Dịch giả: Sông Kiên &Lê thị Duyên
PHẦN 2- CHIẾN DỊCH “OVERCAST”
Chương 8
DANH SÁCH ĐEN

     áu tuần lễ trước ngày sinh nhật của Von Braun, Robert Staver, 28 tuổi là sĩ quan pháo binh của quân đội Mỹ, đã tới Luân Đôn. Ngay lúc ông đến trình diện với thượng cấp là vị trưởng phòng Quân vụ Calvin Corey, tại văn phòng số 27 Grosvenor Square, thì một tiếng nổ kinh hồn làm tung ngã cả hai người.
Staver choàng dậy, tiến lại cửa sổ và thấy “một bựng khói bay tỏa trong không khí ngay tại chỗ V2 nổ”. Các mảnh lửa tung xuống Grosvenor Square. Ông cho rằng chiếc phi đạn đã nổ quá sớm, trước khi bay thẳng tại tòa nhà.
Đây không phải lần đầu duy nhất mà ông ta đối diện với V2. Vì sau đó, có lần ông ngụ tại khách sạn gần Marble Arch, và một chiều nọ. Ông bị quăng từ đường rơi xuống đất, do một tiếng nổ ầm kinh khiếp: một chiếc V2 rơi owr4 Hyde Park, đúng ngay tại phía sau Marble Arch, gây cho 62 người chết.
Vài lần sau nữa, trong lần đi công tác bằng xe vận tải với người kỹ sư dân chính Mỹ, Ed. Hull, đến cơ sở hàng không Farnborough, lại một chiếc V2 rớt ngay kho gởi hàng nằm bên bờ lộ, cách ông khoảng gần 1 cây số. Cả hai người nhanh chân nhảy xuống núp vào một hỗ trũng. Có hàng trăm máy phi cơ Rolls-Merlin còn mới nguyên, bị phá hủy, với 15 người thợ bị chết.
Staver có những lý do đặc biệt để lưu tâm đến hiệu năng của V2. Ông được gửi đến Âu châu để điều tra tất cả những gì liên quan đến hỏa tiễn và phi đạn vô tuyến điều khiển của Đức, đã được ghi trong bản “”danh sách đen”. Ông ta phải dự phần vào cuộc săn tìm các bí mật khoa học Đức, một cuộc đua tìm vĩ đại được mở màn giữa các nước Đồng Minh, khi thấy có dấu hiệu cuộc chiến sắp chấm dứt.
Các động cơ thúc đẩy cuộc đua tìm kho tàng khoa học, hiển nhiên còn sự dòm ngó của cả các kỹ thuật gia và các nhà chuyên môn nữa: người Đức đã thất bại trong lĩnh vực tìm kiếm về nguyên tử, nhưng họ đã thành công trong việc hoàn thành một số lớn các loại vũ khí mới,  mà về phương diện tiến bộ, đã vượt xa các loại của các đại cường Đồng Minh hiện có. Nhưng tầu ngầm điện, máy bay phản lực, và hỏa tiễn tầm xa chỉ còn là các chiến lợi phẩm dành cho kẻ thắng lợi.
Và đây là sứ mạng Alsos, một kế hoạch đầu tiên được tổ chức thật qui mô chưa từng thấy trong lịch sử của ngành tình báo khoa học và các mục tiêu của nó được ưu tiên hơn hết mọi loại khác, trong đó có V2. Kế hoạch Alsos đã khám phá được sự bất lực của Đức, trong việc thực hiện bom nguyên tử - Bây giờ thì những lo âu rất thực tế trong lĩnh vực này không còn nữa, ngành tình báo khoa học lại quay sang các trọng điểm khác.
Và V2 bây giờ là một trong các mục tiêu chính yếu, với bao nhiêu công cuộc tìm kiếm được tổ chức do nhiều cơ quan khác nhau của Quân lực Mỹ. Từ khi chấm dứt chiến tranh, vẫn hãy còn có một sự hiểu lầm là người ta có cảm tưởng rằng cuộc săn tìm về các tiến bộ kỹ thuật kia, là một cố gắng duy nhất được khép phối trí với danh hiệu là kế hoạch Paperclip (móc kẹp). Thật ra, vào mùa xuân năm 1945, khi mới bắt đầu, thì chiến dịch này chưa có danh xưng, nói một cách giản dị là có những toán đại diện quân đội trong ngành Không và Hải quân Mỹ đến nước Đức để nghiên cứu và khám phá những gì mà họ có thể thực hiện được. Các toán này thường hay va chạm nhau cũng như đã đua giành với các nhóm đồng nghiệp người Anh và người Nga. Phải đợi đến tháng 7 năm 1945, công tác riêng biệt này mới được chính thức hóa dưới danh hiệu là Overcast (tối tăm). (Và đến ngày 13 tháng 3 năm 1946, khi mà các tiết lậu đã phơi bày thì danh xưng của kế hoạch này được gọi là Paperchip).
Giữa những người Mỹ tham dự công tác Overcast có một người được nổi tiếng nhờ những giá trị đặc biệt mà ông ta đã biểu hiện được từ lúc mới sơ khởi về vấn đề V2: người đó là Đại tá Gervais William Trichel, xuất thân trường Võ bị West Point, tốt nghiệp viện kỹ thuật Massachuselt (M.I.T) và có bằng tiến sĩ kỹ sư điện tại đại học California; vào tháng 9 năm 1943 ông được bổ làm chỉ huy trưởng văn phòng nghiên cứu hỏa tiễn, một cơ sở được thiết lập mới mẻ của Quân đội.
Những báo cáo mà Đại tá Trichel nhận được về tác dụng của V2, khi chúng được sử dụng vào tháng 9 năm 1944, cho phép ông kết luật rằng, người Mỹ, Anh và Nga đã chậm trễ hơn người Đức ít nhất là 20 năm trong địa hạt hỏa tiễn. Và bây giờ đây sự bại trận của Đức Quốc xã là một việc hiển nhiên. Trichel cho rằng đây là cơ hội duy nhất đưa đến, mà ông phải nắm lấy thật nhanh: nếu các hỏa tiễn V2 còn nguyên vẹn, các tài liệu kỹ thuật, những đồ án, và các biên bản thẩm vấn những người đã thực hiện chiếc hỏa tiễn có tầm xa đầu tiên… được đặt dưới quyền sử dụng của ông ta, thì công tác của ông sẽ có thể thay được công trình của người Đức, cái mà người ta cho là sẽ tiết kiệm được hằng triệu đô la và khoảng 20 năm nghiên cứu tìm tòi.
Đại tá Trichel hành động theo hai chiều hướng. Một mặt, vào năm 1944, ông thương thảo một khế ước với Công ty “General Electric” gọi là chương trình Hermès với các điều khoản của nó là: công ty G.E. sẽ nghiên cứu về các phi đạn điều khiển có tầm xa, nhằm lợi ích cho quân đội. Một pháo xạ trường được thiết lập ở White Sands, trong sa mạc “Tân Mễ Tây Cơ”. Trichel cho rằng, sẽ rất hữu ích để các kỹ sư của chương trình Hermès có thể nghiên cứu hoặc phóng một vài chiếc V2 tại đó. Tháng 3 năm 1945, ông có yêu cầu Đại tá Toftoy, hiện hoạt động tại Ba Lê, lo chuyển về Mỹ các loại khí giới mới của Đức, hãy tìm cho ông khoảng 100 chiếc V2, ở tình trạng sử dụng được, và cho chuyển gấp về Mỹ.
Mặt khác, vào tháng 2, Đại tá Trichel đã phái gấp Thiếu tá Staver đến Luân Đôn, với nhiệm vụ điều khiển các “công tác phát hiện và công việc thẩm vấn các chuyên viên Đức về phi đạn vô tuyến điều khiển, và lo việc chuyển về Mỹ tất cả tài liệu liên quan đến V2”. Staver có bằng kỹ sư với 3 năm kinh nghiệm trong ngành hỏa tiễn. Ông làm việc cho “tiểu ban tình báo hỗn hợp Anh-Mỹ về các mục tiêu khoa học” được gọi tắt là “C.I.O.S” (CIOS được thành lập vào mùa hè 1944 do bộ Tham mưu hỗn hợp Anh-Mỹ tổ chức để khai thác một cách có hệ thống các mục tiêu khoa học của Đức). Các sĩ quan Anh-Mỹ được biệt phái đến tổ chức này để cộng tác với các nhà khoa học dân chính. Họ phải cùng hợp chung các tin tức của hai bên về vũ khí Đức, để có thể áp dụng được cho tương lai. Nhóm đại diện Mỹ ở tổ chức CIOS gồm hầu hết toàn là các sĩ quan ngành Quân cụ. Ngoài văn phòng hỏa tiễn của Staver, còn có những khác nữa hoạt động cho loại vũ khi này, có nhiệm vụ chuyên biệt như sau: đạn dược, chất nổ, đại pháo, hóa học và luyện kim. Sứ mệnh của Staver thật là nặng nề. Trước hết, ông ta phải thiết lập bảng kê khai của hàng trăm thiết bị rải rác từ vùng biển Baltique đến biên thùy xứ Thụy Sĩ, nơi người Đức hoạt động về máy phản lực và vũ khí vô tuyến điều khiển. Đoạn, ông lập bảng phân loại của hàng ngàn kỹ thuật gia được sử dụng cho việc nghiên cứu trên. Ở điểm thứ ba nữa là đặt cho mỗi căn cứ và mỗi danh xưng, một hệ suất, căn cứ vào mức độ quan trọng của chúng. Rồi ông khởi thảo 2 danh sách: danh sách đen gồm các mục tiêu chính yếu và danh sách xám dành cho  các mục tiêu phụ thuộc. Ông ta đã phải bỏ ra hai tháng trời làm việc, với 12 giờ mỗi ngày và suốt tuần không có ngày chủ nhật để lập ra các danh sách ấy. Tuy nhiên, ông sẽ không thực hiện được gì, nếu không có sự cộng tác của người Anh, một trường hợp mà sau này Staver mới thấy rõ là có cả một sự mỉa mai cho người Anh, khi ba cường quốc đối chọi nhau trong việc giành độc chiếm về V2, và khi người Anh rốt lại, bị ở sau đuôi cuộc tranh tài.
Theo Staver, các chuyên gia Anh đã cung cấp cho ông hết 90% tin tức của họ. Họ còn thông báo cả những tin tức mà họ thu lượm được một cách bí mật ở Peenemunde cũng như cả một kế hoạch chi tiết với nhiều tám không ảnh làm điểm tựa, cho biết rằng vùng Nordhausen là trung tâm chính yếu sản xuất V2, và là nơi trú ngụ của các chuyên gia Đức về hỏa tiễn.
Người Anh không phải chỉ cho Staver trọn vẹn các tài liệu của họ về Peenemunde và Nordhausen, mà họ còn cho ông hơn thế nữa, là việc phát hiện ra những người có trách nhiệm thuộc hàng cao cấp trong công cuộc tìm tòi khoa học. Ngay đến lúc quân của các Đồng Minh vượt cả vào biên giới Đức, tên các người khai sáng vũ khí V vẫn hãy còn là bí mật. Nhưng điều bí mật kia, bây giờ đã trở nên là bí mật của Polichinelle, tức không còn gì bí mật nữa. Trong số hàng trăm ngàn tù binh, người ta tìm thấy một số người đã được sử dụng trong ngành vũ khí mới, và có thể tra vấn họ được. Người ta đã tìm được những tài liệu cho thấy nơi các vị trí phóng còn bỏ lại ở Pháp và Hà Lan, trong các cơ xưởng chiếm cứ được, dùng vào việc cung cấp nhiên liệu và dụng cụ cho Nordhausen và Peenemunde, nhưng việc thu lượm đầy đủ nahats là danh sách Osenberg.
Osenberg, là giáo sư ngành cơ giới ở Đại học đường Hanorve, là đảng viên Quốc xã rất cuồng tín và còn là đoàn viên của lực lượng S.S., được thống chế Goering, bổ làm trưởng phòng kế hoạch hóa của Hội đồng Khảo cứu quốc gia Đức. Với ý thức truyền thống Nhật Nhĩ Man (Đức), ông đã thảo một đồ biểu cơ cấu toàn vẹn của các dự án khoa học chiên tranh gồm cả tên của các nhà bác học và kỹ sư được sung dụng cho từng dự án với khoảng độ 15.000 người. Hơn thế nữa, cơ quan mật vụ Gestapo cũng đã điều tra kỹ về lòng trung tín của những người này, gồm cả ghi chú các đặc điểm cá nhân của họ; như là người nào nghiện rượu, người nào đánh vợ, người nào sưu tập các loại dâm thư, người nào đồng tính luyến ái, người nào có tình nhân, người nào đã du thuyết hay hội thảo ở Mỹ, Anh trước thời chiến tranh… Danh sách này rất tối ư hữu ích cho Osenberg để kiểm soát giới khoa học Đức và nói rõ hơn, ông là trùm chúa của giới này.
Ngày 7 tháng 3 năm 1945, Sư đoàn 3 Thiếp giáp Mỹ tiến vào Cologne. Thành phố Bonn, ở cách về phía Bắc khoảng 20 cây số sẽ bị chiếm 2 ngày sau đó. Cũng vào lúc ấy, các trường Đại học được lệnh phải tiêu hủy tất cả các văn kiện liên quan đến công cuộc tìm tòi thuộc loại chiến lược. Khi các chiến xạ Mỹ tiến lại gần thì người ta đã đốt các hồ sơ mật hoặc xé và vung từng mảnh trong các phòng việc. Nhưng có một việc xảy ra người y tá Ba Lan đã phát hiện được từ các mảnh giấy vụn nằm trong chậu nước mà máy tống nước đã bị hư, có bảng kê tên, và hắn ta giao lại cho một nhân viên tình báo Anh. Sau khi phân tích thật rõ ràng là danh sách Osenberg, gồm tên và chức vụ của các thành phần nhân viên Đức phụ trách về hỏa tiễn.
Sở Tình báo Anh lục lạo cả hồ sơ của Gestapo, nhưng người Đức đã tiêu hủy phần lớn, trước khi rút lui. Tuy nhiên, trong lúc di tản gấp rút, một số tài liệu hãy còn nguyên vẹn và lọt vào tay phe Đồng Minh.
Chính nhờ loại chứng tích này mà Thiếu tá Staver có thể lập được danh sách đen, và ở phần tiêu đề danh sách này, ông ghi mục IV 110(b), chỉ danh của CIOS ở Nordhausen, và tên của nhà bác học W.F.Von Braun.
Lập danh sách đen là một việc, đạt được mục tiêu lại là một việc khác, mặc đầu đã có một hệ thống được lập ra cho mục đích này: một đơn vị đặc biệt, lực lượng T, gồm các chiến sĩ có kiến thức về kỹ thuật và ngôn ngữ khác nhau, theo chân các đoàn quân, hầu chiếm lĩnh và giữ lấy tất cả các đối tượng khả dĩ ích lợi cho công việc khai thác tin tức. Sang giai đoạn kế, thì có các toán kỹ thuật là đội tiền quân hỗ hợp C.A.F.T, sẽ đánh giá sự quan trọng của các mục tiêu đề đập đến. Trường hợp không đạt được kết quả, toán C.A.F.T sẽ yêu cầu các chuyên viên dân chính Mỹ đến làm công việc điều tra tận gốc.
Đến tháng 3 năm 1945, Đại tá Trichel đã gởi đến Luân Đôn một toán chuyên viên của công ty “General Electric”, thuộc chương trình Hermés. Thiếu tá Staver sẽ cho các người này hoạt động ngay về các mục tiêu V2, khởi từ danh sách đen, kế đến các báo cáo của lực lượng T, rồi toán C.A.F.T. Nhưng cho đến giờ này, ông cũng chưa biết phải làm sao để đi đến chỗ hoàn tất phần còn lại của sứ mệnh, nghĩa là làm thế nào để người Mỹ trọn quyền sử dụng các tài liệu kỹ thuật liên quan đến V2. Ông thường nghĩ, chỉ riêng người Mỹ thôi, các tài liệu này sẽ thỏa mãn được ước vọng của Đại tá Trichel vì ông này hy vọng tiến sớm được 20 năm nghiên cứu, ngay cả việc không có sự côn gbố của chuyên viên tác giả các tài liệu. Nhưng người Đức có thể đã thiêu hủy hoặc cất giấu các hồ sơ ấy rồi.
Nhưng dù sao đi nữa, người ta cũng không thể làm gì được khi mà cái phức tạp Nordhausen-Bleicherode chưa chiếm giữ được. G.2, nhóm tình báo quân đội Mỹ, có cái luật sắt thép: họ cấm các điều tra viên kỹ thuật vào trong các vùng giao tranh, khi tất cả các cuộc chống trả chưa chấm dứt. Còn với các nhà chỉ huy quân sự Mỹ, các cuộc tìm kiếm khoa học chỉ là vấn đề phụ thuộc: mục đích chính của họ là nghiền nát cho được các lực lượng Đức và không có sự gì được phép làm trở ngại cho các cuộc hành quân, và họ từ chối nhận lãnh trách nhiệm bảo đảm an ninh cho các nhà khoa học dân chính Mỹ.
Tuy rằng Staver đang phải hành động thật gấp rút, ông ta cũng không lấy làm khó chịu về sự cấm ngăn như nói trên. Ông không phải không biết là người Anh và Nga cũng cùng đang theo đuổi các mục tiêu như ông, và ông cũng hiểu rằng ai là kẻ đầu tiên tiến vào Nordhausen và Bleicherode, sẽ là người thằng cuộc. Nhưng ông tin tưởng sẽ không phải là người Anh – và cũng ít hy vọng cho người Nga - sẽ hưởng được trái phi đạn điều khiển có tầm xa đầu tiên, để bảo đảm cho việc dễ dàng đi bước trước trong việc nghiên cứu về hỏa tiễn sau thời chiến. Sự đề quyết của ông càng vững tin hơn khi ngày 1 tháng 4 năm 1945, ông hay tin các phân đội tiền phong của Đạo quân thứ I Mỹ đã chiếm Paderborn và đang chuản bị tiến về hướng sông Elbe. Và Nordhausen với Bleicherode, cách Paderborn 145 cây số, hiện đang nằm trên trục tiến quân của sư đoàn Lucky Spearhead tức Sư đoàn 3 thiết giáp Mỹ.