Dịch giả: Lê Khánh Trường
Chương 13
HÃY THỞ SÂU HƠN
BẠN ĐANG HỒI HỘP ĐẤY

     áng sớm ngày mồng một tháng năm, bị thôi thúc bởi khát vọng hoạt động quen thuộc, Viktor Mikhailovich Polesov chạy ra đường phố và phóng về trung tâm. Ban đầu các tài năng đa dạng của ông không được xử dụng đúng thích đáng, bởi vì dân chúng thưa thớt và các lễ đài có chiến sĩ công an cưỡi ngựa canh gác vẫn còn vắng vẻ. Nhưng khoảng chín giờ sáng thì các đường phố khác nhau, các dàn nhạc đã cất tiếng rộn rã, náo nhiệt. Các bà nội trợ từ trong nhà túa ra.
Một đội nhạc, mặc áo cổ bẻ, không rõ bằng cách nào len vào giữa đoàn diễu hành của công nhân đường sắt, cứ quẩn vào chân và làm phiền họ.
Chiếc xe vận tải khoác đầu máy xe lửa che kín phía ngoài, làm bằng ván sơn xanh, theo sêri, cứ luôn luôn thúc vào sau lưng đội nhạc. Từ trong bụng đầu máy vang ra tiếng nói rất to, hướng về tốp nhạc công cầm sáo và kèn ôboa:
– Ai chỉ huy các anh? Đoàn các anh đi đường khác kia mà. Các anh có thấy các anh len vào đây làm nghẽn cả đường hay chưa?
Lúc ấy, tai hại thay cho đội nhạc công, Viktor Mikhailovich Polesov lên tiếng can thiệp:
– Dĩ nhiên, các anh phải rẽ vào cái ngõ cụt này! Ngày hội mà cũng không biết cách tổ chức! – Polesov quát to: – Rẽ vào đây! Rẽ vào đây! Chẳng còn ra thể thống gì cả!
Xe vận tải của sở công trình công cộng và công trường Melstroi chở đầy trẻ em. Những em bé nhất đứng ngoài thành xe, những em lớn hơn đứng ở giữa. Các chiến sĩ tương lai ưỡn ngực, cố đi đều bước. Chật chội, ồn ào, nóng nực. Chốc chốc, đoàn người bị tắc nghẽn, rồi lại tản thông ngay. Để giết thời gian lúc phải đứng chờ, người ta bế các cụ già và các cán bộ cốt cán tung lên. Các cụ ông kêu lí nhí như các cụ bà. Các cán bộ cốt cán thì bay lên lặng lẽ với vẻ mặt nghiêm túc. Ở một tốp người vui tính nọ, lúc Viktor Polesov lách ngang qua đấy, mọi người tưởng lầm ông ta là vị chỉ huy, bèn hò nhau tung ông ta lên. Polesov giãy giụa chân tay như một gã hề.
Người ta khiêng hình nộm của bộ trưởng Sămbéclanh của nước Anh, một công nhân bắp tay cuồn cuộn dùng một cái búa bằng các-tông nện liên tục vào hình nộm.
Ba đoàn viên Com-xô-mon mặc áo đuôi tôm, đeo găng tay trắng ngồi trên ô tô đi qua. Họ ngượng nghịu nhìn đám đông.
– Vaska! – Người đứng trên hè phố gọi to – đồ tư sản! Quẳng cái dây đeo quần xuống đây!
Các cô gái cất tiếng hát. Trong đoàn cán bộ bảo hiểm xã hội, Alkhen đi với chiếc băng đỏ to tướng trên ngực và trầm ngâm kéo dài giọng hát:
Nhưng từ rừng Taiga đến bờ biển nước Anh
Hồng quân, hồng quân mạnh hơn tất cả!...
Đoàn vận động viên thể dục thể thao hô to mấy câu gì đó theo lệnh.
Tất cả xe và người đều đổ về đề-pô xe điện mới, mà từ đó, vào đúng một giờ trưa hôm nay, toa xe điện đầu tiên ở Stargorot phải chạy ra.
Không ai biết chính xác khi nào người ta bắt đầu xây dựng đường xe điện ở Stargorot.
Ấy là vào năm hai mươi, khi bắt đầu những ngày lao động cộng sản chủ nghĩa, anh chị em công nhân xưởng đề-pô và nhà máy dây cáp đã tới khu Gusisa trong tiếng nhạc rộn ràng và đã suốt ngày đào những chiếc hố gì đó.
Họ đào rất nhiều hố to và sâu.
Một đồng chí đội chiếc mũ lưỡi trai kỹ sư chạy đi chạy lại giữa những người đang làm việc. Mấy tay tổ trưởng thi công cầm những cái sào sơn nhiều màu khác nhau bám theo viên kỹ sư. Ngày lao động cộng sản chủ nghĩa tiếp sau, họ lại làm việc ở chính chỗ cũ. Hai cái hố đào không đúng nơi quy định buộc phải lấp đi. Đồng chí kỹ sư quát tháo với các tay tổ trưởng và yêu cầu họ giải thích nguyên nhân. Những cái hố mới được đào sâu hơn và rộng hơn.
Sau đó người ta chở gạch đến, và xuất hiện những công nhân xây dựng thực thụ. Họ bắt đầu đào móng. Sau đấy chẳng thấy làm gì nữa. Đồng chí đội mũ kỹ sư thỉnh thoảng có tới công trường vắng bóng người và đi đi lại lại hồi lâu dưới lòng hố móng lát gạch, miệng lẩm bẩm:
– Hạch toán kinh tế đây.
Ông dùng gậy gõ gõ, chọc chọc xuống nền móng rồi chạy về nhà, về nội thành, hai tay đưa lên che hai cái tai rét cóng.
Viên kỹ sư tên là Treukhov...
Cái ga xe điện, mà việc xây dựng nó bị đình lại khi mới làm xong nền, được Treukhov nghĩ ra từ lâu. Hai năm sau, Treukhov lại mở đợt đột phá tòa thị chính lần nữa, nhưng chiến tranh bùng nổ. Sau chiến tranh, đến cách mạng ngăn trở. Và bây giờ thì nó bị ngăn trở bởi chính sách kinh tế mới, bởi hạch toán kinh tế và nguyên tắc tự hoàn vốn. Cái nền mọc đầy hoa cỏ vào mùa hè, còn mùa đông thì trẻ con đắp lên đó những núi băng nho nhỏ.
Treukhov mơ ước một sự nghiệp lớn. Ông chán ngấy cái cảnh làm việc ở sở công trình công cộng Stargorot, sửa chữa các vỉa hè và lập dự toán xây dựng các bệ áp-phích. Nhưng sự nghiệp lớn chả thấy đâu. Bản thiết kế đường xe điện lại được đưa ra nghiên cứu, xét duyệt ở các cấp cao nhất của tỉnh, được thông qua rồi lại bị bác bỏ, được gửi lên trung ương phê chuẩn, nhưng dù được thông qua hay không, thì nó vẫn nằm đấy, phủ đầy bụi bặm, bởi vì chả ai cấp kinh phí cho nó.
– Dã man, thế là dã man! – Treukhov quát vợ. – Không có tiền à? Thế tốn bao nhiêu tiền để trả cho bọn xe thồ chở hàng ra ga thì có ư? Bọn xe thồ lột da của người sống lẫn người chết! Đúng là độc quyền ăn cướp! Thì cứ thử vác một bao hàng đi bộ năm cây số ra ga xem nào!... Làm đường xe điện thì chỉ sáu năm sau là hoàn đủ số vốn bỏ ra thôi!
Bộ ria lốm đốm bạc của ông vểnh lên giận dữ. Cái mũi hếch phập phồng. Ông rút từ ngăn kéo bàn ra một tờ giấy xanh vẽ đồ án thiết kế và cáu kỉnh chìa vào mặt vợ có đến hàng ngàn lần. Nào bản vẽ ga tàu điện, nào bản vẽ đề-pô và mười hai tuyến đường xe điện.
– Ừ thì mặc xác mười hai tuyến! Sau hẵng hay! Nhưng chỉ cần ba, ba tuyến thôi. Không có ba tuyến xe điện, thành phố sẽ không còn là thành phố nữa.
Treukhov chép miệng và đi xuống bếp chẻ củi.
Toàn bộ công việc nội trợ đều do ông đích thân đảm nhiệm. Ông đã thiết kế và xây dựng một cái nôi cho con và một cái máy giặt. Ban đầu, ông tự giặt lấy, vừa giặt vừa giảng giải cho vợ cách điều khiển chiếc máy ấy như thế nào. Ít nhất thì một phần năm tiền lương của Treukhov cũng bị tiêu tốn vào việc đặt mua sách báo kỹ thuật nước ngoài. Để khỏi sa vào cảnh nghèo đói, ông đã cai thuốc lá.
Treukhov lôi cả bản thiết kế của mình lên gặp vị giám đốc mới của sở công trình công cộng Stargorot là đồng chí Gavrilin mới chuyển công tác từ Samarkand đến. Vị giám đốc mới này da ngăm ngăm vì ánh nắng xứ Turkestan, nghe Treukhov hàng tiếng đồng hồ, nhưng không có vẻ chú ý lắm. Anh ta lơ đễnh xem lại tất cả các bản vẽ; rồi nói:
– Ở vùng Samarkand của tôi chả cần gì tàu điện cả. Ở đấy mọi người đều cưỡi lừa. Mỗi con lừa giá ba rúp, rẻ ơi là rẻ. Thế mà thồ được hàng tạ!... Con vật bé bỏng mà khỏe lạ lùng!
– Thế mới được gọi là châu Á! – Treukhov giận dữ nói. – Con lừa giá ba rúp, nhưng nuôi nó tốn những ba chục rúp một năm.
– Thế ba chục rúp mà đi tàu điện của ông thì được bao nhiêu lần? Ba trăm lần. Nghĩa là trong một năm, không phải này nào cũng được đi tàu điện.
– Thì ông hãy đặt mua một lũ lừa cho mình đi! – Treukhov nói to và chạy ra khỏi phòng, đóng cửa cái sầm.
Từ ngày ấy ông giám đốc mới có thói quen là mỗi khi gặp Treukhov, ông lại hỏi đùa:
– Thế nào, ông kỹ sư, ta đặt mua lừa hay là xây dựng tàu điện?
Mặt Gavrilin trông giống một củ cải gọt vỏ nhẵn nhụi. Cặp mắt nheo nheo tinh quái.
Hai tháng sau, Gavrilin gọi Treukhov đến gặp mình và nghiêm trang nói:
– Tôi đã vạch một kế hoạch nhỏ. Tôi biết rõ một điều là không có tiền, rằng tàu điện không phải ngang giá một con lừa, ba rúp không mua nổi tàu điện. Phải có cơ sở vật chất. Vậy giải quyết bằng cách nào? Hội cổ phần! Cách nào nữa? Đi vay trả lãi. Sau mấy năm thì tàu điện được hoàn vốn?
– Tính từ ngày đưa vào sử dụng ba tuyến đường đầu tiên thì mất sáu năm.
– Thôi, ta cứ coi là sau mười năm. Bây giờ bàn về hội cổ phần. Ai sẽ tham gia? Tơ-rớt chăn nuôi gia cầm này. Công ty bơ này. Nhà máy làm dây cáp có cần tàu điện không? Có chứ! Ta sẽ dùng tàu điện chở hàng ra tận ga xe lửa cho họ. Nghĩa là cả nhà máy làm dây cáp! Bộ dân ủy giao thông có thể sẽ cho ta ít tiền. Rồi ban chấp hành Xô viết thành phố cho một ít. Chắc chắn như vậy. Khi ta khởi công, ngân hàng nhà nước sẽ cho vay tín dụng. Đó, kế hoạch nhỏ của tôi là như thế đấy. Thứ sáu này đoàn chủ tịch ban chấp hành Xô viết tỉnh sẽ bàn. Nếu được thông qua là ta bắt tay làm luôn.
Tối hôm ấy Treukhov xúc động giặt giũ quần áo đến khuya và giảng giải cho bà vợ nghe những ưu việt của giao thông bằng tàu điện so với việc dùng súc vật kéo.
Hôm thứ sáu, vấn đề được thông qua. Và những nỗi đau khổ bắt đầu. Vất vả lắm mới lập được cái hội cổ phần. Bộ dân ủy giao thông lúc thì tham gia, lúc lại không. Tơ-rớt chăn nuôi gia cầm tìm mọi cách từ chối đóng góp 15% cổ phần và chỉ nhận 10%. Cuối cùng thì toàn bộ số cổ phần cũng được phân chia xong, dù rằng không tránh khỏi một cuộc xung đột. Vì chuyện gây sức ép, Gavrilin đã bị gọi lên ủy ban thanh tra tỉnh. Song mọi việc đều trót lọt. Chỉ còn việc khởi công.
– Nào, đồng chí Treukhov, – Gavrilin nói – bắt đầu đi. Ông có cảm thấy ông xây dựng được không đấy? Này, không dễ như chuyện mua lừa đâu nhé.
Treukhov lao vào công việc. Đã bắt đầu cái sự nghiệp vĩ đại mà bao năm nay ông hằng mơ ước. Ông viết các bản dự toán, lập kế hoạch thi công, thảo các đơn đặt hàng. Các khó khăn như nảy sinh ở chỗ mà người ta ít chờ đợi chúng hơn cả. Stargorot không có thợ đổ bê tông lành nghề, phải mời số thợ ấy từ Lêningrat về. Gavrilin thúc giục, nhưng các nhà máy hứa rằng phải một năm rưỡi sau mới có thể cung cấp máy móc. Mà chậm nhất là sau một năm đã phải có máy móc rồi. Đành phải dọa rằng sẽ đặt mua máy của nước ngoài, họ mới chịu theo ý mình. Tiếp đến những chuyện bực mình nhỏ hơn. Khi thì không tìm đâu ra loại sắt có kích thước cần dùng, khi thì người ta chở đến những thanh tà vẹt chưa được ngâm tẩm. Treukhov phải đích thân đến xí nghiệp chế tạo tà vẹt và chứng minh cho họ thấy rằng 60% tà vẹt thuộc loại phế phẩm. Loại bằng gang thì thủng lỗ chỗ, loại bằng gỗ thì còn ẩm nguyên. Đường ray tốt đấy, nhưng cung cấp chậm hàng tháng trời. Gavrilin thường đáp chiếc xe “Fiat” cũ kỹ, ọc à ọc ạch của mình đến công trường xây dựng đề-pô. Tại đây Gavrilin và Treukhov hay to tiếng với nhau.
Trong thời gian xây dựng đề-pô và lắp đặt xưởng làm xe điện, dân chúng Stargorot tha hồ buông lời giễu cợt.
Trên tờ báo “Sự thật Stargorot”, nhà văn châm biếm nổi tiếng khắp thành phố là Prints Đatski, với bút danh “Bánh Lái”, chuyên viết tiểu phẩm về các vấn đề xe điện. Ít nhất ông viết ba bài mỗi tuần về tiến trình xây dựng. Cột thứ ba của tờ báo cứ nhan nhãn những cái tít đầy hoài nghi: “Chẳng thấy hơi hướng câu lạc bộ”, “Những điểm yếu kém”, “Kiểm tra cũng cần đấy, nhưng có nên kéo bầu đoàn thê tử hay không?”, “Tốt và... xấu”, “Ta mừng cái gì và không mừng cái gì”, “Chặn tay những kẻ phá rối nền giáo dục”, “Đã đến lúc chấm dứt biển giấy tờ”, nay bắt đầu tặng độc giả những cái tít mới đầy nhuệ khí của “Bánh Lái” như: “Chúng ta xây dựng như chúng ta đang sống”, “Công trình khổng lồ sắp hoạt động”, “Người xây dựng khiêm tốn”, vân vân và vân vân.
Treukhov run run giở số báo ra và với cảm giác ghê tởm những người anh em làng báo, ông đọc những dòng sảng khoái viết về mình:
“Tôi leo lên các vì kèo. Gió thổi lùng bùng trong lỗ tai. Đứng trên cao là ông ta, người kỹ sư xây dựng xí nghiệp tàu điện khổng lồ của chúng ta, một kẻ hình dáng xấu xí, mũi hếch, gầy nhom, đầu đội một chiếc mũ nhếch nhác.
Tôi chợt nhớ đến câu thơ: “Anh đứng trên bờ sóng sa mạc, với ngập tràn những suy ngẫm vĩ đại”.
Tôi tiến lại gần. Không một làn gió nhẹ. Cái vì kèo chả chịu rung rinh gì hết.
Tôi hỏi:
– Các anh có hoàn thành nhiệm vụ được không?
Bộ mặt xấu xí của nhà xây dựng, kỹ sư Treukhov, sinh động hẳn lên.
Ông ta bắt tay tôi và nói:
– Bảy chục phần trăm nhiệm vụ đã được hoàn thành.
Và bài báo kết thúc như sau:
Ông ta bắt tay tôi lúc chia tay... Những cái vì kèo kêu vo vo.
Công nhân đi đi lại lại.
Ai có thể quên được không khí sôi sục của một công trường xây dựng, quên được hình dáng cặm cụi của người thợ xây dựng của chúng ta.
“Bánh Lái”
Rất may cho Treukhov là ông không có thời gian đọc báo và đôi khi có thể bỏ qua các bài viết của đồng chí “Bánh Lái”
Một lần Treukhov không chịu nổi nữa, đã viết lời phủ nhận với nội dung cay độc, sau nhiều phút suy nghĩ kỹ lưỡng. Ông viết:
“Dĩ nhiên, cái bu-lông không thể gọi là cái trục truyền động, nhưng đó là sự nhầm lẫn chỉ của những kẻ không hiểu tí gì về công tác xây dựng. Sau nữa, tôi muốn lưu ý đồng chí “Bánh Lái”, rằng các vì kèo chỉ rung rinh và kêu vo vo khi nào công trình xây dựng sắp đổ sụp mà thôi. Không dưng vô vớ mà tả như vậy thì chẳng khác gì bảo rằng cây đàn vi-ô-lông có thể đẻ con. Xin đồng chí “Bánh Lái” phát ngôn thận trọng cho.”
Sau bài này, nhà báo Prints Đatski thôi không đến công trường, nhưng những bài ký của ông ta vẫn tiếp tục tô điểm cho cột thứ ba của tờ báo và nổi bật với những cái tít đại loại như: “15000 rúp đang han rỉ”, “Những túp lều – nhà ở”, “Vật liệu than khóc”, “Chuyện tức cười và giọt nước mắt”.
Việc xây dựng sắp hoàn thành. Các đường ray được hàn liền với nhau theo phương pháp hàn lửa không còn tí kẽ hở nào suốt một đoạn dài từ ga xe lửa đến lò sát sinh và từ chợ trời đến nghĩa trang.
Ban đầu lễ khánh thành đường ray xe điện được dự định làm vào dịp kỷ niệm chín năm cách mạng tháng Mười, nhưng nhà máy chế tạo toa xe viện cớ thiếu sắt, không cung cấp các toa xe đúng hạn. Đành phải lùi buổi lễ đến dịp mồng một tháng năm, đến ngày ấy thì tất cả mọi thứ đều đã xong xuôi.
Hai thành viên của hợp đồng tha thẩn cùng với đoàn diễu hành đi tới Gusisa. Cả Stargorot đã tụ tập về đây. Tòa nhà mới của đề-pô được viền xung quanh bằng những cây lá nhọn, những lá cờ bay phần phật, gió đùa giỡn trên các băng khẩu hiệu. Một chiến sĩ công an cưỡi ngựa phi nước đại đến chỗ gã bán kem đầu tiên, – gã này chẳng hiểu bằng cách nào lọt vào khoảng đất trống do một hàng rào nhân viên ngành xe điện canh gác. Giữa hai cánh cổng lớn của đề-pô nổi cao lên một lễ đài, nói đúng hơn là một diễn đàn tạm bợ, được gắn một chiếc loa phóng thanh. Các đại biểu tiến lại bên lễ đài. Dàn nhạc khí của sở công trình công cộng và nhà máy dây cáp đang thử sức bộ phổi của mình. Một chiếc trống đặt nằm dưới đất.
Trong khu vực đề-pô sáng sủa, nơi có mười toa xe điện màu xanh nhạt, được đánh số từ 701 đến 710, một phóng viên từ Mátxcơva về, đầu đội mũ cát-két dạ, đang thong thả đếm bước. Trên ngực đeo một chiếc máy ảnh mà cứ chốc chốc anh ta lại chăm chú nhòm vào đó như lúc soi gương. Phóng viên đang tìm kỹ sư trưởng để phỏng vấn mấy câu về đề tài xe điện. Mặc dù trong đầu đồng chí phóng viên, bài ký về lễ khánh thành đường xe điện kèm theo đề cương các bài diễn văn sắp đọc đã chuẩn bị xong xuôi, song anh ta vẫn tiếp tục quan sát và thấy rằng ở đây chỉ có một thiếu sót là không có căng-tin.
Đám đông ca hát, kêu thét ầm ĩ và gặm nhấm các thứ quả có hột trong khi chờ đợi tàu điện ra mắt.
Đoàn chủ tịch ban chấp hành Xô viết tỉnh bước lên lễ đài. Prints Đatski ấp úng trao đổi vài câu với đồng nghiệp từ Mátxcơva về. Mọi người đang chờ mong nhóm quay phim thời sự của thủ đô.
– Thưa các đồng chí! – Gavrilin nói – Xin tuyên bố khai mạc buổi mít tinh trọng thể nhân dịp khánh thành tàu điện Stargorot.
Những chiếc kèn đồng chao qua chao lại, thở dồn dập và thổi liền ba lần bài “Quốc tế ca”.
Gavrilin nói to:
– Xin giới thiệu đồng chí Gavrilin lên báo cáo!
Prinst Đatski-“Bánh Lái” – và vị khách Mátxcơva không ai bảo ai, cùng ghi vào sổ tay của mình.
“Buổi mít tinh trọng thể được mở đầu bằng bản báo cáo của giám đốc sở công trình công cộng Stargorot, đồng chí Gavrilin. Công chúng lắng nghe”.
Hai phóng viên là những người hoàn toàn khác nhau. Vị khách Mátxcơva còn trẻ, chưa vợ, Prinst-“Bánh Lái” thì đã có một gia đình đông con, đã sang cái tuổi ba mươi từ lâu. Một người luôn luôn sống ở Mátxcơva, người kia chưa đến Mátxcơva bao giờ. Một người thích bia, còn “Bánh Lái” thì ngoài rượu vốt-ca, không uống loại nào khác. Song mặc dù có sự khác nhau ấy về tính nết, thói quen, tuổi tác và sự giáo dục, ấn tượng của cả hai phóng viên đều được đúc kết bằng những câu văn sáo rỗng, nhàm chán. Ngòi bút của họ ngoáy lia lịa, và trong sổ tay hiện lên dòng chữ mới: “Trong ngày hội này, đường phố Stargorot dường như rộng thêm ra...”
Gavrilin mở đầu bài diễn văn của mình một cách đơn giản và hấp dẫn.
– Xây dựng tàu điện – Gavrilin nói – đó không phải là chuyện mua lừa.
Trong đám đông đột nhiên nổ ra tiếng cười ha hả của Ostap Benđer. Hắn đánh giá cao câu nói ấy. Phấn khởi vì được hưởng ứng, Gavrilin bỗng dưng nói về tình hình thế giới, chính anh cũng chẳng hiểu vì sao mình làm như vậy. Đã mấy lần anh ta cố đưa bản báo cáo chạy trên đường ray tàu điện, nhưng đều kinh hãi nhận ra rằng mình không tài nào làm nổi việc đó. Những câu nói, tự chúng, trái với ý muốn của diễn giả, hóa thành những câu mang tầm cỡ quốc tế. Sau Sămbéclanh (kẻ được Gavrilin dành cho nửa tiếng), thì nghị sĩ Bôra của nước Mỹ bước ra vũ đài quốc tế. Công chúng sững sờ. Hai phóng viên đồng loạt ghi chép “Bằng những câu nói đầy hình ảnh, diễn giả miêu tả tình hình quốc tế của Liên bang Xô viết chúng ta...”. Hăng máu lên, Gavrilin tung ra những nhận định xấu xa về bọn đại điền chủ ở Rumani, rồi chuyển sang Mussolini. Mãi đến cuối bài diễn văn anh ta mới khắc phục được cái bản tính quốc tế thứ hai của mình để quay về với những lời nói thực tế dễ lọt tai:
– Thưa các đồng chí, cho nên tôi nghĩ rằng chuyến tàu điện đầu tiên sắp từ đề-pô chạy ra là nhờ công lao của ai? Thưa các đồng chí, dĩ nhiên là nhờ các đồng chí, nhờ tất cả những người công nhân thực sự làm việc không phải vì sợ roi vọt, mà vì lương tâm, các đồng chí ạ. Ngoài ra, thưa các đồng chí, còn nhờ một chuyên gia Xô viết trung thực, ấy là kỹ sư trưởng Treukhov. Xin cám ơn cả Treukhov nữa!...
Mọi người đổ xô đi tìm Treukhov, nhưng không thấy. Đại diện các nhà máy bơ, một người sốt ruột chờ đến lượt mình phát biểu từ lâu, lén ra lan can của lễ đài, vung tay và nói rất to về tình hình thế giới. Khi bài diễn văn của vị này chấm dứt, cả hai phóng viên dỏng tai nghe mấy tiếng vỗ tay lẹt đẹt, đã ghi rất nhanh vào sổ: “... tiếng vỗ tay rầm rộ nổi lên như sóng cồn...”. Sau đó hai người cầm bút nghĩ lại về mấy chữ “nổi lên như sóng cồn”... ngại rằng viết như thế hơi quá tay chăng. Anh phóng viên Mátxcơva bèn quả quyết xóa mấy chữ ấy đi. “Bánh Lái” thì thở dài không xóa.
Mặt trời đã xế chiều. Trên diễn đàn, các đại biểu vẫn chúc mừng. Dàn nhạc chốc chốc lại nổi lên nhạc chào. Ánh nắng sắp tắt, mà buổi mít tinh vẫn tiếp diễn. Cả người nói lẫn người nghe đều cảm thấy đã xảy ra chuyện gì trục trặc, cuộc mít tinh đã quá lâu, phải mau chóng cho tàu điện ra mắt. Nhưng mọi người đã quen nói đến mức không thể ngừng lại được.
Cuối cùng người ta tìm thấy Treukhov lấm lem dầu mỡ. Trước khi bước ra diễn đàn, ông phải rửa mặt mũi chân tay khá lâu trong văn phòng.
Gavrilin vui mừng báo tin:
– Mời đồng chí kỹ sư trưởng Treukhov lên phát biểu! Nào, ông nói đi, kẻo tôi cứ nói toàn chuyện đâu đâu, – câu sau anh ta nói nhỏ với Treukhov.
Treukhov muốn nói nhiều điều. Nói về những ngày lao động cộng sản chủ nghĩa, về công việc nặng nhọc, về tất cả những gì đã làm và còn có thể làm. Mà những việc có thể làm được thì không ít: nào giải phóng thành phố khỏi cái thứ chợ trời hay lây, nào xây dựng các chợ có mái che, nào xây dựng chiếc cầu cố định thay thế cho chiếc cầu tạm bợ mà năm nào cũng bị băng cuốn trôi, cuối cùng có thể thực hiện các dự án thiết kế một lò mổ lớn có thiết bị ướp lạnh.
Treukhov há miệng, ngập ngừng nửa phút, rồi nói:
– Thưa các đồng chí, tình hình thế giới của nước ta...
Tiếp đó, ông tuôn ra hàng tràng những chân lý sơ đẳng khiến cho đám đông đã nghe năm bài diễn văn về tình hình thế giới đành phải tỏ thái độ lạnh nhạt. Phát biểu xong, Treukhov mới sực hiểu rằng ông chưa nói lời nào về tàu điện cả. “Vớ vẩn thật, – ông nghĩ thầm, – quả thật chúng ta không biết nói năng, tuyệt đối không biết”.
Rồi ông nhớ lại lời phát biểu của một người cộng sản Pháp mà ông được nghe tại một cuộc họp ở Mátxcơva. Người ấy nói về báo chí tư sản. “Những diễn viên hào lộn ấy, những chuyên gia tung hứng ấy, những cái máy rôtatíp ấy...” Phần đầu bài phát biểu người Pháp dùng nốt la, phần thứ hai dùng nốt đô và phần kết, phần bi tráng nhất thì hạ xuống nốt mi. Điệu bộ của anh ta rất khoan thai và đẹp mắt.
“Còn ta thì nói năng vớ vẩn, – Treukhov tự phê phán, – lẽ ra chẳng nên đăng đàn làm gì.”
Trời đã tối hẳn thì đồng chí chủ tịch ban chấp hành Xô viết tỉnh mới cầm kéo cắt chiếc băng đỏ chăng ngang của đề-pô. Anh em công nhân và đại biểu các tổ chức xã hội bắt đầu ồn ào leo lên các toa tàu điện. Mấy tiếng chuông rung leng keng, rồi toa tàu thứ nhất do đích thân Treukhov lái chạy ra khỏi đề-pô giữa tiếng reo hò của công chúng và tiếng rền rĩ của dàn nhạc. Những toa tàu sáng rực hơn cả ánh sáng ban ngày. Chúng nối đuôi nhau chạy qua dưới gầm chiếc cầu xe lửa ở khu Gusisa, nhẹ nhàng chạy vào nội thành và ngoặt sang đại lộ Đại Puskin. Dàn nhạc ngồi ở toa số hai, các nhạc công chĩa kèn ra ngoài cửa sổ, tấu hài hành khúc Budiônưi
Gavrilin mặc chiếc áo tu-giua-ca của người soát vé, chiếc xà cột có dây vắt qua vai, nhảy từ toa này sang toa kia, mỉm cười thân ái, rung chuông không đúng lúc và trao cho hành khách những chiếc vé mời.
VÉ MỜI ĐI DỰ DẠ HỘI TRỌNG THỂ
Ngày 1 tháng 5 vào lúc 9 giờ tối
Tại câu lạc bộ sở công trình công cộng
tổ chức kèm theo chương trình sau đây:
1- Báo cáo của đồng chí Mosin
2- Sở công trình công cộng tặng bằng khen.
3- Phần liên hoan: ca nhạc và liên hoan mặn thân mật.
Ở bậc lên xuống của toa cuối cùng, Viktor Mikhailovich Polesov đang đứng đó, không rõ bằng cách nào ông ta lọt được vào số hành khách danh dự của chuyến tàu này. Polesov ngửi ngửi cái động cơ và cực kỳ kinh ngạc vì thấy nó không chỉ đẹp về hình thức mà còn chạy tốt. Kính cửa không hề rung. Nhìn kỹ, Polesov mới nhận ra rằng đó là nhờ cửa kính có đệm cao su.
Ông ta đã lên tiếng góp ý mấy lần với nhân viên phụ trách toa và được công chúng coi là một chuyên gia về tàu điện ở phương tây.
– Phanh không khí làm việc tồi lắm – Polesov vừa tuyên bố, vừa đắc thắng nhìn hành khách, chả thấy “ăn” gì cả.
– Không ai hỏi ý kiến ông, – người phụ trách toa nói, – Ăn hay không còn tùy.
Sau khi chạy một tua trong thành phố, các toa tàu trở về đề-pô nơi công chúng vẫn đứng chờ. Người ta công kênh Treukhov dưới ánh sáng rực rỡ của các ngọn đèn điện. Người ta cũng công kênh cả Gavrilin, nhưng vì anh ta nặng đến sáu pút (1), không bay cao được, nên lát sau họ buông anh ta ra. Người ta công kênh đồng chí Mosin, các cán bộ kỹ thuật và công nhân. Viktor Polesov lại được công kênh, đây là lần thứ hai trong ngày. Lần này ông ta không khua khoắng hai chân nữa mà nghiêm trang và chăm chú hướng lên bầu trời đầy sao, người bay bổng trong bóng tối. Đang chuẩn bị kế hoạch bay một lần nữa, thì Polesov nhận ra rằng người đang túm chân ông ta và cười khùng khục chẳng phải ai khác, mà chính là ngài cựu đô thống Ippolit Matveevich Vorobjaninov. Polesov bèn nhẹ nhàng gỡ tay Ippolit ra, lánh sang một bên, nhưng mắt thì dán chặt vào ngài cựu đô thống. Thấy Ippolit cùng với một người lạ mặt trẻ tuổi, chắc hẳn là sĩ quan quân đội cũ, bỏ ra về, Polesov liền thận trọng bám theo họ.
Khi tất cả đã xong xuôi và Gavrilin đã ngồi trong chiếc xe Fiat màu tím của mình chờ kỹ sư Treukhov đang ra những mệnh lệnh cuối cùng, để cùng về câu lạc bộ, thì một chiếc xe Pho nửa du lịch, nửa vận tải, chở các nhà quay phim thời sự, chạy vào cổng đề-pô.
Từ trong xe một người đàn ông đeo kính gọng sừng thập nhị giác, mặc chiếc áo da cộc tay rất điệu, khéo léo nhảy ra. Bộ râu dài và nhọn của ông ta mọc thẳng từ yết hầu ra. Người đàn ông thứ hai lễ mễ bưng ra chiếc máy quay phim, anh ta quàng một chiếc khăn phu-la dài loằng ngoằng theo cái kiểu mà Ostap Benđer quen gọi là “siêu mô-đéc”. Tiếp đó, từ trong xe chui ra các vị trợ lý, nhân viên phụ trách đèn pha và mấy cô gái.
Cả tốp làm phim í ới chạy bổ vào đề-pô.
– Chú ý! – Người đàn ông mặc áo da, râu nhọn hét to – Kôlia, rọi đèn pha đi!
Treukhov ngập ngừng tiến về phía các vị khách đến muộn.
– Các đồng chí xưởng phim phải không? – Ông hỏi – Sao các đồng chí không đến lúc ban ngày?
– Thế lễ khánh thành dự kiến vào lúc mấy giờ?
– Làm lễ xong cả rồi.
– À, à, chúng tôi bị chậm một chút. Chả là thời tiết đẹp quá mà. Công tác lại nhiều. Cảnh hoàng hôn đẹp tuyệt trần! Nhưng không sao, bọn tôi biết cách chu đáo. Nào, Kôlia! Rọi đèn pha đi! Bánh xe đang quay! Chiếu đèn rộng nữa ra! Những bước chân rầm rập của đám đông! Rộng nữa ra! Linda đâu! Mila đâu! Bước qua chỗ ống kính đi! Kôlia! Nào, rọi đèn đi! Các cô bước cho hùng dũng xem nào! Đi đi, đi đi, đi đi... Được rồi. Cám ơn. Bây giờ ta sẽ quay hình ảnh nhà xây dựng. Đồng chí Treukhov? Nào, xin đồng chí Treukhov làm ơn giúp bọn tôi một tay! Không, không, thế này kia. Ngẹo đầu một chút nữa! Thế... thế, dịch sang phải để lấy nền tàu điện... Kôlia! Rọi đèn đi! Đồng chí nói cho vài câu đồng chí Treukhov!...
– Tôi ấy à, nó cứ mất tự nhiên thế nào ấy!...
– Tuyệt, tuyệt vời! Hay quá! Đồng chí nói nữa đi! Bây giờ đồng chí hãy nói với nữ hành khách đầu tiên nhé... Linda! Bước lại gần ống kính đi! Thế. Thở sâu vào nào, các bạn đang hồi hộp quá đấy! Kôlia!... Rọi đèn xuống chân! Quay đi! Thế... thế... cám ơn lắm! Stốp!
Gavrilin nặng nề chui ra khỏi chiếc Fiat nổ máy từ lâu, để gọi ông kỹ sư lề mề. Ông đạo diễn có yết hầu đầy râu phấn chấn hẳn lên.
– Kôlia! Lại đây! Cảnh này mới tuyệt đây! Công nhân đâu! Hành khách đâu! Xin các vị thở sâu cho. Các vị đang xúc động đấy. Các vị chưa từng đáp tàu điện mà lại! Nào! Thở cho sâu vào!
Gavrilin khó chịu hít một hơi dài.
– Tuyệt đỉnh!... Mila, lại đây, cô em! Thay mặt cho đoàn Com-xô-môn chúc mừng đi!... Thở cho sâu nào!... Các bạn đang xúc động quá đấy. Thế!... Hay lắm. Kôlia, xong rồi!
– Thế có quay toa tàu không ạ? – Treukhov ngập ngừng hỏi.
– Đồng chí thấy đấy, – vị đạo diễn mặc áo da ấp úng, – điều kiện ánh sáng không cho phép... phải về quay cảnh tàu điện ở Mátxcơva vậy. Cám ơn!
Tốp làm phim biến mất trong chớp mắt.
– Thôi, ta đi nghỉ thôi, anh bạn, – Gavrilin nói – Sao, ông lại hút thuốc lá đấy hả?
– Vâng, lại nghiện mất rồi – Treukhov đáp – không cai nổi.
Tại buổi liên hoan mặn, kỹ sư Treukhov đói meo và hút nhiều thuốc lá nên mới uống ba ly rượu vốt-ca đã say mèm. Ông hôn tất cả mọi người và mọi người đều hôn ông. Ông muốn nói một lời dịu dàng với vợ, nhưng lại chỉ cười ha hả. Sau đó ông lắc lắc mãi bàn tay của Gavrilin và nói:
– Anh lạ lắm! Anh nên học thiết kế các cầu xe lửa, Gavrilin ạ. Đấy là một khoa học tuyệt diệu. Và cái chính là nó rất đơn giản, tuyệt đối đơn giản. Một chiếc cầu bắc qua sông Gutzon,...
Nửa tiếng sau, Treukhov đã say hoàn toàn, ông cất giọng tố cáo giới báo chí tư sản:
– Những lực sĩ tung hứng ấy, những chuyên gia nhào lộn ấy, những diễn viên Rô-ta-típ ấy,... – ông hét lên.
Vợ ông phải thuê xe ngựa dìu ông về nhà.
– Tôi muốn đi tàu điện cơ! – Ông bảo vợ – sao bà không thông cảm với tôi nhỉ? Nếu đã có tàu điện, thì phải đi tàu điện chứ!... Tại sao? Thứ nhất là nó rẻ...
Polesov bám sát hai thành viên của hợp đồng, cố kìm lòng mãi, chờ tới lúc không còn ai xung quanh, mới tiến lại gần Ippolit Matveevich.
– Chào ngài đô thống ạ! – Ông ta cung kính nói.
Ippolit chết sững.
– Tôi không có hân hạnh quen biết ông, – Ippolit đáp.
Ostap khuỳnh vai phải, bước tới ông thợ nguội quý phái.
– Sao, hắn nói, – ông muốn gì ở ông bạn của tôi?
Polesov ngó quanh, nói nhỏ:
– Xin hai ngài đừng lo, tôi được bà Êlêna Bour cử đến...
– Sao? Bà ấy ở đây à?
– Vâng, và rất mong gặp ngài.
– Để làm gì? – Ostap hỏi – Thế ông là ai?
– Tôi, xin ngài đô thống đừng nghĩ xấu về tôi. Ngài không biết tôi, chứ tôi nhớ ngài rõ lắm.
– Kể ra tôi cũng muốn gặp Êlêna Bour – Ippolit ngập ngừng nói.
– Bà ấy khẩn khoản mời ngài đến đấy ạ.
– Nhưng làm sao bà ấy biết tôi về?...
– Tôi gặp ngài ở hành lang sở công trình công cộng và cứ nghĩ mãi: khuôn mặt quen quá. Rồi tôi nhớ ra. Xin ngài đô thống đừng nghi ngại chi hết! Tất cả sẽ hoàn toàn bí mật.
– Bà ta là chỗ quen biết hả? – Ostap nghiêm trang hỏi.
– Vâng, người quen cũ.
– Thế thì có lẽ ta ghé lại nhà người quen cũ ăn tối chăng? Bụng tôi đang đói cồn cào lên đây, mà quán ăn nào cũng đóng cửa cả rồi.
– Có lẽ...
– Thì đi, nào, người lạ mặt bí hiểm. Hãy dẫn chúng tôi đi.
Polesov đưa hai thành viên của hợp đồng đi tắt qua các sân. – vừa đi vừa ngoảnh lại phía sau xem có ai theo dõi không – đến nhà mụ thầy bói ở Pereleshin.

 

Chú thích:
(1) Một pút (đơn vị đo lường cũ của Nga) = 16,38 kg.