Dịch giả: Vũ Công Hoan
Chương 23

     ự nghiệp buôn bán rác thải của Lý Trọc càng ngày càng ăn nên làm ra. Một năm sau anh ta làm hộ chiếu, có kèm theo thị thực của Nhật Bản. Lý Trọc sẽ nghiễm nhiên sang Nhật Bản, bàn bạc với người Nhật kỹ thuật xử lý rác thải quốc tế. Trước khi ra nước ngoài, Lý Trọc đích thân đi tìm các anh Đồng, Quan và các ông Trương, Vương, Dư, hỏi xem họ có muốn góp cổ phần lần nữa không? Lý Trọc bây giờ không thiếu tiền. Thấy mình sắp sửa giầu thành con tàu dầu vạn tấn, anh nghĩ đến năm bạn góp vốn trước kia, cảm thấy nên tạo cho họ một cơ hội, để họ bước lên con đường cùng giầu có theo bước chân của mình.
Lý Trọc mặc bộ quần áo rách đi đến cửa hiệu lò rèn của anh Đồng, khác với cầm tấm bản đồ thế giới lần trước, lần này Lý Trọc cầm hộ chiếu của mình trong tay, nói với anh Đồng đang rèn sắt mồ hôi nhễ nhại.
- Anh Đồng ơi, anh chưa nhìn thấy hộ chiếu đâu nhỉ?
Anh Đồng lúc này mới chỉ nghe nói đến hộ chiếu, chứ chưa nhìn thấy. Hai tay anh chùi vào tạp dề, nhận hộ chiếu của Lý Trọc xem đi xem lại, vẻ mặt tỏ ra hâm mộ, khi mở ra xem bỗng ngạc nhiên kêu lên:
- Ô! Trong này có dán một tờ giấy nước ngoài?
- Đây là thị thực của Nhật Bản.
Lý Trọc đắc ý nhận lại hộ chiếu, cẩn thận bỏ vào túi áo rách của mình, ngồi xuống chiếc ghế băng hồi nhỏ cậu nghịch trò quan hệ nam nữ. Bắc chân chữ ngũ, anh ta diễn tả một cách hùng hồn viễn cảnh rộng lớn của sự nghiệp xử lý rác thải của mình. Anh ta nói một đất nước Trung Quốc không thể thoả mãn nhu cầu của anh ta. Không biết một thế giới liệu có thoả mãn được anh ta hay không? Anh ta sang Nhật Bản mua trước đã... Anh Đồng hỏi Lý Trọc:
- Mua cái gì?
- Mua rác thải - Lý Trọc nói - Tôi bắt đầu buôn bán rác thải quốc tế.
Sau đó Lý Trọc hỏi anh Đồng có muốn góp vốn lần nữa không? Anh ta bảo mình hiện giờ có cả một sự nghiệp lớn, khác hơn bốn năm trước. Hiện nay nếu anh Đồng muốn tham gia, không phải một trăm đồng một suất mà là một ngàn đồng một suất, cho dù một ngàn đồng một suất, cũng để cho anh Đồng chọn hời lớn. Nói xong, Lý Trọc nhìn anh Đồng ra vẻ thách thức, anh có thích làm hay không?
Nghĩ đến bài học đau đớn lần trước, nhìn Lý Trọc quần áo rách rưới, quả thật anh Đồng không dám chắc. Anh nghĩ bụng, thằng cha khốn nạn, cứ ở lì thị trấn Lưu không đi đâu, thì đúng là đã làm nên một vài việc. Nhưng nếu hắn ta khỏi thị trấn Lưu, không biết liệu có rước họa lớn vào thân? Anh Đồng lắc lắc đầu, bảo mình không góp cổ phần. Anh nói:
- Mình hài lòng với những gì đang có hiện nay, giầu nho nhỏ là được rồi, không cầu mong phát tài lớn.
Lý Trọc cười hì hì đứng dậy, tỏ vẻ "nhân chí nghĩa tận", khi ra đến cửa, lại móc hộ chiếu, giơ lên bảo anh Đồng:
- Tôi bây giờ đã là một chiến sĩ chủ nghĩa quốc tế.
Lý Trọc ra khỏi chỗ anh Đồng thợ rèn, lại lần lượt đến chỗ ông Trương thợ may và Tiểu Quan mài kéo. Ông Trương và Tiểu Quan sau khi nghe Lý Trọc nói về sự nghiệp rác quốc tế, đều tỏ ra ngần ngại không quyết định, hỏi dò xem anh Đồng có góp vốn không? Lý Trọc lắc đầu bảo, anh Đồng vui lòng với mức giầu nho nhỏ, không có chí hướng lớn. Hai vị lập tức bảo, chúng tôi cũng hài lòng với mức giầu vừa phải, cũng không có chí hướng lớn. Lý Trọc nhìn hai bạn góp vốn trước kia một cách đáng thương, gật gật đầu, lẩm bẩm nói một mình:
- Làm một chiến sĩ chủ nghĩa quốc tế, cần phải có dũng khí.
Chân trước Lý Trọc vừa bước ra khỏi, chân sau của ông Trương và Tiểu Quan đã bước vào cửa hiệu lò rèn của anh Đồng, hỏi đến việc góp vốn, anh Đồng chau mày nói:
- Chỉ cần Lý Trọc đi ra khỏi thị trấn Lưu, là mình thấy hoang hoảng. Hơn nữa buôn bán rác thải cũng chẳng phải một con đường đúng đắn.
- Phải đấy - Ông Trương thợ may và Tiểu Quan gật đầu tán thành.
Anh Đồng nhổ toẹt một bãi đờm xuống đất, nói tiếp:
- Hơn bốn năm trước còn là một trăm đồng một suất bây giờ một ngàn đồng một suất, còn bảo hời cho bọn mình. Vật giá của thằng khốn nạn cũng lên nhanh khiếp quá.
- Phải đấy - Ông Trương và Tiểu Quan đồng tình.
- Ngay đến thời kỳ kháng chiến, vật giá cũng không tăng vọt như vậy - Anh Đồng tỏ vẻ bực bội - Bây giờ là thời kỳ hoà bình, thằng khốn nạn vẫn muốn phát tài quốc nạn.
- Phải đấy - ông Trương thợ may và Tiểu Quan mài kéo nói - Thằng khốn nạn.
Lý Trọc gặp ông Vương bán kem trên phố, do anh Đồng, ông Trương, ông Dư và Tiểu Quan tỏ ra lạnh nhạt, nên Lý Trọc chỉ sơ sơ nhắc đến việc góp vốn với ông Vương, hoàn toàn có tính chất chiếu lệ. Nghe Lý Trọc nói, ông Vương bán kem im lặng. Ông cũng nghĩ đến bài học đau đớn lần trước, nhưng ông khác với anh Đồng thợ rèn, ông nghĩ tiếp, nghĩ đến cảnh tượng Lý Trọc trả nợ, dù bị đẩy vào con đường cùng vẫn tìm ra lối thoát. Rồi ông Vương bắt đầu nghĩ đến cảnh ngộ đáng thương của mình, sổ gửi tiết kiệm lúc này đã có một ngàn đồng, nhưng một ngàn đồng chắc chắn không đủ nuôi thân già suốt đời, thôi thì chẳng thà chơi một canh bạc, thua thì thua, dù sao cũng đã sống già nửa đời người. Đứng nhìn ông Vương bán kem cúi đầu suy nghĩ, lâu lắm không lên tiếng, Lý Trọc liền giục:
- Ông có góp không?
Ông Vương bán kem ngẩng đầu hỏi:
- Năm trăm đồng chỉ được một nửa suất phải không?
- Nửa suất cũng hời cho ông rồi - Lý Trọc đáp.
- Tôi góp - ông Vương nghiến răng nói - Tôi góp một ngàn.
Lý Trọc ngạc nhiên nhìn ông Vương nói:
- Không ngờ ông Vương bán kem lại có chí hướng lớn? Đúng là con người không thể nhìn tướng mạo, cũng như nước biển không thể lấy đấu mà đong.
Sau đó Lý Trọc đến chỗ ông Dư nhổ răng. Lúc này ông Dư đang gặp khủng hoảng về nghề nghiệp. Cục y tế huyện thông báo, những vị thầy lang giang hồ như ông Dư đều phải kiểm tra sát hạch, đạt yêu cầu mới cấp giấy phép hành nghề, không đạt yêu cầu phải huỷ bỏ tư cách hành nghề. Khi Lý Trọc đi tới, ông Dư đang bê một quyển sách dầy "giải phẫu học", nhắm mắt đọc thuộc lòng. Ông đọc thuộc nửa câu trên, thì quên nửa câu dưới, mở mắt nhìn rõ nửa câu dưới trong sách, nhắm mắt lại quên nửa câu trên vừa rồi. Mắt ông Dư cứ nhắm vào mở ra liên tục, giống như luyện mắt.
Lý Trọc bước đến nằm khểnh lên chiếc ghế sợi mây của ông Dư. Khi nhắm mắt ông Dư cứ tưởng khách đến nhổ răng, mở mắt ra trông thấy Lý Trọc, ông Dư gập luôn quyển sách, bực tức hỏi Lý Trọc:
- Theo cậu trên đời cái gì mất dạy nhất?
- Cái gì mất dạy nhất ư? - Lý Trọc không biết.
- Thân thể con người mất dạy nhất - Ông Dư vỗ quyển sách trong tay nói - Thân thể con người lành lặn hẳn hoi, chưa kể mọc ra bao nhiêu khí quan, còn mọc ra bao nhiêu là thịt, huyết quản, thần kinh. Dư nhổ răng ta ngần này tuổi đầu, làm sao đọc thuộc được? Cậu bảo có mất dạy hay không?
Lý Trọc gật gật đầu đồng ý:
- Mẹ kiếp, đúng là mất dạy. Ông Dư nhổ răng vô cùng cảm khái, ông bảo mình đi giang hồ hơn ba mươi năm, nhổ không biết bao nhiêu là răng, người người yêu mến, được mệnh danh là người có kỹ năng nhổ răng vào loại số một trong vòng một trăm dặm vuông. Mẹ kiếp, Cục y tế huyện đột nhiên bày ra chuyện kiểm tra sát hạch. Mẹ kiếp, mình khó qua cái ngưỡng cửa này lắm. Ông Dư mắt đỏ hoe, mình một đời tài hoa tên tuổi rút cuộc lại bị lật thuyền trong cống ngầm, ngã sấp mặt trên cuốn sách "giải phẫu học" này. Nhìn dân chúng đi lại trên thị trấn Lưu chúng tôi, ông Dư đau lòng nói:
- Người nhổ răng số một trong vòng một trăm dặm vuông mà dân chúng trố mắt nhìn vào, không còn nữa, đã mất hút.
Lý Trọc cứ cười hềnh hệch suốt. Anh ta đưa tay vỗ vỗ vào mu bàn tay của ông Dư, hỏi ông có muốn góp cổ phần lần nữa không? Ông Dư nheo mắt, cũng toan tính như mấy vị góp vốn, nghĩ đến thất bại lần trước của Lý Trọc, ông
Dư cũng không dám chắc. Nhưng nhìn quyển sách "giải phẫu học" trong tay, ông càng không dám chắc. Suy tính trước sau, ông Dư hỏi dò xem bốn vị Đồng, Trương, Quan, Vương có góp vốn lần nữa không? Lý Trọc bảo ba người Đồng Trương Quan không góp, chỉ có một mình ông Vương bán kem góp vốn. Ông Dư đầy vẻ ngạc nhiên, thầm nghĩ trước kia đã bị mất một lần, mà ông Vương vẫn còn dám góp vốn! ông Dư lẩm bẩm nói một mình:
- Ông Vương bán kem sao lại táo bạo thế?
- Người ta có chí hướng lớn - Lý trọc khen ông Vương một câu, sau đó nói - Ông thử nghĩ, ông Vương là người không có hy vọng gì, đương nhiên hy vọng vào Lý Trọc. Ông Dư nhổ răng nhìn quyển sách trong tay, nghĩ bụng mình cũng không có hy vọng, nét mặt lập tức trở nên hào phóng, ông giơ hai ngón tay nói:
- Dư nhổ răng này cũng có chí hướng lớn, tôi góp hai ngàn đồng, lấy hai suất.
Nói xong ông Dư quăng luôn quyển sách xuống đất, lại còn xéo chân lên, kéo tay Lý Trọc nói một cách xúc động khảng khái:
- Dư nhổ răng này cứ bám chặt cậu Lý Trọc. Cậu Lý Trọc buôn bán rác thải đã làm nổi đình đám, nếu không buôn bán rác thải, mà làm thứ khác không biết cậu sẽ làm ăn đến mức nào, chửa biết chừng làm ra nhà nước cũng nên...
- Tôi không quan tâm đến chính quyền - Lý Trọc xua tay ngắt lời ông Dư.
Ông Dư vẫn đang say sưa, tiếp tục xúc động nói:
- Bản đồ thế giới của cậu đâu? Các điểm chấm tròn trên đó vẫn còn chứ? Dư nhổ răng này sau khi đi theo cậu Lý Trọc phát tài to, nhất định phải đi một lượt những điểm chấm tròn đó.
Khi Lý Trọc sải cánh đại bàng rời khỏi thị trấn Lưu lần thứ hai, vẫn ăn bánh bao nhân thịt ở cửa hiệu điểm tâm của bà Tô. Lý Trọc cắn bánh bao, móc túi áo rách của mình lấy hộ chiếu cho bà Tô xem để mở rộng tầm mắt. Bà Tô sửng sốt cầm hộ chiếu của Lý Trọc xem đi xem lại, bà còn so sánh ảnh chụp trên hộ chiếu với Lý Trọc bằng xương bằng thịt trước mắt. Bà Tô nói:
- Người trong ảnh giống cậu lắm.
- Thế nào gọi là giống hả bà? - Lý Trọc nói - Hắn chính là cháu.
Bà Tô tiếp tục ngắm nghía tấm hộ chiếu không muốn rời tay, ngạc nhiên hỏi:
- Cầm cái này đi sang Nhật Bản được à?
- Đương nhiên - Lý trọc nói rồi lấy lại hộ chiếu trong tay bà Tô, nói với bà - Tay bà bám dầu mỡ.
Bà Tô ngường ngượng chùi tay vào tạp dề. Lý Trọc lấy ống tay áo bẩn của mình lau cẩn thận vết dầu trên hộ chiếu. Nhìn bộ quần áo rách trên người Lý Trọc, bà Tô hỏi:
- Cậu định mặc bộ quần áo này sang Nhật Bản?
- Bà yên tâm, Lý Trọc này không làm mất thể diện dân ta đâu - Lý Trọc phủi bụi trên bộ quần áo rách nói - Đến Thượng Hải cháu sẽ sắm một bộ quần áo tử tế mặc vào.
Lý Trọc ăn no bánh bao, khi ra khỏi cửa hiệu điểm tâm của bà Tô, chợt nhớ đến bốn năm trước, suýt nữa bà Tô góp vốn, cảm thấy cũng nên tạo cho bà một cơ hội. Lý Trọc đứng lại, nói sơ sơ về việc góp vốn lần này. Bà Tô chạnh lòng, nghĩ ngay đến chuyện buôn bán mất vốn lần trước. Bà Tô nghĩ bụng lần trước bà không bị mất tiền là bởi vì bà đi chùa thắp hương. Gần đây cửa hiệu điểm tâm của bà ăn nên làm ra, bận mải tíu tít, đã ba tuần nay bà không đi chùa thắp hương. Bà Tô nghĩ bụng, không đi chùa thắp hương, việc này không làm được, bà lắc đầu bảo lần này không tham gia. Lý Trọc gật đầu một cách đáng tiếc, quay người, bước ra bến xe đường dài thị trấn Lưu chúng tôi. Lần thứ hai, Lý Trọc hiên ngang sải cánh đại bàng.