránh lối. Thoạt đầu dân chúng thị trấn Lưu không biết anh ta đang làm gì. Lý Trọc chủ động giải thích với từng người đi qua:
- Tôi đang biểu tình ngồi.
Dân chúng cười hì hì. Họ bảo Lý Trọc ngồi đó uy phong lẫm liệt, chẳng hề có chút nào giống biểu tình ngồi, trái lại giống như hiệp khách đòi trả thù rửa hận trong phim chưởng. Dân chúng góp ý với anh ta, biểu tình ngồi nhất định phải ra vẻ đáng thương, nếu làm gẫy một cánh tay, hay cụt một chân càng tốt. Chỉ cần được Đảng và nhân dân đồng tình, anh ta sẽ được trở lại Xưởng phúc lợi. Nghe góp ý của quần chúng, Lý Trọc hất hàm nói:
- Khỏi cần.
Lý Trọc quay lại nhìn trụ sở uỷ ban huyện ở sau lưng bảo, mình đã ra vẻ đáng thương tìm gặp mười lăm thằng khốn nạn ở trong kia, so với mười bốn anh em thọt ngố mù điếc của Xưởng phúc lợi còn nhiều hơn một người. Anh ta đã nịnh bợ, nói ngon nói ngọt, bày tỏ quyết tâm, vẫn không ăn thua. Anh ta nói với dân chúng một cách kiên định, không còn cách nào khác, đành phải biểu tình ngồi, hơn nữa cứ ngồi tiếp, ngồi cho đến khi bể cạn đá mòn, ngồi cho đến khi trái đất bị huỷ diệt. Nghe lời nói hào hùng của Lý Trọc, dân chúng đồng thanh khen giỏi. Sau đó hỏi Lý Trọc yêu sách thế nào thì mới thôi biểu tình ngồi. Lý Trọc giơ hai ngón tay trả lời:
- Một là cho tôi trở lại Xưởng phúc lợi làm xưởng trưởng, hai là tôi ngồi đến chết.
Lý Trọc quần áo rách rưới, không ăn không uống, khi đi đến uỷ ban huyện biểu tình ngồi, dọc đường bới nhặt đống rác, như chai nước khoáng, vỏ bia, hộp giấy, báo cũ chất đống ở cổng trụ sở uỷ ban huyện. Những người làm việc ở uỷ ban huyện biết Lý Trọc nhặt đồ cũ, cũng nhặt các loại phế thải như báo cũ hộp giấy đem đến cổng vứt cho anh ta. Anh ta biến bãi trống bên cạnh cổng uỷ ban huyện thành một trạm thu mua phế phẩm. Khi ngồi biểu tình ngồi, trông thấy ai cầm báo đi qua, anh ta liền hỏi đọc xong chưa? Quần Chúng bảo đọc rồi, anh ta bảo, vứt cho mình. Khi trông thấy ai uống đồ hộp, nước khoáng, anh ta bảo họ, uống xong vứt cho anh ta vỏ. Có lúc nhìn thấy người đi qua mặc quần áo cũ rách, anh ta bảo:
- Một người có danh phận như cậu, mặc quần áo cũ rách như thế mất thể diện quá, cởi ra vứt cho tớ.
Với Lý Trọc, muốn trở về Xưởng phúc lợi làm xưởng trưởng đã không thành, nhưng anh lại trở thành một kẻ đồng nát. Dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi bắt đầu gọi Lý Trọc là Lý đồng nát. Lúc đầu chỉ là để kiếm miếng ăn, mới bới nhặt đống rác ở dọc đường, nào ngờ về sau vì thế mà thành danh, đã trở thành vua bới rác của thị trấn Lưu chúng tôi, không kém gì vua nhòm trộm mông thời còn nhỏ. Trong nhà dân thị trấn Lưu có thứ gì định vứt đi, đều đến cổng uỷ ban huyện nhắn Lý Trọc đến lấy. Lúc đó Lý Trọc còn đang biểu tình ngồi. Anh ta tỏ ra hết sức nghiêm túc đối với sự nghiệp biểu tình ngồi của mình. Anh ta cẩn thận ghi lại địa chỉ và bảo họ:
- Hết giờ làm việc tôi sẽ đến lấy.