Dịch giả: Nhật Tân và Văn Sách
Chương Mười Bốn

     ai giờ đúng, ông tòa Winters bước vào phòng xử rồi tuyên bố:
- Mọi người ở hai phía đã có mặt, kể cả bị can. Cuộc tranh luận lại tiếp tục. Hình như lúc ngưng, trung úy Tragg đang là nhân chứng. Mời trung úy lên.
Claude Drumm tằng hắng rồi giơ cao một phong bì lớn màu xám nâu:
- Tôi sẽ đưa cho trung úy xem một số hình ảnh chụp bởi những người đồng sự với ông lúc đó có mặt ở đấy. Xin ông xem xét kỹ các bức ảnh ấy rồi nói cho chúng tôi biết nó có chụp đúng hiện trường và vị trí của xác chết hay không.
Sau khi xem xét từng bức ảnh, Tragg nói:
- Đúng.
Viên phó biện lý lấy lại các bức ảnh.
- Trong trường hợp như vậy, tôi xin tòa cho nhập vào hồ sơ. Bức ảnh một chụp xác chết nằm sấp, mặt úp xuống đất. Ảnh chụp từ phía hướng về đường cái. Bức thứ hai...
- Khoan, - Mason chặn lại - cho tôi xem đã. Biết đâu tôi phải chất vấn người chứng trước khi ảnh được đưa vào hồ sơ.
Drumm không giấu vẻ ngạc nhiên, ông nói giọng nhạo báng:
- Thế ông không tin đây là ảnh thật à?
- Cho đến giờ phút này thì tôi không biết. Tôi chưa thấy chúng.
Ông chánh án Winters chen vào:
- Hẳn là phía bên công tố đã nắm được bằng cớ về tính xác thực của những tấm ảnh này rồi phải không?
- Nhất định rồi! - Drumm la lên - Nếu cần tôi có thể viện dẫn đến cả nửa tá người làm chứng. Xin nói thêm là tôi đã mời làm chứng người chụp các bức ảnh này nhưng thôi, tôi không muốn để trung úy Tragg phải bỏ dở lời khai lần nữa. Tuy nhiên nếu cần thì...
- Tôi không có chút nghi ngờ nào về tính xác thực của các bức ảnh này, - Mason nói - nhưng chắc là tôi cũng có quyền đặt ra một số câu hỏi về khía cạnh diễn đạt sự kiện của chúng, để chúng ta xem trí nhớ của ông trung úy có gì sơ sót không.
- Được rồi, - Ông tòa nói - ông sẽ có nhiều thì giờ để hỏi.
- Thưa ngài, tôi muốn hỏi lại trước khi các tấm ảnh này được xếp vào hồ sơ. - Mason gặng nói thêm.
- Nếu ông muốn như vậy thì tôi thấy không có lý do gì để ngăn ông, nhưng thú thật tôi không thấy có gì khác trong hai cách thức tiến hành đó cả.
- Vậy bây giờ tôi có thể được xem các tấm ảnh đó chưa?
- Ông có thể xem tấm ảnh thứ nhất. - Drumm nói với dáng của một người bị xúc phạm - Tôi mới định đưa tấm ảnh này vào hồ sơ thôi.
Mason cầm lấy xem xét:
- Được. Này ông trung úy, tấm ảnh này cho thấy xác chết nằm úp sấp trong vị thế lúc phát hiện. Lúc đó nó chưa bị xê dịch phải không?
- Phải.
- Hướng lấy ảnh là phía đường cái phải không?
- Phải.
- Chỗ này là một góc ngôi nhà à?
- Đúng.
Mason xem xét kỹ, lấy một kính lúp soi chi tiết rồi nói:
- Trung úy, tấm ảnh này được chụp sau khi ông đến hiện trường một khoảng thời gian rất ngắn phải không?
- Phải.
- Xin ông cho biết bao lâu?
- Không hơn 15 phút.
- Có ai động chạm đến cái gì không?
- Sao ông hỏi thế. Không ai chạm đến xác cả.
- Có xê dịch những vật khác không?
- Không ai động gì đến những thứ có liên quan đến vụ giết người.
Mason lưỡng lự một chút rồi trả tấm ảnh cho Drumm.
- Không phản đối. Ông có thể xếp vào hồ sơ.
- Tấm ảnh thứ hai, - Drumm tiếp - cho thấy những dấu chân trong bùn hướng về phía xác chết rồi quay trở lại. Ý kiến của phía buộc tội là các dấu chân ấy của bị can.
- Không phản đối. - Mason nói - Cho tôi xem... Cảm ơn... Không...Vẫn không có gì phản đối.
Luật sư trở về ghế ngồi. Diana Regis lo lắng nhìn ông, nhưng Mason tránh không nhìn lại cô.
Drumm đợi cho người lục sự đóng dấu lên các bức ảnh rồi lại hỏi Tragg:
- Ông trung úy có nói chuyện với bị can về các dấu chân trên tấm ảnh số mười không?
- Có.
- Ở đâu?
- Ở Sở Cảnh sát.
- Các ông có hứa hẹn gì với bị can không? Có đe dọa gì không?
- Không.
- Ai có mặt lúc đó?
- Người thợ ảnh, một phụ tá của ông coroner, một phụ tá của tôi và bị can.
- Ông có mặt ở đấy không?
- Có, chính tôi thẩm vấn.
- Bị can có khai gì không?
- Có. Theo tôi nhớ thì bị can khai như thế này: “Tôi có hẹn với Mildred ở địa chỉ này lúc mười giờ. Tôi đến hơi sớm và thấy chiếc xe của tôi đậu trước nhà nên nghĩ rằng Mildred đã đến rồi. Tôi trả tiền taxi, bấm chuông. Không có tiếng trả lời, nhà như nhà hoang, tôi lấy làm lạ nên đi vòng ra gõ cửa phía sau. Vẫn không ai trả lời. Tôi chú ý đến một lối đi thẳng ra cuối sân nơi để chuồng gà và thấy một hình thù nằm dài dưới đất. Tôi có một cây đèn bấm để trong hộc đựng găng tay nơi xe nên quay lại lấy và khi chiếu đèn thì hình thù ấy là một xác người. Tôi bước tới nhận ra Mildred đã chết. Tôi chỉ biết thế thôi...”.
- Ông có nói với bị can về khẩu súng - tang vật số bốn không?
- Không phải tôi. - Tragg trả lời - Cuộc thẩm vấn đó là do trung sĩ Holcomb phụ trách.
- Được rồi, để tôi hỏi trung sĩ Holcomb sau. - Drumm nói - Bây giờ tạm dừng ở đây. Ông Mason có tái thẩm vấn không?
Mason gật đầu đứng dậy.
- Khi trung úy đến hiện trường thì trời mưa phải không?
- Phải.
- Mưa mau?
- Phải.
- Và xác chết nằm ở phần thấp nhất của cái sân phải không?
- Phải.
- Như vậy là một phần sân đầy nước chứ?
- Phải, nhiều lắm.
- Nước ấy phải chăng là từ các điểm cao hơn đổ dồn vào chỗ trũng?
Tragg ngập ngừng rồi dè dặt nói;
- Tôi không biết số lượng nước từ các điểm cao đổ xuống là bao nhiêu. Đất ở đấy đầy nước. Nhưng chắc chắn như ông nói là nước phải đổ dồn vào chỗ trũng ấy.
- Có chắc không?
- Chắc.
- Tôi xin ông chú ý đến bức ảnh tang vật số bảy. Cái bể nước trong ảnh là để chứa nước từ trên mái đổ xuống?
- Hình như thế. - Tragg trả lời - Nước trên mái quả có đổ vào bể nước thật.
- Như thế khi ông đến, nước mưa đang chảy vào bể ấy phải không?
- Chắc thế.
- Nó có vòi ở dưới không?
- Tôi... tôi chắc là có.
- Như vậy nước ở chỗ trũng phần lớn là do nước ở trong bể chảy ra phải không?
- Tôi không nói vậy đâu. - Tragg càng trả lời càng tỏ ra dè dặt.
- Tôi xin ông trả lời là phải hay không phải.
- Tôi không nghĩ thế.
- Tại sao?
- Tôi không biết vòi nước có mở ra hay không. Xin cho tôi xem kỹ lại chút nữa.
Mason đưa tấm ảnh ra, Tragg mỉm cười.
- Lúc nãy tôi thấy ông dùng kính lúp.
Mason đưa kính. Tragg xem xét thật kỹ rồi nói với ông tòa:
- Thưa ngài, theo tôi thấy thì nước không chảy ra ngoài vòi đâu.
- Tấm ảnh rõ lắm rồi. - Mason nói - Điều tôi muốn hỏi là ông có nhớ là vòi nước mở hay đóng?
- Tôi nghĩ là nó đóng.
- Xin hết.
Mason trở về chỗ, không lộ ra vẻ gì là vừa chịu thất bại. Drumm trang trọng lên tiếng:
- Xin mời bà Helen Bartsler.
Helen Bartsler bước tới, giơ tay thề rồi ngồi vào ghế nhân chứng. Drumm hỏi:
- Bà ở ngôi nhà số 6750 Đại lộ San Felipe?
- Vâng.
- Từ bao lâu?
- Khoảng một năm.
- Bà có đi làm không?
- Tôi nuôi gà đẻ - ít thôi nhưng cũng đủ dùng.
- Bà không làm việc gì khác à?
- Không.
- Bà có biết người chết Mildred Danville không?
- Có.
- Từ bao lâu?
- Ba hay bốn năm.
- Cô ta có làm việc cho bà không?
- Có.
- Thời gian nào?
- Khoảng đầu năm 1942.
- Bao lâu?
- Trong hai hay ba tháng khi tôi nằm chỗ và sau đó.
- Từ đó bà còn gặp cô ta không?
- Có, chúng tôi vẫn là bạn.
- Đêm 26 bà có gặp cô ta không?
- Thưa không.
- Sáng 27?
- Gặp cô ta chết rồi.
- Trước đó lần cuối bà gặp là lúc nào?
- Tôi không nhớ rõ. Hai hay ba ngày trước thì phải.
- Bà có nói chuyện với cô ta qua điện thoại không?
- Có.
- Về một chuyện đặc biệt à?
- Vâng.
- Chuyện gì?
Ông tòa Winters rõ ràng thấy thắc mắc quay sang hỏi Mason:
- Ông có phản đối không?
- Thưa ngài không.
- Được rồi. Xin bà trả lời.
Bà Bartsler nghếch cằm lên, nói nhỏ nhưng rõ ràng:
- Mildred Danville đã bắt cóc con tôi và tôi muốn chuộc lại
Ông tòa Winters nhíu mày nhìn người chứng.
- Bà vừa nói rõ là người quá cố đã bắt cóc con bà phải không?
- Vâng.
Trong phòng xử im lặng đến nỗi người ta nghe cả tiếng bút chì của các nhà báo hối hả ghi trên giấy. Drumm hỏi:
- Việc ấy xảy ra lúc nào?
- Con tôi lúc đó đang ở với bà Ella Brockton tại số nhà 2312 Olive Crest Drive. Mildred Danville mến nó từ lúc cô ta làm cho tôi nên nhiều lần đến thăm nó và hai ngày trước khi cô ta chết, tức là ngày 21, cô ta thuyết phục bà Brockton đừng...
- Lúc ấy bà có mặt không? - Drumm ngắt lời.
- Thưa không.
- Vậy bà biết chuyện chỉ là do bà Brockton thuật lại à?
- Vâng.
- Thôi ta dừng lại nơi đây. Tôi gọi người chứng khác.
- Phía biện hộ không phản đối. - Mason nói.
- Đấy chỉ là chuyện nghe nói lại! - Drumm kêu lên.
- Đúng vậy. - Ông tòa Winters nói - Tuy nhiên vì chứng cớ sẽ được kiểm lại bởi những người chứng khác và vì phía biện hộ không phản đối nên...
- Không phải ý tôi như vậy. - Drumm phản đối - Nếu tôi có đi quá thì xin rút lại lời nói. Tôi muốn theo đúng quy định của luật pháp cho phép.
- Tốt lắm! - Ông tòa Winters đồng ý.
Drumm liền tiếp lời hỏi bà Bartsler:
- Như vậy là bà có nói chuyện qua điện thoại với người quá cố về con bà?
- Vâng.
- Lúc nào?
- Chúng tôi nói chuyện hai hay ba lần sau khi con tôi bị bắt đi.
- Cô ta nói gì? Nói chung là hai người bàn bạc ra sao?
- Tôi mong nhân chứng nói rõ hơn. - Mason nói xen vào.
- Được rồi. - Drumm nói - Lần gọi điện thoại đầu tiên cô ta nói với bà những gì?
- Cô ta đang giữ con tôi và sẵn sàng thương lượng với tôi để giữ đứa bé.
- Đứa bé con của bà?
- Vâng.
Ông tòa Winters chồm tới trước, ngạc nhiên nhìn nhân chứng và hỏi với giọng thắc mắc:
- Bà muốn nói là cô ta bàn việc giữ đứa con của bà?
- Thưa phải.
- Theo bà thì tại sao cô ta lại có thái độ đó?
- Cô ta rất mến con tôi và muốn buộc tôi để cô ta giữ đứa bé mỗi năm một thời gian.
- Bà có đồng ý không?
- Không.
- Bà xử sự ra sao?
- Tôi dọa là nếu cô ta không đem đứa bé trả lại nhà bà Brockton thì tôi sẽ đi thưa về tội bắt cóc.
- Cô ta trả lời ra sao?
- Gác máy.
Ông tòa ngả người trên ghế suy nghĩ. Drumm hỏi:
- Sau đó thì sao?
- Sáng hôm sau Mildred Danville gọi lại cho tôi, tố cáo tôi đã bắt mất đứa bé.
- Thế nghĩa là cô ta không còn giữ con của bà nữa à?
- Đó chỉ là lời cô ta thôi. Cô ta nói vậy cốt khỏi bị bắt giam.
Ông tòa Winters vẫn đăm đăm nhìn nhân chứng và hỏi:
- Bây giờ con bà ở đâu?
Helen Bartsler vẫn nhìn lại.
- Tôi không biết.
- Nhà chức trách được thông báo chưa? - Winters hỏi.
- Thưa ngài, có. - Drumm trả lời - Chúng tôi đang cố sức lo tìm đứa bé. Nhưng đến nay thì chưa có kết quả. Vì có lời yêu cầu của những người liên hệ nên chúng tôi chưa loan tin.
Một nhà báo xem đồng hồ rồi vội vã rời phòng xử. Vài giây sau những người khác cũng biến theo. Ông tòa lên tiếng:
- Lạ thực.
- Nếu tòa cho phép, - Drumm tuyên bố - chúng tôi sẽ chứng tỏ bị cáo đã âm mưu với Mildred Danville bắt cóc...
- Phản đối! - Mason nói - Một nhận định như thế không có căn cứ. Các chứng cớ cho đến nay không có gì đưa đến giả định là...
- Tôi xin phép nói trước là sẽ có chứng cớ. Tôi có quyền đó. - Drumm phản kháng.
- Không. - Mason ngắt lời - Quyền trình bày sơ khởi của ông đã xong. Với lại dù ông có đưa chứng cớ gì nữa cũng không thành công đâu. Ông chỉ có mỗi một việc là rút kết luận từ một vài sự kiện ông muốn dựng ra thôi.
- Đủ rồi. - Ông tòa Winters xen vào - Nếu phía buộc tội có thể chứng minh được bằng chứng cớ thì cứ làm và các nhân chứng cứ nói điều họ phải nói. Tạm gác chuyện này lại. Xin ông Drumm tiếp tục.
- Chúng ta trở lại ngày 26. - Viên phó biện lý nói - Có phải bà nói chuyện với Mildred Danville vào ngày ấy không, bà Barstler?
- Vâng.
- Bằng cách nào?
- Qua điện thoại.
- Cô ta nói gì?
- Cô ta bảo là có biết nơi đứa bé ở và hứa sẽ trả nếu tôi đồng ý về việc chia thời gian giữ đứa bé.
- Cô ta có cho bà biết đứa bé ở đâu không?
- Không.
- Cô ta có hẹn sẽ đến nhà bà không?
- Không.
- Bà trả lời cô ta thế nào?
- Cũng như lần trước, nghĩa là nếu không chịu trả con tôi thì tôi sẽ thưa cô ta về tội bắt cóc.
- Phản ứng cô ta ra sao?
- Cô ta hy vọng sẽ được tôi chấp nhận lúc nào tôi hiểu rõ mọi tình thế để tôi dịu đi. Cô ta nhận là đã gạt tôi nhưng nhấn mạnh đó chỉ là ước muốn tốt đẹp cho đứa bé thôi.
- Cô ta có nói với bà là sẽ trả đứa bé vào lúc nào không?
- Ngay tối hôm đó.
- Lúc mấy giờ?
- Khoảng mười giờ.
- Cô ta định trả ở đâu?
- Ở nhà bà Ella Brockton, địa chỉ số 2312 Olive Crest Drive.
- Rồi bà làm sao nữa?
- Tôi tức tốc trở về nhà và đến bà Ella. Tôi đợi mãi đến nửa đêm. Rồi tôi nghĩ là tôi đã nghe nhầm nên lại lên xe đến nhà cô ta bấm chuông. Không ai trả lời cả. Tôi mệt quá. Tôi lại trở về nhà bà Ella cho đến khi cảnh sát tới.
- Bà có nghe gì về việc Mildred Danville đã đến nhà bà ở 6750 Đại lộ San Felipe không?
- Không.
- Con bà tên gì?
- Robert Bartsler.
- Tên người cha cũng là Robert Bartsler?
- Vâng.
- Còn sống không?
- Mất rồi. Bị tử trận ngày 7-12-1941.
- Có còn bà con không?
- Có, một người cha.
- Giữa bà và ông nội đứa bé có chuyện gì tranh chấp không?
Helen Bartsler mím môi:
- Ông Jason Bartsler, ông nội đứa bé, tỏ ra ghê tởm tôi ngay từ đầu cuộc hôn nhân. Theo ông ta thì tôi chỉ là một đứa lang bạt, lấy con ông chỉ cốt nhắm vào tiền thôi. Ông ta cố sức phá cuộc sống chung của chúng tôi.
- Các vấn đề này đưa ra có phù hợp ở đây không? - Ông tòa Winters vừa nói vừa băn khoăn liếc nhìn Mason.
- Tôi sẽ chứng minh là hợp. - Drumm tuyên bố.
- Ông chứng minh đi. Để tôi hiểu lý do nào ông thẩm vấn như vậy?
- Bà Bartsler, tôi xin hỏi bà câu cuối cùng. - Drumm nói - Bà có biết bị can đi làm việc ba hay bốn tuần trước ngày 26, ngày xảy ra vụ giết người không?
- Cô ta làm việc ở nhà ông Jason Bartsler. - Nhân chứng nói rõ ràng và dứt khoát.
- Cám ơn. - Ông phó biện lý nói - Phía biện hộ có thể tái thẩm vấn.
Mason gật đầu đứng lên, hỏi với một giọng bình thường:
- Bà Bartsler, bà có biết rõ cái hồ nước bên cạnh ngôi nhà 6750 Đại lộ San Felipe không?
- Tất nhiên là biết rồi.
- Nó có ích cho bà lắm phải không?
- Vâng. Tôi dùng nó để giặt giũ và gội đầu.
- Bà biết dung lượng của nó là bao nhiêu không?
- Không.
- Bà có biết bể nước cạn hay gần cạn trong đêm 26 không?
- Tôi không để ý.
- Không bao giờ bà xem lượng nước trong đó à?
- Không. Khi cần thì tôi dùng, chỉ có thế thôi.
- Trong đêm 26 khi thấy trời sắp mưa, bà có mở vòi để tháo nó ra không?
- Phản đối! - Drumm kêu lên - Câu hỏi lạc lõng không ăn nhập gì với việc tái thẩm vấn và không nhằm vào cái gì hết. Không dính dáng gì đến những lời thẩm vấn của tôi cả.
- Theo tôi, câu hỏi đó không lạc lõng và có mục đích. - Ông tòa Winters chen vào - Vấn đề còn lại là nó có ở trong khuôn khổ của việc tái thẩm vấn hay không thôi.
- Tôi không hiểu. - Drumm càu nhàu.
Ông tòa tuyên bố:
- Tôi không muốn đi quá cái kết luận của các phe hiện diện đưa ra ở đây nhưng xét những điều tranh luận lúc đưa các tấm ảnh vào hồ sơ thì tôi nghĩ phía buộc tội muốn nói là vụ giết người xảy ra sau lúc trời mưa.
- Đúng vậy.
- Trong trường hợp đó, - Ông tòa tiếp - thì nếu có chứng cớ là bể nước được tháo ra trước lúc trời mưa, nước sẽ tràn đến phần trũng của cái sân nơi xác chết nằm và do đó việc xác định thời điểm việc giết người cũng phải xem xét lại.
- Nhưng mà về mặt nguyên tắc, như thế không phải là tái thẩm vấn.
- Nếu đứng về mặt quy tắc thì tôi phải cho là ông đúng. - Ông tòa nhìn nhận - Lời phản đối có giá trị.
- Được lắm. - Mason mỉm cười - Tôi xin phép hỏi theo một cách khác. Bà Bartsler, trong lúc hỏi cung, bà khai rằng bà đã rời nhà lúc sáu giờ chiều phải không?
- Sau sáu giờ một chút.
- Và bà không trở về nhà trước nửa đêm, dù là vào lúc khuya phải không?
- Đúng vậy. Tôi được cảnh sát đưa về vì có người làm cho cái xe tôi không chạy được.
- Nói tóm lại, bà không lúc nào có mặt ở nhà từ 6 giờ cho đến trước 12 giờ đêm phải không?
- Đúng vậy.
- Trong khoảng tời gian đó, có lúc nào bà đứng phía trước nhà không?
- Không.
- Lần cuối cùng bà đứng ở đấy là lúc nào?
- Tôi đã nói rồi. Trước lúc tôi ra đi một chút khoảng sáu giờ.
- Lần cuối cùng bà đứng ở phía sau nhà là vào lúc nào?
- Tôi không biết... Khoảng xế chiều.
- Có lúc nào bà đứng gần bể nước hồi xế chiều không?
- Phản đối! - Drumm lên tiếng chen vào - Câu hỏi vẫn ở bên ngoài giới hạn của việc tái thẩm vấn.
- Tôi xin tòa lưu ý là người chứng được hỏi giờ giấc rời khỏi nhà. - Mason nói - Như vậy là trong lúc tái thẩm vấn, tôi có quyền chia ngôi nhà thành từng khu vực nhỏ để hỏi.
Ông tòa mỉm cười.
- Lời phản đối vô hiệu.
- Lần cuối bà ở gần vòi nước là vào khi nào? - Mason hỏi.
- Ông muốn nói cái vòi ở bể nước à?
- Đúng.
- Từ nhiều ngày rồi tôi không đến đấy. Có thể nói tôi không rờ tới nó từ lâu lắm.
- Con cậu Robert bà vừa nói, là con hợp pháp của bà với cậu Robert Bartsler phải không?
- Phải.
- Có lúc nào bà báo với ông Jason Bartsler là ông ta có một đứa cháu nội không?
- Phản đối! - Drumm chen vào.
- Lời phản đối có giá trị. Câu hỏi này rõ ràng là có liên quan đến một cuộc nói chuyện chắc phải đến ba năm trước.
- Không, thưa ngài. - Mason phản đối - Tôi vừa hỏi nhân chứng là có khi nào báo cho ông cha chồng việc sinh đứa con không.
Ông chánh án lộ nét mặt hơi ngạc nhiên:
- Này ông Mason, ông định làm cho chúng tôi nghĩ rằng... Vâng, lời phản đối vô hiệu.
- Không. - Helen Bartsler nói với giọng bình tĩnh và lạnh lùng - Không bao giờ tôi nói với ông ta chuyện đó cả. Đó là một con người ích kỷ, độc đoán, không tình cảm, chẳng thương yêu người con chút nào, không có tình cảm với tôi, không chịu nhận tôi là một thành viên trong gia đình. Nên tôi cho rằng con tôi sinh ra không dính dáng gì đến ông ấy cả.
Ông tòa Winters chồm mình ra tới trước hỏi:
- Nghĩa là bà muốn nói rẳng ông ta không bao giờ biết rằng mình có cháu nội phải không?
- Tôi không bao giờ cho ông ấy biết có cháu nội cả. - Bà Bartsler lạnh lùng xác nhận.
Ông chánh án lắc đầu vẻ không hài lòng rồi nói với Mason:
- Ông hỏi tiếp đi - Mắt vẫn không rời người chứng.
- Sau khi con bà bị bắt, bà có liên lạc với ông Jason không? - Mason hỏi.
- Không.
- Và bà không hay biết gì về Mildred Danville có thể đến nhà bà vào đêm đó phải không?
- Không. Tôi cứ tưởng cô ấy đến nhà bà Ella Brockton.
- Cảm ơn. Xin hết.
Mason ngồi xuống. Ông tòa nghiêng mình về phía trước.
- Tòa muốn hỏi bà Barlsler vài câu. Theo tôi hiểu thì bà giấu không cho ông Jason Bartslor biết đứa cháu sinh ra vì ông ta không công nhận bà là con dâu phải không?
- Thưa ngài, không, tôi không giấu ông ấy. Tôi chỉ không báo thôi chứ tờ khai sinh của con tôi lập ra rất hợp pháp.
- Nhưng mà bà không báo cho ông ấy.
- Không.
- Để bà trả thù cách ông ấy đối xử với bà?
- Không. Tôi chỉ muốn bảo vệ quyền lợi của con tôi. Ông nội nó là một kẻ khinh bạc. Ông ta khoe mình là kẻ bất cần. Ông ta không có được một tình cảm cao thượng, tế nhị nào và chỉ biết chạy theo vật chất. Cho nên tôi không muốn con tôi phải chịu ảnh hưởng lây.
- Đó là mục đích độc nhất của bà?
- Thưa ngài, vâng.
Ông tòa thở dài nói với giọng hoài nghi:
- Được rồi. Phía buộc tôi có thể mời nhân chứng khác.
Drumm gọi một chuyên viên đạn dạo. Người này nói dài dòng về viên đạn bắn vào đầu Mildred Danville và các viên đạn ông ta bắn thử từ khẩu súng làm chứng. Ông ta tuyên bố là cùng một thứ đạn và do đó viên đạn bắn vào người chết là từ khẩu súng tang vật.
Một chuyên viên lấy dấu tay tiếp theo, nói rằng lấy được vài dấu trên khẩu súng và có chụp hình. Ông ta cho phóng đại các hình ấy lên và phóng đại các dấu tay của bị cáo. Chúng đều là một. Ông ta nói là thấy được bảy dấu tay trên súng, đều là của bị can.
Lời khai của người chuyên viên rõ ràng có tác động đến ông chánh án. Ông đặt nhiều câu hỏi, xem xét kỹ các bức hình và bắt giảng giải một số chi tiết.
Đến sáu giờ, tòa đình đến mai họp lại.
Mason đi bộ về văn phòng cùng với cô thư ký. Ông nói:
- Này, ta biết rõ ràng Helen Bartsler nói dối bởi vì chắc chắn là chính cô ta mở vòi nước. Tuy nhiên rủi cho ta là không có chứng cớ gì vì các tấm ảnh của cảnh sát không đủ rõ để thấy vòi nước mở hay đóng. Đáng lẽ tôi có thể gài bẫy để cô ta tự nhận đã mở nhưng các câu nói của ông tòa làm cho cô ta lo đề phòng, cho nên cô ta cứ chối phăng.
- Theo ông thì cô ta là thủ phạm à?
- Khó biết lắm. Chúng ta chỉ biết là cô ta nói dối ở nhiều điểm nhất là ở cuộc điện đàm với Mildred Danville, nói dối khi bảo là không biết Mildred hẹn đến nhà cô ta lúc mười giờ tối, nói dối về giờ giấc rời nhà. Rồi muốn lấp liếm các thứ dối trá đó, cô ta bị buộc phải nói dối về cái vòi nước.
- Nhưng tại sao cô ta phải nói dối? - Della Street tức giận hỏi.
- Để cứu mạng cô ta. - Mason giải thích - Trong các vụ giết người, rất nhiều kẻ đã nói dối vì lý do như vậy đó. Hãy xem trường hợp Helen Bartsler. Có thể là cô ta không dính dấp gì đến vụ giết Mildred Danvill. Nhưng cô ta biết chuyện cô kia đến nhà mình vào lúc mười giờ. Chắc cô ta cũng về nhà vào giờ đó và thấy Mildred đã chết. Thế là cô ta nghĩ rằng tốt nhất là lánh đi và tìm cách chứng tỏ tình trạng ngoại phạm. Do đó cô ta giấu êm một phần câu chuyện nói với Mildred trước cái hẹn mười giờ. Cô ta chạy đến nhà bà bạn Ella Brockton và nhờ bà này chứng nhận tình trạng ngoại phạm. Cũng có thể là tôi giương bẫy chộp được cô ta nói dối nhưng khả năng thành công chỉ được một phần trăm thôi. Còn điều này nữa Della ạ. Vì cớ gì Tragg biết có xác chết ở Đại lộ San Felipe? Tất nhiên là do một cú điện thoại, nhưng kẻ ẩn danh là ai? Đế làm gì? Và vì lý do gì mà Mildred Danville vướng víu với đứa con của Bartsler nhiều đến thế? Công việc của chúng ta là tìm xem những gì đã xảy ra thế nào và tại sao, nghĩa là trước hết phải làm thám tử rồi sau đó mới suy luận. Cho đến nay thì ta chỉ đặt được một đống câu hỏi lộn xộn và luôn luôn đi vào ngõ cụt.
- Tôi hiểu quan điểm của ông, - Della nói - nhưng làm cách nào ta tìm ra?
- Trước hết cần biết tại sao chiếc xe của Mildred Danville lại đậu lâu ở nơi đó để đến nỗi suýt bị phạt? Sau nữa, tôi lấy làm lạ muốn biết tại sao câu chuyện Diana bị đánh bầm mắt lại có tác động đến Mildred như thế?
- Chắc là do việc Carl đi vào phòng Diana. - Della nói - Trong phòng ấy chắc có một cái gì quan trọng?
- Chắc thế!
- Nhưng là cái gì?
- Đố biết!
- Ông chủ, bây giờ ta làm thế nào?
- Tối nay ta tìm cách đi lấy quyển nhật ký.
- Điên à?
- Này Della, tôi biết, nhưng dù sao cũng phải đến đó thôi. Bây giờ tôi mới hiểu được nỗi niềm của một thấy thuốc bên giường người bệnh mà ông ta không thể nào chữa được. Dù sao thì một người luật sư cũng là một người thấy thuốc... Trời, làm sao tôi có thể biết được một phần của chuyện gì xảy ra chiều ngày 26 ấy! Nhất định tôi sẽ đập tan những lời ba hoa của phe buộc tội - hay là thuyết phục được mình rằng khách hàng của tôi là kẻ có tội!
- Ông chủ, ta không thể nào đánh đổ được lý lẽ ngoại phạm của Helen Bartsler được sao? Nếu Helen biết Mildred đã chết thì... tại sao cô ta còn đến nhà Mildred?
- Để gặp Diana, có lẽ, nhưng cũng có thể là... Này, xem đã! - Mason nhíu mày - Cô ta có thể làm chuyện này.
- Gì thế?
- Bỏ vào hộp thư lá thư của Mildred định gửi cho Diana.
- Đúng rồi. - Della kêu lên - Có lẽ đó là lý do duy nhất để cô ta đến đấy. Nhưng để làm gì?
- Cô ta muốn Diana đọc lá thư đó. Nhưng Helen tìm được thư ấy ở đâu, làm sao mà có? Mildred đưa cho cô ta chăng? Ta hãy suy nghĩ xem... Lá thư chắc phải được viết vào đầu xế trưa... Này, sao có kẻ nghĩ rằng bức thư ấy phải được tìm thấy trong hộp thư của Diana? Ta đến điểm quan trọng rồi! Della. Cho đến sáng mai chúng ta phải tìm cho ra. Phải tìm ra, phải khám phá ra. Phải xong. Bắt đầu là buộc Paul Drake làm việc. 
Chú thích:
  1. Coroner: theo thể chế của nước Anh, đây là một nhân vật của chính quyền địa phương tham dự vào việc điều tra xét xử của một tòa án trong trường hợp có vụ giết người mờ ám