Dịch giả: Trường Giang Mạnh Vũ
Hồi 32
Chân Đồi Hoàng Hoa Cương, Tưởng Hào Kiệt Táng Đởm
Ven Rừng Tăng Hổ Lâm, Hóa Đại Đạo Lâm Nguy

     hiếu nữ dong dỏng cao, thân hình tuyệt cân đối. Tóc mây búi trần đen lánh, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng mịn như trái đào, mũi dọc dừa, cặp phượng nhỡn long lanh xếch ngược. Nàng vận trường y xanh dương hoa bạc, chân đi ủng võ nhung đen tuyền.
Vừa cạn bình trà thì Lý Tiểu Hoàn bước vào thực phòng, Song Hiệp đứng dậy chào hỏi.
Tiểu Hoàn nói:
- Nhị vị đi đâu bữa nay không đến đây rủ tôi cùng đến võ tràng?
Họ Lý chăm chú nhìn hai người, vẻ ngờ vực lộ hẳn trên nét mặt.
Biết vậy, Lã Mai Nương thản nhiên đáp:
- Hồi sáng vừa ra khỏi quán trọ, bất chợt gặp người bằng hữu đồng hương, thành thử khi chia tay cùng họ thì đã quá trễ, đoán chắc Thái thái đã đi khỏi rồi nên chúng tôi đến thẳng võ tràng vào chỗ thường ngày nhưng đông quá không chen lấn được, đành phải kiếm chỗ khác đứng xem vậy. Tan võ tràng, anh em tôi vội về thẳng đây.
Cam Tử Long góp chuyện:
- Thiệt không ngờ hai anh em Quán trưởng lại dõng mãnh dường ấy. Họ giấu danh diện, nhưng che sao nổi người tinh ý. Số người Tô Châu đứng quanh chỗ chúng tôi đều công nhận hai vị nam nữ hào kiệt đó là anh em Âu Dương. Thái thái đồng ý không?
Lẳng lặng nhìn Song Hiệp giây lâu, Lý Tiểu Hoàn nói:
- Nếu thiệt là anh em Âu Dương thì quả họ giống nhị vị một cách khác thường!... Riêng tôi tưởng là chính nhị vị chờ phút chót mới giấu mặt trổ tài.
Nói đoạn, Lý Tiểu Hoàn vẫn lừ lừ nhìn Song Hiệp nghi ngờ.
Biết vậy, Lã Mai Nương vẫn thản nhiên như không. Nàng cười khanh khách mà rằng:
- Thiệt đó, Âu Dương công tử vóc dáng y hệt gia huynh. Trái lại, Âu Dương tiểu thơ cao hơn tôi chút đỉnh.
Lý Tiểu Hoàn lắc đầu:
- Kim Loan không cao lớn hơn Lã tiểu thơ đâu, tôi nhận xét rõ ràng. Có một điều lạ là giống nhau về vóc dáng đã vậy, chớ hai con tuấn mã, hồng bạch long câu cũng giống nốt sao?
Cam Tử Long nói:
- Chẳng nói chi bạch mã, chớ con hồng mã chu xa đỏ hơn ngựa của tôi nhiều. Vả lại tàu ngựa của họ danh gia như Âu Dương thì thiếu chi màu sắc?
Điều bất ưng ý là hai người đó xuất hiện giữa lúc Đại Hội sắp tàn canh.
Theo thiển ý thì họ bất hợp pháp, giải khôi nguyên về tay Lôi Đại Bàng đại ca mới thiệt trúng lẽ. Ban giám khảo tuyển lịnh nam vào chức đó quả đã nhằm trúng tâm lý mọi người.
Lý Tiểu Hoàn chưa hết nghi ngờ, cải chánh:
- Hoàng Khôn cũng được tuyển ngang hàng, nhị vị bỏ sót rồi!...
Lã Mai Nương đối đáp ngay:
- Chúng tôi biết, nhưng bất bình vì điểm đó. Suy xét kỹ, nếu họ Hoàng phải trổ tài năng trước mọi người, vị tất đã làm nên chuyện? Chính vì được khảo thí sau cùng nên y khôn khéo rút kinh nghiệm ở lịnh nam là kẻ đi bước đầu khó khăn nhứt, mới làm nên chuyện, phải không?
Thấy hai người có vẻ nhiều cảm tình với con trai mình, Tiểu Hoàn hả tâm, bỏ hẳn sự nghi ngờ lúc ban đầu, nàng nói:
- Nói thiệt với nhị vị điều này, nếu hôm nay anh em Âu Dương không xuất hiện, tất không tránh được giao tranh giữa môn đồ hai phái Tây Khương, Võ Đương và Thiếu Lâm.
Lã Mai Nương giả đò ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao vậy? Chắc hẳn không ngoài vấn đề cấp hạng trong Đại Hội nên mới có điều xích mích? Ở trong trường hợp đó, anh em tôi tất cũng không khỏi công phẫn. Nhưng việc đánh bọn Thiếu Lâm có chi cản trợ đâu?
Lý Tiểu Hoàn đáp:
- Anh em Âu Dương là người cao tài, trên sức, vậy hảo hán Tây Khương. Võ Đương không còn lý do phản đối áp đánh môn đồ Thiếu Lâm nữa, e phật ý ban Giám khảo và thiên hạ quan chiêm.
Trong khi ba người đang chuyện trò, chợt Thiết Diện Hổ đẩy cửa bước vào thực phòng.
Y nhìn qua và toan quay trở ra luôn thì Lý Tiểu Hoàn đã gọi lớn:
- Thiết thúc thúc, người quen thân cả mà, xin cứ tùy tiện ngồi chơi.
Không biết làm thế nào hơn, Thiết Diện Hổ đành đến chỗ ba người đang ngồi:
Y gượng gạo bảo họ Lý:
- Tôi tưởng quý vị đang nói chuyện nên trở ra.
Tiểu Hoàn nói:
- Riêng tây gì đâu! Đang bàn tán câu chuyện Quần Hùng Đại Hội.
Nói đoạn, nàng chỉ Song Hiệp giới thiệu với Thiết Diện Hổ:
- Lã thiếu gia và bảo muội, bằng hữu thân giao. Và đây Thiết Diện Hổ thúc thúc, sư đệ của cố gia phụ.
Hết sức điềm nhiên tuy không ưa lối giới thiệu của Lý Tiểu Hoàn, Thiết Diện Hổ làm bộ trách:
- Chà! Lý nương tử quen miệng giới thiệu mãi, hình như gặp nhau trong khách sạn này cả rồi mà!
Nói đoạn y cúi đầu chào Song Hiệp, Cam, Lã cũng thản nhiên đáp lễ, nhưng mừng thầm câu nói vô tình của Lý Tiểu Hoàn đã giúp hiểu thêm một điểm:
Thiết Diện Hổ là môn đồ Tây Khương.
Ngoài ra giọng nói ồm ồm của gã nhắc nhở Cam Tử Long nhớ lại một...
người thời xa xưa.
Nhác nhìn sư huynh nàng, Lã Mai Nương hiểu ngay tâm trạng lúc bấy giờ của họ Cam. Nàng nói:
- Từ ngày khởi hành lên Tô Châu, anh em tôi may mắn kết giao toàn nhân vật Tây Khương, Võ Đương. Riêng bên Thiếu Lâm, chúng tôi chỉ mới quen vỏn vẹn có ba người.
Thiết Diện Hổ nhìn Lã Mai Nương không chớp mắt, gã hỏi:
- Ba người nào vậy, Lã tiểu thơ?
- Ba anh em Phương Thế Ngọc. Gặp họ hôm rồi trong tửu quán, gia huynh làm quen cho rộng đường quen biết, nhưng thất vọng vì xét thấy họ kiêu căng lắm.
Thiết Diện Hổ tò mò:
- Anh em họ Phương có bình luận gì không tiểu thơ?
Mai Nương thản nhiên không hề để ý đến sự Thiết Diện Hổ chăm chú nhìn nàng và cố ý ngọt giọng một điều tiểu thơ, hai điều tiểu thơ. Nàng cốt ý nói chuyện để cho Cam Tử Long đủ thì giờ nhận xét gần nét mặt gã.
- Thưa tiên sanh, dĩ nhiên không ngoài những lời bình phẩm sai lạc ganh tị về Quần Hùng Hội và nhiều vấn đề khác nữa, nhắc lại làm chi những lời tiểu kỷ thêm nhàm tai. Có một điều là...
Nói tới đây, Mai Nương cố ý ngập ngừng vì nàng chợt nghĩ ra một mưu kế sau khi nhác thấy Cam Tử Long kín đáo khẽ gật đầu, tỏ ý chàng đã nhận chân được sự gì về Thiết Diện Hổ.
Quả nhiên Thiết Diện Hổ vội hỏi:
- Có điều chi hả Lã tiểu thơ?
Mai Nương đáp:
- Anh em Phương gia mà bất cần. Họ bàn nhau vào du ngoạn Hoàng Thạch Cương trong khi họ biết rằng, nếu bất chợt gặp các hào kiệt Tây Khương, Võ Đương thì sẽ không tránh nổi xung đột.
Hiểu ý Mai Nương, Tử Long hùa thêm:
- Trong trường hợp của họ, chắc chúng tôi không bao giờ dám dại dột khinh thường như vậy.
Thiết Diện Hổ nhìn Lý Tiểu Hoàn, đoạn cười hềnh hệch:
- Bọn Phương gia vào Hoàng Thạch Cương, tất sẽ có các môn hữu Thiếu Lâm đi theo, họ không e sợ là phải.
Lý Tiểu Hoàn hỏi Song Hiệp:
- Hoàng Thạch Cương ở đâu? Từ hôm đến Tô Châu, tôi chưa du ngoạn nơi nào cả.
Lã Mai Nương lắc đầu:
- Chúng tôi cũng không biết.
Thiết Diện Hổ nói:
- Hoàng Thạch Cương ở phía Tây Bắc cách Tô Châu chừng sáu bảy dặm đường. Ở đó có dấu tích ngôi cổ tự thời chiến quốc, cây cỏ xanh tươi, lạ một điều là đá núi vàng khè. Hiện thời, nhiều điền chủ khai khẩn trồng cúc vàng nên người ta còn gọi là Hoàng Hoa Cương... Lã thiếu gia và tiểu thơ có nghe nói chừng nào họ du ngoạn nơi đó không?
Cam Tử Long đáp:
- Hình như là ngày mốt thì phải. Đại Hội vừa kết thúc, tiệc tùng xong, mọi người sẽ ra về hoặc trọ lại các quán khác, họ sẽ rảnh rang thăm thú thắng cảnh Tô Châu.
Phiếm đàm thêm vài câu nữa, Thiết Diện Hổ cáo từ hữu sự ra khỏi thực phòng.
Lý Tiểu Hoàn lưu Song Hiệp lại dùng bữa chiều. Hai người vui vẻ nhận lời ngay.
Trong khi họ Lý lên lầu thay áo, Lã Mai Nương hỏi nhỏ Cam Tử Long:
- Chuyến này thiệt rõ mặt Thiết Diện Hổ, sư huynh thấy thế nào?
- Hoàn toàn giống. Cặp mắt hung bạo dữ dằn, tiếng nói ồ ồ, bộ râu quai nón mà y cạo nhẵn chân râu còn xanh lè. Hơn nữa, y là một môn đồ Tây Khương, nghĩa là biết sử dụng giáo Trường Sà, ngọn giáo đặt trên bàn thờ gia phụ...
Chàng cảm động chớp mắt luôn mấy cái rồi nhìn qua cửa sổ.
Mai Nương nói:
- Vừa rồi tiểu muội bày đặt câu chuyện anh em Phương Thế Ngọc du ngoạn Hoàng Thạch Cương, sư huynh thấy Thiết Diện Hổ chú ý đấy chớ?
- Có, y theo đuổi chắc không ngoài vấn đề xúi bọn Tây Khương hay Võ Đương đón đánh môn đồ Thiếu Lâm, cốt ý tiếp tay gây ngọn lửa thù giữa các võ phái đó. Nếu thiệt gã là Tăng tặc đạo thì việc gã hợp tác với Hòa Thân làm Mật vụ viên quả rất hạp.
Cho tới nay ngu huynh chấp nối các tin tức mà chúng đã lượm lặt được trong khi theo đuổi gã ở Hoa Bắc, thấy nhiều điểm chỉ rõ Tây Thiền Tự và Thiết Diện Hổ chỉ là một nhân vật.
Mai Nương nói:
- Không hiểu vì lý do gì, tiểu muội cảm tưởng như Lý Tiểu Hoàn bị Thiết Diện Hổ chi phối. Tên mật vụ viên này dính líu vào vụ Lôi Lão Hổ trấn Vô Địch Đài năm ngoái ở Hàng Châu cũng chưa biết chừng.
- Dính líu bằng cách nào?
- Chẳng hạn gã theo lịnh Càn Long bỏ tiền bạc ra mua chuộc vợ chồng Lôi Lão Hổ. Hoàng kim hắc thế tâm, vợ chồng họ Lôi lòa mắt, quên cả hậu quả nguy hiểm, nhận làm một việc hết sức phi lý là trấn Vô Địch Đài, ngông cuồng thách thức anh hùng thiên hạ đến nỗi phải bỏ mạng.
Bản lãnh trung hạng, đảm nhiệm một trọng trách bất tương xứng, tiểu muội tin chắc vợ chồng họ Lôi bị thúc đẩy, không ngoài vấn đề tham bạc.
- Sư muội nói phải. Có lẽ Lôi Đại Bàng biết việc mà song thân y đã làm, nên có vẻ thẳng thắn hồn nhiên hơn...
Lý Tiểu Hoàn từ trên lầu xuống, tươi cười hơn hồi nãy.
Dùng bữa xong, Cam, Lã cáo từ Tiểu Hoàn đến thẳng Tiểu Hà Đình vào Nguyên Diệu Tự ra mắt Chiêu Dương thiền sư trình bày việc nhận xét về Thiết Diện Hổ.
Lã Mai Nương thưa:
- Bạch sư phụ, sở dĩ đệ tử bày đặt câu chuyện ba anh em Phương Thế Ngọc ngày mốt sẽ viếng Hoàng Thạch Cương là cốt ý xem phản ứng của Thiết Diện Hổ như thế nào.
Nếu ngày đó bọn Tây Khương, Võ Đương phục kích tất nhiên là do tên Thiết Diện Hổ bày đặt ra cả, và ta có thể hiểu rõ rằng những vụ xích mích, hiềm thù từ trước đến nay giữa các võ phái đều do tên mật vụ viên đó gây nên.
Y là người Hán, gây cảnh nồi da xáo thịt, bất kể tình đồng chủng, đồng giới, thì dẫu y là Tăng Tòng Hổ hay không, trước võ giới và dòng giống Hán tộc, y cũng là kẻ có tội đáng trăm thủ.
Chiêu Dương từ tốn:
- Hai hiền đồ nên thận trọng trong vụ này. Nên nhớ rằng ngoài Thiết Diện Hổ, còn có cả Lý Tiểu Hoàn biết chuyện Hoàng Thạch Cương. Nếu quả sẽ có trận phục kích tại đó, Lý Tiểu Hoàn cũng có thể bị nghi là kẻ đã nhúng tay tổ chức trận phục kích.
Đỡ lời Lã Mai Nương, Cam Tử Long thưa:
- Chúng đệ tử nhận xét đã rõ ràng, Lý Tiểu Hoàn bị Thiết Diện Hổ đứng hàng thúc bá chi phối. Ngoài ra nàng không hành động gì được hơn, bởi lẽ còn vướng Lôi Đại Bàng.
- Hai hiền đồ tính sao?
Cam Tử Long nói:
- Xin sư phụ bàn tự sự với Sư Trưởng Tung Sơn Thiếu Lâm lo cho việc Hư thành Thiệt.
Chiêu Dương mỉm cười:
- Nghĩa là ngày mốt, ba anh em Phương gia sẽ du ngoạn Hoàng Thạch Cương làm mồi cho trận phục kích của Tây Khương, Võ Đương?
- Dạ. Nhưng xin thỉnh toàn thể các Đại Sư cùng các môn đồ các phái hiện diện tại Tô Châu tới Hoàng Thạch Cương. Nhơn dịp này, chúng đệ tử muốn phanh phui căn nguyên vụ xích mích giữa ba phái Thiếu Lâm, Tây Khương, Võ Đương để chấm dứt các cuộc lưu huyết, hiềm thù vô ích.
Chiêu Dương nghiêm nét mặt:
- Sao các con dám tin chắc rằng sẽ có trận phục kích ở Hoàng Thạch Cương mà dám đặt lời thỉnh cả các Đại Sư? Nếu câu chuyện bất thành, ta sẽ mang tiếng hấp tấp quá tin các hiền đồ...
Lã Mai Nương thưa:
- Bạch sư phụ, cách đây ba bữa, thiếu chút nữa thì đã xảy ra xung đột giao phong lớn ngay trong Anh Hùng Quán giữa Tây Khương, Thiếu Lâm nếu anh em Âu Dương Tòng Lân không ngăn cản kịp. Sau đó môn đồ nghịch phái còn tính gây giao tranh ngay sau cuộc khảo thí chót tại võ tràng. Vậy không lẽ họ nào bỏ lỡ cơ hội không phục kích tại Hoàng Thạch Cương là nơi vắng vẻ rất tiện cho sự xung đột. Dám mong sư phụ tin ở sự tính toán hiểu biết của đệ tử và Cam sư huynh.
Cam Tử Long tiếp lời Mai Nương:
- Bạch sư phụ, nếu chúng đệ tử dự đoán chỉ có môn đồ nghịch phái không thôi thì không khi nào dám thỉnh đến hàng Đại sư. Trái lại đệ tử nghi rằng Bạch Mi, Phùng Đạo Đức và cả Thạch Phủ Kính cũng sẽ đích thân quan sát trận phục kích.
Bởi vậy, sự hiện diện hàng Đại Sư tại Hoàng Thạch Cương rất cần sau khi chúng đệ tử phanh phui sự thật.
- Giờ nào chúng ta cần tới Hoàng Thạch Cương? Và chỉ định nơi nào?
Hoàng Thạch Cương rộng lớn vô cùng.
- Kể từ giờ Mùi. Từ Tô Châu vào đó qua Tăng Hổ Lâm và trung tâm điểm là đồi Hoàng Thạch, khu hoang tàn của ngôi cổ tự Âm Hồn. Người nên thận trọng kẻo gặp ba vị Sư trưởng nghịch phái trước, e hư đại sự.
- Được, hiền đồ an tâm. Nếu đạt được mục đích, chấm dứt được vụ hiềm khích, Bắc Phái Sơn Đông sẽ được tăng thêm uy tín trong võ giới vì hai hiền đồ.
Như trưa nay tại võ tràng, các Đại sư không ngớt lời khen ngợi hai con.
- Thưa sư phụ, các Đại sư cũng đoán là...
Chiêu Dương ngắt lời:
- Sao lại không! Sá chi cái trò Thiềm Thừ Thoát Xác đó? Với niên tuổi, sức lực chúng ta có phải nhường các ngươi, nhưng thần trí còn tinh tường, suy rộng ra sẽ lược đoán được ngay tự sự.
Cam, Lã nhìn nhau, lẳng lặng biệt Thiền sư về quán trọ.
Vừa về tới Thúy Lan Đình thì thấy nhân viên trong quán và các người lối phố hãy còn đứng đông đảo bàn tán xôn xao quanh đó.
Cam Tử Long hỏi chủ quán:
- Có sự chi vậy, tiên sanh?
Chủ quán đáp:
- Vừa rồi có ba đại hán qua nơi ngã ba đường kia, bỗng gặp một tráng sĩ nữa cũng chợt đi tới. Quanh quẩn không hiểu vì lẽ gì, vị tráng sĩ chỉ mặt một trong ba đại hạn mắng lớn:
- A! Tên đại đạo này mấy năm nay biệt tích, ngờ đâu mi lẩn lút ở Tô Châu!
Đại hán kia cũng không kém, mắng lại:
- Đồ mãng phu tục tử này đui hay sao mà lầm lộn cắn quàng như chó dại vậy? Mi là thằng nào, gặp ta bao giờ mà dám xằng bậy quàng xiên?...
Hai bên toan xô vào ẩu đả, nhưng hai đại hán kia ngăn cản không để hai bên xung đột. Giữa lúc ấy vị Tham chánh quan đi kiệu qua, quân lính theo hầu khá đông, dân phố phải tản cả sang bên lề đường. Nhờ lúc xáo trộn đó, ba đại hán bỏ đi mất, còn vị tráng sĩ kia đuổi theo tìm quanh không thấy, đành trở lại chỗ cũ.
Nhìn Lã Mai Nương, Cam Tử Long mỉm cười hỏi chủ quán:
- Tiên sanh ngồi quầy hàng, mà sao nghe rõ đôi bên mắng nhau?
Chủ quán vội đáp:
- Thưa quí khách, tôi đi coi buổi cuối cùng Đại Hội, mải theo bằng hữu bàn tán mãi bây giờ mới về, tới ngã ba gần nhà thì vừa lúc xảy chuyện.
Mai Nương nói:
- A! Đi coi Quần Hùng Hội hào hứng lắm hả!
Chủ quán nhăn nhó mà rằng:
- Thưa tiểu thơ đông quá, người như nêm cối, tôi mập lùn thành thử không sao len lách nổi, đành đứng ngoài nghe người ta hò reo, bàn tán dự thính vậy.
Ghê gớm lắm và hào hứng vô cùng!
Thấy chủ quán phóng đại, Song Hiệp nhìn nhau cố nhịn cười.
- Này, tiên sanh, cớ sao nhiều người còn quanh quẩn đây và nhìn ngó vào quán nhà thế?
Vỗ trán, chủ quán đáp:
- A! Tôi quên khuấy đi mất, mải nói chuyện Đại Hội, vị tráng sĩ gây chuyện hồi nãy, hiện đang ăn uống trong quán phòng. Nhiều người hiếu kỳ dòm ngó, tôi phải van mãi họ mới chịu tản đi. Đã vậy mà thôi đâu, còn e ba đại hán kia kéo cánh tới đây đánh lộn thì thiệt hại cho nhà hàng biết bao!
- Tráng sĩ ngồi nơi nào?
- Thấy đông người dòm ngó, vị ấy ngồi trong góc phòng trong. Người vận võ phục nâu sẫm, có bọc hành lý và kè kè thanh đơn đao to bản là chính đó.
Song Hiệp vào Thúy Lan Đình.
Lã Mai Nương bảo Cam Tử Long:
- Sư huynh thắc mắc về hai tiếng đại đạo nên muốn gặp vị tráng sĩ ấy để hỏi thăm phải không?
- Quả thế. Ngu huynh thấy nóng ruột lạ lùng, nên muốn hỏi rõ cho an tâm.
Nào, ta vào thực phòng nghen?
Mai Nương lẳng lặng gật đầu.
Qua phòng ngoài, Song Hiệp vào tới phòng trong. Thực khách giờ đó đã thưa thớt, nguyên vì Thúy Lan Đình là một đại khách sạn chuyên nấu ăn cho khách trọ nên thực khách ngoài ít khi lui tới. Còn khách trọ thường dùng bữa sớm, bởi vậy giờ đó mới thưa người.
Đang ăn uống thư thả, tráng sĩ áo nâu thấy cặp nam nữ thanh niên sắc khí hào hùng, bèn kín đáo ngước mắt nhìn qua rồi lại rót rượu uống tự nhiên.
Song Hiệp quan sát thấy tráng sĩ trạc ngoại tam tuần, mày ngài hàm én, để râu ba chòm vàng khè cắt ngắn, vóc người khá cao lớn, vận võ phục nỉ màu nâu thẫm, chân dận ủng cổ ngắn da đen. Bộ võ phục rất hạp với sắc da màu bánh mật dầy dạn phong trần.
Tửu bảo vội kéo ghế mời Song Hiệp:
- Nhị vị hôm nay về trễ. Để con đi sửa soạn cơm rượu.
Cam Tử Long bảo:
- Ngươi lấy chìa khóa mở cửa, bày thồi trên phòng cho tươm tất, nghe. Ta không muốn ngồi đây hôm nay.
Nói đoạn, chàng cùng Mai Nương tiến tới thồi tráng sĩ cúi chào.
Tráng sĩ vội đẩy ghế đứng lên đáp lễ, ngạc nhiên nhìn Song Hiệp chằm chằm.
Cam Tử Long nói:
- Xin lỗi quấy rầy tôn huynh, phải chăng chính tôn huynh vừa mới đuổi ba mãnh hán nào đó ở ngã ba đường gần đây?
Nghiêm nghị, tráng sĩ đáp:
- Phải, chính tôi. Nhị vị là ai? Muốn hỏi điều chi?
Cam Tử Long hạ giọng:
- Chúng tôi họ Lã có điều cần muốn nhờ tôn huynh chỉ dẫn, nhưng nói chuyện tại nơi công cộng này e bất tiện. Vậy xin thỉnh tôn huynh lên lầu đồng ẩm, được không? Chúng tôi trọ tại đây.
Tráng sĩ sẽ mỉm cười:
- Hân hạnh được nhị vị chú ý tới. Tôi họ Tề vẫn sẵn sàng nhận lời. Trên đời này giúp được nhau là quý, vả lại tôi cũng trọ lại đây đêm nay.
Thấy tráng sĩ họ Tề tánh tình hào sảng, Cam, Lã mừng rỡ đi trước dẫn đường. Tráng sĩ bỏ bữa ăn dở, xách bọc hành lý và cầm đơn đao theo sau.
Ba người vừa ra khỏi thực phòng thì gặp chủ quán, khiến lão ta ngạc nhiên trố mắt nhìn quên chớp.
Cam Tử Long nháy lão chủ quán mà rằng:
- Tôi mời quý khách nghỉ lại đây đó, vậy khá sửa soạn một phòng trên lầu.
Nghe nói khách trọ lại, chủ quán mừng rỡ quên cả ngạc nhiên, hối nhân viên lên lầu sửa soạn phòng ốc tươm tất.
Tên tửu bảo đang bày thồi ăn trong phòng Song Hiệp, đèn thắp sáng trưng.
Để bọc hai thanh trường kiếm lấy ở Nguyên Diệu Tự về xuống đầu giường, Cam Tử Long mời tráng sĩ an tọa. Chàng hối tửu bảo:
- Đem đủ thực vật lên rồi ra ngoài, chừng nào cần ta sẽ hỏi, nghe?
Tửu bảo vâng dạ lui ra. Lát sau ba người đồng ẩm, Song Hiệp ăn uống cầm chừng cốt ý tiếp khách.
Tử Long nói:
- Chẳng giấu gì tôn huynh, thấy chủ quán nói rằng tôn huynh đuổi một tên đại đạo nào đó, mà hiện thời chúng tôi cũng đang truy tầm một tên độc đạo, vậy người của tôn huynh tên gì, thuộc hạng nào?
Tráng sĩ đáp:
- Câu chuyện dài lắm, chỉ vắn tắt thôi. Tôi là người Sơn Đông, ở Yên Châu trấn giáp giới Giang Tô...
Nghe đến đây, Lã Mai Nương vội ngắt lời tráng sĩ:
- Xin lỗi, tôn huynh họ Tề, cư ngụ tại Yên Châu trấn, vậy có thân thuộc gì với một vị đại tiên sinh họ Tề đồng trấn không?
Tráng sĩ giương cặp mắt sáng ngời, hỏi:
- Lã tiểu thơ chỉ định tiên sinh Tề Tưởng Bình phải không?
Song Hiệp khẽ gật đầu.
- Tề Tưởng Bình là tôi. Chẳng hay thực danh nhị vị là chi?
Đẩy ghế đứng lên, Song Hiệp vái họ Tề mà rằng:
- Anh hùng ở ngay trước mắt mà không nhận ra, quả thiệt đại lỗi.
Tề Tưởng Bình vội đáp lễ, khiêm nhượng:
- Kẻ hèn mọn này có gì đáng để nhị vị chú ý?
Cam Tử Long nói:
- Lã Mai Nương sư muội đây là bào điệt của Đại sư Lã Tứ Nương còn tôi họ Cam tên Tử Long.
Tề Tưởng Bình xá dài:
- Trời ơi! Tôi mới chính là kẻ hữu nhỡn vô ngươi! Thì ra nhị vị đại hảo đồ Bắc phái Sơn Đông. Năm ngoái về thăm gia sư Chu Thiên Võ ở Lão Sơn, tôi được diện kiến lịnh sư vân du qua đó. Trong thời gian ở Lao Sơn, thiền sư có nói tới nhị vị và hỏi thăm tên độc cước đại đạo khét tiếng độc ác trong giới giang hồ lục lâm nhứt là miền Vạn Lý Trường Thành, họ Tăng tên Tòng Hổ, tước hiệu Hắc Sát Cô Thần. Tôi đã thưa chuyện hầu Thiền Sư...
Cam Tử Long nói:
- Dạ, gia sư có nhắc lại việc đó và chúng tôi năm ngoái có qua Yên Châu trấn tìm yết kiến tôn huynh, nhưng người nhà cho hay rằng tôn huynh áp tải hàng hóa đi Khai Phong phủ. Chúng tôi ở lại trấn một ngày rồi xuống Giang Nam...
Tiêu sư Tề Tưởng Bình hỏi:
- Nhị vị vẫn theo đuổi tên lục lâm đại đạo Tăng Tòng Hổ?
- Dạ, chừng nào trảm thủ cấp nó mới chấm dứt cuộc truy tầm.
- Thì hồi nãy, tôi mới nhận ra nó đi với hai mãnh hán, có lẽ cũng hạng bất hảo!
Song Hiệp giựt mình nhìn nhau, nghĩ thầm rằng đã ngờ oan Mật vụ viên Thiết Diện Hổ. Hồi lâu, Mai Nương hỏi Tề Tưởng Bình:
- Hình dáng gã thế nào? Trang phục ra sao?
Tề tiêu sư không do dự:
- Da mặt đen sần sùi, diện mạo tối ư độc ác, mắt lồi, mũi lớn, trước kia để râu quai nón xồm xoàm, nay nó cạo nhẵn nhưng nhận được ra ngay. Thân hình lực lưỡng trượng phu, hạng dõng mãnh đại lực, tuổi trạc,...
Một lần nữa, không ai bảo ai, Song Hiệp cùng thốt ra một tiếng:
- Ủa!
Tề tiêu sư nói tiếp:
- Nếu nhị vị chưa từng trông thấy gã bao giờ, khó nhận diện lắm, nhứt là gã bỏ võ phục, vận theo lối hào phú, thương gia. Thiếu bộ râu, gã trẻ thêm năm sáu tuổi, nhưng giấu sao được vết thẹo trắng lợt sau đuôi mắt!
Nhìn Lã Mai Nương, Cam Tử Long kêu rộ lên:
- Ồ! Vết theo đuôi mắt! Đúng là Thiết Diện Hổ rồi!
Lã Mai Nương mày phượng xếch ngược, đấm hai tay vào nhau:
- Chà! Tên Hắc Sát Cô Thần này, hai lần tội chồng chất. Phản quốc hại dân, gây cảnh nồi da xáo thịt, võ giới tương tàn! Ám hại Cam lão bá, phục kích một vị lão anh hùng trong khi song đấu, phạm luật thách đấu của Võ giới.
Cam Tử Long sắc diện đỏ nhừ, dằn giọng:
- Ngu huynh thề quyết moi gan, xé ruột tên hèn mạt, ác tà, quen dùng nọc độc phun người, băm nó thành cám mới hả lòng!
Tề Tưởng Bình không khỏi kinh ngạc trước sự phẫn nộ lôi đình của hai tay đại hiệp môn đồ Bắc phái.
Phút giận dữ đã qua, Cam Tử Long ôn tồn tả phác qua mối phụ thù mà chàng đeo đẳng mười mấy năm trường đằng đẵng cho Tề tiêu sư nghe.
Chàng nói tiếp:
- Tôn huynh cũng theo đuổi tên Tăng đại đạo?
- Không, sự hiềm thù giữa y và tôi không đáng kể. Bảy năm trước đây, y lừa cướp của phiêu cuộc một chuyến hàng lớn, trong khi tôi mắc bận không đích thân áp tải được chuyến đó. Nhưng tiêu sư phụ thuộc tôi nhận được mặt nó. Về sau, hỏi thăm mãi, mới biết nó đã bỏ Hoa Bắc xuống Hoa Nam, không ngờ nó luẩn quất đất Tô Châu!...
Lã Mai Nương nói:
- Gã không lẩn quất ở Tô Châu đâu! Hiện thời gã là Mật vụ viên đắc lực của Thanh đình và đang đảm nhiệm một nhiệm vụ nặng nề!...
Tề Tưởng Bình cười gằn:
- Một công hai việc, nó muốn đổi lốt tặc đạo để đánh lạc đường kẻ thù đầy rẫy chớ gì!
Trước kia nó giết người cướp của, nay nó phản quốc hại dân, tựu chung chỉ để phụng sự cái nhân độc ác, phản bội đáng khinh, đáng bỉ của nó, phải không?
Lưỡi gươm công lý, Tề mỗ này xin nhường nhị vị xứng đáng hơn.
Lã Mai Nương hỏi:
- Hồi nãy, tên đại đạo đó đi với hai mãnh hán hình dáng thế nào, tôn huynh nhớ không?
Nghĩ ngợi giây lát, Tề tiêu sư đáp:
- Cao lớn lực lưỡng như nhau, râu quai nón, trạc non hay ngoại tam tuần chút đỉnh, một người sắc diện ngăm ngăm đen, một người vàng ệch, chắc là đồng bọn lục lâm hắc đạo.
Mai Nương nhìn Cam Tử Long mà rằng:
- Cao Tấn Trung và Mã Hùng, không còn ai vào đó nữa?
Tử Long gật đầu:
- Trúng hình dáng, diện mạo hai tên đó rồi.
Không hiểu, Tề tiêu sư hỏi:
- Nhị vị nói sao?
Cam Tử Long giải thích:
- Tên mặt vàng sần đó là Cao Tấn Trung và tên mặt ngăm đen là Mã Hùng.
Cả hai đều là cao đồ phái Tây Khương, lực cử ngàn cân, võ nghệ công phu đáng liệt vào hàng danh thủ thời nay.
- A! Nếu hồi nãy chúng không lảng tránh, thì có lẽ tôi đã lâm vào cảnh cô thế rồi! Tăng Tòng Hổ thuộc hạng lợi hại và giàu kinh nghiệm, mưu mô xảo quyết nhứt mực. Thế ra, hầu hết hảo thủ môn đồ của Bạch Mi lão sư hành nghề độc cước đại đạo.
Lã Mai Nương nói:
- Không phải vậy. Ngoại trừ tên họ Tăng, hai người kia đến Tô Châu dự Quần Hùng Đại Hội. Câu chuyện dài lắm, sư huynh tôi sẽ kể vắn tắt cho tiêu sư nghe.
Tiếp lời Mai Nương, Tử Long thuật qua vụ xích mích từ lâu giữa các võ phái và mới đây, nhờ quan Tổng đốc Tô Châu chàng mới biết rằng ban Mật vụ của vua Càn Long, nhứt là Thiết Diện Hổ tức Tăng Tòng Hổ, nhúng tay nhóm ngọn lửa giao tranh để các võ phái tàn sát lẫn nhau.
Hiểu chuyện, Tề Tưởng Bình gật gù nói:
- A, ra thế đó. Xong vụ này, nhị vị nhứt cử lưỡng đắc, thành công cả hai phương diện, không những đem hòa bình lại cho ba phái Thiếu Lâm, Võ Đương, Tây Khương mà còn trả được mối đại thù nung nấu tâm can mười mấy năm trường.
Cam Tử Long nói:
- Sau mấy năm theo đuổi truy tầm thù nhân, tôi không ngờ kết quả đến dồn dập cả lúc này. Nhưng tôi... tôi e Tăng Tòng Hổ bị động chiều nay, tìm đường đào tẩu ngay chăng?
Tề Tưởng Bình lắc đầu, cả quyết:
- Thế thì nhị vị chưa hiểu tên đại đạo họ Tăng chút nào. Khi nó chưa biết đích danh, đích diện thù nhân thì nó còn trốn tránh, sợ bị đánh bất ngờ. Nhưng một khi nó biết rõ danh, diện, địa chỉ thù nhân rồi, thì thế nào cũng lần tới tìm cách tiêu diệt cho kỳ được kẻ địch mới chịu thôi. Đó là tâm địa của phường tiểu nhân độc ác hơn mãng xà, mãnh thú. Nếu nó biết tôi trọ đây, trước sau chỉ một vài bữa là thế nào nó cũng trổ tài phi thiềm tẩu bích, đến tận nơi ám hại bằng đủ mọi phương cách.
Suy ngay vụ nó lập tâm ám hại lịnh phụ, Cam lão anh hùng và vụ nó rình rập chờ trúng buổi tôi không áp tải hàng hóa là nó trổ nghề cướp liền thì biết. Nó là một con độc xà, không còn lấy một mảnh nhân tâm, nguy hiểm tột bực.
Ba người ăn uống, chuyện trò hồi lâu nữa mới tan. Tề tiêu sư cáo biệt, trở về phòng an nghỉ.
Sai tửu bảo dọn dẹp xong, Song Hiệp cũng sửa soạn nghỉ ngơi...
Canh ba đêm ấy vừa điểm trên vọng lầu dinh Tổng đốc, ánh trăng cuối tháng yếu ớt mờ ảo không xuyên qua nổi lớp sương thu rắc lên toàn thành Tô Châu như một màn phấn lam mờ. Lá khua xào xạc dưới làn gió thu rợn lạnh thổi từng cơn.
Toàn thành Tô Châu miên man trong giấc điệp, ngoại trừ những nơi trà đình, kỷ thất là hãy còn ánh đèn le lói, đờn địch ca vang.
Từ phía Thiết Xa Nang, một bóng dạ hành khách phi hành vùn vụt trên các dãy mái nhà, qua hết dãy này đến dãy khác.
Dạ hành khách đã có chuẩn đích, thông đường biết lối, nên chạy một mạch, lúc hiện chập chờn như bóng ma, đến thẳng khu lộ Linh Võ miếu mới dừng bước dưới một cành lá um tùm nhận xét.
Ngôi lữ quán Thúy Lan Đình sừng sững cao hơn hết trong dãy phố, với những nếp mái cong cong mờ ảo trong nền trời sương phủ màu lam.
Bỏ chỗ núp, dạ hành khách cả quyết băng mình qua mươi nóc nhà nữa, phi thân đáp mình nhẹ nhàng như tàu lá rụng trước ngọn thu phong xuống từng mái thứ nhứt Thúy Lan Đình, và từ đó, dạ hành khách nhảy vút lên từng mái thứ nhì, nhón nhén vượt qua lan can vào hành lang.
Nghe ngóng, tìm tòi giây lát, dạ hành khách dường như không đắc ý, bước lên thành lan can đoạn nhảy vút lên bám lấy gù mái xây bằng sứ xanh. Đu mình hai vòng lấy trớn, dạ hành khách bật lộn toàn thân nằm sấp ngay trên mái trên cùng nhẹ nhàng êm ru...
Đang ngủ chập chờn, Trại Nhiếp Ẩn Lã Mai Nương chợt lắng tai nghe.
Nàng lẹ làng tung mền, với tay lấy thanh Yểm Nhựt trường kiếm trên đầu giường, ngồi dậy, buông chân xuống thành giường xỏ cặp hài thêu mỏng gót, định ý đánh thức sư huynh nàng ở giường trong góc bên kia phòng thì Thôi Sơn Thái Bảo Cam Tử Long cũng đã trỗi dậy như nàng, trong tay lăm lăm cầm thanh báu kiếm Huyền Tiễn.
Trong ánh đèn dầu khêu nhỏ mờ ảo, Song Hiệp không ai bảo ai mà cùng giơ tay ra hiệu chỉ ra phía cửa, đoạn chỉ ngược lên mái nhà. Đồng ý, cả hai cùng gật đầu.
Nhón nhén êm ru, Cam Tử Long lẹ tay tắt hẳn ngọn đèn dầu leo lét để trong góc phòng, trong khi Lã Mai Nương áp tai vào cửa sổ nghe ngóng.
Giây lát, nàng hất hàm lên mái ra hiệu cho sư huynh nàng, đoạn nhẹ tay mở cửa sổ không một tiếng động, rồi nhảy vút ra ngoài hành lang trước, Tử Long theo sau, với tay khép cánh cửa lại.
Kẻ trước, người sau, Song Hiệp lẹ bước đi vòng hành lang quan sát, tay buộc nối dải trường kiếm đai quanh ngực...
Giữa lúc đó, ở phía đầu mái nhà bên kia, dạ hành khách cũng vừa đủ mình nằm rạp lên mái ngói óng.
Với cặp tai hữu luyện, thính giác có thể phân biệt được cả tiếng chân mèo, Song Hiệp vội vàng ngừng bước, vận dụng công phu thần khí, băng mình như hai chiếc nhạn qua lan can ra mái ngoài, rồi từ đó phi thân lên mái trên, chủ ý đánh tập hậu dạ hành khách, mà hai người cùng ngờ là tên độc cước đại đạo Tăng Tòng Hổ tìm đến Thúy Lan Đình ám sát tiêu sư Tề Tưởng Bình.
Song Hiệp vừa lên tới đỉnh mái nhà, thì dạ hành khách còn đang nằm sấp dưới dốc mái. Không hiểu vì đặt tai sát xuống mái nên nghe được bước chân người phía sau hay linh tánh, dạ hành khách vội vàng quay phắt người lại, đứng hẳn lên, đồng thời rút đơn đao soạt một tiếng.
Cùng lúc đó, Mai Nương, Tử Long rút trường kiếm, lưỡi báu kiếm long lanh, kiếm khí xanh lè phản chiếu ánh trăng mờ lạnh toát.
Lẹ làng hơn, Song Hiệp lẳng lặng hoa báu kiếm đánh trước, thủ vi hiệp công, làn kiếm quang rít lên nghe rợn tóc gáy.
Bản lãnh cũng không vừa, dạ hành khách vội vàng phóng mình ra xa bên phía hữu, thủ thế chờ khởi công.
Giữa khi đó, nhờ ánh trăng chiếu thẳng vào mặt dạ hành khách, Song Hiệp nhận ra là... Lôi Đại Bàng. Và đồng thời, đặc biệt cũng nhận ra Song Hiệp, chàng vội xua tay ra hiệu ngừng chiến, nói nhỏ:
- Tôi, đặc biệt đây! Là bạn chớ không là thù. Hữu sự cần kíp, thỉnh nhị vị theo tôi ra xa cho tiện nói chuyện.
Dứt lời, chàng tra đao vào vỏ.
Lã Mai Nương đưa tay chỉ sang phía tả, tỏ ý mời Lôi Đại Bàng đi trước.
Tức thì Lôi hảo hán băng mình chạy trước, Song Hiệp theo sau. Cả ba cùng hòa mình vào trong màn sương phủ kín.
Lôi Đại Bàng và Song Hiệp vừa đi khỏi, thì một bóng đen nữa nhảy vút lên mái nhà, tay cầm đơn đao sáng quắc, đưa mắt nhìn quanh, sẵn sàng tác chiến.
Đó là tiêu sư Tề Tưởng Bình.
Họ tề đi quanh mái quan sát, nghĩ thầm:
- Rõ ràng ta nghe thấy tiếng khí giới tuốt ra sột soạt, kiếm khí rít lên như gió, lại hình như có tiếng người thì thào... Hừ, chúng biến đâu cả rồi? Lẹ quá!...
Đứng trên nóc, quan sát khắp chung quanh hồi lâu không thấy động tĩnh, Tề Tưởng Bình mới trở về phòng, không khỏi cười thầm:
- Nguy thiệt! Mai Nương, Tử Long ngủ say đến mức này thì mong thành đại sự sao được?
Rót ly trà nóng uống, họ Tề ngồi thừ trên kỷ, suy nghĩ càng thấy nóng ruột hơn, yên trí kẻ gây tiếng động vừa rồi là Tăng Tòng Hổ và thế nào tên đại đạo đó cũng trở lại nữa, bèn trở ra nhón nhén đến phòng Song Hiệp gõ nhẹ lên cánh cửa tới hai, ba lần, không thấy động tĩnh, nên đành cắp đao núp trong bóng tối hành lang chờ.
Nói về Song Hiệp theo Lôi Đại Bàng, chuyền trên các mái nhà, ra khỏi khu phố đến công viên trước Linh Võ Miếu, mới dừng lại dưới một gốc đại thụ cành lá um tùm.
Đại Bàng chắp tay thi lễ:
- Xin lỗi khinh động nhị vị giữa đêm hôm khuya khoắt và rất phục nhị vị rất đỗi thính tai. Sự kiến này đủ chứng tỏ rằng bản lãnh công phu nhị vị thập phần điêu luyện...
Cam Tử Long ngắt lời:
- Sá chi chuyện đó, Lôi đại ca biết nơi chúng tôi trú ngụ và biết được cả số phòng mới đáng bực danh tài!
Hiểu là hai anh em họ Lã (Đại Bàng chưa biết tên thiệt của Song Hiệp) nghi ngờ mình, Đại Bàng vội giải thích:
- Tài giỏi chi đâu! Nhị vị hẳn còn nhớ rằng đã có lần cho gia mẫu biết nhị vị tạm trú trên lầu Thúy Lan Đình. Gia mẫu mới cho tôi biết địa chỉ lúc sẩm tối, khi tôi tới thăm.
Song Hiệp im lặng nghe. Đại Bàng nói tiếp:
- Hình như nhị vị đã nói lộ cho gia mẫu biết việc ba anh em Phương Thế Ngọc, qua ngày mốt sẽ du ngoạn Hoàng Thạch Cương?
Lã Mai Nương gật đầu:
- Có như vậy.
- Và nhị vị đã giáp tiếp một người là Thiết Diện Hổ?
- Đúng! Có cả lịnh mẫu ngồi đó. Thiết Diện Hổ cáo từ đi trước.
- Chính vì lẽ ấy, mà đêm nay tôi tới tiếp xúc với nhị vị. Số là Thiết Diện Hổ, vốn thù ghét các môn đồ Thiếu Lâm, nhứt là ba anh em Phương Thế Ngọc...
Cam Tử Long ngắt lời:
- Phương Thế Ngọc là kẻ tử thù của đại ca mà!...
Lôi Đại Bàng cười lạt:
- Nhị vị chưa hoàn toàn hiểu tâm trạng tôi nên mới vội nói như vậy. Sau này, nếu có dịp thuận tiện, tôi sẽ tâm sự về vụ Phương Thế Ngọc đả lôi đài, nhị vị sẽ hiểu tôi hơn.
Giờ đây, tôi xin vắn tắt. Khi cáo từ ra đi, Thiết Diện Hổ liên lạc với các môn đồ Tây Khương, dự tình phục kích anh em Phương gia tại Hoàng Thạch Cương.
Cao Tấn Trung, Mã Hùng ngỏ lời mời tôi, Phùng Huy Hạ và các bằng hữu Võ Đương dự trận. Vì lẽ còn vướng Phùng sư phụ, tôi và Huy Hạ phải ngoài mặt ưng thuận.
Mặt khác, sau khi bàn tính với Phùng Huy Hạ, tôi lẻn đến Thúy Lan Đình báo vụ phục kích, yêu cầu nhị vị hành động làm thế nào cản ba anh em Phương gia để họ hủy bỏ cuộc du ngoạn Hoàng Thạch Cương tránh trận giao tranh lưu huyết vô ích. Nên nhớ rằng, Thiết Diện Hổ và Cao, Mã thỉnh luôn cả một số môn đồ Không Động hiện diện tại Tô Châu tiếp tay.
Lã Mai Nương hỏi:
- Sao Lôi đại ca không báo thẳng cho phe Tung Sơn có tiện hơn không?
- Nhị vị lộ chuyện đó với gia mẫu thì tôi căn cứ vào nhị vị mới phải lẽ chớ!
- Kế hoạch phục kích thế nào?
- Tôi chưa vào khu Hoàng Thạch Cương bao giờ, nhưng theo như Thiết Diện Hổ hoạch định, đoàn phục kích ẩn trong khu rừng trước đồi Hoàng Thạch, chờ bọn Phương gia đi qua, họ sẽ theo và khởi chiến trong một ngôi chùa hoang tàn trên đồi. Phần Phùng Huy Hạ và tôi sẽ tùy cơ ứng biến, nhưng không dám bảo đảm về tư cách hay hành động của các môn đồ Võ Đương.
Cam Tử Long nói:
- Cám ơn Lôi đại ca đã nhận định được sự phải trái, báo tin. Chúng tôi sẽ thông báo cho bên Phương gia.
Lôi Đại Bàng nhắn thêm:
- Tôi mong rằng bọn Phương Thế Ngọc bỏ ý định du ngoạn Hoàng Thạch Cương là hơn hết. Như vậy tôi giữ được cảm tình giữa đôi bên.
- Lôi đại ca khá an tâm, không xảy ra chuyện lưu huyết đâu. Tôi muốn hỏi đại ca một điều.
Lôi Đại Bàng thẳng thắn:
- Xin cứ nói.
- Đại ca có hiểu chi về vụ lịnh cố thân phụ thiết lập Vô Địch Đài năm ngoái tại Hàng Châu không?
- Không. Nhưng tôi nhận thấy nhiều điểm vô lý trong vụ đó.
- Nếu vậy, đại ca liệu lời hỏi thân mẫu xem có uẩn khúc gì chăng?
- Xin lãnh ý, thôi ta chia tay, tôi trở về Thiết Xa Nang.
Nói đoạn, Lôi Đại Bàng vòng tay cáo biệt, chạy vụt vào trong màn sương đêm dày đặc.
Ra khỏi công trường Linh Võ Miếu, Song Hiệp theo đường cái chạy về Thúy Lan Đình.
Kẻ trước người sau, hai người vượt tường lên chuyền lên thượng lầu. Vừa đặt chân xuống hành lang thì bỗng nhiên một bóng đen xô ra cử đơn đao toan chém.
Lẹ như cắt, Song Hiệp thoái luôn mấy bộ và nhận ngay ra Tề Tưởng Bình.
Đồng thời, tiêu sư họ Tề cũng chợt nhận ra Lã Mai Nương, Cam Tử Long.
Mai Nương hỏi nhỏ:
- Sao tiêu sư lại núp ở đây đón chém chúng tôi vậy?
- Xin lỗi. Tôi không chú ý và tưởng nhị vị còn ngủ say. Thế ra hồi nãy là...
- Phải, có khách dạ hành tới đây và chúng tôi đuổi theo.
- Phải chăng là Tăng Tòng Hổ?
- Không, đó là một người bạn.
Nói đoạn, Mai Nương thuật sơ vụ mới xảy ra cho Tề Tưởng Bình nghe.
Sáng hôm sau, Song Hiệp dậy trễ, điểm tâm xong cùng Tề Tưởng Bình qua chùa Nguyên Diệu yết kiến Chiêu Dương thiền sư và trình bày cho Người biết việc Lôi Đại Bàng đến Thúy Lan Đình đêm qua.
Lúc ở chùa trở ra, Cam Tử Long bảo Tề tiêu sư về lữ quán trước, e lỡ gặp Thiết Diện Hổ thấy ba người đồng hành thì hư cả cơ mưu hoạch địch, còn Song Hiệp nhàn rỗi, định đến Lưu gia khách sạn gặp Lý Tiểu Hoàn để dò xét tình hình.
Khi vừa tới Đông Môn, giữa cảnh người xuất nhập thành khá đông đảo, thì vừa có ba viễn khách phụ nữ, một người cưỡi mai hoa lư, hai người cưỡi ngựa, trang phục gọn gàng, lưng đeo khí giới đi tới. Cả ba cùng nhìn tòa nhà Hồng Vân Lai lữ điếm sừng sững ở bên tả thành môn.
Người cưỡi lừa nói với hai bạn đồng hành những gì không rõ, nhưng họ nhìn cả về phía dãy phố, nơi Song Hiệp lúc đó đứng xây lưng lại, và đang mải ngắm tiệm bán các thứ võ khí tân, cổ.
Thiếu nữ, một trong hai người cưỡi ngựa, trao cương cho bạn đồng hành, rồi thoăn thoắt băng qua đường đến thẳng chỗ Song Hiệp.
Lã Mai Nương, Cam Tử Long bỗng quay ngoắt người lại, nhìn trừng trừng.
Thiếu nữ cung bái mà rằng:
- Hai năm nay khao khát tái ngộ, bây giờ mới gặp nhau đây! Nhị vị đại hiệp còn nhớ tôi không?
Song Hiệp tươi cười đáp lễ. Mai Nương nói:
- Chao ôi! Lâm Hồng Vân hiền muội đây mà! (Coi hồi thứ, Lâm Hồng Vân là ái nữ vị tiêu sư Lâm Diên Khánh, hữu danh tại Đồng Quan, Thiểm Tây). Bá mẫu đâu mà độc hành như vậy?
Chỉ tay về phía hai người còn ngồi trên ngựa và mai hoa lư, Lâm Hồng Vân nói:
- Ở đằng kia, gia mẫu và...
Thiếu nữ chưa dứt lời thì Mai Nương đã reo lên:
- A, sư huynh coi kìa, Lã đại sư cùng đi với Cầm Đại Nương bá mẫu. Ta đến đó đi.
Tới nơi, Song Hiệp toan hành đại lễ chào Hồng hiệp Lã Tứ Nương nhưng Đại sư đã khoát tay bảo:
- Ngoài đường sá, hai con hà tất dùng đại lễ.
Nói đoạn, Lã Tứ Nương và Cầm Đại Nương xuống lừa, ngựa. Song Hiệp vái chào Đại sư và thi lễ cùng lão bà họ Cầm.
Lã Tứ Nương hỏi:
- Hai con tới Tô Châu lâu chưa? Trọ ở đâu? Thầy đang kiếm lữ quán đây.
Cam Tử Long nói:
- Thưa đại sư, chúng con trọ tại Thúy Lan Đình, lộ Linh Võ Miếu, rộng mát vừa ý lắm. Còn Thiền sư ở chùa Nguyên Diệu cùng Đại sư Liễu Bá Nhân và các vị Sư trưởng khác.
- A! Chiêu Dương đạo hữu cùng ở Tô Châu à? Nguyên Diệu Tự đủ chỗ ở không?
- Thưa Đại sư, rất rộng rãi, tĩnh mịch.
Lã Tứ Nương bảo hai mẹ con họ Cầm:
- Cầm thái thái và Hồng Vân trọ với Cam, Lã. Tôi đến Nguyên Diệu Tự cần gặp các Đại sư.
Trong khi đi đường đến chùa Nguyên Diệu, Lã Mai Nương phác thuật mọi sự cho cô mẫu nghe. Sau đó, nàng hỏi:
- Điệt nữ nghe cô mẫu đi với vợ chồng Lã Nguyên sư thúc, cớ sao lại đồng hành cùng Cầm bá mẫu và Lâm thơ thơ?
Lã Tứ Nương đáp:
- Chính vì việc của hai người đó mà Lã Nguyên lên Bạch Vân Tự kiếm ta.
Câu chuyện dài lắm và cũng chưa xong, ta sẽ nói chuyện sau. Cam Tử Long sẽ giúp đỡ một tay, nhưng phải lo cho rồi vụ Thiết Diện Hổ đã, kẻo lại mất công tìm kiếm.
Lã đại sư bảo Cam Tử Long:
- Ta rất mừng cho hiền đồ sắp đạt được mục đích báo thù. Công phu khổ luyện trên mười năm trời và mấy năm phiêu bạt giang hồ, lòng chí hiếu của hiền đồ quả đã thấu tới Cửu trùng. Báo thù xong, hiền đồ mới an tâm rảnh trí, có nhiều thì giờ chú trọng tới việc xã hội nhân quần.
Cam Tử Long thưa:
- Đệ tử có đạt... (...) Tứ Nương mỉm cười nhìn Song Hiệp, Lã Mai Nương đỏ mặt, suýt thầm Cam Tử Long khéo đa ngôn, đoạn tảng lờ nói chuyện với Lâm Hồng Vân, Lã đại sư nói:
- Gặp các hiền đồ ở đây là một sự may cho Lâm mẫu (chỉ Cầm Đại Nương) và Hồng Vân. Hai hiền đồ có thể thay thế ta, và vì Lâm gia ra tay một chuyến nữa.
Năm người vừa đi vừa trò chuyện, bất giác đã tới Nguyên Diệu Tự.
Cam Tử Long vào chùa báo với Chiêu Dương và các vị Đại sư ra đón tiếp Hồng y đại hiệp Lã Tứ Nương. Sau đó, Song Hiệp dẫn hai mẹ con Lâm mẫu về Thúy Lan Đình lấy phòng trọ.
Mọi việc xong xuôi, Mai Nương, Tử Long đến lộ Túy Tiên Đình, vào Lưu gia khách sạn tìm Lý Tiểu Hoàn, nhưng viên quản lý lữ quán cho biết họ Lý đã ra phố từ sớm.
Cam, Lã ra về, vừa đi tới trước đình Túy Tiên thì gặp Thiết Diện Hổ đi kiệu trở về.
Thấy mặt kẻ thù, Cam Tử Long cố gắng lắm mới nén nổi cơn lôi đình.
Chàng muốn nhảy bổ tới hô đích danh tên lục lâm đại đạo, nhắc lại hận xưa và băm vằm tên hung thủ ra làm muôn mảnh.
Biết vậy, Lã Mai Nương nói nhỏ:
- Sư huynh cố nén tâm nghen. Bất cẩn lộ giận dữ chút xíu là đủ hư đại sự.
Thiết Diện Hổ xuống kiệu, niềm nở chào hỏi:
- Nhị vị kiếm Lý nương tử phải không?
Lã Mai Nương vội đáp:
- Không may cho anh em tôi quá, Lý thái thái đi vắng mà câu chuyện lại khá cần.
- Tiểu thư có thể nhắn tôi cho khỏi mất công qua lại.
Mai Nương giả đò nhìn Cam Tử Long ra vẻ ngần ngại.
Thiết Diện Hổ hỏi luôn:
- Phải chăng câu chuyện thuộc phạm vi ba anh em Phương gia?
Tử Long đáp:
- Chính vậy. Trưa mai vào hồi giờ Ngọ, họ sẽ vào tới Hoàng Thạch Cương.
Vì cảm tình, việc Lý nương tử cũng như việc của chính chúng tôi, nên muốn báo cho nương tử biết để tùy nghi định đoạt.
Thiết Diện Hổ tươi cười mà rằng:
- Tôi sẽ thông báo cho Lý nương tử. Thú thiệt tôi cũng tò mò muốn theo dõi xem Lý nương tử đối xử với bọn Phương Thế Ngọc ra thế nào. Có lẽ rất gay go.
Tiếc rằng, không thể dự đoán Lý nương tử hành động ra sao.
Chàng bèn tương kế tựu kế, bảo Thiết Diện Hổ:
- Sáng mai, chúng tôi sẽ vào Hoàng Thạch Cương, du ngoạn luôn thể.
E sự hiện diện của hai người làm vướng cơ mưu phục kích ấn định vào ngày mai, ngăn cản thì phi lý, bất tiện, Thiết Diện Hổ đành nói:
- Nếu thế thỉnh nhị vị qua đây, sớm mai ta cùng vào Hoàng Thạch Cương luôn thể.
Chỉ chờ có thế, Cam Tử Long nhận lời ngay. Thành thử Thiết Diện Hổ chủ ý mời Cam, Lã cùng đi cho tiện bề kiểm soát, ngờ đâu trái lại, y lại bị hai người kiểm soát, mất hết lối thoát.
Song Hiệp cáo biệt ra về. Thiết Diện Hổ nhìn theo tới lúc hai người khuất hẳn mới lững thững trở về Lưu gia khách sạn.
Về phòng, mở toang cửa sổ nhìn qua hành lang xuống nơi mà y vừa gặp Song Hiệp trước Túy Tiên Đình, Thiết Diện Hổ nheo cặp mắt độc dữ nham hiểm, lẩm bẩm một mình:
- Thiếu nữ trông thiệt vừa mắt, tiếc rằng bộ tịch nó có vẻ cương cường, dõng mãnh. Trong đời, không biết bao nhiêu phụ nữ đã qua tay ta rồi, quả tình chưa có lấy một người nào hạp nhãn đủ mọi phương diện như nàng này.
Hừ! Nhưng lúc nào cũng có anh nàng kề kề bên cạnh, thì còn mần ăn chi được nữa!
Lẩm bẩm đến đây, Thiết Diện Hổ bỗng cảm thấy khó chịu, cởi tung nút áo, liệng chiếc trường y lên thành kỷ. Y chắp hai tay ra sau lưng, đi đi lại lại trong phòng như con mãnh thú, mắt trợn trừng từng, cặp mi chổi xể nhíu lại, hung ác dữ tợn!
Trong căn phòng vắng vẻ này, y hiện nguyên hình là một con ác thú đáng để người ta trăm phần khinh tởm. Gã lẩm bẩm nói tiếp với một giọng hằn học:
- Hừ! Ngày mai hạ xong bọn họ Phương, ta sẽ xuất kỳ bất ý, cho thằng anh nàng một nhát, sau đó sẽ liệu cách chiếm đoạt tấm thân ngà ngọc kỳ mỹ của nàng.
Nàng sẽ trổ võ chống cự ư? Hà!... Hà!... Hà!... Phụ nữ dầu tài giỏi cũng chẳng được bao hơi sức! Trên đời này, đã mấy đứa được dõng mãnh như con sư tử cái trên võ tràng mà e sợ? Đạt sở thích dập hoa vùi liễu xong, ta sẽ tặng luôn cho nó một nhát để nó theo anh nó cho rồi đời.
Đáng tiếc thiệt! Tiếc cho bông đào mơn mởn, đáng lẽ phải được khách thưởng hoa nâng niu chiều chuộng, chẳng may lại gặp tay ta là một con người không thích cảm tình. Hơn nữa, nghề nghiệp của ta bắt buộc ta không được có cảm tình!...
Ngừng bước, Thiết Diện Hổ ngồi phịch xuống bành kỷ, hai chân duỗi dài, nhắm mắt lại tưởng tượng đến tấm thân đều đặn, tuyệt đẹp của thiếu nữ họ Lã, nhưng khuôn mặt quả cảm, tuấn tú của vị thanh niên tráng sĩ bỗng hiện ra trong trí gã, khiến gã giựt mình, mở choàng mắt ra.
Đưa mắt liên láo, Thiết Diện Hổ nhìn quanh căn phòng rộng rãi, bái trí lịch Sự trang nhã, tưởng tượng như có kẻ nào đang rình rập, tìm hiểu đời tư bỉ ổi của gã.
- Kỳ thay! Khuôn gặp của tên họ Lã này quen thuộc quá chừng. Hình như ta đã có lần gặp y ở đâu rồi! Nhứt là cặp mắt xếch ngược sáng ngời, chiếc mũi dọc dừa thẳng tắp, cằm vểnh ngược xẻ đôi quả cảm. Rõ ràng là từng gặp y rồi!
Nhưng ở đâu, trong trường hợp nào?...
Thừ người ra hồi lâu, cố gợi trong trí nhớ bóng hình vị thanh niên mãnh hán quen thuộc ấy, Thiết Diện Hổ chợt nhớ ra hai anh em họ Lã có cặp trường kiếm.
Hắn nghĩ:
Ta muốn coi đó là thứ kiếm gì mà chúng cẩn trọng, giữ khư khư có vẻ quý báu lắm. Được rồi mai sẽ hay, thế nào ta cũng gạn chúng phải đưa kiếm cho ta coi.
Suy nghĩ chán chê, Thiết Diện Hổ sang phòng Hòa Thân.
Viên Thị lang Trưởng ban mật vụ đang ngồi bên kỷ đăm chiêu, nhìn chiếc đèn lục lăng ở giữa căn phòng, nét mặt khó đăm đăm.
Đã thuộc tánh nết như từ lâu, Thiết Diện Hổ biết vị thượng cấp của y đang nghĩ lung lo lắng, và lo lắng về sự gì, y thừa hiểu.
Thấy Thiết Diện Hổ vào phòng, viên Trưởng ban mật vụ không buồn nhúc nhích. Lẳng lẳng, Thiết Diện Hổ kéo ghế ngồi xuống bên án thơ. Không khí trong phòng trở nên khó thở, nặng nề.
Hồi lâu, Hòa Thân mới trườn mình ngồi ngay ngắn lại, buông sõng mấy câu:
- Không ngờ công việc đã gây lớn đến thế rồi mà hỏng cả. Tôi có cảm tưởng như viên Tổng đốc đại trấn này không thiệt tâm mặc sức cho bọn môn đồ đối phái hoành hành như Ban mật vụ yêu cầu.
Thiết Diện Hổ nói:
- Dầu sao, y cũng phải nghĩ tới một đại hội tổ chức thường niên thấu đáo mà bỗng dưng lại lộn xộn, mang tiếng với toàn trấn chớ.
Hòa Thân cau mặt:
- Có lẽ y đặt danh tiếng của y lên trên cả lịnh Hoàng đế chăng? Phải tâu vụ này lên nhà Vua mới được!
Thiết Diện Hổ phản đối:
- Không nên. Quan Tổng đốc có đủ lý lẽ tự bào chữa. Môn đồ ba đối phái đã sửng sốt, chưng hửng trước cuộc biểu diễn kinh hồn của hai hảo thủ kỳ tài.
Hơn nữa, trước sự hiện diện của hai kỳ thủ sau cùng, họ mất hết quyền hành động, bởi lẽ nếu phản đối thì họ tranh tài cùng hai hảo thủ vô địch, chớ lý nào họ tự đánh lộn với nhau. Nhưng dầu sao, cớ sự chưa đến nỗi nào...
Nghe vậy, Hòa Thân quay phắt người lại, nhìn nhân viên trực thuộc mà rằng:
- Tướng quân nói sao?
- Trưa mai, sẽ có một trận giao tranh nẩy lửa trong Hoàng Thạch Cương.
- A! Chúng đưa nhau vào khi hiểm địa đó tàn sát chăng?
Thiết Diện Hổ cười mũi:
- Làm chi có chuyện tự nhiên như vậy, nếu không có bàn tay tổ chức!
Hòa Thân sung sướng ra mặt, đứng vùng lên vỗ vai Thiết Diện Hổ mà rằng:
- Đó là mối đại công của tướng quân. Tôi sẽ trình bày với Thánh thượng sự tận tâm, tận lực, lòng trung thành vô bờ bến của tướng quân mới được.
Hà!... Hà!... Khá lắm. Tôi muốn mục kích trận giao tranh lưu huyết đó.
Thiết Diện Hổ cản:
- Không nên! Đại nhân nên ngồi nhà chờ báo tiệp thì hơn. Tội chi vô nơi hoang vắng, chuốc lấy sự nguy hiểm làm chi?
- Trong khu Hoàng Thạch hiện thời nhiều gia chủ đã khai khẩn, lập trang trại, chăn nuôi, trồng chỉa cơ mà!
- Đúng thế, nhưng họ không ở hẳn ngay khu hoang tàn cổ tích đồi Hoàng Thạch, cách đó còn một đồi đường dài khá xa.
Im lặng hồi lâu, Hòa Thân hỏi:
- Lực lượng nào phục kích? Và phục kích ai?
- Võ Đương, Tây Khương được môn đồ Không Động trợ lực sẽ tàn sát ba anh em Phương Thế Ngọc. Trong trường hợp ba tên đó đã cùng đồng bọn thì sức mạnh vẫn ngã về phe này vì đông hơn nhiều. Tôi cả quyết thế nào cũng... có kẻ bỏ mạng tại chỗ. Như vậy, chương trình hành động của ta vẫn tiến triển mạnh mẽ như thường.
Sung sướng cười ha hả, cặp mắt một mí ti hí híp hẳn lại. Hòa Thân xoa tay:
- Tối mai, chúng ta phải tới kỹ viện bắt các mỹ nữ Tô Châu chuốc một bữa rượu mừng thiệt say, mới được! Tướng quân nghĩ sao?
Dứt lời, Hòa Thân lại nheo mắt cười khì khì. Y không lạ gì tánh hảo ngọt của viên tướng trực thuộc y, nhứt là buổi đến Tô Châu, luôn luôn bận rộn, chưa hôm nào rảnh rang mua vui nơi kỹ viện, thưởng thức sắc khuynh thành của gái đẹp Cô Tô.
Thiết Diện Hổ lặng thinh, chẳng phải gã không ưa chương trình du hí của Hòa Thân, nhưng hai tiếng mỹ nữ đã vô tình nhắc nhở gã nhớ tới sắc nước hương trời của vị giai nhân tuyệt mỹ hào hùng họ Lã.
Hừ! Con người đó mới xứng danh anh thư tuyệt sắc chớ!... Ngày mai, ngày quyết liệt. Tây Khương thắng, Thiết Diện Hổ này cũng thắng! Chỉ một đao chớp nhoáng, tên thanh niên tráng sĩ họ Lã sẽ thành quỷ không đầu, và ngọc mỹ nhân kia sẽ nằm gọn trong cánh tay cứng như sắt của gã giữa cảnh rừng cây hoang vắng, mặc sức gã thả hồn trong giấc mộng Vu đài...
Tưởng tượng đến đây, Thiết Diện Hổ thở dài khoan khoái khiến Hòa Thân không khỏi ngạc nhiên:
- Chi vậy?
Thiết Diện Hổ lắc đầu, bí mật:
- Không có gì cả!...
Nói đoạn, gã đứng lên đi ra lối cửa phòng. Hòa Thân dặn với:
- Tôi đi có việc tối nay chờ tôi cùng ra phố dùng bữa nghen.
Nói về Lý Tiểu Hoàn, sáng hôm đó đến Anh Hùng Quán thăm Lôi Đại Bàng Và tính chuyện xử sự sai khi Đại Hồi Quần Hùng bế mạc.
Vốn đã có ý riêng, Lôi Đại Bàng mời Tiểu Hoàn tới một nơi vắng vẻ ngoài hậu viên đàm đạo. Chàng nói:
- Trên đời này, con còn một mình mẫu thân cũng như mẫu thân còn một mình con là người thân tình nhứt. Những điều con sắp hỏi đây, yêu cầu mẫu thân thành thực thẳng thắn trả lời cho con được hay, may ra mới tìm nổi con đường chân chánh quang minh chính đại mà noi theo...
Lý Tiểu Hoàn ngạc nhiên, nhìn chằm chằm chàng mãnh hán, con trai độc nhứt của nàng:
- Ủa! Con định nói gì vậy?
- Con định nói rằng mẫu thân nên bộc lộ cho con được tỏ tường những điều thắc mắc, buồn phiền từ năm ngoái, lúc thân phụ con thiết lập lôi đài, mạt sát công khai, khinh thường anh hùng thiên hạ.
Lý Tiểu Hoàn cúi đầu nhìn mũi hài, nín thinh.
Lôi Đại Bàng nói tiếp:
- Sự liên lạc giữa thúc thúc Thiết Diện Hổ và...
Giựt nẩy mình, Lý Tiểu Hoàn quắc mắt nhìn Lôi Đại Bàng:
- Hay cho tên súc sanh! Ngươi dám đem tâm nghi ngờ mối liên lạc giữa thúc thúc và ta sao?
Biết là mẹ nóng tánh hiểu lầm. Đại Bàng vội ôn tồn:
- Xin mẫu thân chớ nóng nẩy, hãy kiên tâm nghe con hết lời đã nào! Con muốn nói rằng Thiết Diện Hổ có liên can gì vụ song thân thiết lập Lôi đài ở Hàng Châu không? Liên can bất cứ về phương diện gì, xin mẫu thân nói thật con nghe.
Lý Tiểu Hoàn lặng thinh, nhìn đám cỏ tiên xanh mướt trên ngọn giả sơn trước mắt.
Đại Bàng nói tiếp:
- Con để ý ngay từ thuở trước khi được lịnh hạ sơn xuống Quảng Châu.
Thiết Diện Hổ luôn luôn săn đón, chăm chú nếu không gọi thẳng là can thiệp vào các vụ lôi đài. Tại sao? Vì quyền lợi gì? Chắc mẫu thân thừa hiểu lý do nào thúc đẩy Thiết Diện Hổ hành động như vậy.
Phụ thân đã mạng vong vì trấn đài, ngoại tổ vì Mai Hoa Thung. Chính mẫu thân cũng mấy phen lân vòng nguy hiểm tới tánh mạng vì theo đuổi một mối thù, mà con thấy không đích đáng.
Nếu đích thiệt quả có sự suy tính lầm lẫn, mẫu thân vẫn còn đủ thì giờ tính toán là để được ssống điều hòa như trước. Vậy sự thật thế nào thưa mẫu thân?
Lý Tiểu Hoàn rơm rớm nước mắt:
- Phải chăng vì con có ý kiến riêng nên ngay từ ngày đầu tiên đến Tô Châu, mẹ nhận thấy con không hiệp tác chặt chẽ với Cao Tấn Trung, Mã Hùng?
- Quả vậy, con không chối cãi. Ngoài ra, con rất chú ý đến sự hiện diện của Thiết Diên Hổ từ trước đến nay. Y đã giúp ta được những gì? Hoàn toàn không.
Kẻ chủ tâm giúp sức, ít nhứt phải như các môn đồ Tây Khương. Đằng này trái lại, Thiết Diện Hổ bản lãnh công phu không nhường chi ngoại tổ, vậy mà, y đóng vai quân sư khua môi múa mép luôn luôn thúc đẩy mẫu thân và mọi người lâm chiến cùng phe Thiếu Lâm tự. Tại sao?
Nếu mỗi thù quả chánh đáng, mẹ con ta chỉ đáng thù có Phương Thế Ngọc và Ngũ Mai đại sư, chớ không lẽ nào tị hiềm với toàn phái Thiếu Lâm, mà con nhận thấy họ nhún nhường rất nhiều trong khi vẫn phải tự vệ trong vòng danh dự.
Nhìn Lôi Đại Bàng, Lý Tiểu Hoàn lẳng lặng hồi lâu, rồi chậm rãi nói:
- Con đã biết suy nghĩ sâu xa đến thế, không lẽ mẹ giấu giếm mãi. Trước hết mẹ cần hỏi con một điều này.
Lôi Đại Bàng cảm động:
- Xin mẫu thân cứ dậy.
- Con có nhận thấy rằng từ trước tới nay, không lúc nào mẹ chịu để con lâm vào vòng chiến, nếu sau này Phùng lão sư không huy động con và Phùng Huy Hạ lên Tô Châu dự Quần Hùng hội?
Im lặng, Lôi Đại Bàng gật đầu.
Lý Tiểu Hoàn nói tiếp:
- Và đây là tất cả sự thật đã xảy ra, mà trước kia mẹ không đủ can đảm bày tỏ với con...
Lý Tiểu Hoàn thuật lại việc vợ chồng nàng cả nghe Thiết Diện Hổ, nhận số vàng bạc của y, thiết lập Vô Địch đài và mọi giai đoạn liên tiếp về sau như thế nào, cho Lôi Đại Bàng nghe.
- Mẹ lo sợ nhứt, con oán trách mẹ khi thấu triệt nội vụ nên đành lừa lừa giấu giếm.
Cảm động. Lôi Đại Bàng ôn tồn:
- Con cảm ơn đấng cao xanh đã bảo tồn sanh mạng mẫu thân. Không nên nhắc tới những việc đã qua nữa thêm đau buồn vô ích.
- Trước kia ngoài vấn đề tiền bạc, mẹ hoàn toàn không hề để ý đến hành vi của Thiết Diện Hổ, hoặc tìm hiểu lý do tại sao y hành động như vậy.
Lôi Đại Bàng chép miệng:
- Con thấy như vầy:
Thiết Diện Hổ hoạt động gây rối cho các võ phái, tất y phải trực thuộc một tổ chức nào, có lẽ là của người Mãn.. Mẫu thân sư biết y vẫn liên lạc, giao tiếp hàng ngày với người Mãn cùng trọ ở Lưu gia khách sạn chớ gì?
Nhưng thôi, bỏ qua việc đó và nói về trận phục kích ngày mai ở Hoàng Thạch Cương.
Lý Tiểu Hoàn lo ngại:
- Mẹ rất thắc mắc về vụ đó. Đáng lẽ, chính mẹ phải tổ chức trận đánh bọn Phương Thế Ngọc để phục hận nhà mới phải. Hiện thời trái lại sau khu thúc đẩy mẹ lãnh nhiệm vụ tổ chức trận đánh không được. Thiết Diện Hổ đã tự ý liên lạc với hai vị Sư trường Tây Khương, Võ Đương, bàn tính với Cao Tấn Trung, Mã Hùng, hành động như thể là việc riêng của y vậy. Sự kiện này đã hoàn toàn bộc lộ dã tâm của y. Cơ sự tiến triển tới mức này, chi bằng mẹ con ta bỏ phắt Tô Châu đi nơi khác sanh nhau cho rồi.
- Không được! Phùng sư phụ quá nghe lầm lẫn nhứt thời sẽ trách cứ mẹ con ta. Dầu sao, sư phụ cũng là người có công chăm nom dạy dỗ, truyền nghệ vất cả biết bao, nay con mới thành nhân đủ tài lực đối chọi với anh hùng thiên hạ. Vậy con không muốn mang tiếng là kẻ vong ơn bội nghĩa tình sư đồ.
Phùng sư phụ đa hạ lịnh cho con đôn đốc các môn hữu Võ Đương dự trận phục kích ngày mai cùng với Tây Khương và Không Động tiếp tay, con nhận theo lời nhưng sẽ thừa cơ hành động khác đi...
Nói tới đây, Lôi Đại Bàng thuật lại vụ đêm qua, chàng tới Thúy Lan đình thông báo với anh họ Lã về trận phục kích Hoàng Thạch Cương cho Lý Tiểu Hoàn nghe.
Lôi Đại Bàng nói tiếp:
- Anh em họ Lã quả thiệt là hai nhân vật hữu tài. Cước bộ con điêu luyện nhường ấy mà vừa phi thân lên mái lầu họ đã biết ngay, lên đánh tập hậu, hai luồng kiếm quang mới thật kinh khủng. Tài nghệ công phu ấy, trừ phi những bực kiếm khách đại tài thì không ai dùng nổi...
Lý Tiểu Hoàn ngắt lời:
- Con muốn nói rằng hành tung của họ bí mật, phải không?
Lôi Đại Bàng gật đầu:
- Quả vậy, việc đến Thúy Lan đình đêm qua, không những có tính cách thông báo trận đánh lưu huyết vô ích, mà con còn có ý thử tài anh em họ Lã. Thì quả nhiên, trong khi bất ngờ, hai người đã để lộ chân tài.
Mẫu thân còn nhớ trận đánh ở Kim Môn Thủy điếm ngoại thành Quảng Châu, và trận đột kích Phương gia trang bên Triệu Khánh phủ không?
Lý Tiểu Hoàn trợn tròn mắt, thốt lên một tiếng A!
Lôi Đại Bàng mỉm cười mà rằng:
- Thưa mẫu thân, hai nhân vật bí mật bịt mặt, bản lãnh vô song, có những đường kiếm tuyệt với đó, có lẽ chính là anh em họ Lã, hai kiếm khách giang hồ đại tài.
Họ không cố ý sát hại nên phe thất bại cùng nguyên vẹn đào tẩu, nếu không thì đã có người mất thủ cấp rồi! Mẫu thân thử tự kiểm điểm lại coị. Hai dạ khác đó gạt một đường kiếm mà mẫu thân và Bạch Dõng đã bị toạc hổ khẩu, cớ sao họ không đuổi theo mà kết liễu tánh mạng kẻ bại cho rồi? Cao Tấn Trung bị tiện mất ngọn giáo, liệt có đào tẩu nổi, nếu họ thiệt tình muốn tàn sát? Chắc chắn là không! Vật mà, những nhân vật đã sự trận Phương gia trong đêm ấy đều nguyên vẹn trở về. Sự kiện đó đủ tỏ rằng, hai người bịt mặt là tay giang hồ nghĩa hiệp, theo dõi nội vụ đã lâu, cứu đùng lúc gia đình họ Phương. Theo ý con, họ là anh em Lã gia.
Lý Tiểu Hoàn ngờ vực:
- Con quên rằng hai người đêm đó đều thuộc nam phái, còn Lã cô nương đây thuộc nữ giới hẳn hòi!...
Lôi Đại Bàng lắc đầu:
- Mẫu thân nhìn gần quá, thất bại là phải. Hãy tưởng tượng coi, với tấm thân cường tráng, vẻ mặt cân quắc anh thư, Lã cô nương chỉ cần cải trang nam phục, sẽ trở thành trang mỹ mạo nam tử rất dễ dàng, khó khăn gì ạ.
Con không căn cứ vào bề ngoài, mà chỉ suy luận về các đường kiếm siêu đằng tuyệt với của hai người.
Lý Tiểu Hoàn trầm ngâm:
- Ờ, con nói có lẽ đúng. Bây giờ mẹ mới nhận thấy rõ rằng, hai...
(Nguyên bản thiếu một đoạn tại đây... ) Trời đã tối hẳn, gió phây phẩy lạnh.
Thấy người đi ra, mấy tên kiệu phu vội vã giành nhau khiêng kiệu chạy ùa đến dưới bực thềm đã xây khách sạn, tranh nhau mời chào.
Thiết Diện Hổ xua tay ra hiệu không đi, đoạn lững thững trở vào gọi tửu bảo bày thồi dùng bữa.
Đăm chiêu nghĩ ngợi, Thiết Diện Hổ lầm lì ăn uống đến cuối giờ Tuất mới lên lầu, sau khi dặn phổ ky phụ trách quầy hàng chừng nào Hòa Thân trở về, dầu khuya cũng báo cho y biết. Ngoài ra, y còn dặn sửa đoạn ngựa để mai có dịp đi sớm.
Đáng lẽ gã ra phố, đến mấy đại tửu lầu xanh quen thuộc kiếm Hòa Thân nhưng lúc này khuya rồi, và gã cần nghỉ ngơi sớm, sáng mai còn dậy sớm vào Hoàng Thạch Cương.
Lý Tiểu Hoàn cũng đi đâu mất dạng, suốt ngày không thấy mặt. Có lẽ nàng mắc bận săn sóc Lôi Đại Bàng sau kỳ đại hội.
Đêm đó, Thiết Diện Hổ giựt mình mấy lần, tưởng như Hòa Thân đi đâu trở về, đẩy cửa vào phòng gã như thường nhựt.
Mỗi lần tỉnh giấc như vậy, Thiết Diện Hổ lại vùng dậy, xăm xăm đi sang phòng Hòa Thân, nhưng bên trong vẫn yên lặng không một ma nào buồn trả lời.
Tờ mờ sáng, Thiết Diện Hổ dậy sớm, mở toang các cảnh cửa sổ, luyện mấy đường quyền cước thông huyết.
Gã thấy dễ chịu khoan khoái hơn, sau một đêm bàng hoàng không an giấc.
Vân bộ võ phục màu vàng thẫm vằn đen như tấm hổ bì, chân đi ủng vỏ da đen. Thiết Diện Hổ đeo đơn đao và bên sườn, choàng thêm tấm áo ngoài ngắn vạt, đoạn ra khỏi phòng.
Trước khi xuống lầu, đã qua phòng số đệ nhị lần nữa, nhưng Hòa Thân vẫn chưa về.
Xuống thẳng nhà dưới, gã hối tửu bảo lấy điểm tâm và sửa soạn roi mã.
- Thưa khách quan, ngựa đã sẵn sàng, cột ở cửa trước rồi.
- Hay lắm! Hễ có hai người tới kiếm ta, khác mời vô đây.
Lát sau, Thiết Diện Hổ vừa điểm tâm xong thì Song Hiệp đã tới nơi.
Mai Nương vận võ phục màu đỏ thắm, vỏ ủng nhung đen, trường kiếm đeo chéo sau lưng, ngoài mặc trùm chiếc áo ngắn nỉ đen. Nàng xinh đẹp bội phần.
Trước sắc giai nhân, Thiết Diện Hổ thộn mặt ra nhìn, quên cả nỗi thắc mắc về sự Hòa Thân biệt tích và quên cả chàng tráng sĩ hào hùng Cam Tử Long cùng bước vào thực phòng với vị nữ kiệt anh thư.
Tóc trần búi ngược, vận võ phục màu chàm, chân vận xa sô ủng cổ ngắn, hai màu vải chàm vá da đen, ngoài vận áo rộng tay ngắn vạt toàn đen, đốc trường kiếm Huyền Tiễn nhô lên khỏi hai vai, hai dải lụa xanh phất phơ, Cam Tử Long cực kỳ kiêu hùng chẳng nhường chi Lã Ôn Hầu thuở xưa.
Trông điệu bộ Thiết Diện Hổ, chàng nghĩ thầm:
- Tên lục lâm đại đạo này chết đến nơi còn si tình!
Võ phục đàng hoàng, Thiết Diện Hổ còn lực lượng dữ dội oai vệ hơn xưa khá nhiều.
Cam Tử Long tưởng tượng bộ râu quai nón sum sê trên mặt gã như mười mấy năm trước, thì quả nhiên Thiết Diện Hổ là hiện thân của Hắc Sát Cô Thần Tăng Tòng hổ, một tên độc cước đại đạo nổi danh suốt dãy Vạn Lý Trường Thành khi xưa, và cũng là kẻ đã bày mưu thâm độc, phục kích hạ sát phụ thân chàng.
Nghĩ đến đây, Cam Tử Long dằn lòng, cố giữ nụ cười trên cặp môi hồng hào đỏ mọng như trái bồ quân.
Hai bên thi lễ xong, Thiết Diện Hổ nói:
- Từ buổi gặp nhau, chưa bao giờ tôi được mục kích tráng sĩ và tiểu thơ võ phục, trang bị hoàn toàn như sáng nay. Kiêu hùng và rất ngoạn mục... nhìn không biết chán!
Cam Tử Long cười lớn:
- Tiên sanh cũng vậy, không ngờ một người xưa nay trang phục như phú Thương, viên ngoại hạng quan nhân mà hôm nay... biến thành một... giang hồ đại bản uy võ khác thường, quả xứng đáng một danh thủ thuộc môn phái Tây Khương!
Hiểu ý gay gắt trong lời nói của sư huynh nàng, Lã Mai Nương họa theo:
- Hiền huynh chậm hiểu, chớ tiểu muội thì lượng đoán Thiết Diện Hổ tiên sanh là một vị hảo hán giang hồ kỳ thủ từ lâu rồi. Nhứt là hôm nay, vị tiền bối trong võ giới còn trẻ và uy dõng thêm trong bộ hổ phục tuyệt mỹ. Nhưng nghe đồn môn đồ Tây Khương, thường sử dụng ngọn giáo nổi danh Trường xà, cớ sao anh hùng lại đeo đơn đao?
Nghe giọng oanh vàng ấm áp, trước lời khen thực thà của vị giai nhân nữ kiệt, Thiết Diện Hổ sưng sướng, khoan khoái quên mất hết tánh dè dặt thường nhựt lo sợ muôn vạn mối thù rải rác khắc đó đây?
Gã thản nhiên, lịch sự mời:
- Thỉnh nhị vị điểm tâm rồi ta cùng lên đường.
Lã Mai Nương mỉm cười:
- Cảm ơn tiên sanh, đêm qua chúng tôi thao thức không ngủ được nên sáng nay dậy sớm và điểm tâm no nên rồi mới qua đây.
- A! Nhị vị cũng thao thức không an giấc à?
Cam Tử Long gật đầu:
- Dạ thao thức chờ sáng để vào Hoàng Thạch Cương, theo dõi trận... phục kích có lẽ gay go, hiếm có.
Thiết Diện Hổ giựt mình, nghĩ thầm:
- Ủa! Sao tên này dám hô đích danh là trận phục kích? Ai đã nói cho gã biết?
Lý Tiểu Hoàn chăng? Không lẽ vậy. Người tổ chức phục kích là ta, Thúy Hoa biết chi mà ngoa ngôn!... \' Nghi ngờ hiện trên nét mặt dữ dằn, Thiết Diện Hổ vội hỏi:
- Sao tráng sĩ biết sẽ có trận phục kích?
Lã Mai Nương tươi cười, đáp thay Tử Long:
- Dễ hiểu lắm. Bọn Phương Thế Ngọc là kẻ thù bất cộng đới thiên của Lý nương tử thì dĩ nhiên cơ hội báo thù đã tới, Lý nương tử và Lôi Đại Bàng phải lo liệu đón đánh bọn Phương gia! Vậy không phục kích là gì đó?
Như chúng ta - kể cả tiên sanh - bữa nay vào Hoàng Thạch Cương cũng không ngoài mục đích mong chờ, ước ao được xem hai bên trổ tài giao chiến, một trận chiến gay go sẽ lưu huyết thực sự, chớ không như bữa nọ trong võ tràng đâu.
Giọng trầm trầm ấm áp phát xuất từ đôi môi trái tim đỏ mọng của nữ kiệt Lã Mai Nương có hiệu nghiệm tức khắc. Thiết Diện Hổ an tâm, tươi cười khiến diện mạo y còn độc dữ hơn lúc không cười, mà rằng:
- Ờ. Lã tiểu thơ luận chí phải! Chúng ta có lẽ được mục kích trận đánh thiệt tàn bạo giữa hai phe danh thủ, nhưng xin nói trước:
đến Hoàng Thạch Cương với tư cách khách quan thôi nghen, chúng ta không được tự ý can thiệp bất cứ phe nào, hả?
Cam Tử Long ôn tồn:
- Tiên sanh an tâm, ai dại chi mà can thiệp, nguy hiểm bổn thân!
Thiết Diện Hổ gật đầu:
- Có thế mới là người khôn. Hồi nãy Lã tiểu thơ hỏi tôi, sao không đem theo ngọn giáo Trường Xà kềnh càng có ích chi? Chúng ta là du khách, võ trang phòng thân thế này dư đủ rồi!... Nào, ta lên đường.
Ba người ra khỏi Lưu gia khách sạn. Mã phu trao cương cho từng người một.
Thiết Diện Hổ nhảy phắt lên ngựa, đoạn ngoái lại nhìn Mai Nương, Tử Long giữa lúc hai con Toàn Hồng Lông Câu và Bạch Mã Phi Vân theo thói quen hay bốc cổ tiền lên cao, trước khi chính linh cảm thấy được dong ruổi đường trường.
Thiết Diện Hổ trố mắt nhìn quên chớ. Gã tự vấn:
Quái! Hình như ta đã trông thấy lối tiền phi trường hành, hảo mã bốc tiền này ở đâu rồi. Chợt nhị ra, gã nhìn chằm chằm Song Hiệp và hai tuấn mã long câụ. Ra khỏi Bắc môn, Thiết Diện Hổ mặt khẽ đăm đăm, hỏi thẳng Cam Tử Long:
- Phải chăng nhị vị là hai hảo thủ vô địch hôm cuối cùng đại hội Quần Hùng?
Nói đoạn, y nhìn thẳng vào hai mắt thanh niên hiệp khách dò ý tứ, nhưng Tử Long rất tự nhiên. Không đáp lời Thiết Diện Hổ, chàng phì cười bảo Lã Mai Nương:
- Hiền muội coi, lần này không biết là thứ bao nhiêu rồi, người ta hỏi anh em mình có phải là hai tay nam nữ vô địch kỳ địa hội không.
Hóm hỉnh, Mai Nương nhìn Thiết Diện Hổ mà rằng:
- Phải chăng vì hai con tuấn mã này, Thiết hảo hán hỏi chúng tôi như vậy?
Cặp mắt xếch ngược đen huyền của nữ hiệp có sức hấp dẫn khiến gã giang hồ đại đạo nọ phải chớp luôn mấy cái. Gã nói:
- Màu sắc, hình vóc ngựa đã đành, nhưng lối chứng bốc vó tiền y hệt hôm ở võ trường. Do đó, tôi thấy nhị vị càng giống hai nhà vô địch đó hơn lúc thường.
- Hảo hán dạy như thế chúng tôi đành chịu không biết thế nào cả. Hai con nghiệt súc này cùng có tật bốc vó tiền trước khi được đi xa. Có thế thôi!
Thiết Diện Hổ chưa biết nói sao thì Cam Tử Long đã bảo Mai Nương:
- Nguy hiểm quá, hiền muội à! Nếu hai người kia có kẻ thù thì có lẽ một ngày gần đây, chúng ta sẽ bị ngộ nhận, lãnh đòn oan thôi. Phải sau mau rời khỏi Tô Châu mới được!
Ranh mãnh, Lã Mai Nương mỉm cười, nhìn Thiết Diện Hổ một lần nữa, nàng nghĩ thầm:
- Tăng tặc đó! Mi ở trong tay chúng ta rồi, họa chăng có thăng thiên, độn thổ mới hòng thoát. Sở dĩ, ta không hạ thủ ngay là vì Cam sư huynh có quyền được giết lần mi bằng tinh thần trước khi phanh thây mi ra có vậy thôi!
Ba người rẽ ngực vào cốc đạo, lối dẫn tới Hoàng Thạch Cương.
Lúc này, Thiết Diện Hổ bỗng cảm thấy hồi hộp, lo âu về sự Hòa Thân bỗng nhiên di biệt dạng từ quá trưa hôm qua. Nếu đã xảy ra chuyện không hay cho viên Trường ban thi thật là phiền, công tác sẽ bị dang dở mà phần ga cũng phải tiếp xúc để phúc trình với vua Càn Long.
Không hiểu lúc này nhà Vua du hành ở phương nào trên cõi Giang Nam?
Sau vụ Vô Địch Đài bên Hàng Châu, Thiết Diện Hổ phải lưu động luôn luôn để tiếp tục gây mâu thuẫn trong các môn đồ võ giới, nên chỉ một mình Hòa Thân hoặc tiếp xúc, hoặc liên lạc với vua Càn Long bằng đường lối công vụ, thành thử hiện thời gã cũng không được rõ là nhà. Vua du hành ở nơi nào.
Nhưng không! Quyết không lẽ nào Hòa Thân bị nguy hại.
Luôn mấy năm nay, Hòa Thân vã gã thường đi công tác, qua lại nhiều lần trong toàn cõi Hoa Nam mà không hề xảy ra một sự gì bất trắc, hiểm nguy, lý nào xông chuyện đang tiến triển khả quan như lúc này, Hòa Thân ít xông pha hơn biết lại bỗng nhiên mất tích!
Phái võ mà Thanh trào muốn hạ ảnh hưởng trước nhứt là Tung Sơn Thiếu Lâm tự. Vậy kẻ thù hiềm Hòa Thân và gã - Thiết Diện Hổ - tắt hẳn là môn đồ Thiếu Lâm tự.
Cho tới nay, võ phái đó hoàn toàn không biết hành tung của hai người thuộc ban Mật vụ, Thiết Diện Hổ biết chắc như thế, cớ sao Hòa Thân lại bỗng dưng mất tích?
Nghi ngờ ai bây giờ? Lý Tiểu Hoàn chăng?
Không, chính nàng cũng không biết Hòa Thân là nhân vật nào. Gã đoán chắc như vậy.
Hay là hai anh em họ Lã? Chúng là người độc nhứt biết Lý Tiểu Hoàn, và thỉnh thoảng giao tiếp với họ Lý tại Lưu gia khách sạn là nơi Hòa Thân tạm đóng trụ sở...
Nghĩ đến tiếng Lã, Thiết Diện Hổ bất chợt nhìn trộm hai nam nữ kỵ sĩ đồng hành, chẳng dè gặp luôn cặp phượng nhỡn của Lã Mai Nương lúc đó cũng đang nhìn gã.
Khó chịu, gã tảng lờ quay nhìn nơi khác, nhưng vị giai nhân nữ hiệp đã chúm chiếm cười mà rằng:
- Thiết hảo hán suy tính điều chi mà trầm ngâm ít nói vậy? Phong cảnh ngoạn mục biết dường nào mà hảo hán quên xem ngầm?
Kìa, trời thu xanh ngắt, gió thu phơn phớt dịu dàng, duy có cảnh lá vàng rải rác đó đây là nhắc cho thế nhân hay rằng, muôn loài, đang trải qua một mùa tàn tạ. Có lẽ nghĩ tới hai tiếng tàn tạ nên Thiết hảo hán mất vui chăng?
Không biết nói sao, Thiết Diện Hổ gượng cười khiên vết thẹo dài trên mặt gã nhăn nhúm lại, và nét mặt dữ dằn của gã càng độc ác thêm.
Gã tự trách mình quá mải miết suy nghĩ đến Hòa Thân, đến nỗi lộ vẻ lo âu trước sự hiện diện của hai người.
Đêm hôm rồi, gã và Cao Tấn Trung, Mã Hùng đã vào tận Hoàng Thạch Cương, xét lại địa thế và chỉ định các điểm phục kích. Sáng nay, từ đầu canh năm, các môn đồ Tây Khương, Võ Đương và Không Động, do chính ba vị lão sư Bạch Mi, Phừng Đạo Đức, Thạch Phủ Kính điều động, đã chia ra nhiều toán vào Hoàng Thạch Cương mai phục, chờ khi nào ba anh em Phương Thế Ngọc hay đồng bọn Thiếu Lâm vào tới giữa khu chùa cổ hoang là khỏi sự áo đảo, giao tranh, tàn sát.
Với tư cách khách quan, Thiết Diện Hổ sẽ đứng ngoài, ẩn núp tại một chỗ kín đáo quan sát trận lưu huyết, một kỳ công của gã.
Sau trận này, chắc chắn các môn đồ võ phái hiềm thù nhau hơn trước, ban Mật vụ Thanh đình chẳng cần phải tạo cơ hội, họ cũng tự kỷ bày mưu, lập kế tàn sát lẫn nhau.
Cái hố chia rẽ ba võ phái Thiếu Lâm, Võ Đương, Tây Khương do gã đào lát cuốc đầu tiên, sẽ trở thành một vực thẳm đẫm máu.
Đó là sự thành công chương trình hạ ảnh hưởng, chia rẽ các võ phái của vua Càn Long, và do gã - Thiết Diện Hổ - thể hiện được.
Được Hoàng đế Thanh trào tín cẩn hơn trước, con đường vinh quang hoạn trường rồi đây sẽ mở rộng cho gã trong tương lại... Có lẽ gã sẽ được thay Hòa Thân đứng đầu ban Mật vụ Hoa Nam, riêng một mình ngang dọc một san hà, và chỉ nhận lịnh của một người duy nhứt:
Hoàng đế.
Trước kia, dưới tước hiệu Hắc Sát Cô Thần Tăng Tòng Hổ, gã đã từng nhả Ra khói, thét ra lửa, ngang dọc giang hồ trong chốn lục lâm thảo khấu hắc đạo.
Một tay gã đã từng chém giết gây bao tang tóc hầu khắp mọi nơi, đã dập liễu vùi hoa chiếm đoạt biết bao đời phụ nữ.
Nay để trốn tránh mọi mối thù mà gã cho là đáng ngại hơn hết, gã đã thay đổi danh diện, may mắn gặp gỡ Hòa Thân cất nhắc trọng dụng trong ban Mật vụ.
Dưới hình thức một Mật vụ viên quan trọng, thay hình đổi dạng, tiền bạc dồi dào, gã đã không quản ngại lợi dụng phái Tây Khương mà trước kia gã là môn đồ, để nhóm ngọn lửa đầu tiên, gây mối hiềm thù giữa mấy võ phái theo đúng chương trình của Thanh đình.
Thành công trong vụ Hoàng Thạch Cương, được nhà Vua trọng dụng tin cẩn hơn nữa, gã sẽ tìm cách hất chân Hòa Thân, và sẽ đương nhiên công khai hoành hành riêng mình một cõi Hoa Nam, thành danh sung sướng hơn khi còn hành nghề độc cước đại đạo.
Với bản lãnh sẵn có trong tay, khi nào gã muốn đổi bữa cũng không còn gì cản trở.
Phác suy tính, Thiết Diện Hổ thấy viễn ảnh tương lai sáng lại và liên tưởng ngay đến thú vật chất mà nội nhựt gã sẽ hưởng bên giai nhân nữ kiệt, sau khi xuất kỳ bất ý tặng cho anh nàng một lát dao, đưa hồn tên tráng sĩ dại dột về Diêm la địa ngục.
Nghĩ đến tương lai tươi sáng, nghĩ đến giai nhân tuyệt sắc nguyệt thẹn huê nhường, bất giác Thiết Diện Hổ khẽ nở nụ cười đắc ý.
Nụ cười đó không thoát khỏi hai cặp mắt tinh tường của song hiệp.
Nụ cười tối ư nguy hiểm bộc lộ trên khuôn mặt ác độ dữ dằn kia, tất phát ngụ ý gì! Nhưng cần chi, hai thanh niên nam nữ kiếm khách lúc nào cũng sẵn sàng đối phó bất cứ tình thế nào, dầu phải băng thành vượt núi, hoặc xông pha núi giáo rừng gươm.
Vó ngựa lộp cộp trên đường đất sỏi. Con độc đạo vằn vèo giữa các khoảng đồi cỏ, địa thế khá hiểu tuấn. Cam Tử Long nói:
- Lựa khu này phục kích thiệt không còn chi bằng.
Lã Mai Nương tiếp lời:
- Qua khúc này tới rừng cây, một bên thì đồi hiểm, một bên thì rừng rậm âm u, đoạn đường đó còn dữ dằn hơn đây nhiều.
Ngạc nhiên, Thiết Diện Hổ hỏi:
- Nhị vị biết rõ địa thế Hoàng Thạch Cương nhỉ? Hình như nhị vị có nói chưa từng qua lại khu này chuyến nào.
Lã Mai Nương đáp gọn lỏn:
- Nhưng bây giờ nhìn cảnh thế mới nhớ ra là đã đi qua rồi.
Chỉ khác là chỗ đáng lý đi lối Bắc môn, chúng tôi theo đường vào Tam Môn Cốc ở Đông môn, tới ngã ba rẽ sang hữu là con đường thông với hiểm đạo này.
Khu Tam Cốc Môn bây giờ đông trang trại, phì nhiêu bao nhiêu thì khu Hoàng Thạch Cương hoang dại bấy nhiêu. Chắc phải là một thời gian nữa, các nhà khai thác mới mở mang lan tràn tới đây.
Nhìn lén Lã Mai Nương, Thiết Diện Hổ nghĩ thầm:
- Không ngờ con nhỏ này cũng biết nhận xét sâu sắc về địa lý... Quái!
Không hiểu vì lý do gì, nhưng ta bỗng có cảm tưởng hai anh em nó thế nào ấy!
Đi được độ ba trăm dặm đường sang tới một bầm nước nhỏ, ba người rẽ ngựa vòng quanh bở đầm sang bên tả và bắt đầu vào tới khu rừng cây.
Bỗng giựt mình, Thiết Diện Hổ gò ngựa đứng hẳn lại.
Cam Tử Long hỏi lững lờ:
- Ngựa trở thói không muốn tiến nữa chăng?
Lã Mai Nương hỏi theo:
- Việc chi vậy, Thiết hảo hán?
Nhìn chầm chầm về phía cây đa lớn ven rừng, Thiết Diện Hổ chỉ roi ngựa mà rằng:
- Kìa, hình như có người núp sau khóm lá đa kia.
Trông theo, Cam Tử Long gật đầu đáp:
- Phải rồi, có người thiệt. Họ phục kích ngay nơi đây chăng?
Lã Mai Nương nheo mắt nhìn Cam Tử Long:
- Ai lại dại dột phục kích ngay giữa một nơi chông chênh thế này?
Nói đoạn nàng không khỏi cười.
Thiết Diện Hổ ngần ngừ:
- Lã tiểu thơ nói phải. Lẽ nào phục kích ngay tại đây/ Đàng nào cũng đi qua nơi cây đa, ta sẽ xem thế nào.
Miệng thì nói vậy, nhưng trong thâm tâm gã không khỏi ngạc nhiên tại sao lại có người ẩn núp sau khóm lá trên cây đa đến nỗi có người qua lại trên đường chỉ cần chú ý đôi chút là trông thấy ngay, vậy còn phục kích cái nỗi gì? Lẽ nào bọn Cao Tấn Trung, Mã Hùng, Lôi Đại Bàng, Phùng Huy Hạ, thống lĩnh lực lượng phục kích lại dám tự ý đổi địa điểm ấn định bởi các sư trưởng.
Họ Thiết còn đang do dự chưa biết tính sao thì Mai Nương đã giục ngựa tiến lên.
Cam Tử Long theo luôn. Không lẽ đứng lại, Thiết Diện Hổ cũng giục ngựa tiến lên trước song hiệp.
Đến nơi, gã mới rõ bóng người ẩn núp sau khóm lá trên cành đa là ai:
- Ồ! Nhị vị coi, anh tinh nghịch treo chiếc áo dài trên cây khiến bọn ta lầm tưởng có người ẩn núp. Để tôi lấy xuống thử coi.
Dứt lời, Thiết Diện Hổ xuống ngựa và phi thân lên cành đa, lấy chiếc áo dài xuống đưa cho Lã Mai Nương coi trước.
Nhận xét thuật phi thân lẹ làng của gã, song hiệp hiểu gã là kẻ hữu luyện.
Thiết Diện Hổ cũng cố ý trổ tài nghề để hai bạn đồng hành khỏi lầm tưởng gã là kẻ chỉ có bề ngoài.
Đón lấy chiếc áo dài, Lã Mai Nương nhìn qua rồi chuyển cho Cam Tử Long coi.
Như Lã Mai Nương, Tử Long nhìn qua, đoạn trả lại cho Thiết Diện Hổ mà rằng:
- Chiếc áo dài còn mới nguyên, bằng lụa Cẩm Châu hảo hạng, sao lại liệng hay treo lên cành đa như vậy? Kỳ thay! Chủ nhân chiếc áo này vóc người nhỏ bé và có lẽ lắm tiền nhiều bạc.
Giữa lúc đó, Thiết Diện Hổ bỗng thốt một tiếng:
- Chà!
Mặt gã xạm hẳn lại hơn lúc thường.
Tại sao vậy?
Vì gã mới nhận ra đó là chiếc áo dài của... Hòa Thân!
Lã Mai Nương ý tứ nhìn Cam Tử Long, đoạn hỏi Thiết Diện Hổ:
- Hẳn là Thiết hảo hán đã nhận ra chiếc áo dài này của ai?...
Biết mình bị xúc động quá, thốt ra câu không phải chỗ, Thiết Diện Hổ vội che đậy:
- Không! Thấy hàng áo hảo hạng nên thốt lời... khen đó thôi. Tôi giữ tấm áo này để cho người nghèo khó, âu cũng là thiện tác nên làm... Nào, ta tiếp tục đi kẻo trễ.
Gã cố ý che đậy nỗi lo về Hòa Thân, thúc ngựa đi trước.
Lã Mai Nương soi mói:
- Hình như Thiết hảo hán có một thân hữu vóc người ngũ đoản cùng trọ tại Lưu Gia khách sạn mà.
Thiết Diện Hổ có cảm giác như vị giai nhân nữ kiệt họ Lã vừa hắt cả thùng nước lạnh buốt vào mặt gã:
- Có, nhưng không phải áo của người đó.
Cam Tử Long mỉm cười, mắng thầm tên đạo tặc:
- Chúng ta có điều tra mi đâu mà tự cung xưng như vậy? Mi tới giờ đền tội rồi nên mới đâm ra ngu muội như thế đó!
Thiết Diện Hổ nghĩ lung lắm.
Hôm qua Hòa Thân mặc áo gì ra phố gã không biết rõ, nhưng gã biết chắc chiếc áo treo trên cành cây đa mới lấy xuống đây là của Hòa Thân, bởi lẽ áo may bằng thức lụa toàn hảo màu đen dệt chữ Thọ hình tròn, mà chính bọn Cơ phòng tử Cẩm Châu Đường đã tặng hai áo mấy tháng trước kia, thi theo dõi vụ Lôi đài Thủy Nguyệt tại Quảng Châu. Gã may một áo, nhường cho Hòa Thân một áo quyết chẳng thể nào ngộ nhận.
Hòa Thân vào khu Hoàng Thạch Cương làm gì? Và tại sao lại treo chiếc áo trên cành đa? Mục đích gì?
Mấy câu hỏi tự vấn đó lẩn quẩn trong trí não và Thiết Diện Hổ không thể nào trả lời được.
Không có lẽ! Từ mấy năm hành động chung, Hòa Thàn hoàn toàn tin cẩn gã, lẽ nào bây giờ lại giở trò kiểm soát?
Hòa Thân dư hiểu nếu không có sự cộng tác chặt chẽ của gã, thì một mình Hòa Thân không thể nào gây nổi sự hiềm khích giữa các võ phải hiện tại.
Hay nội vụ đã bị đổ bể, bọn môn đồ Thiếu Lâm bắt cóc Hòa Thân đem vào Hoàng Thạch Cương hành hạ, nên nhân lúc xuất bất kỳ ý, Hòa Thân đã có dịp treo áo ngoài lên cây giữa lối đi để giới ý gã chăng?
Vô lý! Nếu quả thiệt Hòa Thân bị kẻ đối lập bắt, thì có chạy đằng trời cũng chẳng trút nổi áo dài treo lên cây làm dấu hiệu cho gã biết.
Tuy không tìm được lý do nầy, lý do nọ, nhưng việc Hòa Thân đi biến mất dạng từ trưa hôm qua đã tỏ rõ.
Chắc chắn là Hòa Thân đang lâm cảnh hiểm nghèo và đã bị kẻ nào đó đem qua đây.
Dầu suy luận như vậy, Thiết Diện Hổ vẫn cầu mong rằng cơ sự không đến nỗi đó, và chiếc áo lụa Cẩm Châu kia chỉ là mọi sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Lụa Cẩm Châu đầy rẫy trên thương trường toàn quốc, đâu phải riêng Hòa Thân và gã mới có thứ lụa dệt chữ Thọ ầy!...
Vụ phục kích không đổ bể. Dám quyết như thế!
Nếu chẳng may có chuyện gì lạ, tất nhiên bọn Cao, Ma, Lôi, Phùng phải cấp báo cho gã biết ngay sáng sớm hôm nay.
Dự cuộc điều khiển trận phục kích còn có cả ba vị Đại sư trưởng phái là những nhân vật đầy kinh nhiệm về mọi phương diện, vậy mà tới gì không xảy ra điều gì khác, tức là công việc vẫn được tiến hành theo chương trình ấn định.
Suy nghĩ đến đây, Thiết Diện Hổ thấy an tâm hơn hồi nãy nhiều. Sự bình tĩnh hoàn toàn trở lại với gã. Hừ! Thế mà chiếc áo dài quái ác của kẻ nào đó khiến gã phải trải qua một lúc lo thắt ruột.
Lã Mai Nương cười khanh khách phá tan bầu không khí u tịch giữa chốn hoang vu:
- Thiết hảo hán có vẻ bận tâm về chiếc áo dài lụa Cẩm Châu từ nãy giờ!
Ha... ha...
Thiết Diện Hổ phát rợn tóc gay khi nghe tiếng cười lanh lảnh ấy. Kỳ thay!
Từ hôm gặp anh em Lã gia cùng ngồi với Lý Tiểu Hoàn trong Lưu gia khách sạn, gã thấy ưa nghe giọng nói, tiếng cười hết sức ấm áp, truyền cảm của cặp thanh niên nam nữ nọ, nhứt là Lã tiểu thơ!
Thiệt vậy, nàng nói cũng như nàng cười, duyên dáng dễ mến quá chừng!
Lâu lâu mà không nghe thấy, gã có thể đi tới nước... phát nhớ lên được.
Vậy mà vừa đây, cùng một giai nhân tuyệt sắc ấy, cũng do đôi môi trái tim đỏ mọng ấy, bỗng nổi lên chuỗi cười thiệt kỳ lạ!...
Chuỗi cười lanh lảnh, lạnh buốt rợn người như tiếng mụ Kê hú hồn giữa nơi tha ma, mộ địa.
Chuỗi cười vọng lên như tiếng sói khát máu rú trong một đêm tối trời mưa phùn gió lạnh.
Chuỗi cười rít lên như tiếng Tử thần lướt gió băng mình trên các đầu cây, ngọn cỏ đâu đây, giữa khu Hoàng Thạch Cương hoang vắng... Và chuỗi cười ấy khủng khiếp chát tai như tiếng lụa xé phát động bởi làn báu kiếm do một giang hồ hiệp khách đại tài hoa lên lấy đầu bọn tham quan ô lại, ác bá cường hào, hoặc bọn độc cước đại đạo tàn ác, chuyên gieo rắc tang thương...
Thiết Diện Hổ chưa kịp hoàn hồn, chưa kịp trả lời câu nói của vị anh thư nữ kiệt thì Cam Tử Long đã quắc mắt sáng ngời như tia ra lửa, cười vang:
- Hà... hà... hà...! Có lẽ chiếc áo dài lục Cẩm Châu đã bọc thây ma lạnh ngắt nên khiến nỗi Thiết hảo hán, một hảo thủ Tây Khương, phải rùng mình sởn gáy!... Hà... hà... hà!...
Trời ơi! Lại tiếng cười kinh khủng này nữa. Ờ mà sao nó y hệt tiếng gầm của mãnh sư ác hổ đói mồi giữa chốn hoang sơn man dại.
Hừ! Hai anh em nhà này bữa nay sao lại có tiếng cười hắc ám thế này?
Láo liên, nhìn từ Mai Nương đến Tử Long, Thiết Diện Hổ gắng gượng:
- Nhị vị chớ giỡn. Nếu biết sợ thì tôi đã không dám giữ chiếc áo này làm chi.
Dầu cao hay thấp, chúng ta ít nhứt cũng là những người đã từng luyện tập, dĩ dương chế âm, không hề sợ hãi thần quyền hay ma lực nào cả...
Gã chưa nói dứt câu, bỗng con ngựa gã đang cưỡi chùn vó lại, không chịu tiến nữa. Bực mình, Thiết Diện Hổ giựt cương, quất hai roi lên mông nó, nhưng con vật không những chẳng chịu tiến mà còn cố dướn đầu trở bước.
Thiết Diện Hổ ghì cương cứng chắc. Con ngựa không chạy được, đành xoay tròn, bốn vó bổ lộp cộp xuống đường, đất sỏi bắn tứ tung.
Mặt đỏ bừng bừng, Thiết Diện Hổ càu nhàu, giơ roi toan đánh ngựa thêm, bỗng gã chợt nghĩ ra một điều, bèn nói:
- Chắc có sự lạ, con nghiệt súc này thường hay chồm lên mỗi khi đánh hơi thấy người hay vật quen.
Kín đáo, Cam Tử Long đưa mắt nhìn Lã Mai Nương, đoạn nói:
- Nơi đây làm chi có người quen nữa! Vả lại nó quay đầu chớ có bốc tiền, bốc hậu đâu.
Thiết Diện Hổ quả quyết:
- Để coi, tôi biết tật con nghiệt súc này mà!...
Gã gò mạnh dây cương con ngựa buộc nó phải đứng hẳn lại nguyên chỗ, đồng thời vỗ nhẹ lên cổ con vật cho tới lúc nó hoàn toàn bình tĩnh.
Xuống ngựa, cột cương vào gốc cây nhỏ ven đường, Thiết Diện Hổ tuốt đơn đao tiến vào rừng. Lã Mai Nương hất hàm ra hiệu cho Cam Tử Long cùng vào theo...
Tiếng bầy ô nha chí chóe gần đâu đấy, khi ba người tiến vào rừng được độ chừng vài trượng.
Cau mặt, Thiết Diện Hổ lẩm bẩm:
- Rừng này có tổ ô chẳng sai. Chúng giành ăn...
Gã bỗng ngừng bặt, đứng sững hẳn lại vì vừa trông thấy một cảnh rợn người, một tử thi bị treo cổ lủng lẳng ngay trên cành cây lớn gần đó, ở mé bên hữu, bầy ô nha bảy, tám con đang rỉa thịt, tranh mối chí chóe, nghe động vội bay vụt lên không trung, có con mỏ hãy còn cắp miếng thịt dính da tòn ten coi gớm khiếp.
Một con khác bạo hơn hết, cố rủa nuốt miếng thịt vai.
Thiết Diện Hổ vội lượm một viên đá nhằm con ô nha chọi mạnh, miệng la:
- Chết này!
Lúc đó con ác điểu liều lĩnh ấy mới buông mồi quay đi, kêu inh ỏi:
- Quạ... ạ... ạ! Quạ... ạ... ạ!
Viên đá chọi trượt con ô nha, nhưng trúng nhằm bắp vai tử thi đánh bộp một tiếng, đoạn rớt xuống lớp lá khô trên mặt đất.
Song hiệp quan sát từng nét mặt, từng cử chỉ một của Thiết Diện Hổ.
Gã nhìn chằm chằm thây ma vấy máu, áo quần bị bầy ô nha dứt rách tả tơi...
Từ chỗ gã đứng chỉ thấy phía sau lưng tử thi, nên gã đi vòng sang bên để coi cho rõ:
- Quái! Kẻ nào chán đời vào đây tự vẫn hay là bị hạ sát bằng lối treo cổ?
Lã Mai Nương nói:
- Thôi đi ra, đứng đây nhìn mãi trối cả mắt.
Thiết Diện Hổ phản đối:
- Ngó qua xem ai. Tử thi dóc tóc chắc là người Mãn.
Cam Tử Long nói:
- Cứ gì là người Mãn mới dóc tóc! Từ ngày quân Mãn vào Quan nội, gần hết dân Trung Hoa đều phải dóc tóc theo họ rồi.
Tử thi bị bầy ô nha mổ hết hai mắt, mũi và hai má nham nhở, coi gớm khiếp, nhưng cũng để Thiết Diện Hổ nhận ra là ai!
Gã giựt mình la lớn, quên cả hai người đồng hành:
- Trời ơi! Tử thi của...
Chợt biết lỡ lời, Thiết Diện Hổ vội im bặt.
Song hiệp kín đáo lặng lẽ nhìn nhau.
Lã Mai Nương hỏi gã:
- Thiết hảo hán, sau mét hẳn mặt thế kia? Tử thi của ai?
Cố điềm tĩnh, gã nói:
- Tử thi của người đàn ông. Coi khiếp quá!
Thiệt ra, ngay lúc trước gã định thốt câu tử thi của Hòa Thân, nhưng chợt nhớ ra còn có hai người đồng hành nên kịp bỏ lửng.
Gã nghĩ thầm:
- Tưởng Hòa Thân bận công chuyện gì không kịp về khách sạn, ngờ đâu y thảm tử dường ấy!
Hòa Thân tự ải chăng? Không có lý do gì khiến y phải tự hủy hoại. Công tác mật vụ vẫn được tiến hành điều hòa, vậy chắn chắn không vì lẽ thất bại mật vụ của nhà Vua mà y tự ái. Vả lại, dầu thất bại cũng không đến nỗi nào phải tự sát.
Thua keo này, bày keo khác.
Nếu thế, thì kẻ nào đã bắt cóc Hòa Thân đem vào khu này treo cổ, và kẻ đó đã treo chiếc áo dài của nạn nhân lên cành đa nơi ngã ba đường.
Tại sao tên sát nhân đem Hòa Thân vào tận khu hẻo lánh này treo cổ cho thêm tốn công? Tại sao nó treo chiếc áo dài của nạn nhân lên cành đa nơi giữa lối đi?
Những tác động đó tất ngụ ý nghĩa gì...
Những ý nghĩ trên đây dồn dập trong trí nào Thiết Diện Hổ, sau khi gã nhận ra tử thi Hòa Thân.
E hai người đồng hành nhận được mặt nạn nhân, Thiết Diện Hổ nói:
- Ta trở ra kẻo trễ giờ. Ngó mãi tử thi kẻ bất hạnh, ghê tởm quá chừng!
Một lần nữa, song hiệp nhìn nhau lặng lẽ, mỉm cười.
Thấy kịp, Thiết Diện Hổ hỏi:
- Nhị vị cười chi vậy?
Lã mai Nương đáp:
- Cười vì một người như Thiết hảo hán mà nhát gan đến dường ấy.
Tra đao vào vỏ, Thiết Diện Hổ đi trả ra lên ngựa.
Gã nghĩ thầm:
- Hừ, giai nhân dễ tin quá! Hãy ngó kỹ xem ta có phải kẻ dễ ghê sợ những cảnh đó không! Một tay ta đã hạ sát biết bao nhân mạng - và lát nữa sẽ tới phiên anh nàng- cũng chẳng biết ghê tay, huống chi trò trẻ nít này! Bọn bây chưa biết Hắc Sát Cô Thần Tăng Tòng Hổ đây là hạng người nào! Lát nữa sẽ hay nghen, các con!...
Tiếng vó ngựa đều đều vang lên trong khu hoang vắng. Cây ven rừng ngả hẳn sang bên đường râm mát.
Thiết Diện Hổ nghĩ ngợi miên man, diện mạo hầm hầm coi rất dễ sợ.
Hạ sát Hòa Thân, treo áo dài của nạn nhân trên đường vào Hoàng Thạch Cương, tác động của tên sát nhân, tất không ngoài lý do dọa nạt gã. Mà đã dọa nạt, tất kẻ đó phải biết việc gã qua lại trên đường dẫn tới Hoàng Thạch Cương...
Vậy ra cơ mưu về trận phục kích trong khu cổ tự hoang tàn trên đồi Hoàng Thạch đã bị bại lộ rồi ư? Kẻ đó là ai?
Thiết Diện Hổ mong muốn biết mặt kẻ bí mật đó.
Gã còn nghĩ tới sự cơ mưu phục kích bị bại lộ. Như vậy đã chắc gì bọn anh em Phương Thế Ngọc dám bén mảng tới Hoàng Thạch Cương. Hoặc giả, chúng sẽ tương kế tựu kế, kéo toàn bọn Thiếu Lâm chống đối lại.
Hừ! Con đường từ đây vào đồi Hoàng Thạch có lẽ không còn an ninh cho gã nữa, vì chưa biết chắc phe nào chủ động. Nhưng đối với gã, việc quan trong nhứt là tìm hiểu kẻ nào đã tiết lộ âm mưu phục kích của phái Tây Khương? Kẻ nào đã hạ sát Hòa Thân.
Việc viên Trưởng ban Mật vụ bị hạ sát còn có nghĩa là đã có người khám phá ra sự hoạt động của Hòa Thân và của chính gã.
Hòa Thân đã bị hại vì lý do nghề nghiệp, biết đâu sẽ không đến lượt gã?
Bằng cớ hiển nhiên là sự đe dọa được thể hiện, bởi sự kiện tên sát nhân bí mật kia đã treo áo dài và tử thi Hòa Thân ngay trên đường vào Hoàng Thạch Cương, là nơi gã sẽ qua lại nội ngày hôm nay.
Suy luận tới đây, Thiết Diện Hổ bỗng cảm thấy hoang mang, lo sợ cho vấn đề an ninh bây giờ của cá nhân gã.
Ba người lặng lẽ vượt hơn bốn dặm đường rồi. Cánh rừng bên tả mỗi lúc một âm u rậm rạp hơn, tiếng lá xào xạc lẫn với vượn hú chim kêu.
Song hiệp thản nhiên nhàn du ngắm cảnh, không hề chú ý đến trạng thái của Thiết Diện Hổ.
Thiệt ra không phải vậy. Hai thanh niên đại hiệp kín đáo kiểm soát rất tỉ mỉ người bạn đồng hành, và thấu triệt phần nào tâm trạng của gã.
Tới một khúc quanh, song hiệp thấy Thiết Diện Hổ chăm chú nhìn một thân cây bên rừng. Đó là cây đại thọ, trên thân cây độ chừng một đầu một với, vết dao chém tét vỏ cây thành hai vệt song song hãy còn rõ ràng tươi nguyên.
Từ lúc nhìn thân cây đó, Thiết Diện Hổ có phần bình tĩnh hơn nhiều, bình tĩnh như lúc mới ra khỏi Tô Châu.
Trước tâm trạng thay đổi của Thiết Diện Hổ, Song hiệp kết luận là gã đã ẩn ra dấu hiệu chi đó của bọn môn đồ Tây Khương vào phục kích trong Hoàng Thạch Cương.
Quả thế, Lã Mai Nương, Cam Tử Long kinh nghiệm, suy luận rất trúng.
Thiết Diện Hổ hết hoang mang sau khi thấy dấu hiệu mà Cao Tấn Trung, Mã Hùng đã theo đúng nơi chỉ định, dùng dao ghi hai vết theo hình chữ Nhị lên thân cây đại thọ.
Với dấu hiệu đó, Thiết Diện Hổ hiểu rằng đoàn hảo hán phục kích đã qua đây, vào đồi Hoàng Thạch.
Trấn tĩnh hơn, gã bình tâm suy xét, nhận định mọi sự đã dồn dập xảy ra nội trong mấy hôm trước đây, và mối nghi ngờ hai anh em họ Lã bỗng hiện ra trong trí óc gã.
Gã tự trách đã quá tin hai người mới quen nọ.
Phải chăng vì gã quá chú trọng đến nhan sắc giai nhân, nên quên lửng bổn tánh vốn dĩ rất cẩn trọng trong công tác thường nhựt?
Hừ, được lắm! Phe Cao Tấn Trung đã vào Hoàng Thạch Cương phục kích thì hy vọng còn tràn trề. Sau trận đôi bên nghịch phái giao tranh, gã sẽ xuất bất kỳ ý tặng cho tên công tử, thiếu gia kia một đao và tự do dụng lực... chiếm đoạt vị nữ trung Tây tử nọ.
Lã Mai Nương mỉm cười, hỏi gã:
- Lúc này coi bộ Thiết hảo hán đã nhuận sắc lại như cũ, chắc hẳn hết bị hồn ma trên cây ám ảnh rồi nhỉ?
Thiết Diện Hổ cười gằn:
- Có lẽ, thây ma treo cổ ở giữa rừng âm u, kể cũng rờn rợn cho những ai nhìn thấy nó thiệt. Lã tiểu thơ không biết sợ, kể cũng khá đó!... Hà... hà...
Nghiêm sắc mặt, Lã Mai Nương nói:
- Tuy diện mạo tử thi thì bị ô nha cắn mổ nát bấy, nhưng tôi nhận thấy kẻ bị treo cổ đó hao hao giống một người nào mà chúng tôi đã từng gặp thì phải. Hảo hán nghĩ coi, cảnh chết chóc đó xoàng lắm, tôi đã từng mục kích cảnh dữ dội hơn thế nhiều Nói đoạn, nàng lừ mắt nhìn Cam Tử Long.
Thiết Diện Hổ hỏi:
- Thiệt vậy ư? Tôi không tin chút nào! Chẳng hay cảnh đó ghê gớm như thế nào?
- Đay nhé, tôi xin miêu tả và nhượng quyền định đoạt hơn, thua cho hảo hán.
Thiết tướng quân... thử tưởng tượng...
Gã ngắt lời:
- Ý! Xin tiểu thơ chớ lộn danh từ, tôi không phải tướng quân nào cả.
Lã Mai Nương chúm chím cười:
- Xin lỗi, tôi vô tình lầm xưng hô. Đây nhé, Thiết hảo hán thử tưởng tượng một đêm tối trời, đông chí lạnh buốt căm căm, giữa một căn khách phòng lớn trong miền sơn cước, một người vạm vỡ trúng tên đầy mình, giữa bụng bị trúng thương, máu me đầm đìa bê bết...
Trong căn phòng, lúc đó chỉ có một phụ nữ hiền lành - người vợ -, và một tiểu nhi - người con -, sợ hãi, đau thương. Kẻ nhìn chồng, kẻ nhìn cha đang quằn quại, hổn hển, đau đớn, cố rút món võ khí trúng nơi bụng, và nhăn nhó cố gắng tàn lực nhắn nhủ vợ dại, con thơ... Hà!... hà!... Cảnh đó không những đau lòng mà còn ghê rợn biết bao nhiêu giữa một đêm đông cực lạnh, gió rít từng hồi như tiếng Tử thần rú hồn...
Thiết Diện Hổ bất giác rùng mình, ngước mắt nhìn sang bên tả thì gặp luôn ánh mắt sáng quắc của Cam Tử Long đang chăm chú nhìn gã từ lúc nào không hiểu.
Tử Long cười mà rằng:
- Theo tôi... cảnh đó đáng sợ lắm!
Thiết Diện Hổ bỗng cảm thấy khô cổ, vô tình chớp mắt lia lịa như một trẻ nít đang ăn vụng mà bị bắt quả tang.
Tuy vậy, gã gắng gượng mà hỏi Mai Nương:
- Là tiểu thơ nói hay tưởng tượng?
- Thiệt chớ lị! Tôi đâu có giỡn.
Thiết Diện Hổ cố gạn:
- Chuyện xảy ra ở đâu? Bao lâu rồi và nạn nhân đáng thương... đó là ai?
Lã Mai Nương nhìn xốc vào mắt Thiết Diện Hổ:
- Hỏi vậy tò mò quá! Muốn biết rõ hơn tôi sẽ giới thiệu một vài người đủ tư cách hơn tôi, nhưng lúc này tôi chỉ cần hỏi ý kiến... tướng quân...
Thiết Diện Hổ vội cải chánh lần thứ nhì:
- Tiểu thơ lại lộn rồi, tôi không phải tướng quân.
Mai Nương cười xòa:
- Xin lỗi tôi muốn hỏi ý kiến... hảo hán là cảnh nào khủng khiếp hơn?
Thiết Diện Hổ tần ngần:
- Dĩ nhiên, cảnh tiểu thơ tả đáng sợ và còn đau thương hơn...
Im lặng giây lát, gã hỏi gặng:
- Tôi muốn biết câu chuyện đó, vậy người biết chuyện đó hiện ở Tô Châu?
Mai Nương buông sõng:
- Phải!
Nàng liếc mắt nhìn Cam Tử Long, trong khi Thiết Diện Hổ đăm đăm nhìn xuống mặt đường.
Kỳ thay! Sao con nhỏ này lại nhắc câu chuyện đó với ta?
Gã cố lục lọi dĩ vàng và chợt nhớ ra một chuyện xa xưa.
Dĩ vãng xa xưa đó đã khiến gã nhíu hẳn cặp mày chổi xể lại, nét mặt quạu quọ, gã hỏi:
- Thế kẻ trúng thương có nói gì không?
Mai Nương phì cười:
- Hình như có, nhưng tôi không dám đoán chắc.
Thiết Diện Hổ quay sang hỏi Cam Tử Long:
- Lã tráng sĩ nghĩ câu chuyện đó thế nào?
Tử Long lơ lửng:
- Thú thiệt, tôi không có ý kiến chi hết!
Một lần nữa, Thiết Diện Hổ gặp phải luồng nhỡn điện tử của hiệp khách họ Cam.
Gã nghĩ thầm:
- Chà! Tên này có lối nhìn khó chịu thiệt! Hằn học, căm thù, khinh miệt, ngạo nghễ. Hay chính anh em nó là đồng bọn Thiếu Lâm trà trộn theo ta cho tiện giở trò phản gián? Được lắm, để ta thử xem sao!
Nhìn từ Tử Long đến Mai Nương, Thiết Diện Hổ hỏi:
- Khu rừng này khá độc, chắc có nhiều mãnh thú nhị vị có biết tên là gì không?
Cam Tử Long nói ngay:
- Tôi đoán chắc không có mãnh thú nhứt là giống hùm beo vì thiên hạ gọi rừng này là Tăng Hổ Lâm.
Lã Mai Nương gật đầu theo:
- Phải Tăng Hổ Lâm! Người Tô Châu khẩu truyền rằng trước kia đã có lần, bầy lão hổ về tới đây hoành hành, nhưng chúng đều sa cạm bẫy bởi vậy mới thành tên Tăng Hổ Lâm. Và cũng từ đó, không một con lão hổ nào dám bén mảng vào khu Hoàng Thạch Cương nữa.
Bực mình, Thiết Diện Hổ nói xẵng:
- Thuộc khu Hoàng Thạch Cương như vậy, mà hôm rồi nhị vị dám nói là không biết chi cả là tại sao?
Lã Mai Nương nói xẵng:
- Biết qua khẩu truyền thiên hạ, có lẽ không được ư?
Trước thái độ bỗng nhiên mất hẳn hòa nhã và trở nên cứng rắn của Song Hiệp, Thiết Diện Hổ lấy làm phật lòng nên gã càng tin rằng hai người chủ mưu phản gián và là thủ phạm đã hạ sát Hòa Thân chưa biết chừng.
Gã tự trách đã quá chú ý đến sắc đẹp của người con gái họ Lã, mà quên hết mọi điều thận trọng.
Hừ, bây giờ đi sâu vào khu Hoàng Thạch Cương rồi, biết làm sao đây?
Trong tình trạng này, thà rằng phụ người còn hơn để người phụ ta! Thế nào cũng phải ra tay trước. Chúng hai người ta độc thân; chỉ cần lẹ tay, bất chợt ném một lát thì cán cân sẽ, hoặc là thăng bằng, hoặc là nghiêng về ta.
Nghĩ tới đây, bất giác Thiết Diện Hổ đưa tay vuốt ve cán thanh đơn đao đeo bên sườn.
Lẹ mắt, Cam Tử Long kín đáo nhìn thấy ngay.
Chàng hất hàm ra hiệu cho Lã Mai Nương, thì nàng đã tủm tỉm cười tỏ ý dư hiểu.
Lúc đó, Thiết Diện Hổ liên tưởng ngay đến hai thanh trường kiếm của hai người đi kế bên.
Trước kia, mỗi lần gặp nhau tại Lưu Gia lữ điếm, hai thanh kiếm đều được Song Hiệp bỏ trong túi gấm, nên gã tưởng rằng đó là thứ võ khí của hạng phong lưu công tử thường đeo cho hoa mỹ, đắt tiền vì dát vàng cẩn ngọc, hơn là thứ báu kiếm quý giá về thể chất biệt luyện.
Trái lại, lúc này hai thanh niên nam nữ nọ đeo kiếm sờ sờ trên lưng, gã tha hồ nhìn, tha hồ nhận xét.
Đó là một cặp trường kiếm mà dầu là người không sành về võ khí, thoạt trông cũng biết ngay là thứ quý kiếm đắc dụng.
Toàn thể thanh trường kiếm chắc nịch, khuôn khổ đều đặn, bao kiếm bằng đồng đen chạm trổ tinh vi không cẩn ngọc nhưng nạm vàng đỏ ối. Đầu bao, miệng bao và thân bao, nơi có vòng đồng buộc dải kiếm bằng thứ da mềm kết lại, đều được bịt hai lần đồng chạm nổi hình long cổn.
Đốc kiếm toàn thép, thứ thép biệt luyện sáng xanh đục không bao giờ chịu ảnh hưởng của thời tiết bị han sét. Chuôi kiếm quấn da mềm cho khỏi trơn tay, từ đốc đến chắn kiếm bằng thép đủ hổ đầu và vân vũ.
Hiện chưa được trông thấy lưỡi kiếm xấu tốt như thế nào, nhưng xét ngoại thể, quả đây là hai thanh trường kiếm ít ra cũng có tác dụng xung phong chém tướng cướp cờ, chiếm thành đoạt ải, không là thứ báu kiếm chém người không vấy máu, chặt sắt như chẻ tre, bộ thủy đoạn giao, long, tây, tượng.
(Dịch giả sẽ trích dịch một đoạn trong pho VÕ THUẬT TÙNG THƯ do Trường Bình công chúa, con gái vua Minh Sùng Chính, tức Quảng Từ ni cô, sư phụ của Hồng Y Nữ Hiệp Lã Tứ Nương, biện soạn, nói về cách luyện thép đúc kiếm của các thuật gia thời cổ.
Căn cứ vào kỹ nghệ luyện thép danh tiếng của Đức quốc đã đúc ra thứ dao lưỡi sáng xanh lè, nhúng vào nước không ướt, và nhứt là hai thứ Trường đao và Nụy đạo, tức là thứ kiếm của Võ sĩ đạo Nhựt Bổn - Yatagan - mà quý vị độc giả đã từng nghe danh là sắc như nước, rắn chắc vô cùng, thứ khí giới lợi hại mà quân tướng Phù Tang đã dùng để xung phong, đánh xáp lá cà trong trận Thế chiến đệ nhị, ta có thể tin được rằng khi xưa các Thuật gia Trung Hoa đã có khoa luyện thép đúc bảo kiếm.
Sau Ai Cập, Trung Hoa là một nước văn minh nhiều ngàn năm trước trong khi dân Tây phương còn ăn hang ở lỗ sống man dại, tiếc thay, nền tảng văn minh đó đã ngày một rụi dần, nhiều khoa học kỹ thuật đều bị tam sao thất bổn và thất truyền luôn. Đáng tiếc!) Trở lại lúc Thiết Diện Hổ nhận xét bề ngoài hai thanh trường kiếm của Lã Mai Nương và Cam Tử Long.
Ngang trên chắn kiếm của tráng sĩ, gã chợt nhận thấy hai chữ triện đúc nổi hình vuông. Chữ nhỏ khó đọc, lại thêm ngựa chạy kiệu nhỏ nhấp nhô, nên thành thử Thiết Diện Hổ cố nhìn, mãi mới đọc ra hai chữ Huyền Tiễn Gã không khỏi giựt mình nghĩ thầm:
Chà! Có lẽ là báu kiếm nên mới có tên.
Hình như lúc thiếu thời đang tòng sư luyện tập, sư phụ giảng về kiếm, có nói thanh Huyền Tiễn thì phải...
Gã nhìn cái chắn kiếm của thanh trường kiếm của Lã Mai Nương:
cũng hai chữ triện nhưng đúc trũng hình tròn Yểm Nhựt.
Thôi chính phải rồi, không còn chi ngờ vực nữa, hai anh em tên này đều có báu kiếm.
Gã nhớ khi xưa, sư trưởng giảng rằng Yểm Nhựt kiếm khí lạnh như băng, kiếm quang huyền sắc trấn Nhựt, Nguyệt.
Thanh Yểm Nhựt đã vậy, tất thanh Huyền Tiễn cũng chẳng vừa!...
Với sắc khí và báu chất của hai thanh trường kiếm chắc nịch kia mà gã nhận thấy, lúc này Thiết Diện Hổ nhận ra nét uy nghi dõng mãnh của hai kỵ sĩ đồng hành.
Hai người này có bản lãnh thực sự chớ chẳng chơi, và chưa biết chừng thuộc hàng kiếm khách hữu hạng chi đây.
Nguy hiểm! Gã đang đi trong vòng nguy hiểm.
Nhận xét tỉ mỉ, gã thấy cặp kỵ sĩ và tuấn mã y hệt cặp nam nữ hảo thủ vô địch trong kỳ Quần Hùng đại hội mới rồi.
Giữa khi Thiết Diện Hổ đang ngấm ngầm quan sát thì Song Hiệp không hiểu vô tình hay cố ý - khẽ thúc ngựa vượt hẳn lên trước, nghênh ngang nhìn trời mây, cỏ cây. Thừa dịp, Thiết Diện Hổ tha hồ nhận xét cả người lẫn ngựa.
Quả thế, hai anh em nhà này oai phong khác thường thật? Nhưng gã, gã có kém chi ai? Một tay giang hồ đại đạo lão luyện tung hoành khắp tứ phương, giết người không biết ghê tay, lẽ nào e sợ hai kẻ này ư?
Suốt bao năm nay tước hiệu Hắc Sát Cô Thần đã từng khiến giới hảo hán giang hồ và lục lâm cường đạo phải kinh sợ kính nể, lý nào gã - một danh đồ hảo hạng phái Tây Khương - oai hùm lừng lẫy trấn đất Tứ Xuyên không nhường cho sư huynh Lý Ba Sơn, lại phải tiểu tâm e nể, sợ hãi hai tên nam nữ vô danh này!
Ngay như hơn mười năm trước đây, trên Hoa Bắc, gã đã từng tung hoành khắp dải Vạn Lý Trường Thành, khi Quan nội, lúc Quan ngoại, hạ sát tất cả những kẻ nào dại dột làm vướng gót giang hồ đại đạo của gã.
Anh hùng nổi danh vô địch một thời như tên Trường Mâu Cam Kiến Khương khi xưa cũng còn chẳng thoát tay gã, nữa là mấy kẻ vô danh tiểu tốt kia?
Nghĩ tới trận giao đấu cùng lão anh hùng Cam Trường Mâu, Thiết Diện Hổ bất giác cảm thấy khí hùng sôi nổi, gã tự hào đã sát hại được - tuy phải dùng đến mưu kế phục kích - một danh thủ mà chưa một ai dám khinh thường.
Tuy vậy, kinh nghiệm lục lâm đại đạo dạy rằng kẻ đánh trước bao giờ cũng lợi đòn hơn và nhứt là... đánh bất ngờ.
Hừ! Hai đứa dại dột mải du, mải ngoạn cảnh sắc hữu tình kia, chỉ lãnh một ngọn phi tiêu này là đủ táng mạng!
Ngọn tiêu bách phát bách trúng do bàn tay lão luyện của gã phóng ra lúc này, sẽ cắm phập vào sau lưng xiên lút tới cán tới phổi hay tim, thì dầu chúng mạnh như voi cũng chẳng thoát khỏi Tử thần.
Phải hạ tên tráng sĩ trước đã, còn con nhỏ tính sau!
Nghĩ đoạn, gã bất giác đưa tay lên vuốt ve ngọn phi tiêu gài một dãy bảy chiếc trong đai da đeo trước ngực.
Ngay cùng lúc đó, bỗng Cam Tử Long quay phắt đầu lại hỏi:
- Ủa, sao Thiết hảo hán đi chậm vậy? Lên đây cho đều hàng nào, sắp tới đồi Hoàng Thạch rồi.
Cực chẳng đã và bẽn lẽn, Thiết Diện Hổ có cảm giác như kẻ ăn vụng bị bắt quả tang, đành thúc ngựa lên đi đều hàng với Song Hiệp.
Lã Mai Nương nhìn thẳng, cười khẩy:
- Thiết hảo hán làm gì mà nhìn sau lưng chúng tôi dữ vậy?
Cố nén giận, gã thản nhiên đáp:
- Tôi nhìn hai thanh trường kiếm tuyệt đẹp trên lưng nhị vị.
Mai Nương cười ròn rã:
- Ai ngờ Thiết hảo hán cũng ưa chuộng kiếm! Thứ kiếm này không những là bảo mỹ mà còn là báu dụng nữa!
Thái độ bỗng dưng ương ngạnh, khinh miệt của Mai Nương khiến Thiết Diện Hổ rất khó chịu. Không lẽ yên lặng, gã nói:
- Báu dụng thì phải coi lưỡi kiếm mới biết được, vậy coi được không?
Thay vì Mai Nương, Cam Tử Long đáp:
- Xem và... thử được chớ sao lại không, nhưng chờ tới đồi Hoàng Thạch đã.
Sắp tới nơi rồi. Thôi, ta thúc ngựa lẹ lên kẻo trễ giờ thêm vướng trận phục kích.
Cánh rừng băng Tăng Hổ Lâm thưa dần, nhường chỗ cho nhiều ngọn đồi hoặc trơ trọi đá vàng khè, được đồi đất cây cỏ xanh ngắt.
Ba người im lìm rẽ ngựa vòng vèo theo độc đạo qua mấy đồi cây um tùm, tới một trái đồi thoai thoải mà dưới chân đồi toàn mô hoàng thạch nhấp nhô khá hiểm trở. Trên đỉnh đồi, một cổ tự hoang tàn trơ trơ cùng phong sương tuế nguyệt.
Thiết Diện Hổ chỉ lên đồi mà rằng:
- Hoàng Thạch Cương đây. Tiếc thay không biết tên ngôi cổ tự là gì.
Lã Mai Nương nói ngay:
- Đó là Âm Hồn Tự!...
Thiết Diện Hổ lập lại như một tiếng vang:
- Âm Hồn Tự!...
Đoạn gã cười lạt:
- Lã tiểu thơ biết rõ nhỉ?
Lã Mai Nương thản nhiên nói:
- Phàm dân Tô Châu ai còn lạ chi thời nhà Ngô, chùa này là nơi chuyên độ vong hồn những kẻ phạm tội bị tử hình?
Thiết Diện Hổ nhìn thẳng vào mắt Mai Nương như cố tìm hiểu xem nàng ngụ ý gì trong câu nói vừa rồi. Thiệt tình gã không biết tên cổ tự hoang tàn nên mới buột miệng hỏi bâng quơ, dè đâu, nàng lại trả lời rõ rệt như vậy.
Cam Tử Long nói:
- Nào ta lên đồi, chần chờ mãi đây sao? Lực lượng phục kích đóng ở phía nào?
Thấy cần phải giấu giếm, không thể tin hai người như lúc mới khởi hành được. Thiết Diện Hổ nói:
- Được, ta lên đồi, vòng quanh tường chùa, sang núp sau các mô đá lớn bên phía Đông. Chừng nào bọn Phương Thế Ngọc tới, lực lượng phục kích sẽ áp tới ngay, tôi cũng không biết nó đóng ở đâu.
Tuy nói vậy, Thiết Diện Hổ dư biết bọn Cao Tấn Trung, Mã Hùng, môn đồ Tây Khương, Võ Đương, Không Động, có cả ba vị Sư trưởng Bạch Mi, Phùng Đạo Đức, Thạch Phủ Kính hiện núp cả trong rừng cây ngay sườn trái đồi kế bên. Họ chỉ chờ ba anh em Phương gia hay toàn thể môn đồ Thiếu Lâm tới Hoàng Thạch, là áp đến giáp chiến liền tay.
Phần Song Hiệp cũng không kém, hai người đã biết chương trình hành động đối lập do Chí Thiện thiền sư và các Đại sư đạo hữu tạo manh.
Biết rằng phe phục kích thể nào cũng vào Hoàng Thạch Cương do đường Bắc môn vừa gần, vừa tiện hơn, các Đại sư cùng môn đồ các phái hiện diện đi ngược lối Tam Môn Cốc, vào đồi Hoàng Thạch.
Trang chủ Âu Dương Tòng Bình cùng ba con là Âu Dương Tòng Lân, Kim Loan và Tòng Phượng năm ấy mười bốn tuổi, cũng theo xem, nhân tiện dẫn lối luôn thể.
Vì đi ngược đường và nhờ họ Âu Dương chỉ dẫn, phe Thiếu Lâm lên ngay phía sau đồi Hoàng Thạch và ẩn trong phương trượng hoang tàn.
Lúc này, đang ở trong khu vực nguy hiểm, Cam Tử Long thúc ngựa đi trước lên đồi, nhưng Lã Mai Nương cố ý nhường Thiết Diện Hổ đi giữa và tự nàng đi sau cùng coi chừng gã manh tâm đánh trộm.
Ba người vừa đi được một quãng thì có tiếng vó ngựa phi dồn dập...