Dịch giả: Sông Kiên &Lê thị Duyên
PHẦN 3- KẾT QUẢ GẶT HÁI
Chương 18
HỎA TIỄN SATURNE

     gày 14 tháng 10 năm 1957, một toán các người chuyên môn về các vấn đề không gian, tham dự Hội nghi tại Hoa thịnh đốn trong khuôn khổ của “năm quốc tế địa cầu vật lý học”, được mời dự một buổi tiệc do tòa Đại sứ Nga khoản đãi. Giữa bao nhiêu người tại đây có cả tiến sĩ Richard Porter của công ty General Electric, mà 12 năm trước đây, đã điều tra W. Von Braun tại Garmisch Parten Kirchen và tổ chức cuộc di tản về Mỹ, các kỹ tuật gia của Nordhausen. Từ đó, Porter đã tích cực lo về loại phi đạn vô tuyến điều khiển, ông hướng dẫn toán phụ trách cho phóng một vệ tinh Mỹ, nhân dịp “năm địa cầu vật lý học”.
Walter Sullivan phóng viên khoa học của tờ New York Times cũng là khách của tòa Đại sứ Nga. Đang buổi tối, bỗng nhiên có điện thoại gọi ông. Người chủ biên của ông đọc cho nghe một công hàm của Mac tư Khoa vừa mới được tung ra. Sullivan chậm rãi gác điện thoại, tiến lại gần Porte và nói nhỏ:”Xong rồi”.
Hai người cho Dr. Loyd Berkner, người phụ trách chương trình của Mỹ về”năm địa cầu vật lý học”, hay cái tin kỳ lạ phát xuất từ Mac Tư Khoa. Berkner yêu cầu mọi người giữ yên lặng rồi nói:”Tôi xin báo một tin. Tôi vừa hay được do đường dây của New York Times nói rằng một vệ tinh Nga đã được đưa vào quỹ đạo, trên một cao độ 900 cây số. Tôi  chúc mừng dồng nghiệp Sô viết của chúng ta về thành tích này”.
Vệ tinh đó là một trái cầu bằng kim khí gần hai lần lớn hơn quả bóng rổ, tên gọi là Spoutnik I. Đấy là vật nhân tạo đầu tiên mà chiếc hỏa tiễn đã đưa vào quỹ đạo quanh trái đất. Ngày 3-11-1957, người Nga phóng chiếc Spoutnik II, một vệ tinh khá nặng,bên hông còn mang theo con chó cái Laika, một sinh vật đầu tiên được đưa vào quỹ đạo vòng quanh trái đất. Đấy là một thử thách to tát tại Mỹ, và thành tích của Nga đã là đầu đề của một sự chế giễu chua cay. Thí dụ như có một hình vẽ trình bày 2 chiếc Spoutniks gặp nhau trong không gian và chào nhau theo kiểu người Đức. Một tướng Mỹ, thuộc tổ chức O.T.A.N. đã kêu lên:”Chúng ta đã không tập hợp đông đủ người Đức cần thiết”.
Trong một cuộc họp báo, tổng thống Eisenhower đã giải thích với đồng bào của ông lý do về sự đi trước của Nga Sô:”Từ năm 1945, vào thời ấy người Nga đã bắt giữ tất cả những nhà khoa học Đức ở Peenemunde, và họ đã dồn hết mọi nỗ lực của họ vào chương trình phi đạn xạ thuật”. Thật vậy, từ 1945, người Nga đã thực sự dồn mọi nỗ lực của họ vào chương trình phóng phi đạn, nhưng rõ rang là họ không bắt giữ tất cả các nhà khoa học Peenemunde. Từ năm 1945, các phần tử tinh hoa nhất của bọn họ đã làm việc cho Mỹ. Tuy nhiên, người Nga cũng có đưa về Nga, một số chuyên viên Đức vào tháng 10 năm 1946, và người ta nghĩ rằng chính các chuyên viên này đã đem lại cho Nga sô sự thành công làm rung động cả mọi người.
Thủ tướng Nga Nikita Khrouchtchev, đưa ra các vấn đề, trong bài diễn văn đọc tại Minsk ngày 22 tháng 1 năm 1958:”Đúng là có một toán nhỏ người Đức đã làm việc với chúng tôi. Khi hết hạn giao kèo, họ trở về nước Đức hoặc sắp được trở về ngay”. Nhưng N.Khrouchtchev nhấn mạnh về sự kiện là các người Đức không liên hệ gì với các Spoutniks.Các vệ tinh này chỉ là thành quả riêng của khoa học Sô viết. Ông hô to với tiếng cười vang động:”Nếu nguồi Đức đã giúp người Nga, tại sao người Đức lại không giúp người Mỹ? Hơn thế nữa, quân đội Mỹ đã chiếm được nhà phát minh ra chiếc V2, cho đem ông ta về Mỹ,nơi mà hiện giờ ông này đang chế tạo các hỏa tiễn!”(tiếp theo tiếng cười và vỗ tay hoan nghinh).
Thật sự thì cái gì đã xảy ra? Khrouchtchev đã nói sự thật, và sự thật này còn khó chịu hơn cả chuyện vòng vo tam quốc, theo đó thì chính các nhà khoa học Đức đã hoàn thành các hỏa tiễn to lớn dùng để đưa các Spoutniks vào quỹ đạo – các hỏa tiễn rất có thể trang bị các đầu đạn nguyên tử và có khả năng đến bất cứ nơi nào tại Âu châu hoặc Mỹ châu.
Người Nga đã khai thác nhóm các nhà khoa học Đức đúng theo kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng. Người Nga đã dùng họ theo lối “vắt chanh bỏ vỏ”và sau đó lại cho họ “ngồi chơi xơi nước”. Kể từ tháng 3 năm 1951, các chuyên gia Đức thấy ước nguyện của họ đã đạt thành:được trở về quê hương. Một số vẫn ở tại Đông Đức, số khác qua Liên bang Tây Đức, nơi này họ bị tình báo Mỹ(C.I.A.) tra gạn đủ điều. Tình báo Nga không phải bận tâm nhiều để nhăn cản sự đào tẩu kia, vì họ biết rằng, người Mỹ sẽ không khai thác được gì ở các người đào thoát về cái gì liên quan đến thực trạng của nền kỹ thuật Nga sô, trong ngành hỏa tiễn.
Lấy ví dụ như trường hợp của Helmut Grottrup. Sau cuộc thí nghiệm thành công 1947, tại các vùng băng tuyết Kazakhstan thuộc miền TâyBá Lợi Á, người ta đã rút dần trách nhiệm của ông và lương bổng cũng bị bớt dần. Tháng 12 năm 1950, ông bị rút lại các chức vụ điều khiển của nhóm chuyên viên Đức. Bà Irmgard Grottrup đã ghi trong nhật ký của bà ngày 3-3-1951 như sau:”Nhóm chuyên viên Đức chỉ còn là một giả tưởng…”.Ngày 17 tháng 2 năm 1952, bà viết:” Đồng bào chúng tôi có một đời sống dễ chịu tại “Viện nghiên cứu Rabe”nhưng các kỹ sư Nga được biệt phái đến đó, có vẻ xem họ như các món đồ có tại viện bảo tàng…lương của Helmut bị bớt hơn 50% trở nên kém một cách lố bịch …”
Ngày 15 tháng 11 năm 1953, Grottrup được báo tin, ông có thể cùng với gia đình trở về Đức quốc. Vai trò sau chót của ông ở Liên bang Sô viết không có chút gì liên hệ đến hỏa tiễn cả:ông phụ trách về máy tính điện tử và gia đình Grottrup đã trở về Đông Đức ngày 28 tháng 12 năm 1953. Từ đó, họ sang Liên Bang Tây Đức, nơi bây giờ họ đang sinh lập tại đấy. Sự thật, là người Nga trả tự do cho họ, bởi người Nga không còn cần đến các nhà khoa học ngoại quốc nữa.
Tháng 10 năm 1946, giao kèo của các kỹ thuật gia Đức được kéo dài trong thời hạn 5 năm. Tháng 12 cùng năm này, gia đình họ khởi đến Fort Bliss. Năm 1948, sự canh chừng mà họ phải chịu, được giảm bớt, đồng thời các ràng buộc liên quan đến sự tự do đi lại của họ cũng được dễ dãi hơn. Lần lần người ta cho họ được quyền sử dụng các tài liệu mật và họ được quyền xin các chiếu khán lưu trú với tư cách ngoại kiều. Đó là bước đầu tiên đưa đến việc nhập tịch sau này của họ.
Năm 1950, Sở Quân cụ, ở trong tình trạng bắt buộc phải có một trung tâm nghiên cứu thường trực, rộng lớn hơn cả trung tâm tại Fort Bliss để phát triển chương trình hỏa tiễn có tính cách quân sự. Phần lớn nhờ sự cố gắng của Đại tá Toftoy, nên cơ sở hỗn hợp của Huntsville ở Alabama được giao cho ông sử dụng. Đấy là cơ xưởng kỳ cựu Huntsville được dùng cho viện hóa học, và cơ xưởng kế cận Redstone, nơi chế tạo tạc đạn trong thời chiến.Von Braun và toán ông cùng đi chung với Trung tá Hamill đến Huntsville ngày 1-4-1950. Liền sau đó họ nhận được vai trò to tát đầu tiên: thực hiện hỏa tiễn Redstone, một phi đạn địa-địa với một tầm xa 300 cây số, cốt để sử dụng như yểm trợ hỏa lực trong c ác trận đánh dưới đất.
Chiếc Redstone được phóng thành công ngày 20-8-1953 lại mũi Canaveral. Đấy là một vũ khí chiến lược, nhưng Von Braun, hiện giờ là giám đốc phân bộ hỏa tiễn vô tuyến điều khiển của phòng thí nghiệm các vũ khí của ngành Quân cụ, không bao giờ quên mơ ước củ của ông: sử dụng sức thôi chuyển hỏa tiễn (sức đẩy tới bằng hỏa tiễn) để thám hiểm không gian.
Tháng 9-1953, ông trình bày trước Quân đội và Hải quân, một dự trù đưa vào quỹ đạo một vệ tinh Mỹ bằng cách dùng một Redstone như là hỏa tiễn mang đi.
Tháng 8-1954 Quân đội và Hải quân quyết định cùng phóng chung trong chương trình này, được gọi là chương trình Orbiter. Von Braun cùng toán ông chắc chắn rằng chiếc vệ tinh có thể sẽ thành công vào giữa năm 1956.
Ngày 15-4-1955, Von Braun và phần lớn các cộng sự viên của ông được nhập tịch vào dân Mỹ. Cuộc lễ được tổ chức tại Hội trường của Đại học Huntsville. Giữa lúc đó, họ đã khởi thực hiện loại vũ khí xạ thuật có tầm trung bình, dùng cho lợi ích quân đội. Đó là chiếc Jupiter, có tầm hoạt động 2.400 cây số. Nhưng hy vọng của họ bị tiêu tan một cách cay nghiệt.
Ngày 29-7-55 tòa Bạch ốc báo tin rằng Tổng thống Eisenhower đã chấp thuận việc phóng một vệ tinh khoa học Mỹ trong khuôn khổ của “năm thế giới địa cầu vật lý học”, sẽ được mở ra vào tháng 7-1957. Nhưng lại không phải là một chiếc Redstone sẽ được đưa vào quỹ đạo: chiếc hỏa tiễn mang theo sẽ là một khí cụ hoàn toàn mới và không có tính cách quân sự, chiếc Vanguard, do Hải quân chế tạo, dưới sự điều khiển của Hàn Lâm Viện Khoa học Quốc gia. Ngày hôm sau, Liên Bang Sô Viết cho biết nước họ cũng đang suy tính cho phóng một vệ tinh trong “năm thế giới địa cầu vật lý học”.
Mặc dầu chương trình Orbiter bị bãi bỏ, Von Braun và Quân đội cũng không từ bỏ các mục tiêu thám hiểm không gian của họ.
 Tháng 5-1956, Quân đội đặt vấn đề là trong trường hợp chiếc Vanguard, chưa bao giờ được thực nghiệm, sẽ không điều hành được, thì người ta sẽ quay về dùng hỏa tiễn Jupiter. Bộ Quốc phòng đã bác bỏ đề nghị của họ. Tháng 11-1956, Braun và toán của ông bị thêm một ván đòn nữa. Bộ trưởng Quốc phòng Charles Wilson, công bố sắc lệnh, qui định các quyền hạn riêng cho 3 quân chủng liên quan đến chương trình của các loại hỏa tiễn khác nhau. Các phi đạn có tầm xa được giao cho Bộ Không lực. Quân đội phải bị giới hạn trong loại hỏa tiễn có tầm tối đa là 300 cây số. Điều này có nghĩa là toán của Von Braun hoạt động cho quân đội chỉ có thể chính thức lo về các hỏa tiễn không có khả năng thám hiểm không gian.
Sau cuộc phóng 2 chiếc Spoutniks của Nga, cả thế giới chờ xem người Mỹ, hiện thua xa người Nga trong cuộc chạy đua về ngành không gian, có thành công đưa một vệ tinh vào quỹ đạo hay không? Ngày 6-12-1957, chiếc hỏa tiễn Vanguard đã sẵn sàng ở tại mũi Canaveral. Người ta cho khai hỏa, vừa lên cao được vài thước, chiếc Vanguard lại bị phát hỏa rơi xuống.
Ngày 31-1-1958, lại một vấn đề mới ngược ngạo đã xảy ra. Lần này người ta đề cập đến một chiếc hỏa tiễn khác, lại là chiếc Jupiter C. Bộ Quốc phòng đã thay đổi quyết định của họ và cho phép Von Braun cùng cơ quan xạ thuật của quân đội lo việc thí nghiệm. Nơi kíp nổ của Jupiter C được đặt một vệ tinh Explorer I, do phòng thí nghiệm thôi chuyển phản lực (sự đẩy tới bằng phản lực) của Viện kỹ thuật California thực hiện - Lúc 22 giờ 48 phút, Jupiter khai hỏa do tiến sĩ Kurt Debus, cựu nhân viên phụ trách việc phóng hỏa tiễn ở Peenemunde. Lần thí nghiệm này, mọi việc tiến hành rất tốt đẹp. Tháng 3-1958, Von Braun và nhóm ông đưa Explorer III vào quỹ đạo và tháng 7, đến phiên Explorer IV. Quân đội còn gặt hái được nhiều kết quả khác nữa, nhưng mặc dù được sự ca tụng nồng nhiệt của quần chúng và sự quảng cáo mà chính ông là đề tài, Von Braun và nhóm ông vẫn rất thực tế, ông nói: Các Explorer nhỏ bé của chúng ta chỉ ganh đua với Spoutniks trong tư tưởng. Nhưng chúng không có sức nặng. Thật vậy, các chuyến bay sau này của các phi hành gia không gian Nga được xem ngoạn mục và tiến bộ hơn các nhà thám hiểm liên hành tinh Mỹ, chỉ được xác định trên sự kiện người Nga đã dẫn đầu về cái gì lien quan đến tỷ lệ cảu  khối lượng.
tháng 7-1958, mục tiêu ưu tiên mà chính phủ Mỹ nhắm đến là phải bắt theo kịp Nga. Chương trình thám hiểm không gian được rút khỏi quân đội và giao lại cho một cơ sở mới thuộc dân chính, được tài trợ do một cơ quan rất thế lực goi tắt là N.A.S.A. (National Aeronautics and Space Administration: Cơ quan quản trị hàng không và Không gian Quốc gia),toán Von Braun được sáp nhập vào tổ chức này ngày 1-7-1960. Một phần của cơ xưởng Redstone trở thành trung tâm không gian G.Mashall, mà vị giám đốc dân chính là Von Braun. Sau khi để công phu vào việc nghiên cứu vũ khí quân sự từ khi Dornberger mời ông cộng tác từ năm 1932, giờ đây Von Braun có thể phụ trách về hỏa tiễn không thuộc loại chiến lược. Một tập sách nhỏ đề cập đến các cố gắng mới của ông được phổ biến ngày 8-9-1960, nhân lễ khánh thành trung tâm Marshall(Ngoài các nhân vật khác hiện diện trong buổi lễ này còn có cả tổng thống Eisenhower,bà Marshall, Patterson, thống đốc Alabama, thị trưởng Huntsvill và tướng hồi hưu Holger Toftoy): Nhiệm vụ căn bản nhằm phát triển một vũ khí có hiệu quả và chắc chắn, đủ khả năng đưa vào quỹ đạo vòng quanh trái đất và phóng vào không gian một khối lượng nhiều tấn. Các “vectơ” mà hiện giờ người ta nghiên cứu trong chiều hướng đó là hỏa tiễn SATURNE mà một ngày kia, có thể đưa người lên mặt trăng, rồi trở về trái đất, hoặc thả các dụng cụ khoa học xuống hành tinh Mars hoặc Vénus.
Ngỏ lời trước Quốc hội Mỹ ngày 25-5-1961, tổng thống Kennedy đưa ra một tầm kích mới cho chương trình không gian Mỹ:”Tôi tưởng rằng quốc gia phải đạt đến trong thời hạn 10 năm, cuộc đổ bộ người lên cung trăng và đưa họ bình an về trái đất”. Đấy là chương trình Apollo.
Apollo đòi hỏi sự hỗ trợ của hằng trăm cơ quan công và tư, của hàng trăm ngàn người tiêu biểu cho tất cả mọi ngành khoa học hiện đại. W.Von Braun và toán ông không còn là các kỹ thuật gia duy nhất về ngành không gian ở Mỹ như thời kỳ 1945 của Fort Bliss nữa. Tuy nhiên, sự thành công của chương trình Apollo tùy thuộc vào hỏa tiễn Saturne mà người ta thực hiện ở Huntsville, nhất là trong phạm vi liên quan đến việc đổ bộ người đầu tiên lên mặt trăng.
Các thành quả đầu tiên của Nga là do sức mạnh vô biên của hỏa tiễn, có thể phóng các phi thuyền chứa đựng rộng lớn hơn các “ca-bin”của Mỹ, và có thể bay rất lâu trong không gian. Tuy nhiên, cho đến hè 1964, hỏa tiễn Nga không còn đủ lực cho lắm để đưa một phi thuyền có người ở lên cung trăng. Mục tiêu này đòi hỏi đến một hỏa tiễn khổng lồ hoàn toàn mới mẻ. Đấy là một quyết lệnh tất thiết cho người Nga cũng như đối với Mỹ. Và người Mỹ đã có hỏa tiễn ấy: Đó là chiếc Saturne vậy. Các thuyết về cải tiến của chiếc hỏa tiễn này sẽ có thể đưa lên 3.000 tấn,- tỉ như sức nặng của một tuần dương hạm hạng nhẹ.
Trung tâm Marshall đã có các kinh phí và các bộ óc cần thiết để hoàn thành chiếc Saturne. Trung tâm này dùng đến 6.000 người mà tổng số lương bổng hàng năm lên đến 55 triệu Mỹ kim. Số nhân viên này chỉ gồm có 89 cựu nhân viên Peenemunde vì có nhiều nhà khoa học Đức được đưa đi Texas vào năm 1945, áp dụng theo chương trình Overcast, họ thích bãi ước giao kèo ràng buộc họ với chính phủ, để làm việc trong các hãng xưởng tư được trả thù lao cao hơn. Tuy nhiên, Von Braun cũng còn giữ được toán chuyên gia kỳ cựu nhất của hỏa tiễn thế giới, và nhóm này hiện là linh hồn cảu tổ chức vĩ đại Trung tâm Marshall.
Năm 1964, có một vài khuynh hướng chống đối các dự án đưa người bằng mọi giá cho đáp xuống mặt trăng, vào năm 1970 và chống các phí tổn 40 triệu Mỹ kim – được dùng để thắng lướt người Nga. Một số đi đến chỗ chối bỏ sự tồn tại của cuộc đua về không gian.Tuy nhiên, sau chuyến bay của Voskod II (18-3-1965) mà đang khi bay, một phi hành gia lần đầu tiên ra khỏi phi thuyền để đi bộ trong không gian, một chuyên gia về các vấn đề không gian của Nga Vassili Seleznev, tuyên bố tại đài truyền hình Mạc Tư Khoa:”Mục tiêu của chúng ta bây giờ là mặt trăng và chúng ta hy vọng đến đó trong một tương lai gần đây”.
Von Braun và các cựu chuyên viên của Peenemunde không nghi ngờ gì về thuyết cải tiến của Saturne sẽ sẵn sàng cho đổ bộ các người Mỹ lên mặt trăng vào năm 1970. Các thí nghiệm đầu tiên diễn ra rất có kết quả. Ngày 29-1-1964, Saturne I được phóng lên, theo dấu lửa của nó trên mũi Kennedy và đưa vào quỹ đạo một vật nặng 10 tấn, một khối vệ tinh nặng nhất từ khi con người bước vào thời đại không gian. Nhà viết xã luận của tờ New York Times đã bình luận biến cố bằng các câu như sau:”Chuyến bay thành công của Saturne I vừa xảy ra hôm qua, đã mở một kỷ nguyên mới trong công cuộc thám hiểm không gian của Mỹ. Trong khoảng thời gian không đầy 6 năm, trọng lượng mà Mỹ có thể đưa vào quỹ đạo trong một lần duy nhất đã gấp lên gần khoảng một ngàn lần. Vật thể mà Saturne I đã đưa vào không gian là nặng hơn cả, mà không có một chiếc Spoutnik nào của Nga đã phóng, có thể sánh được vào thời gian này”.
Ngày 28-5 rồi 18-9-1964, một hỏa tiễn Saturne cho tách rời vào quỹ dạo, một mô thức của buồng nguyệt cầu Apollo, chế tạo bởi trung tâm Manned Spacecraff Center ở Houston. Ngày 16-2-1965, một chiếc Saturne khác cho đáp trong không gian một vệ tinh khổng lồ, Pesgase, có nhiệm vụ tác định các xác suất thống kê học của những xung chạm với các vân thạch.Giai đoạn to tát sắp tới, sẽ là việc thiết lập trên quỹ dạo vòng quanh trái đất, một buồng Apollo có chứa một phi hành đoàn gồm ba người cuộc thí nghiệm sẽ phải được thực hiện vào năm 1966 và sẽ được ghi trong chương trình chuẩn bị thực hiện cho chuyến du hành giữa trái đất – mặt trăng.
Khi người ta nghe:ở ngoài đường phố Hunstville, trên cánh đồng bông vải hoặc trong các khu rừng lân cận, tiếng thét gào kinh hồn của Saturne tức là vào giờ phút các kỹ thuật gia đang thực hiện các thí nghiệm về tĩnh học, người ta không hề nghĩ rằng mặt trăng chỉ ở cách chúng ta có 400.000 cây số hay một cách cụ thể hơn:chỉ cách chúng ta có 60 giờ bay. Trung tâm thí nghiệm George Marshall là một nơi người ta rất bận rộn về tương lai, nên người ta phải luôn luôn nhớ về quá khứ. Thật vậy, ở Huntsville có 2 sự việc nhắc cho người ta nhớ đến sự khai sinh của Saturne, của hỏa tiễn vô tuyến điều khiển và của việc thám hiểm không gian. Trước hết là một thành ngữ do những người hay pha trò tung ra, họ đặt biệt danh căn cứ này là “Peenemunde du Sud”. Kế đó, là Viện bảo tàng không gian, với một lối thiết trí kỳ lạ: người ta sắp hàng các mô hình của những công trình đủ loại của nhóm Von Braun giống như hình các mũi tên hướng về các vì sao. Ở hàng đầu dựng lên thủy tổ của các hỏa tiễn khổng lồ hiện nay của cả Nga lẫn Mỹ: Chiếc V2.