Dịch giả: Văn Hòa - Kim Thùy
- 34 -

     hông hỏi gì nữa chứ, ông Peterson? Ông có tin mọi việc đều diễn ra tốt đẹp không? - Ông Hugh và Steve đang đứng ở tiền sảnh, Steve xách cái va-li đựng tiền chuộc nặng nề.
- Tôi tin thế. - Steve đáp, giọng anh bình tĩnh, đều đều. Trong mấy giờ vừa qua, anh thấy trong người hết mệt, có lẽ vì quá đau đớn nên sự buồn khổ đã trở nên chai lì, tê liệt. Anh cảm thấy có thể suy nghĩ minh bạch, thậm chí có thể hình dung ra sự việc được nữa. Anh như người đứng trên đỉnh đồi, nhìn thảm kịch đang xảy ra ở dưới, làm khán giả chứ không phải diễn viên.
- Tốt, bây giờ ông hãy lặp lại công việc lần nữa đi. - Ông Hugh nói. Ông đã khám phá ra hiện tượng thay đổi này ở Steve. Peterson đã kiệt sức, anh đã hoàn toàn rối trí. Nhưng chuyện nhại giọng vợ anh trong cuốn băng cát-sét đã làm cho anh minh mẫn hơn. Anh chàng tội nghiệp tin tưởng rằng đấy chính là giọng vợ anh. Cho việc bắt cóc này có liên hệ đến cái chết của bà Nina, thật quả là quan điểm lệch lạc đáng tởm. Ông Hugh rút ra được hai chi tiết quan trọng. Sharon yêu cầu Steve tha lỗi cho cô ta. Và Neil đã nói: “Sharon chăm sóc con”. Thế không phải là tình trạng này đã được dàn cảnh lên đây hay sao?
Có phải là một cuộc dàn cảnh không nhỉ?
Có thể John Owens sẽ giúp họ được. Đã bắt được liên lạc với ông ta và Hugh phải đến gặp ông ta tại trụ sở cơ quan FBI ở New York.
Steve lặp lại:
- Tôi đi thẳng đến buồng điện thoại ở Đại lộ 59, nếu tôi đến sớm, tôi cứ ngồi đợi trong xe. Trước hai giờ một chút, tôi bước ra và đi vào trong buồng điện thoại. Tôi cứ đến đấy, sau đó, hy vọng tôi sẽ trực tiếp tiếp xúc với tên bắt cóc, rồi giao va-li tiền cho nó. Sau khi đã rời nó, tôi đến cơ quan FBI, nằm trên Đường 69 và Đại lộ 3. Ông đợi tôi ở đấy để lắp máy Camera trên xe và khai triển các cuốn phim.
- Thế đấy. Chúng tôi sẽ chạy cách ông một đoạn, máy phát tin trong xe ông sẽ cho chúng tôi biết hết các hoạt động của ông. Một nhân viên của tôi đợi ông, anh ta sẽ theo ông trên xa lộ để bảo đảm việc ông khỏi bị hư xe, khỏi bị chậm trễ. Ông Peterson...- Ông Hugh đưa tay ra bắt - Chúc may mắn.
- May mắn à? - Steve hỏi, anh kinh ngạc khi nghe giọng anh, như thể anh nghe từ này lần đầu - Tôi chỉ nhớ đến lời nguyền rủa trong tác phẩm cổ điển Wexford thì có. Có lẽ ông còn nhớ chứ?
- Tôi không tin như thế.
- Tôi không nhớ hết các chi tiết, nhưng đại khái là như thế này: “Con Cáo đã đào hang trong nhà của ngươi, mắt ngươi đã mờ không thấy được ánh sáng, không bao giờ ngươi thấy được những gì ngươi thương yêu. Ly rượu ngọt chắc sẽ biến thành ly rượu đắng phiền muộn...”. Còn nữa, nhưng chừng ấy cũng quá đủ cho tình hình hiện tại quá rồi, phải không?
Không đợi trả lời, Steve bước đi, ông Hugh nhìn chiếc Mercury ra khỏi nhà, rẽ trái về hướng xa lộ. “Con Cáo đã đào hang trong nhà của ngươi”. Lạy Chúa, xin ngài đến giúp đỡ anh ta. Lắc đầu để xua đuổi cảm giác lo sợ, ông Hugh mặc măng tô vào. Không có chiếc xe nào của cơ quan FBI đậu trước nhà hết. Tất cả nhân viên đều đi cửa sau, băng qua cánh rừng hoang vắng chạy bao quanh ngôi nhà của Steve. Họ đậu xe trên con đường chạy băng qua rừng khi đường ống cống đã thiết lập xong, đi ngoài đường lớn, không ai thấy xe họ cả.
Có thể John Owens rút ra được điều gì đó trong cuốn băng cát-sét do tên bắt cóc gởi đến. John là cựu nhân viên cơ quan FBI, ông ta đã bị mù cách đây 20 năm. Nhưng ông ta đã luyện lỗ tai rất tinh, có thể nghe giọng nói ghi âm và phát hiện ra giọng của ai rất chính xác. Mỗi khi cần có bằng chứng về giọng nói, cơ quan mật vụ lại nhờ đến ông. Rồi sau đó như thường lệ, cuộn băng được đem vào phòng thí nghiệm phân tích, nhưng công việc ở đây phải mất mấy ngày mới xong.
Làm ra vẻ tình cờ, ông Hugh đã hỏi Steve về Nina, ông biết: bà ta sinh trưởng trong một gia đình tư sản ở Phila-delphia, giàu có từ bốn thế hệ nay. Nina học nội trú ở Thụy Sĩ, theo học đại học ở Bryn Mawr. Bố mẹ bà ta thường sống trong một dinh cơ tại Monte-Carlo. Ông Hugh nhớ có gặp hai ông bà này lúc đám tang con gái của họ. Họ đến bằng máy bay để kịp dự lễ ở nhà thờ và chôn cất luôn, họ rất ít nói chuyện với Steve. Phải nói đây là cặp vợ chồng khó gần gũi.
Những thông tin này có lẽ cũng đủ cho Owens xác định đây là giọng của Nina thật hay là giọng bắt chước, ông Hugh tuyệt đối tin tưởng vào kết quả.

*

Xa lộ Merritt đã được phủ cát, và mặc dù tuyết vẫn còn rơi nhưng Steve lái xe một cách dễ dàng. Thật anh không ngờ được như thế này, anh cứ sợ nếu đường đi nguy hiểm, tên bắt cóc sẽ hủy bỏ buổi hẹn mất. Bây giờ chắc chắn anh sẽ gặp được hắn, bằng cách này hoặc cách khác.
Anh tự hỏi tại sao ông Hugh lại nói về đời tư của Nina. Ông ta toàn hỏi những điều chủ yếu.
- Ông Peterson, vợ ông học trường đại học nào? Bà ấy sống ở đâu?
- Học đại học ở Bryn Mawr. - Hai người gặp nhau khi còn sinh viên, anh học ở Princeton, tiếng sét ái tình đến với họ từ khi ấy.
- Gia đình bà ấy là thế hệ thứ tư của một đại gia đình giàu có ở Philadelphia - Steve rất tức bố mẹ vợ, họ muốn Nina lấy người cùng giai cấp, họ đã nói thẳng ra như thế. Lấy người nào trong một gia đình tốt, giàu có, xuất thân ở đại học tư. Chứ không phải lấy một anh chàng sinh viên nghèo phải làm bồi bàn cho quán Nassau để có tiền ăn học, xuất thân từ trường công Christopher Columbus ở vùng Bronx.
Lạy Chúa, khi Nina và anh vào đời, quả hai người đáng sợ thật. Anh đã từng nói với Nina: “Tại sao em lại làm con họ được nhỉ?” - Cô rất tếu, rất thông minh, rất giản dị. Họ lấy nhau ngay sau khi tốt nghiệp. Rồi anh đi thi hành nghĩa vụ quân sự, hai người không gặp nhau suốt hai năm. Cuối cùng anh được về phép, cô đến gặp anh ở Hawaii. Khi nàng bước xuống tháng máy bay, trông nàng đẹp biết bao, nàng chạy nhào đến vòng tay đang giang ra của anh.
Khi giải ngũ, anh học lấy bằng tiến sĩ về báo chí ở Columbia. Rồi anh vào làm cho tờ Time, hai người sống ở Connecticut, nàng chuẩn bị sinh Neil.
Sau khi sinh Neil, anh mua cho chị chiếc Karman Ghia, và người ta kháo nhau rằng anh đã tặng chị chiếc Rolls, thực ra, chiếc Rolls là của bố chị.
Sau đám ma một tuần, anh bán chiếc xe của Nina. Anh không chịu đựng được khi nhìn xe của chị nằm bên cạnh chiếc Mercury của anh trong nhà xe. Vào đêm chị chết, anh đã muốn xem xét chiếc xe, mặc dù chẳng có hy vọng gì cứu vãn - Bất cẩn là chết đấy em à! - Nhưng cái bánh xe đã sửa chữa và đã ráp lại vào bánh trước, bánh xơ cua nằm trong thùng xe. Nếu chị không bỏ công thay bánh xe vào hôm ấy, thì chắc chị không làm cho anh phải giận.
Nina, Nina; tha lỗi cho anh.
Sharon - Chính cô đã cho anh lại nguồn sống, nhờ cô mà nỗi chán nản đau đớn trong lòng tiêu tan hết, như băng tuyết tan trong mùa xuân. Sáu tháng qua là thời gian êm ái nhất. Anh đã tin dịp may được hạnh phúc lần thứ hai đang đến với anh.
Người ta ít ai mới gặp nhau lần đầu mà đã yêu nhau liền, anh đã 34 tuổi chứ đâu còn 22!
Thế nhưng!
Cuộc hội ngộ lần đầu ở buổi phát sóng truyền hình hôm ấy, anh cảm thấy yêu cô ngay. Cuối buổi phỏng vấn, hai người cùng ra khỏi phòng quay rồi nán lại nói chuyện với nhau trước cơ quan. Từ ngày Nina mất, anh không hề quan tâm đến phụ nữ, ngay cả từ xa anh cũng không nhìn đến họ, thế mà sáng hôm ấy, anh lại muốn giữ Sharon lại. Anh còn bận đi tham dự một buổi họp, nên không thể đề nghị cô cùng đi ăn trưa với anh. Anh đành hẹn: - “Sáng nay tôi bận việc, nhưng tối nay, chúng ta đi ăn tối với nhau nhé?”.
Sharon nhận lời rất nhanh, như thể là cô đang đợi anh mời. Ngày hôm ấy cô thấy sao mà dài quá, cho đến khi cô nghe có tiếng chuông cửa reo. Việc thảo luận về án tử hình lúc ấy có tính chung hơn là riêng, chỉ đến khi Sharon nhận thấy cô không thể cứu được Ronald Thompson, cô mới quay qua chống lại anh.
Anh đang trên xa lộ Cross County, hai bàn tay anh tự động lái xe, tự tìm ra đường đi, còn trí óc anh thì vẫn để đâu đâu.
Sharon - Thật hết sức tuyệt diệu khi có người để nói chuyện lại trong lúc ăn tối, rồi uống một ly tạm biệt ở nhà cô. Cô thông cảm những nỗi khó khăn của anh khi phải đương đầu với công việc xuất bản một tờ tạp chí, phải chiến đấu để tìm người ủng hộ, để gia tăng số báo xuất bản. Đây là chuyện tâm sự ở chốn buồng the, anh nói đùa như thế.
Anh thôi làm cho tờ Time, và nhảy vào làm tờ Biến cố được mấy tháng thì Nina chết. Lập ra tờ tạp chí này là cả một công việc liều lĩnh, anh kiếm sống ở tờ Time rất thoải mái. Vì vấn đề tự ái mà anh phải hợp tác lập ra tờ báo tuyệt nhất trong vùng. Anh sẽ giàu có, sẽ thành một tổng biên tập, và để cho bố của Nina phải mở mắt ra. Anh phải làm cho ông ta rút lui lời tuyên bố ban đầu mới được.
Bố mẹ Nina đã trách anh về cái chết của chị, họ đã nói: - “Nếu nó ở trong một ngôi nhà như trước đây, một ngôi nhà có người canh gác đầy đủ, thì làm gì có chuyện xảy ra như thế này”. - Họ đã muốn đem Neil đi u Châu. Neil mà đi với hai người ấy à!
Neil - tội nghiệp thằng bé, thật cha nào con nấy. Khi Steve mới được ba tuổi thì mẹ anh mất, anh không nhớ gì được về mẹ cả. Cha anh không lấy vợ lại, đó là một sai lầm. Steve lớn lên không có mẹ. Anh nhớ năm anh lên 7 tuổi, một cô giáo dạy thay trong lớp đã cho học sinh vẽ thiệp chúc lễ các bà mẹ.
Cuối buổi học, cô giáo nhận thấy Steve không nộp bài, cô hỏi: - “Em không nộp bài vẽ phải không? Mẹ em chắc sẽ rất sung sướng khi nhận được thiệp vào chủ nhật”.
Anh đã xé tấm thiệp mình vẽ và trốn ra khỏi lớp.
Anh không muốn Neil cũng như thế. Anh muốn Neil lớn lên trong một ngôi nhà hạnh phúc, một ngôi nhà có anh chị em. Anh không muốn sống như cha anh, một mình với Steve, khoe khoang với bạn bè ở sở bưu điện mình có đứa con học ở Princeton. Một mình đơn điệu trong ngôi nhà cô liêu, một buổi sáng, ông không thức dậy, không thấy ông đến làm việc, người ta đến nhà xem ông ra sao. Rồi người ta đến trường tìm Steve.
Có lẽ vì thế mà anh cho những năm cuối cùng của cha anh như bị mang án tử hình vào thân. Vì anh biết cuộc sống của người già và người nghèo ra sao rồi, họ bị thua thiệt biết bao. Vì anh cứ lo nghĩ rằng thế nào có ngày bọn cướp cũng giết một trong hai người một cách rất dã man.
Chiếc va-li để ở ghế ngồi phía trước bên cạnh anh. Ông Hugh đã cam đoan với anh là hắn không thể phát hiện ra thiết bị điện tử ở trong được. Tự thâm tâm, anh hài lòng vì đã để cho họ gắn vào xe những máy móc dò thám ấy.
Lúc 1 giờ 30, Steve ra khỏi cầu vồng ở West Side chạy vào Đường 57. Lúc 2 giờ kém 20, anh đậu xe trước một buồng điện thoại đối diện nhà hàng Bloomingdale. Đến 2 giờ kém 10, anh ra khỏi xe, bất cần trời ẩm ướt và gió lạnh, anh đợi trước buồng điện thoại.
Đúng hai giờ, chuông điện thoại reo, cũng cái giọng khàn khàn nho nhỏ ấy ra lệnh cho anh đến ngay buồng diện thoại công cộng trên Đường 96 ở góc Đại lộ Lexington.
Lúc 2 giờ 15, điện thoại ở đây reo, Steve nhận lệnh qua cầu Triborough, theo xa lộ Đại Trung tâm, chạy đến đầu cầu vồng xuống khu Brooklyn Queens. Sau đó anh chạy theo cầu vồng xuống khu Brooklyn Queens cho đến Đại lộ Roosevelt, quẹo trái đến khu phố đầu tiên và dừng lại ở đó, anh phải tắt đèn và đợi ở đấy. - “Đừng quên điều này nhé. Một mình thôi nhé”.
Steve run run ghi quệt quạc lời hắn dặn và đọc lại cho hắn nghe. Tên bắt cóc liền cúp máy.
Đến 2 giờ 35, anh ra khỏi cầu vồng Brooklyn Queens đến đại lộ Roosevelt. Một chiếc xe hòm khổng lồ đậu ngay giữa dãy nhà ở phía bên kia đường. Khi đi qua xe đó, anh nhẹ quay tay lái, hy vọng những máy Camera dấu trên xe quay được dấu vết và số xe. Rồi anh cho xe dừng lại bên lề đường và đợi.
Con đường thật tối tăm. Cửa lớn và cửa sổ của những nhà cũ kỹ tiều tụy đều đóng kín mít, hệ thống dây cáp đường tàu điện đã che bớt ánh sáng rọi xuống đường, tuyết rơi làm cho đường sá tối tăm thêm.
Máy phát tin có báo cho nhân viên FBI để họ theo dõi không? Không biết máy có hoạt động không? Anh không thấy có chiếc xe nào ở phía sau hết. Có thật như lời họ nói là họ không muốn đến gần?
Có tiếng gõ vào cửa xe, Steve quay đầu qua, miệng khô đắng. Một bàn tay đeo găng ra dấu cho anh hạ kính xuống. Anh quay chìa khóa công tắc, bấm vào nút tự động cho kính hạ xuống.
- Đừng nhìn tao, Peterson.
Nhưng anh cũng có thì giờ kịp nhìn thấy chiếc áo khoác màu nâu đỏ, cái đầu bịt kín bằng một chiếc vớ dài. Một cái túi xách bằng vải dài đến tận đầu gối, loại túi xách của hải quân. Anh cảm thấy đau nhói ở trong bụng, thằng này không có ý định lấy cái va-li có gắn máy phát tin, chắc chắn là thế rồi.
- Mở va-li và bỏ hết tiền bạc vào túi xách cho tao. Mau lên.
Steve cố tranh thủ thời gian. Anh nói:
- Làm sao tôi tin được là ông sẽ giao lại Neil và Steve cho tôi bình an vô sự.
- Bỏ vào túi xách cho tao! - Giọng hắn nghe rất gay gắt. Hắn có vẻ căng thẳng kinh khủng. Nếu hắn hoảng sợ và chạy trốn với số tiền này, có thể hắn giết Neil và Sharon. Steve mò mẫm lấy những gói tiền trong va-li ra và bỏ vào túi xách của hắn.
- Buộc miệng túi xách lại.
Anh kéo dây buộc, thắt gút miệng túi xách.
- Đưa dây cho tao, đừng nhìn tao.
Anh nhìn thẳng ra phía trước.
- Thế con tôi và Sharon thì sao?
Hai bàn tay đeo găng thò qua cửa xe, lấy cái túi xách. Nhìn đôi găng tay, anh quan sát thật kỹ, trông thật thô tháp, làm bằng đồ giả da rẻ tiền, màu xám thẫm hay nâu đỏ sậm, cỡ lớn. Mép áo khoác sờn mòn, sợi chỉ lòi ra ngoài.
Tên bắt cóc cất tiếng nói nhanh, giọng run run:
- Nhớ đấy, Peterson. Mười lăm phút nữa mới được đi khỏi đây, hãy nhớ đấy, mười lăm phút nữa. Nếu tao đi mà không có ai theo dõi và tiền bạc đầy đủ, thì mày sẽ biết chỗ tìm con mày và Sharon vào lúc 11 giờ 30 sáng nay.
Mười một giờ rưỡi, đúng giờ hành quyết Ronald Thompson, Steve không kềm chế được nữa. Anh hỏi:
- Anh đã chứng kiến cảnh vợ tôi chết phải không?
Hắn không đáp. Anh đợi, thận trọng quay đầu về phía hắn. Hắn đã bỏ đi, từ bên kia đường, chiếc xe rồ máy chạy.
Đồng hồ anh chỉ 2 giờ 35 phút, cuộc hẹn chỉ kéo dài ba phút. Anh có bị canh chừng không? Có một kẻ nào đứng trên mái nhà quan sát anh, nếu anh nhúc nhích là báo liền không? Bây giờ cơ quan FBI không thể xác định được chiếc va-li của anh ở đâu được nữa. Nếu anh đi sớm hơn giờ hắn ra lệnh thì sao?
Không nên.
Đúng 2 giờ 53 phút, Steve cho xe quay lại, chạy về hướng Manhattan. Lúc 3 giờ 10, anh đến tổng hành dinh của cơ quan FBI nằm ở góc Đường 69 và Đại lộ 3. Nhân viên mật vụ mặt mày nghiêm trọng đổ xô đến xe anh, tháo đèn ra. Ông Hugh ánh mắt u sầu lắng nghe Steve kể lại hết sự việc trong khi họ đang đi đến tầng thứ 12. Ở đây người ta giới thiệu với anh một người đàn ông tóc bạc phơ, cặp kính đen trên mắt ông ta không làm mất vẻ nhẫn nại và thông minh trên mặt. Ông Hugh nói:
- Ông John đã nghiên cứu cuốn cát-sét. Sau khi nghe xong giọng nói và một số tiếng vang, ông kết luận rằng Neil và Sharon ở trong một căn phòng lạnh lẽo và trống vắng, rộng khoảng mỗi bề 3 mét bề 7 mét. Có thể phòng này nằm dưới một nhà ga chở hàng, có tiếng xe lửa chạy liên tục vào ra ga rất gần đấy.
Steve sững sờ. Lão mù nói:
- Tôi phải nghe lại nhiều lần nữa mới chính xác hơn được, chẳng có gì bí mật ở trong vấn đề này cả. Cần phải lắng nghe thật kỹ như người ta nhìn một mẫu vật dưới ống kính hiển vi vậy thôi.
Một căn phòng lạnh lẽo, trống không, nhà ga hàng hóa. Steve nhìn ông Hugh, ánh mắt trách cứ:
- Giả thuyết ông cho Sharon âm mưu việc này còn đứng vững không?
- Tôi không biết gì hết. - Ông Hugh thú nhận một cách gọn lỏn.
- Ông Peterson này, về giọng nói sau cùng trong cuốn băng, - Ông Owens có vẻ ngần ngừ một lát mới nói tiếp - xin hỏi ông có phải tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ của vợ ông, chứ không phải tiếng Anh, có phải thế không?
- Không, tất nhiên là không, cô ấy lớn lên ở Philadelphia cho đến lúc 10 tuổi mới vào nội trú. Mà tại sao ông hỏi vậy?
- Trong lời nói có ngữ điệu khiến cho ai chuyện về ngôn ngữ đều nghĩ rằng tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ.
- À, tôi nhớ rồi! Nina có nói cho tôi biết cô ấy có người gia sư là người Pháp, lúc còn nhỏ, cô ấy thường nói bằng tiếng Pháp nhiều hơn tiếng Anh.
- Quả tôi nói không sai, cho nên, đây không có chuyện lừa bịp hay nhại giọng, ông nhận ra giọng của vợ ông là đúng.
- Đúng rồi. Tôi đã lầm lẫn về việc này - Ông Hugh nói - Nhưng ông John nói rằng giọng nói sau cùng trong cuốn băng đã được thêm vào sau khi đã ghi âm giọng của Nen và Sharon. Ông Peterson, ông suy nghĩ xem, kẻ nào làm việc này chắc đã biết rõ cuộc sống riêng tư của ông. Có lẽ buổi tối nào đó ông đã đến gặp những người làm việc chiếu bóng nghiệp dư, và ở đây đã có ai ghi âm được giọng nói của vợ ông rồi họ rút ra những lời này, phải không?
Steve không nhớ nổi... anh nhíu mày suy nghĩ:
- Câu lạc bộ đánh gôn, cách đây bốn năm, khi người ta tu sửa và trang hoàng lại trụ sở câu lạc bộ, họ đã làm một bộ phim cho lễ từ thiện. Nina đóng vai người tường thuật, cô ấy đã đi từ phòng này qua phòng khác, trình bày các nơi đã được thực hiện.
- Vậy là chúng ta đã nắm được mấu chốt. - Ông Hugh nói - Có thể bà ấy đã dùng những lời này trong phần minh họa cho bộ phim không?
- Có thể lắm.
Chuông điện thoại reo, ông Hugh chụp lấy máy, xưng danh, rồi lắng nghe:
- Tất cả các anh hãy theo dõi ngay đi. - Ông đột ngột gác máy, mắt ông lóe lên như người đi săn tìm được dấu vết mới của con thú. Ông nói:
- Ông Peterson, mọi việc bắt đầu sáng tỏ. Ông đã chụp được một bức ảnh rất rõ về chiếc xe và số xe của hắn. Chúng ta sẽ tìm ra chiếc xe ấy.
Họ đã cho anh chút hy vọng đầu tiên! Vậy thì tại sao anh cứ nghẹn ngào đau đớn mãi như thế này? Dễ hiểu thôi, anh đã có linh cảm công việc này không đi đến đâu cả.
Ông John Owens đưa bàn tay về hướng phát ra giọng nói của Steve. Ông ta nói:
- Ông Peterson, cho tôi hỏi một câu, nếu quả thật giọng nói trong cuốn băng là giọng của vợ ông, thì tôi có cảm giác bà ấy nói khi vừa mở cánh cửa ra. Ông có nhận ra cánh cửa khi mở có tiếng rít nho nhỏ nghe “k é e c” là ở đâu không? - Hỏi xong, ông ta nhại lại tiếng cánh cửa có bản lề bị sét, tiếng nhại rất giống.
Ông Hugh và Steve nhìn nhau. Ông ta đùa ư, Steve chưng hửng thầm nghĩ, thật là trớ trêu, khi mọi người hiểu được thì quá muộn rồi...
Hugh trả lời thay cho anh:
- Phải, ông John, đó đúng là tiếng kêu ở cánh cửa nhà bếp của ông Peterson khi mở ra.